Giáo dục nghề nghiệp cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm của chuyển đổi số

Thứ sáu - 09/09/2022 05:21 0

PV: Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đã được phê duyệt, trong đó sẽ thay đổi cốt lõi giáo dục nghề nghiệp trên nhiều khía cạnh, ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này?
Ông Hồ Văn Đàm: Chương trình chuyển đổi số đang ở bước đầu triển khai, nhưng dự đoán nó sẽ làm thay đổi cốt lõi của giáo dục nghề nghiệp hiện nay trên nhiều khía cạnh Đặc biệt, việc chuyển đổi số trong hoạt động GDNN được xem là giải pháp cốt lõi để tăng khả năng thích ứng trong thế giới việc làm đang thay đổi nhanh chóng do ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là những tác động đến cách thức quản lý hướng đến cách thức quản lý và ra quyết định trên nền tảng công nghệ số và dữ liệu lớn.
Đồng thời tác động trực tiếp đến các đối tượng tham gia hoạt động GDNN, thay đổi phương pháp quản lý hoạt động GDNN, phương pháp dạy của giáo viên. Bên cạnh đó là cách học, cách thực hành kỹ năng nghề của học sinh, sinh viên tại các cơ sở GDNN từ môi trường truyền thống lên môi trường số.
Ngoài ra, quá trình vận động xã hội khi chuyển đổi số sẽ sản sinh ra nhiều ngành nghề, lĩnh vực mới. Đây là thị trường mới tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức đối với hoạt động GDNN.
PV: Những thay đổi cốt lõi đó có thể thấy chuyển đổi số có vai trò quan trọng trong giáo dục đào tạo nghề hiện nay, vậy hạ tầng, nền tảng và học liệu số của chúng ta hiện nay đã đáp ứng được với yêu cầu của chuyển đổi số chưa, thưa ông?
Ông Hồ Văn Đàm: Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp được kỳ vọng sẽ giúp tối đa hóa hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên nếu bài toán về hạ tầng, nền tảng, học liệu số là vấn đề rất lớn, được đưa thành một giải pháp trong chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến  năm 2030.
Chuyển đổi số đòi hòi hạ tầng công nghệ mới, trang thiết bị mới cho cả người học, người trực tiếp giảng dạy, cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý. Đi kèm thiết bị phần cứng là các ứng dụng phần mềm, các nền tảng (platform) để toàn bộ mọi hoạt động giáo dục và quản lý của các cấp diễn ra trên đó. Nếu như ứng dụng CNTT vào giáo dục chủ yếu đề cập đến những chương trình, phần mềm riêng lẻ, tách biệt, chuyển đổi số yêu cầu tất cả những thứ riêng lẻ này phải tương thích và kết nối với nhau, tích hợp và “có thể tiếp cận được” (accessible) trên cùng một nền tảng. Nền tảng này cho phép các hoạt động giảng dạy, quản lý, học tập, kiểm tra, đánh giá, thi cử, quản lý người học và việc giảng dạy, cũng như toàn bộ việc tương tác giữa người học với giáo viên và nhà trường cùng diễn ra. Đường truyền Internet ổn định là yếu tố đương nhiên cần phải có để platform này hoạt động.
Bên cạnh đó, để đáp ứng được nhu cầu học tập và nghiên cứu của người học, cần kho tài liệu số chuẩn xác. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cũng như tài chính nước ta vẫn chưa thể đáp ứng được công việc này ngay được. Vì vậy, hiện đang xảy ra rất nhiều tình trạng về học liệu số tràn lan, thiếu tính xác thực và không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng cũng như nội dung. Từ đó, gây ra tình trạng không đồng nhất về kiến thức và tạo nên nhiều hệ lụy khác như tiêu hao tài chính, tốn thời gian.
Đối với trường CĐ kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc, một trong những trường được Thủ tướng phê duyệt theo quyết định 1363 QĐ-TTg ngày 11 tháng 10 năm 2019 trở thành trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025, về hạ tầng nhà trường đã đạt được mức 50-70%, đối với đường truyền đạt đến trên 80%; các bài giảng, các thiết bị máy móc, hệ thống camera, lĩnh vực thiết bị khác cũng đạt gần 70% để đào tạo lĩnh vực này. Bằng nỗ lực của mình, đến năm 2025, nhà trường sẽ đạt được mức 100% nền tảng cơ sở hạ tầng để thực hiện giáo dục chuyển đổi số có hiệu quả.
PV: Đó là trên phương diện cơ sở hạ tầng. Vậy còn đối với cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý của nhà trường thì hiện nay như thế nào?
Ông Hồ Văn Đàm: Để ứng dụng được những công nghệ đột phá, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp được thành công thì yếu tố quan trọng chính là đội ngũ thầy giáo, cô giáo, những người trực tiếp tham gia thực hiện công việc đào tạo phải có đủ kỹ năng sử dụng công nghệ và sự sẵn sàng tiếp nhận công nghệ từ phía người học.
Hiện nay giáo viên của trường cơ bản tuổi đời cũng khá trẻ, thuộc thế hệ 7X, 8X, 9X cho nên công nghệ thông tin là một trong những điều kiện cần có và phải đạt của đội ngũ giáo viên nhà trường khi trở thành giáo viên giảng dạy trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Cho nên riêng trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì giáo viên của trường đều sử dụng thành thạo để soạn ra các bài giảng, giáo án điện tử. Ngoài ra hàng năm nhà trường đều tổ chức học thêm về các lĩnh vực đào tạo trong chuyển đổi số này. Nhà trường cũng mua sắm một số trang thiết bị đào tạo thực hành ảo để áp dụng trong công tác chuyển đổi số.
Trong công tác quản lý thì nhà trường cũng đã áp dụng các phần mềm quản lý trong đào tạo như quản lý điểm, quản lý công tác tổ chức, quản lý vấn đề việc làm, quản lý các vấn đề tài chính cũng là được quản lý trên nền tảng của công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số ít giáo viên chưa bắt nhịp được với chương trình mới, còn áp dụng phương pháp cũ. Nhà giáo thiếu nên nhiều lúc giáo viên quá tải trong công tác giảng dạy cũng như cập nhật bổ sung kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng liên quan đến phát triển chương trình, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chuyển đổi số... Đặc biệt thiếu kỹ năng liên quan đến phương pháp giảng dạy mới.
P.V: Theo chủ trương, trong quá trình chuyển đổi số, giáo dục nghề nghiệp sẽ lấy doanh nghiệp là trọng tâm trong chiến lược thay vì các trường nghề, học sinh, sinh viên hay đối tượng khác. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này? 
Ông Hồ Văn Đàm: Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Tuy nhiên giải pháp gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp sẽ được quan tâm hơn cả.
Việc kết nối với doanh nghiệp trong đào tạo sẽ giúp người học được tiếp xúc với công việc thực tế ngay khi còn đang đi học. Như vậy sẽ giúp người học hiểu biết rõ hơn về công việc thực tế. Điều này giúp người học tập trung vào các nội dung học quan trọng để nâng cao năng lực của chính mình, phục vụ tốt công việc trong tương lai.
Kết nối với doanh nghiệp là việc mà Trường thực hiện từ khá lâu, và thời gian tới để thực hiện chuyển đổi số nhà trường tiếp tục tăng cường kết nối với doanh nghiệp trên nhiều khía cạnh. 
Thứ nhất, tăng cường và nâng cao đào tạo các ngành nghề áp dụng kỹ thuật số trong quá trình thực hiện như ngành ứng dụng công nghệ thông tin, cơ điện tử, điện, điện tử, điện tự động hóa, công nghệ ô tô…; thậm chí hiện nay ngành cơ khí cũng phải thực hiện chuyển đổi số vì có đào tạo thông qua thiết bị được ứng dụng công nghệ số,... để đáp ứng nhu cầu về lao động cũng như nguồn nhân lực cao của doanh nghiệp.
Thứ hai, chuyển đổi số giúp cho việc kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp nhanh hơn, thuận lợi và liên tục hơn. Nhà trường chủ trương đưa sinh viên thực tập tại các đơn vị doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số. Trước đó, nhà trường đã tiến hành mô phỏng quá trình thực tập cho học sinh sinh viên để các em nhận thức được quá trình làm việc như thế nào tránh những bỡ ngỡ hay gây ra những thiệt hại cho doanh nghiệp do chưa được trang bị kiến thức. Quá trình thực tập tại doanh nghiệp sinh viên được nâng cao tay nghề, gần gũi doanh nghiệp, học được kiến thức của doanh nghiệp thực tế; công tác đào tạo của nhà trường cập nhật được công nghệ, hỗ trợ được thiết bị đào tạo; doanh nghiệp lựa chọn được sinh viên trong công tác tuyển dụng sau này. Đây là dịp nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp hỗ trợ lẫn nhau, phối hợp nhịp nhàng. 
Thứ ba, đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp. Nhà trường hiện nay có nhiều doanh nghiệp đã đến đặt hàng. Đào tạo theo đặt hàng có nhiều cách: Một là doanh nghiệp tuyển dụng công nhân sau đó ra chương trình đào tạo cho nhà trường, tiêu chí đầu ra và chuyển đến nhà trường đào tạo sau đó lấy lại công nhân đó; Hai là, hiện nay có một số doanh nghiệp nước ngoài đến làm việc với nhà trường, đào tạo sinh viên năm cuối theo chương trình module của doanh nghiệp. Những sinh viên được tuyển chọn tham gia chương trình đào tạo này sẽ được doanh nghiệp chi trả học phí và đảm bảo việc làm sau khi tốt nghiệp. Hiện tại, nhà trường đang thí điểm mô hình này với Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa với 20-30 sinh viên; Công ty LG Hải Phòng với 50-60 sinh viên.
Việc tuyển dụng lao động của doanh nghiệp đối với sinh viên có nhiều cách: nhóm sinh viên được doanh nghiệp tuyển dụng trước khi tốt nghiệp 2 tháng (chiếm khoảng 30%); một số doanh nghiệp tuyển dụng khi trao bằng tốt nghiệp (chiếm khoảng 30% nữa); một số doanh nghiệp tuyển dụng sau khi đã có bằng, trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp thì hầu như 100% sinh viên đều có việc làm.
Theo tiêu chí đầu ra thì hiện nhà trường đã đáp ứng được 100% yêu cầu của doanh nghiệp. Khi sinh viên tốt nghiệp ra thì nhà trường và doanh nghiệp đã tiến hành lấy phiếu khảo sát lẫn nhau. Khảo sát chất lượng sinh viên đối với doanh nghiệp; khảo sát mức độ hài lòng của sinh viên đối với doanh nghiệp. Thông qua kết quả khảo sát để nhà trường có những điều chỉnh phù hợp trong đào tạo cũng như lựa chọn hợp tác với doanh nghiệp.    
PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong mối liên kết doanh nghiệp - nhà trường - sinh viên có sự bất cập, hạn chế gì không, thưa ông?
Ông Hồ Văn Đàm: Đối với doanh nghiệp tiên tiến, sự phối hợp này là rất tốt, kể từ công tác đào tạo, công tác tuyển dụng, công tác hỗ trợ đào tạo. Nhà trường cũng tương tác lại với doanh nghiệp, hỗ trợ nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo một phần kỹ năng kiến thức công nhân cho doanh nghiệp.
Ví dụ hiện nay có Goertek đầu tư vào Nghệ An, Công ty win win, ju Teng ở Hoàng Mai cũng đã có đến trường để khảo sát và đặt vấn đề đào tạo cho doanh nghiệp, và có những doanh nghiệp mong muốn nhà trường xây dựng thêm cơ sở vật chất để họ cung cấp trang thiết bị cho nhà trường để nhà trường đào tạo nguồn nhân lực theo dây chuyển đó. Đó cũng là một sự phối hợp hướng tới trong thời gian tiếp theo.
Hoặc một số doanh nghiệp như LG Hải Phòng, Sam Sung, Công ty Hồng Hải của Đài Loan ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Fomusa cũng đã đến làm việc và có sự phối hợp khá chặt chẽ với nhà trường, từ công tác đào tạo, nguồn nhân lực, hỗ trợ trong công tác xây dựng chương trình giáo trình,.. 
Còn đối với một số doanh nghiệp chưa được quy củ, họ chưa có sự hiểu biết sâu về nhà trường thì sự phối hợp giữa hai bên chưa thật chặt chẽ, vẫn chưa có tiếng nói chung, hầu hết các doanh nghiệp đó là doanh nghiệp nhỏ, làm ăn manh mún, chưa thật sự bài bản mới có nhiều bất cập trong công tác phối hợp với các trường dạy nghề.
Khó khăn về phía nhà trường thì sinh viên chiếm khoảng 20% tốt nghiệp chưa qua 18 tuổi. Trường còn có hệ trung cấp đã đào tạo được, tuy nhiên gặp phải khó khăn là khi ra trường chưa thể có việc làm ngay vì các em chưa đủ 18 tuổi, vì đây là hệ trung cấp 9+. Muốn cải thiện điều này thì sau khi hoàn thành khóa trung cấp để có việc làm người học phải học thêm 1 năm liên thông lên cao đẳng, đây là một năm học rất quan trọng để đủ 18 tuổi, thêm kiến thức kỹ năng tay nghề. Có như vậy sau khi tốt nghiệp ra trường các em 100% có việc làm. Còn nếu chỉ dừng lại ở trung cấp thì chỉ là lao động thấp, chưa thể ký hợp đồng trả bảo hiểm với doanh nghiệp được.



Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc nỗ lực thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong dạy và học

PV: Để thực hiện thành công chuyển đổi số, Ban giám hiệu nhà trường đã có chủ trương và kế hoạch gì, thưa ông?
Ông Hồ Văn Đàm: Để tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, góp phần đạt được mục tiêu chung, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận GDNN tạo ra đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế…
Có lộ trình chuyển đổi số cho từng ngành, từng nghề; tiếp đó, sử dụng phần mềm nào để quản lý đào tạo, cơ sở vật chất, quản lý học sinh, sinh viên… quan trọng nhất là chú trọng đến dữ liệu dùng chung (dữ liệu phục vụ cho giảng dạy và dữ liệu phục vụ cho quản lý nhà nước về nghề). Tiếp đó phải có cơ chế phù hợp giữa trường nghề với doanh nghiệp để giúp trường nghề trong việc đưa sinh viên đến học thực hành, thực tập cũng như có việc làm ngay sau khi các em tốt nghiệp…
Hiện nay, nhà trường cũng đã tiến hành nâng cấp cơ sở hạ tầng; bổ sung một số trang thiết bị đào tạo, thiết bị ảo cũng là công nghệ số cho một số ngành nghề cho công tác giảng dạy thực hành tại trường; kết nối với doanh nghiệp trong công nghệ số để làm sao công nghệ số trong nhà trường với doanh nghiệp đạt sự hài hòa giúp sinh viên ra trường, làm việc tại công ty không bị bỡ ngỡ. Và để doanh nghiệp hiểu thêm nhà trường về cách thức đào tạo, cập nhật công nghệ số.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thì còn rất nhiều khó khăn trong ứng dụng chuyển đổi số trong dạy và học, do đó, nhà trường rất mong muốn được cấp bộ ngành, tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp sở ban ngành hỗ trợ thêm cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp những lĩnh vực như thiết bị ảo, các nền tảng về công nghệ thông tin; cập nhật, đào tạo thêm kiến thức công nghệ cho cán bộ giáo viên hàng năm về công nghệ số;...
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!


Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây