Khi rùa biển được chụp X-quang

Thứ tư - 30/08/2023 22:09 0

Hàng chục con rùa biển quý hiếm nguy cấp được Trung tâm cứu hộ và bảo tồn các loài thủy sinh hoang dã (Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) tiếp nhận cứu hộ, chăm sóc và thả về biển.

Trung tâm cứu hộ phối hợp với các đơn vị liên quan thả rùa biển về môi trường tự nhiên - Ảnh: Trung tâm cứu hộ cung cấp

Trung tâm cứu hộ phối hợp với các đơn vị liên quan thả rùa biển về môi trường tự nhiên - Ảnh: Trung tâm cứu hộ cung cấp

Tháng 7 vừa qua, Trung tâm cứu hộ và bảo tồn các loài thủy sinh hoang dã phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cùng các cơ quan tổ chức thả 9 con rùa biển xuống vùng biển Khu bảo tồn biển Hòn Mun trong vịnh Nha Trang.

Nhiều vích, đồi mồi được cứu sống

Trong đó, 7 con vích và 2 con đồi mồi do trung tâm tiếp nhận cứu hộ từ năm 2017 - 2022. Toàn bộ số rùa biển này đã được đánh dấu ký tự trước lúc thả.

Những người lặng lẽ ngày đêm chăm sóc các chú rùa biển được trung tâm tiếp nhận cứu hộ.

Một trong số đó là anh Lê Quí Lượng (34 tuổi), trưởng bộ phận thủy cung của trung tâm. Anh Lượng cho hay ngoài 9 chú vích, đồi mồi vừa được thả về tự nhiên, trung tâm hiện đang cứu hộ 18 chú rùa biển gồm 10 con đồi mồi, 8 con vích. Số rùa biển này đơn vị tiếp nhận từ Phòng cảnh sát môi trường (PC05) Công an tỉnh Khánh Hòa vào cuối tháng 11-2022.

"Lúc chúng tôi tiếp nhận, toàn thân các chú rùa bị hàu bám kín, tình trạng sức khỏe yếu, nhìn xót xa lắm. Anh em trong trung tâm nhanh chóng vệ sinh và kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng thể để đưa ra phương án cứu hộ phù hợp. Nhưng may mắn không có chú rùa nào bị tổn thương nặng" - anh Lượng nhớ lại.

Sau khi kiểm tra xong, 18 chú rùa biển được đưa vào khu vực cách ly để chăm sóc riêng biệt. Sau 9 tháng, đến nay toàn bộ 18 chú rùa đã khỏe mạnh, phát triển, chú nặng nhất cân được 30kg. 

Toàn bộ số rùa biển nêu trên được đưa ra lồng nuôi ở vùng ven biển đảo Hòn Tre để làm quen dần với môi trường tự nhiên trước khi được thả hẳn về biển. Mỗi ngày, các nhân viên trung tâm đều làm vệ sinh lồng nuôi, cho rùa ăn, lặn kiểm tra sức khỏe đều đặn.

Cứu rùa biển bằng cả trái tim

Để cứu hộ và chăm sóc rùa biển thành công, đầu tiên các nhân viên trung tâm xem rùa có vết thương ở tứ chi, bụng, lưng hay không, sau đó đo kích thước và cân nặng, vệ sinh và kiểm tra sức khỏe tổng thể. 

Những chú rùa được xác định có sức khỏe bình thường thì nhanh chóng đưa sang chăm sóc riêng biệt, tập ăn và thích nghi với môi trường tự nhiên.

Còn những chú rùa có sức khỏe yếu, quá trình cứu hộ sẽ phức tạp và khó khăn hơn. Nhân viên cứu hộ kiểm tra kỹ các vết thương, vệ sinh tổng thể, chụp X-quang...

Những chú rùa sức khỏe quá yếu sẽ được chuyển qua khu vực chăm sóc đặc biệt, được bơm thức ăn xay nhuyễn thay vì cho ăn tự nhiên...

"Các nhân viên làm việc trong trung tâm cứu hộ phải là người yêu động vật, sinh vật biển thì mới cứu hộ và chăm sóc rùa biển bằng cả trái tim của mình. Những khi rùa có biểu hiện sức khỏe yếu hay những ngày thời tiết bất ổn, dù nắng hay mưa, bất kể ngày hay đêm, anh em đều phải túc trực theo dõi.

Khi sức khỏe của rùa đã ổn định, đưa ra tập thích nghi với môi trường tự nhiên thì nhân viên trung tâm cũng phải thường xuyên lặn kiểm tra sức khỏe, vệ sinh lồng và tắm rửa, kỳ cọ cho các chú rùa" - anh Nguyễn Sỹ Tú, nhân viên trung tâm cứu hộ, nói.

"Chúng tôi mong muốn mọi người nhận biết được đâu là loài động vật nguy cấp, quý hiếm ưu tiên bảo vệ và đâu là loài thông thường. Tránh tình trạng săn bắt, sử dụng làm thực phẩm hay các mục đích khác" - anh Tú nói.

Ông Võ Khắc Én, phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết đơn vị luôn theo dõi và bảo vệ nghiêm ngặt, không để xảy ra tình trạng đánh bắt và mua bán các loài thủy sinh quý hiếm nguy cấp như rùa biển.

"Người dân không cố tình đánh bắt rùa biển, nếu vô tình vướng vào lưới cũng thả lại xuống biển chứ không đưa về bờ. Còn trường hợp phát hiện sức khỏe của rùa khi dính lưới đã yếu, người dân cũng báo ngay cho chi cục đưa về trung tâm cứu hộ kịp thời" - ông Én cho biết.

Theo ông Huỳnh Bình Thái - trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang, việc thả các loài thủy sinh quý hiếm nguy cấp ra môi trường tự nhiên rất có ý nghĩa. "Khi phát hiện rùa biển bị thương, chúng ta cần phải sớm chữa trị, chăm sóc thật tốt và sớm thả về môi trường tự nhiên. Không nên để quá lâu, dồn lại số lượng nhiều mới đi thả sẽ làm ảnh hưởng đến rùa" - ông Thái nói.

Tại vùng biển Việt Nam, hiện có năm loài rùa biển là vích, đồi mồi, đồi mồi dứa, quản đồng và rùa da. Tất cả các loài này đều nằm trong Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và Việt Nam.

Năm 2015, tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt thành lập Trung tâm cứu hộ và bảo tồn các loài thủy sinh hoang dã và giao Công ty VinWonders Nha Trang quản lý, vận hành.

Nguồn tin: tuoitre.vn

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay141,120
  • Tháng hiện tại280,230
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây