Kinh tế di sản trong mối quan hệ phát triển kinh tế thời hội nhập

Thứ năm - 04/04/2024 03:40 0
Kinh tế di sản trong mối quan hệ phát triển kinh tế thời hội nhập
Phan Anh
Kinh tế di sản là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, dựa trên các giá trị của di sản văn hóa để phát triển kinh tế. Đây là một xu hướng phát triển được nhiều quốc gia, nhiều địa phương quan tâm. Trong mấy năm qua, Nghệ An đang đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản. Nhưng đây là một lĩnh vực mới nên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được thảo luận. Từ việc nhận thức về kinh tế di sản, đánh giá tiềm năng kinh tế di sản, thực trạng phát triển kinh tế di sản hay định hướng phát triển kinh tế di sản ở Nghệ An đều là những vấn đề cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Vậy nên, bài viết này mong muốn góp phần vào việc làm rõ hơn những vấn đề trên đây nhằm tìm kiếm thêm những con đường phát triển văn hóa trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay.

1. Nhận thức về kinh tế di sản
Mọi di sản đều có giá trị kinh tế. Giá trị kinh tế của các di sản không phải thể hiện một cách thông thường trên thị trường, mà nó thường thể hiện ngầm ẩn hoặc gián tiếp qua các giá trị khác. Di sản văn hóa có giá trị biểu tượng, và giá trị đó không đem ra bán trên thị trường như một thứ hàng hóa thông thường, mà phải chuyển đổi vào trong các loại hàng hóa khác để tạo ra giá trị lợi nhuận. Nói cách khác, các di sản đều có tính kinh tế của nó. Cũng chính vì vậy mà khi phát triển kinh tế di sản thì phải nhận thức và hành động theo một chương trình phát triển đặc thù, không theo các quy luật thị trường thông thường, hay nói cách khác là theo các quy luật phi thị trường.
Như đã nói ở trên, kinh tế di sản là một lĩnh vực kinh tế, nên phải nhận thức nó trên phương diện kinh tế học, nghĩa là có đầu tư, doanh thu và lợi nhuận. Nếu như bảo tồn di sản văn hoá nhấn mạnh đến yếu tố đầu tư để bảo vệ, giữ gìn, khôi phục và quản lý di sản là chủ yếu, việc phát huy giá trị, đặc biệt là giá trị kinh tế chỉ là yếu tố thứ yếu, thì kinh tế di sản lại phải nhấn mạnh đến khai thác giá trị kinh tế nhưng không có nghĩa là không coi trọng việc bảo tồn. Bởi phải bảo tồn được di sản thì mới có nền tảng để phát triển kinh tế di sản. Và kinh tế di sản cũng không được định giá thông thường theo thị trường mà phải có cách định giá đặc biệt, vốn đầu tư lớn và đầu tư lâu dài trong khi doanh thu từ từ, càng về sau càng làm tốt thì lợi nhuận càng tăng. Nói vậy để thấy phát triển kinh tế di sản không phải chuyện ngày một ngày hai, càng không thể nóng vội, làm ăn chớp nhoáng, chộp giật được, mà phải kiên trì, nghiêm túc, định hướng lâu dài. Đặc biệt, nói đến phát triển kinh tế di sản cần phải xem xét một khái niệm vô cùng quan trọng, là yếu tố cốt lõi của kinh tế học di sản. Đó là khái niệm vốn văn hoá. Xét cho cùng, các di sản là một phần của văn hoá. Và kinh tế di sản là loại hình kinh tế phát triển bằng vốn văn hoá. Phân tích các yếu tố của vốn văn hoá là cách thức để tiếp cận và vận dụng vào phát triển kinh tế di sản một cách có giá trị nhất.

Quê ngoại Bác Hồ - Điểm du lịch đặc sắc xứ Nghệ
2. Thực trạng khai thác tiềm năng di sản ở Nghệ An
Nghệ An có một nguồn lực văn hóa khá đa dạng. Là một địa phương đa tộc người với nhiều nền văn hóa như: văn hóa Kinh, Thái, Khơ Mú, Mông, Thổ, Ơ Đu… Mỗi cộng đồng ở mỗi địa phương lại có những sắc thái đặc trưng riêng, tạo nên một vườn hoa văn hóa tộc người, văn hóa cộng đồng đa sắc sặc sỡ. Nghệ An có hàng trăm lễ hội truyền thống hàng năm, trong đó có hàng chục lễ hội nổi tiếng trước đã bị mai một, nay được phục hồi như các lễ hội đền Cuông (Diễn Châu), đền Cờn (Quỳnh Lưu), đền Quả Sơn (Đô Lương), đền Vua Mai (Nam Đàn), đền Bạch Mã (Thanh Chương), đền Hồng Sơn, chùa Sư Nữ (thành phố Vinh)… Miền núi phía Tây có các lễ hội Xăng Khan, Hang Bua (Quỳ Châu), đền Chín Gian (Quế Phong), đền Vạn (Tương Dương)… Gần đây tỉnh còn xây dựng nên một số lễ hội mới mang sắc thái hiện đại như lễ hội Làng Sen (19-5), lễ hội sông nước Cửa Lò (30/4 - 1/5), lễ hội uống nước nhớ nguồn (27-7),… Nghệ An có 485 di tích, danh thắng được xếp hạng, trong đó có 06 di tích quốc gia đặc biệt, 145 di tích quốc gia và 334 di tích cấp tỉnh, là một hệ thống di tích hấp dẫn, có sức hút lớn đối với du khách như Khu di tích Kim Liên, khu di tích Truông Bồn, đền thờ Vua Quang Trung… Bên cạnh đó, nói đến Nghệ An cũng nói đến nhiều sinh hoạt văn hóa tinh thần từ như ví giặm, nhiều đặc sản ẩm thực đa dạng của các địa phương, các tộc người khác nhau…
Trong phát triển kinh tế di sản, vấn đề then chốt là sự khác biệt, tính đặc trưng của văn hóa mới là yếu tố quan trọng. Vậy nên chúng ta cần phải nhìn nhận lại từng hệ thống di sản văn hóa cụ thể để xem xét nó dưới dạng một nguồn lực văn hóa cho quá trình phát triển.
Thứ nhất, hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, là một nguồn vốn văn hóa khách quan, vốn văn hóa vật thể: Dù có một hệ thống hàng nghìn di tích như đã kể ở trên nhưng phần lớn trong đó lại được khôi phục sau này, những di tích tồn tại từ trước đây không còn nhiều. Điều đó làm cho sức hút từ hệ thống di tích cũng có phần hạn chế. Việc quy hoạch để phát triển các ngành dịch vụ, du lịch liên quan đến các di tích cũng còn chưa được hiệu quả. Phần lớn ở các di tích đều chỉ sôi động trong mấy ngày mùa lễ hội, còn lại quanh năm vẫn đìu hiu. Sự liên kết du lịch giữa các di tích để tạo thành những con đường du lịch vẫn chưa được thực hiện một cách bài bản do sự phân cấp quản lý khác nhau và mạnh ai nấy làm. Để các di tích trở thành một sức hút trong quá trình phát triển thì cần tôn trọng các giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với di tích đó. Từ đó mới tìm kiếm các ý tưởng về việc tạo ra các sản phẩm du lịch, dịch vụ gắn với các giá trị của di tích để phát triển. Gắn quá trình phát triển kinh tế tại khu di tích với lợi ích của các cộng đồng chủ thể.
Thứ hai, hệ thống lễ hội trên địa bàn tỉnh: Cũng như các di tích, phần lớn các lễ hội nổi tiếng mới được khôi phục lại gần đây. Lễ hội phần lớn cũng gắn với các di tích lịch sử văn hóa nên việc tách ra làm hai yếu tố chỉ mang tính tương đối. Điều đáng tiếc là hầu hết các lễ hội ngày càng ít gắn kết với đời sống sinh hoạt của cộng đồng chủ thể, mà trở nên đại trà, làm mất đi tính đặc trưng của các lễ hội khác nhau. Có nhiều lễ hội người đến thì có vẻ đông nhưng những lợi ích thu lại từ các lễ hội lại không nhiều vì thiếu các sản phẩm du lịch, dịch vụ và hàng hóa đặc trưng của lễ hội. Để các lễ hội tạo ra nguồn thu nhập kinh tế thì cần phải có nhiều ý tưởng về việc tạo ra các sản phẩm hàng hóa, sản phẩm du lịch và dịch vụ cho du khách.

Lễ hội - Một trong những loại hình di sản góp phần phát triển kinh tế du lịch ở Nghệ An hiện nay
Thứ ba, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, chủ yếu là nghệ thuật biểu diễn như hát ví giặm, các điệu múa, các bài hát truyền thống các cộng đồng tộc người. Hiện tỉnh đang có một số ý tưởng về việc xây dựng các sản phẩm du lịch từ những sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà ví giặm là một điển hình. Tuy nhiên, gần như mọi việc vẫn chưa có hiệu quả do sự nghèo nàn về ý tưởng. Muốn phát triển kinh tế từ sức hấp dẫn của các sinh hoạt văn hóa cộng đồng này thì cần phải khôi phục lại các không gian văn hóa đã sản sinh ra các sinh hoạt đó. Ý tưởng về các không gian văn hóa xứ Nghệ thật sự đáng tham khảo khi phát triển các dịch vụ, du lịch liên quan đến nguồn lực này.
Thứ tư, đối với các sản phẩm thủ công nghiệp của các cộng đồng khác nhau: Các làng nghề thủ công truyền thống của người Kinh ở miền xuôi hay các nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số ở miền núi đang bị mai một, mất mát nhanh chóng. Trong khi đây là một nguồn vốn quan trọng để phát triển kinh tế di sản, nhất là trong việc tạo ra các sản phẩm hàng hóa đặc trưng của các cộng đồng để đưa vào thị trường. Vấn đề là cần phải có những cách thức tổ chức sản xuất sao cho hợp lý để cộng đồng chủ thể vừa có thể tiếp cận thị trường, vừa phát huy được giá trị văn hóa truyền thống của mình. Các ngành du lịch đang thiếu các sản phẩm hàng hóa và việc phát triển các ngành thủ công truyền thống là một hướng đi để hạn chế điều này. 
Thứ năm, kho tàng tri thức dân gian của các cộng đồng: Trải qua nhiều thế hệ sinh sống, cộng đồng nào cũng có hệ thống tri thức dân gian được đúc kết từ quá trình tồn tại và phát triển của mình. Hiện nay, nhiều tri thức dân gian đang bị mất đi, nhưng nhiều nguồn tri thức dân gian cũng đang được vận dụng vào quá trình phát triển. Điển hình như các tri thức về y học, dược học truyền thống của các cộng đồng đang được sử dụng để sản xuất các sản phẩm, thực phẩm chức năng tăng cường sức khỏe cho con người. Bên cạnh khuyến khích người dân trồng các loại cây dược liệu truyền thống và bảo vệ nguồn gen thực vật liên quan trong tự nhiên thì việc đưa các công nghệ hiện đại vào để chiết xuất, chế tạo các sản phẩm là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên cần chú ý để hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp với các cộng đồng chủ thể, giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa và cả bảo tồn nguồn gen sinh học.
Thứ sáu, cũng phải nhấn mạnh rằng, để phát huy được các nguồn lực văn hóa đã phân tích trên vào quá trình phát triển kinh tế, thì cần phải chú ý đến các nguồn lực quan trọng khác, đặc biệt là nguồn lực con người. Nguồn lực con người ở đây không chỉ là lực lượng lao động nói chung, mà quan trọng hơn nữa đó là nguồn lực trí tuệ, tâm huyết của con người khi tham gia vào phát triển kinh tế di sản. Phát triển kinh tế di sản phải bắt đầu từ những ý tưởng mới lạ, dựa trên nền tảng các lý thuyết phát triển nhưng gắn liền với thực tiễn của từng di sản văn hóa cụ thể. Từ những ý tưởng đó, phải tạo ra được các sản phẩm thương mại, sản phẩm du lịch để chuyển hóa các giá trị di sản văn hóa thành giá trị kinh tế. Muốn làm được điều đó cần phải có những người tâm huyết theo đuổi, thậm chí hy sinh một số lợi ích cá nhân nhằm tạo ra sự phát triển cho cộng đồng. Bên cạnh đó, những nhà quản lý, những người làm chính sách cũng phải có những động thái cụ thể để thu hút những người tâm huyết trong lĩnh vực này nhằm tạo ra những sự thay đổi, những có hích cho kinh tế di sản.
3. Thực trạng phát triển kinh tế di sản ở Nghệ An hiện nay
Trước hết cần kể đến mô hình phát triển du lịch cộng đồng, một loại hình kinh tế dựa vào di sản văn hóa, và cũng là một loại hình thuộc về phát triển kinh tế di sản. Nói vậy là bởi di sản văn hóa là nguồn vốn quan trọng trong phát triển du lịch cộng đồng. Và hiện nay, du lịch cộng đồng đang ngày càng trở nên phổ biến, nhưng thật sự có hiệu quả thì chỉ ở một số nơi. Ở Nghệ An, du lịch cộng đồng được biết đến trong khoảng gần một thập kỷ lại nay. Ban đầu là những doanh nghiệp du lịch qua các tour đi đến các địa phương khác đã quan tâm đến loại hình này. Tuy nhiên, du lịch cộng đồng chỉ được quan tâm và xây dựng thành các điểm để đón khách khi có các dự án đầu tư và hỗ trợ. Tính đến nay, sau hơn một thập kỷ đưa vào khai thác để phát triển, toàn tỉnh đã hình thành một hệ thống với vài chục điểm du lịch cộng đồng ở nhiều huyện khác nhau, tập trung chủ yếu ở miền núi. Huyện Con Cuông có các điểm: bản Nưa (xã Yên Khê), bản Thái Sơn 1, bản Thái Sơn 2, bản Xiềng, bản Búng, bản Cò Phạt (xã Môn Sơn), bản Yên Thành (xã Lục Dạ), bản Khe Rạn (xã Bồng Khê)…. Huyện Tương Dương có bản Chắn, bản Mác, bản Lau (xã Thạch Giám), bản Xoóng Con (xã Lưu Kiền), bản Phồng (xã Tam Hợp), bản Huồi Tố 1, bản Huồi Tố 2 (xã Mai Sơn), bản Quang Phúc (xã Tam Đình)…. Huyện Kỳ Sơn có bản Na (xã Hữu Lập) bản Xiềng Tắm, bản Yên Hòa (xã Mỹ Lý)…. Huyện Quế Phong có bản Na Sái (xã Hạnh Dịch), bản Đan 1, bản Đan 2 (xã Tiền Phong), bản Cò Nong (xã Mường Nọc), bản Cọ Muồng (xã Châu Kim)…. Huyện Quỳ Châu có bản Hoa Tiến 1, bản Hoa Tiến 2 (xã Châu Tiến)…. Miền núi Nghệ An không chỉ có nhiều thắng cảnh tự nhiên đẹp, hùng vĩ, nhiều di tích lịch sử văn hóa, mà còn là nơi lưu giữ được nhiều nét đặc sắc về văn hóa tộc người. So với nhiều vùng khác, sự phát triển của kinh tế thị trường ở miền núi Nghệ An còn chậm nên văn hóa dù có biến đổi nhưng chưa mạnh mẽ, nhiều cộng đồng vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đó chính là cơ sở để người ta lựa chọn xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng. Qua khảo sát có thể rút ra được vài nhận xét về mô hình này: Thứ nhất là sự hài hòa giữa tự nhiên và văn hóa, sinh thái và con người. Tự nhiên hay vốn tự nhiên không thuộc vào di sản văn hóa nhưng để phát triển du lịch cộng đồng thì cũng có vai trò của yếu tố này, nhất là sự hài hòa với yếu tố văn hóa. Hầu hết các nơi phát triển được du lịch cộng đồng thường cảnh quan tự nhiên đẹp, lạ, thanh bình, là cái nôi của văn hóa cộng đồng ở địa phương. Quan trọng là cộng đồng dân cư ở đó còn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo. Và các giá trị văn hóa đó, ngoài việc chiêm ngưỡng, còn có thể tích hợp được vào các sản phẩm hàng hóa để phát triển kinh tế. Và đó cũng là nơi mà môi trường chính trị, xã hội ổn định, con người dễ gần gũi.

Tri thức dân gian của các dân tộc được xem là loại hình di sản mang lại kinh tế cho người dân
Mô hình thứ hai là phát triển thủ công nghiệp truyền thống. Cả tỉnh hiện tại có hàng trăm làng nghề truyền thống đang phát triển, trong đó có hàng chục làng nghề đã được công nhận và được đầu tư để phát triển. Tuy nhiên, có những làng nghề tiếp cận được thị trường và phát triển một cách mạnh mẽ, nhưng cũng có những làng nghề lại bị mai một, tùy vào loại hình thủ công nghiệp cũng như tính năng động của chủ thể và cơ chế chính sách phát triển. Nhưng kinh nghiệm từ các làng nghề thành công cho thấy sự năng động từ người dân chủ thể và cơ chế linh động từ chính quyền là cơ sở để làng nghề vươn lên. Nó vừa yêu cầu giữ gìn được đặc trưng của nghề thủ công truyền thống, vừa có những thay đổi để phù hợp với thị trường. Đặc biệt là các chủ thể tiếp cận được thị trường bằng những năng lực và sự linh động của mình. Để phát triển các làng nghề truyền thống bên cạnh phát triển các sản phẩm đặc trưng để đưa ra thị trường thì cần phải kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề… nhằm đa dạng hóa nguồn thu mới đảm bảo được nguồn thu nhập một cách bền vững hơn.
Mô hình thứ ba là phát triển kinh tế di sản từ các hoạt động bảo tàng và nghệ thuật trình diễn. Bảo tàng cũng là một nhân tố không chỉ bảo tồn mà còn phát huy được giá trị của các di sản văn hóa, trong đó có giá trị kinh tế. Ở trong nước, có những bảo tàng rất đông khách tham quan và giá vé vào rất cao nhưng vẫn đảm bảo một lượng khách đều đặn khiến doanh thu của họ khá lớn. Tuy nhiên, ở Nghệ An, các bảo tàng hoạt động hiệu quả không nhiều. Hầu hết các bảo tàng đều đang trong quá trình chuyển mình theo hướng hiện đại để phục vụ du lịch cũng như tạo nguồn thu trong tương lai. Nhưng trong thực tế hiện tại vẫn chưa có hoạt động kinh tế nào để tạo nguồn thu. Các định hướng đang vươn tới một tương lai gần, các bảo tàng sẽ kết hợp với du lịch để tạo ra các giá trị kinh tế, góp phần phát triển văn hóa trong bối cảnh kinh tế thị trường. Trong khi đó, nghệ thuật biểu diễn là một thế mạnh đầy tiềm năng của Nghệ An. Bên cạnh ví giặm vốn nổi tiếng và được nhiều người biết đến, được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, thì Nghệ An còn nhiều loại hình biểu diễn khác từ các cộng đồng khác nhau. Đây là nhân tố thu hút khách du lịch, là cơ sở để phát triển công nghiệp văn hóa. Nhưng hiện tại các di sản văn hóa nghệ thuật biểu diễn vẫn chưa được khai thác nhiều.

Các sản phẩm từ nghề truyền thống mây tre đan mang lại nguồn lợi kinh tế cho người dân Nghệ An, Ảnh: Nguyễn Đạo
Mô hình thứ tư là phát triển kinh tế dược liệu dựa vào nguồn vốn tri thức dân gian về y học của các cộng đồng. Đây là mô hình được khá nhiều cộng đồng vận dụng vào quá trình phát triển như người Thổ, người Thái, người Khơ Mú... Những người Thổ ở Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn đang hướng đến khai thác các bài thuốc chữa bệnh cổ truyền để tạo ra hàng hóa nhằm cung cấp cho thị trường chăm sóc sức khỏe để tìm kiếm lợi nhuận. Nhiều người Khơ Mú, người Thái ở miền Tây Nghệ An cũng vậy. Dựa vào các bài thuốc cổ truyền, họ đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa khác nhau để bán cho khách hàng, từ các bài thuốc chữa bệnh, các bài thuốc ngâm rượu để bồi bổ sức khỏe đến nhiều sản phẩm khác.
Tóm lại, Nghệ An có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế di sản nhưng hiện tại vẫn chưa khai thác được nhiều. Các loại hình kinh tế di sản ở Nghệ An còn phát triển chậm và chưa đạt hiệu quả cao. Ngoài các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa đang được đẩy mạnh và thu được một số kết quả nhất định thì các loại hình khác còn nhiều hạn chế, chưa thể hiện được nhiều vai trò trong quá trình phát triển kinh tế tỉnh nhà.
4. Định hướng phát triển kinh tế di sản ở Nghệ An trong giai đoạn tới
Thứ nhất, Nghệ An cần định hình chiến lược phát triển kinh tế di sản dựa trên những tiềm năng vốn có của mình. Cần phải hoàn thiện và đi vào thực hiện đề án phát triển kinh tế di sản của tỉnh. Qua đó quy hoạch các tuyến để khai thác các di sản văn hóa vào phát triển kinh tế. Các chính sách của tỉnh là kim chỉ nam quan trọng để định hướng cho sự phát triển kinh tế di sản. Tuy nhiên, các chính sách hiện tại vẫn chưa rõ ràng. Cần phải có một chiến lược với tầm nhìn dài hạn để từ đó xây dựng các chính sách cụ thể cho các loại hình kinh tế di sản cụ thể.
Thứ hai, xem xét lại các loại hình kinh tế di sản để lựa chọn loại hình có tiềm năng nhất làm mũi nhọn trong quá trình phát triển kinh tế di sản. Cần phải nhận thức rõ mối quan hệ giữa các loại hình kinh tế di sản để lựa chọn sao cho phù hợp, bởi không có một loại hình nào tồn tại và phát triển riêng lẻ. Ví dụ du lịch cộng đồng muốn hiệu quả thì phải gắn với hoạt động của các làng nghề truyền thống, với nghệ thuật biểu diễn, với kinh tế lễ hội… chứ nó không tách riêng lẻ ra. Tương tự như vậy, bản thân nghệ thuật biểu diễn hay lễ hội chưa hẳn tạo ra thu nhập nhưng khi gắn với các hoạt động du lịch thì sẽ tạo ra được thu nhập. Chính vì vậy mà cần tạo sự kết nối giữa các địa phương trong phát triển kinh tế di sản, nhưng đồng thời cũng phải cho các địa phương, các cộng đồng chủ động phát triển kinh tế di sản dựa vào đặc trưng văn hóa riêng của mình.
Thứ ba, gắn kết phát triển kinh tế di sản với việc bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người, bản sắc văn hóa địa phương và bản sắc văn hóa cộng đồng. Bảo tồn là nhân tố đầu tiên và quan trọng, là cơ sở để giữ lại các nguồn vốn văn hóa cho phát triển kinh tế di sản. Nếu không có bảo tồn, hay bảo tồn không được các di sản văn hóa thì chẳng còn gì để phát triển kinh tế di sản. Ngược lại, phát triển kinh tế di sản cũng góp phần thúc đẩy và làm cho công tác bảo tồn di sản văn hóa thêm hiệu quả hơn. Nó làm thay đổi nhận thức của người dân về giá trị của việc bảo tồn di sản văn hóa, qua đó làm cho họ chủ động hơn, trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn nguồn tài sản của chính mình.
Thứ tư, cần phải huy động toàn dân, các cơ quan liên quan hợp tác với ngành văn hóa để cùng thúc đẩy phát triển kinh tế di sản nhằm nâng cao vai trò của lĩnh vực này, đưa văn hóa tham gia nhiều hơn vào quá trình phát triển kinh tế. Hiện tại, hầu hết các di sản văn hóa đều thuộc sự quản lý của ngành văn hóa. Không chỉ giữ vai trò thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa mà ngành văn hóa còn đứng ra tham mưu tư vấn xây dựng chính sách phát triển kinh tế di sản. Nhưng nếu chỉ một mình ngành văn hóa thì khó mà thực hiện được hiệu quả. Vậy nên cần có sự liên kết, hợp tác của nhiều ngành liên quan, nhất là sự ủng hộ, chia sẻ và tham gia của người dân chủ thể. Phát triển kinh tế di sản cần gắn với lợi ích của người dân chủ thể trong chiến lược phát triển chung của toàn tỉnh.
Kết luận
Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế di sản. Nhận thức được điều đó nên mấy năm qua, tỉnh đã quan tâm nhiều đến việc đẩy mạnh lĩnh vực kinh tế đặc biệt này. Nhưng do nhận thức về lĩnh vực này còn hạn chế, nên việc phát triển các loại hình kinh tế di sản vẫn còn chưa được mạnh mẽ. Ngoài du lịch cộng đồng đã phổ biến rộng rãi và đạt được một số kết quả khả quan thì các lĩnh vực khác như vẫn còn gặp khó khăn. Các ngành thủ công nghiệp truyền thống đang khó tiếp cận thị trường. Các ngành kinh tế dược liệu chưa được đầu tư phát triển một cách bài bản. Các hoạt động nghệ thuật biểu diễn dù đa dạng nhưng chưa phát huy được giá trị của mình vào các hoạt động kinh tế. Trong khi đó, các bảo tàng, lễ hội,… vẫn chỉ đang trong quá trình chuyển đổi nhằm tham gia vào một số hoạt động kinh tế để phát huy các giá trị di sản văn hóa mà thôi.
Phát triển kinh tế di sản là hướng đi đúng đắn và phù hợp. Nó là một định hướng phát triển văn hóa trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay. Nhưng để phát triển lĩnh vực này một cách hiệu quả cần có những định hướng phù hợp. Đó là cần một chiến lược phát triển có tầm nhìn dài hạn gắn với các tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhà. Là lựa chọn được loại hình kinh tế di sản phù hợp với từng địa phương, từng cộng đồng để tập trung đầu tư phát triển. Là gắn kết phát triển kinh tế lễ hội với bảo tồn di sản văn hóa cộng đồng. Là liên kết, hợp tác giữa ngành văn hóa với các ngành liên quan và lấy cộng đồng chủ thể làm trung tâm để phát triển kinh tế di sản. Chỉ có như vậy thì mới có thể đưa kinh tế di sản tỉnh nhà phát triển mạnh hơn và hiệu quả hơn.
 

Phan Anh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây