Dòng họ Phan chi Văn Lâm

Thứ năm - 08/08/2024 01:01 0
Theo bài tựa gia phả họ Phan chi Văn Lâm thì dòng họ Phan bắt nguồn từ cụ Thuỷ tổ Phan Phúc Hạnh từ thôn Thuỵ Vân xã Cổ Ngu (nay là xã Lâm Trung Thuỷ, Đức Thọ, Hà Tĩnh) về nơi đây cư trú, khoảng những năm 1648. Nơi cư trú đầu tiên của ngài là ở xóm Thuỵ hay còn gọi là thôn Hậu, sau đó phát triển dần lên xóm Thộ (Thụ) hay còn gọi là thôn Tiền, và thành dòng họ lớn tại Văn Lâm ngày nay.
Từ ba vị Phấn lực tướng quân đời thứ 3
Tới thời Lê Trung hưng, dòng họ có ông Phan Kiêm Tài là hậu duệ đời thứ 3 (con trai thứ 2 của ông Phan Phúc Thiện, em trai ông Phan Danh Hiển) được triều đình sắc phong là “Tráng Tiết tướng quân, Thiên hộ chức”. Em trai của ông Phan Ngọc Trấn là Ưu binh thuộc cơ Phục Thắng, được sắc phong “Phấn Lực tướng quân, Tráng sĩ ty hiệu lệnh” vào ngày 26 tháng 02 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783). Cả 2 người con đời thứ 3 của dòng họ Phan đều là Ưu binh, đây cũng được xem là một dòng họ có dấu ấn đặc trưng của vùng quê Nghệ An trong lịch sử. Bởi Ưu binh là lực lượng binh lính làm nòng cốt cho việc “Phù Lê diệt Mạc”, nhà Lê Trung hưng tất nhiên phải tuyển lính ở ba phủ là Hà Trung, Thiệu Hóa và Tĩnh Gia thuộc hai địa phương Thanh Hóa và Nghệ An (bao gồm cả Hà Tĩnh ngày nay).
Theo Lịch triều hiến chương loại chí (phần Binh chế chí), thì lính của họ được chia làm hai loại: Loại tuyển ở vùng Thanh - Nghệ (vùng lập nghiệp của nhà Lê Trung hưng) gọi là Ưu binh (còn gọi là Thân binh), loại tuyển từ bốn trấn thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ ngày nay (vốn là vùng bị nhà Mạc chiếm giữ trong thời gian rất dài), thì gọi là Nhất binh (hay còn gọi là Thứ binh).
Tuy đều cùng là lính nhưng Ưu binh bao giờ cũng được hưởng chế độ đãi ngộ cao hơn Nhất binh bởi Ưu binh được thành lập sớm hơn, là lực lượng nòng cốt để đánh bại nhà Mạc, khôi nhà Lê. Sau khi nhà Mạc bị đánh bại, thì Ưu binh lại tiếp tục là lực lượng nòng cốt của triều Lê - Trịnh trong cuộc chiến “Trịnh - Nguyễn phân tranh” kéo dài gần  200 năm, và họ cũng là bộ phận đắc lực của chính quyền họ Trịnh trong các cuộc chinh phạt.
Ưu binh giúp vua Lê lấy lại ngôi báu, giúp chúa Trịnh củng cố quyền hành, từ đó trở đi vua chúa chỉ chọn thanh niên trai tráng vùng Thanh - Nghệ làm lực lượng nòng cốt cho mình. Với vị thế và công lao như vậy, Ưu binh có nhiều quyền lợi kèm theo như được cấp ruộng đất, và nhất là được ban cấp sắc phong (như sắc phong mà dòng họ đang lưu giữ).
Đặc biệt, hậu duệ đời thứ 3 họ Phan chi phái Văn Lâm là ông Phan Sài tên chữ là Như Vọng, tên hiệu là Hoa Sơn, vốn là nhà có gia thế, cũng là Ưu binh, được sắc phong Tráng tiết tướng quân, về sau ông có công đức với làng xã, nên 2 thôn Tiền và Hậu đều bầu làm Hậu thần. Hiện còn đền thờ tại quê nhà.
Đến hai bài ký văn xây dựng nhà thờ
Ngày 12 tháng 3 năm Nhâm Tuất niên hiệu Khải Định thứ 7 (1922), sau khi xây dựng xong nhà “Thượng đường”, dòng họ Phan chi Văn Lâm đã lập một bức hoành gỗ, ghi lại quá trình xây dựng. Hai năm sau đó, vào ngày 20 tháng 3 năm Giáp Tý niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924), dòng họ lại lập tiếp 1 bức hoành để ghi lại sự kiện. Trải qua 1 thế kỷ với bao thăng trầm của lịch sử và biến thiên của thời đại, nhưng những nét chữ trên 2 bức hoành này vẫn như còn tươi nguyên nét bút. Đây là một trong những số ít bộ “Mộc phả” tại Nghệ Tĩnh còn bảo lưu được nguyên vẹn, được xem như một cuốn sách ghi chép lại lịch sử các thế hệ của một gia đình hay họ tộc. Chúng tôi xin được ghi lại nguyên văn cùng phần dịch nghĩa như sau:
祠宇上堂記文
聞之君子將管宫室尊庙為先所以聚祖考之精神亦以聚吳人之精神也我大尊祠堂祖伯謹而公供造規制漸已可觀尋因兵火煨燼日者暫構茅堂遞年敬祭屈於辰也嗣而祖考文亭壽叟公維善嘗留意攺構未果而終兹令胤總教川學台親其蕫事與族人籌誼摘取祭田花利置價取錢兑買材料構立祠宇上堂棟柱图物均用鉄林盖瓦切墻祭盘磗石旣垣墉又塗丹雘翼然有鳥革翬飛之体製所費盡銀三百元皆于公錢取給耳又有装添祭噐曽置祀田歲辰奉事誠先志也落成之日長幼咸集排次列坐長者語其少者曰我祠堂之設非從為美觀也惟念譜內生齒漸䌓根深末茂充闾肇慶文運方興皆承先人宿福之遺也茍非美奐美輪斯歌斯聚何以合敬愛而一人心肆今宫墻軒闊乃宇崇隆神祖是依昭穆咸在使宗族之人齋明盛服以承祭祀上以伸報本反始之誠下以翕恭敬齋荘之念今而[]念祖德修祖庙棟宇恢張垣墻[]父子兄弟共樂和平士農工商各勤職分于以延祖業於無窮詩曰子子孫孫勿替引之是我軰所厚望于將來也少者起拜曰唯夫流波縈舊浦落葉思本根凡物莫不有本况於人乎凡其事有最開於大理人心而不能冺滅者我祠堂謹而公創之于始維善圖之于中川學成之于終[]經締造幾費籌惟以有今日兒軰不才[]曰増光前烈[]思恪守成憲蚕枝求以[]成規焉斯已矣言訖長老賜之坐曰諸兒之言甚善遂書于祠堂之璧板
先祖考潘公字文通府君十一月初一日忌
祖妣潘公正室阮氏行二孺人四月初八日忌
先祖考潘公字文演號福善府君八月十八日忌   祖妣潘公正室武氏行一孺人六月二十一日忌
啟定七年歲在壬戌三月十二日本族奉記
Bài ký thượng đường nhà thờ họ
Từng nghe: người quân tử xem gia tộc và tôn miếu là điều (quan trọng) đầu tiên, ấy chính là (nơi) tụ hội tinh thần của tổ tiên, và cũng là tụ họp tinh thần của chúng ta vậy. Nhà thờ họ đại tôn ta trước đây do tổ bá là cụ Cẩn Nhi xây dựng quy chế, dần dà trở nên khả quan. Nhưng vì cái ngày mà binh hỏa thiêu rụi, nên dựng tạm bằng nhà lá, hàng năm tạm cúng tế ở đó vậy. Tiếp nối (việc này) là Tổ khảo Văn đình thọ tẩu Duy Thiện luôn để ý sửa sang dựng lại nhưng việc chưa thành thì tạ thế. Đến nay, dòng họ có người kế tục đức hạnh tốt đẹp là cụ Tổng giáo Xuyên Học đích thân đốc thúc công việc, cùng người trong họ trù tính và trích lấy hoa lợi từ ruộng tế, định giá lấy tiền đổi mua gỗ, xây dựng thượng đường nhà thờ. Cột trụ, đồ vật đều dùng gỗ lim, ngói vảy; tường thấp tường cao đều dùng đá khối; lại sơn màu xanh đỏ, lộng lẫy như cung điện. Chi phí tổng hết 300 quan, đều là tiền của cụ bỏ ra cả vậy. Lại thêm sơn đồ tế khí, thêm đặt ruộng tế để tháng ngày lo việc thờ phụng. Thực là (thỏa) chí của tiền nhân vậy. Ngày khánh thành, già trẻ đều tụ họp, theo thứ bậc mà ngồi. Bậc trưởng lão nói với bậc cháu con, rằng: nhà thờ dòng họ ta dựng nên, chẳng phải vì sự đẹp đẽ, mà chỉ nghĩ 1 điều rằng họ tộc sinh sôi dần dần cành tươi tốt rễ sum suê, nối đời nên phúc, văn vận dấy lên, ấy đều nhờ phúc ấm tổ tiên để lại cho vậy. Nếu chẳng phải giàu đẹp đường hoàng , họ hàng tụ họp  thì sao bao hàm sự kính trọng yêu thương vào lòng người được. Đến nay, cửa nhà rộng rãi, miếu mạo huy hoàng, bậc tổ tiên chắc cũng ngắm nhìn mà đẹp lòng đẹp dạ; lại cũng khiến cho người trong dòng họ chay tịnh nghiêm trang để kế thừa việc thờ phụng. Trên thì bày tỏ lòng thành không quên nguồn cội, dưới thì hòa hợp ý niệm cung kính nghiêm trang. Nay nghĩ nhờ phúc đức tiền nhân mà trùng tu được nhà thờ tổ, rường cột bền cao, vách tường đẹp đẽ, cha con anh em cùng vui hưởng hòa bình, Sĩ - Nông - Công - Thương  đều hết lòng với công việc (của mình), khiến cho sự nghiệp tổ tiên được lâu dài mãi vậy. Kinh thi có câu rằng: “Đời cháu cháu con con, đừng thay đổi việc đó”, ấy cũng là sự kỳ vọng lớn lao của chúng ta về mai sau vậy. Những người trẻ tuổi đều đứng dậy bái kính mà thưa rằng: “Than ôi! Dòng chảy vòng bến xưa, lá rơi nhớ về cội. Phàm là vật không loài nào là không có gốc, huống chi con người! Phàm là việc cũ đều mở ra lẽ lớn, thì lòng người không thể tiêu tan được vậy. Nhà thờ ta bắt nguồn vào ban đầu từ cụ Cẩn, xây dựng vào thời gian giữa bởi cụ Duy Thiện, và hình thành vào thời gian cuối bởi cụ Xuyên Học. Kinh phí xây dựng đều có sẵn. Nay, chúng cháu bất tài kính cẩn thưa rằng: làm rạng rỡ cho đời trước, gắng giữ gìn cơ nghiệp của tiền nhân. Những lời nói của các cháu thật thiện lành, bèn viết vào biển ngạch nhà thờ.
          Tiên tổ khảo Phan công tự là Văn Thông phủ quân, giỗ ngày mồng 1 tháng 11.
Tổ tỷ Phan công chính thất, Nguyễn thị hàng nhị nhụ nhân, giỗ ngày mồng 8 tháng 4.
Tiên tổ khảo Phan công tự là Văn Diễn, hiệu Phúc Thiện phủ quân, giỗ ngày 18 tháng 8.
Tổ tỷ Phan công chính thất, Vũ thị hàng nhất nhụ nhân, giỗ ngày 21 tháng 6.
Ngày 12 tháng 3 năm Nhâm Tuất niên hiệu Khải Định thứ 7 (1922). Dòng họ phụng ghi.
祠宇下堂記文
莫為之前𨿽美弗彰莫為之後雖盛弗傳誠哉是言也吳族祠宇上堂年前構作事完去年癸亥夏族內欽使座判事潘望之例得回舘休息秋七月接全權府雷叙東洋試中參佐榜五人望之與焉辰因秋祭參官升堂拜謁日者長幼咸詣祠堂陳詞 慶賀曰仰承祖尊培肇支族同榮故兹奕葉䌓昌芝蘭競秀當此學界文明風潮劇烈獨能舞臺馳驟争竟勝優此非邑里中一曠見族姓中一盛事乎謹奉横張一 幅致賀參官起敬曰兒不才慿藉宿福滥預歲科辱荷盛情敢不拜賜第念年來構造祠堂事屬囏大兒因連䆠不能與族人拾一塊土捧一丸磗賴在家伯叔兄弟同力合作現今祠堂整頓祀所端嚴規製諒已完好矣嫌列坐排行未免狹窄臨辰拜献未便趨蹌兒程家双堂出貲供造拜堂一屋蒙許可吳譜內列貴謂何請奉教族人同声應曰貴官誠有是心不勝含感嗣而參官抵莅承貴嚴堂兑買鉄木構作拜堂一座三間盖瓦列墻規制親巧工竣吿落又續供銅鉦一面以為祭噐族人咸喜舉酹慰謝曰昔高祖考玉琠公供田三高在同占處置為祭田顯祖考文亭壽叟維善公嘗留貯田栗以備構作之需猶赫赫然前日事今總教川學公承先志尽心籌扒迄用有成其子參佐官一初筮仕乃能樂出俸銀供造拜堂供薦祭噐所謂祖功尊德百世不迁孝子賢孫萬代如見斯言也可為貴家贈又可為吳族喜矣日月歲辰登拜坐次分明人固知參佐官之有好心而誰知其子如此以其父如此其孫如此以其祖如此乎為之前又為之後美益彰而盛益傳也爰書于板敢為參官一勸并為子孫曹一勸焉.
辰又誼修理堂中諸事族人樂供銀錢干并誌于后以垂永久.
計潘貫錢六貫潘禅一元五毛潘珠一元潘琰兄弟一元潘祥一元潘稔五毛潘祝二元潘柏銀一元潘堅二元潘篆一元潘制母子四元潘馥一元潘策一元
啟定九年歲在甲子三月二十日.

Bảng gỗ năm 1922                            Ảnh: Dòng họ cung cấp

Bìa ký hạ đường nhà thờ họ

Không có người mở mang ở đời trước, thì đẹp đẽ mấy cũng không thể rạng rỡ; không có người kế thừa ở đời sau, thì thịnh vượng mấy cũng không thể lưu truyền Thượng đường của nhà thờ của dòng họ ta năm kia xây dựng xong xuôi, năm ngoái mùa hè năm Quý Hợi, trong họ ta có Phán sự tòa Khâm sứ là Phan Vọng Chi theo lệ được về công quán nghỉ ngơi. Tới mùa thu tháng 7 thì tiếp đón Toàn quyền phủ Lôi Tự. Phan Vọng Chi là 1 trong 5 người thi đỗ Tham tá ở Đông Dương vậy. Bấy giờ nhân việc cúng tế vào mùa thu, quan Tham tá lên nhà thờ bái yết. Hôm ấy, người già trẻ nhỏ đều đến nhà thờ dâng văn chúc mừng, rằng: đội ơn tổ tông xây đắp mà cành rễ đều tươi, cho nên nay hậu duệ phồn vinh, cháu con rạng rỡ. Ấy nay văn minh của học giới đang có phong trào sôi nổi, nên chỉ có thể rong ruổi tranh cạnh hơn thua. Đó chẳng phải là 1 điều lớn lao trong làng xã, 1 việc trọng đại trong họ tộc ư? Vậy nên kính cẩn đề 1 bức hoành để kính tặng, quan Tham tá hết mực thành kính, thưa rằng: Cháu bất tài, duy chỉ nhờ vào phúc ấm, tuổi trẻ dự khoa trường, thừa hưởng thịnh tình há không bái tặng. Nghĩ rằng lần xây dựng nhà thờ năm này, thật nhiều gian lao, cháu vì công việc không thể cùng người trong họ bạt một khối đất, nâng một viên ngói, mà nhờ cậy ở sức lực của tất cả bác chú anh chị ở nhà. Hiện nay nhà thờ được xây dựng, việc thờ cúng đã trang nghiêm, quy chế mọi điều đã nên hoàn hảo. Chỉ hiềm các chỗ bài trí không khỏi nhỏ hẹp, gặp khi cúng bái chưa tiện đi lại. Cháu thể theo ý nguyện của bố mẹ xuất tiền của cúng tạo 1 nhà bái đường, kính cẩn vâng theo những điều lệ định gia phả họ ta. Người trong họ tất cả đều hưởng ứng, rằng: quý quan có tấm lòng thành này thật cảm kích xiết bao. Kế tục việc này, quan Tham tá thực hiện theo ý nguyện của cha mua gỗ lim xây dựng 1 tòa bái đường gồm 3 gian, ngói và tường bao thì chọn thợ giỏi để làm. Lại tiếp tục cúng thêm 1 cái chiêng đồng để làm đồ tế khí. Họ ta ai ai đều hớn hở mừng vui, đều thể hiện sự cảm tạ, rằng: xưa cụ Cao tổ khảo Ngọc Điển cúng 3 sào ruộng ở xứ Đồng Chiêm, để làm ruộng tế. Hiển tổ khảo Văn đình thọ tẩu là cụ Duy Thiện thường lưu trữ lúa ruộng để chuẩn bị cho việc  xây dựng, việc ấy thật là tốt đẹp vậy. Ngày trước nghĩ về việc cụ Tổng giáo Xuyên Học kế thừa ý nguyện cha ông đã tận tâm đốc thúc mọi việc đã thành, người con là quan Tham tá 1 lần xem chiêm bốc thì mới có thể tiến hành mọi việc, lại xuất tiền bổng lộc cúng vào xây dựng bái đường, cung tiến đồ tế khí, thực đúng là: công đức tổ tông muôn thuở không thay, con hiếu cháu hiền ngàn năm vẫn thấy. Nay những lời này có thể là quý nhà cúng tặng, lại có thể là niềm vui của họ ta. Hôm nay tháng ngày lên đây bái cúng, thứ tự rõ ràng, mới biết quan Tham tá có tấm lòng tốt đẹp mà ai biết được người con như thế bởi người cha như thế, người cháu như thế bởi tổ tiên như thế chăng! Làm ra bởi người xưa, nhưng cũng là làm ra cho mai sau. Đã đẹp đẽ lại huy hoàng, đã thịnh vượng lại lưu truyền muôn thuở vậy. Bèn viết vào đây để như khuyến khích quan Tham tá, và cũng là khuyến khích cháu con vậy. Ngày tháng tu sửa xây dựng nhà thờ, người trong họ vui vẻ cung tiến tiền bạc bao nhiêu đều khắc vào như sau để lưu truyền muôn thuở.
Kê: Phan Quán tiền 6 quan.
Phan Thiền 1 nguyên 5 mao.
Phan Châu 1 nguyên.
Anh em Phan Diễm 1 nguyên.
Phan Tường 1 nguyên.
Phan Nhẫm/Nẫm 5 mao.
Phan Chúc 2 nguyên.
Phan Bách tiền 1 nguyên.
Phan Kiên 2 nguyên.
Phan Triện 1 nguyên.
Mẹ con Phan Chế 4 nguyên.
Phan Phức 1 nguyên.
Phan Sách 1 nguyên.
Ngày 20 tháng 3 năm Giáp Tý niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924)

Bảng gỗ năm 1924                                  Ảnh: Dòng họ cung cấp

Người mở mang danh tiếng dòng họ

Qua 2 biển ngạch trên, chúng ta thấy bài văn ghi nhận và truyền đạt thông tin về nguồn gốc, lịch sử của gia đình và họ tộc với những sự kiện liên quan, từ đó giúp con cháu hiểu rõ về quá khứ, truyền thống và tự hào về dòng họ mình. Người khởi xướng xây dựng nhà thờ là cụ Phan Chính (đời thứ 6) tên hiệu là Duy Thiện thường gọi là Can Cầu, còn người đầu tiên xây dựng quy chế (những điều lệ định dòng họ là cụ Phan Cẩn Nhi (đời thứ 6). Ở đời thứ 7, dòng họ có Cụ Phan Hải (1870-1946) tự là Xuyên Học, thường gọi là Cố Cụ, vốn là một nhà nho, thầy địa lí nổi tiếng trong huyện. Năm 1917, Văn hội Tổng Văn Lâm họp quyết định làm nhà Thánh Tổng tại xứ Cồn Miệu, Văn Lâm. Tổng hội bầu cụ Phan Hải làm Hội trưởng, kiêm Trưởng ban kiến thiết nhà Thánh Tổng. Cụ đã cắt 3 sào ruộng của mình để tặng Tổng Văn Lâm làm nhà Thánh. Nhà Thánh tổng gồm 2 nhà, một nhà để thờ các vị tiên hiền đỗ đạt cao trong Tổng, một nhà để sinh hoạt, hội họp, tế lễ. Trong thời gian làm Tổng giáo, cụ đã giúp làng xã làm được nhiều việc có ý nghĩa và nhân văn, để lại tiếng thơm cho đến ngày nay, làm cho họ Phan trở thành dòng họ lớn mạnh trong làng được cả huyện, cả tỉnh biết đến.

Cụ Phan Vọng Chi (1898 - 1955)                             Ảnh: Dòng họ cung cấp

Cả gia đình một lòng theo cách mạng

Con trai đầu của cụ Phan Hải là Phan Dương (1898-1955), hiệu là Vọng Chi, thuộc đời thứ 8. Trong bài ký văn năm 1924 cho chúng ta biết cụ là một trong 5 người thi đỗ Tham tá ở Đông Dương. Năm 1925, cụ sang Lào buôn bán, nhờ có học vấn và giỏi tiếng Pháp, năm 1927, cụ được tuyển làm công chức. Năm 1930, cụ được bổ nhiệm làm Tham biện Toà sứ (như Chánh Văn phòng bây giờ) của Pháp tại Vientiane.
Cuối năm 1929, ông gặp Thái Mười (liên lạc của tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Thái Lan), nhận ra đó là “người nhuộm vải” ở quê, từng qua lại thăm cha mẹ mình (mẹ ông là Thái Thị Kiều gọi Thái Mười là chú ruột). Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông Thái Mười đóng vai là “người nhuộm vải” đến các thôn xóm rao nhuộm, mục đích là tìm hiểu thăm dò, kết nối những người yêu nước.
Được biết có một tổ chức cách mạng của Việt Nam đang hoạt động tại Thái Lan, ông Phan Dương nhận làm đầu mối liên lạc và nơi trú chân cho người của tổ chức qua lại giữa Lào và Thái Lan. Ở trong nước, từ năm 1930 và suốt năm 1931 về sau, bị Pháp và tay sai đàn áp, cụ đã bảo lãnh cho hàng chục người từ Đức Thọ sang tránh khủng bố trắng của kẻ thù, trong số đó có những người ở làng Thái Yên vừa thoát khỏi mấy trận càn của Pháp ở đồn Lạc Thiện hồi tháng 4, tháng 5/1931. Về sau, số này được ông giúp lập một tổ mộc, dần dần phát triển thành xưởng mộc tạo kế sinh nhai. Ngày nay, con cháu của họ ở Thái Yên còn nhắc đến công ơn của ông.
Tại Toà sứ Pháp, ông biết dân ta khu vực miền Trung vượt biên sang Lào khá đông để tránh bị áp bức và khủng bố của Pháp. Ông đề xuất và được Khâm sứ Pháp phái đi nắm tình hình các địa phương Lào có chung biên giới với Việt Nam từ Hà Tĩnh trở vào để nắm thực trạng, tìm cách cứu giúp đồng bào.
Trong năm 1931, ông ba lần đi Savanakhet (giáp tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế), khảo sát vùng Mường Phìn, Sê Pôn, Bản Đông dọc đường 9 và xuống Păc Xế - Hạ Lào (giáp tỉnh Quảng Nam, Kon Tum) nơi Pháp đã lập đồn điền cà phê. Ông thấy hàng ngàn bà con miền Trung sang Lào làm ăn đều là những người nghèo khó, cơ cực, trốn áp bức, khủng bố của Pháp và Nam triều, trong đó có những người cách mạng. Ông đã trực tiếp gặp một số quan chức Lào cấp dưới khuyên nhủ họ nên giúp đỡ “ải - noọng” Việt. Biết ông là người Toà sứ Viêng Chăn, lại là người Việt nên họ rất kính nể, nghe và làm theo lời ông.
Sau những chuyến khảo sát, ông làm tờ trình trình Khâm sứ Pháp về sự đói khổ, cùng quẫn của người Việt, kiến nghị không nên dùng biện pháp cai trị ngặt nghèo dẫn đến sự phản kháng của dân, dễ xẩy ra rối loạn, khó kiểm soát. Từ đó, việc cư trú của bà con ta tuy còn bất hợp pháp trên đất Lào nhưng làm ăn, sinh sống không đến nỗi cơ cực như trước.
Đầu năm 1932, ông nhận được tin Thái Mười đã bị Pháp và tay sai sát hại trên quê hương. Qua tiếp xúc với bà con Việt Nam sang lánh nạn, ông biết phong trào cách mạng trong nước đang rất khó khăn, phải hết sức thận trọng trong công việc và cần kiên nhẫn chờ thời cơ.
Năm 1938, Trần Đức Vịnh (đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương hoạt động trong Việt Kiều) quê làng Đông Khê (Đức Thủy, Đức Thọ) từ Thái Lan qua Viêng Chăn tìm đến xưởng mộc Thái Yên xin việc làm. Biết ông là người của tổ chức, Trần Đức Vịnh đã mạnh dạn nói với ông: “Thầy nên đứng ra vận động quyên góp, giúp đỡ người Việt ở Lào để bà con ta được nhờ”. Tết năm đó, nhân buổi họp mặt đầu xuân của bà con ta khu vực Viêng Chăn và một số từ Savanakhet, Thà Khẹt, Sầm Nưa về, Hội Ái hữu Việt Kiều ở Lào được thành lập, cử ông làm chủ tịch. Hội hoạt động đến sau tháng 8/1945.
Năm 1940, phát xít Nhật vào Đông Dương và kéo đến Viêng Chăn, người Pháp lép vế. Ông thôi việc đưa cả gia đình về thị xã Thà Khẹt mở tiệm buôn bán duy trì cuộc sống. Đầu năm 1943, ông bị quân Nhật bắt, chúng nghi ngờ ông về đây để hợp tác với những người cộng sản Đông Dương đang hoạt động mạnh ở Trung Lào. Sau hai tuần bị quản thúc, ông được thả về thì vừa lúc Trần Đức Vịnh tìm đến thông tin cho ông biết về tình hình thời cuộc của cách mạng Việt Nam. Theo ý kiến của Trần Đức Vịnh, ông sang Thái Lan thâm nhập đồng bào Việt kiều, chuẩn bị cơ sở để khi bất trắc, bà con ta ở Lào lánh sang có nơi nương tựa. Xong việc, trên đường 65 về, ông bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ nhưng nhờ đối đáp khéo léo, chúng không tra khảo được gì, trục xuất ông về Lào. Ông tiếp tục hoạt động trong phong trào Việt kiều và Hội Ái hữu cho đến khi Cách mạng tháng Tám thành công.
Trong hồ sơ thu được của mật thám Pháp hiện lưu trữ tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ An ninh, Bộ Công an có ghi: “Năm 1931, ông Phan Dương làm Tham biện của Toà sứ Pháp tại Viêng Chăn (Lào), có liên lạc với những tù cộng sản được tha ở quê, bị địch điều tra theo dõi vì tình nghi liên quan đến phong trào cộng sản ở SavanaKhet (Lào) và Quảng Trị”.
Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh xác nhận: “Năm 1931, ông làm Tham biện của Toà sứ Pháp tại Vientiane - Lào. Ông bị tình nghi có quan hệ với những người hoạt động cộng sản (trong tổ chức cộng sản Savanakhet và Pakse của Lào). Tháng 01/1932, Mật thám Pháp theo dõi và nghi ngờ Phan Dương tham gia vào hoạt động cộng sản ở tuyến Savanakhet - Quảng Trị”.
Đầu năm 1946, Phan Dương cùng gia đình trở về quê hương Đức Thọ. Ông động viên, bảo ban và nhắc nhở anh em, con cháu chăm chỉ học hành, sản xuất, tích cực góp phần giữ vững nền độc lập, tham gia kháng chiến chống Pháp xâm lược. Ông tạ thế năm 1955. Gia đình ông Phan Dương có nhiều người xuất sắc, có đóng góp cho cách mạng. Vợ ông là bà Trần Thị Ân được nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.
Em trai Phan Dương là luật sư Phan Nhuận, cử nhân Luật khoa và Văn khoa tại Pháp, làm việc tại Toà Thượng thẩm Paris với chức danh luật sư, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp nhưng trọn cuộc đời cống hiến cho Tổ quốc Việt Nam. Khi bị chính quyền thực dân đàn áp, Phan Nhuận phải ra nước ngoài. Nhờ anh trai trợ cấp, ông đã đến Paris theo học và năm 1938 đã có bằng cử nhân Luật, đồng thời có thêm bằng cử nhân Văn chương và Sử học. Sau khi tuyên thệ, luật sư Phan Nhuận được nhận vào Đoàn luật sư Paris ngày 30/11/1938.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, luật sư Phan Nhuận đã lên diễn đàn kêu gọi Pháp - Việt đoàn kết, ủng hộ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong chuyến thăm Pháp của Hồ Chủ tịch, ông đã tham gia tổ chức đồng bào Việt kiều đón tiếp, giúp đỡ phái đoàn chính phủ ta. Bản thân ông đã làm người phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một số lần cần thiết theo nghi thức ngoại giao.


Cụ Phan Nhuận (1914 - 1963)                    Ảnh: Dòng họ cung cấp

Trong buổi kỷ niệm đầu tiên quốc khánh nước ta, ngày 2/9/1946, được Việt kiều tổ chức tại Paris, có mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã thay mặt bà con phát biểu ca ngợi thành công của Cách mạng tháng Tám, sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, bày tỏ sự tín nhiệm và lòng trung thành đối với sự nghiệp của dân tộc, với chính phủ, với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau thời gian ngắn ngủi được gần Hồ Chủ tịch, luật sư Phan Nhuận càng tích cực tham gia công tác của phong trào Việt kiều yêu nước. Ông viết nhiều bài giới thiệu về Việt Nam, tuyên truyền cho nước Việt Nam mới trên báo chí Pháp, viết nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh, như: Hồ Chí Minh, nhà khổng học hay nhà mácxít; tham gia dịch, giới thiệu văn học Việt Nam cho bạn bè Pháp và các nước khác.
Trong hồi ký của giáo sư Đặng Thai Mai, Phan Nhuận còn gửi thư từ liên lạc với giới trí thức trong nước, đem những hiểu biết của mình đóng góp vào các chương trình xây dựng đất nước như dự án “Cải cách giáo dục từ cấp một, cấp hai, bậc đại học”. Ông còn gửi thư cho nhà thơ Nguyễn Đình Thi, khi đó là Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc, để đặt mối liên hệ tham gia công cuộc xây dựng nền văn hóa mới của dân tộc, đang được triển khai lúc bấy giờ.
Đặc biệt, ông từng phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp (khoảng tháng 10 năm 1946) trong những buổi tiếp xúc với khách quốc tế, là người đầu tiên dịch tập thơ “Nhật kí trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tiếng Hán ra tiếng Pháp. Ngoài bản dịch “Nhật ký trong tù”, Phan Nhuận còn dịch một số tác phẩm thơ dân gian Việt Nam và bắt tay vào dịch cả “Truyện Kiều” của Nguyễn Du sang tiếng Pháp.

Phan Đường (1926 - 1983)                          Ảnh: Dòng họ cung cấp

Để tiến tới kỷ niệm 200 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1965) theo quyết định của UNESCO tôn vinh thi hào vào hàng danh nhân văn hóa thế giới, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện trong Ban tổ chức Quốc gia đã đề nghị Phan Nhuận dịch lại “Truyện Kiều”, để có một bản dịch mới sang tiếng Pháp chuẩn hơn ra vào dịp này tặng bạn bè thế giới. Phan Nhuận đã bắt tay ngay vào công việc. Nhưng ông chỉ kịp dịch chừng 100 câu thì căn bệnh hiểm nghèo cắt ngang cuộc đời, ông mất vào ngày 06/8/1963. Ông ra đi để lại công việc dở dang cho người bạn, người đồng chí của ông - bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1913-1997). Và bản dịch do Nguyễn Khắc Viện hoàn tất sau này cũng đã được đánh giá cao. Ông là một luật sư danh tiếng tại Paris nhưng Phan Nhuận sống một cuộc sống rất bình dị, không xe hơi nhà lầu xênh xang như nhiều trí thức cao cấp khác, ông mất trong hoàn cảnh không vợ, không con. Tại Paris, mộ của ông ở nghĩa trang Parissien de Bagneux được Việt kiều xây lát đá hoa cương, gắn sao vàng và dòng chữ “Đời đời nhớ ơn anh - Luật sư Phan Nhuận”.

Người con trai đầu của ông Phan Dương là Phan Đường (1926-1983), đời thứ 9 họ Phan. Ông tốt nghiệp khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1948, là giáo viên ưu tú có công lao lớn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, được Hội đồng Chính phủ tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Hai, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. Ông được mệnh danh là “người thầy của các giáo sư”.
Người con trai thứ hai của ông Phan Dương là Phan Thanh Dẫn (1933-2016) lên Việt Bắc theo học ngành y và từ năm 1953 là cán bộ Ban Phòng bệnh của Trung ương ở chiến khu Việt Bắc; năm 1957 được kết nạp Đảng, sau này trở thành Nhà giáo Ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Y khoa, nguyên Phó Chủ nhiệm bộ môn Mắt, Trường Đại học Y Hà Nội. Ông là tấm gương về sự tự học, tự nghiên cứu khoa học, thành thạo ba ngoại ngữ: Anh, Nga, Pháp; công tác và tham dự nhiều cuộc hội thảo, tập huấn tại nướcngoài như: chuyên gia Y tế Việt Nam tại Algérie (1964-1966), thực tập sinh tại Đức (1975-1976), thực tập sinh tại Pháp (1984-1985),… Năm 1989, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Y khoa tại Trường Đại học Y Hà Nội, ngành Y Dược với đề tài “Một số giải pháp để đẩy mạnh công tác chống mù loà do bệnh đục thể”. Ông được tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Hai, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và Huy hiệu 55 tuổi Đảng. Ông được mệnh danh là "Cây đại thụ ngành nhãn khoa Việt Nam”.

Phan Thanh Dẫn (1933 - 2006)                               Ảnh: Dòng họ cung cấp

Dòng họ còn có ông Phan Ngọc Châu (sinh năm 1942) đời thứ 9, là con út của cụ Phan Chế. Ông nguyên là giảng viên chính với 40 năm gắn bó với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ông giảng dạy môn Kinh tế chính trị. Đây là một bộ môn khó nhưng bằng kiến thức uyên thâm và tài năng sư phạm, ông đã biến môn học khô khan và khó học này thành “món ăn” hấp dẫn cho các học viên. Các thế hệ học viên học ông đều đánh giá ông là người thầy giáo mẫu mực, đức độ và bao dung, có phương pháp giảng dạy dễ hiểu với sự hiểu biết về chuyên môn uyên thâm. Ghi nhận những cống hiến và đóng góp của ông, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý, tiêu biểu: Huy hiệu 60 tuổi Đảng; Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.


Phan Ngọc Châu                                   Ảnh: Dòng họ cung cấp

Dòng họ Phan chi Văn Lâm được hình thành từ giữa thế kỷ 17, tồn tại và phát triển mãi cho tới tận ngày nay với nhiều nhân vật có đóng góp cho sự hình thành và phát triển của làng xã. Đặc biệt vào thời cận hiện đại dòng họ có nhiều người con ưu tú, đều trở thành những nhân tài trong các lĩnh vực khoa học của nước nhà. Thực đúng như lời văn trong biển ngạch đã ghi: “người con như thế bởi người cha như thế, người cháu như thế bởi tổ tiên như thế chăng! Làm ra bởi người xưa, nhưng cũng là làm ra cho mai sau. Đã đẹp đẽ lại huy hoàng, đã thịnh vượng lại lưu truyền muôn thuở vậy”.

Chú thích
1. Phan Huy Chú (2008), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, tr287.
2. Tư liệu về nhân vật do anh Phạn Duy Nghĩa - hậu duệ đời thứ 11 họ Phan cung cấp.
 

Trần Mạnh Cường

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây