Hổ trong hình ảnh của đất nước “kim chi”

Thứ năm - 16/12/2021 04:21 0

Hổ trong những trường ca hát kể chuyện Pansori

Người Hàn Quốc gọi cơn mưa giữa lúc trời nắng là Yeoubi (Mưa cáo) và ngày có mưa Yeoubi là ngày hổ đi cưới vợ. Truyền rằng, ngày xửa ngày xưa, vì muốn được thơm lây từ sự uy phong lẫm liệt của hổ, nên cáo muốn thành thân với hổ. Nhưng mây vốn đã thầm thương trộm nhớ cáo, nên đã òa khóc ngày hổ cưới cáo, tạo thành cơn mưa bất chợt. Nhưng cũng chỉ trong chốc lát, mây đã kiềm lòng, mỉm cười chúc phúc cho đôi uyên ương hổ cáo, khiến cơn mưa vụt tắt và trời hửng nắng. Trong trường ca hát kể chuyện Pansori Sugungga (Thủy cung ca) của Hàn Quốc cũng xuất hiện hình ảnh của hổ ở trường đoạn rùa bò lên bờ đi kiếm gan thỏ về để chữa bệnh cho Long vương ở thủy cung, thì gặp đúng buổi yến tiệc của các loài muông thú trong rừng. Khi chúng lớn tiếng cãi cọ tranh giành nhau chỗ ngồi ở mâm trên, thì hổ lừng lững tiến tới, trấn áp tinh thần các loài vật. Lúc này, rùa khẽ gọi thỏ là “Tosaengwon ơi!” (tức “ngài thỏ”), nhưng lập bập thế nào lại phát âm trẹo thành Hosaengwon, tức “ngài hổ”, khiến hổ chạy ngay tới bên rùa. Hổ làm vậy là bởi vì từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ, lần đầu tiên hổ được gọi một cách trọng thị như vậy. Trong nghệ thuật hát kể chuyện Pansori, nhịp điệu Eotmori thường được tấu khi xuất hiện nhân vật hổ hoặc đạo sĩ, với ngụ ý báo trước cho khán thính giả về tình huống đặc biệt sắp diễn ra. 

Khi biết kẻ gọi mình chính là rùa, hổ đã liếm mép đầy thèm thuồng, bởi bấy lâu nay vẫn ước được ăn món canh rùa. Thấy vậy, rùa liền hét toáng lên rằng “ta không phải là rùa, ta là cóc”. Thế nhưng, hổ vẫn gầm gừ tiến đến định ăn thịt rùa. Rùa bất giác thò đầu, vươn dài cổ ngẩng mặt lên trời mà rằng: “Đây! Cứ bắt mà ăn thịt ta đi!”. Thái độ của rùa khiến hổ ngỡ ngàng và đành từ bỏ ý định ăn thịt rùa, ngồi lại trò chuyện cùng rùa. Sau này, lúc bị lừa xuống thủy cung, thỏ cũng đã thoát nạn và bảo toàn được tính mạng của mình bằng chính cách này. Những trường hợp vừa rồi thật đúng với câu “Có bị bắt vào hang hổ mà bình tĩnh thì vẫn giữ được mạng sống”.

Trong trích đoạn Sarangga của trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca), cũng xuất hiện nhân vật hổ tại đêm động phòng đầu tiên của công tử Lý Mộng Long và nàng Xuân Hương xinh đẹp. Trước dung mạo tuyệt sắc nhưng thẹn thùng bẽn lẽn của Xuân Hương, công tử Lý Mộng Long được ví như con hổ già rụng răng, vì ngồi trước mâm cỗ thịnh soạn mà chẳng thể ăn nổi thứ gì, dù rất thèm rồi. Trích đoạn có câu “Hổ già bắt mồi ngon là chó cái về để trước mặt rồi, nhưng răng đã rụng hết, nên chỉ có thể gầm gừ nhìn con mồi mà thèm nhỏ dãi”. 

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây