Đền Cờn trong câu đối và thơ cổ

Thứ tư - 14/08/2024 22:59 0
       Đền Cờn ở xã Hương Cần, huyện Quỳnh Lưu (nay thuộc phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai) là ngôi đền đứng đầu trong bốn đền linh thiêng nhất xứ Nghệ, đồng thời cũng là trung tâm thờ Tứ vị Thánh nương 四位聖 trên cả nước (1). Đền nằm cách Thủ đô Hà Nội 220 km về phía Nam, cách thành phố Vinh 75 km về phía Bắc theo QL1A. Ngày 29/1/1993, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có quyết định số 68/QĐ - BVHTT công nhận đền là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.
 

                                              Đền Cờn - ngôi đền linh thiêng xứ Nghệ. Ảnh: tư liệu do tác giả cung cấp

       Đền Cờn là ngôi đền cổ được nhắc đến trong nhiều tài liệu chính sử, dã sử, địa chí, truyền thuyết, thần tích, các tập tạp ký… Nhiều tác giả các bài báo, luận văn, tập sách đã tập trung khai thác triệt để những nguồn tài liệu giá trị này khi tìm hiểu lịch sử, văn hóa đền. Tuy vậy, phần thơ và nhất là câu đối chữ Hán hầu như chưa được chú ý mấy. Bài viết này bước đầu cung cấp một số tư liệu.
       1. Để hiểu câu đối và thơ cổ viết về đền, trước hết phải nắm được lịch sử ngôi đền. Các sách ghi chép tuy xuất nhập khác nhau, nhưng nội dung cơ bản giống như ghi chép ngắn gọn của Quốc sử quán triều Nguyễn trong bộ Đại Nam nhất thống chí: Năm Tường Hưng đời Tống, quân Tống tan vỡ ở Nhai Sơn, bà Dương Thái hậu cùng ba công chúa đều nhảy xuống bể. Trời chợt nổi gió bão, xác trôi dạt vào Cửa Cờn, nhan sắc vẫn như lúc còn sống. Người ở đấy liền lập đền thờ. Sử chép: Năm Hưng Long thứ 20 (1312), vua Trần Anh Tông thân chinh Chiêm Thành. Khi thuyền đến Cửa Cờn, đêm ấy Thần báo mộng rằng: “Thiếp là phi tử nhà Triệu Tống, bị giặc đuổi gấp, phải khốn đốn, vì sóng gió, trôi dạt tới đây, được Thượng đế sắc phong làm Thần ở cửa bể này đã lâu. Nay xin giúp vua để diệt giặc”. Sau khi tỉnh dậy, vua sai sửa lễ kính tế. Khi cất quân ra đi, sóng gió yên lặng, quân vào thẳng thành Đồ Bàn, thắng lớn. Đến khi khải hoàn, vua gia phong Thần là Quốc gia Nam Hải Đại Cờn Thánh nương, mở rộng đền miếu. Năm Hồng Đức thứ nhất đời Lê (1470), vua Thánh Tông thân chinh Chiêm Thành. Khi thuyền qua cửa Cờn, có đến đền mật đảo thì sóng êm gió lặng. Quân ta tiến thẳng vào đất Chiêm, thắng được quân Chiêm. Khi kéo quân về, thuyền vua đã qua cửa Biện, tự nhiên gió dông nổi lên, quay buồm cho thuyền trở lại dưới đền. Vua bèn gia phong, cho dựng thêm đền miếu và đặt tên chỗ quay thuyền là thôn Đông Hồi. Về sau đền này vẫn luôn linh ứng, hàng năm cứ đến tháng Chạp có hội đua thuyền, thiên hạ đến xem rất đông. Triều ta (tức triều Nguyễn) đã gia phong. Nay khắp trong nước nhiều nơi có đền thờ”(2)
      2. Các câu đối đề ở đền Cờn tuy chưa thật phong phú như ở đền Cuông và có nhiều câu khuyết danh, nhưng cung cấp những thông tin đáng quý. Có lẽ đôi câu đối của Hải Thượng Lãn Ông là đáng chú ý hơn cả. Hơn nữa, ta còn biết rõ hoàn cảnh ra đời của nó nhờ cuốn Thượng kinh ký sự上京記事 (Kể chuyện lên Kinh) của ông biên soạn xong năm Cảnh Hưng 44 (1783). Sách này cho biết: Trên đường ra Thăng Long, Lê Hữu Trác 黎有晫 (1724 - 1791) có ghé qua Đền Cờn. Ông viết: “Ngày hai mươi ba, đi từ sáng sớm tới cầu Kim Lan. Mọi người xuống ngôi đền ven biển, rồi từ ngoài lễ vọng vào. Quan Văn thư hỏi: Nghe nói đền này thờ một vị thần thiêng nhất ở trấn Nghệ An. Tôi vì ở xa tới nên chưa rõ sự tích cho lắm”. (Lê Hữu Trác đáp) “Năm xưa tôi từng đi qua nơi đây, có hỏi chuyện các cụ già. Các cụ có kể lại cho biết, dẫu câu chuyện truyền miệng có sai lạc đi, nhưng so với sử sách vẫn đúng. Sử Tống có chép rằng sau khi đánh nhau với quân Kim bị thua, Trương Thế Kiệt cõng vua Đế Bính chạy trốn ra biển, rồi bị sóng to gió lớn thuyền đắm nên chết đuối cả. Hoàng hậu và hai cô Công chúa bám lấy ván thuyền và trôi dạt vào bờ. Có người trong làng trông thấy bèn liều mình cứu được. Sau người cứu vớt này sinh lòng mờ ám, Hoàng hậu nghiêm sắc mặt cự tuyệt. Người kia xấu hổ quá nhảy xuống biển chết, Hoàng hậu than rằng: “Ta nhờ người ấy mà được sống, bây giờ người ấy lại vì ta mà chết. Vậy có lẽ nào ta sống một mình ư?”. Bèn cũng nhảy xuống biển mà chết. Hai cô gái thương khóc thảm thiết, rồi cũng nhảy theo cả xuống biển. Về sau rất hiển linh. Người dân ở ven biển dựng đền thờ làm thần, đến nay hương khói không dứt. Quan văn thư nghe chuyện than thở mãi không thôi. Tôi bèn đọc một đôi câu đối: Đại Tống cơ đồ thiên cổ hận / Nam Thiên vũ trụ tứ thời xuân大宋基圖千古恨 / 南天宇宙四時春 (Cơ đồ Đại Tống hờn nghìn thuở / Vũ trụ trời Nam xuân bốn mùa) (3). Đôi câu đối này thể hiện tinh thần tự hào về non sông đất nước thật sâu sắc khi đối sánh Việt – Tống, Nam – Bắc!
       Gần gũi với tinh thần tự hào đó, còn có một đôi khuyết danh khác đã được đưa vào sách Câu đối xứ Nghệ (Tập 2, tr.32): Nhai sơn nhất nhật thiên vô Tống/ Hàng hải ức niên Việt hữu thần  山一日天無宋航海 và được dịch là: Góc núi một ngày không còn nhà Tống; bốn biển muôn thuở nước Việt hiện thần.
       Nhưng ở đây Nhai Sơn là danh từ riêng, chỉ trận Nhai Sơn mà ở trên Đại Nam nhất thống chí đã nhắc đến. Nhai Sơn hải chiến崖山海战, hay còn gọi là trận Nhai Môn, là một trận hải chiến giữa quân Nguyên  quân Tống diễn ra vào ngày 19 tháng 3 năm 1279 trên vùng biển ngoài khơi Nhai Môn, Quảng Đông. Dù chỉ có lực lượng bằng 1/10 đối phương, quân Nguyên dưới sự chỉ huy của Trương Hoằng Phạm đã đánh bại hoàn toàn quân Tống của Trương Thế Kiệt. Trận chiến khiến cho hơn 100.000 binh lính, quan lại và người hầu của nhà Tống thiệt mạng, trong đó có Tống Đế Bính, ông vua cuối cùng của nhà Tống, do phụ chính đại thần Lục Tú Phu ôm theo để nhảy xuống biển tự tử. Trận Nhai Sơn đã đánh dấu sự diệt vong của nhà Tống và hoàn thành quá trình chinh phục Trung Quốc của nhà Nguyên. Vì vậy, xin dịch lại câu này: Nhai Sơn một ngày, trời đâu còn Tống / Hàng hải muôn thuở, đất Việt hiện thần. (hàng hải nghĩa là đi biển, vượt biển nhưng xin để nguyên từ Hán hàng hải cho cân xứng với Nhai Sơn). Biết đến trận chiến này càng khiến chúng ta thêm tự hào 3 lần chiến thắng quân Nguyên hết sức vẻ vang của quân dân Đại Việt!
       Tiếp theo là các câu đối khác ca ngợi Tứ vị Thánh nương được thờ ở đền. Tiến sĩ Phan Huy Ôn (1754 - 1786) người làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) có đôi câu đối ghi nhớ công đức nữ thần: Hương hỏa thiên thu âm tục Tống/ Phong ba nhất mộng mặc phù Trần 香火/  風波一夢默扶 (Có đền thờ hương khói nghìn thu là ngầm giúp cho dòng dõi vua Tống được dài lâu/ Hiện vào giấc mộng ngầm giúp cho vua nhà Trần đi biển được yên sóng gió).(4)   
       Học sĩ Nguyễn Viên (? – 1804) người làng Bột Thượng, nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cháu nội Hương cống Nguyễn Quỳnh (1677 - 1748) - ngưyên mẫu của Trạng Quỳnh dân gian, đỗ Hương cống năm 1779, sau làm quan dưới triều nhà Nguyễn Gia Long tới chức Cần chánh điện Học sĩ kiêm Thái thường Tự khanh. Ông có lưu lại đền Cờn đôi câu đối ca ngợi khi tiết các nữ thần: Xã tắc phát phu, bất ư Mông Cổ đồng thiên địa/ Cương thường nhật nguyệt, trườngđốilythiênchiếucổkim.社稷 蒙古同天地/綱常古今 (Dịch nghĩa: Da tóc của non sông, không đội trời chung với Mông Cổ/ Cương thường như nhật nguyệt, soi cùng kim cổ mãi trời Nam)(5)
        Vừa thán phục phẩm hạnh cao cả vừa ca ngợi dung nhan tuyệt đẹp của các nữ thần là đôi câu đối khuyết danh sau: Thiết thạch vị tâm, triển hỉ nữ trung hào kiệt/ Kim ngọc kỳ tướng, uyển nhiên thiên hạ thần tiên 鐵石心展女中豪傑/ 宛然天下神仙 (Sắt đá lòng này, hoan hỉ nữ trung hào kiệt/ Ngọc vàng tướng ấy, phảng phất thiên hạ thần tiên)
         Sách Câu đối xứ Nghệ còn chép ba đôi câu đối khuyết danh khác ca ngợi phẩm tiết nữ thần được người đời khắp nơi mãi mãi hướng về ngưỡng mộ(Lời dịch chúng tôi có sửa đổi khi xét thấy cần thiết): Trinh tiết thủ thân, kim cổ giai ngôn từ mẫu đức/ Quốc gia cơ thất, vãn hồi nan mịch cứu tinh nhân. 貞節守身, 今古皆慈母/
國家, 挽囘 救星人 . (Trinh tiết giữ mình, kim cổ đều khen đức từ mẫu/ Quốc gia lỡ vận, vãn hồi khó gặp vị cứu tinh)
       Vũ trụ trường xuân, trí thủy nhân sơn quy củng bả/ Trang đài nhật lịch, tả long hữu hổ phục lai triều. 宇宙長春,拱把/   粧臺日曆,左 (Vũ trụ mãi xuân, nước trí non nhân đều hướng đến/ Trang đài ngày trải, trái rồng phải hổ thảy chầu về)(6)
      Mục mục thần cư, hưởng úc lan hương thường kính hiến/ Nguy nguy thánh đức, huyhoàngtựđiểnvĩnhtrườngxuân神居享/巍巍聖德輝煌典永長春 (Thần chốn thâm sâu hưởng hương thơm kính hiến/ Thánh đức lồng lộng chiếu ánh sáng trường xuân)
     3. Năm 1470, vua Lê Thánh Tông trên đường thân chinh Chiêm Thành vào nghỉ ở cảng Xước (cảng do Uy Minh Vương Lý Nhật Quang李日光 (? 1057) cho mở ra khi ông làm Tri châu Nghệ An – HH chú), ngẫm chuyện tứ vị Thánh nương phù trợ cho vua Trần Anh Tông được tôn thờ ở đền Cờn, đã ngẫu hứng sáng tác bài thơ Dạ nhập Xước cảng thi 夜入綽港 (Bài thơ đêm tiến vào cảng Xước): Xước cảng đồng long báo nhị canh/ Lệnh truyền lục tốt phát trùng doanh/ Đồi Ôi sơn thượng tình lam át/ Thánh nữ từ tiền tịch thủy sinh/ Giáp sĩ minh đăng lâm lộc khứ/ Lâu thuyền quá cổ dạ trung hành/ Quân vương giá ngự tư quần sách/ Tế tế tài năngdĩvựngchinh(綽港銅龍報二更.令傳六卒發重營/令傳六卒發重營/頹渨山上晴嵐遏/聖女祠前汐水生/甲士明燈林麓去/樓船撾皷夜中行/君王駕馭資群策/ 濟濟才能以彙征) (Đến cảng Xước lúc đồng hồ vừa báo canh hai. Lệnh truyền sáu quân nhổ trại lên đường. Trên núi Đồi Ôi khí núi che phủ. Trước đền Thánh Nữ nước triều đang dâng. Quân sĩ đốt đuốc tiến tới ven rừng. Nhà vua thân đi đánh dẹp, có biết bao người giúp đỡ kế sách. Nhân tài nườm nượp xúm xít giúp cho việc quân) (7). Thắng trận trở về, ghé đền Cờn, ông lại viết bài: Càn Hải môn lữ thứ (Nghỉ lại ở cửa biển Càn - thời Trần kiêng huý đổi là cửa biển Cần (Cần hải), ta quen đọc là Cờn - HH chú). Bài thơ nhắc chuyện mọi người kính thờ đền Thánh Nữ, nhân đó nhà vua tự ca ngợi chiến công của mình và triều đại thái bình do mình trị vì!
     Triều đầu phiếm phiếm thải chu di, Cần Hải xuyên đầu tưởng đáo thì. Nhất thuỷ bạch toàn thiên tạm hiểm,Quần sơn thúy tụ thạch bình nguy.Phong đào cửu tỉnh Anh Tông mộng,Hương hoả do khâm Thánh Nữ tì (từ).Tại tại cù đồng ca đế đức,Hà hoang vô xứ bất ung hy.
()
 (Chiếc thuyền hoa lênh đênh lướt trên đầu ngọn thuỷ triều/ Nghĩ tới cảnh tượng đầu sông Cần Hải/ Dòng nước dồn về trắng xoá, tựa hào trời thật hiểm yếu/ Dãy núi tụ màu xanh biếc, như bình phong đá rêu ngất cao/ Sóng gió làm ta bừng tỉnh giấc mộng về vua Anh Tông/ Khói hương chứng tỏ mọi người còn kính thờ ngôi đền Thánh Nữ/ Đó đây vẫn vẳng tiếng trẻ hát ca ngợi công đức nhà vua/ Nơi xa xôi hoang vu chỗ nào cũng thái bình yên ổn)(8)
      Trong Thanh Hiên thi tập清軒詩集, đại thi hào Nguyễn Du 阮攸 (1765 - 1820) có bài Dao vọng Càn Hải từ  (Xa trông đền Cờn). Theo Nguyễn Thạch Giang, Trương Chính thì: “Không phải tự dưng Nguyễn Du làm bài thơ vịnh đền Cờn này... Lúc làm bài thơ này, nhà thơ chưa biết số phận mẹ con Lê Chiêu Thống như thế nào, nhưng đoán cũng chẳng khác gì tình cảnh mẹ con Dương Thái Hậu, nên trông thấy đền Cờn mà cảm khái mấy vần”(9)
Mang mang hải thuỷ tiếp thiên xu,
Ẩn ước cô từ xuất tiểu chu (châu).
Cổ mộc hàn liên phù chử mộ,
Tình yên thanh dẫn hải môn thu.
Hào thiên tướng tướng đan tâm tận,
Phủ địa Quỳnh Nhai khối nhục vô.
Tiếu nhĩ Minh Phi trường xuất tái,
Tỳ bà bồi tửu khuyến Thiền Vu.

(Nước biển mênh mông tận chân trời, Giữa bãi cát nhỏ thấp thoáng ngôi đền lẻ loi.
Buổi chiều hôm, chòm cổ thụ lạnh lẽo tiếp liền với bến sông đậu đầy chim âu,Giữa mùa thu, làn khói lúc trời tạnh bay ra phía cửa biển. Các bậc tướng văn, tướng võ đã dốc hết lòng son, bây giờ đành kêu trời, Bà Dương Thái hậu khi đến đất Quỳnh Nhai, vỗ đất khóc, vì không còn ai dòng dõi họ Triệu nữa. Cười cho bà Minh Phi đem thân ra ngoài cửa ải, Phải gảy đàn tì bà, chuốc rượu mua vui cho chúa Thiền Vu!)(10)
     
Dương Thúc Hạp 楊叔合 (1835 - 1920) hiệu là Ngọc Hiên 玉軒, người thôn Quỳnh Đôi, xã Phú Hậu, tổng Phú Hậu, huyện Quỳnh Lưu, phủ Diễn Châu (nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Ông thi đỗ Cử nhân năm Kỷ Mão, niên hiệu Tự Đức 32 (1879) đời vua Nguyễn Dực Tông và thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm Giáp Thân, niên hiệu Kiến Phúc 1 (1884) đời vua Nguyễn Giản Tông. Ông từng làm Đốc học tỉnh Nghệ An. Trong tác phẩm Nghệ Tĩnh sơn thủy vịnh 乂靖山水詠 hay còn có tên An Tĩnh sơn thủy vịnh靖山水詠 của ông có bài Cần Hải ():

Cần Giang thiên ngoại vọng du du         外望悠悠
Nhất sắc trừng ngưng tiếp tố thu.       一色.
Bàng ngạn lư diêm yên nhạn trạch        
Lăng ba võng cổ phiếm ngư châu.         舟.
Anh Tôn mộng tỉnh phong ba thiếp         英宗風波 
Thánh Mẫu linh quang thủy nguyệt phù.聖母光水月.
Chử thượng nhàn du lại thừa hứng         乘興 
Cơ tâm vọng xứ áp sa âu.                        機心.
(Bầu trời Cần Giang trông dài dằng dặc/ Nước một màu trong veo nối với màu trời thu/ Bên bờ sông xóm làng yên vui cửa nhà/ Trên biển, chái lưới lao xao thuyền cá/
Vua Anh Tông tỉnh mộng, sóng gió lặng tắt/ Đền Thánh Mẫu linh thiêng, trăng nước chơi vơi/ Dạo chơi hứng thú trên dọc bãi sông/ Chim trời giúp ta quên đi mọi
bận rộn trong lòng). (11)
      Dương Thúc Hạp vốn là chí sĩ Cần Vương. Phong trào bị đàn áp, ông bỏ về quê, sau đó bất đắc dĩ ra làm quan. Câu kết bài thơ nói bóng gió đến “ nỗi bận rộn trong lòng” đó. Bài thơ trên cũng như thơ, câu đối của các tác giả đã dẫn vừa là tác phẩm văn học, vừa có giá trị lịch sử, địa chí, thiết tưởng có ý nghĩa không nhỏ đối với các nhà nghiên cứu và bạn đọc nói chung mỗi khi quan tâm tìm hiểu lịch sử và lễ hội đền Cờn.
Chú thích
(1). Xem thêm: Trần Thị An (2009): Tìm hiểu sự hình thành truyền thuyết Tứ vị Thánh nương Tạp chí Nghiên cứu Văn học 2 - 2009
(2). Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam nhất thống chí, t.1, Nxb Lao động - Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây Hà Nội,tr.929.
(3). Viện Nghiên cứu Hán Nôm (1997), Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, t.1, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.667 - 668. Lê Hữu Trác(1971): Thượng Kinh ký sự Nxb Văn học, tr.23. Lời dịch văn xuôi theo bản dịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm; lời dịch câu đối theo bản dịch của cụ Phan Võ.
(4). Phan Huy Chú (2007) Lịch triều hiến chương loại chí, t.1, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, tr.81. Nguyên văn chữ Hán do tôi vi tính thêm vào..
(5). Quốc sử quán triều Nguyễn (2005), Đại Nam liệt truyện t.2, Nxb Thuận Hóa, Huế. tr.387. Phần chữ Hán do tôi vi tính thêm vào
(6). Trang đài 粧臺: Nơi người đàn bà ngồi tô điểm sắc đẹp. Chỉ nơi người đàn bà ở (Từ điển Nguyễn Quốc Hùng). Trong câu đối trên chỉ đền thờ nữ thần (Tứ vị Thánh nương)
(7), (8). Viện Nghiên cứu Hán Nôm (2003), Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông. Nxb Văn học, Hà Nội, tr.155,156; 229, 230.
(9), (10). Nguyễn Thạch Giang, Trương Chính (2001) (biên khảo & chú giải): Nguyễn Du niên phổ và tác phẩm Nxb Văn hóa Thông tin, tr.632;550, 551. Phần chữ Hán do tôi vi tính thêm vào.
(11). Dương Thúc Hạp (2004) An Tĩnh sơn thủy vịnh Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, tr.45.

 

Huy Huyền

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây