Sắc thái văn hóa trong lễ hội của các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An được quan tâm khai thác để phát triển du lịch

Thứ tư - 03/04/2024 23:08 0
 
Ảnh: Sách Nguyễn
           
1. Đặt vấn đề
Về phương diện lý luận cũng như thực tiễn đều cho thấy: việc phát triển du lịch nói chung cũng như các loại hình du lịch nói riêng, không thể không cần tới vai trò và giá trị của bản sắc văn hóa hay nói cách khác là các nét văn hóa đặc trưng tộc người. Kinh nghiệm làm du lịch ở nhiều địa phương trên cả nước ta nhiều năm qua cũng minh chứng nơi nào chính quyền và ngành văn hóa biết khai thác hợp lý các tiềm năng, thế mạnh của cảnh quan môi trường, di tích danh thắng và nhất là tiềm năng về đặc trưng văn hóa tộc người, thì du lịch nơi đó khá thành công, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và bảo tồn văn hóa tộc người của địa phương. Có thể nhắc đến thành công trong phát triển du lịch (nhất là du lịch cộng đồng) của các địa phương miền núi, dân tộc như: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Hòa Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa,… ở miền Bắc cũng như các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Miền tây Nghệ An là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc thiểu số như Thái (gồm các nhóm Tày Thanh, Tày Mường, Tày Tày Mười và Tày Khăng), Thổ (gồm các nhóm: Cuối, Kẹo, Mọn, Đam Lai-Ly Hà, Tày Poọng), Khơ-Mú, Hmông (gồm Hmông Đu và Hmông Lềnh), Ơ Đu và Hoa. Các tộc người này vốn sở hữu nhiều di sản văn hóa cả văn hóa vật thể và phi vật thể vừa phong phú, đa dạng, vừa đặc sắc mamg sắc thái vùng miền. Một trong những di sản văn hóa phi vật thể phổ biến, vốn đã và đang được người dân duy trì thực hành tại cộng đồng là các nghi lễ tín ngưỡng nói chung và lễ hội nói riêng, gồm nhiều chủ đề, trong đó mỗi tộc người lại có nét đặc trưng độc đáo và sở trường, thế mạnh riêng.
Vài năm gần đây, nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, nhất là sự cố gắng của ngành văn hóa tỉnh Nghệ An, việc khai thác, giới thiệu các giá trị văn hóa phi vật thể của các tộc người thiểu số trong tỉnh đã mang lại nhiều thành tích đáng kể. Nhiều hoạt động lễ hội cấp tỉnh cũng như cấp huyện, cấp xã được tổ chức thường kỳ hay thường niên. Vì thế, ngoài nhân dân địa phương, các lễ hội các cấp đã và đang dần thu hút được khách tham quan và du lịch gần xa. Tuy nhiên, có thể nói, ngoài các tiết mục múa hát, biểu diễn nhạc cụ và trống chiêng, có một thành tố văn hóa phi vật thể của các tộc người thiểu số còn ít được chú trọng, chưa được quan tâm khai thác tối đa đó là: Trò chơi dân gian và các thực hành văn hóa. Theo đó, trong kho tàng di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số ở miền tây tỉnh Nghệ An, trò chơi dân gian và các thực hành văn hóa là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Các hoạt động này là sản phẩm văn hóa mang tính vận động, xuất phát từ trong lao động sản xuất và được trao truyền qua nhiều thế hệ. Bên cạnh thỏa mãn nhu cầu về vui chơi, giải trí, sảng khoái tinh thần, trò chơi dân gian và các thực hành văn hóa còn có tác dụng rèn luyện thể chất, sức mạnh, sự dẻo dai, khôn khéo, giúp trẻ em phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ…Thông qua các hình thức, nội dung và chức năng của chúng, trò chơi dân gian và các thực hành văn hóa còn góp phần giáo dục con người về tính tập thể, tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết và ý chí vươn lên giành chiến thắng. Có thể nói, tuy mỗi tộc người đều có tính độc đáo riêng, song các trò chơi và các thực hành văn hóa dân gian đều hàm chứa các giá trị về lịch sử, giá trị thẩm mỹ, giá trị giáo dục, thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi tộc người.
            Trò chơi dân gian và các thực hành văn hóa của các tộc người thiểu số ở miền tây Nghệ An có nhiều thể loại, phù hợp với sở thích, cá tính khác nhau của nhiều đối tượng người chơi (tính cách sôi nổi, điềm đạm hay trầm tĩnh). Nội dung của chúng cũng rất đa dạng, phong phú.
            Trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, sự giao lưu và tiếp thu ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa mới ngày càng sâu rộng. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, cùng với sự xuất hiện của những trò chơi sử dụng máy móc hiện đại, ngày càng phổ biến trong đời sống của hầu hết các tộc người thiểu số, làm cho các trò chơi dân gian và các thực hành văn hóa của họ ngày càng mai một dần. Những trò chơi du nhập từ nước ngoài như trò chơi điện tử, súng phun nước đã dần dần thay thế các trò chơi đánh quay, đánh đáo, cầu lông gà…Trẻ em lớn lên không còn biết đến các trò chơi dân gian vốn chứa đựng tính giáo dục và đạo đức của dân tộc. Vì thế, việc khảo cứu, thống kê nhằm hướng tới bảo tồn và phát huy, nhất là từng bước giới thiệu các giá trị trò chơi dân gian và thực hành văn hóa của các tộc người thiểu số cần được xác định như một nhiệm vụ quan trọng của các nhà nghiên cứu, nhất là ngành văn hóa. Đặc biệt, nếu biết khai thác hiệu quả giá trị của các trò chơi dân gian và các thực hành văn hóa trong các lễ hội thì chúng sẽ có vai trò như chất xúc tác, hấp dẫn thu hút khách du lịch đến thưởng ngoạn và tham gia.
            Với cách đặt vấn đề như vậy, bài viết này xin đề cập tới một số trò chơi dân gian và thực hành văn hóa của các tộc người thiểu số ở miền tây Nghệ An cần được tiếp tục quan tâm và chú trọng khai thác trong các lễ hội, góp phần vào phát triển du lịch của tỉnh nhà nói chung sau đây:
            2. Một số trò chơi dân gian và thực hành văn hóa
            2.1. Tung còn (vít con)
            Tập quán tung còn là trò chơi phổ biến ở các tộc người thiểu số miền tây Nghệ An, nhất là người Thái, người Thổ. Ở người Hmông thì có trò chơi ném pao. Trò chơi tung còn thường diễn ra vào dịp mùa Xuân sau Tết Nguyên Đán. Khác với vùng người Thái Tây Bắc, ở vùng người Thái Nghệ An, quả còn được cuộn bằng lá dong gói bành chưng, hình trụ tròn (có khi bên trong được bỏ một viên đá cuội để tăng thêm sức nặng). Dây còn được bện bằng lạt giang hay lạt nứa. Khi chơi, người ta chia thành hai phe: một phe nam thanh, một phe nữ tú chưa vợ chưa chồng. Hai bên tung còn cho nhau để trổ tài bắt quả còn. Thi thoảng một quả còn dành đẻ làm quà tặng bay vút lên. Người nào bắt được quả còn này sẽ được tặng một món quà: có thể là một chiếc khăn tay thêu hoa văn, một chiếc nhẫn hay một chiếc vòng tay. Đây thường là kỷ vật mà người bắt được quả còn đem về nhà làm cớ để đôi trai gái có dịp tìm hiểu nhau. Hội tung còn thường kéo dài đến chiều tối mới tan, trai gái cùng tụ tập tại một gia đình đánh trống chiêng, hát đối, cùng nhau ăn uống thâu đếm.
            Từ sau Đổi mới trở lại đây, tập quán tung còn trong dịp mùa Xuân hầu như đã vắng bóng, không còn được duy trì. Tuy nhiên, vài năm gần đây, trong các dịp liên hoan văn hóa văn nghệ của các dân tộc ở cấp huyện, cấp vùng do ngành Văn hóa tổ chức, tập quán tung còn vẫn được các địa phương duy trì, đưa vào chương trình hoạt động, coi như một trò chơi giao lưu trong ngày hội. Quả còn được khâu bằng vải màu, bên trong có cát hoặc hạt bông, dây còn bằng sợi vải màu giống như quả còn vùng Tây Bắc. Khi chơi, người ta cũng chia thành hai phe, nam nữ; ở giữa sân chôn một cây cột tre cao chừng 7-8 mét, trên ngọn tre được buộc một chiếc vòng tròn bằng, gián giấy màu. Người nào ném thủng tấm giấy màu đỏ trên ngọn tre đầu tiên sẽ có phần thưởng.
          2.2. Khắc luống (Quánh loòng) 
            Khắc luống là một hình thức diễn tấu tập thể với nhạc cụ gồm máng gỗ (loòng) và chày giã gạo (xạc), diễn ra vào mùa trăng sáng, các dịp đám cưới, tết Nguyên đán hay trong các dịp lễ hội cộng đồng. Thực hành văn hóa này phổ biến ở người Thái, Khơ Mú và người Thổ. Ngày thường, máng gỗ và chày giã gạo là đồ gia dụng dùng để tách hạt lúa khỏi bông, sau đó đem giã trong cối để lấy gạo đồ xôi, nhưng khi dùng chày tác động vào theo nhịp, với chủ ý diễn tấu thì loại đồ gia dụng này trở thành loại nhạc cụ tự thân vang. Gọi là một nhạc cụ vì trong quá trình thao tác, nó tạo ra nhiều âm thanh và tiết tấu khá sôi động. Thông thường, một nhóm nữ từ 6 – 8 người, đứng hai bên cầm chày vừa giã/gõ vừa khua vào hai bên thành máng luống, tạo ra âm thanh và theo tiết tấu. Trong nhóm này, có một người am hiểu các giai điệu và thành thục thao tác cầm trịch/cầm cái gọi là Mẹ. Trong quá trình chơi, đến đoạn cao trào, chị ta thường tạo ra các đoạn âm thanh "đảo phách", nhưng vẫn giữ được tiết tấu và nhịp độ chung của nhóm. Đặc biệt, người ta cũng sáng tạo thêm nhiều thao tác như: từng đôi cụng chày vào nhau, giã thẳng xuống lòng máng, đâm ngang... Có nhiều điệu khắc luống khác nhau như: kiểu xe sợi (pắn phài), kiểu xuôi dòng (liệp nặm), kiểu chọi gà (tó cạy)…, mỗi kiểu có nội dung và ý nghĩa khác nhau, thường chỉ có người Thái mới nhận biết và hiểu được.
            2.3. Tấu trống chiêng (ty côồng coong)
            Cũng giống như một số tộc người thiểu số khác, mặc dù không tự rèn đúc được chiêng đồng, song từ trước tới nay, việc sử dụng chiêng và trống trong các dịp lễ tết, cưới xin, lên nhà mới...ở người Thái Nghệ An khá phổ biến. Người Thái Nghệ An chỉ sử dụng loại Côồng/chiêng có núm, mỗi bộ có 3 chiếc (côông Xam) hoặc 4 chiếc (côông Xí); mỗi chiếc có âm thanh to nhỏ, trầm bổng khác nhau, được treo vào các vị trí cố định khác nhau. Theo đó, tính từ trái qua phải sẽ được sắp xếp như sau: Chiếc ở vị trí số 1 (trên giàn ngoắc) gọi là côông Là/ có nơi gọi là côông lực (đường kính khoảng 20-22cm); chiếc ở vị trí số 2 gọi là côông Ót (đường kính khoảng 25cm); chiếc ở vị trí số 3 gọi là côông Ham/có nơi gọi là côông hán (đường kính khoảng 30cm); và chiếc ở vị trí số 4 gọi là côông Mẹ. Đây là chiếc to nhất so với 3 chiếc nêu trên (đường kính khoảng 45cm). Khi hòa tấu chiêng, người ta treo cả 4 chiếc lên giàn ngắc, nhưng cũng có nơi, người ta chỉ treo lên giàn 3 chiếc, còn 1 chiếc tay xách. Khi đánh, người ta dùng dùi gỗ, có quấn dẻ hình tròn phía đầu. Có một số điệu cô ồng chiêng, mỗi điệu có tiết tấu nhanh chậm khác nhau như: điệu trai gái (báo xao), xuôi dòng (liệp nặm), tiết tấu thường chậm rãi, khoan thai; điệu nhảy rượu (phọn làu), tiết tấu chậm dần đều hoặc nhanh, sôi nổi. Cách đánh thông sụng và phổ biến nhất là: đánh chiếc 1 (chiếc nhỏ) một hoặc hai nhịp, sau đó đánh chiếc 4 (hoặc chiếc 3 nếu bộ 3 chiếc) một nhịp; sau đó đánh chiếc 2 (chiếc Ót) hai nhịp rồi kết thúc đánh chiếc 3 (chiếc Cang).
Diễn tấu côồng chiêng bao giờ cũng có trống đi kèm, nếu không sẽ rất lạc lõng. Người Thái giải thích rằng: côồng như là con gái/âm, còn chiêng như là con trai/dương. Khi cả 2 loại nhạc cụ này cùng hòa tấu, thì trời đất hòa hợp, trong đó chiêng bao giờ cũng phải theo nhịp/tiết tấu côồng. Thông thường nữ đánh côồng, nam đánh trống, nhưng đôi khi 2 nữ hoặc 2 nam đánh cũng được.
            2.4. Nhảy sạp (phọn sạp)
Nhảy sạp hay múa sạp là một điệu nhảy hoặc múa trên những thanh tre. Đây là nét văn hóa của người dân các dân tộc ở châu Á, nhất là ở Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á như LàoThái LanCampuchia, Việt Nam, Ở Việt Nam, đây là nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Nhảy sạp cũng là điệu múa dân gian đặc sắc của người Thái Nghệ An. Nhảy sạp thường diễn ra vào dịp cưới xin, mừng nhà mới, lễ tết. Ngoài người Thái, nhảy sạp cũng lan tỏa và phổ biến ở các tộc người Khơ Mú, Ơ Đu, Thổ, nhưng tiết tấu nhanh hay chậm và các biến thái của điệu nhảy này ở các địa phương, tộc người có khác nhau đôi chút. Ngày nay, nhảy sạp còn phát triển rộng ra nhiều dân tộc khác, ở khắp các tỉnh thành. Đây là điệu nhảy múa của các cặp đôi (thường là 4 cặp hoặc 6 cặp) kết hợp múa và nhảy theo nhịp 2/4 hoặc 4/4 khá sôi động. Đạo cụ cho múa sạp gồm: hai cây tre to, thẳng và dài làm cái và các cặp cây tre hay nứa con (đường kính 3 đến 4cm, dài 3 đến 4m) làm sạp. Khi múa, người ta đặt hai cây tre cái để cách nhau vừa đủ để gác hai đầu các cây sạp con, từng cây sạp con đặt song song, cách đều nhau chừng 2 gang tay tạo thành dàn sạp. Người múa chia ra một tốp đập sạp và một tốp múa, mỗi tốp có thể từ vài cặp trai gái đến nhiều cặp, càng nhiều đội hình càng phong phú, sinh động.
Tốp đập sạp: mỗi đôi trai gái ngồi hai đầu một cặp sạp con và gõ theo nhịp, cứ ba lần gõ sạp con lên sạp cái thì một lần gõ hai sạp con vào nhau tạo ra âm thanh, tiết tấu cho múa, vừa gõ vừa hát. Tốp múa: lần lượt từng cặp trai gái nhảy vào dàn sạp, mỗi người cầm một chiếc khăn màu dài, khi tung lên, khi uốn lượn quanh người. Động tác khi lướt nhẹ nhàng, uyển chuyển, lúc dồn dập quay, nhảy, bay trên sạp; đội hình uốn lượn, quấn quýt, biến đổi ngang, dọc, chéo, tròn, tất cả đều diễn ra trên dàn sạp và phải đúng nhịp, làm sao khi hai sạp con chập vào nhau thì không bị kẹp chân vào. Cứ hai tốp gõ sạp và nhảy múa thay nhau trong tiếng cồng, tiếng trống nhịp nhàng, sôi động. Cuộc vui kéo dài không biết chán, cuốn hút mọi người rất hào hứng, say sưa.
Trong các huyện miền núi Nghệ An, Quỳ Hợp, Quỳ Châu là hai địa phương duy trì nhảy sạp khá thường xuyên. Các biến thái của điệu nhảy sạp ở hai địa phương này cũng khá phong phú, sáng tạo và hấp dẫn người xem. Hiện nay, nhảy sạp là một trong những tiết mục không thể thiếu trong chương trình liên hoa văn hóa, dân ca ở tất cả các cấp từ xã cho đến tỉnh. Múa sạp luôn được người Thái cũng như công chúng yêu thích. Nhiều cuộc vui có nhảy sạp còn thu hút bạn bè quốc tế tham gia.
2.5. Múa dỗ ống (Phọn tằng bụ).
Đây là điệu múa phổ biến ở người Thái và người Khơ Mú. Đạo cụ là các ống tre hoặc nứa (đường kính khoảng từ 12-15cm, chiều dài khoảng từ 45-50cm) tự thân vang. Phía đáy ống để nguyên mấu gióng mắt, phía đầu được cắt xén bằng. Đạo cụ này chủ yếu do nữ giới sử dụng, dùng để hòa hòa tấu với chiêng trống trong một số nghi lễ tín ngưỡng cộng đồng, nhất là trong lễ hội Xăng khan, cúng cơm mới… Mỗi lần hòa tấu thường có khoảng 4- 6 người, mỗi người cầm hai ống, dỗ xuống chiếc phản gỗ dài đặt trên mặt đất để tạo âm thanh, cũng có khi người múa chỉ sử dụng một ống kết hợp những động tác tay không và sự uốn lượn mềm mại của cơ thể để múa theo nhịp 2/4 lúc nhanh lúc chậm trong tiếng chiêng trống và chũm chọe. Hình thức múa có thể là nhún dỗ ống tại chỗ, nhún xoa ống, nhảy tiến lùi, nhảy xoay tại chỗ, dỗ ống nhảy ngang...Ở người Khơ Mú, múa tăng bu hay tăng bẳng còn dành cho nam múa. Ống dỗ được làm từ những tthân cây nứa có đốt dài và to, bên trong rỗng nhằm tạo âm thanh trong quá trình múa dỗ ống. Người ta thường dỗ ba nhịp liên tiếp rồi nghỉ và cứ liên tiếp như vậy để thể hiện sự hài hòa giữa nam và nữ, họ sóng đôi cùng múa một cách nhịp nhàng, đó còn là sự kết hợp giữa âm và dương, điệu múa mang ý nghĩa phồn thực, cầu cho sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu. Điệu múa này thường được thể hiện trong các nghi lễ như: Lễ cầu mùa, lễ cúng bản, lễ mừng nhà mới, ngày Tết, các dịp lễ hội và thường được thực hành trong đám cưới.
Ngày nay, tằng bụ còn được sáng tạo thêm nhiều tiết tấu khác nhau, hòa cùng một số âm thanh nhạc cụ khác trong các sinh hoạt giải trí của cộng đồng. 
            2.6. Chọi gụ
.         Chọi gụ là trò chơi khá phổ biến ở tất cả các tộc người thiểu số nói chung, các tộc người thiểu số ở miền tây Nghệ An nói riêng. Trong tiếng Thái, trò chơi này gọi là chọi kháng hay tức sáng. Tiếng Khơ Mú gọi trò chơi này là pê lẹp xàng, còn người Hmông thì gọi là tu lu. Quả gụ thường được đẽo bằng loại gỗ nặng (táu, vàng dành…), hình hài của nó ở mỗi tộc người thì khác nhau. Quả gụ ở người Thái, người Khơ Mú có hình thon, đáy nhọn, thân có gờ vai và đỉnh cọc nhọn, khi chơi thì quấn dây rừng hay dây vải; trong khi đó quả gụ của người Hmông cũng có hình thon, đáy nhọn, mặt trên bằng phẳng, khi chơi quấn dây vải. Cách thức chơi thường chia chia hai phe hoặc thi đấu cá nhân. Nghĩa là, quả gụ người nào quay lâu hơn thì thắng, người có quả gụ dừng quay trước sẽ phải đánh xuống đất cho người thắng cuộc mổ vào quả gụ của mình. Nếu người thắng mổ quả gụ người thua khiến quả gụ đó dừng, thì phải tiếp tục chịu đòn. Ngược lại, nếu sau khi mổ mà quả gụ người thua vẫn quay, thì coi như hòa.
            3. Một vài kết luận
- Ngoài các thành tố văn hóa vật thể đặc trưng như cấu trúc làng bản, nhà cửa, ăn, mặc, các tộc người thiểu số ở miền tây Nghệ An còn sở hữu nhiều thành tố văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng và đặc sắc. Một trong những thành tố đó chính là trò chơi dân gian và các thực hành văn hóa. Cần nhấn mạnh rằng, ngoài những đặc điểm chung có tính địa phương, trò chơi dân gian và các thực hành văn hóa của mỗi một tộc người lại có những nét độc đáo riêng.
- Vài năm gần đây, tuy việc khai thác, quảng bá, giới thiệu vè trò chơi dân gian và các thực hành văn hóa của các tộc người thiểu số ở miền tây Nghệ An đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, song dư địa và tiềm năng về lĩnh vực này vẫn còn đáng kể trong đời sống người dân, chưa được klhai thác. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của công tác du lịch địa phương và tỉnh nhà, việc tổ chức các lễ hội thường kỳ rất cần đưa lĩnh vực giới thiệu trò chơi dân gian và các thực hành văn hóa khác vào chương trình hoạt động trình diễn.
- Để đảm bảo tính khoa học cũng như phản ánh đúng đặc trưng văn hóa của các tộc người, cần thiết phải có khảo sát, thống kê, xây dựng nội dung với các chủ đề một cách bài bản, mang tính chuyên nghiệp.
- Trong quá trình giới thiệu, cần chú trọng lựa chọn trò chơi và các thực hành văn hóa có tính khả thi của từng tộc người, chứ không triển khai tràn lan, dàn trải.
- Như đã đề cập trò chơi dân gian và các thực hành văn hóa của các tộc người thiểu số ở miền tây Nghệ An khá phong phú, đa dạng, bài viết của tôi mới chỉ đề cập đến một vài thành tố thuộc chủ đề cơ bản, chứ chưa thể đề cập đến toàn bộ trò chơi và các thực hành văn hóa của tất cả các tộc người thiểu số tỉnh nhà. Xin bạn đọc và những người quan tâm lượng thứ.

Tài liệu tham khảo
1. Vi Văn An, Những nét văn hóa mới trong dịp tết Nguyên đán của các dân tộc thiểu số ở miền tây tỉnh Nghệ An. TC. Bảo tàng & Nhân học số 1/2015, tr 36-41.
2.Vi Văn An, Góp phần tìm hiểu về trò chơi dân gian của các tộc người thiểu số ở Việt Nam. TC. Bảo tàng & Nhân học số 2/2015, tr 18-26
3. Vi Văn An, Tín ngưỡng cộng đồng của người Thái ở miền tây tỉnh Nghệ An. TC.Văn hóa Nghệ An số 329 (25/11/2016), tr 20-27.
4. Vi Văn An, Bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của người Thái ở miền Tây Nghệ An, Đặc san số 02/2022, KHXH&NV Nghệ An, tr20-tr26.
5. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Trò chơi dân gian. Nxb Thế Giới, H, 2003.
6. Cao Đức Hải. Bảo tồn di sản trò chơi dân gian. TC Văn hóa Nghệ thuật số 296 (2009), Tr. 20-24.
7. Vũ Hồng Nhi. Đồ chơi, trò chơi dân gian trẻ em. TC Văn hóa Nghệ thuật số 319 (2011), Tr. 16 - 20.


 

Vi Văn An

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây