Gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới ở miền Tây tỉnh Nghệ An

Thứ năm - 15/08/2024 05:48 0
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế - xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta hiện nay. Trong chủ trương chung đó, vấn đề gắn giữa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa với phát triển kinh tế du lịch vùng dân tộc miền núi đang nổi lên như một yêu cầu bức thiết. Bởi vì, nếu giải quyết tốt mối quan hệ này sẽ là tiền đề, điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở các địa phương miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn đang còn nhiều hạn chế, vướng mắc; chưa khai thác, phát huy được lợi thế tiềm năng sẵn có; thậm chí ở một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức. Thực tế này cũng đang là câu chuyện rất cần được nhìn nhận ở Nghệ An - địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên một địa bàn rộng lớn với rất nhiều tiềm năng phát triển.

Thiếu nữ người Mông ở Mường Lống - Kỳ Sơn             Ảnh: Nguyễn Đạo

1. Một vài nét về đặc điểm đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số ở Nghệ An

          Nghệ An nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, với 16.487 km2; trong đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có diện tích 13.745 km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên; dân số 1.197.628 người, chiếm 41%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, gồm 47 dân tộc thiểu số với 05 dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu; có 27 xã biên giới với 24 xã có liên quan đến việc thực hiện các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiếp giáp với các tỉnh của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái; có nhiều tiềm năng lớn về tài nguyên đất đai để trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp, dược liệu, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm; khai thác khoáng sản và phát triển thương mại, du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An(1). Về đời sống văn hóa vùng dân tộc miền núi ở Nghệ An, nổi lên những đặc điểm cơ bản sau đây:
Quá trình hình thành, phát triển văn hóa, con người vùng dân tộc miền núi ở Nghệ An có nhiều sự khác biệt. Do những biến động lịch sử, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An đã hình thành 2 khu vực khá rõ nét, là miền núi Tây Bắc (gồm các huyện dọc theo Quốc lộ 48) và miền núi Tây Nam (gồm các huyện dọc theo Quốc lộ 7). Giữa hai khu vực có những yếu tố tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội tương đối khác nhau và hình thành các điểm về phân bổ dân tộc, gắn với các địa danh, như: Kim Sơn (Quế Phong), Chiềng Ngam (Quỳ Châu), Khủn Tinh (Quỳ Hợp), Mường Quạ (Con Cuông), Mường Lăm (Tương Dương), Mường Lống (Kỳ Sơn)… Sự phân vùng về địa lý tương đối đó, gắn với các đặc trưng văn hóa, lịch sử, con người đã tạo nên sự phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc trong đời sống văn hóa vùng dân tộc miền núi ở Nghệ An.
Quá trình hình thành của các tộc người ở Nghệ An diễn ra khá đa dạng. Một số tộc người có thể có nhiều nhóm cư dân khác nhau, nhưng sinh sống hòa hợp tự nhiên. Hiện tượng song ngữ, đa ngữ (một người có thể nói 2, 3 thứ tiếng) khá phổ biến, trong đó tiếng Thái được xem là “tiếng phổ thông” đối với các dân tộc thiểu số. Quan hệ giữa các dân tộc hình thành tự nhiên và bền vững, tạo ra sự gắn bó, đoàn kết chặt chẽ giữa cộng đồng dân cư ở địa phương miền núi.
Trình độ phát triển, nhận thức giữa các dân tộc còn có sự chênh lệch khá rõ. Do điều kiện tự nhiên và xã hội, nhất là các yếu tố tác động đến sản xuất và đời sống, nên trình độ phát triển và nhận thức giữa các dân tộc, giữa các nhóm trong một dân tộc và giữa các vùng miền còn có khoảng cách chênh lệch khá lớn. Mức độ chênh lệch này thể hiện ở nhiều mặt: trình độ sản xuất, nhận thức tự nhiên và xã hội, phong tục tập quán, các nghi lễ cưới hỏi, ma chay, làm nhà mới... Sự chênh lệch này so với các địa phương miền núi khác trên cả nước, ở Nghệ An biểu hiện rõ nét hơn.
Các dân tộc thiểu số ở Nghệ An có mối quan hệ gắn bó mật thiết với các bộ tộc Lào. Đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An có mối quan hệ gắn bó mật thiết với các bộ tộc bên kia biên giới Việt - Lào, được hình thành trong quá trình hình thành tộc người và đấu tranh chống kẻ thù chung của hai dân tộc anh em. Hầu hết các dân tộc (Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu) sống trên mảnh đất miền Tây của tỉnh đều có quan hệ anh em, dòng tộc với một số đồng tộc ở bên kia biên giới bạn Lào. Trên tuyến biên giới 27 xã, có hơn 9.000 hộ và hơn 6 vạn dân là đồng bào dân tộc thiểu số đã từng là hậu cứ của các lực lượng cách mạng Lào và hiện nay họ lại đang trực tiếp giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống. Từ quan hệ dân tộc, đồng bào qua lại thăm thân, dựng vợ gả chồng cho nhau, góp phần xây dựng, bảo vệ để đường biên giới Việt - Lào trên địa bàn Nghệ An trở thành đường biên hữu nghị đặc biệt.
2. Thực trạng việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế du lịch trong xây dựng nông thôn mới ở miền Tây tỉnh Nghệ An
Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An đã đạt được những kết quả đáng kể. Nhìn ở khía cạnh gắn việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số với phát triển kinh tế du lịch trong xây dựng nông thôn mới có thể thấy rõ thực trạng sau:
Thứ nhất, ở các địa phương vùng miền núi đã coi trọng việc xây dựng đời sống văn hóa mới theo tinh thần, quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn với xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Đưa văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh cho sự phát triển. Qua đó, nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần bài trừ những hủ tục, tập tục lạc hậu không còn phù hợp như: mê tín dị đoan, tục bắt vợ, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tập quán canh tác lạc hậu, trồng cây thuốc phiện, du canh du cư qua biên giới, truyền đạo trái pháp luật,... Từ đó phát huy được những nét đẹp văn hóa truyền thống, như: tục thờ cúng cha mẹ, ông bà, tổ tiên; tục làm vía động viên tinh thần sức khỏe cho người già, làm vía cầu may mắn cho người trẻ khi đi học hay lên đường nhập ngũ; thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,... tạo không gian, môi trường văn hóa lành mạnh, đa sắc màu, hình thành những điểm đến hấp dẫn cho bạn bè, du khác thập phương; mở rộng, phát triển kinh tế du lịch với nhiều tiềm năng và lợi thế riêng có.
Thứ hai, đã có nhiều chính sách giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, luôn nhận được sự ủng hộ của đồng bào, thu hút đông đảo người dân ở nhiều lứa tuổi tham gia. Ngoài ra, các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống được gìn giữ và phát huy hiệu quả trong đời sống tinh thần của đồng bào thông qua các câu lạc bộ của xóm, bản; chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, hướng tới mục tiêu bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo nên những điểm nhấn về văn hóa để thu hút, phát triển du lịch cho các địa phương.
Thứ ba, ở nhiều địa phương miền núi của tỉnh, đã thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ tại cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng các xã biên giới; liên hoan nghệ thuật quần chúng các bản tái định cư; liên hoan dân ca, hội diễn nghệ thuật quần chúng các xã nông thôn mới, ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc; thành lập các CLB dân ca với 155 đội văn nghệ ở các xã, bản đại diện cho 3 hệ dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú nhằm gìn giữ và phát huy nền văn hóa phi vật thể. Bước đầu đã hình thành nhiều điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, như: Khe Rạn, bản Nưa (Con Cuông); rừng Săng Lẻ, Khe Cớ, Xóng Con, Yên Hòa (Tương Dương); rừng thông Tây Sơn, Huồi Tụ (Kỳ Sơn); thác Xao Va, thác Bảy Tầng (Quế Phong); bản Hoa Tiến (Quỳ Châu);…
Nổi bật là huyện Con Cuông, với cách làm sáng tạo và hiệu quả đã từng bước giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Con Cuông tới người dân, du khách trong nước và quốc tế. Năm 2015, lượng khách du lịch đến Con Cuông đạt 35.100 lượt khách, doanh thu đạt 7.225 triệu đồng, năm 2020 đón hơn 80.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 64 tỷ đồng (tăng 44.900 lượt khách so với 2015).
Ngoài ra, hàng năm, các địa phương miền núi ở Nghệ An đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật nói chung, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng theo từng chuyên đề, như: “Xuân biên cương”, “Nhịp cầu đoàn kết”, “Sắc màu bản em”… Qua những hoạt động đó đã góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời quảng bá, giới thiệu cho các địa phương khác và cả nước về bản sắc văn hóa của vùng đồng bào dân tộc miền núi Nghệ An hội nhập và phát triển.
Thứ tư, trước nguy cơ những giá trị văn hoá truyền thống của người Thái ở Nghệ An bị mai một(2), nhiều lớp học chữ Thái được mở rộng, thu hút hàng trăm người tham gia; hơn 100 câu lạc bộ dân ca Thái được thành lập với nhiều nhạc cụ truyền thống được bảo tồn, lưu giữ... Đặc biệt, nhiều làn điệu dân ca Thái như nhuôn, lăm, khắp, xuối... đặc sắc được khôi phục và phát huy. Bên cạnh đó, ngành văn hoá tỉnh cũng đang có những giải pháp tích cực nhằm bảo tồn, lưu giữ những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào Thái, như: xây dựng mô hình bản văn hoá Thái, gia đình văn hoá Thái, làng nghề truyền thống người Thái... nên bước đầu, những giá trị bản sắc văn hóa người Thái ở Nghệ An đã được bảo tồn, gìn giữ trở lại. Đây là yếu tố quan trọng để các địa phương các huyện miền núi ở Nghệ An khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng phát triển kinh tế du lịch gắn với sức mạnh văn hóa hiệu quả và bền vững.
Chính những kết quả từ việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung, văn hóa dân tộc Thái nói riêng đã mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế du lịch vùng miền núi ở Nghệ An những năm qua. Đã có nhiều hoạt động du lịch được triển khai gắn với đời sống sinh hoạt văn hóa vùng miền núi, như: tìm hiểu và thưởng thức văn hóa của các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú… với các điệu dân ca, dân vũ; có thể trải nghiệm các hoạt động đời sống, sản xuất cùng bà con ở các bản làng cổ nguyên sơ (đánh cá, đan lát, làm bánh, dệt vải thổ cẩm, thêu váy áo của người Thái, người Mông…); tham quan, khám phá các di sản văn hóa vật thể như đền Chín Gian (Quế Phong), tháp cổ Mỹ Lý (Kỳ Sơn), bia Ma Nhai (Con Cuông), đền Cửa Rào (Tương Dương), đền Pu Nhạ Thầu (Kỳ Sơn), đền thờ Lý Nhật Quang (Con Cuông)… Đặc biệt là các lễ hội mang đậm sắc thái miền Tây như: Lễ hội đền Chín Gian, Lễ hội hang Bua, Lễ hội đền Pu Nhạ Thầu, Lễ hội đền Cửa Rào, Lễ hội chọi Bò Kỳ Sơn,… Ngoài ra, về văn hóa ẩm thực, vùng cao miền Tây Nghệ An còn có nhiều đặc sản, như: Trà hoa vàng, cam Con Cuông, xoài Tương Dương, mận tam hoa Mường Lống, chanh leo Quế Phong, các loại dược liệu, các bài thuốc quý, các sản phẩm thổ cẩm, đan lát,… Đồng thời, du khách có thể cùng trải nghiệm chế biến và thưởng thức các món ẩm thực dân giã của bà con các dân tộc thiểu số như: bánh sừng trâu, xôi ngũ sắc, gà nướng, cơm lam, thịt bò giàng, thịt chua,… của người Thái, bánh nếp, gà đen của người Mông… Đó là những minh chứng sinh động cho sự gắn kết giữa việc bảo tồn, phát huy văn hóa với phát triển kinh tế du lịch. Tạo động lực mạnh mẽ cho các địa phương miền Tây Nghệ An phát triển.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế du lịch ở Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc:
Một số cấp ủy, chính quyền các địa phương chưa nhận thức rõ vai trò của di sản văn hoá trong phát triển kinh tế - xã hội, chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhận thức của nhân dân các dân tộc về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hoá phi vật thể còn nhiều hạn chế, chưa có ý thức trong việc bảo lưu, truyền bá văn hóa của dân tộc mình cho thế hệ kế tiếp. Việc khai thác tiềm năng, giá trị di sản văn hoá để phát triển du lịch còn hạn chế. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị thất truyền. Công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu di sản văn hóa chưa thường xuyên. Hạ tầng giao thông và hệ thống các thiết chế, cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá thiếu đồng bộ; nguồn kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tôn tạo di tích còn rất hạn hẹp; công tác xã hội hóa chưa đáp ứng so với yêu cầu.

Cảnh sắc và con người miền Tây Nghệ An               Ảnh: nguồn internet

Chưa khai thác tốt di sản văn hóa tộc người trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch. Việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số ở Nghệ An còn thiếu sự “vào cuộc” của các bên tham gia: nhà quản lý, chủ dự án, chuyên gia và cộng đồng được hưởng lợi hoặc bị thiệt thòi từ dự án. Trên thực tế, ở các địa phương đã có những cách làm, mô hình gắn bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển kinh tế du lịch, song quy mô, mức độ chưa cao; chủ yếu còn mang tính thời vụ, thiếu lộ trình, bước đi, cách làm lâu dài, hiệu quả và tính bền vững. Cho nên, mặc dù tiềm năng du lịch của vùng núi cao miền Tây Nghệ An rất lớn và không thua kém vùng miền núi khác trên cả nước, song, du lịch ở nơi đây mới manh nha hình thành, đang còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác.

Đánh giá về thực trạng và cơ hội phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá vùng miền Tây Nghệ An, nhiều chuyên gia cho rằng, những năm gần đây, du lịch miền Tây Nghệ An đã đạt được những kết quả tích cực, song nhìn chung, sản phẩm du lịch của vùng còn khá đơn sơ. Đặc biệt, do các huyện cùng nằm trong khu vực có nhiều sự tương đồng dẫn đến văn hóa, ẩm thực và cảnh quan tương tự nhau, nên sản phẩm còn trùng lặp, dễ gây nhàm chán cho du khách. Bên cạnh đó, phần lớn các điểm du lịch còn manh mún, không được quy hoạch bài bản; khoảng cách địa lý giữa các điểm du lịch khá xa nhau, hạ tầng giao thông còn khó khăn... do đó, chưa phát huy được tiềm năng to lớn về du lịch.
3. Một số giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế du lịch trong xây dựng nông thôn mới ở miền Tây Nghệ An hiện nay
Thứ nhất, trong thời gian tới tỉnh Nghệ An mà trực tiếp là các huyện miền Tây quan tâm thực hiện đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc trong tình hình mới, qua việc thực hiện các Nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua trong thời gian qua, như: Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 05/5/2023 về điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 11/9/2023 quy định về nội dung, mức hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 41/NQ-HĐND ngày 11/9/2023 về việc bổ sung, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 70/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 về kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh Nghệ An;…

Ẩm thực - Nét văn hóa thu hút khách du lịch đến với miền Tây Nghệ An         Ảnh: nguồn internet

Trong tổng thể chính sách chung về công tác dân tộc, cần tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách về văn hóa dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài. Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, cần ban hành các chính sách cụ thể tập trung vào lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Coi trọng công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; trong đó cần có chính sách đặc biệt đối với các nghệ nhân tổ chức truyền dạy di sản văn hóa. Có thêm những chính sách đặc thù để thu hút các nguồn đầu tư từ xã hội hóa đối với các hoạt động văn hóa, văn nghệ vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ hai, để xây dựng và phát triển được mạng lưới du lịch hiệu quả và bền vững, các huyện miền Tây của Nghệ An phải chú trọng và làm tốt công tác quy hoạch và đầu tư, trên cơ sở của quy hoạch tổng thể, tiếp tục chỉ đạo rà soát, lập quy hoạch chi tiết từng khu, điểm, cụm và vùng du lịch trọng điểm, trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến quy hoạch hạ tầng du lịch. Khắc phục hạn chế rất cơ bản của du lịch ở nhiều địa phương vùng miền Tây Nghệ An: Chưa có nhiều cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng cao cấp với các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao; chưa có những sản phẩm du lịch đặc trưng và các khu vui chơi giải trí để lưu giữ khách cũng như tăng mức chi tiêu của du khách; hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường giao thông kết nối đến các tuyến, điểm du lịch trọng điểm. Trước mắt, cần cơ cấu lại ngành du lịch, từ hoạt động xúc tiến quảng bá. Tập trung đầu tư xây dựng các dịch vụ cao cấp; mở rộng không gian du lịch với các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, nghỉ dưỡng núi đẳng cấp, chất lượng cao. Phát triển sản phẩm du lịch cần có sự kết nối chặt chẽ của ba trụ cột chính là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch sinh thái gắn với khám phá văn hóa cộng đồng nhằm tạo ra thương hiệu đặc trưng, giá trị khác biệt của miền Tây Nghệ An.
          Thứ ba, phát triển du lịch phải đặc biệt coi trọng về văn hóa, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường gắn với gìn giữ và phát huy, nhất là giá trị các di sản lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống và những bản sắc đặc trưng của cộng đồng dân cư địa phương. Duy trì và nâng cao chất lượng phong cảnh, kể cả ở nông thôn và đô thị, tránh để môi trường xuống cấp. Phát triển du lịch bền vững hướng đến du lịch xanh, sạch, thân thiện, an toàn. Hỗ trợ bảo tồn hệ động, thực vật. Do đó, bảo vệ môi trường phải được các cơ quan quản lý các cấp coi trọng, phải trở thành yêu cầu bắt buộc trong quy hoạch các đề án, chiến lược phát triển du lịch của tất cả các huyện và các khu, điểm du lịch.
Thứ tư, triển khai nhiều hoạt động cho doanh nghiệp du lịch nhằm nâng cao kiến thức về phát triển bền vững, cách làm để có sản phẩm khác biệt, phát triển du lịch gắn trách nhiệm với cộng đồng địa phương, bảo vệ môi trường, áp dụng các tiêu chí của phát triển du lịch bền vững… Bảo đảm các mục tiêu của phát triển du lịch bền vững gồm: Hiệu quả kinh tế; phát triển cho địa phương; đáp ứng sự thỏa mãn của khách du lịch; bảo tồn các giá trị văn hóa; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường; sử dụng hiệu quả các nguồn lực; an sinh xã hội; công bằng xã hội.
Thứ năm, các địa phương miền Tây Nghệ An cần chú ý việc nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng từ các thôn bản dân tộc thiểu số, nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa bản địa bền vững, phát huy hiệu quả mối quan hệ tương hỗ giữa kinh tế và văn hóa. Những dự án đã được kiểm nghiệm trong thực tế, được thực tế chứng minh về tính khả thi thì tiếp tục phát triển, nhân rộng; các dự án đang được nghiên cứu, khảo sát để triển khai thì cần xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, trong đó, đặc biệt khai thác nguồn lực xã hội hóa, sự đầu tư của doanh nghiệp để phát triển. Cùng với đó là việc biến các sản phẩm của nghề thủ công truyền thống, sản phẩm văn hóa ẩm thực truyền thống, âm nhạc dân vũ truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Nghệ An có điều kiện trở thành những sản phẩm kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người dân. Ở điểm này, các địa phương miền Tây Nghệ An đang còn rất nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển.
Thứ sáu, với quan điểm làm du lịch, phát triển du lịch từ chính cộng đồng địa phương; người dân chính là chủ thể thực hiện, phát huy và thụ hưởng. Do đó, các huyện miền Tây Nghệ An hiện nay cần phát triển du lịch theo hướng khơi dậy sức mạnh từ cộng đồng. Bởi vì, cộng đồng địa phương là người kiểm soát các giá trị về mặt tài nguyên du lịch để hỗ trợ du khách có cơ hội tìm hiểu và nâng cao nhận thức của mình khi có cơ hội tiếp cận hệ thống tài nguyên du lịch tại không gian sinh sống của chính mình. Cộng đồng địa phương sẽ nhận được lợi ích về mặt kinh tế, mở rộng tầm hiểu biết về đặc điểm tính cách của du khách cũng như có cơ hội nắm bắt các thông tin bên ngoài từ du khách. Cộng đồng địa phương ngày càng được tăng cường về khả năng tổ chức, vận hành và thực hiện các hoạt động, xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ cho du khách. Từ đó, cộng đồng ngày càng phát huy vai trò làm chủ của mình. Khi đó, du lịch miền Tây Nghệ An sẽ có cơ hội phát triển hiệu quả và bền vững.
Có thể thấy, mối quan hệ giữa việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển kinh tế du lịch trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới nói riêng là một thực tế rất cần được nhìn nhận, đánh giá và kịp thời có những biện pháp, cách làm đồng bộ và hiệu quả. Bởi vì, nếu như có những giải pháp đồng bộ, hợp lý để phát huy những kết quả đã đạt được; đồng thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc sẽ là một trong những hướng đi rất thiết thực để vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, vừa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế du lịch vùng miền Tây Nghệ An trong thời gian tới.
Chú thích
(1). Dẫn theo: UBND tỉnh Nghệ An - Ban Dân tộc (2023): Báo cáo kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
(2) Ở Nghệ An, Dân tộc Thái có khoảng 338.559 người, chiếm khoảng 70% dân số dân tộc thiểu số toàn tỉnh; chiếm 21% người Thái cả nước (đứng thứ 3 sau Sơn La và Thanh Hóa). Văn hóa dân tộc Thái có sự ảnh hưởng và tính đại diện đậm nét nhất trong đời sống văn hóa vùng dân tộc thiểu số ở miền núi Nghệ An.
 

Nguyễn Văn Điều

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây