Núi Hồng sông Lam trên Cửu đỉnh

Thứ sáu - 26/07/2024 23:04 0
Cửu đỉnh được vua Minh Mệnh cho đúc bắt đầu vào tháng 10 năm Ất Mùi (1835) và hoàn thành đầu năm 1837. Đây được coi là biểu tượng uy quyền của triều đình, chạm khắc các họa tiết với rất nhiều chủ đề về thiên nhiên vũ trụ, non sông xứ sở, sản vật, muông thú, vũ khí, tàu thuyền... tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất dưới thời Nguyễn...
Cửu đỉnh - biểu tượng của một đất nước thống nhất và giàu mạnh
Lấy ý tưởng từ cửu đỉnh của nhà Hạ Trung Quốc, vua Minh Mạng cũng cho đúc cửu đỉnh. Khác với nhà Hạ đúc chín đỉnh để tượng trưng cho chín châu, vua Minh Mạng “đúc ra chín đỉnh để t­ượng tr­ưng thành công” (1).
 Tháng 10 năm 1835, vua Minh Mạng xuống dụ chỉ cho Nội các về việc đúc Cửu đỉnh rằng: Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa, đúc chín cái đỉnh để ở nhà Thế miếu... Đó là để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau. Chuẩn cho quan phần việc theo đúng kiểu mẫu mới định mà đúc” (2)
  Mùa hạ tháng 5, năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (1836) việc đúc cửu đỉnh hoàn thành. Sang mùa xuân tháng giêng năm sau đích thân vua Minh Mạng tổ chức buổi đại lễ khánh thành và cho đặt chín chiếc đỉnh trước sân Thế miếu:
1. Cao Đỉnh     tượng trưng cho sự vĩ đại
2. Nhân đỉnh    tượng trưng cho lòng nhân ái bên trái
3. Chương đỉnh 
  tượng trưng cho ánh sáng

4. Anh đỉnh  tượng trưng cho sự hiển đạt
5. Nghị đỉnh   tượng trưng cho sự cương nghị
6. Thuần đỉnh tượng trưng cho sự thuần khiết
7. Tuyên đỉnh   tượng trưng cho sự tinh thông
8. Dụ đỉnh    tượng trưng cho sự giàu mạnh
9. Huyền đỉnh   tượng trưng cho sự huyền diệu
Chín chiếc đỉnh được sắp xếp tương ứng với 9 gian thờ của Thế miếu. Sự sắp xếp này không phải là sự ngẫu nhiên mà là một việc hết sức ý nghĩa. Cao đỉnh là chiếc đỉnh to nhất và được đặt riêng 1 hàng riêng ngay trên đường thần đạo chạy từ Miếu Môn qua Hiển Lâm Các đến gian thờ vua Thế Tổ Cao hoàng đế ở chính giữa Thế Miếu. Còn 8 đỉnh còn lại đứng phía sau và sắp thành 2 hàng chầu hai bên Cao đỉnh theo nguyên tắc trái trước phải sau. Đây chính là hàm ý tôn vinh vị vua sáng lập ra triều đại - vua Thế tổ Cao hoàng đế. Điều đặc biệt là vua Minh Mạng định tên gọi của một đỉnh cho ứng với 1 thụy hiệu của một đời vua. Vua Gia Long có thụy hiệu là Cao hoàng đế ứng với Cao đỉnh. Sau vua Gia Long, các vị vua khác khi mất đi thì sẽ được lấy tên của đỉnh làm thụy hiệu. Như vua Minh Mạng thụy hiệu là Nhân hoàng đế ứng với Nhân đỉnh, vua Thiệu Trị thụy hiệu là Chương hoàng đế ứng với Chương đỉnh, vua Tự Đức thụy hiệu là Anh hoàng đế ứng với Anh đỉnh, vua Kiến Phước thụy hiệu là Nghị hoàng đế ứng với Nghị đỉnh, vua Đồng Khánh thụy hiệu là Thuần hoàng đế ứng với Thuần đỉnh, vua Khải Định thụy hiệu là Tuyên hoàng đế ứng với Tuyên đỉnh.
Các vua như Dục Đức (ông vua 3 ngày) và vua Hiệp Hòa (ông vua 4 tháng 17 ngày) bị quyền thần phế ngôi và giết chết, vua Hàm Nghi lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Pháp, vua Thành Thái và Duy Tân yêu nước chống Pháp bị chúng phế ngôi và lưu đày, vua Bảo Đại thoái vị đều không có miếu hiệu, thụy hiệu nên cũng không ứng với một đỉnh nào cả. Xưa kia chính quyền bảo hộ Pháp chỉ cho phép thờ 7 vua, còn 3 vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân chống Pháp nên vì thế mà mãi tới năm 1959 mới được đưa vào thờ ở Thế miếu. Triều Nguyễn có 13 vua nhưng chỉ có 9 đỉnh. Trong 9 đỉnh lại chỉ có 7 đỉnh ứng với 7 vua, 2 đỉnh còn lại là Dụ đỉnh và Huyền đỉnh không ứng với vị vua nào cả.

Hình ảnh sông Lam trên Tuyên đỉnh

Nhắc tới cửu đỉnh chắc chắn phải nhắc tới những sự vật hiện tượng mà các nghệ nhân tinh xảo khắp mọi miền đất nước đã kỳ công điêu khắc. Có thể khẳng định rằng những họa tiết sinh động này chính là phần hồn, phần tinh túy nhất của cửu đỉnh. Vua Minh Mạng chỉ ra rằng:
Nay đúc đỉnh, khắc các hình tượng sông, núi và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét3 Với một đất nước thống nhất, rộng lớn trải dài từ bắc vào nam không thể kể hết được bao nhiêu hình ảnh cho nên mỗi nơi chỉ chọn một vài đại diện. Chính vì vậy mà những họa tiết được khắc trên cửu đỉnh chính là những đại diện ưu tú nhất của một vùng miền.

Trên một đỉnh, ở tầng giữa lấy tên đỉnh làm nội dung trang trí chính, đối lại phía sau là các hình ảnh về vũ trụ như các ngôi sao hay các biểu tượng về thiên nhiên mạnh mẽ và thần bí (như mặt trời, mặt trăng, mây, gió, sấm...). Hai bên trên đỉnh là hình ảnh những ngọn núi cao hùng vỹ, trập trùng (như núi Thiên Tôn ở Thanh Hóa, núi Ngự Bình ở Huế, núi Tản Viên ở Hà Tây...) đối lại ở bên kia là biển cả mênh mông hay các con sông rộng lớn (như biển Đông, sông Mã,...) hoặc các con sông đào khác (như sông sông Vĩnh Tế, sông Vĩnh Điện...) Ngoài ra còn có các hình ảnh về động vật với nhiều chủng loại chia ra như linh vật (như rồng, rùa, cá voi...), thú bốn chân (như hổ, ngựa, dê...), các loài chim (như công, vẹt, hạc...), các loài cá và côn trùng (như cá tràu, ve sầu, con cà cuống...), các loài thân cây như cây lương thực (như lúa nếp, lúa tẻ, đậu ván, đậu xanh...), các loại cây ăn quả (như mít, xoài, mơ...), các loài cây thuốc (như trầm hương, cau, quế...), các loài cây gỗ quý (như lim, tùng, bách...), các loại củ quả (như gừng, tỏi, hẹ...), các loài hoa đẹp (như hoa sen, hoa hồng, hoa nhài...). Đặc biệt là các có các loại liên quan tới kĩ thuật và quân sự như các loại xe thuyền (như thuyền tầng, thuyền đi biển, thuyền sáu tay chèo...) hay các loại vũ khí (như đại bác, súng bắn chim, đạn bươm bướm...). Tổng cộng có tất cả 153 sự vật hiện tượng được chạm khắc.
Một điều cũng rất thú vị đó chính là sự xuất hiện của 1 con số đặc biệt. Con số ở đây được mặc định là con số 9 hoặc là bội số của 9, hoặc tổng bằng 9. Ta thấy rằng tất cả các nhóm hình đều là 9 như 9 con sông lớn, 9 ngọn núi lớn, 9 cửa biển rồi 9 loài chim, 9 loài cây... Tiếp tục nếu tính tổng sự vật lại thì có 36 hình động vật (3+6=9), 54 hình thực vật (5+4=9), 18 nhóm hình tượng (1+8=9), 153 sự vật hiện tượng (1+5+3=9)... và tất cả đều được khắc trên 9 chiếc đỉnh. Điều này cũng dễ hiểu bởi theo quan niệm của văn hóa phương Đông thì số 9 là số trọn vẹn nhất, huyền diệu nhất thể hiện quyền uy sức mạnh của người đứng đầu thiên hạ. Đây là con số cực đại ở chu kỳ đầu tiên và là điểm tiếp nối sang chu kỳ lịch trình mới và cứ thế xoay vòng mãi mãi. Chính vì vậy nó là tượng trưng cho khát vọng trường tồn, bất diệt, đầy đủ, giàu mạnh và đây cũng chính là ước muốn của vua Minh Mạnh về 1 đất nước vững bền và cường thịnh. Ngay cả như dân gian ta xưa cũng đều lấy con số 9 làm chuẩn như “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao...
Không chỉ là biểu tượng của đất nước thống nhất và giàu mạnh, cửu đỉnh còn có những hình ảnh gắn với vương triều Nguyễn. Trên Cao đỉnh khắc hình núi Thiên Tôn tỉnh Thanh Hóa - mảnh đất phát tích của triều Nguyễn. Đây là quả núi có mộ phần Triệu tổ Tĩnh hoàng đế Nguyễn Kim - vị tổ của triều Nguyễn. Trên Nhân đỉnh có khắc hình ảnh quả Lòn Bon với tên gọi Nam Trân (quả quý của phương Nam). Đây là hình ảnh gợi nhớ lại việc Nguyễn vương khi thua trận trước quân Tây Sơn phải lưu lạc ra đảo, nhờ quả Lòn Bon cứu đói nên mới sống sót. Chính vì vậy mà vua Minh Mạng cho khắc loại quả này lên Nhân đỉnh để ghi nhớ về loài sản vật này cùng những ngày nếm mật nằm gai của Cao hoàng đế. Bên cạnh hình ảnh biểu tượng của vương triều, trên cửu đỉnh cũng thấy rõ những hình ảnh dân dã thân thuộc với người nông dân như cây lúa cây hay những lương thực khác. Đây chính là tư tưởng “Dĩ thực vi thiên, dĩ nông vi bản” truyền thống của đất nước có nền văn minh lúa nước.
Đặc biệt, qua cửu đỉnh có thể thấy rõ tầm quan tâm của vương triều Nguyễn đối với vấn đề biển đảo bởi trên đó có khắc nhiều hình ảnh biển đảo, thuyền chiến, hải chiến... Trên Cao đỉnh - đỉnh gắn với vị vua sáng lập triều Nguyễn có hình ảnh biển Đông, ở Nhân đỉnh - đỉnh gắn với vị vua thứ 2 của vương triều có biển Nam (vùng biển phía nam của Nam bộ, tiếp giáp với vùng biển Malaysia, Indonesia), Chương đỉnh - đỉnh gắn với vị vua thứ 3 của vương triều có biển Tây (vùng biển phía tây của Nam bộ, tiếp giáp với vùng biển Thái Lan). Ba chiếc đỉnh gắn với 3 vị vua đầu tiên của vương triều đều là hình ảnh về biển cả rộng lớn, trong đó bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quốc và các hòn đảo lớn nhỏ khác.
Non sông xứ Nghệ trên cửu đỉnh
Trên cửu đỉnh có nhiều nhóm họa tiết hình tượng khác nhau, trong đó có 2 nhóm hình tượng nổi bật là 9 ngọn núi cao và 9 con sông lớn tiêu biểu trên khắp đất nước. Trong đó có Hồng Lĩnh, Lam Giang - biểu tượng hồn thiêng núi sông của quê hương xứ Nghệ.

Hình ảnh núi Hồng trên Anh đỉnh

1. Núi Hồng 鴻山 được khắc trên Anh đỉnh. Núi còn có tên Ngàn Hống, rú Hôống hay Hồng Lĩnh, là ngọn núi cao và nổi tiếng nhất ở xứ Nghệ. Núi nằm giữa thị xã Hồng Lĩnh và hai huyện Nghi Xuân, Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh). Mạch núi Hồng đi từ núi Trà chạy xuống phía đông, hình thế rộng cao hùng vĩ. Nhìn từ phía Nam dãy núi sắp xếp như chim Hồng xòe cánh nên gọi là Hồng Lĩnh. Núi được sông Lam sông Hoàng bao quanh, cửa Hội cửa Sót khống chế. Tương truyền núi Hồng có 99 ngọn trong đó có những ngọn núi đẹp và nổi tiếng do người đời dựa vào đặc điểm của núi mà đặt tên lưu truyền rộng rãi như ngọn Đụn, ngọn Hương Tích, ngọn Lần, ngọn Sư Tử, ngọn Đông Dương, ngọn Hồ Trung... Có 8 cửa truông như truông Cộng Khánh, truông Vắn... Có nhiều hang động như động Hàm Rồng, động Chẻ Hai... Và rất nhiều khe suối, ao hồ ở chân núi.

Không chỉ là nổi tiếng là thắng cảnh thiên nhiên, núi Hồng Lĩnh còn được biết đến là nơi có nhiều danh lam cổ tích. Trên núi có hơn 100 ngôi chùa và đền miếu trong đó có rất nhiều ngôi rất cổ như chùa Hương Tích, chùa Thiên Tượng, chùa Sư Tử, chùa Dằng, chùa Chân Tiên, đền Thánh Mẫu... Nhiều núi nhỏ thuộc dãy Hồng Lĩnh còn gắn với nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử như con trai vua Mai từng xây dựng căn cứ chống quân xâm lược nhà Đường tại đỉnh Tháp Cờ. Vua Lý Thánh Tông dựng hành cung tại núi Lầu. Thành lũy bằng đá của Ngô Quảng xây dựng để chống Pháp trên núi Hồng. Khe Con, hang Con, hang Đá Mài là nơi trú ẩn của tàn quân Cần Vương và Xô viết Nghệ Tĩnh lúc thoái trào. Hang Đá Đen, hang Ông là địa điểm chiến khu chuẩn bị tổng khởi nghĩa tháng 8 - 1945...cùng nhiều truyền thuyết và giai thoại dân gian khác4.
Năm Minh Mạng thứ 17, sau khi đúc xong cửu đỉnh nhà vua cho khắc núi Hồng vào Anh đỉnh. Ngày Giáp Thân, tháng 2 năm Nhâm Dần, niên hiệu Thiệu Trị thứ 2 trong chuyến tuần du ra Bắc nhận sắc phong, nhà vua ngự thuyền từ sông Đại Nại qua núi Hồng Lĩnh cho triệu quan tỉnh là Vũ Đức Nhu hỏi về danh thắng này. Bèn làm bài thơ vịnh và cho khắc bia dựng dưới chân núi. Điều đặc biệt là tấm bia được dựng bên một phiến đá khắc chữ “Anh” có ý rằng núi Hồng được khắc trên Anh đỉnh5.
鴻嶺禦題
九十九峰次第排
層層特立望崔嵬
廛迦香跡今猶在
基址莊王事以灰
夜鶴相傳棲頂上
征鴻返位著名來
岑嶔疊嶂連天碧
半嶺雲風半嶺開
Hồng Lĩnh ngự đề
Cửu thập cửu phong thứ đệ bài
Tằng tằng đặc lập vọng thôi ngôi
Triền già Hương Tích kim do tại
Cơ chỉ Trang Vương sự dĩ khôi
Hạ hạc tương truyền thê đỉnh thượng
Chinh hồng phản vị trứ danh lai
Sầm khâm điệp chướng liên thiên bích
Bán lĩnh vân phong bán lĩnh khai
Nhà vua đề vịnh núi Hồng Lĩnh
Chín chín ngọn cao giỏi đặt bày
Tầng tầng chót vót giáp trời mây
Chùa xưa Hương Tích nay còn đó
Nền cũ Trang Vương mấy kẻ hay
Dạ hạc tương truyền về trên núi
Chinh hồng sải cánh cũng lại đây
Núi non hùng vĩ ôm trời biếc
Một dải trong xanh một dải mây
2. Sông Lam 藍江 được khắc trên Tuyên đỉnh. Sông còn có nhiều tên khác như sông Rum, sông Cả, sông Thanh Long,... là con sông lớn nhất xứ Nghệ. Sông có hai nguồn lớn là nguồn Hiếu và nguồn Tương. Nguồn Hiếu bắt nguồn từ Thanh Động thuộc phủ Quỳ Châu, còn nguồn Tương thì phát nguồn từ thác đá thuộc phủ Trà Lân. Sách Nghệ An sơn thủy vịnh6 có viết rằng:
在德壽英山二府間安之大川也古號青龍川發源有二自一葵州府諸溪合流曰舉弄江東下群江此源日通孝源一自茶麟府諸溪湊合曰荒殷江東下群江此源日通襄源二源合流曰三江東流入于會海
(Tại Đức Thọ Anh Sơn nhị phủ gian, Nghệ An chi đại xuyên dã. Cổ hiệu Thanh Long xuyên. Phát nguyên hữu nhị: Nhất tự Quỳ Châu phủ chư khê hợp lưu viết Cử Lộng giang, đông hạ quần giang thử nguyên, nhật thông Hiếu nguyên. Nhất tự Trà Lân phủ chư khê thấu hợp viết Hoang Ân giang, đông hạ quần giang thử nguyên, nhật thông Tương nguyên. Nhị nguyên hợp lưu viết Tam Giang, đông lưu nhập vu Hội Hải. Tạm dịch: Sông ở giữa hai phủ Đức Thọ và Anh Sơn, là con sông lớn của Nghệ An. Xưa có tên là Thanh Long. Phát nguồn từ hai nơi. Một từ phủ Quỳ Châu do các con khe hợp dòng, gọi là sông Cử Lộng, chảy xuống phía đông từ nguồn này rồi thông ra nguồn Hiếu. Một nguồn từ phủ Trà Lân do các con khê hợp dòng gọi là sông Hoang Ân, chảy xuống phía đông từ nguồn này rồi thông ra sông Tương. Hai nguồn hợp dòng gọi là Tam Giang, chảy về phía đông đổ ra biển Hội).
Khi cả hai nguồn hợp thành một dòng chính thì tiếp tục chảy về các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn xuôi về Dũng Quyết (thành phố Vinh) rồi lại vòng qua Đức Thọ, Nghi Xuân rồi chảy ra biển Cửa Hội. Trên suốt chặng đường chảy về phía biển Đông nó lại được các con sông con tiếp tục nhập và tạo thành một con sông lớn với một hệ thống mạch nhánh đi qua hầu hết các huyện của tỉnh Nghệ An và một số huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Chính vì vậy sông Lam đã bồi đắp phù sa cho cả một vùng rộng lớn, tạo nên cảnh trí hết sức tươi đẹp: “ánh nước sắc cây, phố xá làng mạc, phong cảnh như vẽ”6 Trở thành biểu tượng và niềm tự hào bao đời của người dân xứ Nghệ.
Sông Lam cũng là nơi gắn với nhiều nhân vật và sự kiện lịch sử. Thời Trần, Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn đã từng đi qua đò Phù Thạch có làm bài thơ vịnh cảnh. Thời giặc Minh sang chiếm nước ta, sông Lam là hành tại của vua Trần Trùng Quang chống quân xâm lược. Nơi đây cũng chứng kiến hành động bạo ngược của tướng giặc Trương Phụ và cái chết đầy bi tráng của quan Ngự sử Nguyễn Biểu. Khởi nghĩa Hậu Trần thất bại, Trùng Quang đế nhảy xuống sông Lam tự vẫn để bảo toàn khí tiết. Trở thành vị vua duy nhất trong lịch sử nước ta chọn cái chết khi kháng chiến chống ngoại xâm thất bại. Sang thời Lê trung hưng, sông Lam cũng là nơi diễn ra cuộc tranh chấp ác liệt và kéo dài nhất trong cuộc nội chiến Trịnh Nguyễn phân tranh (lần thứ 5 từ 1655 - 1660).
Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua cho khắc sông Lam lên Tuyên đỉnh. Đến năm Tự Đức thứ 3 (1850) sông Lam được xếp vào hàng các con sông lớn của đất nước và được liệt vào tự điển, hàng năm đều làm lễ tế thần sông. Hoàng giáp triều Minh Mạng là Phạm Văn Nghị có bài thơ về sông Lam:
藍江
襄陽一帶水瀠回
安靜初分若素排
鴻嶺九十九峰盡
魚山雙對雙岸開
清蒼帆向雲中掛
歌妓聲從水面來
海闊峰高多可愛
明時正是出人才
Lam giang
Tương Dương nhất đới thủy oanh hồi
An - Tĩnh sơ phân nhược tố bài
Hồng Lĩnh cửu thập cửu phong tận
Song Ngư song đối song ngạn khai
Thanh thương phàm hướng vân trung quải
Ca kỹ thanh tòng thủy diện lai
Hải khoát phong cao đa khả ái
Minh thời chính thị xuất nhân tài
Sông Lam
Tương Dương một dải về đây
Thế chia An - Tĩnh như bày từ lâu
Song Ngư hai đảo đối nhau
Hồng sơn chín chín ngọn cao vút trời
Buồm mây gió cuốn chơi vơi
Trên sông êm ái những lời ca dao
Đẹp thay bể rộng non cao
Gặp thời ắt có biết bao nhân tài
Một người con kiệt xuất của xứ Nghệ là Đại thi hào Nguyễn Du có rất nhiều bài thơ nói về biểu tượng thiêng liêng của quê hương xứ sở. Núi Hồng sông Lam từng in nhiều dấu chân của ông thuở còn sống ở quê nhà. Do đó không phải lạ khi ông lấy biệt hiệu của mình là Hồng Sơn Lạp Hộ (鴻山獵) viết nên những lời thơ ca ngợi vẻ đẹp của núi Hồng sông Lam:
莫愁僻地無佳客
藍水鴻山足詠吟
Mạc sầu tịch địa vô giai khách
Lam thủy Hồng sơn túc vịnh ngâm
Chớ sầu đất vắng không người tới
Thắng cảnh Hồng Lam đủ vịnh ngâm
(Tặng Thực Đình)
Hay:
藍水鴻山無限勝
憑君收拾助清吟
Lam thủy Hồng sơn vô hạn thắng
Bằng quân thu thập trợ thanh ngâm
Non nước Hồng Lam bao cảnh đẹp
Tha hồ nhặt nhạnh để vịnh ngâm

 (Phúc Thực đình)
Núi Hồng sông Lam với vẻ đẹp thiên nhiên và bề dày lịch sử, trải qua bao nhiêu biến đổi thăng trầm đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của một vùng đất mang đậm sắc thái địa phương. Hun đúc, bồi đắp nên khí chất thuần hậu, lẫm liệt cho con người xứ Nghệ. Dưới chân núi Hồng, bên dòng sông Lam là những mảnh đất phát nhân tài như mảnh đất Tiên Điền (Nghi Xuân), Trường Lưu (Can Lộc), Yên Hồ (Đức Thọ) hay Hoành Sơn, Trung Cần (Nam Đàn)... Tất cả đều được bồi đắp bởi nguyên khí Hồng Lam mà sản sinh ra nhiều con người kiệt xuất. Thật đúng như câu ca dao thường ca ngợi:
Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây
Sông Lam hết nước họ này hết quan
Tài liệu tham khảo
  1. Nguyên văn là 鑄九鼎以象成功 (chú cửu đỉnh dĩ tượng thành công). Văn bia “Ngự chế Thánh đức Thần công bi ký” tại lăng vua Minh Mạng do vua Thiệu Trị soạn.
  2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1968.
  3. Trần Nam Tiến, Hoàng Sa Trường Sa hỏi và đáp, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 2011, trang 163.
  4. Nguyễn Đổng Chi, Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003, trang 60-61.
  5. UBND thị xã Hồng Lĩnh - Hội VHNT Hà Tĩnh, Dưới chân núi Hồng, Hà Tĩnh, 2002, trang 46.
  6. Dương Thúc Hạp, Nghệ An sơn thủy vịnh, Thư viện Nghệ An số hiệu NA HN - 31 (bản chữ Hán chép tay)
  7. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Nxb Lao động, tập 1, trang 807.











 

Vân Thắng

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây