Bài Tựa, Dụ ngự chế thi, Văn sơ tập của vua Minh Mệnh

Thứ năm - 05/08/2021 05:21 0

Nguyễn Huy Khuyến

 Mở đầu

Ngự chế thi tập gồm 6 tập thơ do vua Minh Mệnh sáng tác, tổng cộng có 72 quyển, 12 quyển mục lục, 60 quyển chính văn. Hiện nay bản gốc mộc bản của bộ sách này đang được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV -  Đà Lạt và bản in ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, một bản viết tay Ngự chế thi sơ tập ở Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Không chỉ là một vị vua giỏi, Minh Mệnh còn là một tác gia văn học lớn, sáng tác bằng nhiều thể loại (biểu, dụ, tự, minh, luận, đối, liên, dụ tế văn, điền từ, bạt, biện, thư hậu, thi...). Tác phẩm của ông tập trung chủ yếu trong Ngự chế thi (6 tập) và Ngự chế văn (2 tập), ngoài ra thơ của ông còn được in rải rác ở nhiều sách khác như Ngự chế thi trích yếu; Ngự chế thiên cơ dự triệu thi....

Upload

Vua Minh Mệnh (1791-1841)

Khi in tập thơ đầu và tập văn đầu này, đích thân vua Minh Mệnh có làm bài Tựa đặt ở tập đầu Ngự chế thi sơ tập. Về việc khắc in Ngự chế thi, cũng như việc các đình thần xin san khắc, chúng tôi thấy ở Ngự chế thi sơ tập A.134/1 có hai bài biểu. Bài biểu thứ nhất ghi năm Minh Mệnh thập nhất niên nhập nhị nguyệt (明命十一年十二月初九日), (ngày 9 tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 11-1830). Những đại thần dâng biểu gồm: 刑部尚書兼管光祿寺黃金燦  Hình bộ thượng thư kiêm quản quang lộc tự Hoàng Kim Xán, 吏部尚書兼管翰林院欽天監阮科明 Lại bộ thượng thư kiêm Quản Hàn lâm viện Khâm thiên giám Nguyễn Khoa Minh, 戶部尚書梁進祥 Hộ bộ thượng thư Lương Tiến Tường, 兵部尚書黎登瀛 Binh bộ thượng thư Lê Đăng Doanh, 工部尚書阮金榜 Công bộ thượng thư Nguyễn Kim Bảng,... đã đánh giá về thơ vua Minh Mệnh:    “告命則陶鑄典謨賦詠則抑揚風雅繹其大要不外乎敬天法祖勤政愛民以至重農恤刑求賢審官內治外防諸節目旁及論述古今品題風物真有以會帝王之精蘊擷天地之英花” “Cáo mệnh tắc đào chú điển mô, phú vịnh tắc ức dương phong nhã, trạch kì đại yếu bất ngoại hồ Kinh thiên, pháp tổ, cần chính, ái dân dĩ chí trọng nông, tuất hình, cầu hiền, thẩm quan, nội trị ngoại phòng, chư tiết mục bàng cập luận thuật, cổ kim phẩm đề phong vật chân hữu, dĩ hội đế vương chi tinh uẩn, hiệt thiên địa chi anh hoa...” (Cáo mệnh đều là mô phạm, phú vịnh đều nêu phong nhã, nội dung trọng yếu nhất trong thơ không nằm ngoài việc kính trời, noi theo tổ tiên, cần cù chính sự, yêu dân, trọng nông, khoan giảm hình phạt, cầu người hiền, xét rõ quan lại, trong thì trị an, ngoài thì phòng bị, các vấn đề đó đều đã bàn đến, luận thuật việc xưa nay, phẩm bình phong cảnh, nhân vật thật là đã hội tụ được sự tinh túy của bậc đế vương, thu góp được tinh hoa của trời đất...) [Trích bài biểu của đình thần in trong Ngự chế thi sơ tập].

  1. Về hai bài dụ, tựa Ngự chế thi, Văn Sơ tập

Nguyên văn chữ Hán bài tựa trong Ngự chế thi sơ tập:

御製詩初集序

予所作詩章丙戌前亦有一二視之猶淡如也致隨即遺失. 丁亥以後觸事擒毫篇什,

日多弗忍棄置, 爰命抄錄成集聊備幾暇自娛耳. 有請付剞劂者, 弗許也, 念所作多係敬天愛民, 自訓較晴課雨以觀辰非有綺麗之辭悅人聞聽. 豈比書生之學尋章摘句而肯與文人墨客鬬艷爭長者哉. 再自古帝王制作詩文多出詞臣之手以予觀之雖翰林秘閣以代王言用之誥敕詞命可也. 至於詩章本根於心發於志若以人代則非我志矣. 何必受此虛名為哉.況人君非以能詩為職堯舜何詩乎而人必稱堯舜可知詩文乃餘事耳何必以而此矜能倩人代已乎. 故予所作詩文一字一句皆出已意在廷臣子所共知也. 去年六部內閣連名懇請刊刻御製詩文初集予亦未允所請.  茲復再請予念若不準行有孤人望而近於矯飾. 夫我越素稱文獻自歷朝建國其間亦多賢君令辟天縱多能制作詩文在所必有而紀載脫簡至今闕如惟有黎聖宗著述繁富所傳一二詩章膾炙人口傳誦至今. 然惜亦散落不成集, 帙又無印板留傳. 茲若頒出御製詩文亦為南國藝林佳事於理無妨, 爰如請行且舉一事而言之, 予萬幾之暇猶日事詩書矧文學之士以此而顯身揚名豈不思琢磨勉勵乎.以此而知感發興起至於成就則是集亦有益於爾多士矣.是為序.

明命十二年辛卯初春將望作

Phiên âm Hán Việt:

Dư sở tác thi chương, Bính Tuất tiền diệc hữu nhất nhị thị chi do đạm như dã, trí tùy tức di thất. Đinh Hợi dĩ hậu xúc sự cầm hào thiên thập, nhật đa phất nhẫn khí trí, viên mệnh sao lục thành tập liêu bị ki hạ tự ngu nhĩ. Hữu thỉnh phó kỉ quyết giả, phất hứa dã, niệm sở tác đa hệ kính thiên ái dân, tự huấn giác tình khóa vũ dĩ quan thần phi hữu khỉ lệ chi từ duyệt nhân văn thính. Khởi tỉ thư sinh chi học tầm chương trích cú nhi khẳng dữ văn nhân mặc khách đấu diễm tranh trường giả tai. Tái tự cổ đế vương chế tác thi văn đa xuất vu từ thần chi thủ dĩ dư quan chi tuy hàn lâm bí các dĩ đại vương ngôn dụng chi cáo sắc từ mệnh khả dã. Chí vu thi chương bổn căn vu tâm phát vu chí nhược dĩ nhân đại tắc phi ngã chí hĩ. Hà tất thụ thử hư danh vi tai. Huống nhân quân phi dĩ năng thi vi chức Nghiêu Thuấn hà thi hồ, nhi nhân tất xưng Nghiêu Thuấn, khả tri thi văn nãi dư sự nhĩ hà tất dĩ nhi thử căng năng thiến nhân đại dĩ hồ. Cố dư sở tác thi văn, nhất tự nhất cú giai xuất dĩ ý tại đình thần tử sở cộng tri dã. Khứ niên Lục bộ Nội các liên danh khẩn thỉnh san khắc Ngự chế thi văn sơ tập, dư diệc vị duẫn sở thỉnh. Kim phục tái thỉnh dư niệm nhược bất chuẩn hành hữu cô nhân vọng, nhi cận vu kiểu sức. Phù ngã Việt tố xưng văn hiến, tự lịch triều kiến quốc kì gian, diệc đa hiền quân lệnh tích thiên túng đa năng chế tác thi văn, tại sở tất hữu, nhi kỉ tái thoát giản, chí kim khuyết như, duy hữu Lê Thánh Tông trứ thuật phồn phú, sở truyền nhất nhị thi chương, khoái chá nhân khẩu truyện tụng chí kim. Nhiên tích diệc tán lạc bất thành tập, trật hựu vô ấn bản lưu truyền. Tư nhược ban xuất Ngự chế thi văn, diệc vi Nam quốc nghệ lâm giai sự vu lí vô phương, viên như thỉnh hành. Thả cử nhất sự nhi ngôn chi, dư vạn cơ chi hạ do nhật sự thi thư thẩn văn học chi sĩ, dĩ thử nhi hiển thân dương danh, khởi bất tư trác ma miễn lệ hồ. Dĩ thử nhi tri cảm phá thưng khởi chí vu thành tựu tắc thị tập diệc hữu ích vu nhĩ đa sĩ hĩ. Hựu dụ Nội các viết: Ngự chế văn sơ tập nội hữu trẫm thủ soạn niên tiền dụ chỉ biện chi quyển đoan tức chiếu thử san khắc tú chĩ, bất tất chế tự.

Minh Mệnh thập nhị niên Tân Mão sơ xuân tương vọng tác.

Dịch nghĩa:

“Thơ ta làm ra, từ năm Bính Tuất (Minh Mệnh thứ 6 [1826]) trở về trước, cũng có một đôi bài coi ra còn nhạt nhẽo, rồi cũng mất mát đi. Từ năm Đinh Hợi (Minh Mệnh thứ 8 [1827]) về sau, gặp việc là cầm bút, thơ ngày một nhiều không nỡ bỏ đi, mới sai chép thành tập, là tạm để làm vui khi rỗi việc đó thôi. Đã có lời xin đem khắc bản in, ta không cho, vì tự nghĩ, những thơ ta làm đó phần nhiều là mình tự dạy mình về đạo kính trời yêu dân, so sánh lúc tạnh lúc mưa để xem thời tiết, không có lời hoa hoè chải chuốt để cho người ta thích nghe. Không như cái học của thư sinh, tìm từng chương trích từng câu mà muốn đua đẹp tranh hay với các văn nhân mặc khách đâu. Vả lại, các bậc đế vương từ xưa làm thơ văn phần nhiều là mượn những kẻ từ thần. Theo ý ta xem thì tuy chốn Hàn lâm Bí các là để thay lời vua nói, dùng vào cáo sắc mệnh lệnh thì được, còn như văn thơ thì vốn là gốc ở lòng phát tự chí, nếu có người làm thay thì không phải là chí của mình, hà tất lại nhận cái hư danh ấy làm gì. Huống chi vua chúa không phải lấy việc hay thơ làm chức vụ. Nghiêu Thuấn ngày xưa có làm thơ đâu, mà người ta phải khen Nghiêu Thuấn. Thế mới biết thơ văn là một việc thừa đó thôi, việc gì phải khoe tài bằng thơ mà mượn người làm thay làm gì. Cho nên thơ văn ta làm, một chữ một câu đều do tự ý mình, tôi con trong triều đều biết cả. Năm ngoái sáu bộ và Nội các cùng nhau khẩn khoản xin khắc in sơ tập thi văn ngự chế, ta cũng chưa cho. Nay lại xin lại. Ta nghĩ nếu không cho làm thì phụ lòng mong muốn của người ta mong muốn, mà gần như là kiểu cách. Nước Việt ta vốn có tiếng là nước văn hiến, từ các triều xưa dựng nước cũng đã có nhiều bậc vua chúa tài giỏi, những thơ văn làm ra tất nhiên phải có, mà sách vở không chép, đến nay vẫn thiếu, chỉ có Lê Thánh Tông trước thuật rất nhiều, một vài bài còn lại, người ta đọc lấy làm khoái trá, truyền tụng đến nay, nhưng tiếc là cũng tản mát, không thành tập thành quyển, lại không có bản in để lại. Nay nếu đem những thơ văn ngự chế ban ra thì cũng là một việc hay trong làng văn nghệ nước ta, theo lẽ không có gì là hại, vì thế chuẩn cho làm như lời thỉnh cầu.

Hãy đơn cử một việc mà nói: Trẫm hằng ngày lúc nào rỗi việc một chút cũng còn chăm việc thi thư, huống chi những kẻ văn học, lấy đấy mà được hiển vinh, nổi tiếng há lại chẳng lo dùi mài cố gắng sao! Lấy điều ấy mà biết cảm phát phấn khởi mà đến được chỗ thành công thì tập thơ này cũng có ích cho bọn văn học các ngươi vậy”.

Vua lại dụ Nội các rằng: “Trong bản Ngự chế văn sơ tập có các bài dụ chỉ do tay ta soạn năm trước đặt ở đầu quyển thì cứ thế mà khắc in cũng đủ, bất tất phải làm tựa”(1).

Làm đầu xuân năm Tân Mão niên hiệu Minh Mệnh thứ 12 (1831).

Đối với ngự chế văn cũng thể hiện rõ quan điểm của nhà vua khi viết văn không phải là ghi chép văn chương mà là ghi chép việc thực. Đó là những việc liên quan đến việc phê duyệt tấu chương, hoặc trong lúc thức ngủ không yên, hình ra bút giấy mà viết; hoặc khi đánh giặc ngoài biên, trù tính việc quân, hoặc khi cầu mưa nắng, đón được phúc trời; hoặc răn bảo các quan, định rõ phép lệnh; cho đến những bài minh bài ký mà nhà vua viết ra với mong muốn để răn dạy mình và con cháu. Tập văn gồm 1209 bài của Minh Mệnh, với các thể loại như: biểu (thăm sức khỏe Thái hậu, dâng hoa quả, báo cáo công việc khi ra Bắc Thành thọ phong...), dụ (gửi đình thần và quan các tỉnh, nói về việc khởi công, đắp đê, miễn thuế, cứu tế, mở khoa thi...).

御製文初集

上諭朕受

皇考付托之重. 故臨政之初, 日夜孜孜廑求治理. 每日御殿辦事,  雖不至萬幾之多, 而在京文武各衙門. 在外諸城鎮. 且奏章疏,  何啻數百餘件. 皆隨事逢旨立即批發,未嘗稍萌逸豫. 況批本乃創自今始 . 故凡事即面諭廷臣或部院堂官, 擬旨批發間有關要事件. 在廷諸大臣倘一時未能領會, 與朕偶有思慮, 所及不得不自擬撰或草付, 或硃批 , 自元年至今已積幾千百餘件. 又北巡時上.

皇太后奏摺並幾暇間, 有雜文亦積至若干, 因思以上等事. 或久睽慈範, 寤寐不安, 形之筆札, 或安邊討逆. 籌辦軍機, 或禱雨祈晴 , 屢邀昊貺, 或訓迪官, 常申明法令, 以至集著銘記. 不認日久棄置. 爰親自刪去, 未最關要者. 十之四五焉. 因命彙為御製文集, 再令筆畫端楷者之以備覽耳.非紀文也, 紀實也. 嗣後遞年, 有所擬作, 亦令據實續繕以鋻政事之得失, 始終之勤怠仍用以親白勉勵云 . 著將此諭旨冠于集端可也 , 欽哉 .

明命四年十一月二十一日 .

Phiên âm:

Ngự chế văn sơ tập

Thượng dụ trẫm thụ

Hoàng khảo phó thác chi trọng. Cố lâm chính chi sơ, nhật dạ tư tư cần cầu trị lí. Mỗi nhật ngự điện ban sự, tuy bất chí vạn kỉ chi đa, nhi tại kinh văn võ các nha môn. Tại ngoại chư thành trấn. Thả tấu chương sơ, hà thí sổ bách dư kiện. Giai tuỳ sự phùng chỉ lập tức phê phát, vị thường sảo manh dật dự. Huống phê bản nãi sáng tự kim thủy. Cố phàm sự tức diện dụ đình thần hoặc bộ viện đường quan, nghĩ chỉ phê phát gian hữu quan yếu sự kiện. Tại đình chư đại thần thảng nhất thì vị năng lãnh hội, dữ trẫm ngẫu hữu tư lự, sở cập bất đắc bất tự nghĩ soạn hoặc thảo phó, hoặc châu phê, tự nguyên niên chí kim dĩ tích kỉ thiên bách dư kiện. Hựu Bắc tuần thời thướng Hoàng Thái hậu tấu chiệp tịnh kỉ hà gian, hữu tạp văn diệc tích chí nhược can, nhân tư dĩ thượng đẳng sự. Hoặc cửu khê từ phạm, ngộ mị bất an, hình chi bút trát, hoặc an biên thảo nghịch. Trù biện quân cơ, hoặc đảo vũ kì tình, lũ yêu hạo huống, hoặc huấn địch quan, thường thân minh pháp lệnh, dĩ chí tập trước minh kí. Bất nhẫn nhật cửu khí trí. Viên thân tự san khử, vị tối quan yếu giả. Thập chi tứ ngũ yên. Nhân mệnh vựng vi Ngự chế văn tập, tái lệnh bút hoạch đoan khải giả chi dĩ bị lãm nhĩ. Phi kỉ văn dã, kỉ thực dã. Tự hậu đệ niên, hữu sở nghĩ tác, diệc lệnh cứ thực tục thiện dĩ giám chính sự chi đắc thất, thủy chung chi cần đãi nhưng dụng dĩ thân bạch miễn lệ vân. Trước tương thử dụ chỉ quan vu tập đoan khả dã, khâm tai.

Minh Mệnh tứ niên thập nhất nguyệt nhị thập nhất nhật.

Dịch nghĩa: Trẫm nhận trọng trách của hoàng khảo phó thác, cho nên lúc mới tham chính, ngày đêm chăm chăm cẩn thận tìm lẽ trị đạo. Hàng ngày lên điện làm việc, tuy không nhiều đến muôn việc, nhưng các nha môn văn võ ở kinh, các thành trấn bên ngoài dâng tấu sớ có thể đến hơn vài trăm bản, thì đều tùy việc giáng chỉ, lập tức phê ra chưa từng chút buông thả nhàn hạ, huống chi việc phê bản mới bắt đầu từ nay. Cho nên, phàm việc gì đều dụ bảo tận mặt cho đình thần, hoặc các đường quan ở bộ viện, soạn chỉ phê ban ra. Trong đó nếu có việc gì quan trọng các đại thần tại triều đình ví như nhất thời chưa hiểu hết, mà trẫm bất chợt suy nghĩ được không thể không tự soạn ra, hoặc là thảo phó hoặc là châu phê, từ đầu năm đến nay đã dồn lại hơn mấy trăm ngàn bản, lại còn lúc Bắc tuần dâng tập tấu lên Hoàng thái hậu và lúc nhàn hạ có viết lặt vặt cùng dồn lại biết bao nhiêu. Nhưng nghĩ về những việc trên, hoặc là xa cách lâu từ mẫu thức ngủ chẳng an, bộc lộ nơi giấy bút, hoặc an biên thảo nghịch, trù liệu việc quân, hoặc cầu mưa cầu tạnh, nhiều lượt xin trời ban cho, hoặc dạy bảo các quan, thường giãi bày rõ pháp lệnh cho đến viết bài minh, bài ký ghi chép lặt vặt, không nỡ lâu ngày bỏ phế. Nên đích thân bỏ bớt những việc chưa quan trọng, mười phần còn lại bốn năm phần. Nhân sai tập hợp làm Ngự chế văn tập, lại ra lệnh cho những người viết chữ đẹp viết ra để thưởng lãm vậy. Chẳng phải là ghi chép văn chương mà chính là ghi việc thực vậy. Về sau hàng năm có biên soạn cái gì cũng sai cho theo việc thực mà viết tiếp để xem xét lẽ đắc thất của chính sự, sự siêng năng hay lười biếng trước sau cốt để cho mình gắng lên, lại dặn đem chỉ dụ này đặt lên đầu tập được chăng! Hãy kính đấy!

Ngày 21 tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 4.

Upload

Lăng Minh Mệnh ở Huế

  1. Tạm kết

Trong khoảng 16 năm sáng tác từ năm Đinh Hợi đến năm Canh Tý (1827 - 1841), nhưng Ngự chế thiNgự chế văn là một thi văn tập quá đồ sộ. Khác với những thi văn tập khác, những bài thơ do vua sáng tác đủ đề tài và ghi tháng năm sáng tác rõ ràng, gần như một cuốn thực lục, vì những bài thơ còn được ghi chú rõ ràng, hoặc nêu lên lý do, hoặc để nhắc lại việc cũ, hoặc giải thích, hoặc là ghi việc thực... Từ đó, không những giúp chúng ta nắm bắt kỹ hơn mà qua đó có thể biết được hoàn cảnh, sự kiện vào lúc đương thời, hoặc tâm tư của người viết, những phần này thường không được ghi trong chính sử. Phần ghi chú trong các bài thơ là những sự kiện chính xác, dưới nhận xét và đánh giá của người cầm quyền, nhờ đó giúp người đọc không bị ngộ nhận nội dung một cách sai lệch.

Trong toàn bộ Ngự chế thi từ Sơ tập đến Lục tập, vua Minh Mệnh cũng chỉ nhận xét là: “Những bài ta làm phần nhiều liên quan đến việc tự răn mình về những lẽ kính trời, yêu dân, theo dõi nắng mưa để xem thời chẳng phải là những lời hoa mỹ để vui lòng người nghe. Há lại đem so với cái học tầm chương trích cú của kẻ thư sinh, lại cùng tranh lời hay ý đẹp với văn nhân, mặc khách hay sao”(2). Như vậy, qua lời nhận xét của đích thân vua Minh Mệnh, người đọc có thể cảm nhận được những thể tài mà Minh Mệnh đề cập đến trong thơ văn của mình. Đó phần nhiều là những bài thơ văn về việc chính sự, thơ về thời tiết, thơ về tự răn mình, thơ về việc nông tang, thơ vịnh sử, đê điều, răn dạy quan lại…

Thông qua hai bài Dụ và Tựa có thể nói đã làm sáng tỏ về quan điểm sáng tác thơ, văn của vua Minh Mệnh. Đó là làm thơ, viết văn khác với các văn sĩ đương thời, không tranh hay tranh giỏi với các văn sĩ. Vua viết thơ văn trong lúc nhàn rỗi hoặc ghi chép việc thực, đánh giá lẽ được mất của chính sự, hay tự viết để răn mình không được trễ nải biếng nhác. Theo như lời vua nói thì “văn thơ thì vốn là gốc ở lòng phát tự chí, nếu có người làm thay thì không phải là chí của mình, hà tất lại nhận cái hư danh ấy làm gì. Huống chi vua chúa không phải lấy việc hay thơ làm chức vụ”.

 

Chú thích

(1). Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (bản dịch của Viện Sử học), 2004, tập 3, Nxb Giáo dục, tr 130-131.

(2). Trích Ngự chế thi sơ tập tự.

Tài liệu tham khảo:

(1). Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, (tập 2), Bản dịch của Viện Sử học (2002), Nxb.Giáo dục.

(2). Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, (tập 3), Bản dịch của Viện Sử học (2002), Nxb. Giáo dục.

(3). Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (2004), Mộc bản triều Nguyễn - Đề mục tổng quan, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

(4). Mộc bản triều Nguyễn - bản chữ Hán sách Ngự chế văn sơ tập - Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, ký hiệu 03764, tr 1,2.

(5). Minh Mệnh, Ngự chế văn sơ tập, bản dịch Trần Văn Quyền (2000), Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây