Dòng họ Nguyễn Trọng với việc bảo vệ vùng biên giới phía Bắc ở thế kỳ XVIII

Thứ ba - 14/11/2023 04:21 0
Nhà thờ đại tôn dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần
1. Vài nét về tình hình biên giới phía Bắc của Đại Việt ở thế kỷ XVIII
Thế kỷ XVII - XVIII, triều đình Lê - Trịnh vẫn tiếp tục thực hiện chính sách “nhu viễn” đối với vùng biên giới. Chính sách “nhu viễn”, còn gọi là chính sách “kimi”, “lạt mềm buộc chặt”, mềm dẻo đối với các vùng cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số, bao gồm phong quan tước, hậu đãi các tù trưởng địa phương, gả các công chúa cho các tù trưởng địa phương... nhằm đảm bảo sự phục vụ trung thành của họ đối với chính quyền trung ương. Đồng thời, nhà nước Lê - Trịnh trừng phạt đối với các tù trưởng có thái độ chống đối. Thời kỳ này, do nội chiến liên miên, tình trạng quản lý của triều đình đối với các thổ tù thiểu số lỏng lẻo, cộng thêm sự phá hoại của dư đảng nhà Mạc, sự cướp bóc của các thế lực ngoại bang, nhiều thổ tù đã nổi dậy chống lại triều đình. 
Năm 1672, Vũ Công Tuấn (con của Vũ Công Đức trấn trị vùng Tuyên Quang) làm phản, quấy nhiễu biên giới, cướp bóc nhân dân, câu kết với dòng dõi họ Mạc là Mạc Kính Vũ, tự xưng Tiểu Giao Cương Vương và chạy sang Vân Nam nhờ nhà Thanh giúp sức. Thổ ty phủ Khai Hóa (Vân Nam) nhà Thanh nhân dịp này chiếm đất hai châu Vị Xuyên, Bảo Lạc thuộc Tuyên Quang và châu Thuỷ Vĩ thuộc Hưng Hoá, cướp dân của Đại Việt, cho đặt tuần ty ở các động ven biên giới để thu thuế. Sách Đại Việt sử ký tục biên chép: “Trước đây (1672), Công Tuấn trốn sang Vân Nam nương dựa thổ quan họ Nùng, kêu gọi tụ tập lính Thổ và người Nùng cướp bóc vùng Tuyên Quang, Hưng Hóa. Dân biên giới bị quấy rối…”(2). Năm 1699, Vũ Công Tuấn bị triều đình nhà Lê bắt và giết.
Năm 1686, lại có người làm phản ở Tuyên Quang tên là Khoan, liên kết dẫn dắt giặc Nùng xâm lược, cướp bóc vùng biên giới Tuyên Quang và Hưng Hóa(3). Đến tháng 6 năm 1686, giặc Nùng lại quấy nhiễu biên giới, [triều đình] sai bọn Đề đốc Trịnh Cấp đem quân đi đánh. Quân lính tiến đánh thắng trận, nhưng quân lính đến đâu ngang ngược sách nhiễu đến đó, nên triều đình không thưởng(4).
Năm 1699, Sầm Trì Phượng ở châu Tiểu Trấn Yên bên Trung Quốc lại sang quấy rối vùng biên thuộc châu Bảo Lạc (Tuyên Quang). Năm 1701, thổ ty phủ Tư Lăng nhà Thanh là Vi Vinh Diệu kéo sang lấn ruộng lúa của dân châu Lộc Bình. Sách Đại Việt sử ký tục biên chép: “[Chúa] hạ lệnh cho quan phòng thủ ở cửa ải là Vi Phúc Vĩnh phải đốc suất dân cày cấy ở địa hạt trong châu; khi lúa chín phải canh phòng cẩn mật hơn, đừng để cho [người nước ngoài] vượt biên vào gặt tranh mất lúa mà thôi, chứ không động binh càn để gây hấn khích ở biên giới”(5). Vua Lê cử viên quan Hà Tông Mục dẫn đầu đoàn quan chức của triều đình lên vùng biên giới để đàm phán, đấu tranh với quan đại diện của triều đình nhà Thanh, kiên quyết không cho quân Thanh xâm lấn, chiếm đóng châu Bảo Lạc thuộc tỉnh Cao Bằng.
Tháng 9 năm 1721, Đèo Mỹ Lâm ở châu Chiêu Tấn chiếm đoạt Lai Châu, đánh phá Quỳnh Nai nơi biên giới phần nhiều bị đốt phá cướp bóc(6).
Trong thời gian từ 1724 đến 1753, Đại Việt mất quyền kiểm soát trên một khu vực rộng lớn phía Tây Bắc, từ Tuyên Quang đến Vân Nam, các lãnh chúa người Thái và Tày hùa theo các phong trào “phản Thanh phục Minh” và sau đó là nhóm “Thái Bình Thiên Quốc” chống lại cả hai triều đình. Tình hình biên giới hết sức phức tạp.
Ở thế kỷ XVIII, nhà Thanh ở Trung Quốc đang bước vào giai đoạn cường thịnh dưới sự trị vì của những ông vua có tài như Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, nên dã tâm xâm chiếm đất đai của các nước xung quanh càng ráo riết. Nhận thấy mảnh đất Tụ Long của Đại Việt có mỏ đồng với trữ lượng đồng khá lớn nên nhà Thanh tìm cách chiếm đoạt vùng đất này. Viên quan tri phủ Khai Hoá (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã cho binh lính tiến xuống chiếm giữ mỏ đồng và gửi thư báo cho triều đình nhà Lê là biên giới của Trung Quốc tính từ phủ Khai Hoá ở sát biên giới xuống phía Nam với chiều dài là 240 dặm và cho rằng ranh giới giữa Đại Việt và Trung Quốc trước đây là sông Đỗ Chú là không chính xác, ranh giới phải là sông Ninh Biên ở sâu trong phần đất của Đại Việt. Bọn quan lại Trung Quốc vu khống nhà Lê đã lấn chiếm đất đai biên giới của Trung Quốc đến 40 dặm, chúng cho quân lính đóng đồn trại và tự lập bia mốc mới biên giới.
Trước hành động ngang ngược, trắng trợn của Trung Quốc, triều đình nhà Lê đã gửi công văn phản đối đến viên quan Tuần phủ Vân Nam và triều đình nhà Thanh. Viên quan Tuần phủ Vân Nam lúc đó là Ngạc Nhĩ Thái theo chỉ đạo của Thanh triều, đã gửi công văn trả lời triều đình nhà Lê với lời lẽ rất là kẻ cả, xấc xược. Viên tuần phủ quở trách triều đình ta ngông cuồng, không biết lễ độ với thiên triều và bắt vua ta phải làm biểu tạ tội, chấp nhận tuân theo cột mốc biên giới mới mà chúng vừa dựng lên. Trước tình hình như vậy, nhà Lê cử viên quan trấn thủ Tuyên Quang là Trịnh Kính đem quân địa phương kéo lên phòng giữ, sẵn sàng chiến đấu; đồng thời triều đình ta liên tục gửi công văn phản đối lên quan tuần phủ Vân Nam và Thanh triều với lời lẽ ôn tồn, mềm mỏng nhưng cương quyết. 
Các chúa Trịnh kiên trì chính sách ngoại giao để đòi lại đất. Năm 1725, thời vua Ung Chính, sứ giả Đại Việt lại được Trịnh Cương cử sang thương thuyết về vấn đề biên giới, hai bên giằng co nhưng không có kết quả. Sang năm 1726, vua Ung Chính chấp nhận trả lại 80 dặm trong số 120 dặm chiếm ở hai châu Vị Xuyên và Thuỷ Vĩ, còn 40 dặm chỗ có xưởng đồng thì nhà Thanh không trả. Tới năm 1728, Ung Chính mới đồng ý trả nốt 40 dặm có mỏ đồng Tụ Long. Trịnh Cương cho Nguyễn Huy Nhuận và Nguyễn Công Thái làm sứ lên nhận đất. Ban đầu thổ ty phủ Khai Hóa nhà Thanh muốn giữ lại các sách ở Bảo Sơn nên chỉ sai chỗ khác, bảo đó là sông Đổ Chú. Tuy nhiên, Nguyễn Công Thái biết là gian trá, bèn tự mình xông pha lặn lội vào chỗ hiểm trở, đi qua các xưởng bạc, xưởng đồng, nhận ra đúng chỗ sông Đỗ Chú. Thổ ty phủ Khai Hóa phải thừa nhận và Nguyễn Công Thái dựng bia làm nơi giáp ranh, lấy sông Đỗ Chú làm ranh giới hai nước.
Sách Lịch triều tạp kỷ của Ngô Cao Lãng chép: “Bấy giờ quan nhà Thanh cho chia ranh giới hai nước bằng sông Đỗ Chú, nhưng thổ quan phủ Khai Hoá chỉ láo sông Đỗ Chú để chực chặn lấy các thôn xã ở Bảo Sơn. Bọn Công Thái xông pha lam chướng, vượt nơi hiểm trở, đi qua các mỏ đồng, mỏ bạc, nhận ra được sông Đỗ Chú thật, bèn gọi quan nhà Thanh hai bên tự đi báo lại, tranh biện và bẻ lý mãi, rồi lập động trụ làm giới mốc. Thế là việc cương giới mới ổn định. Mỏ đồng Tụ Long lại thuộc về ta”.
Về việc trả lại xưởng đồng Tụ Long, sách Đại Việt sử ký tục biên chép: Năm 1728, nhà Thanh Trả lại xưởng đồng Tụ Long. Trước kia, Vị Xuyên, vùng đất biên giới bị thổ quan phủ Khai Hóa xâm chiếm đã lâu(7). Trải qua quá trình đấu tranh lâu dài đến năm năm, triều đình Lê - Trịnh đã đòi lại được 17 thôn ở biên giới, trong đó có mỏ đồng Tụ Long. Để đề phòng hành động xâm lấn, cướp phá từ phía Trung Quốc, chúa Trịnh đã cử võ quan đem hơn hai nghìn binh lính đến đóng giữ, bảo vệ cho việc khai thác mỏ đồng Tụ Long.
Trước tình hình bất ổn ở vùng biên giới, chính quyền nhà nước Lê - Trịnh đã thực hiện một số biện pháp nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ổn định tình hình dân chúng. Một trong những biện pháp đó là giảm bớt quan lại trong các trấn ty, để giảm bớt chi phí chu cấp của người dân. Sách Đại Việt sử ký tục biên chép: Năm 1721, “dân nơi biên giới phiêu tán, thôn xóm tiêu điều. Nếu không giảm số viên chức thì sự chi phí về thóc gạo, bổng lộc và sự phiền nhiễu biếu xén vận chuyển biết bao giờ mới thôi”, nên triều đình Lê - Trịnh cho giảm bớt chức phó quan trong hai ty Thừa chính, Hiến sát và phủ huyện ở các trấn Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Hoá và Lạng Sơn, công việc của các viên quan ấy giao về cho các trấn quan(8)….
Đối với vùng biên giới, người Việt và người Hoa thường gián tiếp hay trực tiếp giúp người thiểu số hay quân phản loạn chống lại triều đình đối phương dọc vùng biên giới. Vì thế, nhà Lê và nhà Thanh đã thực hiện việc phân ranh giới lãnh thổ bằng những trụ đá, nhưng thỏa thuận này không được tôn trọng, 6 huyện ở Hưng Hóa lọt vào tay nhà Thanh. Nhiều cuộc đụng độ vũ trang giữa quân Thanh và chúa Trịnh đã xảy ra tại Lạng Sơn và Cao Bằng trong suốt thời gian từ 1724 đến 1753, thắng lợi nghiêng về phía Việt Nam, nhiều đồn bốt quân sự đã được dựng lên để kiểm soát sự qua lại của dân chúng trong vùng. “Xin lập đồn ở những đường hiểm yếu, chia giao cho phiên tù [cho lính] tới đóng giữ, để việc phòng bị biên giới được nghiêm”(9).
Năm 1739, Lưu thủ Thái Nguyên là Lê Đình Tính tâu với chúa Trịnh rằng: “Châu Bạch Thông và huyện Cảm Hóa, giáp giới với Lạng Sơn, phủ Cao Bằng và châu Bảo Lạc, vì trước kia không có đồn ải gì, nên những bọn ở ngoài vòng pháp luật đi lại tự do. Bọn quan ở phiên trấn tự tiện về Kinh sư để cầu cạnh việc riêng, còn việc tuần phòng nhất thiết phế bỏ. Như thế những bọn giặc cướp ngông cuồng, không có ai kiềm chế, ngày lan rộng ra. Xin đặt đồn ở những chỗ đường hiểm yếu, bắt bọn quan phiên trấn phải đem quân đến đóng giữ, để việc phòng bị chỗ biên thùy được nghiêm mật”(10). Chúa Trịnh nghe lời tâu. 
Rồi sau việc phòng cấm hơi sơ sài, người Trung Quốc đi lại khai khẩn làm mỏ không có hạn chế gì. Những người Thiều Châu bên Trung Quốc đến ở xưởng Tống Tinh đến 20.000 - 30.000 người. Chúng đều dữ tợn, ngoan ngạnh, khinh nhờn pháp luật, đánh giết lẫn nhau không kiêng sợ gì. Trong thời Cảnh Hưng, Khổn đốc(11) Ngô Thì Sĩ xin khu xử chúng thêm nghiêm ngặt, kiềm thúc chúng lại. Triều đình mới sai quan quân đến tận nơi để tra xét và làm thành danh sách. Rồi vì cớ khác, việc ấy lại thôi không làm(12). 
Khoảng sau năm 1774, Ngô Thì Sĩ đã mô tả cảnh nhân dân đói kém và xã hội loạn lạc vùng đất Lạng Sơn như sau: “Bấy giờ hạt Lạng Sơn đói vì mất mùa; dân 7 châu phần nhiều đi nơi khác và chết đói ngoài đường”. Khi ông đến, tìm cách cấp cứu. Rồi chiêu dụ dân lưu tán về khai khẩn ruộng hoang, tự mình đôn đốc việc cày bừa để khuyến khích dân biên giới. Đến vụ gặt mùa lúa tốt lắm. Do đó trộm giặc tiêu tan, trong hạt yên ổn. Khi việc tuần phòng được rỗi rãi, ông lại nhởn nhơ nơi núi khe, tìm chốn thanh u, dò nơi hiểm trở, không có chỗ nào ông không đến. Ở phía Bắc trấn thành cách sông, ông mở mang động Nhị Thanh làm cảnh trí rất lạ. Khi việc quan thong thả, ông thả thuyền tới động, leo lên bậc đá ngâm thơ, uống rượu; thật là hứng thú, phóng khoáng”(13).
Năm 1786, khi Nguyễn Huệ ra Bắc khuất phục triều Lê, toàn khu vực Đông Bắc lọt vào tay nhà Thanh và chỉ thu hồi lại năm 1789 khi quân Thanh bị đánh bại bỏ chạy về nước. Nhưng Nguyễn Huệ không có ý định ở lại đất Bắc nên trong suốt thời gian tranh giành ảnh hưởng với Nguyễn Phúc Ánh ở trong Nam, khu vực thượng du trở nên vô chủ, các toán cướp người Hoa và quân Thanh lại vào chiếm cứ, lằn ranh miền Bắc trở nên bất định. 
Như vậy, trong suốt một thế kỷ, tình hình biên giới phía Bắc luôn luôn bất ổn. Nhà Thanh vẫn nuôi dã tâm xâm lược, lấy đất của nước ta. Vì thế, tại đây đã diễn ra nhiều cuộc xâm lấn, nhiều cuộc đụng độ vũ trang, đồng thời cũng là nơi diễn ra các cuộc đấu tranh ngoại giao để bảo vệ và giữ gìn từng tấc đất của cha ông. 
2. Dòng họ Nguyễn Trọng làm quan tại vùng biên giới phía Bắc
Trong thế kỷ XVIII, dòng họ Nguyễn Trọng có 3 người làm quan ở vùng biên giới phía Bắc, bao gồm:
Nguyễn Trọng Thường (1681 - 1735), làm Giám sát Ngự sử đạo Hưng Hóa năm 1712. Năm 1714, ông lại được cử làm Thanh hình Hiến sát sứ xứ Lạng Sơn(14). 
Nguyễn Trọng Đang (1724 - 1786) làm Đốc trấn Lạng Sơn năm 1777.
Nguyễn [Trọng] Đường (1746 - ?) được bổ làm Đốc trấn Lạng Sơn, tước Chi Phong bá năm 1787.
Có thể thấy, 3 đời liên tiếp (Nguyễn Trọng Thường là bố của Trọng Đang, ông nội [Trọng] Đường), dòng họ Nguyễn Trọng đều được cử giữ trọng trách ở trấn Lạng Sơn - là một trọng trấn của đất nước, nơi tiếp xúc sứ thần của 2 nước Đại Việt - Trung Hoa. 
Trấn Lạng Sơn được Phan Huy Chú mô tả như sau: “Đất này ruộng ít, dân thưa, dân tộc thì người Nùng nhiều, người Thổ ít. Tiền của hơi kém trấn khác, nhưng liền với Trung Quốc, gọi là trọng trấn. Việc đón tiếp các sứ đi qua là việc quan trọng, thể diện của một nước trọng hay khinh quan hệ ở đó. Trách nhiệm của người coi giữ trấn này không thể không cẩn thận”(15). Vì thế, quan trấn thủ ở các ngoại trấn cũng được tùy nghi xử trí các sự vụ tại đây: “Các trấn Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hưng Hóa đều là phên dậu của nhà nước”, nên cho các quan trị nhậm tùy phương cách xử trí, để giữ vững vùng biên giới(16).
Trong các chuyến đi sứ Trung Quốc, Lạng Sơn vốn nhận cung đốn phu dịch, ngựa xe cho các đoàn Cống sứ và Khâm sứ, nên [triều đình] trừ vào tiền thuế dung, thuế điệu và không cấp cho tiền thuê gánh nữa. Hễ Cống sứ khởi trình, trấn Lạng Sơn phải chuẩn bị đầy đủ dân phu tiếp đón(17).
Năm 1731, đổi các xứ Tuyên Quang, Hưng Hóa, Lạng Sơn và An Quảng làm trấn, đặt quan theo lệ Lạng Sơn. Chỉ đặt Đốc trấn, Đốc đồng, riêng coi là phương diện [quốc gia], tất cả mọi việc ở trấn đều cho họ nắm giữ xem xét. Riêng các thí sinh đi thi, thì người ở Tuyên Quang, Hưng Hóa được thi ở Sơn Tây; người ở Thái Nguyên, Lạng Sơn thi ở Kinh Bắc; người ở An Quảng thi ở Hải Dương(18).
Nhận thức rõ vai trò của các ngoại trấn trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước, năm 1712, Tham tụng Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Thế Bá khải(19) yêu cầu các quan trấn thủ ở biên trấn đều bắt phải đến lỵ sở cũng như bốn [nội] trấn. Tờ khải nói rõ: Trước đây, các trấn quan trấn Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn hoặc ủy một trấn quan kiêm lĩnh, hoặc sai cận thần kiêm làm. Người kiêm lĩnh thì mắc bận việc ở nội trấn, quan cận thần thì quyến luyến ở Kinh đô, chỉ muốn tùy tiện ở xa trông coi, lâu thành thói quen, dẫu có quan võ thay thế, cũng viện lệ ấy, thường lấy cớ rằng núi sông lam chướng không tiện cho binh lính. Nhưng Kinh đô với phiên trấn, trong ngoài cách xa, ở chỗ biên cương, biết đâu không xảy ra việc bất thường, chợt khi có việc cần kíp, sao có thể cứu được ngay! Lại còn việc kiện tụng, đòi hỏi, giải tống, kể ngày hành trình, bắt dân cung đốn, dân chịu phiền phí càng nhiều. Vậy xin từ nay về sau, các quan trấn thủ ở biên trấn đều bắt phải đến lỵ sở cũng như bốn [nội] trấn. Trấn Yên Quảng vốn cho Hải Dương kiêm lĩnh, nhưng xứ ấy ở miền biển xa xôi, xin đặc biệt chọn người giỏi, chuyên việc cầm phòng. Lại như hai ty của Tuyên [Quang], Lạng [Sơn], đều nên đến trấn làm việc, theo đúng phép cũ, để tỏ rõ chế độ đời thái bình. Triều đình theo lời khải ấy, cho thi hành(20).
Đạo sắc năm Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712) cho biết sau khi vinh quy trở lại triều, Nguyễn Trọng Thường được giao giữ chức Giám sát Ngự sử đạo Hưng Hoá. Có lẽ ông cũng phải đến trị nhậm tại lỵ sở Hưng Hóa.
Giám sát Ngự sử là một chức quan của Ngự sử đài. Ngự sử đài có chức năng: Đàn hặc các quan, nói bàn về chính sự hiện thời. Nếu các quan làm trái phép, chính sự hiện thời có thiếu sót, đều được xét hặc trình bày, cùng là xét bàn về thành tích của các nha môn đề lĩnh, phủ doãn, trấn thủ, lưu thủ, thừa ty, và xét hỏi các vụ kiện về người quyền quý ở Kinh ức hiếp, về người cai quản hà lạm. Vì thế, Ngự sử đài có chức danh rất trọng, nhằm giữ gìn phong hóa, pháp độ, nên cũng gọi là quan Phong (phong hóa) hiến (pháp độ), Đài quan hoặc Ngôn quan. Trong Ngự sử đài có các chức danh Đô ngự sử (trật hàm chánh Tam phẩm), Phó đô Ngự sử (chánh Tứ phẩm), Thiêm đô Ngự sử (chánh Ngũ phẩm) và Giám sát ngự sử (chánh Thất phẩm). 
Hiến sát sứ là chức Trưởng quan của Hiến sát sứ ty, gọi tắt là Hiến ty, là một trong Tam ty ở các đạo thừa tuyên (Đô ty, Thừa ty và Hiến ty), hàm chánh Lục phẩm. Chức quan này có trách nhiệm: nói bày, đàn hặc, khám đoán, xét hỏi, hội đồng kiểm soát, khảo khóa, tuần hành… 
Về chức Đốc trấn, Phan Huy Chú viết: “Thời Trung hưng về sau, bãi chức Đô ty, lại đặt chức Trấn thủ, duy có ba xứ Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, vì việc biên giới quan trọng phiền kịch, đều đặt chức Đốc trấn…”(21). Đốc trấn thuộc ngạch võ, hàm Tòng tam phẩm. Từ năm Tân Sửu (1721) triều đình Lê - Trịnh bắt đầu bổ dụng quan văn làm Đốc trấn. Trong quan chế thời Lê, chức quan được liệt vào hàng đại thần phải có hàm tòng Tứ phẩm trở lên (văn quan từ chức Đông các Đại học sĩ, Quốc tử giám Tế tửu, Thông chính sứ, Tham chính trở lên đến Tam thái; võ quan từ chức Chỉ huy sứ Đồng tri, Tổng binh Đồng tri, Đô tri lên đến Tam thái)(22).
Sơ lược về chức trách của các chức quan nêu trên của Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Đang và Nguyễn Trọng Đường để có hình dung nhất định về công việc của các ông khi nắm giữ trọng trách ở nơi biên trấn. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ nơi biên trấn, các vị quan chức họ Nguyễn Trọng đã làm được một số việc để lại ấn tượng tốt đẹp cho người dân địa phương, đồng thời ghi đậm dấu ấn tại nơi biên ải còn tồn tại cho đến ngày nay.
3. Dòng họ Nguyễn Trọng với việc bảo vệ biên cương, ổn định đời sống nhân dân vùng biên giới
Phải thấy rằng, với việc nắm giữ nhiều trọng trách trong triều đình Lê - Trịnh, các vị quan dòng họ Nguyễn Trọng đã có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, trong đó bao gồm bảo vệ biên cương, ổn định đời sống nhân dân vùng biên giới. Tiếc rằng, thư tịch không ghi chép đầy đủ và cụ thể những thành tựu của họ trong những năm tháng làm trấn thủ Lạng Sơn, chỉ còn lại vài điểm xuyết dưới đây: 
Bảo vệ chủ quyền, giữ vững quốc thể
Theo các nguồn tư liệu để lại, các danh thần Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Đang, Nguyễn Trọng Đường trong quá trình làm quan đều được triều đình tin cậy, giao cho trách nhiệm đi sứ nhà Thanh(23).
Xưa nay, ngoại giao với Trung Quốc là công việc thường xuyên và hết sức quan trọng đối với các sứ thần Việt Nam. Ở từng giai đoạn, tùy từng thời điểm với những nhiệm vụ khác nhau, nhưng sứ mệnh của những người đi sứ phải đạt được 2 mục tiêu chính là: Duy trì sự hòa hiếu có lợi cho triều đại, cho đất nước vào bảo vệ chủ quyền, quốc thể và cương vực trước đế chế phương Bắc. Đây là vinh dự lớn lao, nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề cho những người được lựa chọn đi sứ.
Sách Bắc sứ thông lục của Lê Quý Đôn cho biết: Người được vâng mệnh đi sứ, về văn học phải xem rộng biết nhiều, về đối đáp ngoại giao phải mềm dẻo và thẳng thắn đúng mực. Nhưng khẩu khí không thể không khéo léo, vì lẽ chức vị cao thấp khác nhau. Nếu trông thấy bóng họ đã nhụt dũng khí, tự ti mình là người ở nơi xa xôi, ít giao thiệp, ít nói năng thì ắt sẽ bị người ta khinh rẻ và coi là quân Di Địch, sứ giả Di Địch(24).
Nguyễn Trọng Thường không chỉ là nhà chính trị có năng lực, đức độ mà còn là nhà ngoại giao xuất sắc. Có thể thấy, trong cuộc nội trị, Nguyễn Trọng Thường là người cầm quyền có năng lực, có đức độ, còn trong trường ngoại giao ông không những bảo vệ được quốc thể, đem vinh dự về cho bản thân, mà hơn thế ông còn làm cho quốc thể thêm long trọng nhờ tài năng siêu việt của mình.
Năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), Nguyễn Trọng Đường vâng mệnh đi sứ. Đến Nam Ninh gặp vua Thanh, ông vào yết. Vua Càn Long nhà Thanh đặc biệt tặng cho 4 chữ đại tự “Nam Giao bình hàn” (Rường cột của cõi Nam Giao).
Bia tiến sĩ tại Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội ghi danh 3 vị tiến sĩ
dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần
Xác định mốc giới, trùng tu đài Ngưỡng Đức ở cửa Nam Quan
Trong sách Bi ký biểu văn tạp lục, hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, còn chép lại văn bia Trùng tu quan thượng Ngưỡng Đức đài bi ký do Nguyễn Trọng Đang soạn năm 1785. Qua nội dung văn bia, có thể thấy, trong quá trình ông làm quan Đốc trấn Lạng Sơn (từ năm Cảnh Hưng thứ 41-1780), ông đã góp sức sửa sang, trùng tu đài Ngưỡng Đức ở cửa Nam Quan nơi biên ải để làm nơi dừng chân cho các đoàn sứ bộ.
Năm 1769, Nguyễn Trọng Đang đi sứ qua cửa Nam Quan, thấy Ngưỡng Đức đài còn bằng tranh, tre, nứa, lá. Khi ông làm Đốc trấn Lạng Sơn đã cho trùng tu, xây bằng gạch, lợp ngói đỏ tươi. Đến năm 1785, Nguyễn Trọng Đường - cháu gọi Nguyễn Trọng Đang bằng chú, đi sứ qua đây, đài vừa trùng tu xong. 
Văn bia ghi: “Nước Việt ở thời có núi Ngũ Lĩnh, cửa khẩu biên giới ở đâu không khảo cứu được, về sau biến cải vô lường. Gần châu Văn Uyên trấn Lạng Sơn có cửa khẩu, trên cửa khẩu có đài Ngưỡng Đức, chẳng biết đài được tạo lập tự bao giờ, chỉ nghe nói là vào thời Gia Tĩnh nhà Minh (1522 - 1566). Đài cùng quán bên phải bên trái được dựng che bằng tranh tre lau sậy đã cũ lắm rồi. 
Năm Canh Tý (1780), năm thứ bốn mươi mốt triều đại vua ta, tức năm bốn mươi lăm Càn Long nhà Thanh, Đang (tức tác giả văn bia) nhậm chức Đốc trấn, được 5 năm thì khởi công trùng tu, thay đổi sang gạch ngói, mới có đài hoành tráng như vậy”(25).
Theo Nguyễn Trọng Đang, từ khi phụng mệnh đi sứ về, nhận việc ở trấn Lạng Sơn, khi thì tạ sứ hồi trình, khi thì chúc mừng cống sứ lên đường, nhiều lần phục vụ, nên nghĩ rằng: “Nước ta lễ văn thông với Trung Châu, huống chi nay Đại hoàng đế yêu mến, khi tuế cống bên ngoài, khi giao tiếp trao thư trao lụa, cần tu sửa đài quán cho xứng với nghi thức và nghĩa tình”(26). Ông có “con mắt nhìn xa trông rộng” khi tu sửa đài Ngưỡng Đức và viết bài văn bia, là “để giữ đất này về sau cho sứ giả nước nhà làm sáng tỏ nền văn hiến quốc gia”.
Cửa Nam Quan, còn gọi là Trấn Nam quan, nay là Hữu Nghị quan, là cửa khẩu biên giới của Việt Nam và Trung Quốc. Cửa khẩu/cửa ải này do phía Trung Quốc xây dựng từ thời nhà Hán. Sách Đại Nam nhất thống chí xét kỹ: Năm Ung Chính thứ 3 (1723) nhà Thanh, Án sát tỉnh Quảng Tây là Cam Nhữ Lai tu bổ lại; có tên nữa là Đại Nam quan; phía đông là một dải núi đất, phía tây là một dải núi đá, đều dựa theo chân núi làm tường, gồm 119 trượng, cửa quan đặt ở quãng giữa, có biển đề 3 chữ Trấn Nam Quan dựng từ năm Ung Chính thứ 6 (1719) triều Thanh, có một cửa, một khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở. Bên trên cửa có Trùng đài, biển đề bốn chữ Trung Ngoại nhất gia, dựng từ năm Tân Sửu (1781) đời vua Càn Long nhà Thanh, phía bắc có cửa Chiêu Đức đài, đằng sau có Đình Tham đường (nhà dừng ngựa) của nước Thanh; phía nam có Ngưỡng Đức đài của nước ta, bên tả bên hữu đài có ba dãy hành lang, mỗi khi sứ bộ đến cửa quan, thì dùng chỗ này làm nơi tạm nghỉ. 
Cầm phòng, chế ngự giặc cướp
Theo sách Nghệ An ký, trước kia, người Thiều Châu ở Trung Quốc sang nước ta khai thác mỏ bạc. Hàng năm họ thu thập bạc đưa về Trung Quốc. Các phụ đạo ở biên giới rình khi họ ra khỏi bờ cõi thì đón đường cướp lấy, nhưng lại sợ việc phát giác thì phải tội, nên đưa một phần số bạc cướp được đút lót cho các quan trấn mà quan trấn cũng nhận. 
Khi Nguyễn Trọng Đang làm Đốc trấn Lạng Sơn, theo lệ thường, các viên phụ đạo đem 5 khối bạc đến biếu ông, ông nổi giận cự lại và từ chối. Ông làm Đốc trấn Lạng Sơn đến 6 năm, để lại nhiều ân đức cho nhân dân vùng biên giới, đặc biệt là giữ vững trật tự an ninh, trấn áp mọi hoạt động quấy phá của giặc dã và ngoại xâm, bảo đảm ổn định cuộc sống cho dân chúng và làm trọn nghĩa vụ và trách nhiệm với đất nước(27).
Về vấn đề này, không có tài liệu nào ghi chép rõ. Chỉ có một đoạn trong sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch chép về Nguyễn Trọng Đang. Tuy nhiên, xét tình hình biên giới phía Bắc đã trình bày ở trên, thì việc trấn áp các cuộc nổi dậy, các cuộc xâm lấn, cướp phá ở vùng biên giới quả là một công việc vô cùng khó khăn và phức tạp. Các vị Hiến sát sứ, Đốc trấn Lạng Sơn họ Nguyễn Trọng có lẽ cũng phải đương đầu với tình hình ấy và họ đã hoàn thành sứ mệnh được triều đình giao phó.
Chăm lo đời sống cho nhân dân
Các thư tịch đều chép về việc đức độ, chăm lo cho đời sống của nhân dân của các vị quan dòng họ Nguyễn Trọng khi ở Lạng Sơn.
Về Nguyễn Trọng Thường, sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch chép theo gia phả cho biết, tính ông đứng đắn, đôn hậu, trải làm quan ở Lạng Sơn, Sơn Tây, đến đâu cũng được dân ca tụng là rất tốt (đức nữ)(28). Bùi Dương Lịch trong sách Thanh Chương huyện chí lại khẳng định thêm “Dân vùng biên ca tụng công đức của ngài”(29).
Về Nguyễn Trọng Đang, năm 1777, ông đi sứ về, làm Đốc trấn Lạng Sơn. Việc quan chuộng nhân từ, những người Tàu ngụ ở Lạng Sơn cảm đức của ông, nên lập sinh từ để thờ và làm một bài văn Tụng đức ca tụng ông(30). Nội dung bức trướng ca ngợi như sau: “Bút phượng tốt đẹp, nối nghiệp tiền nhân, sáng đức như ông, tất đời được bảo hộ, mọi người được thấm ơn ông. Xứng đáng là những cây hòe, cây quế trước sân”. Lại có câu: “May được gặp ông khiến cho kẻ xa quy phục về gần, làm yên dân tứ phương, tụ hợp hàng hóa tứ phương, trao đổi với nhau ai về chốn nấy. Phải chăng là, ông coi dân như con, và dân gặp được ông như được gặp cha mẹ vậy”. Lại câu ca ngợi công đức của ông: “Danh văn Bắc Đẩu, Đức trứ Nam bang, cái Trung Châu bút dã” (nghĩa là: Tiếng tăm như sao Bắc Đẩu, Đức lớn rạng trời Nam, ngọn bút trùm đất Trung Châu)(31).
Tượng đồng ba vị tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Đương, Nguyễn Trọng Thường tại nhà thờ đại tôn của dòng họ
Một vài nhận xét
Biên cương, lãnh thổ là vấn đề trọng yếu của mỗi quốc gia trong quá trình tồn tại, xây dựng và phát triển, là cơ sở khẳng định sự tồn tại của một đất nước hay một triều đại. Do đó, vấn đề bảo vệ biên cương, lãnh thổ là điều được mọi triều đại quan tâm. Trước những âm mưu cướp phá, lấn chiếm, xâm lược của ngoại bang, để giữ vững chủ quyền và bảo toàn lãnh thổ quốc gia, ổn định tình hình đất nước, các triều đại quân chủ Việt Nam luôn chủ động trong việc phòng bị, giữ gìn và bảo vệ lãnh thổ.
Hội thảo Khoa học về sự nghiệp bang giao và những đóng góp của dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần trong xây dựng và bảo vệ đất nước 
Có thể thấy, các ngoại trấn vùng biên giới phía Bắc là những trọng trấn, là phên dậu của quốc gia. Các trấn này giáp ranh với Trung Quốc, một quốc gia hùng mạnh trong khu vực và luôn luôn có dã tâm bành trướng, xâm lược Đại Việt khi có điều kiện. Vì thế, những viên quan trấn thủ ở các trọng trấn này phải là người có bản lĩnh, có tài chính trị, khéo léo, linh hoạt để xử trí những sự vụ diễn ra hằng ngày như đấu tranh ngoại giao chống xâm lấn đất đai biên cương; kiểm soát dân cư giao lưu buôn bán, đi lại giữa hai bên biên giới; kiềm chế các tù trưởng, thủ lĩnh dân tộc; ổn định đời sống nhân dân… Dòng họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần - Nghệ An đã đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên cương phía Bắc ở thế kỷ XVIII ba người con ưu tú, ba thế hệ tiếp nối nhau, không những hoàn thành trọng trách, giữ vững chủ quyền quốc gia, mà còn phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ.

Chú thích
1. Xin tham khảo các bài viết trong Kỷ yếu hội thảo khoa học Truyền thống văn hóa - khoa bảng dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần, Nghệ An, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2015. Và các bài viết khác trong Hội thảo này.
2. Đại Việt sử ký tục biên (1676 - 1789), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, tr.29.
3. Đại Việt sử ký tục biên (1676 - 1789), Sđd, tr.31.
4. Đại Việt sử ký tục biên (1676 - 1789), Sđd, tr.31.
5. Đại Việt sử ký tục biên (1676 - 1789), Sđd, tr.53.
6. Đại Việt sử ký tục biên (1676 - 1789), Sđd, tr.84.
7. Đại Việt sử ký tục biên (1676 - 1789), Sđd, tr.108.
8. Đại Việt sử ký tục biên (1676 - 1789), Sđd, tr.85.
Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 2, bản dịch, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.426.
9. Đại Việt sử ký tục biên (1676 - 1789), Sđd, tr.154.
10. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.177.
11.  Chức quan đứng đầu trông coi một biên trấn.
12. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr.177.
13. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr.478-479.
14. Tham khảo: Nguyễn Quốc Sinh - Nguyễn Văn Bảo, Giá trị của những tư liệu chữ Hán lưu giữ tại Nhà thờ họ Nguyễn Trọng, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, in trong Kỷ yếu hội thảo khoa học Truyền thống văn hóa - khoa bảng dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần, Nghệ An, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2015.
15. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.183.
16. Đại Việt sử ký tục biên (1676 - 1789), Sđd, tr.155.
17. Lê Quý Đôn, Bắc sứ thông lục, Nguyễn Thị Tuyết dịch chú và giới thiệu, Trần Thị Băng Thanh hiệu đính, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2018, tr.120.
18. Đại Việt sử ký tục biên, Sđd, tr.127.
19. Khải : các quan tâu lên vua thì gọi là tấu, trình lên chúa thì gọi là khải.
20. Đại Việt sử ký tục biên, (1676 - 1789), Sđd, tr.66.
Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr.545.
21. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr.571.
22. Tham khảo: Nguyễn Đức Nhuệ, Hệ thống quan chức, phẩm trật của Nguyễn Trọng Thường, in trong Kỷ yếu hội thảo khoa học Truyền thống văn hóa - khoa bảng dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần, Nghệ An, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2015.
23. Về nội dung này, bài viết không phân tích kỹ, có thể tham khảo các bài viết khác trong Hội thảo này.
24. Lê Quý Đôn, Bắc sứ thông lục, Sđd, tr.42.
25. Nguyễn Thế Đạt, Văn bia Trùng tu đài Ngưỡng Đức trên Nam Quan, in trong Kỷ yếu hội thảo khoa học Truyền thống văn hóa - khoa bảng dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần, Nghệ An, Sđd, tr.147-148.
26. Nguyễn Thế Đạt, Văn bia Trùng tu đài Ngưỡng Đức trên Nam Quan, in trong Kỷ yếu hội thảo khoa học Truyền thống văn hóa - khoa bảng dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần, Nghệ An, Sđd, tr.148.
27. Bùi Thiết, Dấu ấn của Nguyễn Trọng Đang tại cửa quan quốc tế Đồng Đăng trong lịch sử quan hệ Việt Trung, in trong Kỷ yếu hội thảo khoa học Truyền thống văn hóa - khoa bảng dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần, Nghệ An, Sđd, 167-168.
28. Bùi Dương Lịch, Nghệ An ký, Nguyễn Thị Thảo dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr.319-320.
29. Bùi Dương Lịch, Thanh Chương huyện chí, Bùi Văn Chất dịch, Nxb. Nghệ An, Nghệ An, 2008, tr.67-68.
30. Bùi Dương Lịch, Nghệ An ký, Sđd, tr.342-343.
31. Bùi Dương Lịch, Thanh Chương huyện chí, Sđd, tr.72 - 73.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây