Một số lễ hội tiêu biểu xưa và nay ở Quỳnh Lưu

Thứ năm - 15/08/2024 03:47 0
Cũng như người xứ Nghệ, nhân dân Quỳnh Lưu từ xưa đến nay ngoài các ngày lễ tết như tết Nguyên Đán, tết Trung Nguyên, tết Đoan Ngọ, rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, lễ trừ tịch, lễ mộc dục, vào nhà mới, giỗ kỵ ông bà tổ tiên, giỗ thần, giỗ hậu, tống ôn.v.v. thì còn tổ chức nhiều lễ hội truyền thống khác, trong đó tiêu biểu như lễ hội Kỳ Phúc ở Quỳnh Đôi, Lễ hội tế tổ của các dòng họ làng Quỳnh; lễ hội đền Thượng - Phú Nghĩa gắn với tục trò Lề; lễ hội đền Quy Lĩnh, đền Chính… mỗi lễ hội thường gắn với phong tục tập quán, đặc trưng riêng của mỗi làng xã nhưng cùng thống nhất trong hội lễ, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc.
Lễ hội Kỳ phúc
Lễ hội Kỳ Phúc nguyên là Tế Kỳ Phúc - một lễ tế phổ biến ở vùng Đồng bằng và Bắc Trung bộ nước ta. Mỗi năm trong tứ thời hoặc hai kỳ Xuân, Thu có một tuần đại tế gọi là Tế Kỳ Phúc, nghĩa là cầu cho dân được bình an…”. Kỳ được hiểu là việc làm định kỳ, thường niên vào thời gian nhất định. Phúc có nghĩa là “điều tốt lành” hoặc “việc may mắn”.
Rước kiệu lễ hội Kỳ Phúc quanh làng Quỳnh           Ảnh: nguồn baonghean.vn

“Lễ Kỳ Phúc” làng Quỳnh thường xưa và nay thường được tổ chức vào ngày mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng âm lịch, tại đền Thần và sân đình làng với hai hoạt động chính gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm 6 lễ: Lễ khai quang - lễ cáo yết, lễ rước kiệu, lễ tạ, lễ cầu an, lễ dâng hương, lễ tất. Nét đặc sắc của phần lễ chính là nội dung diễn xướng treo thư họa danh ngôn đặc sắc ca ngợi về Quỳnh Đôi. Đặc biệt, phần diễn xướng treo chữ “Quỳnh” nhắc tới truyền thống hiếu học, lịch sử đỗ đạt và nghề làm thầy của làng Quỳnh. Phần hội vừa mang tính dân gian vừa có tính hiện đại thu hút nhiều tầng lớp nhân dân, du khách tham gia như các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao bóng đá, bóng chuyền và các trò chơi dân gian: võ thuật cổ truyền, đẩy gậy, kéo co, vật cù, bịt mắt đập niêu.v.v.
Những ngày diễn ra lễ hội truyền thống của làng, nhân dân trong xã, du khách thập phương cũng như con em của quê hương đang học tập, công tác, làm việc khắp mọi miền tổ quốc thường về hội tụ bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ tới công lao của các thế hệ cha ông đã có công khai cơ lập làng.
Sau hơn 50 năm bị thất truyền (1952 đến 2011), từ năm 2012, xã Quỳnh Đôi được Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam giúp đỡ đã tổ chức phục dựng thành công Lễ hội Kỳ Phúc tổ chức vào ngày mùng 9 và 10 tháng Giêng hàng năm. Từ đó đến nay cứ 2 năm một lần, chính quyền và nhân dân xã Quỳnh Đôi cứ dịp tết đến xuân về tổ chức lễ Kỳ Phúc.
Lễ hội Kỳ Phúc ở Quỳnh Đôi là lễ hội có giá trị lịch sử văn hóa truyền thống đặc trưng, thể hiện chiều sâu và độ dày về văn hóa của cộng đồng, mang đậm bản sắc của một làng quê có lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển hàng nghìn năm. Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân nơi đây.
Sau Lễ Kỳ Phúc của làng, từ ngày mùng Mười đến Rằm tháng Giêng, hơn 40 dòng họ trong làng sẽ lần lượt tổ chức Lễ Tế đầu xuân năm mới tại các nhà thờ họ.
Lễ tế tổ đầu năm
Quỳnh Lưu có trên 50 dòng họ lớn nhỏ, ngoài những dòng họ lớn có công khai phá và tạo dựng cơ đồ từ năm 1378 như họ Hồ, Nguyễn, Hoàng, Văn, Dương... thì còn nhiều dòng họ, chi họ khác trải đều từ đồng bẳng, miền núi xuống tận các xã ven biển. Việc thờ cúng tổ tiên, nghi lễ tế tổ đầu năm của các dòng họ là nét văn hóa truyền thống từ xưa đến nay được các tầng lớp cha ông, con cháu, người dân nơi đây duy trì và gìn giữ. Thường vào dịp đầu xuân, rằm tháng giêng hoặc (ngày kỵ của vị thủy tổ dòng họ) các dòng họ lớn nhỏ lại tổ chức nghi thức tế tổ. Không chỉ người ở gần mà hầu hết con cháu trong dòng họ trên mọi miền đất nước đều ghi nhớ truyền thống này, trở về nhà thờ họ để thắp hương, bày cỗ dâng lên tổ tiên nhằm bày tỏ lòng thành kính biết ơn các bậc tiền bối, đặc biệt là vị thủy tổ của dòng họ đã khai cơ lập ấp, dựng họ để có các thế hệ con cháu ngày nay. Bên cạnh đó lễ tế tổ đầu năm mới còn hàm ý cầu yên đầu năm, mong cho quốc thái dân an, gia đình, dòng họ đắc yên, đắc tài, đắc phúc lộc.
Nghi thức tổ chức lế tế hàng năm tùy thuộc vào mỗi gia tộc dòng họ, và phong tục tập quán của mỗi địa phương, nhưng tựu chung lại mỗi dòng họ đều làm sao tổ chức lễ tế tổ đầu năm một cách chu toàn và cẩn thận nhất có thể.
Tế tổ gồm có ba nội dung cơ bản: thứ nhất là tế Trời - Đất - Thần - Thánh với mục đích trước là để yết cáo các chư vị thần linh xin phép cho gia tiên được về hưởng lộc con cháu, sau là để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; thứ 2 là tế cầu siêu độ cho vong linh người đã khuất và thứ ba là tế cầu an giải hạn cho người dương thế.
Mâm cỗ bày trí trong lễ tế họ gồm: hương, đèn, hoa, quả, nước, xôi, chè, trà, rượu, tiền vàng, trầu cau…và các mâm, cỗ mặn tùy tâm của con cháu trong dòng họ. Chủ buổi tế họ thường là Tộc trưởng dòng họ hoặc theo thứ bậc dòng họ mình.
Ngày nay, do phong tục tập quán từng làng, xã cũng như xu hướng phát triển nhất định của lịch sử dân tộc mà các nghi lễ tế tổ đầu năm ở mỗi dòng họ có thể bị lược bỏ, tối giản một số nội dung, nghi thức. Tuy nhiên Tế tổ đầu năm là một truyền thống tốt đẹp, ăn sâu vào tâm khảm và trí óc của mỗi người. Nó thể hiện lòng nhớ ơn sinh thành của các cụ tổ tiên, đồng thời nhớ đến dòng họ của mình.
Lễ hội cầu ngư
Cứ mỗi dịp đầu xuân năm mới chính quyền và nhân dân các xã ven biển Quỳnh Lưu như Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy, Sơn Hải… tại nô nức tổ chức lễ hội cầu ngư và phát động ngư dân ra khơi bám biển.
Lễ hội Cầu Ngư xuất hiện từ bao giờ vốn dĩ chẳng ai biết, mọi người chỉ biết rằng đây là lễ hội mang đậm nét đẹp văn hóa dân gian gắn với tín ngưỡng thờ cá Ông, đồng thời là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của ngư dân miền biển, những người gắn chặt cuộc đời mình với biển khơi mênh mông cùng những tháng ngày rong ruổi lênh đênh sống nhờ nguồn tôm cá của đại dương.

Lễ cầu ngư tại xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu              Ảnh: nguồn Cổng thông tin điện tử Quỳnh Lưu

Đối với ngư dân miền biển, Cá Ông luôn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của mình. Vốn dĩ đây là cái tên đầy tôn kính và trân trọng mà ngư dân dùng để gọi cá voi - loài cá thường xuất hiện để giúp đỡ con người trong những lúc gặp nạn lênh đênh trên biển cả. Chính bởi thế nên cứ vào độ tháng Giêng hàng năm, ngư dân biển Quỳnh lại tổ chức Lễ hội Cầu Ngư. Lễ hội vừa là một nét đẹp, một phong tục trong đời sống văn hóa nhằm thể hiện sự biết ơn của ngư dân dành cho Cá Ông, đồng thời là dịp để họ cầu mong, gửi gắm những hy vọng về một năm dong buồm ra khơi suôn sẻ, thuận lợi và bình an với những khoang thuyền đầy ắp “lộc trời”.
Lễ hội cầu ngư ở xã ven biển Quỳnh không chỉ thu hút ngư dân địa phương đến tham gia cung kính, vui chơi mà còn hấp dẫn nhiều du khách và nhân dân, ngư dân phụ cận đến tham quan và thể hiện tín ngưỡng tâm linh.
Lễ hội cầu ngư thường được tổ chức gồm 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ cầu ngư, lễ đại tế, lễ tạ tại các điểm rước kiệu đi qua như đình, đền. Tham gia lễ mỗi đoàn thể đều mặc trang phục thể hiện đặc trưng của mình để đi rước kiệu theo lịch trình đã định sẵn, trong đó một đoàn đi theo đường thủy gồm nhiều thuyền lớn được trang trí lộng lẫy để chèo thờ trên sông, một đoàn rước theo đường bộ sẽ rước kiệu từ đình, đền xuống lạch, biển và các đoàn thể khi tham gia sẽ mặc trang phục thể hiện đặc trưng riêng của đoàn thể mình.
Sau khi kết thúc nghi lễ cầu cúng, phần hội trong Lễ hội Cầu Ngư sẽ được bắt đầu với một loạt những trò chơi dân gian và hát, diễn xướng dân gian. Ngoài ra, còn tổ chức các hoạt động thể thao sôi nổi như đua thuyền, đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy, đấu võ cổ truyền, v.v.
Được biết, toàn huyện Quỳnh Lưu hiện  có 1.272 phương tiện tàu thuyền, với gần 10 ngàn ngư dân, chính vì vậy mà Lễ hội Cầu Ngư đầu năm sẽ đem đến cho ngư dân nơi đây tâm lý vững vàng, sẵn sàng đối phó với sóng gió trùng khơi, vươn khơi bám biển, chung tay giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương.
Tham gia lễ hội cầu ngư không chỉ đem lại niềm vui cho mỗi người dân mà qua đó còn giúp ngư dân vùng biển Quỳnh Lưu yên tâm hơn với những chuyến ra khơi, mạnh dạn bám thuyền, bám biển để đem về những vụ tôm cá bội thu.
 Lễ hội đền Thượng
Phú Minh, Phú Nghĩa, Phú Đa
Ba năm một hội dân ra vác cờ
Đền Thượng là đền lớn ở Phú Nghĩa, thờ các thành hoàng “Đế thiên đế thích thần thông” và thần núi Cao Sơn Cao Các.
Lễ hội đền Thượng thường tổ chức 3 năm 1 lần vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, từ ngày 15 tháng giêng âm lịch. Thông lệ cứ vào các ngày 15,16,17 là lễ đại tế, thần được rước từ đền Thượng về đình Trung giữa làng. Ban ngày thì tổ chức các trò chơi dân gian, đêm đến thì diễn tuồng chèo tại sân đền. Tại lễ đại tế có hát ca trù, hát chầu thần. Trong lễ rước thần thì có hát múa trống quân. Trò chơi dân gian nổi bật nhất trong lễ hội đền Thượng là đua thuyền thúng trên sông Mơ (Sông Đò Ông đoạn sông Lạch quèn qua thôn Phú Nghĩa Thượng).
Lễ hội đền Thượng mang tính chất một lễ hội nông nghiệp, cầu mong mùa màng bội thu. Đua thuyền trên sông Mơ ngoài việc đua tài còn có ước vọng cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Một trong những nét riêng ở lễ hội đua thuyền đó là các tay đua quay về hướng miếu Tây - thờ thủy thần để bái vọng thần trước khi tiến hành cuộc đua.

https://scontent.iocvnpt.com/resources/portal/Images/NAN/superadminportal.nan/le_hoi_2022/le_hoi_den_thuong/den_thuong_2o_417247062.jpg
Lễ hội đền Thượng - Quỳnh Lưu                            Ảnh: nguồn https://visitnghean.com/

Lễ hội đền Thượng xưa còn gắn với lễ hội trò lề lớn và nổi tiếng nhất làng Phú Nghĩa. Lề trò lề có người cho rằng đó là trò lễ, trò được trình diễn trong lễ hội. Có người lại cho rằng trò lề tức là trò đó được trình diễn có lề thói, có quy củ.
Người sáng lập ra trò lề ở làng Phú Nghĩa là Mỹ quận công Trương Đắc Phủ. Ông là tổ sư nghề đóng thuyền ở làng Phú Nghĩa. Trò lề là kể về chiến công của Mỹ quân công Trương Đắc Phủ đánh thắng giặc bằng việc lập mưu diễn trò: “Sỹ, nông, công, thương, “Ngư, tiều, canh, mục” và đàn hát làm cho giặc mất cảnh giác. Nhân cơ hội đó ông cho quân đánh úp và giành thắng lợi, giúp triều đình ổn định được tình hình đất nước. Khi về nghỉ ở quê muốn nhắc lại công lao dẹp giặc của mình, hàng năm cứ đến rằm tháng giêng ông đã xuất tiền cho dân làng Phú Nghĩa làm lễ kỷ niệm và diễn lại chiến trận xưa.
Trò Lề xưa diễn ra 12 năm một lần vào năm Tý. Lễ hội từ khâu tập luyện đến tổ chức thường kéo dài gần cả tháng trời. Nội dung trò lề là diễn lại cuộc đánh giữa quân Cà Hóp và quân triều đình trong đó có Mỹ quân công Trương Đắc Phủ. Theo thông lệ làng Phú Nghĩa Thượng nay là xã Quỳnh Nghĩa đóng vai quân triều đình; làng Phú Nghĩa Hạ nay là xã Tiến Thủy đóng vai quân Cà Hóp. Quân Cà Hóp bày thế trận “bát môm kim tỏa” các cửa đều có quân lính canh điếm đánh trống thùng thùng và gõ mõ, quân lính nai nịt gọn ghẽ, giáo mác trên tay đứng trong thế trận hai bên các cửa trận. Giữa trận là một bàn thờ (phần âm). Trận bày xong, quan âm làm tế lễ, sau đó dân làng Phú Nghĩa và các làng trong vùng cùng vào cúng lễ, kẻ cầu phúc, người cầu tự. Một điều bắt buộc là đi vào cửa phía Đông và đi ra bằng cửa phía Tây. Hay nhất là khi đánh trận quân hai bên có ngựa có voi (voi làm bằng nan bốn chân là bốn người đi) khi lui khi tiến làm cho lễ hội thêm phần náo nhiệt. Lễ hội ngoài diễn lại trận đánh quân Cà Hóp trong ngày đại tế thì còn có các hoạt động lễ hội khác như hát múa trống quân, múa sênh tiền theo điệu nhạc bát âm; múa chèo cạn. Riêng trò “sỹ, nông, công, thương, “Ngư, tiều, canh, mục” thì suốt cả quá trình lễ hội đêm nào cũng diễn. Bên cạnh đó còn thêm các trò như kéo dao, đúc tượng, hàng thịt, hàng mít, hàng cá và trò “sư và đạo tràng”.v.v. kết thúc lễ hội là màn bắn pháo bông, pháo hoa rực rỡ.
Lễ hội ở Phú Nghĩa vừa là lễ hội nông nghiệp vừa là lễ hội lịch sử được tổ chức công phu, hội tụ nhiều ý nghĩa: thể hiện trí thông minh, tinh thần thượng võ, ham thích nghệ thuật, đề cao lao động và người lao động, hâm mộ anh hùng, biết ơn những người có công, mong mỏi một cuộc sống thanh bình, no đủ… của người dân.
Lễ hội Đền Chính
 Đền Chính thuộc xã Tiến Thủy - Phú Nghĩa xưa. Đền Chính trước đây diễn ra rất nhiều lễ trọng như lễ cầu Ngư, lễ cầu mã, lễ trò lề… nhân dân địa phương cũng như du khách thập phương trên mọi miền tổ quốc thường về thắp hương đi lễ nhằm tri ân thần thánh, ôn lại điển tích xưa và cầu mong mưa thuận gió hòa, dân an vật thịnh.
Trải qua bao biến cố của lịch sử (chiến tranh, thiên tai, cộng với nhận thức còn hạn chế của con người về di sản văn hóa) lễ hội đền Chính hầu như bị ngưng trệ, gián đoạn.
Hiện nay, đất nước đổi mới, đời sống nhân dân từng bước được khởi sắc thì nhu cầu về sinh hoạt văn hóa tâm linh, lễ hội của người dân được đặt ra. Ngoài các ngày sóc vọng thì nhân dân trong và ngoài vùng phụ cận thường xuyên về đền Chính thắp hương, bày tỏ lòng tôn kính lên các vị thần. Ngư dân mỗi khi ra khơi bám biển đến đây như muốn gửi gắm nềm tin, niềm khát vọng - cầu mong sự che chở, phù hộ của các vị thần để đoàn thuyền ra khơi được thuận buồm xuôi gió, sóng yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.
 Nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân nơi đây, trong những năm gần đây, chính quyền địa phương đã chú trọng và từng bước phục hồi các lễ hội, thể hiện rõ nhất là ở lễ hội cầu Ngư được tổ chức hàng năm. Lễ hội cầu Ngư đền Chính thường được tổ chức mỗi năm từ ngày 13 đến ngày 15 tháng giêng âm lịch. Gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm có lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước, lễ đại tế và lễ tạ. Nghi thức tế lễ ở đền giống như các nơi khác. Riêng lễ rước được thực hiện như sau: Sau khi làm lễ yết cáo (vào tối ngày 13 tháng giêng), đúng 7 giờ sáng ngày 14 tháng giêng, nhân dân làm lễ rước thần bằng kiệu bát cóng, lọng, cờ quạt, hai ngựa chiến cũng được thắng yên cương đẩy theo, có đội nữ hát trống quân, đội bát âm với đầy đủ đàn, sáo, nhị, trống mõ.. và đội múa sinh tiền. Lễ rước được xuất phát từ đền Chính xuống bến cá (bến sông Hàu cách đền khoảng 2km) và đưa lên thuyền chính chủ. Các thuyền được trang trí lộng lẫy, tàn lọng… và sắp xếp thứ tự từ 01 đến 09, rồi nối đuôi nhau ra tận Lạch Quèn, dạo quanh dòng sông Hàu. Sau đó quay về điểm xuất phát (tại bến) làm lễ cầu ngư tại thuyền chính chủ. Đến chiều ngày 14 tháng giêng âm lịch, nhân dân lại rước thần hồi cung tại đền Chính để làm lễ đại tế và lễ tạ vào ngày 15 tháng giêng âm lịch. Cùng với phần lễ thì phần hội ở đền Chính được tổ chức rất long trọng, ngoài các trò chơi, trò diễn mang tính truyền thống như đua thuyền, cờ người, đu tiên, vật cù, chọi gà, còn kết hợp các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian như liên hoan văn nghệ, thể thao… Các hoạt động lế tế, lễ hội ở đền Chính không những thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân, mà còn là một trong những hình thức bảo lưu bản sắc văn hóa của nhân dân địa phương nơi đây, góp phần vào việc giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Lễ hội cầu Ngư đền Chính hàng năm không những thu hút được nhiều thành phần tham gia từ người trẻ, gái trai trong và ngoài xã, du khách thập phương mà còn còn cả những người con Tiến Thủy từ mọi miền tổ   quốc về tham gia lễ hội. Mọi người lễ hội như vừa để thỏa sức vui chơi sau một năm làm ăn vất vả, vừa để thanh thoát trong tâm hồn. Đến với lễ hội, không chỉ tìm về nguồn cội, tham dự các sinh hoạt văn hóa tâm linh, các hoạt động vui chơi văn hóa thể thao mà còn được ôn lại, sống trong không khí hào hùng linh thiêng của một vùng quê giàu nhân nghĩa.
Lễ hội đền Quy Lĩnh
 Đền Quy Lĩnh là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân làng Phú Lương nói riêng và huyện Quỳnh Lưu nói chung. Tại đây, hàng năm thường diễn ra nhiều kỳ lễ mang bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương cũng như phong tục, truyền thống trọng đạo nghĩa của dân tộc như lễ sóc vọng; tết nguyên đán; lễ trung nguyên, lễ kỳ lưu; lễ cầu an của người dân mỗi khi ra khơi, vào lộng, song kỳ lễ lớn nhất thu hút đông đảo du khách thập phương về dự là lễ Kỳ Lưu, từ ngày 20 đến ngày 21 tháng giêng.
Đặc biệt trong kỳ lễ này bao giờ cũng diễn ra một số hoạt động văn hóa nhằm tái hiện lại cuộc tranh chấp bài vị, cây gỗ thần của hai làng Phương Cần và Phú Lương xưa (còn gọi là tục chạy Ói). Vì vậy, từ xưa đến nay lễ hội Kỳ Lưu ở đền Quy Lĩnh đã trở thành một phần quan trọng không thể thiếu của người dân nơi đây.
Truyện kể rằng: Bống một năm có cây gỗ to trôi dạt về trước cửa đền Cờn thuộc làng Phương Cần. Trẻ em hay người lớn ngồi lên cây gỗ hóng mát hay làm rây bẩn thường bị ốm đau. Dân làng cho là gỗ thần, nghĩ rằng tai họa sẽ còn diễn ra không lường, nên một hôm khi thủy triểu dâng, làng cho người vần cây gỗ ra biển. Cây gỗ dạt vào đất Phú Lương. Người ta lại thấy những hiện tượng đã xẩy ra trên đất Phương Cần tại Phú Lương. Dân Phú Lương coi đây là vị thần, lập đền thờ cây gỗ, gọi là Mộc Thần. Hàng năm, xuân thu nhị kỳ cúng tế. Từ ngày làng thờ Mộc Thần, dân Phú Lương làm ăn mỗi ngày một thịnh đạt. dân Phương Cần ân hận và họp làng, bàn mưu khiêng cây gỗ thần về làng mình. Thế rồi một toán tráng đinh được làng cử ra làm việc ấy. Vào một đêm trời tối, toán tráng đinh này ăn mặc chỉnh tề gọn gàng, mang theo đòn khiêng, giây chạc đến Phú Lương vào lúc nửa đêm, thắp hương, lạy tạ Mộc Thần rồi xin khiêng Mộc Thần về làng. Đi được một đoạn bị dân làng Phú Lương phát hiện ra. Tức thì trống mõ ngũ liên, tù và nổi lên dồn dập. Phú Lương tập hợp dân làng chia làm hai toán. Một toán chạy xuống Phú Nghĩa, một toán chạy lên Phương Cần, đến bãi Sao Sa thì gặp tráng đinh Phương Cần đang đặt cây gỗ và ngồi nghỉ. Vì nơi đây đất trũng, khi đi nước thủy triều xuống, khi về nước thủy triều lên, họ đang tìm cách lội qua. Gặp đó, nhưng Phú Lương không làm gì được vì người ít, thế yếu. Khiêng được cây gỗ thiêng về làng, nhân dân Phương Cần thuê thợ giỏi tạc tượng Tứ Vị Thánh nương. Do đó hàng năm vào dịp lễ hội dân Phương Cần có tục chạy ói để nhớ lại sự kiện mang tính huyền thoại này.
Phần lễ: trước đó từ ngày 15- 20 tháng giêng nhân dân thường tổ chức lễ khai quang, tẩy uế. Trước đó dân làng địa phương đã tổ chức tổng vệ sinh các trục đường vào di tích; trong và ngoài khu vực đền thờ được chuẩn bị những vật dụng và lễ vật phục vụ ngày chính lễ. Lễ vật gồm có đăng, hoa, trà, tửu, ngũ quả, bánh kẹo, trầu cao, vàng hương… Buối tối tổ chức lễ Yết cáo: Báo cáo với trời đất, thần linh về thời gian, nội dung lễ, và mời các vị thần linh về tham dự, đồng thời xin trời quang mây tạnh, lễ hội tổ chức được hanh thông tốt đẹp. Ngày 21 tháng giêng là lễ chính gồm có xôi gà, lợn, đăng, hoa, trà, tửu, trầu cau, hương vàng… Sáng sớm từ 6h-7h30, tổ chức trò chạy ói gồm 2 đoàn rước: một đoàn của làng Phương Cần và một làng của làng Phú Lương. Nhân dân 2 làng tổ chức như sau: Tại đền Cờn (làng Phương Cần) ba hồi chín tiếng trống vang lên, hàng trăm dân đinh của 4 giáp nhất loạt khiêng vác 4 ngai và tàn vàng chạy xuống đền Ói. Đi đầu là cờ quạt, nghi trượng, kiệu, trống, 4 chiêng và phường bát âm. Tiếp theo là lần lượt các kiệu công chúa, đi theo sau là các chức sắc, bô lão, dân làng… Tại đền Quy Lĩnh (làng Phú Lương): trống chiêng, nổi ngũ liên, dân làng nhanh chóng tập hợp thành một đoàn rước kiệu, sắc bằng, hài hộp, đồ nữ trang, cờ, biển, gươm, giáo, trống chiêng, tàn, quạt… Hai đoàn rước, một từ đền Cờn xuống, một đoàn từ đền Quy Lĩnh lên, hai đoàn cùng gặp nhau ở vụng Ngâm (bãi Sao Sa). Tại đây hai bên đoàn rước giả vờ xô xát, tranh giành nhau, đoàn làng Phú Lương cố giữ lại bát hương (lễ khất lưu), còn đoàn rước làng Phương Cần thì làm lễ xin rước đi. Sau đó đoàn Phú Lương sẽ nhường để đoàn Phương Cần đưa bát hương đi về đền Cờn. Từ 8-11h, tổ chức lễ đại tế: Dưới sự chủ trì của Ban lễ nghi, cùng với sự tham gia của các chắc sắc, bô lão, nhân dân trong làng, lễ đại tế tại đến Quy Lĩnh được tiến hành theo tuần tự nghi thức cổ truyền như sau: Nổi 3 hồi 9 tiếng trống; tấu nhạc trống, xập xoèng, đàn nhị, sáo; Củ soát lễ vật, dâng các vật phẩm, hương, nến, trầu cau; Đọc chúc văn tưởng niệm công lao các vị thần, cầu xin trời đất và các thần linh tiếp tục phù hộ cho nhân dân, làng xóm, quê hương đất nước những điều tốt đẹp. Đến chiều tầm 15-16h, tổ chức lễ tạ, cảm ơn các thần linh đã về dự lễ, trực tiếp ban phúc, phù hộ cho dân một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; quê hương đất nước ngày thái bình ấm no…  Có thể nói, trong tục “chạy Ói” mọi hoạt động đều mang tính linh thiêng, được tổ chức hết sức chặt chẽ, thu hút rất đông người tham gia, tạo được sức cố kết cộng đồng cao với các làng xã khác. Đám rước với tục “Chạy Ói” thể hiện nhiều nét văn hóa tín ngưỡng khác của người dân vùng biển nên hàng năm vẫn được tổ chức với quy mô hoành tráng. Đám rước vẫn chạy về phía rú Ói nhưng chỉ dừng lại ở phía giao giữa Quỳnh Liên và Quỳnh Bảng, sau đó làm lễ cầu ngư, rồi rước về đền ngoài làm lễ hợp tế. Tiếp đó sẽ quay về đền trong và thực hiện những phần lễ còn lại. Còn việc dựng lại tục “Chạy Ói” bao gồm sự gắn kết giữa đền Cờn với đền Quy Lĩnh trước kia vẫn đang là mong muốn của nhân dân dọc vùng Bãi Ngang từ Quỳnh Phương đến Quỳnh Lương.
Sau phần lễ là các hoạt động hội diễn ra rất sôi nổi, nhiều trò chơi dân gian, văn hóa thể dục thể thao như đẩy gậy, đánh cờ thẻ, cờ người, bóng đá, bóng chuyền…
Lễ hội đền Quy Lĩnh từ xưa đến nay là lễ hội truyền thống mang ý nghĩa tốt đẹp, không những phản ánh phong tục tập quán đời sống tinh thần, tâm linh mang bản sắc văn hóa đặc trưng của cư dân vùng bãi ngang. Qua đó, góp phần vào việc cố kết tình đoàn kết cộng đồng giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước, ý thức bảo vệ di sản văn hóa cho các thế hệ, đồng thời gìn giữ bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

 

Huy Khánh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây