Cần đẩy mạnh nghiên cứu vùng biên giới Nghệ An

Thứ năm - 16/12/2021 04:21 0

Một góc huyện biên giới Kỳ Sơn. Ảnh: Sách Nguyễn

Nghệ An trước hết là một tỉnh biên có 27 xã vùng biên thuộc 6 huyện Kỳ Sơn (11 xã); huyện Tương Dương (4 xã); huyện Con Cuông (2 xã); huyện Quế Phong (4 xã); huyện Anh Sơn (1 xã); huyện Thanh Chương (5 xã). Một trong những yếu tố quan trọng của vùng biên giới chính là các cửa khẩu. Cửa khẩu vừa để lưu thông hàng hóa, con người, vừa là chốt chặn để quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhậu cảnh và bảo vệ an ninh quốc gia. Với 419 km đường biên với Lào, Nghệ An có 4 cửa khẩu: Cửa khẩu Cao Vều (Anh Sơn), Cửa khẩu Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) Cửa khẩu Thanh Thủy (huyện Thanh Chương); Cửa khẩu Tam Hợp (huyện Tương Dương). Trước đây, các nhà nghiên cứu dân tộc học có quan tâm đến vấn đề nguồn gốc và lịch sử dân tộc của các tộc người xuyên quốc gia ở Nghệ An và bên kia biên giới Lào. Tuy nhiên, các dòng chảy quan trọng qua vùng biên như dòng chảy hàng hóa, dòng chảy tư tưởng, và dòng chảy con người vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu. Nói cách khác, các vấn đề vùng biên đương đại ở vùng biên giới Nghệ An vẫn chưa được giới khoa học quan tâm. Trong bối cảnh hiện nay, vùng biên đang ngày càng thể hiện nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng. Vậy nên cần phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về vùng biên để cung cấp thông tin có hệ thống, đầy đủ và khách quan cho Nhà nước có cơ sở để hoạch định chính sách phát triển.

Tuy nhiên, trước khi đẩy mạnh nghiên cứu vùng biên thì thiết nghĩ cần phải thay đổi quan điểm, nhận thức về vùng biên. Đến nay, vùng biên ở Nghệ An vẫn là khu vực khá tĩnh lặng, ít phát triển và cũng ít khi được thảo luận một cách rộng rãi về mặt khoa học. Bởi người ta vẫn coi biên giới, vùng biên giới là vấn đề nhạy cảm, hạn chế thảo luận vì liên quan đến an ninh quốc gia. Đáng ra, chính vì liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia nên cần phải đẩy mạnh nghiên cứu, thảo luận nhằm cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác cho chính quyền có cơ sở để hoạch định chính sách phù hợp. Đàng này vì xem nó là nhạy cảm, thiếu thảo luận và hệ quả là Nhà nước thiếu thông tin để xây dựng chính sách. Điều đó làm cho vùng biên trở nên tĩnh lặng, kém phát triển nhưng các vấn đề xã hội như buôn lậu xuyên quốc gia, tệ nạn xã hội và nghèo đói thì vẫn căng thẳng, gay gắt. Vậy nên cần thiết phải thay đổi quan điểm, phải bình thường hóa vấn đề ở vùng biên giới và xem đây là lĩnh vực cần phải nghiên cứu để cung cấp các thông tin cho công tác quản lý nhà nước. Cùng với đó là các chính sách thu hút sự quan tâm nghiên cứu vùng biên của các học giả trong và ngoài nước nhằm tạo ra môi trường tranh luận học thuật nghiêm túc nhằm sản xuất ra hệ thống thông tin khách quan và khoa học phục vụ hoạch định chính sách phát triển và bảo vệ an ninh quốc gia

Nghiên cứu vùng biên ở  Nghệ An có rất nhiều nội dung cần phải tìm hiểu. Nhưng trước mắt cần tập trung vào các nội dung chính sau:

Trước hết, cần nghiên cứu về quan hệ tộc người xuyên quốc gia ở Nghệ An. Hầu hết các tộc người ở Nghệ An đều là tộc người xuyên quốc gia, có mối quan hệ với các tộc người khác ở nước ngoài, đặc biệt là bên Lào. Từ người Hmông, Khơ Mú, Thái, Tày Poọng, Ơ Đu… đều có quan hệ nguồn gốc và lịch sử văn hóa với các đồng tộc ở bên Lào. Nhưng mối quan hệ giữa các cộng đồng này hiện nay như thế nào và các cơ chế của các mối quan hệ thì vẫn chưa được làm sáng rõ. Nhất là nghiên cứu sâu về các tộc người này trong bối cảnh rộng lớn xuyên/liên quốc gia, tránh đi sự hạn chế từ cái nhìn hẹp hòi do ngăn cản của đường biên tạo ra. Vậy nên cần thiết có những nghiên cứu liên ngành về các tộc người này trong bối cảnh cả Việt Nam và Lào, thậm chí cả phía Trung Quốc và Thái Lan.

Thứ hai là nghiên cứu về di cư xuyên quốc gia. Sự di cư của các nhóm người qua biên giới ở Nghệ An là vấn đề quan trọng. Trong lịch sử và cả hiện tại đều có những cuộc di cư xuyên biên giới, không chỉ qua Lào mà còn qua cả Trung Quốc theo những con đường khác nhau. Trong đó, sự di cư của người Hmông ở vùng biên giới là phổ biến nhất. Chỉ trong giai đoạn 1996-2006, số lượng người Hmông di cư qua Lào khá lớn: ở huyện Kỳ Sơn có 688 hộ với 4.338 nhân khẩu di cư qua Lào; huyện Tương Dương có 66 hộ với 512 nhân khẩu di cư qua Lào; huyện Quế Phong có 338 hộ với 1.956 nhân khẩu di cư qua Lào… Hiện nay cần tập trung vào nghiên cứu về sinh kế, tâm lý, văn hóa và cả ứng phó chính trị của các nhóm này. Di cư chính là dòng chảy con người, nội dung quan trọng trong nghiên cứu vùng biên.

Thứ ba là nghiên cứu về quan hệ hôn nhân xuyên quốc gia. Đây cũng là nội dung quan trọng, là một dòng chảy con người xuyên biên giới khá phổ biến và ảnh hưởng lớn đến nền văn hóa của các cộng đồng. Có hôn nhân cùng tộc người và hôn nhân đa tộc người, hôn nhân hợp pháp và bất hợp pháp. Tình trạng những người Hmông, Khơ Mú kết hôn qua biên giới khá phổ biến. Trong một khảo sát cách đây mấy năm cho thấy, chỉ riêng xã Đoọc Mạy (huyện Kỳ Sơn) đã có ít nhất 50 người Hmông ở bên Lào lấy chồng về đây sinh sống, và ngược lại có hơn 100 phụ nữ người Hmông trong xã lấy chồng đồng tộc bên Lào và di cư qua đó sinh sống. Hầu hết các cuộc hôn nhân xuyên biên giới đều không có đăng ký kết hôn tại địa phương. Hôn nhân xuyên biên giới cũng gắn với di cư và tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội và văn hóa.

Cán bộ BĐBP Nghệ An tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình cho đồng bào các dân tộc vùng biên giới. Ảnh: CTV

Thứ tư là nghiên cứu các dòng chảy hàng hóa xuyên biên giới. So với các vùng khác thì các hoạt động thương mại ở vùng biên Nghệ An còn hạn chế. Các dòng chảy hàng hóa qua biên giới vẫn còn ít ỏi, chủ yếu nông lâm sản và vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, nếu con đường chính thống qua các cửa khẩu còn hạn chế thì các đường tiểu ngạch lại tương đối phức tạp. Nhiều đường tiểu ngạch bị các nhóm tội phạm sử dụng để buôn bán ma túy, hàng lậu và di cư bất hợp pháp. Hầu như chưa có nghiên cứu nào về dòng chảy hàng hóa xuyên biên giới của khu vực này. Trong khi nhu cầu giao lưu trao đổi hàng hóa giữa các cộng đồng ở hai bên biên giới khá cao. Cần phải có những tiếp cận để không những quản lý tốt mà còn nâng cao chất lượng các hoạt động buôn bán vùng biên như là một một khu vực năng động, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Thứ năm là nghiên cứu vấn đề an ninh con người vùng biên giới. Lâu nay chúng ta quan tâm nhiều đến an ninh quốc gia nhưng an ninh con người vùng biên lại đang bỏ ngỏ. An ninh con người được hiểu rộng hơn, là sự tích hợp giữa lý thuyết an ninh và lý luận về quyền con người, trong đó nhấn mạnh đến an ninh vật chất, an ninh tinh thần và an ninh văn hóa cũng như nhiều điều kiện để phát triển khác. Người dân vùng biên đối diện với nhiều rủi ro cả thời chiến lẫn thời bình nên vấn đề an ninh con người cần được quan tâm. Và cần có những nghiên cứu nghiêm túc đánh giá lại thực trạng và những phương hướng, tiêu chí nhằm đảm bảo việc bảo vệ an ninh con người kết hợp với bảo vệ an ninh quốc gia.

Cán bộ chiến sĩ BĐBP Nghệ An tuần tra tuyến biên giới. Ảnh: Lê Thạch

Thứ sáu là nghiên cứu phát triển kinh tế vùng biên. Khác với quan điểm truyền thống tách vùng biên thành vùng nhạy cảm chính trị và hạn chế các mối quan hệ kinh tế phức tạp thì ngày nay người ta xem vùng biên là một khu vực năng động, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Và thực tế thì sự giao lưu thương mại ở vùng biên khá mạnh mẽ, nhiều khi nó làm người ta phải suy nghĩ lại về quan niệm trung tâm và ngoại vi, bởi nhiều vùng biên không còn là “biên viễn” mà trở thành trung tâm. Nhưng phát triển kinh tế vùng biên cần phải được hoạch định chiến lược đúng đắn, vì nó phải gắn với an ninh quốc phòng. Vậy nên cần phải nghiên cứu nghiêm túc, cung  cấp thông tin đầy đủ và đa phương diện về quan điểm để tạo cơ sở nền tảng cho Nhà nước hoạch định chính sách phát triển kinh tế vùng biên.

Tóm lại, Nghệ An cần đẩy mạnh nghiên cứu vùng biên một cách nghiêm túc và khoa học. Bởi nó là cơ sở nền tảng để cung cấp thông tin cho Nhà nước trong việc hoạch định chính sách phát triển. Vùng biên luôn gắn với an ninh quốc gia, nhưng đừng vì vậy mà xem nó là nhạy cảm, hạn chế thảo luận mà phải ngược lại, cần được thảo luận đầy đủ và hợp tác nghiên cứu sâu rộng. Các hoạt động ở đường biên vừa là các hiện thực xã hội, vừa là sự thể hiện của đời sống chính trị, nên càng phải nhận thức toàn diện./.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây