Rồng trong đời sống và văn hóa Việt Nam

Thứ năm - 04/04/2024 03:52 0
Rồng là một trong số ít những con vật huyền thoại và trở thành con vật huyền thoại duy nhất trong 12 con giáp. Tuy nhiên, nó lại có quan hệ gần gũi, ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài, phong phú tới đời sống và văn hóa Việt Nam.

Con rồng xuất hiện rất sớm trong đời sống và văn hóa Việt Nam. Vào buổi ban sơ của lịch sử dân tộc, tổ tiên chúng ta từ miền núi, trung du xuống đồng bằng khai hoang lấn biển, sống nơi sông nước, hàng ngày phải đối mặt với cá sấu - giao long - thuồng luồng, một sức mạnh thiên nhiên ác nghiệt. Bộ cổ sử Hậu Hán thư chép rằng người Việt xưa “có tục xăm mình hình rồng để tránh giao long làm hại”. Họ vất vả đối phó, sợ hãi đến mức phải tôn thờ chúng. Di vật làm chứng gợi nghĩ khởi nguyên con rồng Việt Nam là hình cá sấu trên trống đồng Ngọc Lũ, thạp đồng Đào Thịnh, rìu lưỡi xéo Kiến An và hình rắn ngậm chân voi trên cán dao găm làng Vạc.
Về sau, sức mạnh thiên nhiên mang dáng bò sát kia dần chắp cánh cho khát vọng của nhân dân về mưa thuận gió hòa, an toàn, vui vẻ, may mắn, hạnh phúc, từ đó xây dựng nên hình tượng rồng và hình tượng ấy nhanh chóng phổ biến, in sâu vào tâm thức văn hóa con người. “Rồng” được coi là tộc huy của cư dân đồng bằng, hòa nhập với cư dân miền rừng núi (tộc huy “Tiên”) thành cộng đồng hòa hợp Rồng - Tiên, nền tảng quốc gia Văn Lang (nước Việt Nam cổ đại).

Rồng trong tranh Đông Hồ
Là con vật huyền thoại nhưng gần gũi vì bắt nguồn và gắn chặt với đời sống tinh thần dân tộc ta, rồng là biểu tượng của những gì kỳ diệu, toàn diện, tốt đẹp, tích cực nhất. Rồng hội tụ đủ yếu tố cơ bản của các lớp động vật: đầu của thú, thân của bò sát, chân của chim, vây của cá... Rồng ở cả trên trời lẫn dưới nước, bay lượn, ẩn hiện trong không gian. Rồng có thể phun mưa, khạc lửa, gây gió bão, tạo sấm chớp, cùng nhiều khả năng mầu nhiệm khác. Siêu toàn và nhất nguyên, rồng biểu trưng đồng thời cho cả vũ trụ lẫn nhân thế, cả âm lẫn dương, một bản thể dung hòa và tổng hợp những thái cực đối lập.
Rồng đứng đầu tứ linh - 4 con vật thiêng cao quý nhất: long (rồng), ly (kỳ lân), quy (rùa), phụng (phượng hoàng). Các vĩ nhân, thần thánh, anh hùng... thường được ví sánh với rồng. Vua - người đứng đầu xã hội thời xưa - cũng được coi là rồng với tất cả các yếu tố liên quan: thân hình vua gọi là long thể (mình rồng), bước vua đi gọi là long bộ (bước rồng), cửa cung điện nơi vua ngự gọi là long môn (cửa rồng)... Rồng được thành kính thờ cúng ở khắp nơi, từ đình, chùa, đền, miếu đến các bàn thờ tại gia.
Ngôn ngữ luôn là hạt nhân của đời sống tinh thần và văn hóa con người. Trong ngôn ngữ Việt Nam, hình tượng rồng xuất hiện vừa phổ biến, đa dạng lại vừa hấp dẫn, sáng tạo. Chúng ta gặp “rồng” (long) ở đủ mọi lĩnh vực ngôn ngữ: tự nhiên và xã hội, lý thuyết và thực tiễn. Khí thế vươn lên, phát đạt gọi là “thế rồng”, bộ phận quan trọng nhất gọi là “đầu rồng”, hiện tượng luồng không khí xoáy tròn mở rộng ra từ một đám mây giông xuống tới mặt đất gọi là “vòi rồng” (lốc xoáy), chỗ đất cực phúc gọi là “hàm rồng”... Sinh vật học có con rồng đất (kỳ nhông), con rồng bay (tắc kè bay), cây thanh long, cây xương rồng, cây móng rồng, cỏ vảy rồng, cỏ răng rồng, cỏ mật rồng, dây râu rồng, lá lưỡi rồng, dịch nhựa long não... Dược học thì có: ban long (rồng đốm - thuốc bổ dạng cao được chế từ gạc hươu, nai), long nhãn (mắt rồng - cùi nhãn phơi sấy khô, đặc trị các bệnh thần kinh), ô long vĩ (đuôi rồng đen - bồ hóng dính vào mạng nhện trên bếp đun bằng củi gỗ, rơm rạ; tác dụng cầm máu và sát trùng)… Rồng hiện diện nhiều trong mọi loại địa danh: đồi núi, sông hồ, bến đảo, ga chợ, phố phường... Dọc từ Bắc vào Nam, ta gặp hàng loạt địa danh nổi tiếng như: vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), ga Long Biên (Hà Nội), gò Long Đọi (Hà Nam), chợ Rồng (Nam Định), cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), núi Long Cốt (Quảng Ngãi), bến Nhà Rồng (Thành phố Hồ Chí Minh), tỉnh Long An, sông Cửu Long (Nam bộ)… Thủ đô Hà Nội tự hào mang cái tên rất đẹp do vua Lý Thái Tổ đặt năm 1010: Thăng Long (rồng bay lên).

Rồng được lấy làm đối tượng cho hàng trăm câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao tiếng Việt và đặc biệt, dù với nhiều sắc thái khác nhau, tất cả những từ ngữ gắn với rồng đều mang tính tốt đẹp, tích cực (chưa thấy từ ngữ nào gắn với rồng mà mang tính tiêu cực, xấu xa). Chúng thể hiện sự cao quý tôn nghiêm (mai rồng, đầu rồng, long nhan, long bào), quy luật di truyền (trứng rồng lại nở ra rồng), hình thức sang trọng (chạm rồng trổ phượng, thêu rồng vẽ phượng, nem rồng chả phượng), trạng thái vận động đẹp và khỏe (ăn như rồng cuốn uống như rồng leo, rồng bay phượng múa, rồng tranh hổ chọi), chuyện may mắn (hội long vân, như rồng gặp mây, đẹp duyên cưỡi rồng), sự so sánh sang-hèn, tốt-xấu (rồng đến nhà tôm, đầu rồng đuôi rắn, vẽ rồng nên giun)... Tính tốt đẹp, tích cực ấy của rồng đi vào nhiều câu ca dao, cho dù ý nghĩa của những câu ca dao đó có phong vị rất khác nhau: từ thời cơ, thuận lợi, hòa hợp như Tình cờ ta gặp mình đây/Như cá gặp nước như mây gặp rồng đến việc ví von, so sánh hài hước Lỗ mũi mười tám gánh lông/Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho hay sự băn khoăn trước cảnh khác biệt Con công sống lẫn với gà/Rồng kia rắn nọ coi đà sao nên?!...
Là con vật huyền thoại có nhiều phép mầu kỳ diệu, rồng trở thành đề tài trung tâm của nhiều truyền thuyết, truyện kể, sự tích kỳ vĩ, độc đáo. Nổi tiếng nhất là truyền thuyết Lạc Long Quân, nói về nguồn gốc dân tộc ta: ông tổ của người Việt là Lạc Long Quân (Cha Rồng) lấy bà Âu Cơ (Mẹ Tiên), đẻ ra bọc 100 trứng, nở thành 100 con, một nửa theo cha xuống biển, nửa kia theo mẹ lên rừng, xây dựng cơ sở, mở mang bờ cõi..., dần hình thành nên cộng đồng - quốc gia Việt Nam (chúng ta vẫn tự hào coi mình thuộc “dòng giống tiên rồng”, “con rồng cháu tiên” là vì thế).
Rồng nhập hệ lịch can chi 12 con vật, là biểu tượng chi Thìn - một chi quan trọng với những ý nghĩa triết lý và nhân văn sâu sắc. Giờ Thìn kéo dài từ 7 giờ đến 9 giờ sáng - khoảng thời gian được coi là đẹp nhất trong ngày. Tháng con rồng là tháng Ba âm lịch, cuối xuân, cây cối tươi tốt nhất, con người cũng sung mãn nhất và tương quan trời - đất đạt đến độ hài hòa tối đa. Quan niệm tín ngưỡng còn cho rằng người tuổi Thìn thường mạnh mẽ, oai phong, tài giỏi, thành đạt và gặp nhiều may mắn, hạnh phúc trong đời.
Hình tượng rồng trở nên sống động, gần gũi hơn qua những trò chơi và lễ hội truyền thống. Trẻ em ta thuở xưa đến tận bây giờ còn thích thú chơi trò “Rồng rắn lên mây” vui nhộn, và múa lân-sư-rồng mỗi dịp lễ hội (nhất là tết Trung thu). Thanh niên nhiều nơi thì tổ chức trình diễn múa rồng bay, rồng lộn như một hình thức sinh hoạt văn hóa-thể thao khỏe khoắn, đồng thời cũng tạo nhịp cầu giao lưu, kết bạn, kết duyên. Các lễ hội dân gian trên khắp mọi miền đất nước thường rất tưng bừng, náo nhiệt bởi những cuộc đua thuyền rồng, múa rồng, rước rồng...
Ở một phương diện khác, tĩnh lặng nhưng phong phú nhất, bền vững nhất là hình tượng rồng trong kiến trúc, tạo hình, trang trí. Rồng được thể hiện đa dạng trên tranh, bia, miếu, đình, đền, chùa, cung điện, công sở... với đủ loại chất liệu: đất, đá, vữa, đồng, gỗ, mực... và bằng nhiều kỹ thuật: tạc, đắp, nặn, chạm, khắc, gò, đúc, nung, vẽ...

Song hành cùng lịch sử dân tộc, hình tượng rồng Việt Nam vừa nhất quán lại vừa khác biệt do dấu ấn văn hóa, sự kiện và quan niệm của từng thời đại. Chẳng hạn, ở thời Lý (1010-1225), mới thoát hình từ rắn nên rồng có thân dài tròn đều, uốn làm nhiều khúc mềm mại, lưỡi chẻ, hai má có bờm cuộn sóng bay ra phía sau, chân mảnh với 3 ngón, còn trên đầu luôn có hình chữ S (biểu thị ý niệm mây - mưa - sấm - chớp). Di vật về chúng thấy nhiều ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), tháp Chương Sơn (Hà Nam), chùa Linh Xứng (Thanh Hóa)... Sang thời Trần (1226-1400), vóc dáng rồng to khỏe, mạnh mẽ, khí phách như thế nước đang lên sau võ công oanh liệt ba lần đại thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Trên các di vật tiêu biểu như: bức chạm gỗ cánh cửa chùa Phổ Minh (Nam Định), bức chạm nổi bệ đá chùa Bối Khê (Hà Nội), bức cốn gỗ chùa Thạch Lạc (Hưng Yên)..., ta thấy rồng được tạo dáng vạm vỡ, thân ngắn to nặng thoát xa dáng rắn, chân lớn thô với 4 ngón, đầu có thêm đôi tai và cặp sừng… Đến thời Lê (1428-1788), ban đầu rồng còn mang hình vóc rồng thời Trần nhưng cường tráng hơn và thường ở tư thế tung mình như vận nước hồi phục sau 20 năm dưới ách đô hộ của giặc Minh (1407-1427) - chứng tích tiêu biểu hiện còn là rồng chạm nổi trên bia đá Vĩnh Lăng (Thanh Hóa), bia Lê Thái Tông, bia chùa Kim Liên (Hà Nội)... Từ giữa thời Lê, chế độ phong kiến tập quyền cao độ, vua chúa muốn chiếm riêng lấy hình tượng rồng để tôn trưng uy quyền tối thượng, nên rồng hiện diện nhan nhản nơi cung đình nhưng rất ít ngoài xã hội, vóc dáng cũng nhiều thay đổi, phần nào xa rời tính cách dân dã: tư thế đường bệ, đầu to, thân ít uốn, mình đầy vảy, đuôi xòe, chân 5 móng sắc… Tới thời Nguyễn (1802-1945), chế độ phong kiến suy tàn, văn hóa đại chúng phát triển, hình tượng rồng được nhân dân giành giật lại cùng với mong ước về công bằng xã hội và sự hòa đồng. Rồng không giam mình nơi đền đài, cung vua phủ chúa nữa mà có mặt khắp nơi. Rồng không độc tôn, độc nhất nữa mà quấn quýt với bầy đàn; thân ái cùng nông dân, tiều phu; bình dị bên chó, gà, khỉ, chuột, dơi. Rồng cũng sống, cũng sinh hoạt phổ biến như muôn loài, thậm chí trên góc đình Quang Huế (Hà Nội) còn thấy hình đôi rồng ấp, trên cửa đền Điềm (Ninh Bình) có cảnh nhiều cặp rồng đang giao phối... Đẹp nhất là rồng trong bức chạm gỗ đình Duệ Dương (Hòa Bình), Thổ Tang (Vĩnh Phúc). Rồng cũng tràn ngập từng ổ, từng bầy trên tất cả những bộ phận trang trí là ở đình Đình Bảng (Bắc Ninh) - với hơn 500 con đủ các tư thế, cực kỳ sinh động.
Có lẽ vì hình tượng con rồng thể hiện phong phú, sâu rộng, gắn bó với đời sống và văn hóa Việt Nam như vậy, đồng thời lãnh thổ quốc gia lại có hình thế uốn lượn dáng rồng, nên ngày xưa người nước ngoài hay gọi nước ta là Long quốc (nước Rồng). Thời nay, hình tượng con rồng vẫn tiếp tục hiện diện - rất mực gần gũi và đầy tự hào - trong sinh hoạt thường ngày, trong tâm thức văn hóa của cả dân tộc và của mỗi chúng ta.
 

Nguyễn Anh Hùng

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây