Một số Danh thắng ở Quỳnh Lưu

Thứ sáu - 26/07/2024 21:23 0
Thiên nhiên ưu ái cho vùng đất này nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Hầu hết các danh thắng ở Quỳnh Lưu phân bố rải rác từ đồng bằng miền núi đến ven biển. Bao gồm hệ thống núi, hang động, sông hồ đến biển và các cửa biển góp phần đa dạng hệ sinh thái động thực vật, cấu trúc địa hình cũng như các giá trị văn hóa trầm tích lịch sử. Mỗi thế núi, hình sông đều mang trong mình những huyền tích, câu chuyện về quá trình hình thành và phát triển của vùng đất và con người nơi đây.


Biển Quỳnh Nghĩa

1.1. Hệ thống núi và hang động
Với địa hình đa dạng, phức tạp, hệ thống thảm thực vật phong phú, hệ thống núi hang động Quỳnh Lưu chằng chịt theo hình vòng cung từ Tây sang Đông, dãy Trường Sơn ra tận bờ biển ôm lấy vùng đồng bằng rộng lớn. Trong đó phải kể đến những ngọn núi đẹp, gắn với các huyền tích, câu chuyện trong lịch sử như núi Thất Tinh, núi Long Sơn ở Quỳnh Hồng; núi Trụ Hải thuộc địa phận xã Quỳnh Lâm nay thuộc xã Quỳnh Văn; núi Bào Đột ở địa phận xã Bào Giang cũ nay là xã Ngọc Sơn; Núi Tùng Lĩnh còn gọi là rừng thông ở xã Quỳnh Tụ cũ nay là xã Quỳnh Xuân và Quỳnh Văn; núi Quy Lĩnh trên bờ biển thuộc xã Hiền Lương cũ nay là xã Quỳnh Lương và Quỳnh Bảng và hệ thống núi Rồng, núi Tiên Kỳ vùng Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa; hang Dơi.v.v.
a. Núi Rồng:
Núi Rồng có tên tự là Long Lĩnh, là dãy núi dài 3 km chạy dọc bờ biển từ Quỳnh Nghĩa đến Tiến Thủy. Núi Rồng bao gồm nhiều ngọn núi trong đó ngọn cao nhất lên tới 140m. Xưa là rừng nguyên sinh với nhiều loài gỗ và chim, thú quý hiếm. Ngày nay là rừng thông bạt ngàn xanh mát. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn viết: “Vách núi cheo leo, hang núi sâu thẳm, chim muông đầy đàn, trong hang thần không cần sửa sang xây dựng mà đầy đủ thắng cảnh thiên nhiên”.
Nét độc đáo của núi Rồng là đầu rồng quay về phía Đông Nam, cúi xuống bờ biển như để ngậm nước phun mưa. Phía sau là thân rồng, chạy dài uốn khúc vờn trong mây trắng. Đuôi rồng xòe ra thành cánh phượng, ôm ấp che chắn cho cả một vùng quê thanh bình. Chếch về phía Nam - Đông Nam, các dãy núi đá bao quanh tạo thành một vịnh nhỏ. Không khí trong vịnh luôn mát lạnh, dù giữa mùa hè oi bức. Phía Tây - Tây Nam là bãi đá kéo dài lô nhô, trong đó hiện lên sừng sững cặp đá Ông, đá Bà, gắn liền với huyền thoại về lòng chung thủy của người phụ nữ miền biển. Chuyện kể rằng, những người đàn ông nơi đây hàng ngày rẽ sóng ra khơi. Người phụ nữ ở nhà chờ đợi, ngóng trông, hi vọng. Nhiều chuyến thuyền trở về an toàn, mang đầy tôm cá, nhưng cũng có những chuyến mãi không trở về, trôi dạt giữa mênh mông biển khơi, nhưng những người phụ nữ nơi đây vẫn một lòng thủy chung, ngóng chờ.
Trên núi Rồng có di tích văn chỉ (còn gọi là nền nhà Thánh hay nền Thiên Vương), ao tiên, bàn cờ tiên, hòn đá có nắp, mộ của một võ tướng họ Nguyễn đời Hậu Lê... Mỗi di tích đều gắn liền với những truyền thuyết ly kỳ, hấp dẫn.


Một góc núi Rồng

Truyền thuyết kể rằng, núi Rồng là nơi các nàng tiên thường xuống tắm mát, vui chơi, thi nhau ném đá. Những hòn đá các nàng tiên ném ra hóa thành hình thù như con cọp (hòn Cọp), con cóc (hòn Cóc), cái trống (hòn Trống). Một nàng tiên đã mê chàng trai ngư dân khỏe mạnh, cường tráng vùng biển Quỳnh và quyết định ở lại trần gian, kết duyên sinh con đàn cháu đống.
Ngoài danh thắng nổi tiếng, núi Rồng còn có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng. Nơi đây có sông, có cửa lạch, đặc biệt có dãy núi Rồng bao quanh, tiện cho việc quan sát và phát huy hỏa lực tiêu diệt địch từ xa… nên ông cho lập trại và xưởng đóng thuyền ở đây. Trong suốt 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, núi Rồng là con mắt tiền tiêu cho cả huyện Quỳnh Lưu đánh giặc.
b. Núi Bào Đột:
Núi Bào Đột nằm ở xã Bào Giang cũ (xã Ngọc Lâm, huyện Quỳnh Lưu hiện nay), còn có tên gọi khác là núi Bào Giang. Trên núi Bào Đột có miếu thờ họ Hồ do Hồ Hán Thương lập năm Khải Đại thứ nhất (1403). Theo Đại Nam nhất thống chí thì năm cảnh Hưng thứ 11 (1750), Nguyễn Hữu Cầu chạy vào Nghệ An đắp đồn lũy trên núi và bị bộ tướng của Phạm Đình Trọng và Phạm Đình Sỹ bắt ở đây. Hoàng giáp Bùi Dương Lịch đã từng làm thơ vịnh núi Bào Đột:
Khuy ký tằng tam đế,
Hưng vong chỉ lục niên.
Quân thần cam tảo địa,
Phụ tử khả khi thiên.
Thanh Hoa hoa giai ám
Linh Nguyên thệ thuỷ triền.
Duy dư thiên cổ giám,
Di miếu thủ sơn điện.
Bạch Hảo dịch thơ là:
Dòm ngó ba đời trọn,
Hưng vong sáu năm nhanh.
Đành chịu vùi đất đỏ,
Sao dám dối trời xanh.
Thanh Hoá hoa mờ mịt
Linh Nguyên nước chảy quanh.
Còn để gương thiên cổ,
Chóp núi ngôi đền thanh.
     (Theo Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký)
Tương truyền, núi Bào Đột trước đây không có cây thông. Vào thế kỷ XVI, có một người đi lính Tây Sơn đem về trồng, chẳng bao lâu thành một rừng cây xanh tốt. Đầu thế kỷ XIX, quan trấn thường cho lính đến đốn chặt mang về tiến nộp vào kinh đô Phú Xuân. Hiện nay, giữa rừng thông núi Bào Đột còn có bia đá ghi lại việc đốn cây tiến vào kinh đô Phú Xuân.
c. Núi Trụ Hải:
Núi Trụ Hải thuộc địa phận xã Quỳnh Lâm cũ, nay thuộc xã Quỳnh Văn, hình thế cao lớn, một dãy chạy thẳng đến biển, có khí thế ngăn sóng gió, nên gọi là “Trụ Hải”. Hồ Tất Tố cho rằng núi này mạch từ Linh Sơn. Một chi chạy từ Đông Bắc Linh Sơn đến bến Nghè. Đây là đầu dòng nước của sông Hoàng Mai. Mạch núi đến đây cũng hạ thấp, nhất là ở chỗ đầu nguồn sông. Từ Đông Bắc bến Nghè, núi dắt dẫn thẳng đến địa phận xã Thọ Mai.
Cũng từ bến Nghè, một chi chạy về phía Đông Nam đến xã Quỳnh Văn là núi Trụ Hải. Trong núi có nhiều hang động và nhiều hình thù kỳ dị do thạch nhũ tạo nên. Dấu vết của mực nước biển vẫn còn in trên đá núi này. Trụ Hải một dãy núi dài dằng dặc, bốn bề thanh u, “tổ sơn” của hạ huyện Quỳnh Lưu.
d. Núi Thất Tinh
Núi Thất Tinh tiếp liền với núi Lạp ở phía Bắc - Trung tâm của di chỉ Cồn Sò Điệp thuộc nền văn hóa Quỳnh Văn nổi tiếng. Miêu tả về núi Thất Tinh, Dương Thúc Hạp, Đặng Tiến Bảng có viết:
Lam Cầu có núi Thất Tinh,
Một hàng bảy ngọn như hình ngôi sao.
Thất Tinh ở xã Lam Cầu,
Bảy đồi cây cỏ một màu tốt tươi.
Bảy chóp núi kề nhau
Như chòm sao Bắc Đẩu
Cây cỏ rợp muôn màu
Bát ngát trời cảnh sắc…
e. Núi Tiên Kỳ:
Nhân dân còn gọi là núi Cờ Tiên, nằm trên bờ biển thuộc xã Hoàn Nghĩa (nay là Tiến Thủy). Mạch núi cũng từ núi Trụ Hải. Đỉnh núi vuông như bàn cờ, nên còn có tên gọi khác là núi bàn cờ. Núi có những đầu đá tròn trĩnh nhô lên như quân cờ. Phía Đông liền với Kiến Sơn và Bà Sơn. Trên núi có một giếng nước trong, thơm, ngọt gọi là giếng Đồng Hương. Ngày xưa, mỗi khi vua tuần du phương Nam qua đây, người dân địa phương thường múc nước nơi đây dâng lên vua dùng.
Phía Tây có chùa Thiên Vương, ngay dưới có trống nước. Phía Đông núi có hai tòa đá lớn, tục gọi là đá ông, đá mụ.
1.2. Hệ thống sông, hồ
Sông, hồ Quỳnh Lưu đóng một vai trò quan trọng trong cấu tạo hệ thống địa hình cũng như đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội nơi đây. Theo cấu tạo địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông, hệ thống sông, hồ nơi đây đều khởi nguồn từ phía Tây (các huyện Yên Thành, Nghĩa Đàn), chảy về phía Đông qua các cửa biển và hòa vào biển Đông rộng lớn. Trong đó, tiêu biểu là hai con sông: sông Thai (còn gọi là sông Giát) và sông Mai Giang còn gọi là sông Mơ.
a. Mai Giang
 Mai Giang còn được gọi là sông Mơ một nhánh của sông Hoàng Mai chảy từ Quỳnh Phương đến Tiến Thủy, đổ ra cửa Quèn. Một trong những dòng sông đẹp của đất Quỳnh. Xưa tiến sĩ Dương Thúc Hạp (người làng Quỳnh) đã từng làm thơ “Vịnh Mai giang” ca ngợi cảnh đẹp này:
Tứ nguồn, cuồn cuộn đổ về đây.
Xanh biếc, trong veo một dải đầy.
Rùa trạch vui đùa dòng nước lặng,
Cói cò yên nghỉ bãi sông dài.
Chen bờ, đường xóm đầy tôm cá,
Lướt sóng, buồm thuyền rạng nước mây.
Mừng thấy gió đông xua giá rét,
Bên sông xuân đã điểm hoa mai
(Võ Hồng Huy dịch)
Sông Mai Giang hình thành từ thời biển lùi, nhưng lúc bấy giờ chỉ là một con sông nhỏ và cụt. Đến thời tiền Lê, sông được nạo vét, đào sâu, mở rộng và nối liền giữa sông Mai Giang với kênh Ngô, sông Thai, kênh Dâu và lạch Thơi. Đến thế kỷ 16, đoạn từ cửa Lạch Quèn lên tới bến Đò Ông mang tên sông Hàu. Mai Giang chảy theo hướng Tây - Bắc - Đông - Nam hữu ngạn thuộc các xã Quỳnh Yên, An Hòa, Quỳnh Thuận, tả ngạn thuộc xã Phú Nghĩa (nay là Quỳnh Nghĩa và Tiến Thủy). Thượng Lưu là sông Mơ, hạ lưu là sông Hàu, chế độ mực nước của sông Hàu chịu ảnh hưởng của thủy triều Vịnh Bắc bộ.
Bên sông Mai Giang từ xa xưa đã tấp nập thuyền bè, đò ngang đò dọc, đánh bắt thủy hải sản, giao thương buôn bán sầm uất. Không những thế, dòng sông Mai Giang còn chứng kiến nhiều sự kiện trong lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân Quỳnh Lưu.
b. Sông Thai:
Sông Thai còn được gọi là sông Giát, phát nguyên từ chân núi phía Đông - Nam dãy Mồng Gà. Từ đó, một số nguồn nước, ngọn khe tụ lại thành con sông Giát. Sông theo hướng Đông Bắc chảy qua các xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Giang, thị trấn Cầu Giát, xuống Quỳnh Hồng, Quỳnh Hưng, Quỳnh Diễn, Quỳnh Ngọc, Sơn Hải ra cửa lạch Thơi rồi đổ ra biển. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi sông Thai có hai nguồn “Một từ khe Thọ Trường chảy về phía Đông Nam sáu dặm; một từ khe Yên Trường chảy về phía Đông Bắc 15 dặm đến xã Đăng Cao 16 dặm, rồi hợp kênh Mi ở phía Nam, lại chảy 5 dặm hợp với kênh Tang (kênh Dâu) ở phía Bắc, rồi chảy 3 dặm và đổ ra cửa Thơi”.
Sách xưa gọi đó là nguồn Thai nên cư dân gọi theo tiếng địa phương là Kẻ Thơi. Khi sắp qua vùng chợ Giát mà tuôn ra biển, sông tạo nên ở bên tả ngạn của nó một vùng đất trù phú, khách buôn bán xa gần tấp nập đặc biệt là nơi gom hàng thôn Hàng Bè (tre, gỗ), nay thuộc xã Quỳnh Hồng. Cũng từ buổi cổ sơ đó một ngôi chùa được dựng lên, khiến cảnh trí nơi đây thêm thi vị. Hồi làm Hiệp trấn Nghệ An, Hoàng giáp Bùi Huy Bích đã ghé thăm, để lại bài thơ mà hai câu đầu được Đỗ Ngọc Toại dịch là:
“Thành đâu nổi giữa cánh đồng,
Đường quan vẫn lối nhà nông đi về”.
Và trải qua bao đời, con người sống trên lưu vực của mạch sông này đã làm cho đất đai mình thêm tên tuổi. Sông Thai hiện nay có lưu vực với diện tích 105 km2, chiều dài lòng sông 26 km, mực nước cao nhất ở cửa lạch Thơi năm 1964 là 1,72m, năm 1973 là 1,57m; những năm mưa bão mực nước trên 3,4 m.
1.3. Biển Quỳnh và các cửa biển
a. Biển Quỳnh
Biển Quỳnh là tên gọi chung dùng để chỉ các bãi biển thuộc các xã khác nhau của huyện Quỳnh Lưu. Biển Quỳnh có đường bờ biển kéo dài khoảng hơn 20 km từ xã Quỳnh Lập (nay là Thị xã Hoàng Mai) đến xã Tiến Thủy. Cho đến thời điểm hiện tại, biển Quỳnh vẫn là biển giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, thiên nhiên hài hòa và chưa phải chịu nhiều tác động bởi bàn tay con người.
Biển Quỳnh nằm cách thị trấn Cầu Giát 10 km về phía Đông, cách thành phố Vinh 70 km về phía Đông Bắc. Thiên nhiên ban tặng cho biển Quỳnh bãi biển dài, cát trắng mịn, nhiều hang động, bãi đá độc đáo tô điểm thêm cho danh thắng nơi đây.


Lạch Quèn

Trong những bãi biển thuộc biển Quỳnh, bãi biển được đánh giá là đẹp nhất và được du khách ghé thăm nhiều nhất đó là bãi biển Quỳnh Nghĩa. Ngoài bãi tắm bằng phẳng, bãi biển Quỳnh Nghĩa còn có những bãi đá đẹp, đặc biệt là hòn Gà, hòn Gông, hòn Ông, hòn Bà... ngay gần bờ. Tại đây, phóng tầm mắt ra xa, phía Đông Bắc là hệ thống quần thể hang động núi Rồng nhấp nhô giữa biển. Mỗi hòn núi, hang động đều gắn với những huyền tích xa xưa như hòn Ông, hòn Bà, hang Rồng, mũi Trâu.v.v.

Biển Quỳnh không chỉ đẹp, phù hợp với du lịch sinh thái mà biển Quỳnh còn hấp dẫn du khách thập phương với nhiều hải sản giá trị kinh tế cao như cá, tôm, mực, nhuyễn thể… Hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, Biển Quỳnh đang được điều chỉnh và mở rộng quy hoạch xây dựng khu du lịch biển trên phần diện tích đất thuộc địa bàn huyện gồm địa bàn các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Nghĩa và Tiến Thủy với quy mô cơ sở vật chất, hạ tầng, đáp ứng nhu cầu tắm biển, nghỉ dưỡng cho du khách trong nước và quốc tế.
b. Các cửa biển
Lạch Quèn (tên chữ là Quyền Hải) nằm đoạn cuối của dòng Mai Giang trước khi đổ ra biển Đông, là nơi để tàu thuyền tránh bão, dọn sửa ngư cụ trước và sau khi căng buồm ra khơi.
Từ biển nhìn vào, hai bên cửa lạch là hai núi đá sừng sững làm tử môn, hữu môn. Tả môn là núi đá hình con chó nằm trấn giữ. Hữu môn là núi đá hình con trâu nằm thò đầu ra biển. Trong mũi trâu là một hang động cực kỳ hấp dẫn, rộng chứa được vài trăm người, nhiệt độ so với ngoài thấp hơn 4-5 độ. Ngay cửa lạch, nhìn từ trên cao, hòn đảo nhỏ và hòn núi lớn bên phải hiện ra như một con rùa thần đang rẽ sóng bơi ra biển Đông.
Cảng Lạch Quèn, thuộc xã Tiến Thủy và Quỳnh Thuận được xem là cảng cá lớn nhất vùng “rốn cá” Quỳnh Lưu. Có tới hàng trăm con tàu của ngư dân vùng biển Quỳnh tìm về cảng cá Lạch Quèn sau mỗi chuyến ra khơi. Hai bên bờ sông (bờ Bắc thuộc xã Tiến Thủy, bờ Nam thuộc xã Quỳnh Thuận) đổ ra cửa Lạch Quèn có cả ngàn tàu lớn nhỏ neo đậu.
Cửa Thơi tên chữ là Thai Hải. Trước kia cửa Thơi thuộc địa phận làng Văn Thai nên có tên là Tha Viên, ở giữa giáp giới hai huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu. Nhưng trải qua thời gian, cát ven bờ bồi rộng thêm, nên Cửa Thơi lùi xuống địa phận thuộc xã Sơn Hải và Quỳnh Thọ, cách Tha Viên cũ 3km. Cửa Thơi do nước sông Thai chảy ra. Nhưng cửa biển hẹp, đá ở chân núi chắn ngang nên thuyền bè ra vào không thuận lợi.
Cửa Thơi dài khoảng 1 km, là điểm neo đậu của hơn 300 tàu thuyền của ngư dân các xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thọ và Sơn Hải. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do biến đổi khí hậu, thiên tai, cửa Thơi bị bồi lắng, dòng chảy thay đổi, dẫn đến nhiều tàu cá của người dân không neo đậu nơi đây được.

 

Huy Khánh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây