Kí xa - một hình thức tổ chức lễ cúng của các ông mo lớn mang nhiều dấu ấn đặc trưng của người Thái Qùy Châu

Thứ năm - 29/06/2023 05:21 0

Theo thống kê trên địa bàn huyện Qùy Châu thì trung bình mỗi xã có từ 3 đến 5 ông mo. Tuy nhiên không phải ông mo nào cũng có thể làm lễ kí xa. Kí xa phải là mo “một” thì mới được làm nghi lễ này, tức là mo phải đạt được cấp độ nào đó đủ để lên cấp mới làm được công việc này. Đây là lễ cúng lớn nhất và tốn kém nhất, kéo dài từ ba đến bốn ngày. Với đầy đủ thành phần khách mời như các mo, anh em, họ hàng, bà con thôn bản và quan khách của gia chủ.
Để tổ chức lễ kí xa đầu tiên là khâu chọn ngày tháng, thời gian tổ chức lễ: Thường các thầy mo xem ngày, tổ chức vào mùa thu hoặc mùa đông thời tiết mát mẻ; các ngày tốt theo lịch Thái như ngày cẩn xả, khỏa ngáng, khỏa hò… đây là những ngày phát tài, thuận của mo một; Thứ 2 là khâu lương thực thực phẩm: ngoài thực phẩm cúng lễ như: một con lợn có khi là một con trâu; 5-7 con gà; cá nướng; 18 vò rượu cần nhỏ tượng trưng cho cúng các ma khác nhau như vò thứ nhất là họp mo để bàn bạc, phân công, giao nhiệm vụ cho từng người trong lễ; vò thứ hai là mở khi cúng khai mạc; vò thứ ba là cúng ma chủ mường một; vò thứ tư là cúng ma họ hàng; vò thứ năm là cúng ma trong nhà; vò thứ sáu là cúng ma của ông mo chủ trì; vò thứ bảy là cúng ma thầy của mo chủ nhà; vò thứ tám là cúng ma của các ông trọng tài; vò thứ chín là cúng chín họ nhà trời; vò thứ mười là cúng ma trai gái nhà trời xuống chơi; vò thứ 11 là cúng ma tổ tiên trong nhà chủ; vò thứ 12 là cúng ma người sai bảo củ mo; vò thứ 13 là cúng và khoản đãi con cháu trong nhà, con nuôi của mo; vò thứ 14 là rượu mo ăn cùng với canh đắng; vò thứ 15 là cúng tiến đưa ma các mo tham gia; vò thứ 16 là uống tạ ơn những người tham gia giúp đỡ trong lễ cúng; Uống tạ ơn những người tham gia giúp đỡ trong lễ cúng; Vò thứ 17 uống tiễn đưa mo chủ trì về nhà; vò thứ 18 là rượu cho trai gái phục vụ liên hoan và 1 chum rượu cần to dùng chung cho cả lễ. Bên cạnh đó không thể thiếu trống, cồng chiêng, xập xoảng… để phục vụ mo khi làm lễ.
Mâm cúng gồm 1 bát gạo, 1 quả trứng, một cuộn sợi vải, 5 miếng trầu cau, 2 chai rượu, 2 tấm vải. Lễ vật ngoài mâm gồm 1 con lợn; 5 con gà con và 2 con gà to một trắng một đỏ; 1 mâm gồm hoa quả, cá nướng, khoai, chuối, chẻo môn, bánh sừng trâu.v.v. Khi mo vào phần cúng thì tiến hành mở một vò rượu có cắm các cần rượu cho mo thầy và mo chủ uống. 
Sau khi chuẩn bị xong ông mo chủ trì sẽ tiến hành cúng: mời ma thầy trên mường một (mường trời) xuống tham gia; trình và mời các then xuống; trình và mời ma trong nhà, tổ tiên, họ hàng, ma mường bản; trình mời ma rừng, ma núi, ma sông suối.
Sau đó người làm mướng đánh một hồi cồng khai hội, tất cả các ông mo đứng dậy đọc lời cúng, mỗi ông mo có một cô gái cầm ô che. Mo chủ đi trước, xập xoàng theo sau, vừa đi vừa múa 3 vòng quanh chum rượu cần. sau đó người làm mướng đánh một hồi cồng thu quân tất cả về chỗ ngồi uống rượu.
Sau màn khai hội là căm hướn (chống nhà): người làm mướng đánh hồi cồng, hai ông mo đội khăn đỏ, tay cầm quạt đi ra ngoài, vào trong quạt tượng trưng cho gió thổi; cầm que đi chống trước chống sau, miệng nói: giờ chống nhà cho bàn dân thiên hạ chắc chắn rồi, dù có gió lay, cây đổ cũng chả sao”. Người làm mướng rót mỗi ông mo một chén rượu, ông mo uống xong ngồi xuống. 
Tiếp theo là màn Quạt hướn (quét nhà): người làm mướng đánh hồi cồng, vừa dứt thì hai ông mo vác chổi ra quét nhà với hàm ý gia chủ nên giữ cho nhà cửa luôn luôn sạch sẽ.
Tiếp đến là các nghi thức lễ cúng như Pủ phục (trải chiếu), tọc lắc cháng (đóng cọc voi), tỉ vách (rèn dao), tò cày (chọi gà), mán táng, pít hất… với ý nghĩa cầu mong cho gia chủ cũng như mọi người khỏe mạnh, tự lực làm ăn có nhiều của cải vật chất… 
Đặc biệt trong lễ Kí xa đó là mục khóc Chưởng (hay chưởng) của ông mo. Khủn Chưởng anh hùng ca Thái, được các ông mo coi trọng và tôn sùng là một vị tướng số một trong quân binh của mình, một vị tướng tài giỏi đánh đâu thắng đó. Cho nên trong giờ cúng lễ này không thể không mời về nhập cho tăng không khí linh thiêng. Trong màn nghi lễ này thì ông chủ mo sẽ ăn vận chỉnh tề, đầu đội khăn đỏ, trang phục áo lễ của người đàn ông Thái. Ông mo lễ, đọc lời mời Chưởng, Chưởng về nhập vào mo chủ. Mo chủ chết ngã xuống giữa hai cô gái đang têm trầu, hai cô gái đỡ lấy Chưởng. Thầy mo hát diễn màn “khóc Chưởng”. Chưởng được chuộc xác từ chiến trường Túm Váng đem về quê. Tất cả mẹ, các người vợ của Chưởng, người dân mường bản đều kêu gào khóc than.
Cờ vàng phất phới phương xa
Về thưa lại Chưởng Hùng đã mất
Nàng Ngọm Muồn ngã ra bất tỉnh
Nàng kêu la, khóc lóc kêu trời
Đám vợ bé cũng chạy đến nơi
Tất cả đều khóc tham thảm thiết
Bà mẹ Chỏm(1) trong lòng da diết
Nỗi đau thương vò xé ruột gan…
Ta quyên góp bạc vàng đi chuộc lại..
Chúng tôi đi lấy Chưởng về với quê nhà
Đón hồn về với ông cha…
Cu cườm về với cành đa
Chim muông vỗ cánh về nơi rừng già
Hiu hiu trong cảnh chiều tà
Nhìn lên ngọn núi sương đà trắng phau
Tiếng diều ai oán đêm thâu
Kêu trên đồng vắng, nỗi đau chạnh lòng(2)…
Sau đó thầy mo hát: Dậy đi Chưởng ơi, Tắm gội đi máu đào tanh tưởi!
Nghe đến đó Chưởng vụt đứng dậy, mỗi tay cầm một thanh gươm, miệng hô “chém! Chém!. Mọi người mừng vui thắng lợi, công chiêng bắt đầu nổi lên. Tất cả thầy mo, chàng trai cô gái những người tham gia buổi lễ đều đứng dậy múa vui quanh chum rượu cần. 
Sau tiếng cồng thu quân thì tất cả mọi người trở lại vị trí ngồi của mình và tiếp tục làm các lễ khác như Phỉ ván (đánh cá), Păm hày (phát rẫy), Cành cốm, Mà khau (ngâm gạo), Pẳn ná (chia ruộng), Hắp phải (đắp đập), Nhính chạng (săn bắn), Tỏn quái (thiến trâu), Lộc hày (làm cỏ ruộng), Á phàng (lấy mật ong), Pằn khai (kéo sợi dệt vải)… Tất cả các nghi lễ trên đều phản ánh cuộc sống thường ngày, răn dạy mọi người phải biết làm ruộng, làm nương, sản xuất làm ra nhiều lúa gạo, săn bắt, đánh cá tự túc cái ăn; biết kéo sợi dệt vải để tự túc cái mặc.v.v.
Theo thống kê lễ Kí xa có 27 tiết mục nghi thức. Sau khi hoàn tất, thầy mo mở vò rượu cúng tiến đưa ma các ông mo về nhà; các ma, then về với mường Trời. Sau đó các thầy mo, chủ nhà, quan khách, anh em họ hàng tiến hành tháo mâm, rượu và ăn uống hát nhảy trong vòng 3 đến 4 ngày liền. Ở lễ cúng Kí xa nguồn thực phẩm phục vụ cho lễ cúng chủ nhà phải mời anh em họ hàng bà con ăn hết, trường hợp sau ba bốn ngày thực phẩm còn dư lại thì chủ nhà sẽ đem cho, phân phát hết chứ không giữ lại trong nhà.
Kí xa là lễ của các ông mo một, thường được tổ chức 2 hoặc 3 năm một lần. Cũng như nhiều lễ của các mo then khác, ký xa, theo quan niệm của người Thái là lễ tạ ơn âm binh của ông mo. Đồng thời mỗi lần làm ký xa, ông mo lại được thăng một cấp (có nơi gọi là lễ cấp sắc). Đây là một trong những nét văn hóa đặc trưng của các mo Thái vùng Qùy Châu. Lễ này được duy trì cho đến ngày nay. 

Chú thích
1. Bà Chỏm, ông Chỏm là bố mẹ của Chưởng.
2. Trích đoạn đầu của chương VI “Chuộc xác” - Khủn Chưởng: anh hùng ca Thái, NXB Khoa học xã hội Hà Nội, 2005.




Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây