Mạng lưới xã hội và sự phát triển kinh tế của người dân tộc thiểu số ở miền núi phía Tây Nghệ An

Thứ ba - 21/06/2022 05:21 0
Kinh tế thị trường vùng dân tộc thiểu số ở Nghệ An

Kinh tế thị trường vùng dân tộc thiểu số ở miền núi Nghệ An đến nay vẫn còn là vấn đề chưa được quan tâm nghiên cứu. Các nghiên cứu dân tộc học trước đây tập trung vào các truyền thống văn hóa tộc người, lịch sử tộc người hay các quan hệ dân tộc (Nguyễn Đình Lộc 1993; Nguyễn Thị Thanh Nga 2004; Trần Bình 2006; Ninh Viết Giao 2012; Quán Vi Miên 2013; Vi Văn An 2018, Dương Hồng Từ, Dương Đức Tiến 2019,…). Trong khi đó, từ khá sớm, kinh tế hàng hóa đã hình thành và phát triển ở khu vực này. Và sau Đổi mới 1986, kinh tế thị trường dần phát triển mạnh mẽ. Cùng với toàn cầu hóa, hiện đại hóa, thì thị trường hóa trở thành một nhân tố ảnh hưởng mạnh mẽ bậc nhất đến đời sống văn hóa xã hội của người dân tộc thiểu số ở đây. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ kinh tế truyền thống sang nền kinh tế thị trường ở các dân tộc thiểu số vùng núi Nghệ An vẫn chưa được nghiên cứu nhiều.

Có thể nói, trước Cách mạng tháng 8/1945, kinh tế hàng hóa đã tồn tại ở vùng dân tộc thiểu số. Sự trao đổi hàng hóa được một số tài liệu đề cập đến. Theo đó, ở các cộng đồng đã có sự trao đổi hàng hóa khá nhộn nhịp. Chủ yếu là các hàng hóa họ sản xuất như nông sản, lâm sản, hàng thủ công. Người Mông đã mang ngô đi trao đổi với các nhóm Mông ở gần nhau, mang đi trao đổi với người Thái, Khơ Mú. Đặc biệt, người Thái, là nhóm quan trọng nhất vùng miền núi Nghệ An đã có sự trao đổi hàng hóa khá rộng rãi. Ngoài nông lâm sản thì hàng thủ công của người Thái đã trở thành hàng hóa để trao đổi với nhiều cộng đồng khác nhau. Đồ dệt may của người Thái là mặt hàng trao đổi có giá trị được nhiều cộng đồng như Khơ Mú, Thổ và Ơ Đu chấp nhận. Nhiều khi, hàng dệt may của người Thái còn bán qua bên Lào, Thái Lan… Trong khi đó, hàng đan lát của người Khơ Mú cũng là mặt hàng được ưa chuộng và được đưa ra trao đổi khá phổ biến với một số cộng đồng khác. Trong nội bộ các cộng đồng thì sự trao đổi hàng hóa cũng diễn ra khá phổ biến. Họ trao đổi theo quy tắc hàng đổi hàng với nhau. Thường thì nhà nào không đan lát được, dệt may được thì phải mang nông sản đi đổi về để sử dụng. Không chỉ vậy, các hàng hóa còn được trao đổi qua biên giới với các mạng lưới xã hội khác nhau. Người Mông đã có những đường dây buôn bán trâu bò qua bên kia biên giới với Lào. Những người dân tộc thiểu số cũng có sự trao đổi hàng hóa với những người miền xuôi. Họ đem lâm thổ sản và một số mặt hàng khác để đổi lấy các mặt hàng miền xuôi, đặc biệt là muối. Và chợ cũng dần xuất hiện. Trước 1945, chợ Con Cuông đã phát triển khá mạnh mẽ và trở thành trung tâm mua bán, trao đổi của cả vùng phía đường quốc lộ 7. 

Sau Cách mạng tháng 8/1945, kinh tế hàng hóa vùng miền núi cũng bị hạn chế do thực hiện các chính sách kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Sự hình thành các hợp tác xã ở miền núi, các nông lâm trường và sự di cư của người Kinh lên làm kinh tế mới đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống kinh tế xã hội của người dân tộc thiểu số. Dù hợp tác xã nắm hầu hết các mối quan hệ. Nhưng sự trao đổi hàng hóa trong nội bộ cộng đồng các dân tộc thiểu số vẫn diễn ra theo các cách thức khác nhau. Ở nhiều vùng, đặc biệt vùng sâu, vùng xa thì các hợp tác xã chưa thể quản lý hết các hoạt động sản xuất nên trao đổi hàng hóa vẫn diễn ra cả trong nội bộ giữa các cộng đồng với nhau. Có lúc công khai, có lúc bí mật.

Sau Đổi mới 1986, cũng như các nơi khác, kinh tế thị trường bắt đầu phát triển ngày một nhanh và mạnh hơn ở vùng miền núi Nghệ An. Hệ thống chợ vùng, chợ huyện, chợ xã cùng được xây dựng và ngày càng sầm uất hơn. Cùng với đó là các đại lý hàng hóa lớn đến các quán tạp hóa vào tận các bản làng xa xôi. Sự trao đổi, buôn bán ngày càng mạnh mẽ hơn. Ngay cả các vùng cao, vùng sâu, sự trao đổi, buôn bán cũng ngày càng náo nhiệt. Nhưng xe hàng rong chạy vào các thôn bản bán cho người dân các hàng thiết yếu và thu mua các lâm thổ sản mang ra ngoài để bán lại. Không chỉ việc trao đổi buôn bán mà nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ cũng phát triển mạnh mẽ. Các hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng ngày càng được mở rộng và phổ biến hơn. Các huyện lỵ đều có hệ thống nhà hàng, khách sạn để phục vụ du khách. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn các huyện vùng cao cũng ngày một nhiều hơn, tham gia vào các hoạt động kinh tế một cách sâu sắc hơn. Bên cạnh đó, các hoạt động buôn bán nhỏ lẻ ở cấp hộ gia đình cũng trở nên mạnh mẽ hơn. Nhiều người đứng ra thu gom các mặt hàng lâm thổ sản ở vùng cao đem bán về vùng xuôi, rồi mua các mặt hàng ở vùng xuôi về phân phối lên vùng cao. Không chỉ các sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp mà còn nhiều mặt hàng khác, là sản phẩm văn hóa, các loại dược liệu,… cũng trở thành những mặt hàng được trao đổi phổ biến trên thị trường. Gần đây, sự xuất hiện của các mạng lưới xã hội ảo với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ hiện đại cũng đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế thị trường của người dân tộc thiểu số.

Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường vùng dân tộc thiểu số có sự tham gia, chi phối của nhiều nhân tố quan trọng. Trong đó, mạng lưới xã hội là một nhân tố có vai trò lớn đối với sự phát triển. Mạng lưới xã hội, hay rộng lớn hơn là vốn xã hội, vốn văn hóa là những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế thị trường. Tuy nhiên, việc phân tích mạng lưới xã hội trong phát triển kinh tế là một vấn đề khá mới mẻ. Và nó đòi hỏi phải có những thảo luận nghiêm túc.

Mạng lưới xã hội trong phát triển kinh tế thị trường vùng dân tộc thiểu số ở Nghệ An

Mạng lưới xã hội là một khái niệm do J. A. Barnes, một nhà nhân học người Anh sáng tạo ra từ giữa thế kỷ XX và sau đó được nhiều nhà khoa học xã hội vận dụng và phát triển thành một khái niệm quan trọng và một khung phân tích phổ biến trong nghiên cứu xã hội từ giữa những năm 1970. Barnes coi những mối quan hệ như bạn bè, tộc và những sự chuyển tiếp các mối quan hệ đó (hiểu theo nghĩa quan hệ luôn được mở rộng và những người trong mạng lưới sẽ có quan hệ chuyển tiếp với nhau) làm cho cộng đồng trở thành một mạng lưới và chi phối nhiều hoạt động của các cá nhân cũng như của chính cộng đồng đó, và ông gọi đó là mạng lưới xã hội (J.A. Barnes 1954). Cũng có thể hiểu, mạng lưới xã hội là “một tập hợp các mối quan hệ giữa các thực thể xã hội gọi chung là các actor. Các thực thể xã hội này không nhất thiết chỉ là các cá nhân mà còn là các nhóm xã hội, các tổ chức, các thiết chế, các công ty xí nghiệp và cả các quốc gia. Các mối quan hệ giữa các actor cũng có thể mang nhiều nội dung khác nhau từ sự tương trợ, trao đổi thông tin cho đến việc trao đổi hàng hóa, trao đổi các dịch vụ…” (Lê Minh Tiến 2006, tr.66). Ở đây, ta có thể hiểu mạng lưới xã hội được hiểu là tổng hợp các mối quan hệ, các nhân tố kết nối và thể chế gắn kết của các cá nhân, các nhóm, các tổ chức, cộng đồng được hình thành nhằm chia sẻ những lợi ích cũng như trách nhiệm với nhau trong việc khai thác các nguồn lực để phát triển kinh tế. Do vậy, mạng lưới xã hội, trước hết là do các cá nhân tạo ra trong quá trình tham gia phát triển của mình, đó là sự thể hiện của năng lực giao tiếp, khả năng kết nối và kỹ năng quản trị quan hệ của các cá nhân. Vậy nên mạng lưới xã hội của các cá nhân khác nhau do các yếu tố hình thành từ các cá nhân không giống nhau. Và mạng lưới xã hội cũng mang tính chất là nhóm, cộng đồng cùng chia sẻ một số mối quan tâm nhất định trong quá trình phát triển.

2.1. Mạng lưới xã hội trong cùng cộng đồng

Mạng lưới xã hội trong cộng đồng là mạng lưới xã hội của trong cùng một cộng đồng tộc người, như mạng lưới người Mông, mạng lưới người Khơ Mú, mạng lưới người Thái, mạng lưới người Thổ, mạng lưới người Ơ Đu…. Đây là các mạng lưới xã hội có cùng quan hệ tộc người với nhau, xem nhau là đồng tộc. Mạng lưới này có thể trong một xã, một vùng, một huyện hay liên huyện, thậm chí xuyên quốc gia. Trong phát triển kinh tế thị trường, mạng lưới xã hội trong cùng cộng đồng có vai trò quan trọng. Đó là mối quan hệ tương trợ, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau.

Trước đây, khi có một loại hàng hóa đưa ra để trao đổi, người ta vẫn ưu tiên trao đổi với người trong cùng cộng đồng mình trước. Sau đó mới tính đến trao đổi với người thuộc cộng đồng khác. Người Mông sẽ mang ngô hoặc lâm sản của họ có được ra trao đổi ở chợ, nhưng họ vẫn ưu tiên cho người Mông trước. Khi không gặp được người cùng tộc thì họ mới trao đổi với người khác. Hay khi cần bán một con bò, con trâu, là thứ tài sản quý, thì họ cũng sẽ ưu tiên cho người cùng tộc, cùng bản thì càng tốt, sau đó mới đến người ngoài. Ở các cộng đồng khác cũng thế. Người Thái cũng muốn buôn bán với đồng tộc của họ nhiều hơn và đây là đối tượng được ưu tiên. Người Khơ Mú khi đan được những thứ đồ thủ công đẹp như mâm tre, ghế thì vẫn ưu tiên bán cho người đồng tộc của mình. Nhìn chung, hầu hết các tộc người đều xem người đồng tộc là đối tượng ưu tiên trong buôn bán, trao đổi. Và trong việc quy định giá cả thì người cùng cộng đồng cũng được ưu tiên với giá rẻ hơn so với khách ngoài cộng đồng. Điều này cũng được Jean Michaud (2010) phân tích kỹ ở cộng đồng người Mông ở Lào Cai. Những phân tích của Michaud cũng tương đồng với những động thái của các cộng đồng mà chúng tôi ghi nhận được ở vùng miền núi Nghệ An. Có thể kể đến một vài trường hợp sau:

Mạng lưới buôn bán trâu bò của người Mông: Trong cộng đồng người Mông thì trâu bò là một loại tài sản có giá trị và vẫn được trao đổi với nhau. Trước đây, người Mông chủ yếu trao đổi, buôn bán trâu bò cho người cùng tộc của mình. Họ buôn bán qua cả bên Lào. Ngày nay, người Mông buôn bán trâu bò cho nhiều đối tượng khác nhau nhưng vẫn ưu tiên cho người trong cùng tộc người mình. Họ đi tìm mua trâu bò cũng vậy, thường đi khá xa, đến các bản Mông khác để tìm. Khi mua được thì họ cũng mất khá nhiều thời gian để đưa trâu, bò về nhà. Nhưng họ vẫn lựa chọn làm như vậy hơn là đi sang các bản Thái hay Khơ Mú gần đó. Và từng hình thành những đường dây buôn bán trâu bò của người Mông khá lớn, qua các bản Mông và xuyên biên giới. Trong việc mua bán này, người ta coi trọng niềm tin dành cho nhau. Họ cho rằng người cùng tộc thì không lừa dối nhau. Và niềm tin đó được định giá bằng việc người bán cũng bán với giá rẻ hơn. Thông qua mua bán, họ cũng tạo các mối quan hệ để chia sẻ với nhau nhiều hơn (Nguyễn Ngọc Thanh, Ngọc Thi 1996).

Mạng lưới buôn bán hàng đan lát của người Khơ Mú. Cũng như người Mông, người Khơ Mú thường ưu tiên buôn bán với người đồng tộc. Khi bẫy được con gà rừng thì họ cũng ưu tiên bán cho trong bản, hay các lâm thổ sản cũng vậy. Các loài vật nuôi cũng được ưu tiên bán cho nhau khi có nhu cầu. Trong đó, mặt hàng đan lát là khá phổ biến. Trước đây, nhiều người biết đan lát nên việc mua bán, trao đổi cũng đơn giản hơn. Nhưng gần đây, số người biết đan lát ngày càng ít đi thì việc mua bán cũng khó khăn hơn. Đồ đan của người Khơ Mú ngoài việc sử dụng hàng ngày còn liên quan đến các phong tục tập quán nên có vai trò quan trọng. Hiện nay người ta sử dụng dụng cụ mua từ chợ nhiều, nhưng riêng người Khơ Mú khi làm lễ cúng thì phải được đặt trên mâm tre truyền thống của họ. Con làm giỗ cha mẹ cũng phải đặt lễ cúng và dọn mâm cỗ trên mâm tre chứ không được để trên mâm nhôm hay gỗ mua từ chợ. Họ quan niệm người Khơ Mú làm lễ cúng phải sử dụng mâm tre truyền thống mới được tổ tiên, cha mẹ chấp nhận. Do vậy, nhà nào cũng phải có ít nhất một bộ mâm tre do người Khơ Mú đan. Và những người đan lát chủ yếu cũng bán cho đồng tộc theo mạng lưới xã hội trong cộng đồng. Qua các mối quan hệ này, người ta biết được ai đan đẹp và hay đan để khi cần có thể tìm đến đặt hàng hay mua hàng luôn.

Mạng lưới du lịch cộng đồng của người Thái cùng vậy. Họ quan hệ chặt chẽ với nhau và hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Khi làm du lịch cộng đồng thì các hộ gia đình cùng làm có mối quan hệ với nhau. Họ cũng quan hệ chặt chẽ với các gia đình khác để cùng nhau chia sẻ công việc khi đón tiếp khách. Giữa các gia đình có quan hệ cạnh tranh, nhưng sự hợp tác, hỗ trợ nhau là nhiều hơn. Để phát triển thì người ta phải gắn kết thành một mạng lưới gồm nhiều gia đình tham gia ở nhiều khâu đoạn khác nhau để cùng phát triển.

Tóm lại, mạng lưới xã hội trong cộng đồng là nhân tố quan trọng, tạo ra các quan hệ hợp tác chặt chẽ để phát triển. Họ luôn ưu tiên cho người đồng tộc để chia sẻ cả về niềm tin và lợi ích. Trong mối quan hệ này, niềm tin đồng tộc là sợi dây quan trọng.

2.2. Mạng lưới xã hội ngoài cộng đồng

Mạng lưới xã hội ngoài cộng đồng là mạng lưới giữa các cộng đồng tộc người với nhau. Mạng lưới xã hội này vô cùng rộng lớn và phức tạp. Hầu hết các tộc người ở miền núi Nghệ An đều có quan hệ kinh tế với nhau. Trước đây họ cũng có quan hệ trao đổi hàng hóa với nhau. Ngày nay thì quan hệ đó càng phát triển mạnh mẽ hơn. Cùng với đó là sự xuất hiện của người Kinh là nhân tố quan trọng làm trung gian cho các cộng đồng trong phát triển kinh tế thị trường.

Chợ ngày càng phát triển làm cho quan hệ mua bán giữa các cộng đồng với nhau trở nên mạnh mẽ hơn. Mạng lưới xã hội đa tộc người càng được mở rộng và giữ vai trò quan trọng. Nhiều mặt hàng không còn phân biệt về chủ thể tạo ra nữa mà trở thành những hàng hóa trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã tập hợp nhân công gồm nhiều dân tộc với nhau để cùng sản xuất các mặt hàng cung cấp cho thị trường. Những người Mông cũng mang các mặt hàng của họ xuống buôn bán với người Khơ Mú, người Thái, và ngược lại.

Mạng lưới xã hội ngoài cộng đồng hay mạng lưới xã hội đa tộc người ngày càng giữ vai trò quan trọng. Nhiều mặt hàng phát triển phải lệ thuộc vào các mạng lưới xã hội, nhất là đầu ra cho sản phẩm trên thị trường. Các sản phẩm của người Mông, người Thái hay Thổ khi muốn ra thị trường đều cần những mạng lưới xã hội nhất định. Ở đó, mạng lưới xã hội cung cấp thông tin, tìm kiếm khách hàng cũng như kết nối các nhóm lại với nhau để cùng khai thác, chia sẻ lợi ích.

Trong mạng lưới xã hội ngoài cộng đồng, người Kinh đang trở thành một nhân tố quan trọng. Họ trở thành các mối trung gian thu gom hàng hóa ở miền núi để đưa về miền xuôi, đồng thời cung cấp các mặt hàng thiết yếu từ miền xuôi lên miền núi. Và gần đây là sự xuất hiện của các doanh nghiệp đầu tư về miền núi. Họ đặt hàng, hay thu mua các sản phẩm hay nguyên liệu để cung cấp cho thị trường. Qua đó, họ cũng chi phối giá cả và nhiều vấn đề liên quan.

Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường cho thấy những người nào tiếp cận được thị trường khi có trong tay mạng lưới xã hội rộng lớn. Mạng lưới xã hội trở thành một nguồn lực quan trọng, là nhân tố chủ yếu của vốn xã hội hay rộng hơn là vốn văn hóa để người dân tộc thiểu số phát triển. Năng lực cá nhân trong việc xây dựng và quản trị mạng lưới xã hội trở thành yếu tố quan trọng giúp cho đồng bào phát triển kinh tế thị trường một cách hiệu quả hơn. Điều đó thể hiện rõ với các hộ kinh doanh dịch vụ hay du lịch cộng đồng, khi họ tạo được quan hệ với mạng lưới xã hội rộng lớn hơn, trong đó có các doanh nghiệp lữ hành hay các công ty khác thì cơ hội thành công của họ được nâng cao hơn.

2.3. Mạng lưới xã hội ảo

Trong mấy năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, hạ tầng công nghệ thông tin vùng dân tộc thiểu số không ngừng được nâng cao. Sóng điện thoại, internet ngày càng được phổ biến hơn. Cùng với đó là sự phổ biến các trang thiết bị công nghệ như máy tính, ipad, và nhất là điện thoại thông minh đã làm thay đổi mạnh mẽ các sinh hoạt và sản xuất của người dân. Mạng lưới xã hội ảo hay mạng lưới xã hội từ các thiết bị công nghệ như youtube, facebook, zalo, tiktok,… ngày càng phổ biến ở vùng dân tộc thiểu số miền núi Nghệ An. Và giờ đây, người dân không chỉ tham gia vào các mạng lưới xã hội này để giải trí mà còn biết vận dụng nó để hoạt động kinh tế.

Từ vùng miền núi Quỳ Hợp, một phụ nữ người Thổ đã sử dụng các tri thức y học cổ truyền của dân tộc mình mà bà biết được để tạo ra các loại thuốc và rao bán qua mạng cho những người có nhu cầu. Sau một thời gian, những phương thuốc của bà có hiệu quả và được nhiều người biết đến. Bà trở thành một người bán thuốc trên mạng đắt khách. Thuốc của bà được nhiều người đặt mua. Điều đó mang lại cho bà nhiều lợi ích, trong đó có cả nguồn thu nhập lớn lên đến cả trăm triệu một năm.

Hay từ vùng cao huyện Tương Dương, một cô gái đã lập ra trang riêng trên các mạng xã hội để bán các hàng nông sản là đặc sản của miền núi xuống vùng đồng bằng. Đồng thời cô cũng lấy những sản phẩm như mỹ phẩm, thời trang từ thành phố về bán cho người dân trên bản. Mối kinh doanh hai chiều qua mạng xã hội ảo đã giúp cô có nhiều thu nhập cao.

Ngày nay, các mạng xã hội ảo đang dần có vai trò quan trọng. Và nó là một kênh để quảng bá các sản phẩm quan trọng của các cộng đồng dân tộc thiểu số ra thị trường. Tuy nhiên, để phát triển được các mạng lưới xã hội này thì cần có những kỹ năng về sử dụng trang thiết bị công nghệ - thứ mà hầu hết người dân vùng núi còn hạn chế. Do vậy, cần có những chính sách hỗ trợ để họ có thể nâng cao năng lực xây dựng và quản trị mạng lưới xã hội này để vận dụng vào phát triển kinh tế thị trường.

Phát huy mạng lưới xã hội vào phát triển kinh tế thị trường vùng dân tộc thiểu số

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường vùng dân tộc thiểu số ở miền núi thì cần phải đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ nhằm tạo cơ sở nền tảng để ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển. Cùng với cơ sở vật chất như điện, đường, trường, trạm thì hạ tầng công nghệ có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nên cần phải được đầu tư. Càng ngày, công nghệ thông tin càng giữ vai trò quan trọng nên hạ tầng công nghệ càng phải được đầu tư. Hạ tầng công nghệ vùng dân tộc thiểu số còn rất hạn chế. Nhiều nơi vẫn còn chưa có điện lưới, sóng điện thoại hay internet đều chưa thật sự phổ biến. Trong khi quá trình phát triển kinh tế thị trường thì những nhân tố này đều cần thiết. Người dân cần tiếp cận thông tin nhanh nhất, quảng bá hình ảnh, chia sẻ và hỗ trợ nhau qua mạng lưới xã hội là phương pháp hiệu quả. Và hạ tầng công nghệ là yếu tố quan trọng để phát triển mạng lưới xã hội, đặc biệt là mạng lưới xã hội qua công nghệ thông tin.

Năng lực con người trong việc xây dựng và quản trị mạng lưới xã hội cũng là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong phát triển. Mỗi người đều có một mạng lưới xã hội riêng của mình, tùy thuộc vào quan hệ xã hội cũng như kỹ năng vận dụng, sử dụng các quan hệ xã hội hay các trang bị kỹ thuật của họ. Có những người đã vận dụng tốt các mạng lưới xã hội của mình vào phát triển kinh tế và đạt được hiệu quả quan trọng. Nhưng cũng có những người nhận được tầm quan trọng của mạng lưới xã hội mà không biết cách nào để gây dựng, để quản trị mạng lưới xã hội cho riêng mình. Vậy nên, cần có những chương trình tập huấn để nâng cao năng lực xây dựng và quản trị mạng lưới xã hội cho người dân. Bao gồm tập huấn về vai trò của mạng lưới xã hội, về việc xây dựng và phát triển các mạng lưới xã hội truyền thống, hay việc tập huấn kỹ năng sử dụng trang thiết bị hiện đại để xây dựng và quản trị các mạng xã hội ảo như facebook, zalo, youtube…. để phục vụ phát triển.

Ngoài hạ tầng công nghệ và nâng cao năng lực cho chủ thể thì cũng cần đến những hệ thống chính sách, chiến lược phát triển của Nhà nước trong quá trình hoạch định phát triển vùng dân tộc thiểu số. Đó là những chính sách đầu tư dài hạn, lấy giữ gìn các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như tài nguyên văn hóa là nền tảng, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ an ninh quốc gia, bảo tồn văn hóa truyền thống tộc người. Thậm chí có những trường hợp cụ thể phải xem trọng nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn lên cao hơn để phát triển bền vững và ổn định. Trong phát triển kinh tế thị trường cũng phải hài hòa với các trụ cột như Nhà nước, thị trường và xã hội dân sự. Ba nhân tố này được coi là ba trụ cột trong “kiềng ba chân” của sự phát triển trong thời hiện đại.

  Tài liệu tham khảo

1.Barnes, J. A. (1954), Class and Committees in a Norvegian Island Parish, Human Relations, VII, 1, pp.39-58.
2.Trần Bình (2006), Một số vấn đề về nguồn gốc nhóm Đan Lai và Tày Poọng ở miền Tây Nghệ An. Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3, trang 51-57.
3.Ninh Viết Giao (2012), Địa chí huyện Tương Dương. Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
4.Nguyễn Đình Lộc (1993, tái bản 2009), Các dân tộc thiểu số ở Nghệ An. Nxb Nghệ An.
5.Quán Vi Miên (2013), Văn hóa dân gian dân tộc Thổ. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
6.Nguyễn Thị Thanh Nga (2004), Một số nghề thủ công truyền thống của người Thổ. Tạp chí Dân tộc học, số 3, trang 26-30.
7.Jean Michaud (2010), Nghiên cứu về kinh tế và bản sắc của người H’mông ở Việt Nam, In trong Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận nhân học, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr.42-70.
8.Lê Mai Oanh (2010), Văn hóa vật chất người Thổ. Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
9.Lê Mai Oanh (2011), Văn hóa dân gian người Thổ. Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
10.Chu Thái Sơn (2010), Dân tộc Thổ. Nxb Kim Đồng, Hà Nội.
11.Nguyễn Ngọc Thanh, Ngọc Thi (1996), Sự hình thành ý thức sản xuất, kinh doanh hàng hóa của người H’mông ở Kỳ Sơn-Nghệ An. Tạp chí Dân tộc học, số 2. Trang 61-70.
12.Lê Minh Tiến (2006), Phương pháp phân tích mạng lưới xã hội trong nghiên cứu xã hội, Tạp chí Khoa học xã hội số 9, tr.66-77.
13.Dương Hồng Từ, Dương Duy Tiến (2019), Văn hóa cổ truyền dân tộc Thổ ở Nghệ An. Nxb Nghệ An.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây