Giỏi đan lóng mốt - dốt đan lóng hai Câu chuyện về làng nghề mây tre đan ở Nghi Thái

Thứ tư - 14/08/2024 22:18 0
Trải qua mấy ngàn năm lịch sử Việt Nam mang trong mình một nền văn hoá vô cùng đặc sắc trong đó thấm nhuần nền văn hoá nông nghiệp, nông thôn mà lịch sử hình thành và phát triển của nông thôn Việt Nam luôn gắn liền với các thôn làng và các làng nghề, ngành nghề truyền thống cùng với các sản phẩm của nó tạo nên sắc thái riêng của nền kinh tế và văn hoá của dân tộc. Do những đặc trưng về kinh tế - văn hoá - xã hội, tâm lý, tập quán và những điều kiện tự nhiên thuận lợi nên Việt Nam chúng ta đã tồn tại hàng trăm làng nghề truyền thống với bề dày lịch sử.
Nghi Lộc nằm ở hạ lưu sông Lam và sông Cấm. Đây là một địa phương truyền thống văn hóa lâu đời của Nghệ An từ các tư liệu khảo cổ. Vùng đất Nghi Lộc là nơi khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ, là đất “thang mộc” của các dòng chúa Nguyễn và chúa Trịnh. Trên vùng đất này, hiện nay có gần 10 làng nghề thủ công truyền thống khác nhau như làng nghề đóng tàu Trung Kiên ở xã Nghi Thiết, làng nghề làm giấy gió ở xã Nghi Phong, làng nghề làm quạt giấy ở xã Nghi Trung, làng nghề làm hương ở xã Nghi Trường), trong đó làng nghề mây tre đan xã Nghi Thái là một làng nghề độc đáo và rất nổi tiếng. Các sản phẩm thủ công mây tre đan Nghi Thái với chất lượng mây tre Việt Nam, với lối đan không đơn điệu, với hoa văn dân tộc truyền thống trang điểm bên ngoài, với nhiều kiểu dáng độc đáo, đã có mặt ở khắp mọi nơi trong nước và cả nước ngoài. Vì vậy, dù đã có nhiều đồ dùng bằng nhựa và sắt thép, nhưng sản phẩm mây tre đan Nghi Thái vẫn đứng vững được trên thị trường.
Nghi Thái là một xã thuần nông nằm ở cuối phía Đông Nam Nghi Lộc, cách trung tâm TP Vinh khoản 6km, Xã có 950,46 ha đất tự nhiên, 450 ha đất nông nghiệp, có 2.045 hộ với 9.112 nhân khẩu, vốn là một xã thuần nông, diện tích đất cát nhiễm mặn nhiều nên đời sống người dân nếu chỉ trồng lúa sẽ rất khó khăn. Tình hình sản xuất nông nghiệp bấp bênh, phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên, ngập lụt và hạn hán, đất đai bị rửa trôi bạc màu. Có lẽ do đặc điểm tự nhiên mà Nghi Thái có nghề đan lát từ cách đây hơn 500 trăm năm. Người dân xã Nghi Thái đã biết vận dụng kỹ thuật đan lát mây tre để làm ra các vật dụng trong gia đình. Nghề tận dụng thời gian nông nhàn, cứ thế dần dần phát triển, trở thành nghề truyền thống cho tới tận ngày nay.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Thường (xóm Tiến Lộc – xã Nghi Thái) kể lại thì nghề đan mây tre xuất hiện ở Nghi Thái có thể đã 500 – 600 năm. Những mặt hàng mây tre mà họ làm ra lúc bấy giờ chủ yếu để phục vụ cho dân cư quanh vùng, trong đó phần đông là nông dân, 1số ít dùng cho địa chủ, quan lại.
Trước cách mạng tháng 8, Nghi Thái có 2 làng: Làng Cum và làng Giáo. Làng Cum dân cư vừa làm Nông nghiệp, vừa đan rổ rá, dần, sàng. Làng Giáo, dân cư vừa làm nông nghiệp vừa đan nong, nia, thúng, mủng và làm dóng mây…Cách đây hơn 30 năm, từ nghề đan mây tre cổ truyền, nhiều xóm trên đất Nghi Thái dân cư đã chuyển sang nghề đan mây tre mỹ nghệ. Nghề đan mây tre mỹ nghệ ở Nghi Thái ngày càng nổi tiếng không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà còn vang xa hơn nhiều.
Dụng cụ nghề mây tre đan khá đơn giản, sự hỗ trợ của máy móc thiết bị là rất ít, với hầu hết các hộ làm nghề mây tre đan, cần một số dụng cụ chính:  dao, kéo, thước, khuôn mẫu, chổi quét sơn, đèn khò. Nguyên liệu để làm ra được một sản phẩm mây tre đan, thông thường cần các nguyên liệu cơ bản: tre, lùng, mây, keo, sơn, thuốc bảo quản. Nguyên liệu chính và quan trọng nhất là lùng, mây, tre. Để làm nghề, người dân nơi đây phải tự bỏ vốn mua nguyên liệu từ Quỳ Châu, Quế Phong xuôi sông Lam chở về.. Cây lùng gần giống như cây giang nhưng có lóng dài hơn, rất dẻo, dễ chẻ nan mỏng, thuận lợi cho việc đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Có thể thấy một điều rằng: các sản phẩm mây tre đan Nghi Thái rất phong phú về chủng loại, đa dạng về kiểu dáng. Từ cây mây, cây lùng, người thợ đã làm ra những mặt bàn, mặt ghế, những lồng bàn, túi xách, làn, lọ hoa, bồ đựng giấy, va li… các mặt hàng đó có cái to cái nhỏ, cái miệng loe, cái miệng tròn, bầu dục… phù hợp với thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước. Trên mỗi sản phẩm thủ công, người thợ không sử dụng duy nhất một kiểu đan nào mà kết hợp đan lóng một, lóng đôi, lóng ba, lóng tư, đan chân rết, đan mắt cáo và đan cài để tạo ra những đường diềm, những lá cành cách điệu và nhiều văn hoa phong phú. Người thợ còn dùng cả lối đan kín liền khi cách ô, bỏ trống hoặc dùng lỗ đan cổ lồng để tạo ra trên miệng, dưới đáy sản phẩm những hình tròn, hình thoi, ô vuông, quả trám. Trên mỗi sản phẩm, người thợ sử dụng nhiều loại nan, nan to, nan nhỏ, nan bẹp, nan tròn, nan măng, nan dày, nan nhuộm màu xanh, màu nâu, màu đen được đan kết hợp với nhau để tạo ra những đường nét hài hòa hợp lý.
Trong làng nghề, hiện nay không còn nghệ nhân mà chỉ có người lâu năm trong nghề, có kinh nghiệm đan thành thạo được nhiều loại sản phẩm. Những người thợ này trong lúc đan, không cần phải dùng khuôn, mà chỉ với bàn tay khéo léo, người thợ có thể tạo ra được những đường thẳng, đường gấp khúc, đường cong uốn lượn làm cho sản phẩm đầy vẻ duyên dáng khác thường. Để hoàn thành một sản phẩm, phải trải qua nhiều giai đoạn: chuẩn bị nguyên vật liệu (mây, lùng, tre) và dụng cụ, đan, làm đáy, làm thân, làm miệng, ghim đáy…


Sản phẩm được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo của những người thợ làng nghề       Ảnh: tác giả cung cấp

Sản phẩm mây tre đan Nghi Thái in đậm những nét đẹp của hoa văn truyền thống Việt Nam. Đó là những hoa văn: chân rết, răng cưa, lượn sóng, ô vuông, hình thoi, hình vuông, bện thừng, hoa lá cành cách điệu nay người ta thường thấy trên các đồ đồng, đồ gốm thời cổ và trên cả những đồ đan mây tre của đồng bào dân tộc miền núi Việt Nam. Sản phẩm mây tre đan Nghi Thái có thể được nhuộm màu, có khi để trằng tùy yêu cầu của khách hàng. Những sản phẩm không màu, khi đan xong họ dùng khò (tức là dùng ga đốt trơn sản phẩm) làm cho sản phẩm vừa trơn, vừa có màu trắng nõn rất duyên dáng. Còn sản phẩm có nhuộm màu thì được xông trong khói lưu huỳnh, màu của nó sẽ tươi sáng và đẹp hẳn lên. Để sản phẩm có màu được bóng đẹp thì trước hết là phải nhúng vào keo cứng, rồi để khô sau đó lại làm trơn keo. Nếu là khách hàng nước ngoài thì phải sơn từ 2 đến 3 lần, sau đó đánh bóng nó bằng dầu bóng, đem phơi khô. Khi phơi không được phơi giữa nắng nóng quá. Nhưng cũng không được phơi trong bóng râm, mà phải chọn nơi vừa có được nắng thích hợp thì sản phẩm mới đảm bảo độ bền đẹp. Một điều đặc biệt đối với sản phẩm do người thợ thủ công Nghi Thái đã tạo nên có màu vàng cánh gián sáng tươi. Màu đó được tạo ra bằng cách xông sản phẩm lên khói rơm rạ, tạo ra những sản phẩm mang sắc màu dân gian Việt Nam được khách hàng nước ngoài rất ưa chuộng.
Làng nghề thủ công mây tre đan mỹ nghệ Nghi Thái liên tục duy trì, phát triển hơn 30 năm nay phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng cơ bản nhất vẫn là trí sáng tạo và bàn tay khéo léo của người thợ. Nơi đây là trường học đào tạo ra nhiều người có tay nghề cao không chỉ cho Nghi Thái mà còn nhiều địa phương khác của Nghệ An. Nhiều thợ đan mây tre ở Phú Thọ, Nghi Thiết, Nghi Hải, Hưng Long, Hưng Đông đã đến đây học nghề. Hiện nay Ông Nguyễn Văn Thường, con ông Nguyễn Văn Bình (Người được xem là có bàn tay vàng trong làng mây tre đan của xã lúc bấy giờ) cũng là 1 nghệ nhân xuất sắc. Hai bố con ông đã từng đào tạo nhiều học trò giỏi nghề đan như các anh Nguyễn Văn Thạch, Nguyễn Văn Hải, Doãn Hữu Cư, Doãn Hưu Nhu, Nguyễn Văn Thìn….., chính là lực lượng nòng cốt, tài năng rất được làng nghề tôn trọng. Những ngưởi thợ giỏi của làng nghề là lực lượng lao động đóng vai trò quan trọng đóng góp lớn vào việc đào tạo lớp thợ trẻ kế thừa.


Nghệ nhân Nguyễn Văn Thường hướng dẫn cho các học sinh tại địa phương      Ảnh: tác giả cung cấp

Trẻ em ở đây từ khi nghề còn phát triển rực rỡ, lúc 9 tuổi đã bắt đầu tiếp xúc với nghề đan. Bố mẹ, anh chị đã truyền nghề cho con em mình một cách chu đáo. Họ dạy cho con em từ cách vót nan, nhuộm màu đến cách đan và cách tạo dáng, ở đây những người thợ lâu năm ai cũng thuộc nhiều câu thơ, câu vè về đan lát như:
“Giỏi đan long mốt,
Dốt đan long hai”.

“Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng
Tre non đuôi én đan tràng được chăng?
– Thiếu tre, thiếu ná đan giang
Tre non đuôi én đan răng được tràng”.

Hàng mây tre đan xuất khẩu của xã Nghi Thái đã từng được huy chương vàng tại triễn lãm kinh tế kỹ thuật Việt Nam năm 1982  tại Vacsava ( BaLan) với mặt hàng Thúng hai lớp. Năm 2005 đạt giải thưởng quả cầu vàng mang thương hiệu Đức Phong, năm 2007 được giải 3 về sáng tạo mẫu sản phẩm mới và gian hàng đẹp nhất tại hội chợ Thương mại tiểu thủ công nghiệp làng nghề Tỉnh Nghệ An.


Bằng công nhận làng nghề đang được lưu giữ tại UBND xã Nghi Thái              Ảnh: tác giả cung cấp

Thực hiện Nghị Quyết 06/2001 của Tỉnh ủy Nghệ An về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng làng nghề thời kỳ 2001-2010; quyết định số 1956/QĐ-TTg năm 2009 về xây dựng đào tạo làng nghề cho lao động nông thôn. Xác định việc củng cố, xây dựng làng nghề mây tre đan – một nghề truyền thống của địa phương, là việc làm cần thiết nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nhanh chóng đưa Nghi Thái thoát nghèo. Năm 2003 được UBND tỉnh công nhận 3 làng nghề là Thái Lộc, Thái Thọ, Thái Sơn. Năm 2005 được công nhận 3 làng nghề Thái Hòa, Thái Phúc, Thái Học. Năm 2007 được công nhận thêm 2 làng nghề Thái Bình, Thái Hưng, Năm 2008 - 2009 công nhận thêm 2 làng Thái Cát và Thái Quang. Như vậy, cho đến nay đã có 10/11 xóm của xã Nghi Thái được công nhận làng nghề Mây tre Đan xuất khẩu.


Hoạt động trải nghiệm cho học sinh tại địa phương             Ảnh: tác giả cung cấp



 

Thu Vân

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây