Tín ngưỡng về “đá”

Thứ năm - 15/08/2024 03:44 0
  1. Đặt vấn đề
   Người Thái có tín ngưỡng về “đá” không? Đây là vấn đề mà chúng tôi muốn đặt ra để thảo luận. Trong bài viết này chúng tôi chỉ muốn nêu lên một số hiện tượng trải nghiệm của cá nhân và cộng đồng, cần phải thu thập thêm tư liệu mới để có thể kết luận vấn đề này.
2. Hiện tượng
2.1. Cá nhân
(a) Năm 1969, tôi (người Thái ở Quỳ Hợp, Nghệ An) 19 tuổi, giữa lúc máy bay Mỹ điên cuồng bắn phá miền Bắc, tôi lần đầu tiên rời xa cha mẹ, xuống núi học Trung cấp sư phạm (Tân Kỳ, Nghệ An). Bố tôi làm một mâm cúng, đặt lên bàn thờ gia tiên, mời ông bà, tổ tiên về “thượng hưởng”, ban cho tôi sức khỏe và sự bình an. Mẹ tôi lặng lẽ đặt lên góc bàn thờ một hòn sỏi nhỏ. Nhang tàn, mâm hạ, mẹ lấy hòn sỏi bỏ vào túi của tôi… Sau 3 năm, tốt nghiệp, tôi trở về nhà an toàn. Hòn sỏi đó có “sức mạnh huyền bí” hay không? Không biết được… Sau này, năm 1983, tôi lại “đi xa” một lần nữa, lần này là “xuất ngoại”. Hồi đó, người ra nước ngoài còn rất hiếm. Tôi ghi lại “cảm xúc” của mình bằng những câu thơ: “Tôi mỗi lần đi xa/ Vợ đập con gà/ Buộc vía/ Bố cầm tay/ Lầm rầm/ Quấn chỉ/ Cầu cho tôi đi/ Mong cho tôi về/ Bước xuống thang/ Vợ nhét vào túi vải/ Gói cơm con gà/ Mẹ chắp tay vái/ Bàn thờ thắp hương/ Mẹ bỏ túi áo hòn đá/ Xuống núi, đi xa/ Khi đói/ Sờ vào túi vải/  Thấy gói cơm vợ/ Gặp điều lành, điều dữ/ Sờ vào cổ tay/ Có dây vía bố/ Khi vui quên cửa, quên nhà/ Sờ vào túi áo/ Gặp hòn đá mẹ/ Bao nhiêu lần đi xa, xuống núi/ Bao nhiêu lần tôi lại trở về” (Nước Nga, Thành phố Volgagrad, năm 1988(1)


                    Thờ đá                  Ảnh: nguồn internet

(b) Gần đây tôi đọc được trên báo Văn nghệ, bài “Hòn cuội” của tác giả Hữu Vi (người Thái ở Con Cuông, Nghệ An): “Ngày tôi lên đường rời xa quê núi về với phố thị, mẹ chuẩn bị nào xôi nào gà cho con có cái ăn khi đi đường và gọi là có chút thứ cây nhà lá vườn thết đãi bè bạn. Mẹ cũng không quên cho vào ba lô của tôi cái hòn đá cuội, nhắn nhủ con không được bỏ nó đi. Có hòn đá cuội như có hồn cốt của quê nhà. Tôi cầm hòn đá tròn trĩnh nhẵn nhụi trong tay như cầm một báu vật. Chính câu nói của mẹ khiến tôi thấy hòn cuội nhỏ thêm phần quan trọng. Mẹ nhắn thêm: “Khi đun nước uống nhớ cho hòn cuội vào siêu nước. Làm vậy con sẽ không bao giờ thấy lạ với những nguồn nước nơi khác, tránh được ốm đau.”Tôi mang hòn cuội ra phố thị, cất vào một ngăn bí mật của riêng mình. Khi nhớ mẹ, nhớ nhà lại đưa ra ngắm nghía, săm soi. Hòn cuội màu đen huyền từ đó thành vật bất li thân của tôi” (2).

          Tác giả này cũng có những kỷ niệm giống tôi quá!
2.2. Cộng đồng
          (a) Ở Quỳ Hợp có một hang động đẹp tên là Pựn Pang (“đáy vung”, tại xã Châu Cường). Trong hang có một tảng đá bằng phẳng gọi là Choong Nang (giường nàng). “Nàng” ở đây là Nàng Ni (nàng vượn), con gái của Pỏ Thén (thượng đế) thấy Mường Đất tươi đẹp, đã trốn xuống trần chơi. Nàng vô tình đã “vướng vào lưới tình” với chàng Tạo Khủn Tinh (con trai của Chủ Mường Chiềng Xan)… Mùa xuân, người Thái ở đây đã tổ chức “chơi hang”, vào ngắm giường nàng… Lâu rồi thành ra tục “chơi xuân” như thế. Ngày nay địa phương tôn lên thành Lễ hội Mường Ham.      
          (b) Ở Quỳ Châu có một hang động đẹp tên là Thằm Búa (“hang sen”, tại xã Châu Tiến). Trong hang, các nhũ đá tạo nên nhiều hình tượng đẹp đẽ, kỳ lạ… “Hãy khom lưng vào hang/ Vòm hang mở nhiều tầng nhiều lớp/ Phía dưới bằng phẳng/ Một lối gọi là hang Nga Xay (hom đó)/
Hang nhỏ đẹp gọi là hang Nhang Cảy (lồng gà)/ Ấy là nơi trai gái dắt nhau đi/ Khối đá to dựng bên vách đá/ Từ xa xưa gọi là Pội Chờ Hè (bịch lúa khổng lồ)/ Một vùng đá xếp từng ô từng bậc/ Ta gọi là ruộng nhỏ bậc thang/ Có hòn đá đứng ngay bên lối/ Già trẻ gọi tên: Ỏ Ón Lắm (lão vai u), đó mà!/ Lối lên Giường Nàng (3) cũng không khó lắm/ Nhưng phải bắc thang mà trèo dần lên/ Nhiều người lên trên đó ngắm chơi/ Lắm chàng với người yêu lên trên đó/ Hang lớn tạo nên nhiều hang nhiều hốc/ Để đàn dơi nuôi cái cùng con…” (4). Người Thái ở đây cũng có tục “chơi hang mùa xuân” từ xa xưa. Nay ở đây cũng tổ chức Lễ hội Hang Bua vào đầu năm.
          Phải chăng đây cũng là tín ngưỡng từ “đá”?
3. Lịch sử/Dư âm
          Người Thái ở Đông Nam Á lục địa và Nam Trung Quốc có sử thi đặc sắc về Khun Chương, thủ lĩnh thời “tiền quốc gia” của người Thái ở trong khu vực (khoảng thế kỷ XI - XII). Sau khi đã chinh phục được vùng Nam Trung Quốc, con của Khun Chương là Tạo Hùng tiếp tục chinh phục vùng Tây Bắc Việt Nam và Tây Thanh Nghệ; trong đó có trận đã đánh đến tận miền Tây Nghệ An (xứ Xiêng Mi – Xiêng Mèn, Tương Dương) chinh phục người Keo (Tày Hạt - Ơ Đu). Người Mường Mèn (cũng gọi là “Men Xòng”) chống lại: “Then Luông (Chủ Mường của người Mường Mèn) cất tiếng gọi: / “Người Mường Mèn ở đâu hãy đến thêm nhiều triệu!”/ Lát sau, thấy người Mường Mèn kéo đến như là bươm bướm/ Người của họ như con bọ gà, tràn ngập/… Lát sau, thấy phía Tạo Hùng bị thua/ Ầm ầm đuổi Khun Lôm về rừng/ Ào ào đuổi Tạo Hùng về núi…” (5). Nhưng Tạo Hùng đã có trong tay một thứ vũ khí lợi hại: “Hòn đá thần kỳ”! “Bừng bừng mặt Tạo Hùng tức giận đầy tim: “Đâu rồi, ta còn có hòn đá đen chứa nước?/ Ta sẽ ném vào suối vào khe, thành nước đỏ!”/ Chốc lát, thấy nước ùn ùn dâng ngập mô đất, bãi cát, khắp nơi/ Thấy nước vây quét Then lớn (Mường Mèn) chạy xuống núi/ Thương quân Then chết trôi xác theo nước, quá đi thôi!...” (6). “Hòn đá” của Tạo Hùng phải chăng là “tàn dư”, là “dư âm” của lịch sử “tín ngưỡng về đá” của người Thái từ xa xưa?
4. Quy chiếu
3.1. Trên thế giới
          Trong lịch sử nguyên thủy thế giới có tín ngưỡng về “đá”. Ở thổ dân Australia, các thầy phù thủy thường dùng những thủ thuật mang tính chất ma thuật khác nhau, lấy ra từ thân thể họ, cái gọi là Boylya, giống như một mẫu thạch anh. Ngay cả ma nước Nguk – Wonga, gây ra viêm quầng ở chân, cứ một lần một đứa trẻ tắm quá lâu khi nóng bừng lên, cũng được lấy ra chỗ thương tổn bằng những thần chú dưới dạng một hòn đá sắc cạnh. Trên đảo Borneo, người Dayak rất tin vào các ma bệnh để lấy từ đó ra những hòn đá, những mảnh đá tưởng tượng… và tuyên bố rằng đó là những con ma, yêu tinh… Ở Anh người ta trừ mụn cóc bằng cách lấy một viên đá chùi vào mỗi cái mụn, rồi cho những viên đá này vào một cái túi đem đặt trên đường tới nhà thờ, để chuyển chúng sang một người rủi ro nào đó tìm thấy cái túi này. “Maraca” hay “cái mõ”, được một vài bộ lạc hoang dã ở Brasilia dùng trong các buổi lễ, có ý nghĩa như một bái vật mạnh mẽ. Đó là một cái vỏ bầu đựng những hòn đá… Ở người da đỏ Bắc Mỹ, thuốc chữa bệnh “bái vật” có thể là một hòn đá. Nó thường hiện lên với mỗi chàng trai trong giấc mơ hay ảo giác. Ở Guinée thế kỷ XVIII, Romer kể với một ông già, rằng: “Một hôm, ông ta ra khỏi nhà do có một việc quan trọng, nhưng khi bước qua ngưỡng cửa, ông ta giẫm phải hòn đá và chân ông ta bị đau” - “À”, ông già nghĩ bụng,   
“mày đây rồi!”, thế là ông ta cầm hòn đá lên, và nó đã thật sự giúp ông ta nhiều trong các công việc. Việc thờ cúng những hòn đá chiếm một vị trí quan trọng ở những nơi có văn hóa tương đối cao tại Pêru. Ở đây không những thờ những hòn đá đặc biệt có hình thù kỳ lạ, mà còn đặt chúng trong nhà như những đại diện của các thổ công và thần thánh bảo hộ cho làng mạc. Ở châu Phi việc thờ những hòn đá và những cây cột được thấy có ở người Damara phía Nam. Người Galla ở Abyssini có một học thuyết về thần thánh, nhưng họ thờ những cái que và những hòn đá mà không thờ các ngẫu tượng. Trên đảo Sambawa, người Orang Dongo gán mọi ảnh hưởng siêu nhiên hoặc khó hiểu cho mặt trời, mặt trăng, cây cối, đặc biệt những hòn đá: trong trường hợp bất hạnh hay bệnh tật, họ mang lễ vật tới cùng những hòn đá nào đó để cầu xin ma của chúng. Những quan niệm tương tự cũng gặp thấy ở dân các đảo Thái Bình Dương, bất luận màu da nào. Ý niệm nhân hình lạ lùng coi những hòn đá có thể là chồng hay vợ, thậm chí có thể con cái này cũng thấy có ở người Fiji, cũng như ở người Pêru và người Lapp. Ở các bộ lạc Turan tại Bắc Á, việc thờ cúng những cây cối và những hòn đá đang tồn tại rất mạnh mẽ. Những nhóm đá xếp chồng dọc lên một cách đặc sắc ở Ấn Độ mô tả hay mang trong bản thân chúng những vị thần, cứ mỗi hòn đá một vị thần. Những đối tượng thờ cúng của người Hy Lạp không hề mang ý nghĩa phải giống khuôn mặt người và thường chỉ là một cây gỗ, một tấm bảng, một hòn đá thô kệch…
Một câu châm ngôn hùng hồn thời cổ trong sách Isaiah cho thấy rõ ràng việc thờ cúng những hòn đá cũng đã có trong chủng tộc Semit. Trong tôn giáo Phenisie thời cổ, một tôn giáo gắn liền với thế giới Do Thái, và mặt khác với các thế giới Hy Lạp và La Mã, chúng ta thấy có những cột đá ở Baal. Đáng chú ý là cho đến tận gần đây, ở châu Âu vẫn còn sự thờ cúng những hòn đá một cách thật sự… (7).
3.2. Trong nước ta
          Thời Pháp thuộc, học giả Leopold Cadiere, đã nghiên cứu về “tín ngưỡng đá” của dân ta. Ông chia thành 4 nhóm: (1) Những tảng đá hiểm hóc: Đá ngầm (Đồng Hới, Quảng Bình); Hòn Mệ, đá nổi (Quảng Trị); (2) Đá linh gọi là Bụt: Bụt, đá Quán Bụt (Quảng Bình); chùa Bụt Mọc (Quảng Trị); (3) Những viên đá hộ mệnh: Viên đá hộ mệnh của gia đình X (Huế); Một viên sỏi chó (Huế); (4) Thần đá: Thần đá ở trường Bá Công (Huế); Thần đá làng Dương Xuân (Thừa Thiên); Thần đá ở Cổ Thành (Quảng Trị); Thần đá ở Triều Sơn (Thừa Thiên)Thần đá ở bờ kè Đông Ba (Huế); Viên đá nổi (Quảng Trị); Đá thần ở thượng nguồn sông Ba Trục (Thừa Thiên); Ông thần Thạch hỏa ở làng Dương Nỗ (Thừa Thiên); Viên đá tại chùa Viên Thông (Huế); Thạch Thần ở đền thờ Quận công Bình Khâu (Thừa Thiên); Đá Thần ở đường Minh Mạng (Huế); Hai viên Đá Thần ở cửa hậu Đại Nội (Huế); Thần Đá ở Chính Nam Môn (Huế); v.v. Và ông kết luận: đây là “những thực hành tín ngưỡng”! (8).    
4. Kết luận
          Đã có những chứng cứ, những thí dụ về “tín ngưỡng đá” của người Thái. Nhưng cần phải được bổ sung cho phong phú thêm, cho thuyết phục hơn. Đến lúc đó chúng tôi sẽ đưa ra lời kết luận. Trong lúc chờ đợi, mọi người có thể thảo luận thêm.        
Chú thích
(1). La Quán Miên (2020), Tổng tập (tập 1), Nxb Nghệ An, tr. 94 - 95.
(2). Hữu Vi (2024), “Hòn cuội”, in trên báo Văn nghệ, ngày 22/7/2024;
https://baovannghe.vn/hon-cuoi-truyen-ngan-cua-huu-vi-14623.html
(3). “Nàng” ở đây có nhiều ý kiến khác nhau. Nếu là “Nàng Ni” thì “chàng” phải là “Tạo Khủn Tinh” như trên [mục 2.2; (a)]; nếu là “Ùa Piểm” thì phải là “Chàng Khun Chương”… 
(4). Dân ca Thái; chúng tôi sưu tầm và dịch.
(5). Quán Vi Miên (chủ biên, 2010), Lai Khủn Chưởng/ Truyện Khun Chương, Nxb Nghệ An, tr. 364. 
(6). Quán Vi Miên (chủ biên), Sđd, tr. 364 - 365.  
(7). Edward Taylor (2019), Văn hóa nguyên thủy, do Huyền Giang dịch, Nxb Tri thức, các trang 625, 626, 628, 632, 635, 639, 640, 642…
(8) Leopold Cadiere (2021), Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, do Đỗ Trinh Huệ biên dịch và bổ chú, Nxb Thế gới & Mai Ha Books, từ trang 488 - 542.


 

Quán Vi Miên

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây