Độc đáo một câu chuyện cổ

Thứ tư - 21/08/2024 06:14 0
                                          Phụ nữ Thái Nghệ An kiến tạo và giữ gìn bản sắc văn hóa - Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường                                                             Vẻ đẹp của cô gái Thái   Ảnh: Đình Tuân                
 1. Một truyện cổ Thái kể rằng: “Ngày xửa ngày xưa, người Thái ở khắp các vùng thung rộng núi cao ai cũng biết đến Mường Khoang. Đó là một nơi đất đai màu mỡ, của cải dồi dào. Họ cũng biết đến Tạo Pha Cun làm chủ Mường Khoang đã lâu mà vẫn chưa có con trai. Nếu không phải chứng kiến nỗi buồn của Tạo thì dân mường không còn gì phải phiền lòng nữa. Được các thầy Mo trong mường mách bảo, sớm sớm Tạo Pha Cun lại tự mình đi hái một bó hoa rừng thật đẹp rồi đem lên đỉnh ngọn đồi thiêng của mường xin các vị Then trên trời ban cho một mụn con nối dõi. Quả nhiên đến năm thứ ba, vị Then Bun trên trời đã động lòng trước tình cảnh và sự kiên nhẫn của Tạo. Bà vợ Tạo Pha Cun đã có thai, đủ tháng đủ ngày sinh ra một cậu con trai kháu khỉnh, lanh lợi. Dân mường làm lễ ăn mừng. Sau buổi lễ đặt tên, cậu bé được gọi là Pha Cáng. Hơn chục mùa lúa nương đi qua, Pha Cáng đã trở thành một chàng trai khôi ngô, tài giỏi. Dù là con trai chủ mường, chàng vẫn luôn gần gũi, hoà đồng với mọi người trong mường. Từ việc phát nương làm rẫy, xuống suối bắt cá, vào rừng săn bắn… chàng đều cùng tham gia. Chàng chỉ khác bạn bè trang lứa ở một điểm, đó là chàng viết chữ rất đẹp. Nhìn vào chữ viết của chàng, người ta tưởng như nghe được tiếng khèn bè dập dìu uốn lượn; như thấy được nét vằn của chúa sơn lâm ẩn hiện đâu đó…, thật là khó tả.
Mường Xiêng bên cạnh có cô Căm Cạt nổi tiếng xinh đẹp nhất mường. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, nàng Căm Cạt phải sống nhờ chú thím. Họ là người giàu có, làm chủ cả mường Xiêng nhưng không có con cái nên Căm Cạt được coi như con gái trong nhà không có điều gì phải khổ sở. Nàng Căm Cạt được ở riêng trên một ngôi nhà sàn đẹp, có trai gái mường làm “cốn hướn” giúp việc. Các bà các cô, những người giỏi giang, khéo léo trong mường đến dạy cho nàng cách thức dệt cửi, nhuộm váy, thêu khăn… Căm Cạt cũng có người đến dạy chữ. Thế nên nhìn vào tấm khăn nàng thêu, người ta tưởng như thấy cả các dòng chữ, dòng “lai” ẩn chứa trong đó…
Tiếng tăm về sắc đẹp và tài khéo tay của nàng Căm Cạt rồi cũng lan truyền đến tận Mường Khoang của chàng Pha Cáng. Chàng cảm thấy bồi hồi, xao xuyến như có một luồng gió mùa xuân thổi vào tận tim. Rồi chàng cứ mường tượng đến nàng Căm Cạt xa xôi chưa từng được thấy mặt mà chàng cứ mãi thờ thẫn, ngẩn ngơ. Cuối cùng không thể cầm lòng được, chàng viết một bức thư bày tỏ tình cảm của mình, rồi sai người bạn “xay xứ” tìm đến Mường Xiêng trao tận tay nàng Căm Cạt. Nàng Căm Cạt nhận được thư, nhìn chữ viết đẹp như con công múa, đọc những lời thổ lộ rạo rực như lửa than trong bếp “hạn khuống” (sàn trai gái vui chơi). Nàng chợt thấy xốn xang trong lòng, xúc động trước những lời bày tỏ ao ước của chàng, rằng mong sao bà Then Bảu ở trên trời nối liền sợi dây “nen” (duyên số) cho họ được chung sống với nhau ở trần gian… Rồi nàng viết một bức thư, cũng thổ lộ cả nỗi lòng cùng những lời hẹn ước, rồi nàng cho bức thư vào một cái túi thật đẹp nàng đã dành nhiều công sức để thêu thùa từng đường nét. Nàng dặn người bạn “xay xứ” (đưa thư) của chàng hãy mau chóng trở về để trao tận tay cho chàng Pha Cáng. Hai người họ đều cảm thấy không thể sống thiếu nhau, nguyện cùng trao gửi cuộc đời cho nhau từ đó.
Thế nhưng đã có một việc không hay xảy ra. Tạo Pha Cun bị lâm bệnh nặng rồi đột ngột qua đời. Dân Mường Khoang từ già chí trẻ ai ai cũng khóc tiếc thương Tạo. Họ đã giết thật nhiều trâu bò để làm đám ma, dâng cúng để Tạo có trâu bò lên Mường Then (trời) làm ăn. Sau đám tang của cha, tạo Pha Cáng do quá đau buồn lại đang kỳ chịu tang nên chàng không viết thư báo cho nàng Căm Cạt biết. Không biết đã bao đêm trôi qua, nàng Căm Cạt mong tin chàng Pha Cáng mà không ngủ được. Nàng cứ trằn trọc cho đến khi nghe gà gáy sáng.
Cuối cùng, không cầm lòng được nàng lại thêu một cái túi thổ cẩm thật đẹp, có những đường chỉ kim tuyến xen với các dải ngũ sắc nhìn vào thấy cái túi cứ ẩn hiện lung linh bên eo người mang nó. Nàng lại viết một bức thư với lời lẽ tâm tình khẩn thiết, rồi gấp gọn bỏ vào trong túi. Nàng lại sai "xay xứ" mang thư đến cho chàng, không quên dặn đi dặn lại là không được chậm trễ trên đường để thư nhanh chóng đến được tay chàng. Chàng Pha Cáng nhận thư của nàng Căm Cạt mà lệ tuôn trào không sao ngừng được. Chàng ôm cả cái túi lẫn bức thư vào lòng mà ngỡ như đang được ôm nàng Căm Cạt xinh đẹp trong vòng tay của mình. Chàng hỏi thăm sức khoẻ của nàng, hỏi thăm công việc thêu thùa dệt cửi, hỏi thăm cả “côn hươn” (nô tỳ) cả già cả trẻ, cả gái cả trai… Chàng cất lời mời "xay xứ" lên nhà, gọi “côn hươn” đem rượu cần ra tiếp đãi. Chum rượu được đổ đầy nước, cắm cần, chàng mới xin phép "xay xứ" xoay cần rượu ra khắp các hướng. Chàng xin phép được mời khắp lượt, từ hồn vía tổ tiên trong bản trong mường cho đến các vị Then trên trời cùng về uống rượu để phù hộ, giữ gìn, chăm sóc cho dây “nen” tình yêu của chàng với nàng Căm Cạt.
Tiếp đó, mọi người cùng nhau uống rượu, chuyện trò vui vẻ… Sáng hôm sau, "xay xứ" từ giã Tạo Pha Cáng để trở về Mường Xiêng. Chàng Pha Cáng lại viết thư gửi theo "xay xứ" mang về cho nàng Căm Cạt, dặn dò nàng hãy giữ gìn sức khoẻ, chớ gặp ốm đau. Lần này, chàng còn gửi thêm các thứ vòng bạc “hóng lánh” (vật hẹn ước) để làm tin, với ý rằng không lâu nữa hai người sẽ được gặp nhau, làm đám cưới để nên vợ nên chồng. Cả hai người đều không ngờ được rằng, chú thím nàng Căm Cạt vốn là chủ Mường Xiêng, bấy lâu nay vẫn có dã tâm chiếm đất Mường Khoang giàu đẹp. Biết tin Tạo Pha Cun đã mất, họ nhanh chóng điều động quân binh đi đánh chiếm đất Mường Khoang. Chàng Pha Cáng bị bất ngờ, không kịp tập trung binh mường để chống đỡ, chỉ kịp cùng người chú ruột và một “côn hươn” lên lưng voi chạy nạn. Bị quân binh Mường Xiêng đuổi gấp và vây chặt, người chú biết khó lòng thoát được liền bảo chàng Pha Cáng cởi áo Tạo Mường đang mặc trên người đổi sang cho chú mặc, sau đó Pha Cáng và người “côn hươn” ăn vận quần áo thường dân chạy trốn theo lối khác. Hôm sau, cả Pha Cáng và người “côn hươn” đã bị dân binh Mường Xiêng bắt được, bị dẫn về Mường Xiêng.
Đến đó, họ mới được biết tin dữ rằng người chú đã bị tử trận, xác được đưa về Mường Xiêng để giặc báo công với chủ mường. Ai cũng nghĩ đấy chính là xác của tạo Pha Cáng - chủ lớn của Mường Khoang. Nàng Căm Cạt vô cùng đau đớn trước “cái chết của Tạo Pha Cáng”. Nàng khóc lóc suốt ba ngày ba đêm, sau đó xin đem xác người yêu về làm ma chôn cất. Thời gian tiếp đó nàng không thể làm được việc gì, chỉ ở lì trong nhà chẳng đi đâu cả. Ngày ngày tiếng khóc than của nàng vọng ra khiến ai nấy đều não lòng não ruột. Chủ Mường Xiêng ái ngại cho sức khoẻ của nàng, liền sai hai đứa “côn hươn” của Mường Khoang phải đến hầu hạ, chăm sóc cho nàng. Tuy đã được ở “gần nhau”, cả Pha Cáng và Căm Cạt đều không có dịp nào để nhận ra nhau. Thời gian cứ thế trôi qua.
Một hôm Pha Cáng thấy trong người tự nhiên mỏi mệt, rồi chàng ốm. Người bạn “côn hươn” của chàng đi tìm đủ mọi loại thuốc thang, củ rừng, rễ cây… về chữa mà bệnh của Pha Cáng vẫn chẳng lui được chút nào. Mấy ngày sau, trông hình hài Tạo Pha Cáng tiều tuỵ chẳng khác gì một cái xác. Sợ chàng không qua khỏi, người bạn “côn hươn” tâu trình với nàng Căm Cạt: “Bà Nàng ơi! ‘Em trai’ tôi nó bị bệnh nặng lắm. Tôi đã cho nó uống nhiều loại thuốc mà không khỏi. Giờ đây không biết sống chết lúc nào, lỡ nó tắt thở trong nhà của Bà thì chúng tôi có tội lớn lắm. Chi bằng cho tôi xin dựng cái lều “tụp” nhỏ ở góc vườn kia, tôi mang em tôi ra đấy chăm nom thuốc thang được ngày nào hay ngày đó”. Nàng Căm Cạt đồng ý và giúp đỡ, người “côn hươn” làm một cái lều “tụp”  nhỏ ở góc vườn làm nơi chăm nom chàng Pha Cáng. Ngày hôm sau, bệnh tình Pha Cáng càng nặng thêm, dường như chàng đang hấp hối. Người bạn “côn hươn” thấy chàng sắp tắt thở đến nơi, lục tìm tất cả mọi thứ đồ đạc Pha Cáng luôn mang bên mình, bày hết các thứ đó ra cạnh chàng để chàng có chết thì đem theo lên Mường Trời… Nàng Căm Cạt nghe rõ từng tiếng than khóc vọng đến từ phía lều “tụp”: “Tạo Pha Cáng ơi! Cậu hãy đem theo túi thêu của nàng Căm Cạt. Cậu hãy đem theo cả lá thư ước hẹn của nàng lên Mường Then nhé! Tôi cứ ngỡ Cậu và nàng Căm Cạt sẽ nên đôi vợ chồng, ai ngờ hôm nay phải chết ở đây. Chàng hãy đem theo túi hẹn này cất vào kho người chết để kiếp sau trao lại cho nàng Căm Cạt. Nay chàng đã được về Mường Trời theo người chú đã chết thay cho chàng năm trước. Hồn chú đang ở đâu xin hãy đón lấy hồn Pha Cáng về theo…”. Nàng Căm Cạt lấy làm lạ, cho người đi đến lều “tụp” để thăm người ốm và hỏi han cho rõ. Lát sau đã thấy người hầu quay lại kể rõ sự tình đầu đuôi, trong tay cầm theo cái túi thêu của nàng Căm Cạt. Biết đây đích thị là chàng Pha Cáng - chủ lớn Mường Khoang, Căm Cạt dặn tất cả mọi người trong nhà phải giữ kín chuyện này kẻo binh tướng Mường Xiêng lại rắp tâm hại chàng. Nàng lấy cớ đang nhờ chàng làm giúp một số công việc quan trọng, đã tự đi tìm thuốc thang lo chạy chữa cho chàng, lại còn giết trâu mổ lợn, mời thầy Mo về làm lễ “xên” (cúng vía) cho chàng.
Nhờ thế mà chẳng mấy hôm sau chàng Pha Cáng đã hồi phục dần. Nàng Căm Cạt vẫn giữ kín danh tính của mình nên Pha Cáng và người “côn hươn” vẫn không hề hay biết. Họ chỉ luôn ghi nhớ công ơn cứu mạng của nàng… Chàng Pha Cáng vẫn phải tiếp tục ở trong túp lều cũ, làm đủ thứ công việc theo lời sai khiến của “Bà Nàng”. Một mùa gặt lúa mới lại đến với người Mường Xiêng. Chưa có năm nào lúa nương lúa ruộng được mùa tốt như vậy. Chủ Mường Xiêng cho phép làm thịt hai chục con trâu làm thức ăn phục vụ cho người đi gặt lúa cho mình. Dân mường giúp nhau lợp lại kho chứa lúa, sửa sang lại các sàn phơi lúa… Bỗng đâu có một con voi rất lớn và hung hãn từ rừng đi ra. Đây không phải là voi rừng, vì người ta đã xua đuổi đủ cách mà nó không hề sợ hãi. Đây cũng không phải voi nhà vì tất cả các bản trong mường chẳng có ai biết nó. Con voi quần nát cả ruộng lẫn nương. Người dân Mường Xiêng sợ voi dữ, không ai dám đi ra đường, không ai dám lên nương gặt lúa. Những bông lúa vàng quá kỳ thu hoạch, chín rũ vương vãi khắp nơi… Không còn cách nào khác, chủ Mường Xiêng phải cho người loan tin đến khắp nơi, rằng hễ bất cứ người nào bắt được voi dữ cho dân mường yên tâm đi gặt hái thì sẽ được thưởng quyền cao chức trọng, lại cho lấy nàng Căm Cạt xinh đẹp, về làm vợ.
Chủ mường đã có lệnh truyền đến khắp các bản, kể cả những bản ở tận đầu nguồn các con suối nhỏ nằm sâu trong rừng, cả những bản ở chênh vênh trên sườn núi. Nhiều người rủ nhau kéo đến nơi cánh đồng lớn của Mường Xiêng để thu phục voi dữ. Họ đã được nghe kể, được chứng kiến sự hung hãn, dữ dằn của con voi lớn. Vậy nhưng họ cũng rất muốn được trở thành người giàu có, được ở chức cao vọng trọng của mường, muốn được làm chồng của nàng Căm Cạt. Thế là trên cánh đồng lớn của Mường Xiêng diễn ra cuộc đấu thu phục voi lớn suốt ba ngày ba đêm. Nhiều trai tráng khoẻ mạnh đã bị voi quật cho trở thành tàn phế, hoặc chết; ruộng vườn, nhà cửa xác xơ…, mà con voi lớn lại càng ngày càng trở nên dữ tợn, hung hãn hơn. Không còn ai dám dứng ra nhận thu phục con voi nữa. Chủ Mường Xiêng chợt nhớ đến hai người “côn hươn” đang phục dịch cho nàng Căm Cạt. Hắn liền ra lệnh bắt hai người phải đi thu phục voi lớn, không tha. Không ai dám cưỡng lại lệnh của chủ mường.
Nàng Căm Cạt không biết đấy chính là con voi của Tạo Pha Cáng. Nàng chỉ còn biết cầu khẩn Then Bun giúp cho Pha Cáng thu phục được voi dữ, may ra mới được chung sống với nhau về sau. Tạo Pha Cáng đã nhận ra đấy chính là con voi của mình lúc còn ở Mường Khoang - sau khi người chú bị tử trận nó đã bỏ chạy vào rừng sâu, sống lang thang trong đó suốt cả thời gian qua. Đã đến lúc gặp lại được con voi quý của mình, Tạo Pha Cáng không hề chối từ lệnh trên. Tạo chỉ yêu cầu người ta sắm cho mình một bộ quần áo mới, giống hệt như bộ quần áo Tạo mặc lúc còn làm Tạo chủ Mường Khoang. Tạo cũng yêu cầu phải kiếm cho chàng một rổ rau “xồm pỏi” (chua me) để làm lễ “xạc húa” gội đầu cho mình. Đây là một nghi lễ tâm linh. Tạo bỏ lá “xồm pỏi” vào máng giã nát rồi đem ra suối, bỏ xuống một vũng nước trong, rồi chàng xuống đó tắm gội, cầu khấn Then Bun cho “ngày tháng cơ cực trôi đi theo dòng nước, cuộc đời ấm êm trở lại…”.
Trở về, chàng mặc bộ quần áo mới, đi ra cánh đồng lớn để gặp lại voi quý của mình. Dân cả Mường Xiêng dõi mắt theo từng bước đi của chàng. Nàng Căm Cạt nín thở, nhắm mắt không dám nhìn theo. Chủ Mường Xiêng cùng quan binh ngồi chen chúc trên gian đầu sàn “chan” cùng ngó theo chàng. Chàng Pha Cáng đi đến bên con voi của mình. Chàng cất lời hát cho voi nghe. Chàng hát kể lại những nỗi cơ cực khổ đau cho đến lúc gặp được voi quý hôm nay. Con voi nhận ra người chủ cũ, quỳ ngay xuống, đưa vòi rước Pha Cáng đặt lên lưng mình. Dân khắp cả mường cùng hò reo sung sướng. Lúc này chủ Mường Xiêng mới nhận rõ ngay đấy chính là con voi lớn của Mường Khoang. Chủ Mường Xiêng cũng nhận ra người ngồi trên lưng voi chính là Tạo chủ Mường Khoang. Chủ Mường Xiêng sợ hãi tột cùng, chỉ còn biết kêu lên: “Trời ơi! Bấy lâu nay ta nuôi giặc ở trong nhà mà không hề biết…”. Rồi trong cơn sợ hãi, giận dữ, chủ mường xây xẩm cả mặt mày, loạng choạng ngã lăn từ trên sàn nhà xuống đất, quan binh chưa kịp đem đi cứu chữa thì lão đã tắt thở. Tạo Pha Cáng thu phục được voi dữ, trở về trong vòng tay tung hô của dân mường. Chàng cũng được biết “Bà Nàng” chính là nàng Căm Cạt, là người chung dây “nen” hạnh phúc với chàng. Hai người tổ chức làm ma cho chủ Mường Xiêng. Đám cưới hai người được tổ chức linh đình và dân của cả hai Mường Khoang, Mường Xiêng cùng đến tham dự. Chàng Pha Cáng - Nàng Căm Cạt trở thành chủ nhân của cả hai mường. Họ sống hạnh phúc bên nhau trọn đời” (1)
Phụ nữ Thái Nghệ An kiến tạo và giữ gìn bản sắc văn hóa - Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trườngThiếu nữ Thái trong ngày hội      Ảnh: nguồn Báo Nghệ An
          2. Truyện có nhiều dị bản. Hiện chúng tôi có trong tay một dị bản ở Tây Bắc. Đây là một truyện thơ “Tạo Pha Cáng(2) cùng tên với truyện cổ. Cốt truyện thống nhất. Chỉ khác một số chi tiết. Tên nhân vật chính “Tạo Pha Cáng” thì ghi là “Tạo Pha Cang”, do phương ngữ Thái Tây Bắc. “Nàng Căm Cạt” thì ghi là “Cầm Sơ” hoặc “Cạt Tâm Cam”, có từ “Cạt” là giống nhau (gốc tên). Về địa danh “Mường Khoang” thì ghi là “Chiềng Khoang”; “Mường Xiêng” thì ghi là “Mường Luông”. Hoặc “Mường Trời”, “Mường Then – Bôn” thì ghi là “Trời Xi La”, “Phun Ín” (ông trời)… Chức danh “Chủ Mường” thì ghi là “Phìa”, các chức dịch khác ghi là “Khun” hoặc “Khun quan”… Cuối cùng là chi tiết Chủ Mường Luông chết. Bản miền Tây Nghệ An thì nói “ông ta bây giờ mới biết Tạo Pha Cáng (kẻ thù) ở ngay trong nhà, do con gái mình “bao che” (tức là phản bội lại ông), rồi chứng kiến Tạo Pha Cáng khống chế được voi dữ, và “trong cơn sợ hãi, giận dữ, Chủ Mường Luông xây xẩm cả mặt mày, loạng choạng ngã lăn từ trên sàn nhà xuống đất, quan binh chưa kịp đem đi cứu chữa thì lão đã tắt thở”. Còn truyện thơ Tây Bắc thì nói “Phìa lớn kia đã sợ phép rồi/ Hai chàng giơ tay lay cột chắc/ Sàn nhà không vững đổ ập liền/ Mọi người bị nhà đè, chết bẹp/ Phìa lớn cũng chết trong đám đó”.
3. Chủ Mường Xiêng chỉ huy quân tiến đánh Chiềng Khoang. Người Chiềng Khoang coi ông ta là kẻ thù. Nhưng Tạo Pha Cáng lại yêu Nàng Căm Cạt, con gái ông ta. Như vậy, chàng đã yêu “con gái kẻ thù”. Mối tình của Tạo Pha Cáng và Nàng Căm Cạt là tiếng nói “phản chiến”, tiếng nói “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Kiểu truyện như thế này rất ít gặp. Cho nên, “Tạo Pha Cáng” là một câu chuyện độc đáo. 

Chú thích
(1) Quán Vi Miên (2010), Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số Nghệ An, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 253 – 263.
(2) Lò Văn Lả (Sơn La) sưu tầm và dịch, gửi cho chúng tôi.  

Tài liệu tham khảo
(1) Cầm Cường (1993), Tìm hiểu văn học dân tộc Thái ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
(2) Nguyễn Thị Huế (chủ biên) (2012), Từ điển tipe truyện dân gian Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội.   
(3) Đỗ Thi Tấc (chủ biên), Mạc Phi, Điêu Văn Thuyền (2012), Truyện thơ dân gian dân tộc Thái, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
(4) Vương Trung (sưu tầm, biên dịch, giới thiệu) (2003), Táy pú xấc – Kẻn kéo, truyện thơ Thái ở Tây Bắc,  Nxb Lao động, Hà Nội.
(5) Bội Linh (tổng hợp), Truyện thần tiên lâu đời hơn bạn nghĩ/ https:// www.sciencenews.org/article/no-fairy-tale-origins-some-famous-stories-go-back-thousands-years; https://royalsocietypublishing. org/doi/10.1098 /rsos.150645; https://tiasang.com.vn/chuyen-de/doc-sach-cung-tia-sang/ 23/6/2023



 

  Quán Vi Miên

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây