La sơn phu tử với vấn đề “xuất”, “xử” và những thông điệp gửi hậu thế

Thứ năm - 15/08/2024 05:26 0

1.Vấn đề "xuất", "xử" của nhà Nho
Nho giáo, về cơ bản là một học thuyết chính trị - đạo đức do Khổng Tử đề xướng, sáng lập; Mạnh Tử kế thừa và phát triển,… cũng được gọi là “Đạo Khổng Mạnh” (“Khổng Mạnh chi đạo”). Nho gia vốn là “một học phái tư tưởng quan trọng ở Trung Quốc”; “Phạm trù Nho gia (…) có thể tính tới thời cận đại”(1) bao hàm những ai tin tưởng và tôn thờ Nho giáo hay “Khổng Mạnh chi đạo”, coi trọng và theo đuổi Nho học với hệ thống kinh điển “Lục kinh” (6 loại giáo bản): Dịch, Thư, Thi, Nhạc, Lễ, Xuân Thu(2).


La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp với sự nghiệp giáo dục nhà Tây Sơn và giá trị đối với phát triển giáo dục hiện nay
Ảnh: Tư liệu

Nhà Nho (Nho gia, Nho sĩ, Nho sinh) thời phong kiến được xem là thành phần đứng đầu
“tứ dân” (“
sĩ - nông - công - thương”). Con đường phấn đấu, vào đời của nhà Nho không gì khác ngoài “Đường mây”: Đi học, đi thi. Thi đỗ: hoặc ra làm quan, ghánh vác việc đời, việc quốc gia, xã hội/ “xuất” (tương ứng với “hành”); hoặc lui về ở ẩn/ “xử” (tương ứng với “tàng”). Đạo của người quân tử: “hoặc ra làm quan, hoặc lui về ở ẩn”(3); “Dụng chi tắc hành, xá chi tắc tàng” (Dùng thì ra làm; không dùng thì ẩn)(4). “Xuất” hay “x”/ “hành” hay “tàng” không phải bao giờ cũng dễ dàng, rạch ròi trong ứng xử của từng nhà nho, chúng luôn luôn có thể đổi chỗ cho nhau.

Băn khoăn lựa chọn giữa “xuất” và “xử”/ “hành” và “tàng” là vấn đề đặt ra dường như thường xuyên với những nhà nho chân chính, “hữu trách”, nhất là với nhà nho Việt Nam. Hai mẫu hình nhà nho “chính thống” (hành đạo và ẩn dật) từng được xem là “anh em sinh đôi” (ngay trong từng nhà nho) là vì vậy(5). Bi kịch của nhiều nhà Nho cũng do xuất phát từ mâu thuẫn dằng xé giữa “xuất” và “xử”, “hành” và “tàng”. Ở việt Nam, vấn đề này đã từng đặt ra gay gắt với nhiều nhà Nho, nhất là từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ,… đến Lê Hữu Trác, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Ngô Thì Nhậm,… và sau đó là lớp nhà Nho cuối mùa mà tiêu biểu nhất là Nguyễn Khuyến.

Nguyễn Trãi (1380 - 1442) ở chặng đường đầu có lúc tự nhận thấy mình là Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải, chưa bận tâm lắm với vấn đề “xuất”, “xử”; nhưng khi đã bước chân vào “chính trường” với nhiều nếm trải, ông mới thực sự thấm những đa đoan, phức tạp giữa “xuất” và “xử”. Ông thấy rõ, một mặt: Lấy đâu xuất xử lọn hai bề(6); nhưng mặt khác: chọn một “bề” cũng đâu có yên! Và rồi, ngoài bi kịch dằng xé nội tâm do tự bản thân ông nghiêm túc đặt ra trước yêu cầu của lịch sử: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, là hàng loạt bi kịch từ nhiều mối bên ngoài dồn vào, khiến ông phải chịu vụ án Lệ Chi viên - một bi kịch thảm khốc chưa từng có. Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật/ Anh hùng di hận kỷ thiên niên(6) (Hoạ phúc có nguồn phải đâu một buổi/ Anh hùng để hận hàng mấy nghìn năm) - điều ông viết về người khác (Hồ Quý Ly) có ngờ đâu lại ứng vào mình…
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) khi lui về ở ẩn, càng thấy sự đối lập giữa “xuất”/ “hành” (ra làm quan) và “xử”/ “tàng” (về ở ẩn). Ông xem “hành” (ra làm quan) là một kiểu “khôn” đáng mỉa mai, khinh bỉ. Cũng như một số nhà Nho khác, ông tự nhận mình là “dại dột”, “ngu hèn” (thực ra đây chỉ là một cách nói phản ngữ): Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao... Chọn hướng “xử” - “tìm về nơi vắng vẻ” (ẩn dật/ “tàng”) một mặt giúp ông tìm thú nhàn, giải phóng mình ra khỏi những ràng buộc, đố kỵ của thói đời, mặt khác, đây là một cách phủ định lối “xuất” (ra làm quan) trong bối cảnh nhiễu nhương “Thế gian biến cải, vũng nên đồi” của thời đại ông.
Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) lại tự tin xác định: Dụng chi tắc hành, xá chi tắc tàng; xuất, xử, ngữ, mặc, giai thông hồ thời nghĩa/ Ngôn chi tín, hành chi quả; tử, sinh, kinh, cụ, bất nhập hồ hung trung(7) (Đời dùng thì làm, bỏ thì ẩn; làm hay ẩn, nói hay im, đều bởi hiểu thông thời vận/ Lời nói thì giữ tín, việc làm thì quyết xong; sống, chết, lo, sợ, không chút vướng bận trong lòng).
Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) là một trường hợp đặc biệt, vừa “chính thống” vừa “phi chính thống”, vừa hăng hái dấn thân, nghiêm cẩn: “hành”, vừa coi trọng “tàng”, lại vừa phóng túng, tài tử: hành lạc. Điều quan trọng đối với ông là hướng ứng xử nào cũng là cơ hội để bộc lộ tài năng, trên cơ sở đó mà ngạo nghễ tuyên bố “Nhân sinh quý thích chí”, xem “hành” hay “tàng” thực ra cũng chẳng khác gì nhau (Hành tàng bất nhị kỳ quan)... Vì thế bất cần, “Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi”(8)...
            Nhà nho “cuối mùa” Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) cũng từng “xuất” (ra làm quan), nhưng rồi cũng phải “xử” (cáo quan về ở ẩn) sau bao nhiêu dằn vặt, khi nhận thấy thế cuộc Cờ đương dở cuộc, không còn nước... Ông tự cười mình là Bạc chửa thâu canh đã chạy làng (tự trào), dứt khoát bất cộng tác với “Tân triều”, về làng, ở ẩn. Nguyễn Khuyến muốn làm một “ông Đào” (Đào Tiềm/ Đào Uyên Minh) ở đất Việt. Nhưng bất khả. Ông tự nhận thấy mình thiếu những điều kiện thiết yếu về cả chủ quan và khách quan để làm một ẩn sĩ như “ông Đào”. Đấy là bi kịch, là nỗi dằn vặt, hổ thẹn, đáng cười và cũng đáng khóc của Nguyễn Khuyến(9).
            Cùng thời với La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, có Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791) - người đã từng nghiên cứu binh thư, võ thuật, tham gia trận mạc,… nhưng rồi tập trung theo ngành y, và trở thành bậc đại danh y. Hướng “xuất”/ “hành” của Lê Hữu Trác cũng tránh “chính sự”, không ra làm quan mà về ở “ẩn” - “ẩn” nhưng lại chăm lo làm thuốc, trước thuật, dạy người, cứu nhân độ thế. Cách giải bài toán “xuất”, “xử” của Lê Hữu Trác nhờ tính đặc thù của nghề y và năng lực ưu trội của ông về cả y đức, y lý và y thuật, ông dễ tránh được những pha “cân não” trong lựa chọn “xuất”, “xử”, trong các mối liên hệ chính sự/ chính trị như La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp.
Đối với La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723 - 1804), vấn đề “xuất”, “xử”/ “hành”, “tàng” thực sự là cả một hệ bài toán đau đầu, liên tục phải tìm lời giải (Đối tượng mời gọi ông cộng tác “chính sự”, liên tục và trực tiếp là các đấng “Thiên tử” thuộc nhiều triều chính, từ chúa Trịnh Sâm, vua Quang Trung, đến vua Cảnh Thịnh, rồi Gia Long). Dữ kiện, yêu cầu của các bài toán “xuất”, “xử” và các lời giải của ông khác nhiều với các nhà Nho khác. Chính vì thế, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp trở nên một hiện tượng hết sức đặc biệt.

2. Quan niệm xuất”, xử của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp

La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp là người nói trực tiếp nhiều đến lẽ “xuất”, “xử”, cả trong sáng tác và trước thuật. So với văn xuôi - nhất là Hạnh Am ký được viết năm 1782, lúc ông đã 60 tuổi (tính theo tuổi âm lịch), thơ được ông viết từ sớm, ngay từ lúc còn trẻ, khi vừa đậu Hương giải/ 1743. Do đặc trưng thể loại, thơ, nhất là thơ thời cổ - trung đại, bao giờ cũng là tiếng nói chân thực, xuất phát tự đáy lòng. Trong thơ, ít nhất, có 15 lần, La Sơn Phu Tử nói đến lẽ “xuất”, “xử”/ “hành”, “tàng”. Suy cảm này vừa được bộc lộ ở mặt chữ (khái niệm), vừa biểu hiện ở chiều sâu cảm nhận. Trong bài Sĩ các hữu chí/ Kẻ sĩ mỗi người một chí hướng (1743), ông viết:

            Đa thiểu anh hùng sản vực trung
Kỳ vi chí dã bất tương đồng
Xuất tư kiêm thiện công quang thế
Xử tất thâm tàng đạo tuẫn cung
            (Biết bao kẻ anh hùng sinh ra ở đời này
Mỗi người có một chí hướng, không ai giống ai.
Người ra làm quan làm điều thiện, công lao sáng cả cõi đời

Kẻ đi ở ẩn giấu kín một nơi, giữ trọn đạo lý…

            Có thể xem đây như là một “tuyên ngôn” của ông về chí hướng của kẻ sĩ. Mỗi người có một chí hướng, không ai giống ai. Có thể “xuất” hoặc “xử” tuỳ lựa chọn của từng người. Vấn đề quan trọng đáng nói là mục đích, ý nghĩa cao đẹp của hướng ứng xử mà mình lựa chọn. Một mặt, ông không phủ định hướng “xuất”: ra làm quan, hành đạo. Mặt khác, ông rất coi trọng lối “xử”: về ở ẩn, giữ đạo. Cả hai hướng lựa chọn đều phải đảm bảo yêu cầu của “Đạo người quân tử”: “Xuất” - ra làm quan, phải làm điều thiện, phải đóng góp công lao cho thế sự, cuộc đời; “Xử” - đi ở ẩn, phải giữ trọn được đạo lý và có trách nhiệm với thế cục, nhân gian. Vì thế:
Thời tai thân khuất phương vi chính
Thị đạo dư tương miễn dụng công

(Tuỳ thời cơ, co hay duỗi đều là điều phải

Ta sẽ gắng công để làm theo đạo ấy)

                                                            (Sĩ các hữu chí)
            Tiếp mạch cảm hứng “xử”, ông bộc lộ:
Ẩn dật gia lưu chí tự cao
(Những kẻ ẩn dật là chí tự cao)
Ẩn tàng hạnh ngã năng trì tĩnh
(Ẩn tàng may ta dễ bề giữ mình)
(Phúc Đặng Điền Phạm Thạch Động/ Đáp thơ ông Phạm Thạch Động ở Đặng Điền)
Lại ẩn lâm cư nhậm sở chỉ
(Ẩn tại nơi lại mục hay ở chốn núi rừng)…
                        (Phù Thạch phùng lão ngư/ Gặp ông lão đánh cá ở Phù Thạch)
            Và ông xác định:
                        Vị tất trì khu thương ẩn luân
(Cần gì phải rong ruổi, chỉ nên đi ở ẩn mà thôi)
                                                            (Ký Bình Hồ chư hữu/ Gửi các bạn ở Bình Hồ)
                        Tảo vãn phi mao thành tiểu ẩn
(Sớm muộn ta cũng sẽ dựng lều tranh ở ẩn)
                                                            (Đặng nghĩa Liệt Sơn/ Lên núi Nghĩa Liệt)
            La Sơn Phu Tử là người kiệm lời, “cần gì phải nhiều lời”/ “hựu hà dĩ đa ngôn vi” (Hạnh Am ký), nói đi đôi với làm, nói được, làm được:
Cư thân ngô chí định
Trường ức Lạp Phong am
(Chí ta đã định an cư
Nhớ mãi am Lạp Phong)
                                                (Bạc Nam ngạn tự/ Đỗ thuyền ở chùa Nam Ngạn)
            Ngoái nhìn các gương ẩn sĩ trong quá khứ ở cả Việt Nam và Trung Hoa, La Sơn Phu Tử nhận thấy đã có bao nhiêu người đi ở ẩn:
Thao thao ẩn giả lưu
(Thừa phục/ Thơ phúc đáp Bùi Huy Bích)…
            Ông nói nhiều đến Đào Tiềm (Đào Uyên Minh) và hết sức nể trọng Đào Tiềm:
Cảm ngôn ẩn hối Đào trung quân
(Đâu giám so sánh với ông Đào Tiềm)
(Sơn cư tác/ Viết khi ở núi)
            Sau La Sơn Phu Tử hơn 100 năm, có Tam Nguyên Yên Đổ (Nguyễn Khuyến) cũng nói nhiều đến Đào Tiềm và từng có giấc mộng làm một “Ông Đào”, nhưng không thể, bi kịch, vì thế “nghĩ ra lại thẹn”… La Sơn Phu Tử đã có lúc nhận mình là “ông Đào”(10) (mặc dầu “không giám so sánh với ông Đào”). Ông biết mình có điều kiện để làm một ẩn sĩ như “Ông Đào” (thuận lợi hơn Nguyễn Khuyến về sau). Về chủ quan: La Sơn Phu Tử tự đào được giếng mà uống, tự cày được ruộng mà ăn (“tự cấp, tự túc”). Về khách quan: không gian ở ẩn, chốn núi rừng thời La Sơn Phu Tử chưa bị ngoại bang chiếm giữ, khai thác như thời Nguyễn Khuyến về sau. Và đây, trên đỉnh Lạp Phong, xuất hiện một “Ẩn phu” khác hẳn, có một không hai:
Lạp Đính sơn trung cuồng ẩn phu
(Có một kẻ cuồng ở ẩn trên núi Lạp Phong)
                                                            (Kinh Hắc Đế tư/ Qua đền Mai Hắc Đế)
Yên hà ẩn độn tình
(Ẩn sĩ ráng mây tình - Doanh trại tự thuật, I/ Ở trại tự thuật, I)

La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chủ động lựa chọn hướng “xử” (ẩn/ tàng) ngay từ đầu, ngay khi vừa đậu Hương giải (1743), khi con đường công danh đã bắt đầu rộng mở, đầy hứa hẹn. Và rồi, ý định ấy trở nên thường trực, theo ông suốt cả cuộc đời. Vậy, tại sao ông không “li khai” hẳn được hướng “xuất”, vẫn “dính” vào “chính trường”, vẫn làm quan (ít nhất là 13 năm)?
Ông cho biết, ông bị bệnh “cuồng dĩ” từ trước khi thi Hương (20 tuổi): “Ta tự bỏ mình, từ biệt việc đời mà ẩn náu trong rừng núi, kẻo sợ bệnh không thôi hẳn. Bởi vậy, ta bỏ hết học khoa cử, chuyên đọc các sách Tính, Lý, Tứ thư, Ngũ kinh đại toàn” (Hạnh Am ký)(11)... Vì nhiều lý do bất khả kháng, ông lại phải “xuất” - một kiểu “xuất”/ “hành” độc đáo, có thể nói là “độc nhất vô nhị”: “xuất”/ “hành” dưới hình thức “xử”/ “tàng”, ẩn; “ẩn không ra ẩn hẳn; ra không ra hẳn”(12). Nghĩa là, “xử”/ “ẩn” nhưng vẫn không thôi “hữu trách” với chính sự; “xuất”/ “ra làm”, nhưng bằng cách đứng ngoài (theo cách nói hiện nay là “làm”, “chỉ đạo” từ xa)…
3. Hành trình “xuất”, “xử” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp
Để dễ theo dõi hành trình “xuất”, “xử” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, xin xem bảng tóm tắt dưới đây:
Thời gian Tuổi
(theo AL)
Hành trình hoạt động và sự kiện
1723 (25.8/ Quý Mão)  01 Năm sinh
1741 (Tân Dậu) 19 Ra Thái Nguyên học, được Nguyễn Nghiễm dạy thêm.
“Bắt đầu bị chứng cuồng dị” (Hạnh Am ký/ HAK)
1743 (Quý Hợi) 21 Thi Hương, đỗ Thủ khoa nhưng không thi Hội.
“Bệnh vẫn còn”; “tự nghĩ: “ẩn náu chốn rừng núi” (HAK)
1744 (Giáp Tý) 22 Lên núi Nghĩa Liệt, Hồng Lĩnh; thăm chùa Hương,…
1748 (Mậu Thìn) 26 Ra Bắc dự thi Hội nhưng chỉ vào đến tam trường
1756 (Bính Tý) 34 Được bổ chức Huấn đạo ở Anh Đô (Phủ Anh Sơn, NA)
1757 (Đinh Sửu) 35 Bắt đầu lập trại ở núi Thiên Nhẫn (sau từ chức mới lên)
1762 (Nhâm Ngọ) 40 Tri huyện Thanh Chương (Nghệ An)
1768 (Mậu Tý) 46 Xin từ quan
1780 (Canh Tý) 58 Chúa Trịnh Sâm mời ra Thăng Long; can chúa không tiếm ngôi vua. Thăm Bạch Vân Am
2.1781 (Tân Sửu) 59 Trở về trại núi
1782 (Nhâm Dần) 60 Viết Hạnh Am ký 
1786 (Bính Ngọ) 63 Viết Thích Hiên ký
1786 (Bính Ngọ)
 
63 Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc… Khi về Phú Xuân, viết thư mời. Nguyễn Thiếp từ chối (không thể giúp) với 3 lý do: là thần tử nhà Lê; tuổi cao; tài hèn sức mọn.
8. 1787 (Đinh Mùi) 65 Nguyễn Huệ lại gửi thư mời. Lại khiêm nhường từ chối.
13.9. 1787 (Đinh Mùi) 65 Lần thứ 3, Nguyễn Huệ thư mời. Vẫn thoái thác.
4.1788 (Mậu Thân) 66 Nguyễn Huệ mời hội kiến. Xuống núi, hội kiến
Tháng 5 - tháng 9.1788 (Mậu Thân) 66 Tìm đất lập đô ở Nghệ An cho Nguyễn Huệ
(Phù Thạch, Yên Trường, Phượng Hoàng Trung Đô)
Cuối 1788
(Mậu Thân)
 
66

 
Tham mưu cho Quang Trung thời cơ và kế sách đánh đuổi quân Thanh: “Nếu đánh gấp thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút, sẽ khó lòng”.
Đầu xuân 1789
(Kỷ Dậu)
67 Sau đại thắng, Quang Trung lại mời: “Trẫm ba lần xa giá Bắc thành, Phu tử đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời Phu tử hẳn có thế thật”. Biết ông không thích chính sự, vua nhờ giải quyết việc học thuật và “Chấn hưng giáo dục”.
1789 (Kỷ Dậu)


 
67 Khoa thi Hương đầu tiên dưới triều đại Quang Trung, được cử làm Đề điệu kiêm Chánh Chủ khảo. Ông khuyên nhà vua hòa hoãn với nhà Thanh để tập trung xây dựng đất nước. Sau khi giúp vua, Nguyễn Thiếp lại về núi
1791 (Tân Hợi)

 
69 Quang Trung lại cho mời vào Phú Xuân. Sau 3 lần từ chối, lần này ông nhận lời. Dâng lên vua bản tấu bàn về ba vấn đề: 1, “Quân đức”; 2, “Dân tâm”; 3, “Học pháp”.
20.8.1791 (Tân Hợi) 69 Viện trưởng Viện Sùng chính; dịch các sách: Tiểu học, Tứ thư,…
5.1792 70 Dịch, chú các kinh: Thi, Thư, Dịch,…
16.9.1792 (Nhâm Tý) 70 Quang Trung mất.
Nguyễn Thiếp trở về ẩn dật (trại núi Bùi Phong).
1801 (Tân Dậu) 79 Vua Cảnh Thịnh mời. Ông từ chối. Về trại Bùi Phong
1801 (Tân Dậu) 79 Nguyễn Ánh mời. Nguyễn Thiếp xin về trại Bùi Phong
06.2.1804 (Giáp Tý) 82 Mất. An táng tại nơi ông ở ẩn.
Dõi theo hành trình “xuất”, “xử” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, không khó để thấy rằng ông vẫn kiên định, thống nhất với quan điểm, tư tưởng của mình: “xuất” hay “xử” đều xuất phát từ suy ngẫm sâu xa, thấu đáo về 3 điều kiện: 1, Hoàn cảnh cho phép khả năng đóng góp thực sự của mình; 2, Niềm tin ở bậc “minh chủ” mà mình lựa chọn; 3, Xu thế lịch sử mà mình dự cảm được.
Ở điều kiện 1 (Hoàn cảnh và khả năng đóng góp thực sự của mình), ông đã nhiều lần nói rõ những trở ngại (nhất là bị bệnh “cuồng”) trong các bản tấu, biểu, thư, Hạnh Am ký cũng như trong thơ ca.
            Ở điều kiện 2 và 3 (bậc “minh chủ” tài, đức, đáng tin; xu thế lịch sử), ít ai bản lĩnh, dám bộc lộ chính kiến như La Sơn Phu Tử. Với chúa Trịnh Sâm (năm 1780, chúa Trịnh Sâm mời ông ra Thăng Long bàn việc chính sự, ông bất đồng, từ chối hợp tác vì hiểu mưu đồ muốn tiếm ngôi vua của nhà Trịnh(13). Với Nguyễn Huệ - Quang Trung, sau ba lần (cùng trong năm 1787), ông khéo léo từ chối lời mời, vì lý do cơ bản nhất là chưa chưa thấu hiểu và cần “dò xét” thêm bậc “minh chủ” vừa mới xuất hiện; phải đợi đến tháng 4.1788, khi đã đủ dữ liệu để hiểu Nguyễn Huệ - Quang Trung, ông mới nhận lời mời, xuống núi hội kiến; cho đến cuối 1788, ông sẵn sàng tham mưu cho Nguyễn Huệ về thời cơ và kế hoạch tiêu diệt quân Thanh xâm lược; từ đây, ông cộng tác đắc lực, hết mình với vua Quang Trung, trở thành vị quân sư và tri kỷ của Quang Trung. Sau khi Quang Trung mất (9.1792), với vua Cảnh Thịnh (1801), ông từ chối lời mời. Với triều Gia Long (1801), ông cũng từ chối lời mời.
Đáng chú ý là cộng tác hết mình với vua Quang Trung, nhưng La Sơn Phu Tử vẫn ở nơi ông ẩn cư. Và ông đã giúp vua Quang Trung làm được nhiều việc không dễ: làm Viện trưởng Viện Sùng chính; dịch từ chữ Hán sang chữ Nôm các sách Tiểu học, Tứ thư, các kinh Thi, Thư, Dịch; biên dịch, chú giải Kinh thi giải âm; soạn sách và dạy học, triển khai chấn hưng giáo dục… Chỉ tiếc là sau khi vua Quang Trung mất (tháng 9.1792), triều chính, lịch sử thay đổi, sự nghiệp của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đành dang dở.
4. Những thông điệp gửi hậu thế của La Sơn Phu Tử
Về gần cuối đời (1782), khi đã 60 tuổi, viết Hạnh Am ký, La Sơn Phu Tử bộc lộ những tâm sự, suy ngẫm mang tính đúc kết qua bao nhiêu nếm trải, quăng quật của mình: “Người ta ở đời, hoạ phúc như trở bàn tay. Người quân tử biết có mệnh mà không uỷ thác vào mệnh”, “Muôn sự tại mình”; “Riêng viết bài ký này chỉ mong cáo với đồng bào ta, những ai bị khốn đốn mà không hay tự chấn”; “Sinh sau các tiên sinh, chỉ lo đạo không hành được chứ không lo không hiểu rõ”(14) …
Những lời tâm sự ấy cùng toàn bộ trước thuật, sáng tác cũng như hành trình nhận thức và hoạt động ứng xử xoay quanh bài toán lớn “xuất”, “xử” của ông, có biết bao nhiêu thông điệp gửi hậu thế còn nóng hổi tính thời sự, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta phải đứng trước những thử thách khốc liệt về trọng dụng hiền tài; về đạo đức, nhân cách người cầm quyền; về niềm tin của người dân; về phương sách cải cách, chấn hưng giáo dục
Cuối năm Tân Hợi/ 1791, nhận lời mời của vua Quang Trung, vào Phú Xuân bàn Quốc sự, La Sơn Phu Tử đã dâng lên vua bản tấu bàn về ba vấn đề: “Quân đức”, “Dân tâm” và “Học pháp”(15). Ở đây, cần phải hiểu và biết cách khai thác biện chứng của giá trị từ tư tưởng cùng các diễn ngôn (trong đó có bản tấu trên) và hoạt động thực tiễn dạy học, giáo dục của La Sơn Phu Tử, ít nhất là ở những vấn đề đang rất nóng hiện nay.
Trước hết, với vấn đề trọng dụng hiền tài (kẻ sĩ/ trí thức). Điều này có liên quan tới việc “cầu hiền”, “chiêu hiền” của chủ thể “cầm quyền”, nhưng hạt nhân của vấn đề là phải có sự hiện hữu đích xác của bản thân đối tượng là hiền tài. Tự bản thân La Sơn Phu Tử đã là một tấm gương (mặc dầu, không bao giờ ông có ý nêu gương, trái lại, tự khiêm đến mức tối đa) về con đường học hành và quá trình thực thi ý tưởng; về ý thức trách nhiệm đối với vận nước, vận dân; về nỗ lực đóng góp hữu ích cho đời những gì mình có thể. La Sơn Phu Tử là người mạnh mẽ, quyết đoán trong từ chối mọi ân sủng danh, lợi; sẵn sàng bỏ ghế” chốn phồn hoa nhung lụa, chấp nhận đứng từ xa“hành đạo”; hoá giải hữu hiệu những xung đột giữa “xuất” và “xử”. Mọi việc, đúng như ông nói: “muôn sự tại mình”.
Con đường “hành đạo” của ông ở cả hai hướng “xuất” và “xử” phải nói là tỉnh táo, sáng suốt và độc đáo. Những đóng góp của ông cho đời về di sản tư tưởng, tri thức; về khả năng dự báo lịch sử và phương hướng xây dựng, chấn hưng giáo dục có ý nghĩa hết sức sâu sắc, bền vững. Người trí thức hiện đại có thể tìm và tiếp thu những bài học kinh nghiệm quý báu từ ông, từ việc tu dưỡng vốn sống tự lực, sáng tạo; việc lựa chọn và thực thi hướng ứng xử mà mình xác quyết (cái khó của các hướng lựa chọn là hướng nào cũng phải gắn với nghĩa lớn, nhất là sự hưng, vong của quốc gia, sự hạnh phúc và bất hạnh của người dân) đến việc hình thành nhân cách, bản lĩnh, chính kiến, danh dự và vị thế của người trí thức chân chính.
Thứ hai, vấn đề đạo đức, nhân cách của người lãnh đạo/ cầm quyền (biện chứng từ vấn đề “Quân đức” mà La Sơn Phu Tử đề xuất). Ông từng “cẩn tấu”/ yêu cầu: nhà vua phải “làm thế nào để có đức”, phải “dốc lòng tu đức”, “Vua dốc một lòng tu đức, ấy là gốc của vạn sự”. Ông khuyên vua cũng phải học và xác định: “Từ xưa thánh hiền chưa có ai không bởi sự học mà có đức”(16). Đây cũng chính là điều mà từ thế kỷ X, Thiền sư Đỗ Pháp Thuận (915 - 990) đã trả lời vua Lê Đại Hành một cách thâm viễn về sự tồn tại muốn lâu dài của vận nước đòi hỏi bậc quân vương phải biết “vô vi”, tức phải có đức - trí, biết tập hợp muôn dân, thông hiểu chân lý, quy luật của mọi sự vật, hiện tượng(17). Sức thuyết phục của việc “cầu hiền”, “chiêu hiền”, thu hút và sử dụng người tài cũng xuất phát từ đây. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ là một trường hợp như vậy. Giới chức cầm quyền/ lãnh đạo hiện đại có suy ngẫm gì từ thông điệp về sự khẩn thiết, thực tâm, chân thành, kiên nhẫn đến cùng trong “cầu hiền”, trọng dụng người tài như Quang Trung Nguyễn Huệ đối với La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp?
Thứ ba, vấn đề lòng dân, niềm tin của dân (“Dân tâm”) - thành tố gốc đảm bảo sự bền vững của mọi chế độ, mọi quốc gia, bởi “Dân là gốc nước, gốc vững nước mới yên” (lời La Sơn Phu Tử). Tấu lên nhà vua, một mặt, ông trình bày rõ thực trạng cuộc sống dân tình lúc bấy giờ: “Dân mất mùa”, “kẻ cùng quẫn không thể kêu”, “Nhà nước thì võ uy có thừa mà ân trạch chưa ban ra khắp; tiếng sầu oán dậy đường sá”... Mặt khác, ông khẩn thiết mong nhà vua phải thực sự thương dân; phải sâu sát, thấu hiểu số phận, hoàn cảnh và mức sống cơ cực, nghèo đói của dân; nắm chắc đặc điểm các thành phần cư dân cũng như đặc điểm từng vùng đất, ruộng vườn của dân, từ đó có những đường hướng, phương sách phù hợp về thuế má, về hỗ trợ, cứu giúp dân,.. Có như thế mới quy thuận được lòng dân(18). Làm thế nào để dân tin, để dân quy thuận? Câu hỏi cháy bỏng mà La Sơn Phu Tử tấu lên/ đặt ra cho Quang Trung Nguyễn Huệ cùng những đường hướng và giải pháp mà ông đưa ra, thực chất cũng là những yêu cầu cần thực thi đang nóng lên từng ngày hiện nay.

Thứ tư, vấn đề xây dựng và chấn hưng giáo dục, dạy - học (biện chứng từ quan điểm và thực luận về “Học pháp” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp)

Khái niệm “Học pháp” mà La Sơn Phu Tử dùng, nghĩa đen, nghĩa hẹp là phép học - cách học - phương pháp học, nói rộng ra là phương pháp dạy - học, giáo dục. Vấn đề này, ông không chỉ có trình bày riêng trong bản tấu dâng lên vua Quang Trung. Ở các loại diễn ngôn khác (trước thuật, ký, thơ) cũng như qua hoạt động thực tiễn (dạy học, biên soạn sách, quản lý Viện Sùng chính), La Sơn Phu Tử đều đề cập đến “Học pháp”, rộng hơn nữa là vấn đề xây dựng và chấn hưng giáo dục, dạy - học.

Luận về “học pháp”, La Sơn Phu Tử tập trung xoáy sâu vào năm nội dung cơ bản: 1, Vai trò quan trọng hàng đầu của Học pháp” trong hướng đạo và hình thành nhân cách con người (“Ngọc không chuốt không thành đồ, người không học, không biết đạo. Đạo là những lẽ thường để làm người”). 2, Phê phán lối học cầu công lợi”, phi Chính học”, dẫn đến hậu quả khôn lường (“Người ta chỉ tranh đua nhau tập việc học từ chương, cầu công lợi”; “Chúa tầm thường, tôi nịnh hót, quốc phá, gia vong, những tệ kia đều ở đó mà ra”). 3, Đối tượng học và nơi học cần được linh động xem xét (“Cúi xin từ rày, ban hạ chiếu thư cho trường phủ, huyện, khiến thầy trò các trường tư, con cháu các nhà văn, võ, thuộc lại ở các trấn cựu triều, đều tuỳ đâu tiện thì học”). 4, Nội dung và trình tự dạy - học (“Phép dạy, nhất định theo Chu Tử. Trước học Tiểu học để bồi lấy gốc. Tuần tự tiến lên, rồi đến Tứ thư, Ngũ kinh, chư sử”). 5, Phương pháp học (“Học cho rộng rồi ước lược cho gọn, theo điều học biết mà làm”).
Trong thơ, La Sơn Phu Tử cũng từng nhấn mạnh việc học phải theo hướng “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa” (quý cái tinh chứ không phải quý cái nhiều), học phải biết “động não” suy luận,:
Học phi dục tạp tu tri bác
Thư đồ bất đa duy quý tinh
(Học đừng vụn vặt, cần biết suy cho rộng
Sách chẳng cần nhiều mà cốt tinh
(Sơn cư tác/ Viết khi ở núi)(20)

Trong 5 luận điểm về “Học pháp” của La Sơn Phu Tử, trừ luận điểm thứ tư (Nội dung và trình tự dạy - học) không còn phù hợp với thời đại ngày nay, bốn luận điểm còn lại, đặc biệt các luận điểm 1, 2, 5 hãy còn có sức sống mãnh liệt, hoàn toàn có thể tham khảo, vận dụng vào việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa và hoạt động dạy - học trong bối cảnh (những năm hai mươi của thế kỷ XXI) chúng ta đang đứng trước nhiều thử thách phức tạp khi thực hiện mục tiêu “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo”…

Trong thời gian làm Viện trưởng Viện Sùng chính, từ công việc trước tác, biên soạn sách đến hoạt động dạy học, La Sơn Phu Tử đã hiện thực hoá được phần lớn tư tưởng “Học pháp” nói riêng cũng như khát vọng chấn hưng giáo dục, dạy - học nói chung. Ông đã dịch hàng loạt công trình, tác phẩm từ chữ Hán sang chữ Nôm(21) (tiếng Việt), thực hiện chủ trương của vua Quang Trung: đề cao chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức, chuẩn bị những điều kiện thiết yếu cho chế độ giáo dục, khoa cử theo hướng chấn hưng, đổi mới... Thật tiếc, sau khi Quang Trung đột ngột mất (tháng 9.1792), sự nghiệp của La Sơn Phu Tử phải dừng lại. Đấy là nỗi đau, là bi kịch của dân tộc và thời đại…

Chú thích
(1). Lao Tử, Thịnh Lê chủ biên, Từ điển Nho, Phật, Đạo (nhiều người dịch), Nxb Văn học, TP. HCM, 2001, tr.1063-1064.
(2). Từ năm 136 Tr.CN, vua Hán Vũ Đế đặt chức Ngũ kinh bác sĩ, từ đó có Ngũ kinh: Dịch, Thi, Thư Lễ, Xuân Thu. Lại có thuyết cho rằng Ngũ kinh chỉ Thi, Thư, Lễ, Xuân Thu…
(3). Kinh dịch (Hệ từ thượng/ 繫辭上): “Quân tử chi đạo, hoặc xuất hoặc xử”/ 君子之道, 或出或處.
(4). Tử vị Nhan Uyên viết: “Dụng chi tắc hành, xá chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ hữu thị phu!” (Nguyên văn: 谓颜渊曰:“用之则行,舍之则藏,惟我与尔有是夫”. Nguyễn Hiến Lê dịch: Khổng tử bảo Nhan Uyên: “Có ai dùng thì ta đem đạo ra thi hành, không dùng thì thu tàng (giữ) đạo lí, chỉ thầy và anh được như vậy thôi!”, Luận ngữ (Khổng Tử), theo bản Nguyễn Hiến Lê, Luận ngữ & Khổng Tử, Thiên Thuật nhi (VII.10), https://thuviensach.vn.
(5). Xin xem: Biện Minh Điền, “Vấn đề tác giả và loại hình tác giả văn học trung đại Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, Số 4 (398), Tháng 4 - 2005, tr.81- 90.
(6). Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập, trong Nguyễn Trãi toàn tập (UBKHXHVN - Viện Sử học tổ chức biên soạn), Nxb Khoa học xã hội, TP. Hồ Chí Minh, 1976, bài109, tr.432.
(7). Nguyễn Trãi, Ức Trai thi tập, trong Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd, bài Quan hải, tr.280.
(8). Ngô Thì Nhậm tác phẩm (Mai Quốc Liên chủ biên) tập II (Bài phú lòng thanh thản Thiên quan thái nhiên phú), Nxb Văn học & Trung tâm nghiên cứu Quốc học, TP. HCM, 2001, tr.17 - 25.
(9). Xin xem: Biện Minh Điền, “Sự thống nhất những đối cực trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Công Trứ”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 3 - 2009, tr.28 - 41.
(10). Xin xem: Biện Minh Điền, Phong cách nghệ thuật Nguyễn Khuyến, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2008.
(11). “Bành Trạch hội quy điền” - Đắc giải nhiệm (Bành Trạch nay được về với ruộng vườn - Được nghỉ việc), Thơ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (Nguyễn Sĩ Cẩn biên soạn), Nxb Nghệ An, 1998, tr. 141.
(12). Theo Thơ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (Nguyễn Sĩ Cẩn biên soạn), Sđd ở trên, tr.202.
(13). Hoàng Xuân Hãn, La - Sơn - Phu - Tử, Nxb Minh Tân, Paris VI, 1952, tr.212.
(14). Xin xem Hoàng Xuân Hãn, La - Sơn - Phu - Tử, Nxb Minh Tân, Paris VI, 1952, tr.91.
(15). La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Hạnh Am ký (nguyên văn bằng chữ Hán), theo bản của Nguyễn Sĩ Cẩn, Sđd, tr.199 - 204.
(16). La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Tấu bàn về ba việc với Quang Trung, xem Hoàng Xuân Hãn, La - Sơn - Phu - Tử, Nxb Minh Tân, Paris VI, 1952, tr.144-147.
(17). La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Tấu bàn về ba việc với Quang Trung, Sđd, tr.144.
(18). Đỗ Pháp Thuận, Quốc tộ (Vận nước), Tổng tập văn học Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr.219.
(19). La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Tấu bàn về ba việc với Quang Trung, Sđd, tr.145.
(20). Thơ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (Nguyễn Sĩ Cẩn biên soạn), Sđd, tr.185.
(21). Vua Quang Trung đã có chiếu khen La Sơn Phu Tử dịch Tiểu học, Tứ thư và giục dịch các kinh Thi, Thư, Dịch,… Xem Hoàng Xuân Hãn, La - Sơn - Phu - Tử, Nxb Minh Tân, Paris VI, 1952, tr.151.
 

Biện Minh Điền

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây