Đại Dương - Nguồn tài nguyên dược liệu tiềm năng của Việt Nam

Thứ năm - 08/08/2024 23:20 0
Sự khám phá của khoa học và ngành công nghiệp dược đã biến đại dương thành một nguồn dược liệu biển tiềm năng cho các loại thuốc trong tương lai. Với tính đa dạng sinh học cao hơn nhiều so với đất liền, đại dương hứa hẹn là nơi cung cấp nhiều loại thuốc nguồn gốc từ biển để điều trị bệnh cho con người. Việt Nam là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển hàng đầu thế giới, với 20 kiểu hệ sinh thái điển hình như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn... Những hệ sinh thái này không chỉ tạo nên sự đa dạng về cảnh quan tự nhiên và sinh thái mà còn cung cấp nguồn lợi hải sản quan trọng cho phát triển kinh tế biển.
Trong đó, rong và tảo biển là nhóm tài nguyên được đánh giá có tiềm năng khai thác và phát triển lớn. Việt Nam hiện có 838 loài rong biển và dưới loài, trong đó có khoảng 150 loài có giá trị kinh tế và dược liệu. Các hoạt chất trong rong biển Việt Nam được xác định có hoạt tính đa dạng và phong phú, tương tự như rong biển trên thế giới. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện tại mới chỉ dừng ở mức đánh giá một số hoạt tính sinh học như chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng ung thư và giảm lipid máu.
https://www.vista.gov.vn/vn-uploads/news/2024/8-2024/20-8-2024/7.jpg
ảnh Internet
Ðể chủ động phát triển nguồn nguyên liệu, một số viện nghiên cứu và công ty tại Việt Nam đã tiến hành nhân giống một số loài rong thương phẩm để tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc. Các nghiên cứu cũng tập trung vào giá trị dinh dưỡng và thành phần hóa học của một số loài hải sản phổ biến như cá măng, cá đối, điệp, sò, ốc, cá ngựa, hải sâm...
Mặc dù Viện Dược liệu đã tổng hợp thông tin và xây dựng danh mục các loài rong biển có giá trị dược liệu, nhưng các nhà khoa học cho rằng nguồn tài nguyên này vẫn chưa được khai thác, bảo vệ và phát triển đúng mức. Một số đơn vị của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tiến hành điều tra và nghiên cứu sâu về hoạt chất từ các sinh vật biển khác như hải miên, hải sâm, và vi nấm biển, đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều sản phẩm thương mại từ sinh vật biển đã được đưa ra thị trường như FucoAK, Fucoidan, Salamin, Omega-3, và Viên nang hàu, góp phần tăng giá trị kinh tế từ nguồn lợi biển.
Tuy nhiên, so với thế giới, nơi các loại thuốc có nguồn gốc từ sinh vật biển đã được phê duyệt và thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu dược liệu biển tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Các nghiên cứu hiện tại chưa đủ sâu rộng, thiếu các dữ liệu đầy đủ để quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên này. Việc khai thác, bảo tồn và phát triển dược liệu biển vẫn còn gặp nhiều hạn chế về kỹ thuật, công nghệ và đầu tư.
Những thách thức này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn tài nguyên sinh vật biển, bao gồm việc thúc đẩy nghiên cứu, bảo tồn và khai thác hiệu quả để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong tương lai./.
Xuân Phát (TH)
 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập366
  • Hôm nay32,978
  • Tháng hiện tại32,978
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây