Lại bàn về một câu thành ngữ

Thứ hai - 16/01/2023 04:21 0

             “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”
       Câu thành ngữ chỉ một tục của người Việt được hình thành từ xa xưa và được duy trì đến ngày nay: mua muối vào đầu năm (ngay sáng ngày mồng một Tết) và mua vôi vào những ngày cuối năm. 
       Từ trước đến nay, có nhiều giải thích nguồn gốc của câu thành ngữ và một tục lệ dân gian này. 
       Về ý “Đầu năm mua muối”: ai cũng biết, muối là khoáng chất thiết yếu, có vai trò rất quan trọng trong nhiều quá trình sinh hóa của cơ thể con người, thông qua các đồ nấu nướng hàng ngày.  Muối giúp đồ ăn ngon hơn, giúp con người tiêu thụ được các loại năng lượng cần thiết để duy trì sức khỏẻ. Trong tâm thức dân gian, muối còn là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng, gắn kết, no đủ. Hạt muối có sự kết tinh cao, màu trắng trong tượng trưng cho sự sạch sẽ và tinh khiết, cũng là biểu tượng cho tình cảm tốt đẹp. Tục mua muối đầu năm với ý nghĩa cầu mong sự đậm đà trong tình cảm gia đình, sự hòa thuận, gắn bó vợ chồng, con cái.  Muối không chỉ là thứ gia vị có chất liệu mặn, chống được xú uế, mà còn có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Hơn thế nữa, muối còn là sự mặn mà, tình thân thiết quanh năm trong các quan hệ họ hàng, làng xóm và quan hệ làm ăn. 

       
 Vì thế, ngay vào sáng mùng một Tết, nhiều người bán muối dạo qua các đường làng, con phố hay trước các cổng chùa để bán. Hầu như ai cũng sẵn sàng vui vẻ mua một túi muối nhỏ để lấy may mắn cho cả năm, mà không có sự mặc cả.
      Còn “Cuối năm mua vôi” để dùng vào các việc sau:
       - Quét lại cho tường (vách) nhà được trắng hơn, ngôi nhà được sáng và “mới” hơn, tạo ra cảm giác được xóa đi những điều không hay trong năm cũ, để chuẩn bị đón một năm mới. 
       - Rắc vôi bột ở 4 góc vườn, rắc vòng ra phía cổng nhà, quanh cây nêu dựng trước cửa nhà (hay cửa các đình, chùa) vào những ngày giáp Tết với ý nghĩa ngăn ma quỷ về quấy nhiễu. 

     
  - Mua vôi để tiếp thêm vào ông bình vôi để ăn trầu trong những ngày Tết và các tháng tiếp theo; nhà không có người ăn trầu cũng vẫn phải mua vôi để cho khách ăn trầu, vì mời khách uống nước, ăn trầu khi đến nhà là tục phổ biến, thể hiện sự hiếu khách của chủ nhà. 
       Tuy nhiên, người xưa cũng quan niệm, vôi là “biểu tượng” cho sự bạc bẽo (bạc như vôi). Vì thế, những ngày đầu năm không mua loại nguyên liệu, vật liệu này, nhằm tránh những điều không hay trong quan hệ gia đình, bạn bè và việc làm ăn trong năm mới. Cũng vì quan niệm “bạc như vôi” nên “ông bình vôi” dù là vật thiêng trong nhà, lúc nào cũng phải cho “ông” được đầy đủ, song người ta thường chỉ cho “ăn” vào cuối năm, rất ít khi cho vào đầu năm, vì vậy mới có tục “Cuối năm mua vôi”.
       Tóm lại, theo cách giải thích của dân gian từ trước đến nay, “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” vừa là một tục, vừa là lời nhắc nhau, trước hết là giữa những người trong gia đình, cần lưu ý phải mua hai mặt hàng này vào dịp Tết, song ở hai thời điểm khác nhau: muối mua ngày đầu năm, còn vôi phải mua cuối năm, vì đặc điểm của hai sản phẩm này có ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình trong năm. 
       Cũng có ý kiến cho rằng, “Đầu năm mua muối” có ý là lời nhắc nhở cha mẹ với con cái phải “ăn dè, ăn nhịn”, tiết kiệm để dành tiền “Cuối năm mua vôi” để xây nhà.
       Các cách giải thích trên đây mới chỉ nhìn từ quan niệm của người xưa về đặc điểm, giá trị của muối và vôi, chưa xuất phát từ góc độ tiêu dùng và đặc điểm mua bán ở nông thôn (và cả ở đô thị) vào dịp cuối năm và ngày Tết. Ai cũng biết, muối là đồ gia vị không thể thiếu được trong nấu thức ăn hàng ngày. Những ngày Tết, nhu cầu về muối rất lớn, do phải nấu nhiều món, lượng muối mua dự trữ trước Tết của nhiều gia đình đã hết sạch hoặc gần cạn. Từ ngày mồng một hoặc mồng hai Tết trở đi, nhu cầu muối để nấu nướng vẫn gia tăng và rất bức thiết, nên phải mua thêm muối. Nhiều người nắm được nhu cầu này của dân gian nên tranh thủ mang muối đi bán, ngay từ sát thời điểm Giao thừa trở đi.  
       Còn mua vôi cuối năm để phục vụ việc trang hoàng lại nhà cửa cũng không phải là nguyên nhân chính để người trong gia đình “nhắc nhau”, vì xưa kia, đa số nhà cửa trong làng là nhà tranh vách đất, thường phải cách năm (hoặc hơn) mới quét vôi, trang hoàng lại một lần, trong đó nhiều gia đình khốn khó, rất hiếm đồng tiền, trong khi các nhu cầu về gạo ăn, bánh chưng, thực phẩm, áo quần mới cho cả nhà vào ngày Tết bức thiết hơn. Số rất ít gia đình trong làng có nhà xây gạch thì cũng phải vài ba năm mới quét vôi lại một lần. Vả lại, nếu cần phải quét vôi lại nhà, thì các gia đình đã phải chuẩn bị muộn nhất trước ngày 23 tháng Chạp, không thể chờ đến những ngày cuối năm được. 
       Ý kiến cho rằng, “Đầu năm mua muối” có ý là lời nhắc nhở cha mẹ con cái “ăn dè, ăn nhịn, tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” để xây nhà e không đủ cơ sở thực tế; vì xưa kia, đời sống của đại đa số các gia đình người dân thôn quê rất thấp kém, quanh năm lo kiếm cho đủ mỗi ngày hai bữa ăn đạm bạc, tích lũy hầu như không có hoặc rất ít, rất chậm. Có được ngôi nhà tranh, vách bùn để che thân đã phải cố gắng làm lụng, tiết kiệm, vậy mà, theo quan niệm dân gian, vẫn là một trong ba việc khó trong đời (“Tạu trâu, lấy vợ, làm nhà/Trong ba việc ấy thật là khó thay”). 
       Những dẫn giải trên đây cho thấy, “Cuối năm mua vôi” chỉ là lời nhắc với người trong nhà đi chợ (hoặc tự nhắc nếu ai đó đi chợ) vào những ngày cuối năm phải nhớ mua vôi về để ăn trầu ngày Tết. Vôi, cũng như muối và bao thứ khác cần phải “sắm Tết”. Người xưa khi đi chợ không có thói quen ghi chép những thứ cần mua vào giấy. Chợ những ngày giáp Tết, nhất là phiên cuối năm thường rất đông đúc, người người chen chúc nhau, nhiều mặt hàng cần mua, nên rất dễ quên thứ này, thứ nọ. Quên thứ nào sẽ không dễ khắc phục, vì phiên chợ cuối cùng trong năm (28, 29 hoặc 30 Tết, tùy chợ), thường tan rất sớm, nhất là phiên 30 Tết; những ngày Tết đầu năm, chợ thường không họp và nếu họp thì sớm nhất cũng vào mồng hai Tết, chỉ có vài hàng rau cỏ, thực phẩm thiết yếu được bày bán; không thể mua được những mặt hàng bị “nghi ngại” như vôi. Quên mua, dẫn đến thiếu đồ gì, thứ nào sẽ rất phiền cho việc tổ chức các hoạt động trong những ngày Tết, dễ bị coi là “dông”. 
       Tóm lại, “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” xuất phát điểm chỉ là lời nhắc (hoặc tự nhắc) người đi chợ nhớ mua và mua đủ các mặt hàng thiết yếu cho việc chi dùng những ngày Tết, trong đó có hai mặt hang thiết yếu là muối và vôi; dần dần trở thành một quan niệm trong dân gian, được tuân theo, duy trì như một tục.  

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây