Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể gắn với phát triển du lịch cộng đồng của người Thái ở miền Tây Nghệ An

Thứ sáu - 26/07/2024 22:34 0
Theo Niên giám thống kê năm 2020, dân số tỉnh Nghệ An đến năm 2020 là 3.365.198 người, chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn (với 84,5%). Mật độ dân số 204 người/km². Dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống ở tỉnh Nghệ An trên 1,2 triệu người (chiếm 36% dân số toàn tỉnh). Đồng bào dân tộc thiểu số là 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh và chiếm 40,93% dân số trên địa bàn miền núi. Trong đó dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao là: Thái (338.559 người), Thổ (71.420 người), Khơ Mú (43.139 người), Mông (33.957 người). Đồng bào người Thái ở Nghệ An bao gồm các nhóm: Man Thanh, Hàng Tổng, Tày Mười. Sống chủ yếu ở các huyện Qùy Hợp, Qùy Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn… Đây là bộ phận dân cư lớn nhất, đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt miền núi Nghệ An từ xưa đến nay.
Trong quá trình hình thành và phát triển, cộng đồng người Thái ở Nghệ An đã tạo dựng nên một di sản văn hóa phong phú và độc đáo (cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể), từ di tích, danh thắng, nhà cửa, trang phục, ẩm thực, phương tiện vận chuyển đi lại, các hoạt động kinh tế tiêu biểu với phương thức canh tác ruộng nước và nương rẫy cho đến ngôn ngữ, chữ viết, lễ hội, tín ngưỡng và nhiều loại hình văn nghệ dân gian nổi tiếng khác. Các giá trị văn hóa đó vừa thể hiện những nét đặc trưng của văn hóa vùng miền, lại vừa mang bản sắc văn hóa riêng của người Thái. Có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Nhà bảo tàng các dân tộc huyện Quỳ Châu, nguồn ảnh https://baodantoc.vn/

Trong thực tế, nhiều năm qua, những giá trị di sản văn hóa này tuy đã được ngành văn hóa và chính quyền các cấp quan tâm, song chưa được chú trọng khai thác, bảo tồn, giới thiệu và phát huy tối đa vai trò vốn có, nhất là biến các giá trị di sản văn hóa này thành động lực, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bền vững ở địa phương.
Với cộng đồng người Thái ở Nghệ An, văn hóa vật thể là những sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia như: Di chỉ Khảo cổ học Hang Thẩm Ồm (Quỳ Châu), Hang Thẩm Hoi (Con Cuông); Di tích Lịch sử - văn hóa Thành Trà Lân, Pù Đồn, Bia Ma Nhai, Nhà tưởng niệm Vi Văn Khang - Bí thư Chi bộ Môn Sơn (Con Cuông), Bãi Tập (Quỳ Hợp). Một số di tích lịch sử liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của nghĩa quân Lê Lợi nằm rải rác ở địa phương gồm các đền, địa danh như Đền Cửa Tróng, Đền Chợ Bãi, Đền Làng Dinh, Đền Đồi Chùa, Đền Bản Le (vùng đường 48) cũng như các di tích Đền Toòng, Đầm Chín gian, Thung Đống, Hẻm Voi chẹt (vùng đường 7). Trải qua thăng trầm của lịch sử, hiện nay hầu hết các ngôi đền này không còn. Các di tích Lịch sử - Văn hóa đã được xếp hạng mới bắt đầu đưa vào khai thác phục vụ du lịch trong tỉnh, nhất là đời sống tâm linh của người dân địa phương trong vùng như Đền Chín gian (Quế Phong), Đền Vạn (Cửa Rào, Tương Dương), Đền Cửa Lũy, Đề Pu Nhạ Thàu (Kỳ Sơn), Đền Choọng (Quỳ Hợp), Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu). Một số danh thắng gắn với du lịch sinh thái và du lịch văn hóa của các tộc người thiểu số vùng miền Tây Nghệ An như: mô hình Bảo tàng Thiên nhiên - Văn hóa mở tại Vườn Quốc gia Pù Mát, Thác Kèm, Khu Du lịch sinh thái Phà Lài, Hồ Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương). Các điểm tham quan, du lịch hoạt động theo mùa ở huyện Quế Phong gồm: Thác sao va, Thác Bảy tầng, Hồ thủy điện Hủa Na, Cây Di sản samu. Một số địa điểm du lịch mới được xác định như Thác Bìa, Thác bản Tạt, Khe lạnh, Thác Tiên - Khe Lúc (Quỳ Hợp). Bên cạnh đó có các mô hình du lịch cộng đồng, làng nghề như: bản Khe Rạn, Bản Nưa, Bản Xiềng (Con Cuông), Bản Na, Bản Đình Sơn, Bản Loọng Dẻ (Kỳ Sơn); bản Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu), bản cổ người Thái: Hủa Mương - Na Xai (Quế Phong); Các nghề thủ công truyền thống (đồ gia dụng) và phương tiện vận chuyển, đi lại... Các di sản văn hóa vật thể đó có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển văn hóa, xã hội của đồng người Thái.


Di tích lịch sử quốc gia “Nhà cụ Vi Văn Khang” tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An (Ảnh: Minh Tuấn), nguồn ảnh https://vtcnews.vn/

Theo đó, những di sản văn hóa vật chất chung như: di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh, đình, đền là những thực thể và tài sản chung, mà mọi công dân đều được có quyền lợi và trách nhiệm. Chúng còn là minh chứng của đạo lý uống nước, nhớ nguồn, tôn vinh và niềm tự hào đối với các thế hệ cha ông của các thế hệ đã đang sống và cả các thế hệ con cháu tương lai sau này. Việc đầu tư, tôn tạo và đưa các danh lam, thắng cảnh vào phục vụ đời sống còn là sự thích ứng, ứng xử văn hóa và khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà tạo hóa ban tặng cho con người. Cũng tương tự, các di sản văn hóa vật thể của người Thái (và các tộc người thiểu số khác) như: ăn, mặc, ở, đồ gia dụng, phương tiện vận chuyển, đi lại vừa phản ánh và khẳng định bẳn sắc văn hóa vùng miền, vừa thể hiện nét văn hóa riêng của người Thái.
Nhiều năm qua, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, một số di sản văn hóa vật thể - tài sản chung của các tộc người thiểu số trong đó cụ thể là người Thái bước đầu được quan tâm; Hàng loạt văn bản liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh được ban hành và triển khai rộng rãi. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 2012-2022, toàn tỉnh đã tiến hành triển khai rà soát, kiểm kê, thu thập tư liệu làm cơ sở khoa học về các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tại các huyện tuyến đường 7 và đường 48. Từng bước xây dựng và hoàn thiện hồ sơ khoa học, xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Ngày 17/1/2018, tại Quyết định 201/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An thì 811 di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh trên 11 huyện, thị miền Tây xứ Nghệ đã đưa vào danh mục kiểm kê, trong đó đã có 88 di tích xếp hạng gồm: 01 di tích quốc gia đặc biệt, 20 di tích cấp quốc gia và 67 di tích cấp tỉnh, còn 723 di tích chưa xếp hạng. Riêng các di chỉ Khảo cổ học, 5 huyện miền Tây có 21/30 di chỉ: Anh Sơn 3; Nghĩa Đàn 1; Thái Hòa 2; Quỳ Châu 4; Con Cuông 11; Còn lại 6 huyện: Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Tân Kỳ, Thanh Chương, Quỳ Hợp chưa được khảo sát.
Trước đó, lần lượt trong các năm, năm 2008, đền Chín Gian - Quế Phong được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đến năm 2016, được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 1997, Hang Bua - Qùy Châu  được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia”. Năm 2009, đền Vạn - Tương Dương cũng chính thức được công nhận và xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Năm 2010, đền Pu Nhạ Thầu được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Năm 2011, Bia Ma nhai xã Chi Khê, huyện Con Cuông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận di tích cấp quốc gia, Ngôi nhà cụ Vi Văn Khang đã được Bộ Văn hoá Thông tin ra Quyết định số 152/QĐ - BT ngày 25/1/1994 xếp hạng là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia.v.v.
Bên cạnh đó, đồng thời triển khai tôn tạo, trùng tu và đưa vào khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh gồm: Bia Ma Nhai, Nhà Lưu niệm Vi Văn Khang, cây Đa Cồn Chùa, Thác Kèm, Khe Nước Mọc, Thẳm Nàng màn (Con Cuông); Đền Vạn, rừng Săng Lẻ, lòng hồ thủy điện bản Vẽ (Tương Dương); Đền Pu Nhạ Thàu (Kỳ Sơn); Đền Choọng, Đền Mường Ham (Quỳ Hơp); Hang Bua, Đền Chiêng Ngam (Quỳ Châu); Đền Chín gian, Thác Xao va, Thác 7 tầng (Quế Phong). Theo số liệu mới nhất, huyện Con Cuông có 13 di tích, danh thắng, huyện Tương Dương: 23, huyện Kỳ Sơn: 9, huyện Tân Kỳ: 6, huyện Quỳ Hợp: 7, huyện Quỳ Châu: 6, huyện Quế Phong: 7, huyện Nghĩa Đàn: 7.
 Từ tháng 6 năm 2011, lần đầu tiên, một hình thức sinh kế mới xuất hiện, đó là mô hình Du lịch cộng đồng, được xây dựng tại 4 bản thuộc 4 xã: Bồng Khê, Yên Khê, Lục Dạ và Môn Sơn, do 4 nhóm (mỗi nhóm 6 thành viên) người Thái điều hành, hoạt động theo hình thức Tự quản và Quy ước du lịch cộng đồng. Trải qua 13 năm tồn tại, mô hình DLCĐ ở 4 bản này đã mang lại nhiều mặt tích cực: tăng thu nhập cho một số hộ nông dân; kích thích nghề thủ công, sản xuất hàng hóa, dịch vụ du lịch; góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương… và từ 2016 trở đi, các điểm du lịch cộng đồng được xây dựng ở nhiều nơi như khu du lịch sinh thái Phà Lài, các mô hình Homestay: Khe Rạn, Bản Nưa, Bản Xiềng của người Thái (Con Cuông); mô hình Bảo tàng Thiên nhiên-Văn hóa mở (2018) tại Vườn Quốc gia Pù Mát; sau này là các điểm Homesay ở Mỹ Lý (Kỳ Sơn); Homesaty ở bản Hoa Tiến (Quỳ Châu); điểm du lịch Cọ Muồng, famstay Nhật Minh (Quế Phong).v.v.


Chuyên gia JiCA Nhật bản cùng chị em làm du lịch cộng đồng ở Con Cuông. * Gian hàng giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm từ Hợp tác xã thổ cẩm làng Xiềng Môn Sơn (Con Cuông). * Chị em bản Nưa được sang Nhật để học hỏi kinh nghiệm làm du lịch; nguồn ảnh https://baonghean.vn/

Việc thành lập các làng dệt thổ cẩm ở bản Yên Thành (Con Cuông), bản Na (Kỳ Sơn), Thái Minh (Tân Kỳ), Hoa Tiến (Quỳ Châu), làng Thái cổ Na Xai, Hủa Mương (Quế Phong) gắn với hoạt động du lịch cộng đồng đã góp phần đáng kể vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản vật thể của các tộc người trong vùng, nhất là di sản văn hóa vật thể của người Thái. Theo đó, một mặt, các ngôi nhà sàn truyền thống được sửa sang, nâng cấp, trang bị các tiện nghi sinh hoạt, vệ sinh hiện đại để làm Homestay cho khách lưu trú, nhưng vẫn giữ nguyên được yếu tố kiến trúc cổ truyền, nhất là đồ dùng sinh hoạt trong nhà như nệm, chăn, gối hay mâm, ghế ngồi. Mặt khác, các làng dệt thổ cẩm cũng góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy và giới thiệu được nghề thủ công truyền thống của người Thái. Một số mặt hàng thổ cẩm Thái, nhất là các mẫu mã sản phẩm mới được khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến. Tại các mô hình Homestay hay các điểm du lịch cộng đồng, nhiều món ăn truyền thống của người Thái (xôi màu, cá nướng, cơm lam, chẻo, nộm, măng, thịt gà nướng…) luôn được khách du lịch ưa chuộng. Vào mùa hè, các điểm du lịch cộng đồng luôn là địa chỉ được khách lựa chọn. Chính vì thế, bên cạnh góp phần tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho người dân, hoạt động du lịch cộng đồng cũng góp phần đáng kể vào việc bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Thái.
Bên cạnh những mặt được, hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể của người Thái cũng bộc lộ một số bất cập và hạn chế nhất định, cần được các cấp chính quyền quan tâm, đồng hành cùng người dân trong việc vạch ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Các địa danh liên quan đến Khởi nghĩa Lam Sơn vùng miền núi Nghệ An khá nhiều. Tuy nhiên, trải qua thăng trầm lịch sử, hiện nay hầu như các địa danh chưa được quan tâm đúng mức. Theo đó, các địa danh di tích lịch sử liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn ở vùng đường 48 như Bãi Tập Lê Lợi, Đền Cửa Tróng, Đền Làng Dinh, Đền Bản Le (Quỳ Hợp); cũng như các địa danh vùng đường 7 như: Di tích thành Trà Lân, Đền Toòng, Đầm Chín gian, Đầm Đỏ, Thung Đống, Hẻm Voi chẹt (Cặp Xạng) tại huyện Con Cuông hầu như chưa được khảo sát, thậm chí dường như bị lãng quên (Vi Văn An, 2019). 9 di chỉ khảo cổ học ở 6 huyện: Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Tân Kỳ, Thanh Chương, Quỳ Hợp chưa được khảo sát; hạ tầng cơ sở ở các di tích, danh thắng trên địa bàn chưa được quy hoạch đồng bộ, đường sá, biển báo cũng như các dịch vụ kèm theo nghèo nàn. Tại các điểm du lịch cộng đồng, hệ thống nhà vệ sinh, giờ giấc, an ninh, trật tự, an toàn cho du khách lưu trú cũng chưa đồng bộ. Các món ăn đặc trưng của người Thái vẫn đơn điệu và ở đâu cũng giống nhau. Thức uống chủ yếu vẫn là rượu trắng và rượu cần, nhưng thường không có nhãn mác. Ngoài giá cả, công dụng món ăn, cách thức chế biến, bày đặt, vị trí ngồi, tập quán kiêng khem dân tộc chưa được quan tâm giới thiệu.
Có lẽ điểm yếu nhất trong việc khai thác di sản văn hóa tại các điểm du lịch là sự nghèo nàn của các mặt hàng lưu niệm, chất lượng kém, chưa phong phú và phù hợp với thị hiếu. Khảo sát qua các điểm du lịch cộng đồng ở Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Châu và ngay cả trong các lễ hội thì phổ biến nhất vẫn chỉ là vài chiếc túi thổ cẩm, váy, chân váy và khăn đội đầu của người Thái. Thậm chí có một số mặt hàng gia công, nhập từ nơi khác về.
Hiện nay, mặc dù việc khai thác các di sản văn hóa vật thể gắn với du lịch cộng đồng đã và đang đem lại nguồn lợi cho một bộ phận người dân (như tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, ý thức trách nhiệm với các di sản văn hóa của dân tộc…), song chủ yếu mới chỉ gồm nhà sàn và ẩm thực và trang phục của người Thái. Giá trị của các di tích lịch sử, danh thắng (nhất là các di chỉ khảo cổ, các địa danh lịch sử...) vẫn còn bỏ ngỏ hoặc chưa được khai thác. Các dịch vụ còn đơn điệu, năng lực, trình độ ngoại ngữ hạn chế, nguồn nhân lực mỏng. Một mặt, tiềm năng này chưa được khai thác tối đa, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; mặt khác công tác quy hoạch vẫn thiếu đồng bộ, đầu tư chưa được quan tâm đúng mức.
Một số đề xuất về giải pháp
Đối với di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng, di chỉ khảo cổ cần được khảo sát, kiểm kê, xây dựng kế hoạch phục hồi, đầu tư có trọng điểm, có khoa học để chúng trở thành những điểm du lịch thu hút khách thập phương. Trong các di tích, danh thắng, cần chú trọng tới các di chỉ khảo cổ học, các địa danh lịch sử, cách mạng mà bấy lâu gần như bị quên lãng.
Đối với các thành tố văn hóa vật chất như ăn, mặc, ở của các tộc người thiểu số, cần phải tăng cường khai thác các giá trị của chúng, góp phần hiệu quả, thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, cụ thể là: xây dựng các làng văn hóa, bảo tồn nhà sàn, nâng cấp đường sá, vệ sinh, nước sạch, đồng ruộng; tích cực quảng bá, đưa các món ăn truyền thống vào phục vụ du lịch; duy trì, củng cố và phát huy nghề thủ công, nhất là các thế mạnh của người Thái như dệt, đan lát. 
Bên cạnh quy hoạch tổng thể, đồng bộ, các loại hình du lịch cần phải được tổ chức, quản lý một cách khoa học, chuyên nghiệp, khai thác các giá trị của di sản văn hóa làm mục tiêu thu hút và phục vụ khách tốt nhất. Vừa quản lý theo chiều dọc, ở tầm vĩ mô, nhưng phải tạo điều kiện để các điểm du lịch phát huy tính chủ động trong kinh doanh du lịch và dịch vụ theo mô hình cộng đồng.















 

Huy Khánh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây