Mô hình kinh tế chăn nuôi và phát triển kinh tế rừng nâng cao đời sống bà con Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu)

Thứ sáu - 06/10/2023 22:38 0
Xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu) với địa hình chủ yếu là đồi núi, thời gian qua, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế từ phát triển chăn nuôi và phát triển kinh tế rừng. Các mô hình phát triển kinh tế này đã góp phần đưa nền kinh tế xã nhà ngày càng phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với vị trí địa lý từng thôn là rất cần thiết, vì vậy, Đảng ủy, Chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong xã đã tuyên truyền cho người dân hiểu và mạnh dạn chuyển đổi đầu tư sản xuất sang một lĩnh vực mới và quy mô hơn. Trên địa bàn xã Quỳnh Tân, nguồn thu nhập của người dân trong xã chủ yếu từ chăn nuôi và kinh tế rừng.

Điển hình như mô hình chăn nuôi hươu sao, nai của ông Nguyễn Cảnh Thắng thôn 5, quy mô 110 con, thu lãi hàng năm trên 1 tỷ đồng; mô hình chăn nuôi lợn của ông Hồ Sỹ Tân thôn 7, mỗi năm hơn 5 nghìn con, thu lãi trên 1,5 tỷ đồng; mô hình chăn nuôi gia cầm của ông Nguyễn Cảnh Tân thôn 14, mỗi năm trên 4 vạn con, thu lãi trên 600 triệu đồng...
Ông Tân chia sẻ, mô hình nuôi gà của gia đình ông mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại không tốn nhiều công chăm sóc; thức ăn chủ yếu là cám, lúa,  rau xanh, tiết kiệm được chi phí. Để đạt được hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi, điều kiện đầu tiên là phải cho đàn gà ăn sạch, ở sạch và phòng chống dịch bệnh thường xuyên, đặc biệt là giao thời giữa lứa cũ và lứa mới. Sau khi xuất bán phải vệ sinh kỹ chuồng trại, bổ sung thêm rau xanh, chuối... để cung cấp thức ăn cho lứa gà mới nuôi.Với mô hình nuôi lợn, gia đình ông Tân hiện nuôi hơn 5.000 con lợn. Theo ông Tân, để chăn nuôi lợn thành công người chăn nuôi cần nắm chắc kỹ thuật từ làm chuồng cho đến phòng bệnh và chăm sóc; đặc biệt muốn có thu nhập cao thì phải chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Với mô hình chăn nuôi này, thu nhập của gia đình ông Tân luôn ổn định và phát triển. Theo tính toán của ông Tân trừ toàn bộ chi phí gia đình ông lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.
Bên cạnh phát triển các mô hình chăn nuôi, nguồn thu nhập của người dân trong xã cũng đến từ phát triển kinh tế rừng. Nhờ đó, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khá giả. Chỉ tính riêng khoản trồng keo và khai thác nhựa, mỗi năm thu nhập của người dân tại địa bàn xã đạt từ 15-17 tỷ đồng. Điển hình là mô hình trồng rừng của ông Đậu Ngọc Cần tại thôn 4. Nhận thấy cây keo cho hiệu quả kinh tế cao nên gia đình ông đang trồng trên 35 ha rừng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đến nay, rừng keo đang phát triển rất tốt; sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm, rừng keo đem lại nguồn thu trên 800 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình ông còn trồng 15ha mía cũng góp phần giúp gia đình thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa và dần ổn định cuộc sống.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn xã có 1 Hợp tác xã nông nghiệp được tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012 với 1.436 thành viên. Hợp tác xã đã thực hiện tốt liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tạo thuận lợi cho sản xuất bền vững và tăng thu nhập cho thành viên.
Việc phát triển sản xuất, đào tạo nghề nông thôn đã từng bước góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân nông thôn. Xã đã tăng cường và chú trọng đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, huy động và ưu tiên nguồn vốn cho hộ nghèo vay để phát triển sản xuất, có cơ chế hỗ trợ cho con em hộ nghèo trong việc học nghề... Đến nay, mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã năm 2020 đạt 38.810.000 đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,94 %. Đặc biệt, để xây dựng NTM thành công thì cần sự quan tâm, thống nhất, đồng thuận cao của cán bộ và nhân dân trên toàn xã. Người dân trên địa bàn đã đóng góp bằng tiền mặt, hiến tặng công trình và chi phí đầu tư nâng cấp nhà ở và các công trình khác là 366.753 triệu đồng; hiến 29.534m2 đất, tháo dỡ tường bao 25.520m2; hiến 2.650 cây cối, hoa màu; 12.912 ngày công lao động. Nhân dân tự đầu tư xây dựng, nâng cấp nhà ở và các công trình khác trị giá trên 150 tỷ đồng.

Thời gian tới, xã Quỳnh Tân sẽ tập trung phát triển kinh tế, phát triển ngành dịch vụ, thương mại để nâng cao thu nhập cho người dân. Áp dụng công nghệ mới để bảo quản sản phẩm nhằm xây dựng thương hiệu sản phẩm Nhung hươu Quỳnh Tân thành sản phẩm OCOP; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn Viet Gap... Bên cạnh đó, xã sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có điều kiện đầu tư vào địa phương, khai thác và quản lý tốt các nguồn thu tại địa phương, tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi phục vụ đời sống của nhân dân.
Kim Oanh

 Tags: quỳnh tân

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập612
  • Hôm nay41,093
  • Tháng hiện tại160,380
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây