Thiếu vùng nguyên liệu tập trung để phát triển sản phẩm OCOP

Thứ bảy - 29/07/2023 22:37 0
Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", hiện nhiều sản phẩm OCOP vẫn chưa có các vùng nguyên liệu ổn định, sự liên kết giữa chủ thể OCOP với người dân trong cung cấp nguyên liệu chưa bền chặt, việc các tiêu chuẩn hóa nguồn nguyên liệu chưa được quan tâm…
Tại hợp tác xã Nông dược Tĩnh Sáng Đường ở xã Yên Hợp ở Quỳ Hợp hiện có 30 dòng sản phẩm, trong đó, có 3 sản phẩm đạt 3 sao OCOP gồm: Bột rau má sấy lạnh, trà túi lọc cà gai leo, mật ong Tĩnh Sáng Đường, hình thành được vùng nguyên liệu rộng lớn, ổn định để phát triển sản xuất, chế biến. Theo đó, hợp tác xã đã thuê 3 ha đất và liên kết với 50 hộ dân trên địa bàn trồng 8ha dược liệu, hàng năm, cung ứng khoảng 30-50 tấn nguyên liệu cho hợp tác xã chế biến giúp thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, tạo điều kiện để các hội viên hợp tác xã nâng cao quy trình kỹ thuật, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất. Đồng thời, giúp hợp tác xã tạo ra số lượng sản phẩm lớn hơn, chất lượng đồng đều hơn góp phần bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng phục vụ người tiêu dùng”.
Thông qua sự hợp tác, liên kết sản xuất này đã tạo điều kiện để người dân xã miền núi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Ông Chu Ngọc Tân - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Hợp cho biết: “Hiện nay, cây dược liệu đang được chính quyền địa phương quy hoạch, mở rộng, đầu ra đã có hợp tác xã trên địa bàn bao tiêu. Ban đầu là trồng trong vườn nhà, nếu hiệu quả tốt sẽ nhân rộng ra các vườn đồi, vùng đất cao cưỡng, trồng dưới tán rừng. Hiện toàn xã đã trồng được 8ha cây dược liệu các loại. Mô hình này vừa giúp người dân bảo đảm đầu ra nguyên liệu, vừa giúp hợp tác xã tự chủ nguồn nguyên liệu đạt chuẩn; qua đó, thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo thu nhập ổn định cho người dân, bảo tồn các loài dược liệu quý trên địa bàn xã”.
Một trong những đặc thù của sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương, gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn với xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, giúp người dân có sinh kế, có thu nhập, còn doanh nghiệp thì có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng, bên cạnh đó uy tín về chất lượng sản phẩm, nguyên liệu ổn định nên công ty sản xuất, kinh doanh có lãi, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Việc tăng cường đầu tư công nghệ, các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chế biến và bảo quản các sản phẩm đạt chất lượng cao cũng rất quan trọng, hiện nay, ở hầu hết các địa phương đều đã hình thành và xây dựng các sản phẩm OCOP, đi đôi với đó là hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, một số chưa có những vùng nguyên liệu tập trung mà hầu hết còn manh mún, nhỏ lẻ. Có thể khẳng định rằng, nguyên liệu đầu vào là vấn đề sống còn đối với nhiều chủ thể sản xuất OCOP, hợp tác xã ở vùng nông thôn, nếu thiếu nguyên liệu thì sẽ sản xuất cầm chừng, sẽ không mở rộng được quy mô, không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Trong khi đó, không phải doanh nghiệp nào cũng thuê được đất để sản xuất; hoặc phải thuê với chi phí cao, thời gian thuê ngắn. Do đó, một số cơ sở đã phải mua nguyên liệu ngoại tỉnh, nguyên liệu địa phương chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ cấu thành sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, chủ thể OCOP cũng thừa nhận rằng, việc liên kết giữa họ và người dân trong việc cung ứng đầu vào cho sản xuất sản phẩm OCOP thiếu bền vững.
Để chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” có bước tiến xa, trở thành đòn bẩy trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn và mở ra nhiều cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản thì các địa phương có quy hoạch từng loại cây, con phù hợp với từng vùng sinh thái, từng địa phương; phát huy lợi thế so sánh về địa lý, địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn, đặc biệt để tạo nên nguồn nguyên liệu phong phú; xác định được vùng nguyên liệu, xây dựng mã vùng trồng và thương hiệu vùng trồng cho sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, các chủ thể cần phải nâng cao năng lực về tài chính, hệ thống kho bãi, dây chuyền sản xuất, chế biến… và chủ động được đầu ra của sản phẩm khi mở rộng vùng nguyên liệu để phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của từng địa phương/.
Thế Anh (TH)

 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay233,964
  • Tháng hiện tại751,241
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây