“Xạc húa” đầu năm

Thứ năm - 15/08/2024 04:39 0
1. Cơ sở tín ngưỡng/quan niệm
1.1. Người Thái quan niệm con người có “hồn vía”. Hồn vía của người là do Bôn/Then - chúa tể và là đấng sáng tạo muôn loài ở “mường trời” ban cho, sau khi “ngài” đúc người từ khuôn Bầu (khuôn vàng) ra; hồn vía mỗi người ngụ ở 2 nơi: (1) trong cây chuối ở “vườn trời” và con cá ở dưới “ao trời”, do “người trời” canh giữ; và (2), theo người (thân chủ) xuống trần gian. Vì vậy, con người sống ở trần gian nhưng hồn vía vẫn “nối” với mường trời. Cây chuối trong vườn trời héo hoặc con cá trong ao trời chết, thì người ở dưới trần gian cũng chết (!). Nếu hồn vía người ở dưới trần gian, vì một lý do nào đó, tách khỏi thân mình, đi rong chơi, thất lạc, hoặc buồn tủi thì người bị ốm. Lúc đó phải cúng lễ “sửa hồn”, để “gọi” hồn vía về, “an ủi” vía, "buộc” hồn vía lại cho người khỏe mạnh, bình an. Kẻ có khả năng giao tiếp với hồn vía, với Bôn/Then là “thầy Mo - người nhà trời” được cử xuống để trông coi hồn vía người ở dưới trần gian. Số lượng hồn vía con người khá nhiều, có “30 vía đằng trước, 50 vía sau lưng”, vía chân, tay, tai, vai, tim, gan…bộ phận nào cũng có vía; nên tính ra tất cả đến 900! Trong số vía đó thì vía đỉnh đầu là quan trọng nhất, gọi là “vía gốc”. Vía gốc ngụ trong tóc người; cho nên “đầu tóc” người là thiêng liêng nhất và phải được bảo vệ/giữ gìn/chăm sóc cẩn thận; những vía còn lại là “vía ngọn”, vía phụ. Vía còn ngụ trong áo, chăn màn, giường gối, bóng người, v.v… Tục “xạc húa” (gội đầu) của người Thái bắt nguồn từ “tín ngưỡng/quan niệm” đó (bảo vệ/giữ gìn/ chăm sóc hồn vía). Ở đây chúng tôi không nói đến việc “gội đầu” như một biện pháp “vệ sinh” đơn thuần mà trong tiếng Thái gọi là “ạp húa” (tắm đầu). “Xạc húa” (gội đầu) còn có một ý nghĩa “linh thiêng” hơn thế (ạp húa/tắm đầu). Vì nó linh thiêng, nên phải gắn với “phép thuật”, “bùa ngải”, “phù chú”…

Tục gội đầu của phụ nữ Thái trong dịp đầu Xuân
Tục gội đầu của phụ nữ Thái trong dịp đầu năm mới              Ảnh: nguồn Dantocmiennui.vn

1.2. (Theo https://vi.wiktionary.org) “Phù chú là thầy phù thủy dùng lá bùa và câu chú để đuổi tà ma, theo mê tín” (1). “Bùa ngải là loại  bùa  được làm từ các loại ngải lâu năm, dùng để kêu gọi các thế lực siêu nhiên hắc ám làm theo tôn chỉ, mục đích thần chú của người đã tạo ra nó. Theo sự hiểu trên thì bùa ngải này không cần phải đưa cho người bị hại”(2). “Thần chú là âm thanh thiêng liêng hoặc các từ có chứa năng lượng  thần  thánh hay năng lượng tâm linh. Những câu thần chú là lời đặc biệt khi nó  là hiện thân của thần thánh rung động” (3). Trong văn hóa Thái thì “thầy mo” thực hành nghi lễ này (phù chú); “bùa ngải” thường là lá “chua me đất”; “thần chú” là những câu có vần có điệu, thường kết thúc bằng câu: “Ồm! khất!” được nhấn mạnh. Từ “ồm” không có nghĩa (hay là chỉ ma quỷ mới hiểu được!), từ “khất” có nghĩa là “hiệu nghiệm/ứng nghiệm tức thì!”…
2. “Xạc húa” là “gội đầu”, nhưng không phải chỉ có vậy
2.1. Tài liệu nói đến tục “xạc húa/gội đầu” của người Thái sớm nhất có lẽ là trong sử thi “Khun Chương” vào khoảng thế kỷ XI. Đoàn quân Khun Chương tiến đánh Phạ Huồn lần thứ nhất và thất bại: Khun Chương hy sinh. Bên thua phải cử đoàn đi sứ sang đất đối phương xin mang xác thủ lĩnh về mai táng. Xong, lại sang xin chuộc lại khí tài. Có một vài điều khoản bồi thường chiến phí chưa được đáp ứng, nên Phạ Huồn đã cho bắt giam đoàn sứ lại. Cuối cùng, trưởng đoàn sứ là Khun Lôm phải dùng đến mưu kế mới được thả ra. Vị trưởng đoàn này đã ngay lập tức làm lễ “buộc vía” cho mọi người trong đoàn và tiến hành cả lễ “xạc húa/gội đầu”: “Khun Lôm nói:/ “Ai cũng gọi lấy hồn lấy vía về cho đủ đấy nhé!/ Ai cũng đừng la cà nơi nhà người kẻo vía lạc, nghe chưa?/ Để vía ta tốt về đến nhà, thấy vợ ta nhé!’/ Lúc đó Tạo giật lấy lá Xồm Pỏi nhỏ về làm phép lấy sức cho mọi người/ Ta sắp nói những điều cầu khấn trước lễ thề nguyền này!/ Cũng vừa lúc năm mới, sấm gọi, tân niên lại về/ Khun Lôm lấy được mực và kim/ Chàm vào mặt đánh dấu từng người” (Khún Lôm vả:/‘Pơ cỏ bắc âu phí âu vắn chủ côn hờ thuồn đé nợ!/ Pơ cỏ nha lìn dủ hựa cáng quàn hươn tản vắn lống đé nợ!/ Hờ vắn hâu đí mưa họt hươn hến nầu hâu léo!/ Tửa nặn Tạo chẳng tộc âu Xồm Pỏi nọi ma xạc âu hanh chủ côn đí léo/ Cu cỏ nhăng khằm tàn cảo hò căm chiện né hảng páng khấn cỏn nợ!/ Xó mảng nửng đày khuộp mở hầu phạ họng pí mở ma tơng/ Khún Lôm măn cỏ âu đày mậc tơng hếm/ Ma xắc xở nà mái vảy chủ côn)(4). “Xồm pỏi” là “lá chua me đất” (dùng làm bùa ngải); «làm phép» tức là nghi lễ phù chú “xạc húa/gội đầu” mà chúng ta đang nói đến; «lấy sức» tức là nói đến mục đích cầu khấn, mong cho được “mạnh khỏe, bình an”; thời điểm tiến hành nghi lễ này là “năm mới, sấm gọi, tân niên lại về”. “Sấm nổ, mưa xuống”, mở đầu một chu kỳ sản xuất, làm ăn trong một năm. “Năm mới” được đánh dấu bằng “sự kiện tự nhiên” ấy. Nghi lễ “xạc húa/gội đầu” cũng mới được tiến hành “từ đó”. Như vậy, có thể thấy rằng, “năm mới” là một ngày không cố định, có thể thay đổi theo “vùng, miền”. Đó là điểm “mạnh” và cũng là điểm “yếu” của lịch Thái. “Mạnh” vì nó sát với “vùng miền”, “yếu” vì nó không thống nhất. Về sau, sống trong tổ quốc Đại Việt/Việt Nam, người Thái ăn Tết theo âm lịch; đến khi sấm ra, họ tổ chức lễ hội “mừng tiếng sấm đầu năm”. Họ có thể làm nghi lễ “xạc húa/gội đầu” vào dịp Tết và cả dịp “mừng tiếng sấm đầu năm” nữa.      
Tài liệu thứ 2 nói đến lễ “Xạc húa/gội đầu” của người Thái là vào thế kỷ XVIII. Thuở ấy, giặc Phẻ từ phương Bắc tràn xuống cướp phá bản mường, đất nước ta. Anh hùng dân tộc Nàng Han đã lãnh đạo nhân dân Tây Bắc đánh đuổi bọn chúng ra khỏi biên giới, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Các chiến binh cởi giáp, buông gươm, tắm gội, mừng công. Lúc đó cũng vừa năm mới đến. Ngày nay nhân dân còn tổ chức “xạc húa/gội đầu” mỗi khi “năm hết, Tết đến” và nâng lên thành một Lễ hội “lung ta/ xuống bến” rất linh thiêng. “Năm hết tết đến, tết đến tiễn cái cũ đi, cái tốt thì ta mang về/ Cầu cho năm mới làm ăn phát đạt/ Cái xấu cái cũ hãy đi xa, đi xa mãi, đừng bao giờ quay về nữa/ Cái mới cho mọi người thêm nhiều may mắn...” (5). “Xạc húa/gội đầu” là để “tiễn cái xấu, cái cũ” ra đi, “đón cái mới, cái tốt, may mắn, phát đạt…” đến.
2.3.  Lễ hội “Lung ta/Xuống bến” được tiến hành dưới sự chủ trì của thầy mo (mo mường). Đầu tiên, ông thực hiện nghi lễ xin phép tại Đền thờ bản/mường để được “các thần cho tổ chức lễ hội”. Sau đó, thầy mo mới dẫn đầu đoàn nam thanh, nữ tú, già trẻ, gái trai trong bản ra/ xuống bến sông/suối. Ông mo một vai vác kiếm; một vai quàng chéo túi vải “Thống xánh” (túi hộ mệnh) trong đó có móng vuốt hổ, vuốt gấu, đoạn sừng tê giác, châu ngọc, nhẫn vàng, vòng bạc... Đoàn người theo sau; người thì đem theo nắm lá chua me đất, mấy quả bồ kết nướng, thau nước vo gạo đã ủ chua, mấy cành lá xanh; vừa đi vừa đánh trống, đánh chiêng náo nhiệt. Đến nơi, mo chọn một vạt đất bằng phẳng, lót lá, bày mâm lễ vật (xôi gà, rượu, trầu cau…), cúng Thần nước, xin được “Xạc húa/gội đầu”, trong đó có đoạn trên đây (xem mục 2.2). Cúng xong, mọi người bắt đầu xuống bến; đàn ông lên bến trên (dành cho đàn ông), đàn bà xuống bến dưới (dành cho đàn bà, con gái). Trước khi “xạc húa/gội đầu”, ai cũng “đọc thầm” những câu “thần chú” dành cho mình. Có bài “thần chú” của thầy mo; có bài “thần chú” của quan lại… Sau đây là bài “thần chú” của quan lại/vua quan: “Cây me chua Cốp Nọi lá mỏng/ Cây chua me Pỏng Nọi lá gai/ Ngọn vươn lên trên/ Rễ mày chĩa về dưới như là gừng cay/ Ngọn mày chĩa lên trên hàng huyện hàng phủ/ Hái về gội đầu/ Vua quan đem về gội tóc/ Tao được vào dưới sàn bà chửa/ Tao cởi tao yểm!/ Luồn dưới sàn bà góa/ Tao gỡ tao ‘phù!’/ Cho cái xấu rụng như lá Hốc (tre)/ Rớt như lá Sổ/ Tan như ong mật, bò vẽ bỏ tổ/ Cho phúc tao lên như trăng 16 gác lèn Phá Tạ/ Cho phúc tao vượng như trăng 15 gác lèn Phá Chiếng/ Cho ăn cơm tao được ngồi trên/ Ăn muối tao được chấm trước/ Cho tao được ngồi trước tất cả!/ Cho được như lời tao phát/ Phép tao phù/ Bùa tao yểm, hiệu nghiệm!” (Xồm cốp nọi tỉ tắn bớ bỏng/ Xồm pỏng nọi tắn tỉ nám chưa/ Chưa hừn mưa nứa/ Hạc mưng xọng mưa tờ pán củ hính hang/ Pái mưng xọng mưa nứa hang viện hang phủ/ Bái ma ạp húa/ Púa quán âu ma ạp cầu/ Cu đày hầu tờ lảng mẻ man/ Cu kè cu xạc!/ Chon tờ chan mẻ mài/ Cu kè cu xạc!/ Hờ căm hại huổng nửng bớ hốc/ Tốc nửng bớ xàn/ Càn nửng phầng nửng tỏ ní hăng/ Hờ bún cu hừn nửng bươn xíp hốc cải ngảm phá tạ/ Hờ bún cu hừn nửng bướn xíp hà cải ngảm phá chiếng/ Hờ ki khầu cu đày nẳng nứa/ Ki cứa cu đày chằm cỏn/ Hờ cu đày nẳng cỏn tâng lái/ Hờ đày nửng căm cu vả/ Cả cu lăn/ Căm cu ồm, khất!) (6). Mong cái xấu mất đi (rụng/rớt), phúc tăng/vượng, thăng quan tiến chức, được ăn trên ngồi trước - đó là nguyện vọng của tầng lớp này.
Có bài “thần chú” dành cho tất cả mọi người: “Ta ở bản nhiều ngày chỉ toàn buồn rầu/ Ở nhà có bùa ngải tụ lại/ Ở nhà có bùa ma gì đó rồi?/ Ta sắp ra bến dưới để gội đi dầu/ Xuống mũi thuyền để gội đi tóc/ May ra đi qua bản tìm người tình, người ta cho làm rể/ Nói rồi ai cũng cầm gương sáng/ Cầm lược từng chải/ Lấy thau nước gạo - lúa bông dày/
Thau nước lá Xồm Pỏi/ Các chàng trai nhỏ ra bến nước trong/ Chân bước xuống bậc đá để gội đầu/ Lên mũi thuyền để gội sạch xui xẻo/ Để điều hại trôi theo dòng nước/ Then trồng cây xuống mường Lùm với đất/
Thả cát thả đá 9 hòn/ Hòn như hòn Nám Hó/ Cây như cây Xồm Pỏi/ Xuống giúp, xuống hỗ trợ/ Dưới sàn chọn chạc trâu/ Tôi cởi, tôi gội/ Đầu sàn chọn chạc voi/ Tôi cởi, tôi gội/ Qua bản, ngồi đầu thang/ Tôi cởi, tôi gội/ Ra đi, ngồi đầu cối/ Tôi cởi, tôi gội/ Đi tìm, chung đường ma/ Tôi cởi, tôi gội/ Chải tóc cửa rừng ma/ Tôi cởi, tôi gội/ Chấm chẻo ăn ban đêm/ Tôi cởi, tôi gội/ Ăn cơm thừa của ma/ Tôi cởi, tôi gội/ Ăn cá thừa của rái/ Tôi cởi, tôi gội/ Dưới sàn chọn vải đen/ Tôi cởi, tôi gội/ Cuộn vải trắng/ Tôi cởi, tôi gội/ Chọn dưới sàn có bùa/ Tôi cởi, tôi gội/ Chọn gầm sàn xui xẻo/ Tôi cởi, tôi gội/ Bước qua đuôi lợn/ Tôi cởi, tôi gội/ Bước qua chổi rơm/ Tôi cởi, tôi gội/ Ồm!/ Xồm Pỏi Nọi thứ lá chua dày/ Cây của mày mọc chỗ kẽ đá kẽ lèn um tùm/ Tôi ngắt được 9 ngọn về đun/ Đun nước để người trần gian gội đầu/ Ồm!/ Nước gạo - lúa bông dày/ Nước gạo ruộng lúa bông sai/ Ba vốc nước gạo rửa mắt/ Năm vốc về gội, về rửa/ Tôi gội dưới nước sóng to cho trôi/ Gội chỗ nước sóng xanh cho chảy/ Nước chảy xiết cuốn trôi tất cả/ Gội chỗ nước sóng to ở vũng ngoài trời/ Tôi rửa mặt cho trắng/  Kỳ thân mình cho sạch cho trơn/ Trơn mượt như mỡ vịt gái tra/ Trơn mượt như mỡ gà gái quệt/ Phúc trai choai lên cao đừng xuống bao giờ/ Lên như trầu Chuống lên giàn/ Lên như giàn Pạt Ngảm núi Pha Bun (ở mường trời)/ Cho phúc tôi quen, số tôi lên/ Dưới trần gian, người ta bảo hơn tất cả/ Người ta chầu về như ếch chầu/
Ngồi như nhái ngồi/ Nằm dài như rắn duỗi/ Hầu hạ như hầu hạ Pỏ Chầu (ông trời)/ Canh gác như canh gác Bố Chủ (ông trời)/ Ồm xồm tít/ Ồm xồm tắng!/ Ồm cụ vắng!/ Lời thường phù chú/ Ta gội tóc cho thật đẹp
Chải đầu cho thật trơn” (Y khồn hâu dủ pai hươn xiếng tỏ mâu chạn/ Dủ pai bàn lái mự xiếng tỏ mút mua/ Pai hươn mi mạt mua xúm xầu/ Còn cầu mắc mạt phí lơ léo?/ Hâu khằm tốc tín páy tả tờ cừ xạc xía húa/ Chắp húa hưa cừ xạc xía cầu/ Máy vả tầu quả bàn nhai chụ pưởn hiệc ê khưới/ Bạt vả léo pơ cỏ tọn vẻn hóng đí/ Tọn âu ví hóng dòng/ Còng cảnh đày ố nặm khầu muộc huông ná/ Nga lém năm xồm pỏi/ Cạc bảo dòn kinh nọi tốc tả văng xớ/ Tín páy chắp còn hín pèn cừ xạc xía húa/ Chắp húa hưa cừ xạc xía mản/ Cản lòng xàng láy nặm căm mẳn hâu thống/ Thén pục mạy lông mương lủm năm đín/ Pống hín pống xai cầu còn/ Còn pạch còn nám hó/ Có pạch có xồm pỏi/ Lông ma chỏi kẻ, đẻ chỏi thống/ Tờ lảng chọn chược quai/ Cu kè cu xạc/ Pái chan chọn chược chạng/ Cu kè cu xạc/ Quả bàn nẳng húa đay/ Cu kè cu xạc/ Lục páy nẳng húa lòng/ Cu kè cu xạc/ Teo xọc huổm tang phí/      Cu kè cu xạc/ Ví húa kèm phí hẻo/ Cu kè cu xạc/ Chằm chẻo vạy hém cưn/ Cu kè cu xạc/ Ky khầu ngưởn lứa phí/ Cu kè cu xạc/ Ky pá ngưởn lứa nạc/ Cu kè cu xạc/ Tờ lảng chọn phài đắm/ Cu kè cu xạc/ Lăm phài đỏn/ Cu kè cu xạc/ Chọn tờ lảng mẻ man/ Cu kè cu xạc/ Chọn tờ chan mẻ mài/ Cu kè cu xạc/ Vài háng mú, vài nhu quạt/ Cu kè cu xạc/ Ồm!/ Xồm pỏ nọi xồm pỏi bớ ná/ Có mưng tốc kẻ hín kẻ phá xúm xầu/ Cu ngấu đày cầu nhọt ma hốm/ Phốm phốm tay piêng xạc húa kem cầu/ Ồm!/ Nặm khầu cở muộc huông ná/ Nặm khầu cở na huông còn/ Xám dạt nặm khầu muộc xuổi tá/ Xám dạt nặm nga căm xuổi nà/ Hà dạt nặm ma pặt ma hốm/ Cu xạc xở nặm phong nhở hờ láy/ Xạc xở nặm phong héo hờ lỏng/ Nặm còng cành thắt hạ láy lỏng ma hống/ Xạc xở nặm phong huống căm cằm văng nọc phạ/ Cu xuổi xía nà hờ háo/ Páo xía kinh xía đáng hờ kiềng/ Nhẳng nhẳng lừa măn pết xáo lảy/ Nhẳng nhẳng lừa măn cảy xáo ta/ Bún bảo ham hừn nhông nhông nha lông chơ dạt/ Hừn nửng xàm nửng xẹt hừn luống/ Hừn nửng chuống hừn xặng/ Hừn nửng xặng pạt ngảm phá bún/ Hừ bún cu quẻn nen cu hừn/ Tờ pựn phạ pưởn vả cu nửng vảy cốp/ Nộp cu nửng nộp khiệt/ Diệt cụ nửng diệt ngu/ Phủ cụ nửng phủ pỏ chầu/ Phầu cụ nửng phầu phốm/ Ồm xồm tít/ Ồm xồm tắng/ Ồm cụ vắng quam mằn ôm khất/Hâu chái cầu hờ đí tế!/
Ví xía húa hờ kiềng) (7).
Tục “Xạc húa/gội đầu” năm mới vẫn được người Thái duy trì trong cuộc sống hôm nay. Tục này có nơi gọi là “chinh nặm tiên”, tức là “tranh/ giành nước tiên (trời)”. Vào thời khắc quan trọng/linh thiêng chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, ai “tranh/ giành” gội đầu/tắm được “nước mới” trước nhất, thì người đó được coi là “hên” nhất, may mắn nhất, điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mình trong năm mới. “Mời bà gốc Tắng (cây)/ Bà vực bến/ Bà đãi trấu ủ rượu ‘180 ngàn thúng’/ Nhận lấy trầu cháu mời/ Nhận lấy cau cháu dâng/ Cháu xin 3 vốc nước rửa mặt/ Cháu xin 5 vốc nước rửa mắt/ Rửa cho sạch như trứng/ Rửa cho sáng như dưa/ Qua năm xấu, bước sang năm tốt…” (Mơi nhả tồn tắng/ Nhả văng tả/ Nhả mả lầu họi pẹt păn búng/ Hặp âu mành pu lán ma phạc/ Hặp âu mành mạc lán ma chao/ Hờ lán xó xám cọp nặm ma xuổi xe nà/ Hờ lán xó hà cọp nặm ma xuổi xe tá/ Xuổi hờ mốt pán xảy/ Xuổi hờ mảy pán tánh/ Đắp pí hại, vài ọc pí đí…) (8). “Rửa mặt” là trước nhất, rồi đến “gội đầu”, cuối cùng là “tắm” nước mới.
3. Kết luận
Từ tín ngưỡng/quan niệm hồn vía “ngụ” trong đầu tóc, tập tục “xạc húa/gội đầu” của người Thái được “linh thiêng hóa, kỳ bí hóa”. Nó được lựa chọn thực hành vào thời khắc quan trọng nhất của năm: chuyển giao giữa năm cũ và năm mới; sự kiện quan trọng nhất của lịch nông nghiệp Thái truyền thống: sấm nổ mang theo cơn mưa đầu năm. Nó được thực hiện với nghi lễ “độc đáo”: phù chú. Dù là được thực thi ở cấp độ cá lẻ, nhóm hay cộng đồng/lễ hội, tục “xạc húa/gội đầu” đều thể hiện ý nghĩa nhân văn: mọi người cầu mong những điều tốt đẹp nhất trong năm tới, thời gian tới. Vì thế, nó có sức sống bền lâu.   

Chú thích
(1). https://vi.wiktionary.org/wiki/ph%C3%B9_ch%C3%BA - Tiếng_ Việt
(2).https://www.google.com/searchq=b%C3%B9a+ng%E1%BA%A3i+l%C3%A0+g%C3%AC&rlz=1C1AOHY_viVN769VN769&oq=b%C3%B9a+ng%E1%BA%A3i+l%C3%A0+g%C3%AC&aqs=chrome..69i57j0l5.11636j0j7&sourceid=chrome&ie=UTF-8.
(3).https://www.google.com/search?q=th%E1%BA%A7n+ch%C3%BA+l%C3%A0+g%C3%AC&rlz=1C1AOHY_viVN769VN769&oq=th%E1%BA%A7n+ch%C3%BA+l%C3%A0+g%C3%AC&aqs=chrome..69i57.12468j0j9&sourceid=chrome&ie=UTF-8.
(4). Quán Vi Miên (chủ biên) (2010), Truyện Khun Chương/ Lai khủn chưởng, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr. 171 và 376 (câu 2947-2954).
(5). Lễ hội gội đầu// https://vi.wikipedia.org/ wiki/L%E1%BB% 85_ h% E1%BB%99i_ G%E1%BB%99i_%C4%91%E1%BA%A7u.
(6).Ồm xạc húa/Phù chú gội đầu”, Lang Thị Quỳ (Bản Nhanh, Châu Quang, Quỳ Hợp, Nghệ An) đọc; Sầm Thị Phiên ghi; bản dịch là của chúng tôi.
(7). Quán Vi Miên 2010), Ca dao - dân ca Thái - Nghệ An (tập 2), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 768 - 771 và 834 - 838.
(8). Lương Dương Nga (2019), Chinh nặm tiên, Bản tin Dân tộc tỉnh Nghệ An, số Xuân Kỷ Hợi, tr. 24. Bản dịch là của chúng tôi.

 

Quán Vi Miên

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây