Một số giải pháp phát huy giá trị di tích đền Đức Hoàng theo hướng khôi phục lễ hội và phát huy truyền thống

Thứ hai - 05/08/2024 05:49 0
   Yên thành là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, là vựa thóc của Nghệ An, có nhiều phong cảnh danh thắng hấp dẫn và cũng là nơi sinh ra các nhà khoa bảng, các chí sỹ yêu nước, các chiến sỹ cách mạng. Hiện nay trên đất Yên thành còn lưu giữ nhiều công trình lưu niệm những người có công với nước, với dân và có nhiều địa danh tên tuổi đã gắn liền với tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
          Hơn hai trăm di tích và danh thắng đã và đang tồn tại đã là tư liệu sống luôn chứng minh cho những trang sử vẻ vang và hào hùng của quê hương, là niềm kiêu hãnh, niềm tự hào của nhân dân Yên Thành. Những địa chỉ đó vừa có giá trị lớn trong việc giáo dục lòng yêu nước, mà còn bồi dưỡng nhân cách cho các thế hệ con cháu. Chính vì vậy, từ bao đời nay, bao thế hệ người dân Yên Thành luôn kế tiếp nhau lao động sản xuất, chiến đấu để sinh tồn, phát triển tạo nên nhiều làng quê trù phú, sầm uất như: Tiên Hồ, Tiên Xá, bứt lá nung vôi; gỗ Kẻ Hồ, ló Kẻ Cuồi... Cũng như trong quá trình sản xuất và chiến đấu, các thế hệ người dân Yên Thành đã sáng tạo, xây dựng cho mình một nền văn hóa dân gian đặc sắc, vừa giàu tính tâm linh nhân văn mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.
          Trong các lễ hội dân gian ấy, phải kể đến lễ hội truyền thống đền Đức Hoàng là một sinh hoạt văn hóa tiêu biểu, vừa chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam, vừa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, nhằm tác động giúp cho công việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống trở thành hiện thực và cấp thiết. Lễ hội đền Đức Hoàng ở xã Phúc thành là một loại hình sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của nhiều làng xã cổ truyền ở huyện Yên Thành, nhân vật trung tâm hướng tới của mọi hoạt đông lễ hội là các vị thần linh đã có công "Bảo Quốc- Hộ dân" được nhân dân hết lòng ngưỡng vọng, trong đó có Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn. Lịch phúc xưa là xã Phúc thành huyện Yên Thành ngày nay, có truyền thống là vùng đất đầy tâm phúc, địa linh, có núi cao trùng điệp, có thủy tụ mây quần, nên nơi đây có rất nhiều đình, đền, chùa, miều, mạo: Chùa Hương; Chùa Diệu; Chùa Thiên Tạo; Hang Tiên; Hang Lúa; Đền Hoàng; Đền Cả; Đền Phủ thờ; Đền Hồ; Đền Thái Bảo; Đền Đệ Tam... Trong các quần thể di tích đậm đặc ấy, đền Đức Hoàng được xem là một địa danh có phong cảnh hữu tình và linh thiêng nhất. Theo nhân vật chí Nghệ Tĩnh và sắc phong qua các triều đại đang lưu giữ tại đền, vào đời vua Trần Nhân Tông Năm Thiệu Bảo (1288) nước ta bị quân Nguyên Mông xâm lược, Hoàng Tá Thốn một vị đại tướng của triều đình, với tư chất thông minh tài trí thao lược, đặc biệt là tài bơi lội  được tiến cử lên Hưng Đạo Vương, lập được nhiều công lớn trong trận thủy chiến, được phong là "Sát Hải Đại Vương". Sau khi đại thắng mấy vạn quân Ô Mã Nhi trên biển, trên đường trở về bị bão tố cuốn chìm. Nhớ công ơn của ông, nhân dân đã lập đền thờ ông tại xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Đền được nhân dân chọn vị trí lý tưởng, đặt trên ngọn đồi, nằm giữa Đầm Thủy Ô. Đầm Thủy Ô nằm giữa xã Phúc thành được tạo bởi con suối bắt nguồn từ dãy núi Huyệt Vương Mẫu, Huyệt Vương Mẫu nằm về phía tây bắc huyện Yên Thành, suối chảy dài từ tây sang đông, lạ kỳ thay khi con suối về đến xã Phúc Thành uốn lượn vòng cung tạo thành đầm Thủy Ô, ôm trọn ngọn đồi vào lòng. Đền Đức Hoàng tọa uy trên ngọn đồi đó. Đầm Thủy Ô có đến vài chục mẫu từ bao đời nay, nhân dân trồng sen tạo nên cảnh đẹp lạ thường. Trong cuốn Lịch Triều Hiến Chương của Phan Huy Chú có ghi: "Phong cảnh đẹp trong phủ Diễn Châu thì có nhiều nơi, như xã Lịch Phúc có đầm Thủy Ô (tục gọi là Bàu Ác) có sen thơm đẹp lạ lùng". Sắc phong thời nhà Nguyễn ca ngợi cảnh đẹp đầm Thủy Ô có ghi: “Thương thượng đẳng thần, thiên thiên cảnh bồng lai” ý nói nơi đây cảnh đẹp có một không hai.

Nghệ An: Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Đức Hoàng được công nhận là Điểm du lịch - Ảnh 1.
                           Đền Đức Hoàng nhìn từ ngoài cổng vào                                   Ảnh: nguồn internet

          Từ bao đời nay, nhân dân và khách thập phương hàng năm cứ đến ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng với lòng ngưỡng vọng thành kính đối với các bậc tiền liệt cầu mong phù hộ cho sự may mắn tốt lành trong cuộc sống và vãn cảnh đẹp của đền. Ngoài ra, hàng năm tại đền Đức Hoàng còn có nhiều kỳ lễ vọng, trong đó lễ hội đầu xuân là lớn nhất. Sự khởi thủy của lễ hội là nhằm tưởng niệm các vị thần linh được thờ tại đền, trong đó nhân vật trung tâm là Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn cùng các quân binh của ông. Chính vì vậy mà các hoạt động văn hóa diễn ra tại lễ hội đều mang đậm màu sắc dân gian mang tính thượng võ như: Vật, chọi gà, đánh cờ, kéo co, bơi thuyền múa hát... thu hút đông đảo du khách thập phương về dự.
          Việc tổ chức lễ hội Đền Đức Hoàng trải qua quá trình tồn tại cùng biến thiên lịch sử xã hội, có lúc thăng, lúc trầm, lúc uy linh hoành tráng, lúc cáo lễ... dù dưới hình thức nào thì lễ hội đền Đức Hoàng vẫn là một hình thức sinh hoạt văn hóa lành mạnh mang ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Đặc biệt từ năm 2002, thực hiện quyết định số 39/QĐ-BVHTT ngày 23/8/2001 của bộ Văn Hóa Thông Tin ban hành về việc thực hiện quy chế tổ chức lễ hội giai đoạn 2001-2006. Lễ hội đền Đức Hoàng đã được tổ chức theo hình thức quy mô hơn, thu hút được đông đảo du khách thập phương về dự hơn. Thông qua các hoạt động diễn ra ở các kỳ lễ hội đã toát lên những tâm điểm như sau:
          1. Đáp ứng phần nào nhu cầu khát vọng hưởng thụ văn hóa tâm linh chính đáng của nhân dân.
          2. Khơi dậy truyền thống yêu nước, yêu quê hương, trọng đạo nghĩa thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng, ý thức bảo vệ di sản văn hóa, đồng thời cũng là hình thức bảo lưu giữ gìn hữu hiệu nhất các giá trị  văn hóa vùng đất Đông Yên-Nhị huyện.
          Công tác khôi phục lễ hội đền Đức Hoàng đã đi vào thế chủ động và tạo thành ý thức của nhân dân. Nhưng. Điều đặt ra là các giải pháp và phát triển, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đang là tâm điểm đặt ra cho các nhà quản lý, tổ chức lễ hội cần quan tâm.
          Tại chuyên đề này xin được đưa ra các giải pháp vừa  đúc kết từ thực tiễn, mang tính hữu hiệu, vừa mang tính nghiên cứu ứng dụng để phát huy:
          Một là: Nâng cao nhận thức cho cán bộ cấp cơ sở, về lễ hội truyền thống, tren cơ sở lý luận chung là: Lễ hội truyền thống Việt Nam là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa đương đại, có mục đích nâng cao con người hướng tới hạnh phúc, tự do của con người, tồn tại vì con người.
          Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian phổ biến ở nước ta, được ra đời sớm và tồn tại phát triển qua nhiều thời đại.
          Lễ hội truyền thống là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian tổng thể, rất  phù hợp hữu ích đối với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Việt Nam.
          Lễ hội của Việt Nam nói chung, lễ hội Đền Đức hoàng nói riêng đều phong phú và đa dạng, được đông đảo dân chúng tham gia. Lễ hội là sự kết tinh của hoạt động văn hóa làng xã. Hội thường được mở vào ngày lành tháng tốt, thời tiết thuận hòa, mùa màng tươi tốt, dân chúng hứng khởi. Hội là đẹp, là vui. Tất cả như hướng về sự tốt đẹp, may mắn mà ngày thường không có. Đó là "phút thăng hoa" trong cuộc sống thôn giã.
          Có một thời lễ hội bị lãng quên. Rồi như lẽ tự nhiên trường tồn, ngày nay lễ hội truyền thống của nhiều địa phương được phục hồi, tạo nên một sinh hoạt cộng đồng phong phú, bổ ích. Lễ hội đã và đang sẽ là môi trường văn hóa tiêu biểu thấm đậm chất nhân văn, cần thiết cho đời sống con người. Lễ hội đã thực sự trở thành một phần đời sống, một sinh hoạt văn hóa lành mạnh bổ ích, được tắm mình trong không khí mát lành của hội làng, làm cho con người tốt đẹp hơn.
          Như bất cứ một hiện tượng hay hoạt động xã hội nào, lễ hội truyền thống cũng hàm chứa trong nó những khả năng hoạt động văn hóa lành mạnh và bổ  ích, đi đúng chuẩn, hoặc lệch chuẩn. Cho đến nay tại cuộc tổng kết 5 năm thực hiện quy chế tổ chức lễ hội của Bộ Văn Hóa Thể thao và Du Lịch (2001-2006)  khẳng định, lễ hội đang phục hồi mạnh mẽ và đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của nhân dân. Nhưng bên cạnh những mặt tích cực đó, lễ hội truyền thống đang bộc lộ nhiều mặt tiêu cực, những hiện tượng và hoạt động lệch chuẩn, làm vẫn đục ý nghĩa trong sáng vốn có của hoạt động tinh thần cần thiết này. Đó là một thực tế và chỉ khi trong lễ hội truyền thống thực hành tốt những chuẩn mực xã hội, đẩy lùi và loại bỏ những lệch chuẩn thì mới có thể phát triển tốt lễ hội truyền thống, làm lành mạnh môi trường văn hóa đặc biệt này. Do vậy ngoài việc phát huy thế mạnh và các yếu tố tích cực, việc quản lý, uốn nắn những hoạt động lệch chuẩn trong lễ hội truyền thống tại đền Đức Hoàng đang đặt ra thành vấn đề hết sức cấp thiết.
          Hai là: Khắc phục các  tồn tại sau:
          * Sự lệch chuẩn trong sinh hoạt lễ hội Đức Hoàng đang được thể hiện như:
          - Khôi phục lễ hội còn máy móc, nguyên sơ, pha tạp, hoặc tự nhiên chủ nghĩa, làm xảy ra tình trạng gò bó, cứng nhắc, thả nổi điều hành nội dung lễ hội, làm nảy sinh nhiều tư tưởng, có hiện tượng gây bè phái, cục bộ...
          - Các điều liện cần thiết phục vụ cho lễ hội không đảm bảo, như sân bãi, không gian chật, điện chiếu sáng, các dịch vụ phục vụ du khách...
          - Chưa có sự nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng về hệ thống cấu trúc lễ hội, các thành tố lễ hội, cách thức và diễn trình một lễ hội... Một cách chặt chẽ và sâu sắc, nên việc tổ chức lễ hội còn tự phát rơi vào tùy tiện, khiến cho lễ hội không đạt tới tầm vóc, cũng như mục đích văn hóa tối thiểu của nó.
          Hiện tượng lợi dụng lễ hội để kinh doanh thiếu tổ chức, tính chất thương mại hóa trong các hoạt động lễ hội gia tăng, kể cả trong sinh hoạt lễ nghi và phần hội, gây phản cảm trong dư luận, khiến người dự hội không hài lòng. Làm cho không khí lễ hội bị biến chất và giảm thiểu giá trị của nó.
          Hiện tượng cướp dật, móc túi, đội mũ ăn xin còn xuất hiện trong các kỳ lễ hội.
          Dịch vụ văn hóa trong các kỳ lễ hội chưa được tổ chức đúng mức để phát huy thế mạnh vốn có của mình.
          Hiện trạng mê tín, dị đoan vẫn còn tồn tại và phát triển qua các kỳ lễ hội như xóc thẻ, lấy lá số đang gây nhiễu loạn trong lễ hội, làm ô nhiễm môi trường lễ hội truyền thống.
          Tất cả những điều đó đã đặt ra cho công tác quản lý văn hóa nói chung và quản lý lễ hội nói riêng những tình huống, những vấn đề cần giải quyết. Tìm hiểu, phân tích rõ nguyên nhân, thực trạng của sự tồn tại, phát triển của hoạt động lệch chuẩn này, từ đó tìm ra các biện pháp hữu hiệu, giúp cho công tác chỉ đạo và công tác tổ chức lễ hội đạt tới mục lễ hội truyền thống.
          Ba là:  Tìm các nguyên nhân tồn tại trong lễ hội:
          Nguyên nhân thứ 1. Công tác chỉ đạo các hoạt động thực tiễn tại lễ hội chưa được đúng mức, chưa đúng hướng.
          Nguyên nhân thứ 2. Do sự thể hiện nhu cầu tâm lý phức tạp của công chúng tham gia lễ hội. Đây là một vấn đề cần điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng để đáp ứng nhu cầu hợp lý và loại trừ những nhu cầu bất hợp lý.
          Nguyên nhân thứ 3. Hình thức và nội dung của lễ hội chưa thực sự hấp dẫn trong cả nghi lễ và hội hè, kiến cho người dự lễ hội đi vào hoạt động lệch chuẩn, ăn theo lễ hội.
          Nguyên nhân 4. Do thói quen cố hữu tiểu nông, nên trong phần lớn người dự lễ hội, biểu hiện thiếu ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan. Tính tuân thủ pháp luật, pháp quy, quy ước còn thấp kém, pháp luật chưa được thực sự trở thành công cụ hữu hiệu quản lý nhà nước, của bộ máy quản lý và tổ chức lễ hội.
          Nguyên nhân thứ 5. Tình trạng tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, kiến cho lễ hội trở thành mảnh đất  màu mỡ phù hợp với hoạt động mê tín buôn thần bán thánh...
          Để làm đổi mới công tác quản lý nhà nước về lễ hội truyền thống tại đền Đức Hoàng với mục đích vừa phát huy tính tích cực lớn lao của lễ hội đối với đời sống tinh thần của nhân dân, vừa loại trừ các biều hiện các hoạt động lệch chuẩn, trong các kỳ sinh hoạt lễ hội truyền thống, các tổ chức cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, an ninh và những người chịu trách nhiệm tổ chức thực hành lễ hội cần chú trọng đến hàng loạt vấn đề đang nảy sinh trong công tác quản lý lễ hội, từ đó đưa ra các chính sách và các giải pháp cụ thể như sau:
          Giải pháp thứ nhất: Làm rõ khái niệm tôn giáo, tín ngưỡng, mê tín, dị đoan.... để làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân hiểu được quan niệm chính thống, mang tính nhà nước để nhân dân hiểu được và nhận định được các hành vi thuộc dạng nào trong thực hành lễ hội .
          Giải pháp thứ 2: Xác định lễ hội đền Đức Hoàng là lễ hội truyền thống, trên tinh thần của đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", nên công tác chỉ đạo cần bám sát chủ đề để chỉ đạo đúng nội dung, đúng mục đích đó.
          Giải pháp thứ 3: Hàng năm xây dựng kế hoạch tài chính để chi cho hoạt động lễ hội như, chi cho công tác quảng bá, tuyên truyền; chi các giải hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao...bên cạnh đó cần chú trong và đề cao công tác xã hội hóa thực hành lễ hội, bằng cách, tự người dân quyên góp kinh phí, nhân tài, vật lực cho tổ chức lễ hội, sử dung tốt nguồn vốn thu được qua dịch vụ để tái đầu tư, tôn tạo di tích, ngăn ngừa xu hướng thương mại hóa lễ hội, gắn việc tổ chức lễ hội truyền thống với việc bảo vệ cảnh quan, môi trường, giữ gìn phong tục, tập quán tốt đẹp của người dân.
          Giải pháp thứ 4: Động viên tuyền truyền giáo dục người dân về pháp luật trong sinh hoạt về lễ hội, về những gì làm được và không làm được trong thực hành lễ hội, về cái hay, cái đẹp, cái xấu, cái giở... trong lễ hội để người dân tự giác hướng theo cái đẹp, cái phù hợp với chuẩn mực, cái được pháp luật cho phép và tránh xa các tệ nạn xã hội đã và đang lẫn khuất hay xuất hiện trong các kỳ lễ hội.
          Để cho lễ hội truyền thống đền Đức Hoàng thực sự trở thành ngày hội lớn, với đầy đủ ý nghĩa tốt đẹp vốn có của nó, các cơ quan quản lý phải có những chính sách, những phương thức cụ thể, phù hợp với thực tiễn, đề cao những chuẩn mực, phê phán những lệch chuẩn, tạo cho người dân môi trường đặc biệt, trong lành, để họ được vui chơi, tu dưỡng thực hành nghi lễ, hoàn thiện nhân cách con người.
          Ngày nay đất nước ta trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hòa nhập và phát triển cùng nhân loại, công tác cải tiến lễ hội trong nhịp sống ngày nay không thể không lưu giữ các loại hình văn hóa dân gian và còn dần từng bước có thể đưa các hoạt động cải tiến khoa học mang tính công nghiệp vào, nhằm làm tăng thêm sắc màu cuộc sống, với mục đích làm cho nhân dân quen dần với xã hội phát triển, giao lưu trên tinh thần phát triển và hòa nhập.
          Lễ hội truyền thống tại đền Đức Hoàng không thể tách rời màu sắc dân cư lao động nông nghiệp trên địa bàn huyện Yên Thành, các tục, các trò, các sinh hoạt khác tại lễ hội đều phản ánh sắc thái và diện mạo của nông dân lao động, chưa thoát ra khỏi cái nôi nông nghiệp, chưa thể phản ánh sắc thái, diện mạo của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Để duy trì và phát triển lễ hội cổ truyền tại đền Đức Hoàng với mục đích là nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân lao động, thông qua các hoạt động tại lễ hội phải làm cho quần chúng vừa được tham gia, vừa được sáng tạo trong lao động nghệ thuật. Với phương pháp đó sẽ góp phần thu hút đông đảo quần chúng nhân dân lao động tham gia ngày càng đông đúc hơn và lễ hội ngày càng có ý nghĩa sâu sắc hơn. Lễ hội truyền thống tại di tích lịch sử Đền Đức Hoàng, luôn thu hút đông đảo nhân dân tham gia bởi: Các yếu tố tâm linh, tín ngưỡng tại di tích là những nhân vật, những vị thần mà nhân dân ngưỡng vọng đều gần gũi với cuộc sống của nhân dân và chính đó là yếu tố tiên quyết để thu hút nhân dân đến tham gia lễ hội bởi đã được nhân dân hiểu sâu sắc.
`                                                                 
                                                                                                        
 

Lê Xuân Nhương

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây