Hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh trong Chiến dịch Điện Biên phủ

Thứ hai - 10/06/2024 21:51 0
Đông Xuân 1953-1954, thực hiện chủ trương phá hoại toàn diện vùng an toàn khu Thanh - Nghệ - Tĩnh của kế hoạch NaVa, thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị cơ sở chính trị phản động ở nội địa, trắng trợn cấu kết với bọn địa chủ phản động, triệt để lợi dụng tôn giáo để hoạt động gián điệp tình báo, tăng cường biệt kích, tập kích kết hợp với dùng máy bay đánh phá quyết liệt, nhất là đường giao thông và những nơi chúng nghi có kho tàng. Chúng quyết tâm tạo bằng được “vạch cắt Khu 4 - Trung Lào chặt đứt mối liên hệ hậu phương Khu 4 với Việt Bắc” để thực hiện kế hoạch tiến công lớn của Na-va.
Nhận rõ vị trí, nhiệm vụ của hậu phương Khu 4 với chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, Hội nghị Liên Khu ủy (mở rộng) ngày 21/11/1953 đã xác định “3 chủ trương lớn”, trong đó “… động viên toàn dân tích cực bảo vệ hậu phương gắn liền với chi viện tối đa, phục vụ tối đa tiền tuyến và đẩy mạnh sản xuất” là nhiệm vụ chính trị trung tâm.


Các Đảng bộ trong Liên khu đã phát động quần chúng giảm tô, cải cách ruộng đất các đợt 3, 4, 5; tổ chức cho 575.000 nông dân đấu tranh trực diện với 473 địa chủ cường hào, trưng thu 4.300 tấn lương thực và phát động phong trào đẩy mạnh sản xuất, đưa diện tích trồng lúa toàn Liên khu vụ chiêm 1954 tăng hơn 1953 là 6.700 ha.
Chú trọng xây dựng và phát triển LLVT lớn mạnh, chỉ trong 3 tháng đầu năm 1953, Liên khu đã đề bạt 2.066 cán bộ tiểu đội, trung đội và 12 cán bộ trung đoàn để đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng các địa phương để bổ sung quân số cho các mặt trận, liên tục mở các lớp bồi dưỡng cán bộ xã, thôn, xóm. 6 tháng đầu năm 1954 toàn liên khu đã tập huấn cho 651 cán bộ xã đội, 2.254 cán bộ thôn xóm.

Nhân dân các thị trấn ở Thanh Hóa tiễn đưa các đoàn dân công xe đạp thồ lên đường phục vụ tiền tuyến năm 1954
Nhiệm vụ cung cấp cho chiến trường mà Bộ chính trị giao cho Liên khu 4 là bảo đảm cung cấp cho 2 hướng Điện Biên và Trung Lào. Đảng ủy liên khu nhận nhiệm vụ trong điều kiện Liên khu vừa dồn tổng lực cho chiến dịch Thượng Lào và Việt Bắc lại vừa trải qua hạn hán, lũ lụt kéo dài, nhân dân đang đói kém gắt gao nhưng với quyết tâm “nghiêng bồ, đổ thúng cho chiến trường đánh to, thắng lớn”, trong một thời gian giáp hạt 1954 (tháng 2, 3) Liên khu 4 đã huy động 5.000 tấn lương thực sẵn sàng ở các trạm để đi theo bộ đội vào chiến dịch. Đảng bộ đã huy động 5 vạn lượt dân công, gần 1 vạn thanh niên xung phong mở thêm gần 200km đường mới để đưa hàng ra tiền tuyến. Trong 2 chiến dịch Điện Biên và Trung Lào, Liên khu đã huy động 53.000 lượt người, 2.217 xe đạp thồ, 347 xe cút kít, 1.048 thuyền vận tải lớn nhỏ để đưa hàng ra tiền tuyến.
Đảng bộ liên khu đã huy động tối đa nhân tài, vật lực cho Điện Biên. Ở Nghệ An, Tỉnh ủy đã phát lệnh tổng động viên toàn dân vào sáng mồng một tết âm lịch 1954, hơn 3.000 dân công, 2.000 xe đạp thồ và hàng ngàn thanh niên xung phong đã trống giăng, cờ mở ra mặt trận. Ngày 05/4/1954, đồng chí Văn Tiến Dũng - Tổng tham mưu trưởng được ủy quyền của Bộ chính trị vào Sở chỉ huy tiền phương Liên khu 4 tại Cẩm Thủy - Thanh Hoá giao nhiệm vụ cho Bí thư Liên khu ủy và Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa: khẩn trương huy động thêm 2.000 tấn lương thực, 147 tấn muối và thực phẩm cho Điện Biên. Các Đảng bộ trong Liên khu đã phát động nhân dân ăn khoai, sắn, ngô non trừ bữa để dành gạo cho chiến trường. Ngày 25/4/1954, số lượng trên đã được tập kết vào vị trí quy định của Bộ. Chỉ tính riêng Điện Biên, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã huy động 30% cử tri trên 10.000 xe đạp thồ đi phục vụ chiến dịch. Đồng chí Ma Văn Kháng với kỷ lục 352kg/chuyến, đồng chí Cao Văn Ty 329kg/chuyến đã trở thành kiện tướng xe thồ trong chiến dịch Điện Biên.

Các đơn vị bộ binh cơ giới đang khẩn trương đưa bộ đội vào Điện Biên Phủ
Ảnh: TL
Với quyết tâm “thóc thừa cân, quân thừa người”, phong trào tòng quân, huấn luyện tân binh sôi nổi đều khắp Liên khu 4. Sau khi hoàn thành vượt 28% chỉ tiêu tuyển quân 1953, Đảng bộ Liên khu đã hạ quyết tâm tuyển thêm 4.000 tân binh gối đầu chủ động cho 1954. Nhiều điển hình công tác tuyển quân đã xuất hiện: huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) chỉ tiêu giao 157 tân binh trong đợt 1 - 1954 đã có 639 người xung phong. Huyện Ngọc Lạc (Thanh Hóa) chỉ tiêu 100 đã có 676 thanh niên xung phong. Tỉnh Quảng Bình đạt 280% chỉ tiêu trên giao trong một đợt. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 1954, Liên khu 4 đã cung cấp cho mặt trận 14.533 tân binh (chưa kể Trung đoàn 53 và Tiểu đoàn 362 Bộ tổng tư lệnh điều cả đơn vị cho Điện Biên). Ngoài ra Liên khu 4 còn tuyển thêm 1.835 tân binh để xây dựng LLVT 3 thứ quân sẵn sàng chiến đấu tại chỗ.
Nhận rõ âm mưu địch, Đảng ủy Liên khu đã chỉ đạo chặt chẽ việc bố phòng, sẵn sàng đánh địch tại chỗ, bố trí lại lực lượng sát yêu cầu nhiệm vụ từng địa bàn. Tư tưởng, tổ chức và lực lượng phương án đánh địch sẵn sàng nên các cuộc xâm nhập của kẻ thù vào địa bàn Khu 4 đều bị đập tan. Các cuộc tập kích lớn của địch vào Nhượng Bạn, Đồng Lánh Phủ Quỳ (Nghệ An); Quan Hóa, Bá Thước Nga Sơn (Thanh Hóa) đều bị ta tiêu diệt gọn.

Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến Ảnh: TL
Mặc dầu thất bại ở Điện Biên, thực dân Pháp vẫn không từ bỏ âm mưu chiếm đóng một phần đất Khu 4 để tạo bàn đạp, điểm trú chân giữa 2 miền. Ngày 15/4/1954, địch tung 49 tên biệt kích nhảy dù xuống Hồi Xuân hòng phá kho tàng ta nhưng đã bị quân dân Hồi Xuân tóm gọn. Ngày 19/5/1954 địch lại tung 125 tên biệt kích và 5 tàu chiến, ca-nô có máy bay yểm trợ đổ bộ lên Cự Nham, Quảng Xương (Thanh Hóa). Vừa đặt chân lên bờ, bọn chúng đã bị quân ta chặn đánh quyết liệt, buộc chúng phải rút lui để lại 16 xác chết. Ngày 22/5/1954, địch đã huy động 350 tên có máy bay yểm trợ đổ bộ lên Du Xuyên, Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Cấp ủy và chính quyền ở đây đã kịp thời hướng dẫn nhân dân sơ tán tránh địch và nhanh chóng triển khai phương án chiến đấu, diệt 121 tên, âm mưu địch bị dập tan, nhân dân và địa bàn được bảo vệ.
Du kích miền Tây Thanh - Nghệ - Tĩnh đã tích cực tiểu phỉ, truy hàng, đánh tan và bắt nhiều tên đầu sỏ như Lý Đoàn (Nghệ An), Phạm Bá Thiện (Thanh Hóa).
Sau thất bại Điện Biên, thực dân Pháp buộc phải rút lui khỏi một số vị trí ở Nam đồng bằng Bắc bộ. Địch ở Nga Sơn (Thanh Hoá) rơi vào thế cô lập. Chớp thời cơ, tháng 6/1954 bộ đội địa phương Thanh Hóa và dân quân du kích Nga Sơn đã tiến công giải phóng huyện Nga Sơn.
Hậu phương Khu 4 Thanh - Nghệ - Tĩnh đã làm tròn nhiệm vụ nặng nề, vẻ vang của mình trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 xứng đáng với lời khen của Bác Hồ trong dịp về Thanh Hóa “… Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu tiếng Điện Biên đến đó. Tiếng Điện Biên đến đâu, đồng bào Thanh Hóa có phần vinh dự, tự hào đến đó”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong đề tựa Lịch sử Quân Khu 4 đã trân trọng viết: “… Quân và dân Quân khu 4 đã tự xây dựng thành căn cứ địa vững chắc thứ hai trong cả nước sau Việt Bắc… đã có những cống hiến lớn lao về nhiều mặt vào chiến cuộc Đông - Xuân mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại”(1).
Chú thích
(1). Quân Khu 4 - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước. NXB.QĐND.H.1994.Tr5, 6.
 

Nguyễn Khắc Thuần

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây