Niềm tin, ân tình cụ Phan Bội Châu trao gửi thế hệ trẻ nước nhà

Thứ hai - 05/08/2024 05:18 0
  Tóm tắt: Trong cuộc đời hoạt động cách mạng yêu nước, chống Pháp nhiệt thành, Phan Bội Châu luôn chú trọng đến thanh niên, coi thanh niên là một lực lượng cách mạng đặc biệt quan trọng. Ngược lại thanh niên Việt Nam thời đó cũng dành những tình cảm đặc biệt đối với cụ Phan.

Nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An                      Ảnh: Tư liệu

Phan Bội Châu là một nhà cách mạng yêu nước lớn của Việt Nam. Ông sinh ngày 26/12/1867, tại làng Đan Nhiệm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Sinh thời, Ông được thừa hưởng tinh hoa kiến thức Nho học uyên bác từ thân phụ - một thầy đồ danh tiếng xứ Nghệ. Phan Bội Châu vốn tên là Phan Văn San, nhưng chữ “San” trùng với tên húy vua Duy Tân (Vĩnh San) nên phải đổi thành Phan Bội Châu.
1. Phan Bội Châu kỳ vọng vào tuổi trẻ nước nhà.
Thời niên thiếu, Phan Bội Châu đã giàu lòng yêu nước. Năm 17 tuổi, Ông viết hịch “Bình Tây thu bắc rồi dán ở cây đa đầu làng để hưởng ứng người miền Bắc khởi nghĩa chống Pháp. Năm 19 tuổi, Ông cùng bạn là Trần Văn Lương lập hội “Sỹ tử Cần Vương” chống Pháp, nhưng bị địch khủng bố nên phải giải tán.
Năm 1906, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh tương ngộ tại Nhật Bản. Sự phát triển của nước Nhật trên con đường Âu hóa đã giúp hai nhà yêu nước Việt Nam mở rộng tầm mắt, tư duy.
Tuy nhiên, hai người đi theo hai khuynh hướng khác nhau: Phan Châu Trinh cho rằng Việt Nam chưa đủ thực lực chống Pháp bằng con đường bạo lực, nên cần tiến hành các hoạt động khai dân trí, chấn dân khí, duy tân để làm cho dân cường, nước thịnh trước; Trong khi đó, Phan Bội Châu quyết tâm đi theo con đường bạo lực cách mạng, chủ trương đánh Pháp, giải phóng dân tộc.
Mặc dù con đường của hai chí sỹ yêu nước họ Phan có khác nhau, nhưng họ không bài xích nhau, mà tương trợ cho nhau. Cả hai con đường duy tâncải cách đều có một điểm chung: đó là lôi cuốn được sự tham gia đông đảo thế hệ trẻ Việt Nam.
Năm 1907, Phan Bội Châu thành lập Việt Nam Cống Hiến Hội, một phong trào với sự tham gia của hơn 100 học sinh du học ở Nhật. Việc làm này có ý nghĩa quan trọng giúp cố kết du học sinh, tạo cơ hội để họ cộng tác với tư cách là những người Việt (không phải người Bắc Kỳ, Nam Kỳ hay Trung Kỳ như người Pháp cố tình gây chia rẽ).
2. Thế hệ trẻ Việt Nam đáp lời cụ Phan Bội Châu
Đông đảo thanh niên tích cực ủng hộ, hưởng ứng và tham gia những hoạt động yêu nước, chống Pháp do cụ Phan khởi xướng. Họ hết lòng tin theo Phan Bội Châu, tham gia phong trào Đông Du, tích cực hoạt động trong tổ chức Việt Nam Quang phục Hội.
Cụ Phan viết nhiều tác phẩm tác động lớn đến sĩ phu Việt Nam như Việt Nam vong quốc sử, Đề tỉnh quốc dân hồn, Hải ngoại huyết thư…. Các tác phẩm của ông tạo nên làn sóng mới thúc đẩy nhiều thanh niên yêu nước tham gia phong trào Đông Du, nô nức ra đi “tìm đường cứu nước” và chính họ sau này trở thành lực lượng nòng cốt của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội.
Năm 1908, Phong trào Đông Du đang diễn tiến tố thì Pháp và Nhật Bản bắt tay nhau trục xuất các du học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, khá đông thanh niên Việt Nam đã không chịu về nước. Họ tìm mọi cách ở lại Nhật, chấp nhận ăn đói, mặc rét, trốn tránh sự truy lùng của cảnh sát Nhật Bản, khổ công học tập, kiên trì sát cánh cùng Phan Bội Châu.
Năm 1912, Phan Bội Châu cùng các đồng chí thành lập tổ chức yêu nước mới là Việt Nam Quang phục Hội. Được tin này, nhiều thanh niên yêu nước rời Việt Nam sang Trung Quốc để gia nhập tổ chức. Cụ Phan rất trọng dụng những thanh niên từng tham gia phong trào Đông Du, cử họ nắm giữ những chức vụ quan trọng của Việt Nam Quang phục Hội.
Năm 1913, thực dân Pháp cử người đến Quảng Đông yêu cầu Tổng đốc Long Tế Quang bắt giữ Phan Bội Châu và các yếu nhân của hội. Nhưng nhờ Nguyễn Thượng Hiền lúc bấy giờ đang ở Bắc Kinh vận động, nên Long Tế Quang không thể giao nộp ông cho Pháp, mà chỉ đưa giam vào nhà tù Quảng Đông. Mặc dù bị giam giữ, nhưng sức hút của Phan Bội Châu với thanh niên còn rất lớn.
Ngày 30 tháng 6 năm 1925, Ông bị Thực dân Pháp bắt giữ tại Thượng Hải rồi bí mật đưa về nước để thủ tiêu.
Sự kiện này đã gây lên một làn sóng công phẫn trong cả nước, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên, bởi Phan Bội Châu là một biểu tượng yêu nước thời bấy giờ. Nhiều học sinh, sinh viên phản kháng lại bản án bằng cách bãi khóa. Họ vận động các tầng lớp nhân dân cùng xuống đường đấu tranh. Có thể nói ở đâu có trường học ở đó có phong trào đấu tranh đòi chính quyền ân xá Phan Bội Châu.
Trước phong trào đấu tranh của nhân dân đòi thả cụ Phan, Thực dân Pháp buộc phải xét xử lại vụ án Phan Bội Châu nhằm xoa dịu tinh thần phản kháng của dân chúng.
Nhân cơ hội này, tầng lớp học sinh, sinh viên, thanh niên cả nước tích cực vận động nhân dân đấu tranh để gây áp lực với chính quyền. Hàng nghìn người dân với đông đảo nhất là học sinh, sinh viên tới dự phiên tòa. Trước sự phản đối của quần chúng, Thực dân Pháp phải giảm từ án tử hình xuống chung thân khổ sai đối với cụ Phan.
Như vậy, Phan Bội Châu đã thoát khỏi án tử nhờ có sự đấu tranh của nhân dân, mà công đầu thuộc về thế hệ trẻ Việt Nam lúc đó. Để xoa dịu dư luận, Chính quyền thực dân đã đưa Phan Bội Châu về an trí tại Huế.
Trong thời gian cuối đời ở Huế, nhiều thanh niên đã tìm đến thăm, tiếp tục học tập, xin sự giáo huấn từ cụ Phan. Ông lại tiếp tục truyền cảm hứng yêu nước, quyết tâm làm cách mạng cứu dân, cứu nước cho thế hệ trẻ nước nhà. Năm 1926, khi nhà cách mạng Nguyễn Sỹ Sách vào Huế tìm gặp cụ Phan, được cụ khuyên răn trên bước đường làm cách mạng rằng: Đối với giặc nước, đấu tranh phải hết sức khôn khéo. Chớ có bực tức mà phản ứng đơn độc, lẻ loi.
Đầu năm 1927, học sinh trường Quốc học và trường Nhà dòng Huế đến mừng thọ 60 tuổi của cụ Phan. Ông đã viết “Bài ca chúc Tết thanh niên” để trao gửi thế hệ trẻ Việt Nam. Báo “Tân thế kỉ” số ra ngày 3/2/1927 đã giới thiệu toàn văn bài thơ, giọng thơ vừa bồi hồi tha thiết, vừa mạnh mẽ hùng hồn đã động viên khích lệ thanh niên lên đường cứu nước. “Bài ca chúc Tết thanh niên” là những lời tâm huyết của Phan Bội Châu gửi gắm đến thế hệ thanh niên cần phải “xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”.


Phan Bội Châu trao gửi niềm tin ở thế hệ trẻ bằng Bài ca chúc tế Thanh niên           Ảnh: Tư liệu

3. Mối quan hệ ân tình giữa cụ Phan Bội châu với thanh niên Việt Nam.
Trong cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Phan Bội Châu luôn biết phát huy sức mạnh của thanh niên vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông tận tình, khéo léo dưỡng dục thanh niên, bồi đắp lòng yêu nước, khơi dậy chí căm thù ngoại xâm và quyết tâm đấu tranh xóa bỏ ách nô lệ cho dân tộc.
Cụ Phan còn là người có công thức tỉnh nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam yêu nước, góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực quan trọng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam thế kỷ XX.
Ngược lại, thế hệ trẻ Việt Nam lúc đó cũng như ngày nay luôn mến mộ, khâm phụ tài năng, nhiệt huyết, những hy sinh lớn lao của Cụ. Họ hăng hái tiếp bước theo ngọn cờ yêu nước của Ông mà đứng lên làm cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc. Thanh niên Việt Nam tiếp tục thắp lên ngọn lửa yêu nước mà ông đã trao truyền cho họ. 


 Thế hệ trẻ viết dòng lưu bút lưu niệm tưởng nhớ về cụ Phan Bội Châu             Ảnh: Tư liệu

4. Thế hệ trẻ xứ Nghệ tiếp bước dấu chân cụ Phan Bội Châu.
Tiếp bước tinh thần yêu nước và niềm tin cụ Phan trao gửi thế hệ trẻ về sau, Nghệ An vinh dự có trường Chuyên Trung học phổ thông mang tên Phan Bội Châu đóng tại Thành phố Vinh.
Hơn nửa thế kỷ hoạt động, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu đã lôi cuốn hàng chục ngàn học sinh từ khắp các vùng miền Nghệ An và ngoài tỉnh tìm về theo học. Nhiều học sinh nhà trường đã mang về cho Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng hàng hục huy chương vàng, bạc trong các cuộc thi Olympic Quốc tế. Riêng môn Vật Lý, tính riêng từ năm 2007 tới nay, Đội tuyển trường đã mang về 5 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc tại các kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế; 3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng, 4 bằng khen tại các kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á - Thái Bình Dương; 1 Huy chương Đồng tại các kỳ thi Olympic Vật lý Châu Âu.
Được giáo dục, trưởng thành từ ngôi trường mang tên cụ, hàng nghìn học sinh sau khi tốt nghiệp trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay. Họ có nhiều đống góp, cống hiến cho quê hương, đất nước, nắm giữ nhiều chức vụi, vị trí quan trọng của quốc gia.
Cùng với học trò ngôi trường mang tên cụ Phan, lớp lớp thế hệ học sinh, sinh viên, thanh niên quê hương Nghệ An ngày càng trưởng thành, viết tiếp những trang sử yêu nước, cách mạng, vẻ vang mà cụ thực hiện cả cuộc đời còn dang dở.
Thế hệ trẻ Nghệ An nói riêng, Việt Nam nói chung đang phấn đấu học tập, làm theo tấm gương đạo đức, cách mạng của cụ Phan Bội Châu cũng như nhiều nhà cách mạng đương thời quê hương Nghệ An như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Sỹ Sách, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Phạm Hồng Thái…


Một góc trường THPT Chuyên Phan Bội Châu với tượng cụ Phan             Ảnh: Văn Tài


 

Nguyễn Văn Bích, Nguyễn Văn Tài

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây