Một số loại hình văn hóa phi vật thể truyền thống của người Thái - Qùy Châu

Thứ tư - 14/08/2024 23:33 0
Quỳ Châu là huyện miền núi, với tổng diện tích tự nhiên trên 1.057km2, gồm 12 xã, thị trấn; dân số 60.825 người, với hai dân tộc Thái, Kinh cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 80%.
Thiên nhiên ưu ái cho Qùy Châu nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa độc đáo như cụm hang động Thẳm ồm, Thẳm Chạng, Thẳm Tôn Thạt; danh thắng Hang Bua, Thác Khe bàn, Khe Mỵ, Tạt Ngoi, hồ thủy điện Nậm Pông, bản Mồng.... Theo thống kê hiện nay trên địa bàn huyện Qùy Châu có 22 di tích được kiểm kê xếp hạng, trong đó có 02 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 01 di tích xếp hạng cấp tỉnh;
Bên cạnh các di tích, danh thắng, Qùy Châu còn tồn tại và phát triển một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể như: Loại hình tiếng nói chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, trí thức dân gian của đồng bào Thái.

Lễ hội hang Bua - Qùy Châu - Nghệ An,  năm 2024            Ảnh: nguồn internet

Loại hình tiếng nói chữ viết: Người Thái là một trong những dân tộc có chữ viết riêng, chữ viết của người Thái có nguồn gốc từ chữ sanrcrit (Nam Ấn Độ) thông qua mẫu tự Khơ me. Người Thái miền Tây Nghệ An sử dụng phổ biến 3 kiểu chữ: xư thanh (còn gọi là lai thanh), lai pao và lai tay. Trong đó vùng người Thái Qùy Châu sử dụng chữ viết hệ lai tay, đặc điểm nhận biết chữ Thái Lai Tay đó là viết thành hàng dọc, từ trên xuống dưới, từ bên phải qua bên trái (như cách viết chữ Hán). Loại chữ này không có nguyên âm ghép vần với phụ âm theo trật tự đảo ngược như các hệ chữ Thái khác. Trung bình mỗi năm UBND huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái cho khoảng hàng trăm học viên. Những người giảng dạy thường là các trí thức người Thái như Sầm Văn Bình, Vi Ngọc Chân, Lô Khánh Xuyên, Lò Khăm Mun.v.v.
Ngữ văn dân gian: Cũng như kho tàng văn hóa các dân tộc khác, tục ngữ, ca dao của dân tộc Thái là một kho kinh nghiệm về sản xuất, đời sống tinh thần; qua đó, thể hiện  thế giới quan, nhân sinh quan, tư tưởng, tình cảm của con người, cách ứng xử với tự nhiên, mối quan hệ sản xuất…Hiện nay, đồng bào người Thái Qùy Châu còn lưu giữ các bài ca dao, tục ngữ, đồng dao, hát ru, hát giao duyên, các bài cúng, làm vía đón dâu mới, vía cầu phúc cầu an…có những câu ca dao, tục ngữ đậm tính triết lý, khái quát những quy luật của tự nhiên, xã hội:
Phả tỉm phả khăm phốn
Đáo tỉm bổn khăm đẹt
Phả khăm đẹt đáo chổm
Phả khăm phốn đáo đòn
Phả hùm còn bo lón pển phốn
Màu ọc khăm phốn
Màu hau khăm đẹt
(Mây đầy trời thì mưa
Sao đầy trời thì nắng
Trời sẽ nắng sao chìm
Trời sẽ mưa sao nháy
Sấm trước trời không mưa
Mối ra tổ thì mưa
Mối vào tổ thì hạn)
Hay như, việc canh tác phải được con người rèn luyện qua sự hướng dẫn, chỉ bảo của người có kinh nghiệm trong cộng đồng, phải là thế nào? thực hiện ra sao phải theo tuần tự, quy trình, như người khôn nói chuyện mới được việc:
Chàng chốc chằng pển ná
Chàng cha chằng pển ban
Ná tha ca bò đí
Ca tha na chằng đí
(Biết vỡ mới thành ruộng
Khéo nói mới thành bản
Mạ chờ ruộng không tốt
Ruộng chờ mạ mới tốt)
Hay:
Nằm hày nằm pảy na
Púc ca púc cứn lẳng
(Trồng lúa nương tiến thẳng về phía trước
Cấy lúa bước giật lùi lại sau)
Và việc chọn cây để trồng phải phù hợp với thổ nhưỡng, đặc tính của nó:
Đín đẳm pục tảnh
Đín đánh pục khau
(Đất xốp trồng bầu, bí
Đất nâu trồng lúa)…
Ca dao, tục ngữ của đồng bào Thái vừa thể hiện nét chung về văn hóa, vừa phản ánh bản sắc riêng cần được giữ gìn và phát huy.
Nghệ thuật trình diễn dân gian và Lễ hội truyền thống: Để bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội gắn với việc trình diễn phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào Thái trong các lễ hội vẫn được lưu giữ: Lễ hội Hang Bua, Lễ hội Xăng khan, Lễ hội Thăm Ngụn - Leo núi Fa Xăng, Lễ hội xuống đồng, Lễ cầu mưa.... Có 23 câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Thái, trong đó câu lạc bộ xã Châu Tiến được công nhận là mô hình văn hóa cấp tỉnh năm 2019. Để duy trì, phát huy giá trị di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, là di sản đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Huyện Quỳ Châu đã chỉ đạo thành lập được 05 Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm tại 05 cụm cấp trường học; và 02 câu lạc bộ dân ca ví - giặm tại làng Lâm Hội, xã Châu Hội và làng Hòa Bình, xã Châu Bình. Đây là dịp để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, vừa là thời cơ để quảng bá phát triển du lịch cho huyện.
Không có mô tả ảnh.
Sẩm Thị Tình - người chắp cánh cho thương hiệu thổ cẩm Hoa Tiến              Ảnh: nguồn internet

Nghề thủ công truyền thống:
có đa dạng các nghề thủ công truyền thống như: Dệt thổ cẩm, nghề đan lát, sản xuất hương trầm, rượu men lá…, có 12 HTX, 06 làng nghề và 3 làng có nghề, trong đó có 01 làng nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng lâu đời nhất của người Thái miền Tây xứ Nghệ đó là làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến. Thổ cẩm Hoa Tiến được bảo tồn và phát triển qua nhiều thế hệ. Bằng tình yêu và sự cố gắng của người dân địa phương, thổ cẩm Hoa Tiến đã trở thành một sản phẩm đặc trưng của miền Trung, với nhiều giá trị kinh tế và văn hóa. Sản phẩm của thổ cẩm Hoa Tiến được thiết kế và gia công bằng tay, với nhiều loại chất liệu như tơ tằm, lụa, bông, linen... Các sản phẩm bao gồm khăn dệt tơ tằm, khăn lụa, túi ví, giày dép thổ cẩm, thú bông, các sản phẩm trang trí trong nhà như vỏ gối, khăn trải bàn... Những sản phẩm này không chỉ đẹp mắt và độc đáo, mà còn rất bền đẹp với thời gian. Điểm đặc biệt của thổ cẩm Hoa Tiến là quá trình bảo tồn giống tằm địa phương và canh tác dâu, trồng bông thủ công. Bà con nơi đây biết sử dụng các nguyên liệu tự nhiên từ cây, củ, quả để chế thuốc nhuộm màu. Hiện nay, thổ cẩm Hoa Tiến đã chế được 52 màu để nhuộm cho nhiều loại chất liệu. Ngoài ra, người Thái ở Hoa Tiến còn bảo lưu kỹ thuật dệt - nhuộm với độ tỉ mỉ và hoàn thiện cao điển hình kỹ thuật dệt ikat, tạo ra các hoa văn độc đáo trên các tấm vải, khăn... Hiện nay, thổ cẩm Hoa Tiến đang mở rộng sản xuất và phát triển thị trường quốc tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế và xã hội của địa phương và gìn giữ nghề thủ công truyền thống của người Thái nơi đây.

 Trí thức dân gian: Văn hóa ẩm thực được gắn với nhiệm vụ xây dựng phát triển du lịch, các món ăn ẩm thực Thái được thực hiện tại bản du lịch cộng đồng Hoa tiến và một số nhà hàng, tổ nhóm ẩm thực tại các CLB bản tồn văn hóa thái được duy trì phục vụ tốt cho du khách: Từ năm 2021-2023 có 13 sản phẩm OCOP được công nhận 3*- 4*, gồm: Rượu mú từn Pù Huống, rượu nấm lim xanh Pù Huống, trà hoa vàng Pù Huống, mật ong thiên nhiên Pù Huống, măng muối, măng khô, lạp sườn, thịt bò giằng, thịt trâu gác bếp, thịt lợn gác bếp, thịt chua, hương trầm. Nhiều bài thuốc dân gian gắn với nhiều sản vật chăn nuôi, trồng trọt từ tri thức bản địa  vẫn được lưu truyền như: Bài thuốc chữ hóc xương, thuốc bổ máu, thuốc cho bà đẻ, thuốc chữa zona, thuốc chữa gãy chân…

Hội thi ẩm thực của người Thái - Qùy Châu - Nghệ An                   Ảnh: nguồn internet

 Tập quán xã hội. Quỳ Châu là huyện có gần 80% đồng bào dân tộc Thái, hiện nay vẫn bảo tồn, lưu giữ và phát huy tập quán xã hội như; Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thần linh, phong tục cúng cơm mới, làm vía, tuống rượu cần - múa lăm vông, cúng Pù xưa và các nghi lễ thờ cúng tại đền, miếu...; cấp ủy chỉ đạo biên soạn giáo trình Lịch sử Đảng bộ huyện Quỳ Châu đưa vào giảng dạy tại các Trường THCS, THPT trên địa bàn huyện.
Ngôn ngữ ngoài Tiếng Việt phổ thông, còn có chữ Thái Lai Tay và Tiếng Thái (Quam Tay) thường xuyên được sử dụng. Ngữ văn dân gian gồm: dân ca, tục ngữ ca dao, truyện cổ, truyện dân gian, hát ru, các bài đồng giao, các bài cúng của ông Mo, thể loại này đang tồn tại với số lượng rất ít và một số di sản có nguy cơ mai một. Nghệ thuật trình diễn dân gian phong phú, như: trình diễn hát nhuôn, xuối, lăm, khắp, òn, ổi, hắp lai kết hợp sử dụng các loại nhạc cụ như  sáo, khèn bè, khèn lá, pì nhuôn. Trình diễn, diễn xướng có múa xăng khan, múa cồng chiêng, khắc luống, nhảy sạp, tung còn. Hiện nay loại hình nghệ thuật này tồn tại và phát triển, hàng năm tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng các Câu lạc bộ bảo tồn văn hoá Thái được đông đảo các nghệ nhân, diễn viên tham gia. Các sinh hoạt cộng đồng như khắc luống, nhảy sạp, ném còn được tổ chức vào các dịp lễ, tết. 
 Về phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng: các phong tục  tập quán, nghi lễ: Tục Hăng vắn (làm vía), hăng vắn huống (làm vía to), hăng vắn dong chau (làm vía cho người già), thờ cúng tổ tiên ngày tết của người Thái, cúng ngày tết của người Thái, cúng mừng nhà mới, cúng mừng dâu mới, cúng giải hạn, cúng cho người chết sau khi chôn, gọi hồn, lễ cưới hỏi người Thái, lễ cúng cơm mới, lễ đón tiếng sấm đầu tiên trong năm, cầu phúc sức khoẻ, cúng thần sông thần suối, thờ các vị thần lập bản lập mường. Đây là các phong tục tập quán, nghi lễ mang đậm bản sắc tín ngưỡng dân gian của đồng bào Thái huyện Quỳ Châu. Hiện nay đang tồn tại và được đổi mới, bỏ đi một số hủ tục lạc hậu cho phù hợp với đời sống nhân dân.
Toàn huyện có 11 Nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Có 23 câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Thái, trong đó 01 câu lạc bộ cấp tỉnh. Hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch tồn được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như, tổ chức hội thi giữa các cụm trường học, các bản, khối văn hóa ... . Thành lập Câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ văn hóa dân gian... tại trường THPT và một số trường THCS; Thành lập câu lạc bộ Thanh niên với Văn hóa dân tộc Thái cấp huyện; thành lập câu lạc bộ dân ca ví - giặm Nghệ Tĩnh tại các cụm trường học và các xã, thị trấn.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống của đồng bào Thái nơi đây, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Qùy Châu đã làm tốt công tác huy động nguồn ngân sách từ trung ương, tỉnh và nguồn xã hội hóa nội tại địa phương cũng như các nguồn hợp pháp khác để đầu tư, thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống; các hoạt động bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa; Xây dưng cơ chế chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đóng góp về tinh thần và vật chất hoặc trực tiếp tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn./.


 

Huy Khánh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây