Khám phá tộc người để hiểu chính mình hơn

Thứ năm - 23/12/2021 04:21 0

Trong nhiều năm qua, chúng ta cứ nghĩ việc đi nghiên cứu về tộc người khác là một thứ học thuật hàn lâm, hoặc là để hiểu và giúp đỡ cho các tộc người đó phát triển tốt hơn, góp phần xây dựng chính sách để hỗ trợ họ xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Điều đó làm cho nghiên cứu, khám phá tộc người trở nên cao thượng. Hay gần đây, tham gia vào cuộc chạy đua công bố quốc tế và xếp hạng đại học trở thành một xu thế toàn cầu hoá nên các nhà nghiên cứu lại tập trung vào việc khảo cứu các tộc người để biên soạn các công trình nghiên cứu công bố quốc tế nhằm khẳng định tên tuổi, đẳng cấp của mình cũng như góp phần đưa nền học thuật nước nhà hội nhập với các trào lưu quốc tế. Nó cũng làm cho việc khám phá tộc người trở nên cao siêu hơn. Những xu hướng này có thể không sai, nhưng điều đó làm cho nhiều nhà nghiên cứu quên mất tính phản thân của dân tộc học. Với một nhà nghiên cứu dân tộc học, nghiên cứu là một quá trình xâm nhập, trải nghiệm, khám phá, thậm chí hoà đồng cùng với các đối tượng nghiên cứu. Đó cũng là một quá trình học hỏi cách sống, cách hoà nhập với cộng đồng khác. Và sau tất cả, quá trình đắm chìm vào các nền văn hoá tộc người giúp cho chính nhà nghiên cứu hiểu rõ về bản thân mình hơn. Và từ đó điều chỉnh mình sao cho phù hợp với cuộc sống và công việc.

Để tiếp cận được vào cuộc sống của một cộng đồng khác thì nhà nghiên cứu phải thay đổi bản thân mình sao cho phù hợp. Bắt đầu từ quan niệm, hành vi ứng xử đến thực hành văn hoá. Nếu trong quan niệm của họ, dân tộc thiểu số là lạc hậu, thấp kém thì họ không thể xâm nhập vào cộng đồng được. Và họ cũng không được cộng đồng tộc người chào đón. Hay khi họ đến với cộng đồng với tư cách là nhà nghiên cứu, là Tiến sĩ, Giáo sư hay chuyên gia thì họ có thể được cộng đồng ngưỡng vọng nhưng lại rất khó để thân thiết và chia sẻ về cuộc sống đời thường được. Và tư cách chuyên gia nhiều khi cũng làm cho nhà nghiên cứu quên mất việc của mình là đến để tìm hiểu cộng đồng mà có thể rơi vào tình trạng đến để dạy cho cộng đồng về kiến thức khoa học-một điều rất cấm kỵ trong nghiên cứu dân tộc học. Nhà nghiên cứu đến với cộng đồng tộc người khác cần phải với tư cách một người bạn. Họ xâm nhập vào cuộc sống cộng đồng một cách tự nhiên nhất có thể. Và thành công lớn nhất của nhà nghiên cứu dân tộc học là có thể hoà nhập cộng đồng để quên việc mình là người lạ. Khi là một người lạ, hầu hết các hành động của nhà nghiên cứu trên địa bàn nghiên cứu đều gây sự chú ý đối với những người trong cộng đồng. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình khám phá tộc người của nhà nghiên cứu. Bởi khi chia sẻ thông tin với một người lạ thì những người trong cộng đồng luôn giữ một khoảng cách nhất định. Nhưng sự xâm nhập cộng đồng đến một lúc nào đó, nhà nghiên cứu được cộng đồng chấp nhận và xem như một cá thể, một phần của cộng đồng thì sự xuất hiện của nhà nghiên cứu không gây sự chú ý đối với cộng đồng nữa. Lúc đó, họ tiếp cận cộng đồng một cách tự nhiên nhất, và sự chia sẻ từ những người khác cũng ở mức độ giống như trong cộng đồng với nhau.

Quá trình khám phá tộc người không chỉ làm cho bản thể nhà nghiên cứu phải thay đổi, điều chỉnh bản thân sao cho phù hợp nhằm xâm nhập vào cộng đồng là đối tượng nghiên cứu mà về lâu dài còn làm thay đổi cả thế giới quan, quan niệm và phẩm chất của chính họ. Sinh sống trong bối cảnh đa văn hoá làm cho nhà nghiên cứu hình thành con người đa văn hoá, xuyên văn hoá, liên văn hoá. Những nhà dân tộc học từng trải thường không còn quan niệm phân biệt văn hoá. Họ hiểu rằng văn hoá tồn tại trong những sự khác biệt và mọi sự khác biệt về văn hoá cần được trân trọng. Những quan niệm về đẳng cấp, trình độ phát triển hay về thiểu số-đa số cũng dần được thay thế bằng những cách nhìn khác. Ở đó, nhà nghiên cứu tôn trọng những người khác, tôn trọng sự khác biệt giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc. Và xem sự khác biệt chính là nét đẹp, là vẻ đặc trưng của các cộng đồng. Và sự trải nghiệm đa văn hoá cũng làm cho nhà nghiên cứu dễ dàng thích nghi, phù hợp với các nền văn hoá khác một cách tự nhiên hơn. Đến với một nền văn hoá lạ cũng không làm cho họ trở nên lạc lõng, mà trái lại còn tạo nên sức hấp dẫn để họ tiến hành khám phá văn hoá tộc người. Nói cách khác, quá trình nghiên cứu, khám phá tộc người làm cho nhà nghiên cứu không chỉ hiểu hơn về tộc người, về cộng đồng đó, mà còn hiểu chính mình hơn, làm cho mình mềm mại, giản dị và tiếp cận sự khác biệt trong cuộc sống một cách nhẹ nhàng hơn. Đó là một giá trị mà không phải ngành nào cũng có thể mang lại cho nhà nghiên cứu như ngành Dân tộc học-Nhân học.

Khám phá tộc người để hiểu bản thân không phải là vấn đề gì mới trong dân tộc học. Những học giả nổi tiếng trong ngành đều nhận ra điều đó khá sớm. Goerge Condominas-học giả người Pháp, một cây đại thụ của nền dân tộc học thế giới và cũng là một người bạn thân thiết của nhiều nhà dân tộc học Việt Nam đã đưa ra một diễn ngôn nổi tiếng. Năm 1948, Condominas đến Sar Luk, tiếp xúc với người Mnông Gar khởi đầu cho một sự nghiệp lẫy lừng của mình sau đó. Quá trình thực địa ở Tây Nguyên Việt Nam đã đưa ông đi đến một kết luận: “Tôi đã tìm ra chính bản thể của mình”. Đây chính là một tuyên ngôn về “tính phản thân” trong nghiên cứu thực địa dân tộc học. Quá trình nghiên cứu thực địa không chỉ là quá trình nhà nghiên cứu tìm hiểu về đối tượng nghiên cứu, mà còn là quá trình khám phá bản thân qua sự tương tác với đối tượng nghiên cứu. Quan điểm đó cũng được nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi, một học giả nổi tiếng của Việt Nam nhấn mạnh. Từ Chi lựa chọn nghiên cứu về người Mường và gần như dành phần lớn cuộc đời mình cho những nghiên cứu về người Mường. Nhưng chính ông cũng khẳng định, ông đi nghiên cứu về người Mường để hiểu hơn về người Việt, hiểu hơn về chính mình, vì Mường và Việt là những cộng đồng gần gũi nhau nhất. Nguyên tắc nghiên cứu thực địa của Từ Chi thể hiện rất rõ ràng với diễn ngôn: “Dân tộc học là học dân”. Trên thực địa, nhà nghiên cứu phải đặt mình vào nhiều vị trí khác nhau, để học được nhiều tri thức, hiểu được nhiều vấn đề trên quan điểm của người dân chủ thể văn hoá. Đó cũng là lý do mà Condominas đã kết luận về cuộc đời làm dân tộc học của mình: “Với tôi, dân tộc học là một loại hình sống”. Quan niệm đó cũng ảnh hưởng lớn đến Nguyễn Từ Chi sau đó. Xuyên suốt cuộc đời nghiên cứu của hai nhà dân tộc học trứ danh này là khẳng định sự định vị của nhà nghiên cứu trên thực địa. Nó đúng với tuyên ngôn của Condominas về công tác của nhà dân tộc học trên thực địa: “Anh vừa phải quên và làm cho mọi người trong lãng quên tư cách nhà dân tộc học đến quan sát của anh đi, cố gắng không để cho sự có mặt của mình làm biến dạng cuộc sống ở đây, đồng thời anh phải cứ là một nhà dân tộc học tò mò, chăm chú, thậm chí trong từng giây phút, để quan sát, ghi chép, đánh giá. Nghĩa là vừa phải nhập vào đến tận cùng, vừa lại phải tách ra đến mức tỉnh táo”.

Tóm lại, nghiên cứu, khám phá về tộc người nếu chỉ để hiểu về tộc người thôi thì chưa đủ, nó còn là con đường để hiểu chính mình hơn và cả cuộc sống xung quanh mình nữa. Vậy nên, bước chân vào con đường nghiên cứu, khám phá tộc người, không nhất thiết phải đặt những mục tiêu to lớn là để hiểu biết, để giúp đỡ họ. Đương nhiên làm được điều đó thì rất tốt. Nhưng đừng làm dụng điều đó vì cuộc sống đa dạng lắm. Hãy cứ bắt đầu con đường gian nan và hấp dẫn đó bằng mục tiêu để khám phá chính bản thân mình. Bởi các học giả vĩ đại trước đây cũng rất trân trọng điều đó./.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây