Đề cương văn hóa Việt Nam của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (năm 1943) và ảnh hưởng với các nhà văn hóa Nghệ An

Thứ tư - 03/04/2024 23:46 0
1. Đề cương văn hóa Việt Nam và việc đặt vấn đề, xác định nhiệm vụ cho các nhà văn hóa
Trước nguy cơ của nền Văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật - Pháp, nhằm trói buộc văn hóa và giết chết văn hóa Việt Nam, đó là các âm mưu chính sách văn hóa thâm độc với người Việt của thực dân Pháp: Đàn áp các nhà văn hóa dân chủ chống phát xít; Ra tài liệu, tổ chức các cơ quan và các đoàn thể văn hóa để nhồi sọ; Kiểm duyệt rất ngặt những tài liệu văn hóa; Mua chuộc và hăm dọa các nhà văn hóa; Mật thiết liên lạc với tôn giáo để truyền bá văn hóa Trung cổ, văn hóa ngu dân; tuyên truyền chủ nghĩa đầu hàng và chủ nghĩa ái quốc mù quáng và hẹp hòi; Làm ra vẻ chăm sóc đến trí dục, thể dục và đức dục cho dân… Còn chính sách văn hóa của Nhật là: Tuyền truyền chủ nghĩa Đại Đông Á; Gây ra một quan niệm cho người Nhật là cứu tinh của giống da vàng và văn hóa Nhật Bản chiếu rọi những tia sáng văn minh tiến bộ cho các giống, nòi Đại Đông Á; Tìm hết cách phô trương và giới thiệu văn hóa Nhật Bản (triển lãm, diễn thuyết, đặt phòng du lịch, viện văn hóa, trao đổi du học sinh, mời nghệ sĩ Đông Dương sang thăm nước Nhật, mở báo chí tuyên truyền, tổ chức ca kịch, chiếu bóng…); Đàn áp các nhà văn chống Nhật và mua chuộc các nhà văn có tài. Đảng đã xác định cần phải định hướng, xây dựng một bản Đề cương Văn hóa Việt Nam đúng đắn để chống lại các chính sách văn hóa ngu dân, nô lệ của phát xít Nhật - Pháp.



Đảng đã đặt ra 3 vấn đề cần xác định lúc bấy giờ: Văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật; Quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị: Nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội kia (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc); Thái độ Đảng Cộng sản Đông Dương (ĐCSĐD) đối với vấn đề văn hóa: Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người cộng sản phải hoạt động; Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa; Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả. 
Bản Đề cương đã xác định rõ Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam và Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam để chỉ ra Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mác - xít Đông Dương và nhất là những nhà văn hóa Mác - xít Việt Nam phải thực hiện với 2 nhiệm vụ được xác định:
1. Mục đích trước mắt: chống lại văn hóa phát xít phong kiến, thoái bộ, nô dịch, văn hóa ngu dân và phỉnh dân; Phát huy văn hóa tân dân chủ Đông Dương.
2. Công việc phải làm:
a) Tranh đấu về học thuyết tư tưởng (đánh tan những quan niệm sai lầm của triết học Âu, Á, có ít nhiều ảnh hưởng tai hại ở ta: triết học Khổng, Mạnh, Đề - các - tơ (Descaries), Béc - xông (Bergson), Căng (Kant), Nít - sơ (Nielsche), v.v… làm cho thuyết duy vật biện chướng và duy vật lịch sử thắng.
b) Tranh đấu về tông phái văn nghệ (chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng, v,v…) làm cho xu hướng tả thực thắng.
c) Tranh đấu về tiếng nói chữ viết: Thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói, chữ viết; Ấn định mẹo văn ta; Cải cách chữ Quốc ngữ,…
3. Cách vận động:
a) Lợi dụng tất cả khả năng công khai và bán công khai để: Tuyên truyền và xuất bản; tổ chức các nhà văn; Tranh đấu giành quyền lợi thực tại cho các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ,... chống nạn mù chữ,…
b) Phối hợp mật thiết công tác bí mật và công khai thống nhất mọi hoạt động văn hóa tiến bộ dưới quyền lãnh đạo của Đảng vô sản mác - xít.
2. Các nhà văn hóa Nghệ An tiêu biểu được ảnh hưởng của Đề cương văn hóa Việt Nam và thành công qua các tác phẩm
Núi Hồng, sông Lam là biểu tượng của xứ Nghệ, cùng với các làng quê trù phú, với biết bao di tích, danh thắng  nổi tiếng, phong cảnh tuyệt vời tạo nên nét văn hóa đầy bản sắc quê hương xứ sở và phát tích ra những anh hùng, danh nhân, nhân vật kiệt xuất văn võ, trong đó có nhiều danh nhân là nhà văn hóa lớn của dân tộc. Trong số người Việt Nam được vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới, thì xứ Nghệ đã có Đại thi hào Nguyễn Du, Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nối tiếp truyền thống chói lọi của cha ông, tổ tiên là các lớp thế hệ người xứ Nghệ trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. Đặc biệt là thế hệ của thời đại Hồ Chí Minh đã sản sinh ra các nhà văn hóa yêu nước, cách mạng. Họ đã thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đấu tranh xây dựng nên một nền văn hóa mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo đường lối của Đảng từ Đề cương văn hóa Việt Nam của Đảng cộng sản Đông Dương (năm 1943). Xin được giới thiệu các nhà văn hóa tiêu biểu nhất người Nghệ An trong thời kỳ này:
2.1. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới (1890-1969), quê ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Lúc còn nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung hay Côn, khi đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành, sang Pháp và đi hoạt động lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Từ năm 1942 đến trước khi qua đời lấy tên là Hồ Chí Minh. Người đặt nhiều bí danh và bút danh…
Ngày 5 - 6 - 1911, lấy tên là Ba, xuống làm phụ bếp ở tàu buôn Đô đốc La tus Tờ rê vin để được sang Pháp và các nước trên thế giới tìm đường cứu nước. Với Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam ở Pháp gửi đến Hội nghị Véc Xây: Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam, đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận nền độc lập dân chủ và chủ quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam (18 - 1 - 1919). Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, tham gia thành lập Hội liên hiệp thuộc địa, xuất bản tờ báo “Người cùng khổ”. Người viết cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” và nhiều bài báo để lên án chế độ thực dân. Tháng 6 - 1923, Người sang Mátxcơva dự Hội nghị Nông dân Quốc tế. Tháng 12 - 1924 Người về Quảng Châu, Trung Quốc để chỉ đạo cách mạng Việt Nam: Thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội; Xuất bản tờ “Thanh niên” và viết cuốn “Đường cách mệnh”. Ngày 3 - 2 - 1930, sau một thời gian trở lại Liên Xô, sang Thái Lan, Người về Hương Cảng triệu tập Hội nghị hợp nhất ba đảng: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 8 - 2 - 1941, Người trở về Pắc Pó (Cao Bằng) trực tiếp chỉ đạo Cách mạng Việt Nam cho đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở cả nước tháng 8 - 1945. Ngày 2 - 9 - 1945, Người đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và trở thành lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Người tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến đánh thắng hai đế quốc lớn xâm lược nước ta là Pháp và Mỹ, đưa nước ta tiến lên trên con đường chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho đời nhiều tác phẩm thể hiện tư tưởng của Người về giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng phát triển đất nước và tư tưởng về phong trào cộng sản quốc tế, đoàn kết các nước anh em, các dân tộc, phấn đấu vì một nền hòa bình thế giới. Những tác phẩm của Người chính là nền tảng, kim chỉ nam để Đảng ta làm cơ sở xây dựng nên bản Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943).
2.2. Tôn Quang Phiệt (1900-1973), quê xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Thuở nhỏ học chữ Hán với ông nội Tôn Đức Tiến và cha là Cử nhân Tôn Thúc Định, rồi lên học ở Trường Quốc học Vinh. Năm 1923 ra Hà Nội học tại Trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương. Tham gia vận động tổ chức Đảng Tân Việt, tiền thân của Đông Dương Cộng sản liên đoàn, nhận trách nhiệm thành lập Chi bộ đầu tiên ở Hà Nội. Năm 1926 bị đuổi học, ông cùng Trần Phú, Vương Thúc Oánh sang Trung Quốc gặp các nhân vật trong Việt Nam cách mạng đảng. Phái đoàn vừa đến Móng Cái, ông bị Pháp bắt đem về Hà Nội. Ra tù, được kết nạp vào Đảng Cộng sản và dạy học ở trường tư thục Thăng Long. Năm 1935, được Đảng bí mật phái vào Huế hoạt động và dạy học ở trường Thuận Hoá. Ông tham gia Hội truyền bá chữ Quốc ngữ. Tại cuộc biểu tình trong Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Huế tháng 8/1945, Tôn Quang Phiệt được bầu làm Chủ tịch UB Cách mạng, rồi Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Thừa Thiên. Ông là yếu nhân tích cực vận động và tác động để vua Bảo Đại thoái vị, dâng ấn kiếm, giao lại chính quyền cho cách mạng lãnh đạo, quản lý. Ông từng được cử giữ các chức vụ: Thanh tra Ủy ban Kháng chiến Liên khu 4, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, Ủy viên Ban chấp hành Hội hữu nghị Việt - Xô, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban dự thảo Hiến pháp, PTB thường trực, UVUBTV - kiêm Tổng thư ký Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhiều khoá (1946-1963); Ủy viên Ban Chấp hành Hội KH Lịch sử Việt Nam.
Ông là tác gia với hàng trăm bài thơ yêu nước, cách mạng; tác giả các sách: Lịch sử cách mạng Việt Nam dưới thời thuộc Pháp (1882-1945); Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam; Trên đường tranh đấu của nhân dân Việt Nam; Phan Bội Châu và một giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam (1958), v.v… Tôn Quang Phiệt đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
 2.3. Cao Xuân Huy (1900-1983), quê làng Thịnh Mỹ, nay thuộc xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông sinh ra trong một gia đình thế gia vọng tộc, là cháu nội của Cử nhân, Tổng tài Quốc sử quán, Thượng thư bộ Học, tước An Xuân tử Cao Xuân Dục. Thân sinh là Phó bảng, Thượng thư, Hiệp biện Đại học sĩ, Tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Tiếu (1880-1955) và thân mẫu là Nguyễn Thị Ân, người làng Quỳnh Đôi.
Tuổi nhỏ ông học chữ Hán và được ông nội rèn cặp, đi thi Hương nhưng không đỗ vì phạm qui; thi đỗ Thành chung ở Huế, vào học Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, sau tốt nghiệp về dạy ở Trường Quốc học Huế. Năm 1926 gia nhập Đảng cách mạng Tân Việt ở Huế. Tháng 1/1927, bị giải chức khỏi ngạch giáo dục và bị đày đi Lao Bảo một năm, rồi đưa về giam ở Lao Vinh. Năm 1929 đi làm công ở nhà in Đắc Lập ở Huế, lập gia đình với vợ hai là Tôn Nữ Thị Cơ và sinh con trai đầu lòng là Cao Xuân Hạo. Ông đi dạy học ở các trường tư ở Biên Hòa (1934), Sài Gòn (1935-1938), ở Huế. Ông đã nổi tiếng là Nhà Đạo học, có cộng tác với báo Pháp Revue Pédagogique. Sau năm 1945, ông được mời dạy Trường Đại học Việt Nam, bộ môn Triết học Phương Đông; làm Hiệu trưởng Trường Trung học Nguyễn Xuân Ôn ở Diễn Châu. Năm (1949 - 1951) làm giáo viên Trường Trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng và làm Giáo sư Triết học Đại học Văn khoa đầu tiên của Việt Nam. 1954-1957, sau khi được chứng kiến cuộc đấu tranh chính trị dữ dội ở quê, ông được Chính phủ điều về Hà Nội dạy ở Trường Đại học Văn khoa (tiền thân của Đại học Tổng hợp và ĐHSP Hà Nội) với các môn Triết học Phương Đông, Lôgich học và Tâm lí học. 1959-1970, được cử làm Tổ trưởng Tổ Hán Nôm của Viện Văn học. Ông hiệu đính nhiều bản dịch Hán Nôm, Anh, Pháp và thuyết trình về Bách gia chư tử, về Nguyễn Trường Tộ và tư tưởng Việt Nam thời Tự Đức… cho lớp chuyên đề của viện. Năm 1960, ông được Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Ông tham gia thành lập và giảng dạy ở lớp Đại học Hán Nôm và làm Tổ trưởng Tổ Văn học cổ cận đại Viện Văn học; chịu trách nhiệm đào tạo lớp Chuyên tu Hán Nôm trên đại học (1972-1974); thỉnh giảng ở các Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm và Đại học Y - Dược, Viện Đông y Việt Nam. 1981, được nghỉ hưu. Cả cuộc đời thầy Cao Xuân Huy là một tấm gương đạo đức sáng ngời của một nhà giáo hết lòng vì nhiều lớp học trò, đã giúp nhiều thế hệ trẻ Việt Nam trở thành những cây đại thụ về KHXH&NV với tư tưởng triết lý nhân văn, nhân bản. GS Cao Xuân Huy đã để lại công trình là các bài viết về triết học nói chung khá đồ sộ và đặc biệt là về triết học Phương Đông. Tập luận văn triết học của thầy với 7 đề mục chính: I. Cái bi kịch của sự đồng nhất hóa; II. Phương thức “Chủ toàn” và Phương thức “Chủ biệt” của tư tưởng; III. Thiết vấn pháp của bản thể luận; IV. Bản thể và nguyên lý đồng nhất tính; V. Vận động, phát triển và không gian thời gian; VI. Tri giác và thế giới; VII. Do lai của ý thức. Nhìn vào các tựa đề của các thiên cũng có thể thấy ngay cái đích mà thầy muốn nhắm tới không phải là những vấn đề triết học sơ giản. Công trình của thầy đã được các học trò tập hợp, tham bác, xuất bản thành sách: Tư tưởng Phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu (Nguyễn Huệ Chi soạn, chú, giới thiệu.- H., Văn học, 1995.- 790 Tr). Các công trình khoa học của thầy đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, đã tôn vinh thầy là Danh nhân văn hóa Việt Nam thế kỷ XX.
2.4. Đặng Thai Mai (1902-1984), quê làng Lương Điền, nay là xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Giáo sư, nhà văn, con trai của Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn. Học hết trung học ở Vinh (1924), ông vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Vừa học, ông vừa tham gia cách mạng. Tốt nghiệp năm 1928, được bổ vào Huế dạy Trường Quốc học. Năm 1929, tham gia Tân Việt cách mạng Đảng, bị bắt, bị án treo 3 năm; 1930 lại bị bắt và bị tù 3 năm nữa. Ra tù, dạy học ở trường Gia Long, rồi thành lập Trường Thăng Long, Hà Nội. Sau Cách mạng tháng 8, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng: Bộ trưởng Bộ Giáo dục; Chủ tịch UB Kháng chiến và Kháng chiến Thanh Hóa, liên tục là Đại biểu Quốc hội;  Viện trưởng Viện Văn học (1960-1976); Chủ tịch Hội LHVHNT Việt Nam từ 1957… Ông đã có nhiều cống hiến tích cực vào việc xây dựng một nền văn nghệ Việt Nam cách mạng. Ông được Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh; Giải thưởng Hồ chí Minh về Văn học Nghệ thuật.
Trong thời kỳ mặt trận dân chủ, ông tham gia truyền bá chữ Quốc ngữ. Được ĐCSĐD giới thiệu tranh cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ. Thời gian này ông có điều kiện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê nin một cách có hệ thống, những tác phẩm văn học cách mạng và lý luận văn nghệ, được thấm nhuần Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943). Do đó, ông sử dụng ngòi bút như một thứ vũ khí chiến đấu. Ông viết trên các tờ báo của Đảng bằng tiếng Việt và Pháp: Tin tức, Lao động, Tập hợp, Tiếng nói của chúng ta. Ông đã xây dựng được các hình tượng nhân vật kiên cường và bình dị trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh trong một số tác phẩm văn học: Cô Câm đã lên tiếng; chú bé; Vận mệnh chống đối; Người đàn bà điên… Đặng Thai Mai được đánh giá là một trong những người đầu tiên đặt nền móng lý luận văn học Mác - xít ở Việt Nam qua các công trình: Văn học khái luận (1944); Lỗ Tấn, thân thế và sự nghiệp (1944); Tạp văn trong văn học Trung Quốc hiện đại (1945); Chủ nghĩa nhân văn dưới thời văn hóa Phục Hưng (1949); Lịch sử văn học Trung Quốc hiện đại (T.1- 1958); Trên đường học tập và nghiên cứu (T.1- 1959/T.2- 1965/T.3-1973); Đặc biệt xuất sắc là 2 cuốn: Văn thơ Phan Bội Châu (1959) và Văn thơ cách mạng Việt Nam (1960); Giảng văn Chinh Phụ ngâm…
2.5. Phạm Thiều (1904 - 1986), bút danh Miên Trai, quê xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Đi dạy học và viết báo ở Sài Sòn. Giám đốc Sở Thông tin Nam bộ. Chủ tịch UBHC Tp. Sài Gòn - Chợ Lớn. Giám đốc Nha Giáo dục phổ thông. Trưởng ban Hán Nôm UBKHXH Việt Nam. Giám đốc Thư viện KHXH Tp Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 1 tháng 12 năm 1986, tại thành phố Hồ Chí Minh. Tác phẩm: Thư mục sách Hán Nôm; Thơ văn bang giao đi sứ (sưu tầm và giới thiệu) và các bài chuyên luận khác.
2.6. Nguyễn Khánh Toàn (1905-1993), quê ở Huế, sinh ra ở Tp. Vinh, Nghệ An. Học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, tham gia phong trào yêu nước cách mạng, nên sau tốt nghiệp không được bổ đi dạy, tìm đường xuất dương, nhưng bị Pháp bắt giam ở Khám lớn Sài Gòn (1927). Ra tù, ông tiếp tục viết báo. Năm 1928, ông sang Pháp, rồi sang Liên Xô học trường Đảng, làm Nghiên cứu sinh Sử học tại Đại học Đông Phương. Vào Đảng Cộng sản năm 1931. Đến 1939, được Quốc tế Cộng sản giới thiệu sang công tác ở Khu Giải phóng Trung Quốc cho đến 1945 thì về nước. Sau Cách mạng tháng 8, ông được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng: Thứ trưởng Bộ Giáo dục; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội, Ban Khoa giáo Trung ương. Ông có nhiều tác phẩm đóng góp lớn, đề xuất hàng loạt vấn đề lý luận về công tác giáo dục và đặt nền móng cho các ngành KHXH&NV ở Việt Nam. Ông có nhiều cuốn sách được in ở trong và ngoài nước về văn học, giáo dục, triết học, sử học, văn hóa và một số công trình nhà nước về KHXH. Ông đã được vinh phong là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức. Ông đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt 1).
2.7. Nguyễn Đức Nguyên (1909-1982), bút danh Hoài Thanh, quê ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, con trai đầu cụ Đức Tương, học chữ Hán, Pháp, Quốc ngữ, Trung học Pháp Việt; tham gia phong trào yêu nước trong học sinh, rồi vào Đảng Tân Việt, bị bắt, bị kết án, đuổi khỏi trường; Viết báo, lại bị bắt, trục xuất khỏi Bắc kỳ và giải về quê. Năm 1931, vào Huế làm công cho nhà in, dạy học tư và viết văn, viết báo. Tham gia Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8, dạy học ở Đại học Hà Nội; làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam; Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật, Tổng Thư ký Hội LHVHNT Việt Nam, Viện phó Viện Văn học, Chủ nhiệm tuần báo Văn nghệ cho đến 1975. Năm 1941, ông cùng em trai Hoài Chân - Nguyễn Đức Phiên (1914-2004) soạn cuốn “Thi nhân Việt Nam” nổi tiếng và là tác giả của: Có một nền văn hóa Việt Nam (1946); Quyền sống của con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du (1949); Nói chuyện thơ kháng chiến (1951); Nam bộ mến yêu (1955); Quê hương và thời niên thiếu của Bác (cùng Thanh Tịnh - 1960); Phê bình và tiểu luận (3 T: 1960,1965,1971); Phan Bội Châu (1978); Chuyện thơ (1978); Tuyển tập Hoài Thanh (2 T: 1982-1983)…
Trên đây là các nhà văn hóa tiêu biểu cho hàng trăm nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu khoa học của đất Nghệ An đã được tiếp cận với Đề cương Văn hóa Việt Nam của Đảng cộng sản Đông Dương (1943) với thành công qua các tác phẩm công trình của mình. Họ là những tấm gương phấn đấu vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng trong đấu tranh chống thực dân đế quốc và phát xít, để giải phóng dân tộc. Các công trình, tác phẩm, bài viết của họ là những minh chứng sinh động nhất cho các vấn đề đặt ra và những nhiệm vụ cần thực hiện thành công mà Đề cương Văn hóa Việt Nam đã kỳ công xây dựng nên.
Tài liệu tham khảo
1. Đề cương Văn hóa Việt Nam của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (năm 1943)/- Hợp tuyển thơ văn yêu nước. Thơ văn Cách mạng (1930-1945).- H., Văn học, 1980.- 20cm; tr.651-656.
2. Trần Mạnh Thường. Từ điển tác gia Văn học Việt Nam thế kỷ XX.- H., Hội nhà văn, 2003.- 1365 tr., 20cm.
3. Từ điển nhân vật xứ Nghệ/ Ninh Viết Giao CB… NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2008.- 795 tr., 24cm.
4. Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế. Từ điển nhân vật Lịch sử Việt Nam (Tái bản lần thứ VIII có sửa chữa và tăng bổ).- NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2006.- 1690 tr., 24cm.
Và một số tài liệu khác…
 

Đào Tam Tỉnh

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây