Môtíp “thử tài kén rể” trong văn học Dân gian Thái ở Nghệ An

Thứ tư - 14/08/2024 23:10 0
1. Nhập đề
1.1. Khái niệm
Môtip nghĩa là “mẫu đề” (do người Trung Quốc phiên âm chữ Motif trong tiếng Pháp), có thể chuyển thành các từ “khuôn dạng” hoặc “kiểu” trong tiếng Việt, nhằm chỉ những thành tố, những bộ phận lớn hoặc nhỏ đã được hình thành ổn định bền vững và được sử dụng nhiều lần trong sáng tác văn học nghệ thuật dân gian. Khái niệm môtip thường đi liền với khái niệm typ, tuy nhiên các nhà nghiên cứu văn học đã tương đối thống nhất gọi chung là môtip với hai khía cạnh biểu hiện cơ bản. Thứ nhất, được hiểu theo nghĩa là “hạt nhân” của cốt truyện, là cái “công thức” mà từ đó cốt truyện được triển khai. Thứ hai, được hiểu là yếu tố hợp thành của cốt truyện, là những mẫu truyện có chung một cốt kể giống nhau và được lặp đi lặp lại” (1).

Những nét đặc sắc của văn hóa người Thái qua tác phẩm “Văn hóa Thái - tìm hiểu và khám phá”
Văn hóa Thái - tìm hiểu và khám phá (tập 5);                    Ảnh: nguồn https://nhaxuatbannghean.gov.vn/
          1.2. Tư liệu
          Kho tàng văn học dân gian của dân tộc Thái ở Nghệ An, tất nhiên là rất phong phú, rất đồ sộ. Nhưng rất tiếc là ta chưa sưu tầm và công bố được nhiều. Xét theo chủ đề của bài viết, “nguồn” đầu tiên phải tìm hiểu là truyện cổ tích; sau đó là truyện thơ, sử thi…. Tuy chưa có tư liệu thật dồi dào, nhưng chúng tôi cũng đã có những tài liệu cần thiết để khảo sát và rút ra được một số kết luận.
          2. Môtíp “thử tài kén rể” trong văn học dân gian Thái ở Nghệ An
          Ngày xưa, khi các cô gái có thể lấy “vật” làm chồng, thì trong bản Thái nọ ở bên dòng sông Nặm Pao (sông Lam) vùng huyện Tương Dương bây giờ, có nhà kia có 9 người con gái. Tất cả chưa ai lấy chồng, mà cha mẹ thì đã già. Một này nọ, cha mẹ bảo các con đi kiếm chồng. 8 cô chị đi và đã lấy được chồng, chỉ còn lại người em út. Cô cũng đã đi nhiều lần mà lần nào cũng chỉ gặp một con cáo. Cuối cùng, cô nghĩ chắc là “duyên số trời định” của mình như vậy, nên đã lấy cáo làm chồng, gọi chàng là Tạo Nhến (chàng cáo). Chàng rể cáo đêm đêm dậy đi kiếm ăn, ban ngày thì ngủ khì, khiến cả nhà không ai chịu được. Ông bố vợ liền nói: “Chúng mày đi đâu thì đi, không thể ở trong nhà này được”. Người con gái út đành phải gạt nước mắt theo chồng đi ra khỏi nhà. Sáng hôm sau, mọi người nhìn sang bên kia sông Nặm Pao, thì thấy có một ngôi nhà mới. Đó là nhà của vợ chồng Tạo Nhến. Người bố già muốn trao quyền “thừa kế nhà cửa, của cái” cho các con nhưng không biết trao cho ai, bèn nghĩ ra cách thử tài các chàng rể: “Bố mẹ muốn ăn thịt “trong hốc”, uống nước trên “núi đá”, uống nước "lên dốc xuống dốc". Ai mang được những thứ ấy về trước thì bố mẹ trao quyền thừa kế cho”. Các chàng rể nghĩ: “thịt trong hốc là chồn trong hang”, liền đi tìm chồn để đào; “nước trên lèn đá tức là nước chảy ra từ núi đá”, liền trèo lên núi đá cao để hứng nước về; nước "lên dốc xuống dốc nghĩa là nước suối trong rừng”, liền đua nhau mang ống bương vào rừng múc nước suối. Nhưng tất cả những thứ ấy mang về đều không phải là những thứ ông bà kia mong đợi. Cuối cùng, chàng Tạo Nhến mang đến “ốc xào, mật ong và rượu cần”. Đúng các thứ ông bà ấy “thử”. Quyền thừa kế được trao ngay cho Tạo Nhến. Mọi người hết sức bực bội. Nhưng chợt chàng lột bỏ bộ quần áo cáo ra, thành một chàng trai khoẻ đẹp, thì mọi người hết sức ngạc nhiên, trầm trồ, khâm phục, vui lòng (2). Tạo Nhến đã thắng bằng “trí”. Lại có một truyện nữa. Thuở ấy ở Mường Tốn (huyện Quế Phong) có ông Khún nhà giàu là người rất thích nghe kể chuyện. Mấy đứa con gái lớn của ông đã lấy chồng, chỉ còn lại một cô gái út (lại “người con gái út”). Ông chưa tìm được chàng trai nào giỏi kể chuyện để gả người con gái ấy cho. Ông nói ra “điều kiện” đó, hôm sau đã có ba anh con trai đến nhà để “thử tài”. Anh thứ nhất kể câu chuyện nhạt phèo, ngắn ngủn. Thất bại. Anh thứ hai kể một tràng rồi im bặt, không có gì để nói nữa. Cũng thua. Đến lượt anh chàng thứ ba. Anh này kể câu chuyện như sau: "Phía mặt trời mọc có một tổ kiến. Phía mặt trời lặn có một kho thóc. Con kiến “chúa” ra lệnh cho đàn kiến “quân” chuyển hết kho thóc về tích trữ, đề phòng mùa mưa lụt sắp đến. Con thứ nhất chuyền hạt thóc cho con thứ hai; con thứ hai chuyền hạt thóc cho con thứ ba; con thứ ba chuyền hạt thóc cho con thứ tư; con thứ tư…". Cứ thế, chàng trai kể từ sáng đến trưa. Rồi từ trưa đến tối. Lại từ tối đến khuya vẫn chưa hết chuyện… Ông Khún liền “chấm” chàng trai này là “đạt”. Chàng trở thành con rể và được ông trao quyền thừa kế cho (3). Nhân vật này cũng thắng, nhờ “trí”.
Đó là chuyện ở Mường Đất. Giờ kể sang chuyện Mường Trời. Ngày xưa ở mường Chăm Pa (vùng huyện Tương Dương), có hoàng tử Xứ Thôn “lấy được” nàng Nô Hoa là nàng tiên “Mường Trời” Chóm Lạt. Họ yêu thương nhau, sống cuộc đời hạnh phúc. Nhưng bỗng bản mường có giặc. Hoàng tử phải cầm quân ra trận. Ở nhà các “phi” (vợ) của Hoàng tử do ghen tị với “nàng tiên” đã “đặt điều dựng chuyện”, nói xấu nàng. Nào là nàng là “ma”, nào là vì nàng mà giặc đến cướp phá bản mường… Họ thậm thụt với thầy Mo. Thầy Mo lại ton hót với Hoàng đế. Nhà vua đã xuống lệnh giết nàng. Rất may là có Hoàng hậu rất thương nàng đã báo cho nàng biết, trả lại bộ cánh cho nàng để nàng bay về trời. Trước khi đi, nàng đã gửi lại cho Hoàng tử chiếc nhẫn. Sau nhờ có chiếc nhẫn này (nhẫn thần) mà chàng đã vượt qua muôn vàn khó khăn mà đến được với nàng. Khi đến mường Chóm Lạt, chàng thấy có “một bà già cùng đám gái” ra bến sông múc nước. Chàng lân la đến hỏi dò, thì được biết, họ múc nước về cho nàng Nô Hoa, vì nàng mới trở về từ Mường Đất, vua cha tổ chức lễ “buộc vía” mừng nàng. Chàng liền nẩy ra ý định hay, đến xin uống nước trong ống bương của họ và nói: “Đi về cẩn thận, dọc đường có trâu húc nhau”. Họ gặp trâu húc nhau thật, vứt hết ống nước chạy, sau phải quay lại múc nước lần thứ 2. Lần này chàng cũng lại xin uống nước và nói: “Đi về cẩn thận, có bầy ngựa đương phi”. Họ lại gặp đoàn ngựa phi lại thật, mọi người vứt ống bương tránh, phải quay lại múc nước lần 3. Lần này chàng lại đến xin uống nước và lén bỏ chiếc nhẫn của nàng Nô Hoa vào ống nước của bà già. Về đến nhà, bà già đổ nước ra thau cho nàng Nô Hoa rửa, thì nàng thấy có chiếc nhẫn. Nàng nhận ra chiếc nhẫn của mình, biết là chồng đã đến tìm. Nàng “ngất đi, mê man”, tỉnh lại nàng hỏi những người đi múc nước đã gặp ai, hình dáng người thế nào… Nghe họ nói, nàng biết đích xác đó là chàng rồi. Nàng bảo bọn hầu gái ra xác minh lại, thì đúng là chàng Xứ Thôn thật. Nàng Nô Hoa lạy cha mẹ, nói rằng nàng và chàng đã trở thành vợ chồng, xin đừng đuổi chàng đi, xin đừng giết chàng… Người mẹ băn khoăn: “Làm sao mà Xứ Thôn từ mường Đất lên được? Chàng có tài gì?”. Bà ra tận nơi, Liền chỉ xuống hòn đá to bến nước/ Bảo Xứ Thôn: "Nhấc thử lên xem/ Nhấc lên được thì gả con gái quý"/ Tạo Xứ Thôn truyền phép vào tay/ Chàng cúi xuống, chỉ dùng ngón út/ Chọc lõm vào tảng đá nhấc lên/ Ném khối đá xoay tròn trên bãi/ Mọi người nhìn, kinh ngạc, đứng ngây/ Người mẹ vẫn đương còn chưa phục/ Lại nghĩ thêm lần nữa thử tài:/ "Ngọn núi đá ngất trời đứng đó/ Hãy phá tan biến thành ruộng phẳng bằng/ Thì mẹ chấp nhận con làm rể"/ Tạo liền bảo các quan cùng đầy tớ/ "Nếu sợ hòn núi lở đá tan/ Thì hãy đóng cửa nhà cho kín!"/ Dứt lời, bão nổi lên, mưa xối/ Sấm gầm lên, chớp giật, núi tan/ Biến thành ruộng “vạn bờ, trăm khoảnh”/ Tất cả thấy bắt đầu run sợ/ Bấy giờ vua phải chịu nghe con/ Sai đầy tớ ra mời chàng Tạo”. Vua cha chấp nhận làm lễ “buộc vía” cho chàng Xứ Thôn và nàng Nô Hoa. Nhưng ông chưa thật chấp nhận chàng là “rể” và còn muốn “thử tài”. Tan cuộc, ông bảo chàng về buồng ngủ. Trong buồng có bảy người con gái (nàng Nô Hoa và 6 người chị)/ Thò ngón tay như đúc giống nhau/ Vua bảo Xứ Thôn vào chỉ đúng/ Nàng Nô Hoa thì gả nàng cho”. Cần phải có “người giúp”. Chàng chắp tay thầm gọi Then Ín (thần cai quản cả Mường Trời) giúp/ Để chàng “cầm” đúng tay nàng Nô Hoa/ Chàng hứa sẽ tế trâu Then hưởng/ Then Ín nghe, ra tay hoá phép/ Bàn tay nàng xinh đẹp hẳn, như tiên/ Tay phát sáng, nàng Nô Hoa chờ đợi/ Tạo biết nàng nên “chỉ” đúng ngay”. Vua lại nghĩ ra bài thử mới/ Làm cách chi cho dừa quả trên cây/ Trong một lúc cùng rơi xuống đất/ Rồi lại văng trở lại đúng buồng/ Không làm được thì Ngài không gả/ Gươm sắc này chém phăng cổ nhà ngươi!/ Tạo hoá phép nổi cơn giông tố/ Dừa trên cây rụng sạch không còn/ Rồi lại tự văng lên cây cả/ Vua tức lắm nhưng chẳng làm chi được/ Liền nghĩ ra một cách nữa thử chàng/ Ba ngàn trâu nhốt trong chuồng rộng/ Thả đi ăn ở vạn khu rừng/ Hãy lùa chúng về cho đông đủ/ Hãy lùa về đúng cọc đúng dây/ Trâu lùa về không lạc một con/ Nếu trâu lạc thì ngươi phải chết!”. Tạo cầu khấn thần Chông hoá hổ/ Giúp Tạo xua trâu chạy về chuồng”. Đàn muỗi dĩn đậu sừng trâu về bản/ Giục trâu về đúng cọc đứng chuồng/ Tạo buộc lại, một con không thiếu/ Vưa chưa chịu, còn nghĩ ra một kế:/ "Vãi ba gùi hạt vừng/ Tung ba nong hạt kê/ Khắp rẫy rộng, vạn nương, ngàn đồi/ Bắt Tạo nhặt hết về cho đủ/ Không làm được, con gái ta không gả/ Tính mạng Tạo cũng không toàn vẹn!". Chàng bật khóc, khấn nhờ Then giúp/ Ngửa hai tay xin Then Ín giúp chàng/ Xin ngàn vạn loài chim rừng núi/ Nhặt giúp về những hạt vừng, kê”.Vua lớn nghe cay đắng trong lòng/ Nghe khó xử nhưng biết làm gì nữa?/ Phải cho “chàng - nàng” ở chung buồng”. Hai vợ chồng xin phép vua cha trở về Mường Đất. Bấy giờ vua dặn dò chàng rể/ Cùng với người con gái Nô Hoa:/ “Phải thận trọng khi qua trời hiểm/ Ba ngày qua Nhản Phạ (sông), trên đường/ Bọn Khú (rồng) chỉ muốn nàng ở lại”. : “Bố ban phép cho con đưa xuống”.Một ngày mặt trời lên, trưa nắng/ Rồng đã nằm chờ sẵn chỗ hồ sâu/ Tạo cảnh giác sẵn sàng ứng biến/ Cầu khấn chủ mường trời - Then Ín/ Cả thần sông, thần núi giúp chàng/ Và người vợ, nàng Nô Hoa gái út/ Cũng giúp chàng một kế phòng thân/ Giấu quả chuối và một con dao sắc/ Đưa cho chàng và dặn kỹ càng”.Hôm đó Tạo xuống đến nơi hồ rộng/ Nước phụt lên, trời như nổi bão giông/ Dân khắp mường ngó mà sợ hãi/ Vừa lúc chàng tọng mồm rồng quả chuối”. Hai người an toàn trở về mường Chăm Pa. Nên chồng vợ ấm êm nhà cửa” (4). Như vậy, chàng Xứ Thôn đã chiến thắng là nhờ đủ cả “trí”, “lực”, và cả sự “giúp đỡ” của người ngoài, thế lực ngoài nữa.
          3. Kết luận
          Văn học dân gian Thái ở Nghệ An, cũng có đặc điểm chung của văn học dân gian cả nước và thế giới. Đó là sử dụng môtíp “thử tài kén rể”. Trong đó nhân vật dùng “trí”, dùng “lực” và cả sự giúp đỡ của các thế lực siêu nhiên ở bên ngoài. Đó là một đặc điểm nghệ thuật “đắt giá”. Nó làm tăng độ “hấp dẫn” và giá trị phổ quát cho tác phẩm. 

Chú thích
(1). Hán Thị Thu Hiền, Những ảnh hưởng của văn học dân gian trong một số truyện nôm bình dân, (Luận văn, “Chương 3, mục 3.2.1)/ https:// 123docz.net/trich-doan/1145281-motip-va-ve-motip-trong-van-hoc-dan-gian.htm
(2). QuánVi Miên (2016), Văn hóa dân gian Thái vùng sông Nặm Pao, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr. 328 - 335.
(3). Quán Vi Miên (2010), Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số Nghệ An, Nxb. Đại học Quốc Hà Nội, tr. 229 - 230.
(4). Quán Vi Miên (2013), Lai xứ thôn/ Chàng Xứ Thôn, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
Tài liệu tham khảo
(1). Nguyễn Đổng Chi (2000), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
(2). Cầm Cường (1993), Tìm hiểu văn học dân tộc Thái ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
(3). Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn (2003), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
(4). Bùi Mạnh Nhị (2000), Văn học dân gian - Những công trình nghiên cứu, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
(5). Cầm Trọng (2005), Người Thái ở Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.


 

Quán Vi Miên

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây