Chủ quyền Hoàng Sa,Trường Sa qua trước tác của danh nhân xứ Nghệ

Thứ hai - 13/03/2023 05:21 0

Như vậy, Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư cung cấp những thông tin hết sức cơ bản về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, và chủ quyền của chính quyền Phú Xuân đối với Bãi Cát Vàng. Những phần chú ở đây khá chính xác mặc dù bên cạnh đó một vài số liệu về chiều dài chiều rộng và khoảng cách xa bờ còn có tính ước lệ. Điều này có thể hiểu được bởi Nho sinh Đỗ Bá Công Đạo vẽ bản đồ trong điều kiện đang là một “gián điệp” của chính quyền chúa Trịnh nên phải tiến hành trong bí mật, và thiếu thốn nhiều công cụ cũng như phương tiện. Nhưng những thông tin như vậy, đều cho thấy tính chất nghiêm túc và tỉ mỉ của tác giả. 

 

 

Phần vẽ và chú thích Bãi Cát Vàng trong sách "Khải đồng thuyết ước"

Một điều đáng chú ý là sau bộ thư tịch này, tới năm 1696 thì có tập Hải Ngoại kỷ sự của Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán (người Quảng Đông Trung Quốc sang truyền giáo dòng Tào Động tại Phú Xuân) có nhiều đoạn miêu tả về hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa gọi là “Vạn lý Trường Sa”. Hòa thượng Thích Đại Sán đã đi qua vùng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa do chính quyền Phú Xuân khi ấy quản lý, chính vì vậy ông đã ghi chép những điều mắt thấy tai nghe về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa bấy giờ cũng như thực thi chủ quyền của chính quyền chúa Nguyễn Phúc Chu rất đầy đủ và chi tiết. Sau này, trong bộ Hải Quốc Đồ Ký, cuốn Hải Lục của Tạ Thanh Cao có chép: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát dài ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”(1). Những ghi chép của hòa thượng Thích Đại Sán trong Hải ngoại kỷ sự về chủ quyền của chính quyền chúa Nguyễn Phúc Chu đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa có mốc thời gian khá sớm, thông tin cũng đồng nhất, tuy nhiên trước tác này vẫn được thực hiện sau Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Nho sinh Đỗ Bá Công Đạo.

Còn trong Giáp Ngọ niên bình Nam đồ, phần vẽ và chú thích “Bãi Cát Vàng” lại cực kỳ đơn giản và không hề có một chú thích nào ngoài 3 chữ Nôm “Bãi Cát Vàng”, nên đã không có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, sự quản lý và xác lập chủ quyền của chính quyền Phú Xuân cũng như không ghi chú về Hải đội Hoàng Sa. Như vậy, mặc dù ra đời sau nhưng trước tác này lại không thể hiện được kỹ và đầy đủ như Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư. Điều này cũng dễ hiểu bởi đây vốn là “Đồ” (bản đồ) chứ không phải “Đồ Thư” (Bản đồ và sách vở). Hơn nữa, tác phẩm này lại thuần túy mục đích quân sự mà không phải là một tác phẩm địa dư hay lịch sử, chính vì vậy nên Đoan Quận công chỉ tập trung mô tả và vẽ những điểm liên quan mật thiết đến hoạt động quân sự như đồn, lũy, vệ,… Nhưng nó cũng là tác phẩm có sự đồng nhất với tác phẩm Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Nho sinh Đỗ Bá Công Đạo ở trên bởi phần gần với vùng biển đều được vẽ và chú thích rõ các địa danh như: An Vĩnh thị 安永市 (chợ An Vĩnh), phía dưới chợ An Vĩnh là Sa Kỳ hải môn 沙淇海門 (cửa biển Sa Kỳ) và núi An Hải 安海. Quan sát khu vực này ta thấy xung quanh đều có các dãy núi trấn ở các phía. Đối chiếu những chi tiết này với bộ thư tịch lớn nhất về địa lý Việt Nam dưới thời phong kiến là Đại Nam nhất thống chí ta thấy có sự thống nhất về vị trí cũng như những mô tả: “Vũng An Vĩnh ở xã An Vĩnh, phía Đông huyện Bình Sơn, phía Nam cửa biển Sa Kỳ. Ngoài có núi trấn, phía Đông có ấp An Hải giáp biển”(2). Bên cạnh đó bản đồ này còn vẽ và chú thích hình núi Nam Châm. Còn ở phía ngoài biển, bản đồ vẽ hình một quả núi với lời chú: “Thử sơn đa hữu du” 此山多有油 (núi này có nhiều dầu). 

Phần viết về Hoàng Sa trong "Đại việt sử ký tục biên"

Đặc biệt nhất là tác giả Đoan Quận công Bùi Thế Đạt đã vẽ và chú thích Bãi Cát Vàng nằm ngoài khơi phủ Quảng Ngãi. Bãi cát vàng được vẽ tượng trưng bằng hình những quả núi hình bầu dục, nằm giữa Cù Lao Chàm và Cù Lao Ré ngoài khơi huyện Bình Sơn với lời chú bằng nguyên văn 3 chữ Nôm là “Bãi Cát Vàng” 𡓁葛鐄”. Bộ bản đồ này chỉ phục vụ mục đích quân sự là chính. Vậy tại sao “Bãi cát vàng” lại được vẽ và chú thích đầy đủ như vậy? Ta biết rằng dưới thời các chúa Nguyễn đã cho thành lập đội Hoàng Sa để khai thác các lợi ích kinh tế, bên cạnh đó đội Hoàng Sa còn có nhiệm vụ sẵn sàng ứng chiến nếu như có sự xâm phạm từ bên ngoài. Qua đây ta thấy rõ được sự quản lý Hoàng Sa - Trường Sa dưới thời chúa Nguyễn đã đạt tới mức độ hoàn thiện cả về hệ thống cũng như quy chế. Chính vì vậy, Đoan Quận công khi vẽ Giáp Ngọ niên bình Nam đồ đã không thể bỏ sót một khu vực vô cùng quan trọng như Bãi Cát Vàng.

Tuy vậy, phải sang tới Quảng Thuận đạo sử tập của Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh, thì trước tác này đã đầy đủ và chi tiết hơn cả, bởi nó đã xuất hiện thông tin chi tiết về quê hương của hải đội Hoàng Sa. Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh đã ghi rõ vị trí địa lý và lộ trình cũng như thời gian di chuyển là “Từ cửa Đại Chiêm đến cửa Hạp Hoà là 4 canh giờ, từ cửa Hạp Hoà tới cửa Châu Ô là 3 canh giờ, từ Châu Ô đến Đà Diễn là 3 canh giờ, từ Đà Diễn đến cửa Đại Quảng Ngãi là 3 canh giờ”, cụ thể hơn là “Ngoài cửa này có đảo Lý Sơn, trên núi có dân cư, gọi là xã An Vãng”, và thông tin cực kỳ quan trọng là nêu đích danh quê hương của hải đội Hoàng Sa cũng như thông tin chi tiết về hoạt động của đội: “Xã này có đội thuyền là đội Sa Hoàng Nhị, hàng năm thuyền mười tám chiếc lại ra biển, đến xứ Sa Hoàng lấy các hàng hoá, vàng”.

Qua đây chúng ta đã thấy Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh đã có điểm mới trong tác phẩm của mình khi viết về hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, bởi ở tác phẩm Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư mới chỉ miêu tả về Bãi Cát Vàng mà chưa ghi rõ về quê hương của đội Hoàng Sa Nhị, nhưng ở tác phẩm Quảng Thuận đạo sử tập đã ghi rõ đội Hoàng Sa Nhị thuộc xã An Vãng (đúng ra là An Vĩnh) và sau khi thu thập mọi thứ hàng hoá sản vật đều phải quay về nạp tại kinh đô Phú Xuân. Như vậy, qua chi tiết này đã cho chúng ta thấy rõ hơn về mối quan hệ giữa đội Hoàng Sa và chính quyền Đàng Trong lúc bấy giờ. Hoàng Sa Nhị luôn phải tuân thủ những quy định và thể chế của chính quyền cả về mặt tổ chức cũng như hoạt động. Điểm đặc biệt chú ý là khoảng thời gian “tháng 4 đi và tháng 7 trở về” của hải đội Hoàng Sa. 

Vậy tại sao ở 2 trước tác trước đây là Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư và Giáp Ngọ niên bình Nam đồ lại chưa ghi chép? Lý giải cho điều này chúng ta thấy rằng Nho sinh Đỗ Bá Công Đạo và Đoan Quận công Bùi Thế Đạt phải thực hiện công tác ghi chép và mô tả dưới dạng bí mật và xa kinh thành Phú Xuân nên chưa thể nắm rõ được lịch trình của chính quyền chúa Nguyễn đặt ra cho hải đội. Nhưng sau khi quân Trịnh chiếm được Phú Xuân thì những Nho sĩ xứ Đàng Ngoài như Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh đã được tự do tham khảo chế độ, điền dã thực tế để ghi chép. Chính vì vậy mà sau năm 1775, những tác phẩm địa dư về Bãi Cát Vàng đều có nhiều điểm chi tiết hơn so với trước đó. Một minh chứng cho điều này là trong Phủ biên tạp lục, Bảng nhãn Lê Quý Đôn cũng đã ghi chép và mô tả chi tiết, tỉ mỉ và đồng nhất với Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh: “Xã An Bình huyện Bình Sơn phủ Quảng Ngãi ở gần biển, phía Đông Bắc ngoài biển có nhiều đảo, các núi nằm rải rác có đến hơn 130 ngọn, giữa các núi là biển, các núi cách nhau đi chừng một ngày đường hoặc vài canh giờ. Trên núi có suối nước ngọt, trên đảo có bãi cát vàng, dài ước hơn ba mươi dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong tận đáy. Bên vách đảo có nhiều tổ chim yến, số chim có đến nghìn vạn con, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh... Các phiên thuyền gặp gió lớn phần nhiều bị hỏng ở đây. Trước đây họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, luân phiên nhau hàng năm cứ vào tháng ba nhận mệnh đi làm sai dịch, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ ra biển, ba ngày ba đêm mới đến đảo này”(3). 

Như vậy rõ ràng 2 Nho sĩ xứ Đàng Ngoài là Nguyễn Huy Quýnh và Lê Quý Đôn đã ghi chép chi tiết tỉ mỉ về tổ chức, cơ cấu hoạt động cũng như các hoạt động cụ thể của đội Hoàng Sa thực hiện theo mệnh lệnh của chính quyền Phú Xuân. Và song song với khai thác và xác lập chủ quyền thì các chúa Nguyễn rất chú trọng tới việc bảo vệ lãnh thổ lãnh hải, bảo vệ nguồn tài nguyên và tính mạng của người khai thác biển. Do quá trình khai thác có từ lâu đời nên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã trở thành phần lãnh hải của xứ Đàng Trong. Thông qua một ghi chép với người đồng liêu của Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh là Bảng nhãn Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục thì: “Hoàng Sa chính gần phủ Liêm Châu đảo Hải Nam, người đi thuyền có lúc gặp thuyền đánh cá nước Thanh hỏi nhau ở trên biển. Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương, đảo Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hóa nói rằng: năm Kiền Long thứ 18 (1753) có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh đội Cát Liềm huyện Chương Nghĩa phủ Quảng Ngãi nước An Nam ngày tháng 7 đến Vạn Lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, dạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Chu sai cai bạ Thuận Hoá là Thức Lượng hầu làm thư trả lời”(4). Như vậy, thông qua đạo văn thư ngoại giao này chúng ta thấy rõ chủ quyền của nhà nước phong kiến Việt Nam bấy giờ là chủ nhân đích thực của quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa bởi nó đã được sự thừa nhận của một nước lớn bấy giờ là nhà nước phong kiến Đại Thanh, bởi yếu tố rõ ràng nhất chính là việc nhà Thanh chỉ thực hiện các hoạt động mang tính chất ngoại giao như hoạt động cứu hộ cứu trợ khi thuyền gặp nạn cũng như trao trả những người bị nạn về đất nước chủ quản mà không hề có bất cứ một hoạt động khai thác hay khẳng định chủ quyền nào khác. Đồng thời nhà Thanh bấy giờ hay nhà Minh trước đó cũng không hề tuyên bố chủ quyền tại đây. Không chỉ Trung Quốc mà các nước khu vực lân cận như Indonesia, Philippines, hay bất cứ một quốc gia ở Đông Nam Á nào khác… đều không có bất cứ một tư liệu thành văn nào có thể chứng minh họ thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Trong khi đó suốt khoảng thời gian dài từ trong mấy thế kỷ, hải đội Hoàng Sa do chính quyền xứ Đàng Trong tổ chức đã hoạt động khắp các quần đảo tại vùng biển Đông, vừa có nhiệm vụ kiểm soát, vừa khai thác tài nguyên thiên nhiên, hóa lợi hóa vật. Đây chính là đội do nhà nước phong kiến Việt Nam lúc bấy giờ tại xứ Đàng Trong lập nên và trực tiếp quản lý.

Hải đội Hoàng Sa và những hoạt động của đội lúc bấy giờ đã trở thành một bộ phận quan trọng của lãnh thổ lãnh hải xứ Đàng Trong không thể không nhắc đến. Cũng chính vì lẽ đó mà khi sử quan chính quyền Đàng Ngoài là Hoàng giáp Phạm Nguyễn Du vào Nam để giúp việc cho quan Trấn thủ Phú Xuân, ông đã tham chước những tư liệu cũng như điền dã tình hình thực tế để có những ghi chép về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vào trong chính sử: “Năm Giáp Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 15 (niên hiệu Càn Long năm thứ 19). Tám người thuộc đội Hoàng Sa xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi đi thuyền nhỏ vào bãi Hoàng Sa giữa hai đảo tìm lấy hải vật, bị gió dạt vào cửa sông Thanh Lan, huyện Văn Xương, phủ Lô Châu [nước Thanh]. Quan địa phương đó xét hỏi đúng sự thực rồi đưa trả về đúng nguyên quán. Chúa Thế Tông (Nguyễn Phúc Khoát) sai Cai bạ Thuận Hóa là Thức Lượng hầu viết thư đáp lại nước Thanh. Ngoài biển xã An Vĩnh có các đảo lớn gồm 130 cái, cách nhau hoặc đi một ngày thuyền, hoặc vài trống canh. Trên đảo có suối nước ngọt. Trong đảo có Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) dài ước hơn 30 dặm, nước trong. Đảo ấy có vô số tổ yến, ở bãi cát lại có ốc vằn, tục gọi là ốc tai voi, ốc xà cừ, ốc hương và hải trùng, hải sâm, đồi mồi v.v... Đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào đội ấy, cắt lượt nhau đi thuyền đến xứ ấy mò tìm báu vật. Mỗi năm cứ tháng 3 ra đi, mang lương ăn 6 tháng, đi thuyền ra biển 3 ngày 3 đêm mới về đến đảo. Ở đấy tha hồ tìm nhặt, được sản vật gì, bao nhiêu, đến kỳ tháng tám thuyền về cửa Eo, đem đến Phú Xuân nộp. Trong khoảng ấy cũng có người mò được tiền bạc, chì, thiếc, và nồi đồng, súng, khí giới, ngà voi, bát bằng đá…”(5).  

Chúng ta thấy rằng, các trước tác như Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Nho sinh Đỗ Bá Công Đạo, Giáp Ngọ niên bình Nam đồ của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt hay Quảng Thuận đạo sử tập của Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh là những ghi chép của cá nhân, còn Đại Việt sử ký tục biên do Hoàng giáp Phạm Nguyễn Du đồng biên soạn lại là chính sử, tức bộ sử chính thống của nhà nước. Như vậy, thông qua những ghi chép về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trong bộ chính sử Đại Việt sử ký tục biên, thì đây là lần đầu tiên những thông tin về Bãi Cát Vàng đã chính thức được đưa vào hệ thống quốc sử. Và điều đặc biệt nhất phải khẳng định chính là việc vua Minh Mệnh của triều Nguyễn sau này vì quan điểm chính trị đối nghịch với chính quyền họ Trịnh nên đã xem bộ Đại Việt sử ký tục biên là một cuốn yêu thư và ra lệnh tiêu hủy. Vậy nhưng những ghi chép về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa lại được giữ lại trong chính sử triều Nguyễn. Như vậy đã chứng minh rằng chủ quyền của người Việt Nam đối với Bãi Cát Vàng đã vượt qua cả quan điểm chính trị cũng như yếu tố thời đại và luôn có sự đồng nhất với nhau trong toàn bộ ghi chép của người Việt.

Chú thích

1. Trần Nam Tiến (2011), Hoàng Sa Trường Sa hỏi và đáp, Nxb Trẻ, Tp HCM, tr129.

2. Đại Nam nhất thống chí (2012), Nxb Lao Động, Hà Nội, tập 1, tr157.

3. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Quốc triều chính biên toát yếu, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr46.

4. 撫邊雜錄, Thư viện Quốc gia Việt Nam, kí hiệu: R.1605-NLVNPF-0709-01.

5. 大越史記續編, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu HV.119.


Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây