Luật Sở hữu trí tuệ đối với loại hình tác phẩm văn học nghệ thuật

Thứ tư - 03/01/2024 04:21 0
Sự cần thiết của Luật Sở hữu trí tuệ
Mỗi 1 bài hát, bộ phim,… ngay khi được sáng tạo ra dưới một hình thức vật chất nhất định đều là một tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học mang dấu ấn riêng của tác giả hoặc nhóm tác giả. Mặc dù đây là một loại tài sản vô hình, nhưng nó cũng giống như các tài sản hữu hình khác ở  khả năng sinh ra lợi nhuận và lợi ích kinh tế.
Do đó, giống như mọi tài sản có giá trị tiềm năng khác, việc sử dụng mà không có sự đồng ý hoặc ủy quyền từ chủ sở hữu… là bất hợp pháp. Pháp luật bản quyền thực sự quan trọng vì nó bảo vệ và khuyến khích các tác phẩm mang tính đổi mới và sáng tạo của tác giả.
Hơn nữa, tính hiệu quả của Luật Sở hữu trí tuệ của một quốc gia cũng nêu bật mức độ mà quốc gia đó coi trọng các tác phẩm nghệ thuật, hoặc là những phát minh, kiểu dáng công nghiệp, hay bất kỳ thứ gì khác tạo ra bản sắc riêng, đồng thời tạo ra doanh thu. Chính vì vậy mà khi soạn thảo luật để điều chỉnh vấn đề này cần phải hết sức thận trọng. 
Lúng túng trong việc hoàn chỉnh Luật
Quay trở lại với quan điểm của PGS.TS Trần Văn Hải, chúng tôi nhận thấy tác phẩm “Sơn Tinh - Thủy Tinh” là một truyền thuyết dân gian, thuộc loại hình “tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian”.
Theo quy định tại Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ, đã được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005, và đã được hợp nhất vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16/6/2022, có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, thì: “Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là sáng tạo tập thể trên nền tảng truyền thống của một nhóm hoặc các cá nhân nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng, thể hiện tương xứng đặc điểm văn hoá và xã hội của họ, các tiêu chuẩn và giá trị được lưu truyền bằng cách mô phỏng hoặc bằng cách khác”.
Tác phẩm văn hóa dân gian là một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, loại tài sản tinh thần này được toàn nhân loại chia sẻ và là thành tựu chung của tập thể. Dưới góc độ pháp luật quyền tác giả, thì văn hóa dân gian là thành tựu trí tuệ trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và nó đáp ứng được định nghĩa của một tác phẩm. Tuy nhiên, hiện nay việc bảo vệ di sản văn hóa quan trọng này bằng pháp luật còn nhiều hạn chế, chưa đủ vững chắc, chủ yếu ở việc không rõ ràng về đối tượng được bảo hộ, hay bảo vệ quá mức và các vấn đề khác.
Theo Công ước Berne (mà Việt Nam là 1 trong 160 quốc gia thành viên), thời hạn bảo hộ quyền tác giả tối thiểu là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết. Như tác phẩm Sơn Tinh Thủy Tinh là sự sáng tạo từ dân gian Việt Nam từ rất lâu đời, nên không xác định tác giả, thời gian sáng tạo, và những nội dung tiếp tục được cập nhật phát triển trong quá trình được truyền dẫn từ đời này sang đời khác, tái tạo không ngừng trong quá trình phát triển văn hóa, lịch sử. Điều này không chỉ khiến nó khó thích ứng hoàn toàn với bản quyền theo nghĩa chung về bản chất của quyền, mà còn dao động giữa tác giả cộng đồng và tác phẩm mồ côi.
Tác phẩm dân gian có giá trị văn hóa và có thể tạo ra giá trị kinh tế thông qua chuyển đổi và sử dụng, đồng thời có cả thuộc tính tài nguyên công và thuộc tính tài sản. Điều này khiến cho việc bảo vệ văn học dân gian và nghệ thuật đòi hỏi phải có các quy định pháp lý rõ ràng hơn. Nhưng do thiếu luật đặc biệt để bảo vệ tác phẩm dân gian, nên có một phạm vi mờ nhạt trong việc bảo vệ quyền riêng tư đối với nó.
Nhìn từ thực tiễn
Theo Quyết định số 3878/QĐ-BVHTTDL QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC DI SẢN VĂN HÓA, thì chưa tìm thấy quy định nào được hiểu là “đại diện cho chủ sở hữu di sản văn hoá” trong khi Luật Di sản văn hoá 2001 có quy định là “Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hoá thuộc sở hữu toàn dân”.
Thông qua đề xuất của PGS.TS Trần Văn Hải, thì những người sử dụng tác phẩm dân gian lại đặt ra các câu hỏi về loại văn hóa và nghệ thuật dân gian nào được pháp luật bảo vệ? Liệu có cần xin phép để sử dụng hay không? phải làm gì nếu không được cấp phép?... Bên cạnh đó, thì đối tượng thụ hưởng bản quyền là ai và số tiền thu được có được phân phối cho các đối tượng khác hay không?
Điều khó khăn ở chỗ không phải tất cả di sản văn hoá đều có thể được bảo vệ bản quyền vì các đặc trưng của di sản văn hoá thường rất phức tạp và khó để bảo vệ theo các quy định của bản quyền (bao gồm cả sự mâu thuẫn trong đối tượng bảo hộ, chủ thể, thời gian bảo hộ).
Ngoài ra, một số tác giả không tôn trọng chủ thể sáng tạo bằng việc chuyển tải nội dung tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian theo ý muốn riêng của họ, khiến nhiều người hiểu sai thông điệp trong tác phẩm. Tất cả những điều này đều đang diễn ra nên việc bảo vệ pháp lý cho các tác phẩm văn học dân gian là thực sự cấp thiết. 
Trên thế giới cũng có nhiều trường hợp thành công trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với di sản văn hóa, như cộng đồng người Sámi đã đạt được thoả thuận với Disney về việc sử dụng văn hoá của họ trong phim Frozen 2, sau những tranh cãi về sự chiếm dụng văn hóa xoay quanh Frozen (bao gồm cả việc có chuyên gia của họ theo dõi, tư vấn, đề xuất có credit, vv.). Tuy nhiên, các trường hợp bảo vệ thành công chủ yếu đến từ các cộng đồng có tổ chức mạnh mẽ và sớm khẳng định chủ quyền lên di sản văn hoá của họ.
Những đề xuất nhằm hoàn thiện hệ thống bảo hộ pháp lý 
Nghị định số 85/2011/NĐ-CP có quy định cụ thể về những loại hình nghệ thuật dân gian được bảo hộ, và Điều 20 của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP quy định về việc sử dụng tác phẩm văn học - nghệ thuật dân gian. Sử dụng tác phẩm văn học - nghệ thuật dân gian là việc nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu giá trị đích thực của tác phẩm; người sử dụng phải thoả thuận về việc trả thù lao cho người lưu giữ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian và được hưởng quyền tác giả đối với phần nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu của mình. Như vậy, những quy định trên đều có ý nghĩa bảo hộ quyền tinh thần của người nắm giữ tri thức truyền thống và quyền ngăn cấm người khác thương mại hóa tri thức của mình, làm tăng sự chắc chắn và ổn định về mặt pháp lí và mang lại lợi ích không chỉ cho những người nắm giữ vốn văn học nghệ thuật dân gian mà cả những người sử dụng tác phẩm đó, chống lại sự lạm dụng, khai thác và sưu tầm làm tổn hại đến giá trị đích thực của tác phẩm. 
Chính vì vậy, đầu tiên cần phải minh định rõ thực thể sáng tạo nào sở hữu bản quyền của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian, bởi loại tác phẩm này mơ hồ về chủ thể sáng tạo, nên việc bảo hộ bằng pháp lý hiện đang gặp nhiều chồng chéo. Vì vậy, việc làm rõ chủ thể sáng tạo là cơ sở để bảo đảm pháp luật bảo vệ có hiệu quả. Việc này có lợi cho việc khẳng định tính sáng tạo của tác phẩm, bảo vệ tính độc đáo của tác phẩm, vì vậy sẽ giúp người khác nhận biết rõ ràng khi sử dụng tác phẩm. 
Thứ hai, phải làm rõ phạm vi bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian bởi nếu phạm vi bảo hộ của chúng có thể được đảm bảo thì tác phẩm có thể được bảo hộ một cách hiệu quả, và tính nguyên bản của tác phẩm cũng có thể được bảo vệ và khuyến khích. Hơn nữa, sau khi làm rõ phạm vi bảo hộ, loại hình bảo hộ của tác phẩm có thể được làm rõ hơn. Vì vậy, việc làm rõ phạm vi bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian có ý nghĩa tích cực trong việc khuyến khích kế thừa, sáng tạo và phát triển văn học, nghệ thuật dân gian.
Việc xây dựng hệ thống pháp lý bảo vệ các tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian nhằm mục đích để nó được kế thừa, sáng tạo và phát triển. Vì vậy, pháp luật phải dựa trên cơ sở khuyến khích sự sáng tạo. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải chú ý bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể sáng tạo để quyền lợi của họ được bảo vệ, thực sự có lợi cho việc quảng bá, sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật dân gian.
Quay trở lại với đề xuất của PGS.TS Trần Văn Hải, tôi cho rằng hiện nay chỉ nên hoàn thiện Luật Sở hữu trí tuệ trong phạm vi đưa ra những gợi ý pháp lý từ góc độ chủ thể sáng tạo và phạm vi bảo hộ, chứ chưa cần thiết phải “trả tác quyền là phí khai thác, sử dụng di sản văn hóa cho cơ quan đại diện cho chủ sở hữu là Cục Di sản văn hóa”. 
Tại Khoản 3 Điều 17 Luật Di sản Văn Hóa 2013 quy định về biện pháp Nhà nước bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể: 
“3. Khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể”.
Như vậy, nếu nhìn từ khía cạnh khuyến khích và tạo điều kiện, việc áp đặt phí tác quyền lên các tác phẩm phái sinh không được coi là một biện pháp khuyến khích hay tạo điều kiện thuận lợi. Thực tế, việc thu phí có thể gây khó khăn trong việc lớp trẻ tiếp cận các tác phẩm được coi là di sản văn hóa.
Hiện nay chúng ta đang bị điện ảnh nước ngoài lấn át, giới trẻ ít quan tâm đến lịch sử nước nhà, vì vậy khi chúng ta sản xuất được những bộ phim chuyển thể từ truyền thuyết hay lịch sử dân tộc như phim Sơn Tinh Thủy Tinh nói trên là việc rất đáng được hoan nghênh và khuyến khích. Việc bảo vệ bản quyền quá mức có thể đe dọa đến tính sáng tạo nhằm tạo ra điều gì đó mới mẻ có ích.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây