Khoảng trống trong bảo tồn dân ca dân vũ của người Thổ

Thứ sáu - 26/07/2024 22:43 0
Dân tộc Thổ là một cộng đồng có tình yêu văn nghệ mãnh liệt. Họ say mê âm nhạc, say mê những làn điệu dân ca dân vũ truyền thống của mình. Nhưng hiện nay, đó gần như là chuyện của những người lớn tuổi. Đang thiếu vắng trầm trọng những người trẻ tuổi trong các cuộc biểu diễn dân ca dân vũ truyền thống của người Thổ ở các bản làng. Đó là một khoảng trống trong bảo tồn dân ca dân vũ của người Thổ hiện nay.
Hành trình theo tiếng cồng chiêng
Tháng 7/2018, lần đầu tiên có dịp đi khảo sát về dân ca dân vũ của người Thổ ở miền núi Nghệ An. Điểm đến của chúng tôi là bản Mó, xã Nghĩa Xuân (huyện Quỳ Hợp). Đây là một bản tập trung khá đông người Thổ, cũng là bản còn lưu giữ được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc này. Người Thổ ở đây còn giữ lại nhiều phong tục tập quán, trang phục truyền thống và nhất là dân ca dân vũ. Khi chúng tôi đến thì người dân đã tập trung khá đông ở nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của bản. Họ mặc trang phục truyền thống, chuẩn bị cồng chiêng để biểu diễn các tiết mục văn nghệ chào mừng đoàn đến làm việc, và cũng là dịp để bà con chia sẻ những suy tư về việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống người Thổ nói chung và về bảo tồn, phát huy dân ca dân vũ của người Thổ bản Mó nói riêng. Trong buổi gặp gỡ này, đồng bào đã biểu diễn rất nhiều làn điệu dân ca dân vũ dưới tiếng cồng chiêng ngâm vang, không chỉ những người tham gia biểu diễn văn nghệ mà còn rất nhiều người dân đến xem và tham gia.
Đến tháng 3/2023, tôi lại có dịp tiếp tục khảo sát về dân ca dân vũ của người Thổ ở vài nơi khác. Trước hết là đi khảo sát về nhóm thổ ở thôn Kẻ Min, xã Nghĩa Xuân (huyện Tân Kỳ). Đây là một bản người Thổ sinh sống lâu đời nên vẫn còn lưu giữ được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống. Đặc biệt nhất là nghề đan võng gai và các nghệ thuật biểu diễn. Sau khi trao đổi một số công việc, các nghệ nhân đã nổi cồng chiêng lên để biểu diễn văn nghệ. Nghe tiếng cồng chiêng nổi lên, người dân bắt đầu tập trung về nhà văn hóa. Càng lúc càng đông, cả người già và trẻ em đều đến để xem và tham gia văn nghệ. Hầu hết phụ nữ đến đây đều mặc trang phục truyền thống. Khá nhiều người đã đến nhà văn hóa từ sáng để cùng nhau đan võng gai. Và khi cồng chiêng nổi lên thì họ tạm ngưng việc đan võng lại để ra tham gia văn nghệ với mọi người.

Cồng chiêng trong đời sống tâm linh của người Thổ - ảnh 1

Cũng trong tháng 3/2023, tôi lại có dịp về làng Đóng, phường Quang Phong (thị xã Thái Hòa) để tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người Thổ. Nếu như bản Mó hay thôn Kẻ Min là những thôn bản lâu đời và hiện tại vẫn giữ gìn được các yếu tố văn hóa cộng đồng với các thiết chế văn hóa quan trọng của mình, thì ở làng Đóng lại khác. Làng Đóng trước đây cũng là một làng Thổ truyền thống, nhưng vài thập kỷ nay đã thay đổi nhanh chóng, hiện tại đã trở thành một phần nhỏ trong phường Quang Phong, nằm lọt thỏm giữa phố phường hiện đại. Cũng vì thế mà văn hóa truyền thống của người Thổ đã bị mai một, mất mát đi nhiều. Tuy nhiên, tình yêu văn nghệ của người Thổ làng Đóng lại không thua kém các địa phương khác. Sau khi trò chuyện với chúng tôi xong thì vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Hữu Thơ đã gọi cho vài người nữa đến và mang cồng chiêng ra đánh. Chẳng cần phải thông báo bởi tiếng cồng chiêng là tín hiệu quan trọng. Nghe tiếng cồng chiêng thì người dân bắt đầu tập trung lại. Chưa đầy nửa tiếng đã có hơn ba chục người đến tham gia văn nghệ. Nhưng ở đây, chỉ còn một số người già mặc trang phục truyền thống, phần nhiều lại mặc trang phục hiện đại. Họ cùng nhau nhảy múa với các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống dưới tiếng cồng chiêng âm vang.
Qua ba cuộc khảo sát trên, dù chưa thật sự sâu rộng, nhưng nó cho thấy người Thổ là một cộng đồng vô cùng yêu thích văn nghệ. Họ say mê văn nghệ một cách tự giác, khi có tiếng cồng chiêng vang lên thì những người Thổ trong bản sẽ tập trung đến nơi đó để xem, để tham gia biểu diễn văn nghệ. Và qua các khảo sát cũng gợi ra nhiều suy nghĩ về việc bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc Thổ trong bối cảnh hiện nay.
Một cộng đồng yêu thích văn nghệ
“Không cần mời gọi, chỉ cần nghe tiếng cồng chiêng nổi lên là người dân sẽ tập trung lại. Họ múa hát với nhau cho đến khi mệt thì nghỉ. Những đứa trẻ còn trên lưng mẹ hay những người già bảy, tám mươi tuổi đều thích du dương trong tiếng sáo, nhộn nhạo trong tiếng cồng chiêng... Đó là tình yêu văn nghệ của cộng đồng người Thổ. Nó mãnh liệt như những đôi trai gái trong thời đầu mới yêu nhau…”. Có lẽ đây là một mô tả sinh động nhưng cũng rất đúng với tình yêu văn nghệ của người Thổ.

bna_9.jpg

Nếu như ở bản Mó, biểu diễn văn nghệ vốn đã được chuẩn bị trước bởi các cán bộ trong xã và bản đã thông báo cho bà con biết có đoàn về khảo sát nên bà con đã chuẩn bị đầy đủ để biểu diễn cho khách quan thưởng thức, thì ở thôn Kẻ Min và làng Đóng là tự phát. Khi đến chúng tôi không thông báo cho bà con về việc biểu diễn văn nghệ. Nhưng khi nói chuyện về dân ca dân vũ, tình yêu văn nghệ của bà con trỗi dậy và bà con tự gọi nhau đến để biểu diễn văn nghệ như là để đáp ứng nhu cầu của chính mình mà thôi. Với đồng bào Thổ ở Kẻ Min, biểu diễn văn nghệ diễn ra thường xuyên hơn. Như nghệ nhân Nguyễn Thị Huyền, Chi hội trưởng Hội người cao tuổi thôn Kẻ Min chia sẻ: “Trừ lúc mùa màng bận rộn, thời gian còn lại người dân nơi đây, chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi, ngày nào cũng tập trung về nhà văn hóa để cùng nhau đan võng và trò chuyện với nhau. Khi nào cảm thấy thích thì chúng tôi đáng cồng chiêng lên để múa hát. Khi nghe tiếng cồng chiêng, người dân sẽ tự nhiên tập trung về để tham gia. Những dịp lễ tết thì ngày nào cũng có biểu diễn văn nghệ. Hầu như ai cũng thích đến để tham gia”. Ở làng Đóng cũng vậy, không chỉ dịp lễ tết mà ngày thường người dân vẫn hay tổ chức văn nghệ để được cùng nhau múa hát những làn điệu dân ca dân vũ truyền thống. “Ngoài công việc gia đình và làm một ít ruộng nương thì chúng tôi cũng rảnh rỗi nên hay tổ chức cồng chiêng và múa hát. Người già cả rồi, làm được gì khác đâu, hát múa để vui với bạn bè, với con cháu. Có những dịp còn đi tham gia văn nghệ ở huyện, ở tỉnh, nhưng chủ yếu thì múa hát ở nhà với bạn bè cũng vui hơn. Con cháu bận đi làm ăn cả, nên người già vui vẻ với nhau cũng được. Mỗi thế hệ có những nỗi lo riêng”. Nghệ nhân Hồ Thị Năm ở làng Đóng tâm sự.
Quả thật, đã từng đi đến nhiều cộng đồng. Có những cộng đồng đã ở lại dài ngày, theo dõi trong nhiều năm, nhưng về tình yêu văn nghệ thì người Thổ là cộng đồng rất đặc biệt. Dù rằng, cộng đồng nào cũng có những nghệ thuật biểu diễn riêng của mình, có những làn điệu dân ca dân vũ đặc trưng, nhưng tình yêu văn nghệ mãnh liệt như ở người Thổ thì khá hiếm, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Hầu như người ta chỉ biểu diễn văn nghệ vào các dịp lễ tết, các sự kiện quan trọng hay khi có khách quý hoặc phục vụ khách du lịch. Còn với người Thổ, khi một số người gặp gỡ, hau sau một cuộc rượu, họ cảm thấy thích là gọi nhau nổi cồng chiêng lên cùng nhau múa hát. Tiếng cồng chiêng như kèn hiệu thúc dục người dân tập trung về với nhau để cùng nhau ca hát. Hiện nay, dù nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang bị mai một, mất mát nhanh chóng, nhưng tình yêu văn nghệ của người Thổ thì vẫn còn mãnh liệt. Tuy nhiên, điều đó không làm quên đi một sự thật là công tác bảo tồn và phát huy giá trị dân ca dân vũ truyền thống của người Thổ cũng đang đối diện với nhiều thách thức.
Nỗi niềm của người già
Kết quả từ các cuộc khảo sát cho thấy, những người già đang là những người dành nhiều sự quan tâm nhiều nhất đến bảo tồn dân ca dân vũ của người Thổ. Họ cũng là những người tham gia nhiều nhất vào việc biểu diễn dân ca dân vũ truyền thống. Nói không sai khi dân ca dân vũ truyền thống đang là sinh hoạt văn hóa quan trọng nhất, được quan tâm nhiều nhất của những người già ở dân tộc Thổ. Nó là “văn nghệ của người già”, bởi gắn với tâm tư, tình cảm, ký ức, hoài niệm… của người già. Nói như cụ Phạm Thị Chi, đã 87 tuổi, người Thổ làng Đóng: “Đến tuổi này rồi còn múa hát được với con cháu thì cũng vui rồi. Mình vui mà con cháu cũng vui. Chứ nằm một chỗ thì mình khổ mà con cháu cũng không đi làm ăn được, là khổ cả nhà. Nên còn sống ngày nào, còn nhảy múa được ngày nào, còn vui vẻ ngày đó”.
Tương tự như cụ Chi, cụ Hoàng ở bản Mó cũng nhiệt huyết không kém. Ở tuổi 80, cụ là người già nhất trong đoàn biểu diễn văn nghệ ở nhà văn hóa khi đón tiếp đoàn cán bộ công tác của Sở Văn hóa Thể thao lên làm việc. Lúc thì cụ múa cùng mọi người, lúc thì cụ lại đánh chuông. Rời ra cụ lại cầm mic lên hát những làn điệu mời gọi người khác cùng chung vui. “Hồi trẻ mình cũng thích ca hát lắm. Hay được bạn bè rủ đi múa hát. Giờ thì già rồi, cũng chẳng đi làm nương ruộng được nữa. Trông cháu, chắt và vui với mọi người thôi. Nên nghe tiếng cồng chiêng là lại cõng cháu ra cùng tham gia. Mình biết nhiều làn điệu nên hát bài nào cũng được. Các buổi diểu diễn văn nghệ của địa phương thì không thể thiếu được. Giờ vẫn còn sức thì phải vui vẻ với mọi người và cùng nhau giữ những làn điệu dân ca dân vũ truyền thống”. Cụ Hoàng chia sẻ.
Nhưng càng gắn bó, càng tha thiết với các làn điệu dân ca dân vũ truyền thống của dân tộc mình, thì những người lớn tuổi lại càng lo lắng cho việc bảo tồn nó trong bối cảnh hiện nay. Bà Nguyễn Thị Huyền ở thôn Kẻ Min cho biết “Hiện tại, sinh sống trong thôn chủ yếu là những người già và trẻ em còn đang đi học. Tầng lớp thanh niên chủ yếu đi làm ăn xa. Có một số thanh niên ở nhà nhưng cũng ít khi tham gia vào biểu diễn văn nghệ với những người lớn tuổi. Những ngày lễ mà cần có thanh niên tham gia văn nghệ thì họ lại chọn những tiết mục hiện đại múa trên nền nhạc từ loa đài chứ không phải dân ca, dân vũ cổ truyền trên nền nhạc cồng chiêng. Mỗi thế hệ có những sở thích khác nhau, chúng tôi dù muốn truyền nghệ lại cho con cháu nhưng chúng không thích thì cũng không thể ép được”.
Trong khi đó, nghệ nhân Nguyễn Hữu Thơ, người Thổ làng Đòng, Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Quang Phong tâm sự: “Hầu hết người Thổ đều đam mê văn nghệ. Nó là món ăn tinh thần không thể thiếu với chúng tôi. Nhưng giờ thì cũng chỉ dành cho người già thôi. Các bạn trẻ vì cơm áo gạo tiền, vì cuộc sống khó khăn nên phải xa quê cả. Những người già chúng tôi vừa có thời gian, lại còn biết nhiều làn điệu để mà múa mà hát. Nhưng chắc khi thế hệ già này qua đi thì những điệu hát, điệu múa cũng khó mà tồn tại do không biết truyền lại cho ai bây giờ?”.
Khoảng trống thế hệ tiếp nối
Những lo lắng của các cụ già người Thổ ở bản Mó, thôn Kẻ Min hay làng Đóng là điều xác đáng. Qua quan sát của chúng tôi từ các chuyến khảo sát thì thấy rõ ràng những người thực hành dân ca dân vũ truyền thống của người Thổ hiện nay hầu hết là những người lớn tuổi. Trong số 21 người đến biểu diễn các bài dân ca dân vũ ở nhà văn hóa, thì người trẻ nhất cũng đã 48 tuổi, phần lớn trong độ tuổi từ 55 đến 70, người già nhất là 80 tuổi. Nếu tính tuổi trung bình của những người trình diễn nghệ thuật truyền thống của người Thổ ở bản Mó thì cũng khoảng 65, nghĩa là tập trung vào nhóm người già. Ở thôn Kẻ Min, tình trạng cũng không khác hơn gì cho lắm. Trong số hơn 30 người tham gia vào buổi biểu diễn cồng chiêng cùng các làn điệu dân ca, dân vũ ở sân nhà văn hóa của thôn thì không có ai dưới 40 tuổi, thì người trẻ nhất cũng đã 43 tuổi, người già nhất là 79 tuổi. Nếu tính tuổi trung bình của những người trình diễn dân ca, dân vũ của người Thổ ở đây thì cũng ngoài 60. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở làng Đóng. Trong khoảng 20 người tham gia biểu viễn văn nghệ thì người trẻ nhất là 39, người già nhất là 87, còn lại chủ yếu độ tuổi 55 đến 70. Điều này cho thấy người trẻ đang vắng bóng trong các làn điệu dân ca dân vũ cổ truyền dân tộc Thái.
Thực tế đúng như vậy. Ở bản Mó và thôn Kẻ Min, những địa bàn sinh sống truyền thống của người Thổ, hầu hết thanh niên đã rời quê ra các khu đô thị để mưu sinh. Trogn làng bản chủ yếu là người già và trẻ em đang đi học sinh sống. Một số thanh niên có ở lại quê thì cũng chỉ trong thời gian lo việc gia đình hoặc chờ việc mới. Nên sự tham gia vào các sinh hoạt liên quan đến dân ca, dân vũ truyền thống vô cùng hạn chế. Ở làng Đóng, thanh niên ở lại còn khá hơn, nhưng họ tập trung vào các công việc buôn bán, làm ăn kinh tế và đi học tập, nên số thanh niên tham gia vào các sinh hoạt văn nghệ với người già là vô cùng ít. Ngay cả những dịp lễ tết, khi thanh niên về bản đông hơn, và họ tham gia vào các chương trình văn nghệ nhiều hơn, thì sự quan tâm đến dân ca dân vũ truyền thống cũng vô cùng hạn chế. Ở bản Mó hay Kẻ Min, thanh niên lựa chọn những làn điệu hiện đại với nhạc nền từ loa đài để múa hát chứ không lựa chọn các làn điệu truyền thống dựa trên nền nhạc cồng chiêng. Khi tổ chức biểu diễn văn nghệ trong bản thì lớp thanh niên cũng chủ yếu đến xem mà ít tham gia cùng người già trong biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Nó dúng như bà Nguyễn Thị Huyền trao đổi: “Hiện tại, sinh sống trong thôn chủ yếu là những người già và trẻ em còn đang đi học. Tầng lớp thanh niên chủ yếu đi làm ăn xa. Có một số thanh niên ở nhà nhưng cũng ít khi tham gia vào biểu diễn văn nghệ với những người lớn tuổi. Những ngày lễ mà cần có thanh niên tham gia văn nghệ thì họ lại chọn những tiết mục hiện đại múa trên nền nhạc từ loa đài chứ không phải dân ca, dân vũ cổ truyền trên nền nhạc cồng chiêng. Mỗi thế hệ có những sở thích khác nhau, chúng tôi dù muốn truyền nghệ lại cho con cháu nhưng chúng không thích thì cũng không thể ép được”.
Đúng vậy, trong bảo tồn bản sắc văn hóa, việc bắt buộc các thành viên xã hội là rất khó và không hiệu quả. Vậy nên, việc thiếu vắng giới trẻ trong việc thực hành dân ca dân vũ truyền thống của người Thổ là một khoảng trống khó mà san lấp được. Nó phải được bù đắp từ nhiều phương diện khác nhau. Trong đó, nâng cao ý thức của con người với vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa là nhân tố quyết định. Điều quan trọng là phải làm cho những người Thổ, là chủ thể văn hóa, giữ vai trò chủ đạo, quyết định việc khôi phục các làn điệu dân ca dân vũ truyền thống. Gắn dan ca dân vũ với các hoạt động kinh tế, nhất là du lịch để thu hút con em hướng về quê hương để phát triển, tìm kế mưu sinh tại quê hương mình, qua đó dần nhận thức và tiếp nhận các làn điệu dân ca dân vũ như là một nguồn lực để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, một việc quan trọng cũng cần được gấp rút thực hiện là số hóa các làn điệu dân ca dân vũ của dân tộc Thổ. Phải xác định việc xây dựng cơ sở dữ liệu về dân ca dân vũ nói riêng và nghệ thuật biểu diễn nói chung của người Thổ và các dân tộc thiểu số khác bằng kỹ thuật số hiện đại là vấn đề quan trọng cần làm ngay bởi chậm một ngày thì lại có thêm những loại hình di sản này bị mai một. Cơ sở dữ liệu này vừa là hệ thống tư liệu cho quá trình nghiên cứu, vừa là nền tảng cho việc lựa chọn khôi phục loại hình nghệ thuật biểu diễn. Có như vậy mới khơi dậy nguồn sống cho dân ca dân vũ, cho nghệ thuật biểu diễn của người Thổ và các cộng đồng thiểu số hiện nay./.
 

Trang Tuệ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây