Để khoa học xã hội gắn với cuộc sống đời thường hơn

Thứ ba - 12/10/2021 05:21 0

Đưa khoa học gắn với cuộc sống đời thường hơn không phải là bình dân hóa khoa học như cách mà một thời gian dài chúng ta đã làm với khoa học xã hội khi định hướng khoa học trở thành công cụ để tuyên truyền chính trị. Khoa học với chức năng cơ bản là để sản xuất tri thức chân thực và khách quan. Bình dân hóa khoa học xã hội chính là đơn giản hóa quá trình sản xuất tri thức cũng như coi nhẹ vai trò của nghiên cứu khoa học. Còn đưa khoa học đến với đời thường không phải là đơn giản hóa hoạt động nghiên cứu hay coi nhẹ nghiên cứu mà là tìm kiếm các phương pháp tiếp cận mới và các cách thức trình bày mới gắn với bối cảnh đời thường của đối tượng nghiên cứu. Đó cũng chính là đưa tiếng nói của đối tượng nghiên cứu lên một vị trí cao hơn trong sản xuất tri thức khoa học.

Từ lâu nay, sản xuất tri thức là lĩnh vực độc quyền của các nhà nghiên cứu khoa học. Ngay cả khoa học xã hội thì việc sản xuất tri thức cũng chủ yếu do các nhà nghiên cứu thực hiện. Điều này cũng không có gì lạ bởi các nhà nghiên cứu được đào tạo chuyên môn để thực hiện những việc này. Tuy nhiên, càng ngày, khoa học xã hội càng đề cao các phương pháp tiếp cận coi trọng sự tương tác giữa đối tượng nghiên cứu và nhà nghiên cứu. Người ta đấu tranh để tìm vị trí mới cho tiếng nói của đối tượng nghiên cứu. Thay vì đối tượng nghiên cứu gần như độc lập với các nhà nghiên cứu khi không tiếp cận được các công trình nghiên cứu của nhà khoa học sau khi họ xuất bản mặc dù các thông tin trong công trình đó là từ đối tượng nghiên cứu mà cấu thành. Còn nhà khoa học, sau một quá trình tiếp xúc với đối tượng nghiên cứu quay về sản xuất ra hệ thống tri thức qua các công trình nghiên cứu nhưng lại bỏ đối tượng nghiên cứu ra ngoài sự tương tác và xem như không liên quan đến nghiên cứu khoa học của mình.


Ngày nay, khoa học công nghệ đã làm thay đổi mọi thứ. Trong đó mối quan hệ giữa nhà nghiên cứu khoa học xã hội và đối tượng nghiên cứu cũng thay đổi mạnh mẽ. Sự tương tác giữa đối tượng nghiên cứu và nhà nghiên cứu ngày càng mạnh mẽ và quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn. Đối tượng nghiên cứu một mặt dễ dàng cung cấp các thông tin, tư liệu cho nhà nghiên cứu hơn, chia sẻ các câu chuyện của mình một cách rộng rãi hơn. Mặt khác, họ cũng có thể trao đổi, phản biện và thảo luận lại với tác giả về những công trình nghiên cứu liên quan đến họ khi mà họ có thể tìm thấy những nghiên cứu đó qua các phương tiện kỹ thuật, truyền thông thông tin và mạng internet. Sự tương tác đó làm cho tiếng nói của đối tượng nghiên cứu được coi trọng hơn. Không chỉ tham gia vào quá trình chia sẻ, cung cấp thông tin mà đối tượng nghiên cứu còn có thể tham gia thảo luận, thẩm định các tri thức khoa học do nhà nghiên cứu sản xuất ra trong một góc độ nào đó.


Để tăng cường vị thế của đối tượng nghiên cứu trong quá trình sản xuất tri thức khoa học liên quan đến họ, các nhà nghiên cứu đã không ngừng tìm kiếm những phương pháp nghiên cứu mới. Dành nhiều năm lên vùng núi cao Myanmar, học giả Stan-Tangbau thông qua các phương tiện công nghệ tiên tiến đã tập hợp, gợi mở và hướng dẫn cho hàng vạn người dân tộc Kachin chia sẻ những câu chuyện về lịch sử cuộc đời của mình ra rộng rãi cho nhiều người có thể xem, nghe. Những câu chuyện đó được thể hiện qua những hình ảnh, những ghi âm, hay những clip do chính người dân tự sản xuất ra và chia sẻ với mọi người. Còn nhà khoa học này thì tạp lập thành các nhóm chủ đề để tạo ra một hệ thống tư liệu nhân học quan trọng với mấy vạn câu chuyện cuộc đời, giúp cho rất nhiều người hiểu hơn về tộc người Kachin-một cộng đồng sinh sống ở vùng núi cao Myanmar. Tương tự, một nhà xã hội học thông qua các câu chuyện lịch sử cuộc đời của những người lao động tình dục ở TP. Hồ Chí Minh đã làm cho giới xã hội học ở Mỹ phải thay đổi cách nhìn về các nhóm thiểu số ở đô thị ở Việt Nam. Gần như trong cuốn sách của mình, tác giả không thể hiện nhiều lý thuyết hay nhận định, đánh giá, mà ngược lại chỉ để cho các đối tượng nghiên cứu kể các câu chuyện cuộc đời của mình trong bối cảnh xã hội mà họ sinh sống.  Hay với một số chiếc máy ảnh, các cán bộ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã đi tập huấn và phát cho người dân để họ tự chụp về cuộc sống của họ, qua đó kể lại những câu chuyện từ hình ảnh của mình. Tương tự như vậy, các cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng mang những mấy ghi âm đi phát cho một số người dân để họ tự kể lại những câu chuyện mà họ tích. Nhứng phương pháp này gọi là Photo Voice, là một cách tiếp cận trong nghiên cứu Dân tộc học-Nhân học, đưa người dân bình thường tự sản xuất ra những tri thức liên quan đến chính cuộc sống của họ. Chủ đề do người dân tự chọn. Các nhà nghiên cứu chỉ hướng dẫn cách thức sử dụng và chia sẻ chứ không gợi ý về nội dung thông tin hay chủ đề. Và sau đó, các nhà nghiên cứu bằng kỹ năng của mình thì tập hợp các thông tin từ người dân lại thành các chủ đề chứa đựng những thông điệp riêng để thể hiện cuộc sống đa dạng của đối tượng nghiên cứu….  Và rất nhiều phương pháp tiếp cận mới đang được các nhà nghiên cứu xây dựng để vận dụng vào quá trình nghiên cứu của mình. Thông qua những phương pháp mới, các nhà nghiên cứu đang cố gắng đưa tiếng nói của đối tượng nghiên cứu lên cao hơn, qua đó đưa khoa học đến với cuộc sống đời thường hơn. Khoa học xã hội , xét cho cùng là một cách thức diễn giải xã hội. Và sự diễn giải sẽ đạt đến chất lượng đỉnh cao khi nó gắn với cuộc sống của đối tượng nghiên cứu-là những người thường.


Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các nhà khoa học xã hội bị lôi kéo theo cuộc chạy đua xếp hạng đại học cũng như cuộc chơi công bố quốc tế. Nói đòi hỏi các nghiên cứu cần được dịch qua một thứ ngôn ngữ khác (chủ yếu là Anh ngữ) để xuất bản ở các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới. Công bố quốc tế trở thành một tiêu chí để đánh giá chất lượng của nền học thuật cũng như nền giáo dục. Nhưng việc chạy đua công bố quốc tế cũng làm cho nhà nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu trở nên cách xa nhau hơn. Sự cách xa đó một phần đến từ lợi ích, khi mà công bố quốc tế đưa lại cho nhà nghiên cứu danh dự, uy tín, dang tiếng và nhiều lợi ích khác nhưng lại hoàn toàn vô ích đối với các đối tượng nghiên cứu. Sự xa cách cũng đến từ việc xuất bản ở một nơi đâu đó xa lạ mà đối tượng nghiên cứu muốn tiếp cận gần như là không thể. Đặc biệt, sự xa cách thể hiện mục tiêu nghiên cứu khoa học của nhà khoa học là hướng đến những cộng đồng ở đâu đó xa lạ (cộng đồng học thuật quốc tế) nhưng lại không quan tâm đến đối tượng nghiên cứu của mình. Nó làm cho công trình nghiên cứu trở thành một kết cấu khoa học xa lạ đối với đối tượng nghiên cứu. Có lẽ vì vậy mà nhà bản địa học nổi tiếng  Linda Tuhiwai Smith gay gắt phê phán rằng “Bản thân từ “nghiên cứu” có lẽ là một trong những từ ngữ bẩn thỉu nhất trong từ vựng của người bản địa”. Bởi theo bà, toàn cầu hóa làm cho các kết quả nghiên cứu của nhà khoa học trở nên xa lạ với đối tượng nghiên cứu của mình. Và khoảng cách giữa nhà nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu ngày càng giãn ra là một minh chứng cho sự thất bại trong việc tìm kiếm các phương pháp tiếp cận mới. Điều đó cũng đặt ra đòi hỏi phải luôn đổi mới phương pháp tiếp cận để các công trình nghiên cứu đến gần hơn với đời thường, làm cho đối tượng nghiên cứu và nhà nghiên cứu tương tác với nhau nhiều hơn, gần gũi nhau hơn./.


 

 

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây