Di văn của danh nhân Đỗ Quang tại Đô Lương

Thứ tư - 10/07/2024 04:03 0
Tấm văn bia được nói đến mang tên “Lương Sơn huyện bi ký”. Văn bia này trước đây đặt ở nơi nào, gắn với địa điểm nào đến nay không ai còn biết. Chắc rằng trải qua biến cố thời gian nên di tích gắn với những tấm bia này không còn nữa. Chính vì vậy chúng đã phải chịu cảnh nằm lăn lóc bên đường trong một thời gian dài trước khi được đặt dưới gốc cây đa chợ Huyện và đem về dựng tại nhà văn hóa huyện.
Tấm bia tạc theo phong cách tạo hình thời Nguyễn: trán bia khắc hình “lưỡng long chầu nhật nguyệt”, xung quanh thân bia là hoa lá uyển chuyển và thanh thoát. Đặc biệt trên đỉnh bia lại tạc hình một đài sen làm tăng thêm vẻ sang trọng và thanh tao của những sự kiện được được nhắc tới trong văn bia cũng như tác giả soạn văn. Bia có hai mặt đều khắc chữ Hán chân phương đặc trưng của thời Nguyễn sơ. Trải qua mưa nắng bào mòn đã gần 150 năm những chữ viết còn rõ ràng, dễ đọc. Mặt trước bia có 14 dòng, phía trên lòng bia có chữ “Lương Sơn huyện bi ký”, mặt sau ghi tên tuổi những người công đức cung tiến tiền của ruộng vườn. Qua nội dung cho biết tấm bia này trước kia được đặt tại nhà “ Tư Văn” của huyện Lương Sơn, nay là xã Lưu Sơn huyện Đô Lương. Trải qua thời gian, nhà Tư văn nay không còn nữa, chỉ còn lại tấm văn bia trên.

Ảnh: Văn bia “Đô Lương tổng bi ký” được dựng tại cây Đa chợ huyện, nay đã được dựng trong khuôn viên nhà văn hóa huyện Đô Lương

Văn bia này thuộc thể “ký”, cụ thể hơn là ký đình, đài, danh thắng. Đây một loại văn bản đặc biệt có nội dung tư tưởng và ý nghĩa xã hội rất sâu sắc và ý nghĩa. Nghệ An cũng giống như các vùng đất có truyền thống hiếu học khác trên cả nước, ngoài Văn miếu tỉnh đều xây dựng Văn thánh, Văn từ, Tư văn, Văn chỉ ở các huyện, tổng… để thờ các vị Tiên hiền và khắc bia đá để ghi tên tuổi những người đỗ đạt của địa phương. Qua văn bia cho chúng ta thấy được truyền thống hiếu học, trọng lễ nghĩa của huyện Lương Sơn nói riêng và xứ Nghệ nói chung. Chính vì vậy không thể không xây dựng nhà Tư Văn để khuyến khích việc học hành và khẳng định quê hương văn vật phát triển, phong tục thuần hậu cũng chính là nhờ vào sự giáo hóa đó. Điều này cho thấy tinh thần trọng Nho học của nước ta dưới triều Nguyễn và tầng lớp trí thức đương thời. Những sự kiện đó đều phải được khắc ghi lên bia đá để lưu truyền cho hậu thế.
Về những nhân vật, sự kiện có liên quan, trong văn bia có ghi rõ: “Sau vài năm thì có ông họ Nguyễn ở Văn Tràng và ông họ Nguyễn ở Đô Lương cùng nối tiếp nhau đỗ tiến sĩ”, ông họ Nguyễn ở Văn Tràng tức nói đến ông Nguyễn Thái Đễ, đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1849) và ông họ Nguyễn ở Đô Lương tức chỉ ông Nguyễn Nguyên Thành, đỗ tiến sĩ khoa Tân Hợi niên hiệu Tự Đức thứ 4 (1851). Đây đều là những danh nhân nổi tiếng và là lãnh tụ của phong trào Văn thân (Nguyễn Nguyên Thành) của nước ta hồi cuối thế kỷ XIX.
Đặc biệt, hàng chữ cuối ở mặt trước tấm văn bia có ghi rõ: “Tứ Nhâm Thìn khoa đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, Trung Thuận đại phu, Hồng Lô tự khanh, Lãnh Nghệ An đẳng xứ địa phương Thừa tuyên bố chính sứ ty Bố chính sứ Đỗ Quang soạn” cho ta biết người soạn văn bia chính là Tiến sỹ Đỗ Quang – một danh nhân của quê hương Hải Dương.
Đỗ Quang còn gọi là Đỗ Tông Quang sinh ngày 25 tháng 9 năm Đinh Mão (1807) tại làng Phương Điếm xã Văn Lư, huyện Gia Lộc, Phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình dòng dõi thi thư lễ nghĩa. Năm Nhâm Thìn niên hiệu Minh Mạng, ông thi đậu Tiến sĩ và được giữ chức Hàn lâm viện trực học sỹ biên tu, tham gia viết hai bộ quốc sử là “Đại Nam thực lục tiền biên” và “Ngọc điệp”. Từ Năm 1835 đến 1847 ông lần lượt được bổ nhiệm làm tri phủ Diễn Châu (Nghệ An), Án sát tỉnh Quảng Trị, Thị lang bộ Công, Thị lang bộ Lại, Phán khảo trường thi Hà Nội, Giám khảo trường thi Gia Định và được thăng chức Lang trung sung vào ban Tuyển quyển của triều đình, làm giảng quan cho vua và duyệt thi với chức Thủ tham tri bộ lễ. Ông còn là vị quan luôn chăm lo đời sống cho nhân dân, nhất là những người cùng khổ. Có lần ông đã tự ý giảm thuế cho những người nghèo nên đã bị thất thu 300 quan tiền và 100 lạng bạc. Vì việc này ông bị vua Tự Đức cách chức nhưng sau đó được minh oan. Sau đó chính nhà Vua chuẩn cho ông làm Bố Chính tỉnh Nam Định.
Tháng 9 năm 1858, Pháp đánh chiếm Đà Nẵng. Năm sau quân Pháp vây đánh thành Gia Định, quân triều đình thua chạy. Đứng trước nạn xâm lăng, Đỗ Quang đứng về phe chủ chiến. Tháng giêng năm 1860 triều đình cử ông vào nhận chức Tuần phủ Gia Định. Ông cùng Nguyễn Tri Phương hợp lực đánh giặc. Sau đó ông tiếp tục ở lại Gia Định cùng Trương Định tìm kế đánh giặc. Khi Trương Định được phong “Bình Tây đại nguyên soái” thì ông nhậm chức” Đốc biện quân lương” phụ trách tuyển mộ quân binh và quyên góp lương thảo. Có lần ở chiến khu, Ông nghe tin vào đêm 16 tháng 12 năm 1861, một số dân binh đã tập kích đồn Pháp ở Cần Giuộc (thuộc Long An), gây cho đối phương nhiều thiệt hại nhưng quân ta hy sinh khoảng hai mươi người. Ông vô cùng cảm kính sự hy sinh anh dũng đó nên đã lập tức sai người đến nhờ cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu làm một bài văn tếđể đọc tại buổi lễ truy điệu các nghĩa sĩ vừa mới hy sinh, đấy chính là tác phẩm “Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc”.
Suốt thời gian gần hai năm đầu của cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược, Đỗ Quang cùng Trương Định đánh thắng nhiều trận, tiêu diệt hơn 2000 quân Pháp. Trong lúc đó, triều đình Huế nhu nhược kí hòa ước 5/6/1862 dâng 3 tỉnh miền đông cho Pháp. Trương Định bị điều đi nhậm chức lãnh binh ở An Giang và Phú Yên, Đỗ Quang bị triều đình triệu về kinh thăng chức Tham tri bộ hộ cử đi nhậm chức tuần phủ Nam Định. Ông liền dâng sớ xin cáo quan về nhà. Trong sớ có đoạn viết: “Thiết nghĩ tôi kém tài năng, được phụng chỉ triệu hồi, nghĩ đến nghĩa sĩ vì nước đã quyên tiền của ra sức chiến đấu mà phải chịu cảnh là dân mất nước, lòng đau như cắt. Như tôi, trên phụ lòng vua, dưới phụ lòng bách tính, tội lỗi không chối cãi được. Nếu nay tôi lại nhận quan chức được thăng thì sĩ dân Gia Định sẽ nhận xét tôi ra sao, dư luận thiên hạ sẽ bảo thế nào? lòng dạ tôi xấu hổ nhường nào? Xin nhà vua cho về với làng mạc, ruộng vườn, có vậy mới hả lòng oán giận của sỹ dân và bảo tồn được liêm sỉ, khí tiết của hạ thần…”
Trở về quê ông mở trường dạy học, nuôi mẹ già và sống cuộc đời thanh bần cùng xóm làng. Ông mất vào năm 1866 thọ 59 tuổi. Triều đình Huế đã truy tặng ông “Lễ bộ thượng thư” và đưa vào thờ “đình Hiền Lương”. Cảm mến đức tài của ông, nhân dân quê nhà đã lập văn tế và bài vị tôn thờ tại đình Phương Điếm. Mộ Tiến sỹ Đỗ Quang và đình Phương Điếm đã được nhà nước xếp hạng quốc gia ngày 5/9/1989.
Tiến sỹ Đỗ Quang là một nhân vật lịch sử lớn của nước ta cuối thế kỷ XIX. Cuộc đời làm quan của ông nổi tiếng thanh liêm, chính trực, được nhân dân ca ngợi là bậc “dân chi phụ mẫu”. Ông lại nổi tiếng với tài thao lược và lòng yêu nước ông là một trong những vị anh hùng đầu tiên đứng lên chống lại giặc Pháp xâm lược. Thời điểm soạn bài văn bia nói trên (1856), Tiến sỹ Đỗ Quang đang giữ chức Bố chính sứ tại Nghệ An. Trước đó trong khoảng những năm 1835 – 1847 ông đã từng giữ chức Tri phủ Diễn Châu. Trong thời gian dài làm quan tại xứ Nghệ ông đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trên mảnh đất này địa linh nhân kiệt này mà tấm văn bia ông soạn để ca ngợi giáo hóa, học hành tại huyện Lương Sơn là một bằng chứng cụ thể. Việc sưu tầm thêm văn bia này góp phần làm phong phú thêm kho tàng tác phẩm của ông và cũng là một tư liệu quý đóng góp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về di văn của những danh nhân Hải Dương còn lưu lại trên các tỉnh bạn.
Chúng tôi xin ghi lại nguyên văn chữ Hán cũng như phần dịch nghĩa như sau (bài dài, chúng tôi xin lược phần phiên âm).
Nguyên văn
梁山縣碑記
縣有祠曰斯文祭古矣梁山領總五其四南塘之都梁純忠白河朗田其一清漳之鄧山明命庚子始則于縣紹治癸卯翰林院直學士槐廬阮君會縣紳卜地于椒山壇而祭之別其始也後數稔文場阮君都梁阮君相繼第進士諸科舉人秀才日益果乃謀易壇而祠領縣藉者差次出錢有物力者亦樂割產庀材程功為祠正堂前堂及東西廡瓦蓋甄砌以嗣德辛亥冬起工越癸丑秋工竣徵記于余余惟夫古之入學必釋菜于先師禮也今文治大興上自國都下及閭巷莫不有學庠在州縣莫不有先師之祠梁山新縣也是祠之建蓋因塘漳之舊而為梁山之始從此風雅烝烝人才郁發蔚然為聲名文物之地不其韙 歟若夫前後迴環水墨香也甲乙峙立筆峰秀也江山清淑之氣萃於此斯文之脈山河與壽矣爰記其事而鑱于石
嗣德玖年丙辰柒月貳拾陸日
賜壬辰科第三甲同進士出身中順大夫鴻臚寺卿領乂安等處地方承宣布政使司布政使杜光撰
Dịch nghĩa
Bia ký huyện Lương Sơn
Ở huyện có đền, gọi là Tư văn, tế tự đã từ lâu. Lương Sơn có 5 tổng, gồm bốn tổng của Nam Đường là Đô Lương, Thuần Trung, Bạch Hà, Lãng Điền và một tổng của Thanh Chương là Đặng Sơn. Năm Canh Tý niên hiệu Minh Mệnh (1840) thì bắt đầu lập huyện. Năm Quý Mão niên hiệu Thiệu Trị (1843), Trực học sĩ ở Hàn lâm viện họ Nguyễn hiệu Hòe Lư hội các thân hào trong huyện chọn đất ở đàn Tiêu Sơn để tế tự, khi đó mới bắt đầu tách biệt. Sau vài năm thì có ông họ Nguyễn ở Văn Tràng và ông họ Nguyễn ở Đô Lương cùng nối tiếp nhau đỗ tiến sĩ; các khoa cử nhân, tú tài ngày càng nhiều. Bèn tính chuyển đàn thành đền. Người quản lý sổ sách ở huyện thì hô hào dân chúng quyên góp tiền bạc, những người có vật lực cũng vui vẻ góp của cải sắm sửa vật liệu trình công sức làm đền. Chính đường, tiền đường và hai dãy đông tây đều lợp ngói, thềm lát gạch. Đến mùa đông năm Tân Hợi niên hiệu Tự Đức (1851) thì khởi công, sang mùa thu năm Quý Sửu (1853) thì hoàn thành. Bèn vời tôi làm bài ký, tôi thấy rằng: Người xưa nhập học ắt đến bái yết tiên sư, đấy chính là lễ vậy. Nay văn trị hưng thịnh, trên từ kinh đô dưới đến làng xã không đâu là không có trường học, tại châu huyện nơi nào cũng có đền thờ các vị tiên sư. Lương Sơn là huyện mới, Đền Tư văn này xây dựng lên đại khái là nhân cái cũ của NamĐường – Thanh Chương mà thành cái mới cuả Lương Sơn vậy. Từ đấy, phong nhã dấy lên, nhân tài phấn phát, chẳng phải đây là đất thanh danh văn vật sao! Đằng trước đằng sau, nghiên mực như dòng nước tỏa ngát hương thơm. Bên phải bên trái, cây bút như ngọn núi sáng tươi đẹp đẽ. Khí trong trẻo của núi sông hội tụ ở mạch tư văn này, cùng nước non muôn đời bất diệt vậy. Bèn ghi lại việc này mà khắc vào đá.
Ngày 26 tháng 7 năm Bính Thìn, niên hiệu Tự Đức thứ 9.
Vua ban Đệ tam giáp Đồng tiến sỹ xuất thân khoa thi năm Nhâm Thìn, Trung Thuận đại phu, Hồng lô tự khanh, Nhận chức Bố chính sứ ở ty Bố chính sứ địa phương các xứ Nghệ An, Đỗ Quang soạn.


 

Phương Lan

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây