Thiền sư Hương Hải  

Thứ ba - 20/08/2024 05:41 0
                            
Tác phẩm 'Sự Lý Dung Thông' của Thiền sư Hương Hải dưới góc nhìn văn hóa (ĐĐ. Thích Nhuận Tâm) – Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo
    
                                                                           Hương Hải Thiền sư (1628-1715)   
Một danh nhân Nghệ An tài đức vẹn toàn có tên trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam nhưng còn được rất ít bạn đọc & nhân dân quê hương biết đến. Hơn thế nữa, tiểu sử của ông còn mấy chỗ không chính xác và đóng góp của ông cũng chưa được đánh giá đúng mức. Đó là thiền sư Hương Hải (1628 - 1715)(1).
          Bảng nhãn Lê Quý Đôn (1726 - 1784) là người đầu tiên ghi chép về Thiền sư Hương Hải trong quyển IX Thiền dật  sách Kiến văn tiểu lục (Lê Quý Đôn  Toàn tập, Tập II, Nxb Khoa học Xã hội, H.1977. Những trích dẫn chỉ chú số trang trong bài này đều lấy ở sách này). Năm 1776, Lê Quý Đôn giữ chức Hiệp trấn tham tán quân cơ ở Thuận Hóa trong 6 tháng, đã chú ý ghi chép tỉ mỉ những điều mắt thấy tai nghe ở vùng đất mới này. Các tác giả hiện đại khi viết về ông đều dựa theo Lê Quý Đôn. Xin tóm tắt tiểu sử Hương Hải:
Thiền sư tên chính là gì không rõ, tục gọi là Tổ Cầu, gốc người làng Áng Độ, huyện Chân Phúc (huyện này thời Tây Sơn đổi là Chân Lộc, năm 1889  đổi là Nghi Lộc - HSH chú), trấn Nghệ An. Tổ bốn đời của ông là Trung Lộc hầu theo Nguyễn Hoàng vào Quảng Nam làm chánh cai trông coi lính thợ. Năm 18 tuổi ông thi đỗ Hương tiến (có thể là Giám sinh ?), được bổ làm Tri phủ Triệu Phong (nay thuộc tỉnh Quảng Trị). Về học vị Hương Hải, sách Lược truyện các tác gia Việt Nam của Trần Văn Giáp & sách Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam do Gs Đinh Xuân Lâm & Gs Trương Hữu Quýnh chủ biên đều chép là Hương tiến, sách Lịch sử tư tưởng Việt Nam do PGs Nguyễn Tài Thư chủ biên chép là Hương cống đều nhầm lẫn theo Lê Quý Đôn. Lý do rất đơn giản: Hương tiến, về sau đổi là Hương cống, năm 1828 đổi là Cử nhân là học vị bậc cao trong thi Hương, mà ở Đàng Trong từ khi Nguyễn Hoàng vào cai quản Thuận Hóa (1558) cho đến  vị chúa cuối cùng là Nguyễn Phúc Thuần (ở ngôi chúa từ 1765 - 1777) chỉ tổ chức thi Hương được 1 lần duy nhất vào năm 1768. Trước đó, chỉ có thi Chính đồ & Hoa văn cùng một số kỳ thi khác. Cao nhất là thi Chính đồ, người đỗ được phân làm 3 hạng: hạng nhất là Giám sinh, được bổ làm Tri phủ, Tri huyện; hạng nhì gọi là Sinh đồ, được bổ làm Huấn đạo, Giáo thụ; hạng ba cũng gọi là Sinh đồ, được bổ làm Lễ sinh và Nhiêu học (Xin xem Gs.Ts Phan Ngọc Liên (chủ biên): Giáo dục & thi cử Việt Nam (trước Cách mạng tháng Tám) Nxb Từ điển Bách khoa,H. 2006, tr. 92-93; hoặc Nguyễn Thế Long: Nho học ở Việt Nam giáo dục và thi cử Nxb Giáo dục, 1995, tr.34-35).
Năm 1652 ông từ quan, thụ giáo Viên cảnh Thiền sư ở Lục Hồ, được ban pháp danh Huyền Cơ Thiện Giác, pháp tự là Minh Châu Hương Hải; sau lại học đạo ở Đại Thâm Viên Khoan Thiền sư. Tiếp đó, ông vượt biển ra ở ngọn núi Tiêm Bút La (Cù Lao Chàm) làm ba gian nhà nhỏ để tu luyện; rồi lại trở về phủ Thăng Hoa, trấn Quảng Nam & trụ trì ở chùa Thiên Tĩnh, núi Quy Kinh.
Năm 1682, nhớ quê hương gốc tích, ông cùng hơn 50 đệ tử vượt biển ra Bắc, được Trấn thủ Nghệ An kiêm trấn thủ châu Bố Chính là Yên quận công đón tiếp rất nồng hậu. Một tháng sau, chúa Trịnh Tạc cho thuyền đón ông về Kinh & cho người về làng Nguyệt Áng, huyện Chân Phúc thẩm tra lai lịch. Biết rõ thực tình, chúa thưởng ông rất hậu & sai lập am ở Sơn Nam cho ông trụ trì ở chùa Nguyệt Đường (Phố Hiến, Hưng Yên). Ông viên tịch ở chùa này năm 1715, thọ 88 tuổi.
Hương Hải trước tác rất nhiều. Về thơ văn có Hương Hải Thiền sư ngữ lục. Theo Trần Văn Giáp (sách đã dẫn) tác phẩm  này bị tàn khuyết, phần còn lại có nhiều thơ & kệ về triết lý Phật giáo rất có sáng tạo. Lê Quý Đôn đã chọn lọc, giới thiệu 42 bài thơ & 12 đoạn văn đượm thiền đưa vào mục Thiền dật trong Kiến văn tiểu lục. Theo Thiền sư Gs Ts Lê Mạnh Thát, Lê Quý Đôn chưa có dịp đọc các bộ chính sử Thiền tông Trung Quốc, lại quá tin vào bản in Hương Hải Thiền sư ngữ lục được các môn đồ của Thiền sư cho khắc in nên đã không tiến hành kiểm tra tìm hiểu & so sánh , do đó để lẫn rất nhiều bài của các tác giả Trung Quốc. Còn bản thân các môn đồ khi nghe thầy thuyết giảng các câu ngữ lục, các thơ kệ từ các tác phẩm Thiền tông Trung Quốc cùng với lời dịch nghĩa tiếng Việt về chúng thì cứ đinh ninh chúng là sáng tác của thầy.
Về quân sự & địa lý có: Thuận Quảng nhị xứ sơn thủy lộ trình bản đồ. Đây là tác phẩm quan trọng, theo Lê Quý Đôn thì khi đâng lên chúa Trịnh “nhà sư phân tích khúc chiết chỗ hiểm trở, chỗ bình dị, rất rõ ràng, được thưởng 20 quan tiền” (tr.405) Đáng tiếc là tác phẩm này nay chưa tìm thấy.
Về triết học có: Cơ duyên vấn đáp tinh giải - giải đáp về cơ duyên ngộ đạo; Lý sự dung thông -  nói rõ về mối quan hệ giữa bản thể & hiện tượng; Cúng Phật tam khoa; Cúng dược sư khoa; Cúng cửu phẩm khoa -  giải minh ý nghĩa các kinh luật. Ngoài ra còn có Quán vô lượng thọ kinh Quốc ngữ là tác phẩm dịch kinh Phật ra quốc âm.
Theo Hương Hải thiền sư ngữ lục thì ông có 20 tác phẩm , gồm 30 quyển. Qua 25 năm sưu tầm, Thiền sư Gs Ts Lê Mạnh Thát mới phát hiện được 5 quyển: 2 quyển Giải Kim cương kinh lý nghĩa , 1 quyển Giải Di Đà kinh; 1 quyển Giải Tâm kinh ngũ chỉ; 1 quyển Sự lý dung thông & ông  cho xuất bản Minh Châu Hương Hải toàn tập (Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2000), gọi là Toàn tập vì theo ông không còn hi vọng tìm thêm 1 tác phẩm nào khác.
Chỉ cần đọc danh mục tác phẩm đã thấy Hương Hải am hiểu nhiều lĩnh vực: thơ, văn, quân sự, địa lý, triết học...Ông còn tinh thông y học. Đã 2 lần ông chữa bệnh rất hiệu quả: lần thứ nhất chữa cho bà vợ ốm đã lâu ngày của vị Thuần Quận công trấn thủ Quảng Nam; lần thứ hai chữa bệnh lao đã 3 năm cho Hoa Lễ hầu tổng Thái giám ở Quảng Nam.
Ông có biệt tài cảm hóa bất cứ ai có dịp tiếp xúc, có thể nhờ học vấn uyên thâm, trí thông minh trời phú cùng phẩm hạnh vượt trội & tình cảm chân thành. Lê Quý Đôn chép: “... Phúc Tần (tức chúa Hiền, ở ngôi từ 1649 – 1687) liền sai người đi đón. Khi nhà sư đến, Phúc Tần rước vào yên ủy thăm hỏi, lập viện Thiền Tĩnh ở núi Qui Kinh cho nhà sư ở. Quốc thái phu nhân cùng 3 công tử là Phúc Mỹ, Hiệp Đức & Phúc Tộ đều qui y thụ giáo, quan dân binh lính ai cũng kính tin, xin qui y thụ giáo hơn 1.300 người” (tr.404) . Lúc ông vượt biển ra Bắc, Yên Quân công & sau đó là Thượng sư Tây vương Trịnh Tạc (ở ngôi chúa từ 1657 - 1682); Định Nam vương Trịnh Căn (ở ngôi chúa từ 1682 - 1709) đều đối đãi với ông rất trọng hậu. Đây là đoạn Lê Quý Đôn chép về mối quan hệ của vua Lê Dụ Tông (ở ngôi từ 1705 - 1729) với ông: “Vua Dụ Tông thường cho người đón về kinh sư, mời vào nội điện, lập đàn cầu tự, lúc ấy nhà sư đã 80 tuổi. Khi vào chầu, nhà vua rất kính trọng, ung dung hỏi rằng: “Trẫm nghe nói sư cụ nhớ nhiều việc cũ, xin thuyết pháp cho trẫm nghe”. Nhà sư tâu rằng: Xin bệ hạ để tâm nghĩ kỹ, có câu kệ rằng:
Phản văn tự kỷ mỗi thường quan,
Thẩm sát tư duy tử tế khan.
Mạc giáo mộng trung tầm tri thức,
Tương lai diện thượng đổ sư nhan.
(Xét lại điều minh biết những ngày/ Suy đi nghĩ lại thấy thêm hay/ Đừng tìm tri thức trong mơ mộng/ Đạo thống sau này sẽ rõ ngay).
Nhà vua lại hỏi: “Thế nào là ý của Phật?”. Sư trả lời: “Chim nhạn bay trên không, bóng nhạn in dưới nước/ nhạn không có ý để lại dấu vết/ nước không có ý giữ bóng nhạn làm gì”. Nhà vua khen: “Sư cụ là người hiểu đạo” (tr.405-406) (Theo Lê Mạnh Thát thì bài kệ “ Chim nhạn bay trên không...” ở trên là của Thiên Y Nghĩa Hoài  người thời Tống bên Trung Quốc)(2).
Là Thiền sư, lại xuất thân khoa bảng, Hương Hải tinh thông Nho giáo, Phật giáo là điều đễ hiểu. Có thể ông còn là người am hiểu Đạo giáo. Đoạn ghi chép sau của Lê Quý Đôn gợi cho chúng ta nghĩ đến điều đó: “[Khi Thiền sư đến ở đây] ma quỷ muốn làm trở ngại việc tu luyện của Thiền sư, nên thường đến làm ngăn trở, nhưng Thiền sư tuyệt nhiên không bị dao động. Một hôm vào quãng trống canh hai, đệ tử chợt trông thấy một con quỷ lớn đen đủi, thân cao 2 trượng, từ từ đi đến trước mặt, một lúc lại biến đi mất; sau đó vào trống canh ba, có con rắn quấn lấy quanh mình Thiền sư, không thể cử động được, Thiền sư liền thu hình đến trước bàn thờ Phật, tay chắp nghiêm trang, bụng nghĩ thần chú, một lúc thì không thấy con rắn đâu nữa... Lại một đêm khuya thanh vắng, Thiền sư đang ngồi mặc niệm trước bàn thờ Phật, đèn nến sáng rực, chợt thấy bọn ma quỷ vừa trai vừa gái vây bọc bốn chung quanh, đứa cầm giáo, đứa cầm gậy, đứa dắt trâu, dắt ngựa, dắt voi, đủ mọi hiện tượng tai quái, lúc ấy Thiền sư bị bụng đau, mắt lóa, không trông thấy đèn nến sáng nữa, Thiền sư liền cố giữ vững chí khí kim cương, quyết định luyện cho tam muội hỏa trong bụng bốc cháy, để tiêu diệt tà ma thế giới, tiêu diệt tà ma tâm thần, chỉ trong chớp nhoáng ma quỷ biến đi hết, đèn nến lại sáng sủa như thường...”(tr. 403).
Có ai đó khi viết về nhà giáo Ts Hoàng Ngọc Hiến có nói đại ý là người xứ Nghệ cái gì cũng biết, chỉ trừ không biết hạnh phúc. Nhận xét đó có cơ sở. Nhưng Thiền sư Hương Hải là người gốc xứ Nghệ rất biết hưởng hạnh phúc. Ông coi công danh là vật bỏ nên chỉ làm quan 3 năm rồi xuất gia. Hạnh phúc của ông chính là hạnh phúc tinh thần tuyệt vời thanh tâm quả dục, ngày ngày được thuyết giảng kinh kệ, cũng là thuyết giảng các bài học về đạo làm người, phép đối nhân xử thế, về đức nghiệp phải có của chính bản thân mỗi người...Hạnh phúc của ông là được sống trong niềm kính trọng, yêu thương của mọi người, từ các đệ tử, phật tử đến các quan lại, binh lính, đến cả các vị vua chúa quyền cao tột đỉnh & vợ con của họ. Đoạn văn của Lê Quý Đôn chép về ông vừa dẫn ở trên khi nói ngọn lửa tam muội trong bụng bốc cháy để tiêu diệt tà ma thế giới người đọc hiện nay khó lòng tin được, nhưng nói nó tiêu diệt tà ma tâm thần thì thật chính xác vậy!
Thời đại Hương Hải, Nho giáo đã xuống dốc. Từ thế kỷ XVI bậc đại Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) đã kết hợp Nho với Lão - Trang. Thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII Hương Hải là người đầu tiên ở thời đại mình chủ trương kết hợp tư tưởng tam giáo thành một khối:
“Trong nơi danh giáo có ba,
Nho hay giúp nước, sửa nhà, trị dân.
Đạo thì dưỡng khí an thần,
Thuốc trừ tà bệnh, ân cần luyện đơn.
Thích độ nhàn khỏi tam đồ khổ,
Thoát cửu huyền thất tổ siêu phương” (Sự lý dung thông)
          Về tư tưởng, Hương Hải đề cập đến một số phạm trù Phật học như Phật & chúng sinh, tâm & cảnh, mê & ngộ, thiện & ác cũng như sự kết hợp Phật với Nho, Đạo...các tác giả sách Lịch sử tư tưởng Việt Nam đã bàn đến. Ở đây tôi chỉ muốn nói thêm về vẻ đẹp tinh thần trong nhân cách Thiền sư. Đây là tinh thần vui tươi của người đắc đạo:
Phiến nguyệt tẩm hàn đàm,
Vi vân ánh bích không.
Nhược ư đạt đạo nhân,
Hảo cá chân tiêu tứ
(Mảnh trăng in đầm giá/ Đóa mây nổi giữa trời/ Đối với người hiểu đạo/ Cảnh sắc thực xinh tươi (tr.426).
Còn đây là một bài kệ nhà sư thường ngâm khi dạo chơi vào những năm cuối đời:
Thành thị du lai ngụ tự chiền,
Tùy cơ ứng biến mỗi thì nhiên.
Song chiêu nguyệt đáo thiền sàng mật,
Tùng tiếu phong xuy tĩnh khánh miên.
Sắc ánh lâu đài minh sắc diệu,
Thanh truyền chung cổ diễn thanh huyền.
Nguyên lai tam giáo đồng nhất thể,
Nhậm vận hà tằng lý hữu thiên.
(Dạo chơi thành thị ngụ chùa chiền/ Ứng biến tùy cơ lẽ tự nhiên/ Cửa đón nguyệt vào giường được tĩnh/ Thông trêu gió thổi ngủ thêm yên/ Hình lâu đài rọi hình kinh sách/ Tiếng trống chuông vang tiếng diễn truyền/ Tam giáo từ xưa cùng một gốc/ Khi nào vận dụng lệch hay thiên) (tr.409-410).
 “Nguyên lai tam giáo đồng nhất thể” cũng giống như chủ trương tam giáo đồng nguyên thời Lý Trần. Chủ trương này khiến ông nhập thế như các bậc Trúc Lâm thời Trần. Sống đẹp đạo, tốt đời, ông luôn luôn an vui với chúng sinh & với thiên nhiên. Nhờ thế ông hưởng tuổi đại thượng thọ với sức khỏe dồi dào & trí tuệ minh mẫn, rồi về cõi Niết bàn thật ung dung.  Lê Quý Đôn chép: “Ngày 12 tháng 5 năm Ất Mùi (1715), buổi sáng, nhà sư đi tắm về, mặc áo cà sa, đội mũ, đeo tràng hạt, ngồi xếp bằng tròn mà hóa, lúc ấy nhà sư đã 88 tuổi, Thượng tọa hòa thượng dựng am, xây bảo tháp 3 tầng để thờ...”(tr.429)
Bình sinh, bậc tiền bối mà Thiền sư Hương Hải ngưỡng mộ, luôn coi là bậc thầy tôn kính nhất là vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308), anh hùng dân tộc, Trúc Lâm đệ nhất tổ, Điều ngự giác hoàng. Phật tử Việt Nam bao đời nay cũng coi Hương Hải là một trong những cây đại thụ của Thiền phái Trúc Lâm, người kế tục xứng đáng vị tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông.
                                         .
Chú thích
  1. Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam có lẽ chép theo sách Lược truyện các tác gia Việt Nam ghi năm sinh & năm mất của Hương Hải là 1631 - 1718 là không đúng. Ở đây chúng tôi ghi theo sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn.
  2. Xin xem: Hoàng Hải Vân: Thiền sư Lê Mạnh Thát & những phát hiện lịch sử chấn động. Bài trên trang Web...
 

   Hồ Sĩ Hùy

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây