Môi giới văn hóa và phát triển cộng đồng

Thứ sáu - 24/06/2022 05:21 0
Hiện nay, có hàng chục loại dược phẩm được sản xuất xuất từ tri thức dân gian về y học cổ truyền của các cộng đồng nhưng lại được cấp bản quyền thương mại cho các doanh nghiệp. Nó là nguyên nhân gây ra những mâu thuẫn và có thể tạo ra xung đột lợi ích giữa các bên liên quan. Vậy nên, để tạo ra sự hài hòa trong quá trình phát triển, các nhà nghiên cứu đã xây dựng cách tiếp cận môi giới văn hóa.

Môi giới văn hóa được hiểu là “một chiến lược can thiệp cho nghiên cứu, đào tạo và phục vụ để liên kết những cá nhân của hai hay nhiều hệ thống văn hóa xã hội thông qua một cá nhân, với mục tiêu cơ bản là làm cho các chương trình phục vụ cộng đồng được mở rộng hơn nữa, đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng, cải thiện tiếp cận của cộng đồng với các nguồn lực”. Ban đầu, khái niệm môi giới văn hóa được sử dụng nhiều trong lĩnh vực nghiên cứu chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Sau đó dần được mở rộng ra và được vận dụng vào nhiều lĩnh vực khác trong nghiên cứu phát triển cộng đồng. Hiện nay, môi giới văn hóa được biết đến với tư cách là một cách tiếp cận phát triển cộng đồng trong bối cảnh đa văn hóa và được nhiều người biết đến.

Chúng ta xem những mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột giữa cộng đồng và doanh nghiệp trong vấn đề sở hữu các nguồn lực qua các định chế văn hóa và bản quyền thương mại một sản phẩm từ các nguồn lực cộng đồng như là những sự va chạm của các nền văn hóa khác nhau. Và đó là những sự va chạm khá phổ biến trong bối cảnh đa văn hóa, đặc biệt trong quá trình toàn cầu hóa. Quá trình thương mại hóa văn hóa đã và đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng trở thành nguồn lực trực tiếp để phát triển. Nhiều sản phẩm hàng hóa được sản xuất từ chính các giá trị văn hóa truyền thống được đưa vào lưu thông trên thị trường. Mọi việc sẽ không có vấn đề gì nếu như các doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức hay nhóm cứ tùy theo điều kiện của mình để khai thác các nguồn lực phát triển một cách phù hợp. Nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa và kinh tế thị trường hiện đại, thương hiệu là một vấn đề quan trọng trong kinh doanh. Nên bản quyền thương mại lại trở thành vấn đề then chốt mà các doanh nghiệp theo đuổi. Và khi đầu tư sản xuất một loại sản phẩm hàng hóa dựa vào một giá trị văn hóa truyền thống của một cộng đồng thì doanh nghiệp cũng tiến hành đăng ký bản quyền thương mại cho sản phẩm đó. Vấn đề lúc này sẽ xuất hiện khi mà những người dân hay các tổ chức, các nhóm khác cũng sản xuất và kinh doanh các loại sản phẩm tương tự bởi nguồn tri thức văn hóa truyền thống đó là thuộc sở hữu chung của cộng đồng. Nó sẽ tạo ra tình trạng nhiều sản phẩm đồng loại giống nhau nhưng bản quyền thương hiệu lại khác nhau. Tình trạng này hiện nay khá phổ biến ở Việt Nam. Đặc biệt trong việc thương mại hóa các tri thức dân gian của các cộng đồng, tiêu biểu nhất là trong lĩnh vực dược liệu.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng, có nhiều loại dược phẩm được sản xuất dựa vào các bài thuốc cổ truyền của các cộng đồng đã được các doanh nghiệp đăng ký bản quyền thương mại và phổ biến trên thị trường hiện nay. Tri thức dân gian về y dược học của một cộng đồng không thuộc sở hữu của riêng ai cả. Nó là một nguồn lực phát triển thuộc sở hữu cộng đồng và được đảm bảo bởi các định chế văn hóa của họ. Trên nền tảng nguồn lực chung này, các cá nhân, tập thể trong cộng đồng có thể khai thác để chăm sóc sức khỏe hay tạo ra sinh kế cho mình mà không bị cộng đồng ngăn cản. Nhưng ngược lại, họ cũng không có quyền tư hữu hóa nguồn lực này thành sở hữu riêng và ngăn cấm những người khác vận dụng. Nhưng hiện nay, sự xuất hiện của các doanh nghiệp trong hoặc ngoài cộng đồng tham gia vào nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm để cung cấp cho thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký bản quyền thương mại một số sản phẩm từ tri thức dân gian của cộng đồng để phát triển. Nếu các trường hợp khác, thì những sản phẩm sản xuất tương tự như sản phẩm đã được đăng ký bản quyền sẽ bị xem là hàng nhái, hàng giả nhưng trong trường hợp này thì khác. Những cá nhân khác cũng vận dụng tri thức dân gian của cộng đồng để phát triển và doanh nghiệp đó cũng vậy. Doanh nghiệp đăng ký bản quyền nhưng không thể cấm cộng đồng, người dân sản xuất bởi doanh nghiệp không có quyền sở hữu trí tuệ đối với tri thức về dược học cổ truyền của một cộng đồng. Một ví dụ điển hình như thuốc tắm của người Dao Đỏ. Đây là một sản phẩm được sản xuất dựa trên bài thuốc cổ truyền của người Dao Đỏ, dùng để chăm sóc sức khỏe cho những người phụ nữ sau sinh, những người mới ốm dậy hay người vừa đi làm nặng nhọc về. Và bây giờ nó trở thành một sản phẩm phổ biến có thể thấy ở các khách sạn, các cơ sở xông hơi, massage và các trung tâm vật lý trị liệu. Nơi được coi là xuất phát của sản phẩm này là người Dao Đỏ ở xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Tại đây có khoảng 30 hộ gia đình sản xuất và kinh doanh thuốc tắm. Họ tự đóng chai, dán nhãn và thường lấy tên chủ nhà gắn cho loại thuốc này để thể hiện nguồn gốc cũng như sở hữu. Và có một doanh nghiệp ở địa phương cũng kinh doanh sản phẩm này bằng quy trình sản xuất công nghiệp hơn và đăng ký bản quyền sản phẩm của họ. Thậm chí, một số người Kinh, ngườ Hmông hay người Giáy gần đó cũng sản xuất thuốc tắm theo bài thuốc của người Dao Đỏ và cũng lấy thương hiệu thuốc tắm Dao Đỏ để bán cho khách. Chưa có những xung đột bùng nổ nhưng cũng có những mâu thuẫn xuất hiện. Vfa về lâu dài, đây sẽ là vấn đề khó quản lý. Bởi sự xuất hiện nhiều đối tượng tham gia vào quá trình thương mại hóa tri thức dược học của người Dao Đỏ sẽ ảnh hưởng nhiều đến lợi ích của cộng đồng này.

Ở đây, chúng ta có thể thấy rõ, bản quyền là một yếu tố văn hóa của xã hội hiện đại, của văn minh phương Tây, còn tri thức dân gian hay vận dụng các tri thức dân gian thuộc nền văn hóa của cộng đồng bản địa. Và hai vấn đề này thuộc hai nền văn hóa khác nhau lại quan hệ chặt chẽ với nhau trong một sản phẩm hàng hóa. Làm thế nào để cho quan hệ giữa hai yếu tố của hai nền văn hóa này trở nên hài hòa trở thành mối quan tâm của nhiều người. Và có nhiều cách thức để tương tác vào đó, trong đó môi giới văn hóa là một cách thức có nhiều ưu điểm.

Môi giới văn hóa được các nhà nghiên cứu thực hiện dưới hình thức thông qua quá trình nghiên cứu của mình để tạo ra một tiến trình tiếp xúc và tương tác với nhau nhằm tìm những sự phù hợp và chia sẻ những lợi ích cho nhau. Điều quan trọng là môi giới văn hóa làm cho các chủ thể giữa các nền văn hóa hiểu nhau hơn và nhận thức rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của đôi bên, tôn trọng bản sắc đối tác và tôn trọng lợi ích của nhau. Quan trọng nhất là môi giới văn hóa giúp cho cộng đồng nâng cao năng lực văn hóa của mình để tiếp cận các nguồn lực phát triển qua tiến trình tìm hiểu và thực hành các tri thức văn hóa mới cũng như để tích hợp và bảo vệ bản sắc văn hóa. Khi năng lực văn hóa của cộng đồng được nâng cao thì họ sẽ tìm được những con đường để bảo vệ lợi ích của chính mình nhưng vẫn đảm bảo được sự phát triển.

Tóm lại, sở hữu trí tuệ là một thuật ngữ luật học thường chỉ về quyền sở hữu một sản phẩm sáng tạo của một cá nhân hay tổ chức. Còn bản quyền thương mại đảm bảo cho việc sở hữu và kinh doanh một sản phẩm hàng hóa nhất định. Nhưng trong thực tế, có những nguồn lực phát triển lại thuộc quyền sở hữu cộng đồng và được các định chế văn hóa bảo vệ. Nhiều sản phẩm hàng hóa được sản xuất dựa vào các nguồn lực cộng đồng mà phổ biến là sản phẩm từ tri thức dân gian, khi được doanh nghiệp đăng ký bản quyền sẽ ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng và dễ gây ra mâu thuẫn, thậm chí là xung đột giữa cộng đồng và doanh nghiệp. Vậy nên, môi giới văn hóa được xem như là một cách tiếp cận có nhiều giá trị để giải quyết những vấn đề này. Đây là một tiếp cận để thu hẹp những khác biệt, mâu thuẫn giữa các nền văn hóa với nhau, giúp cho các bên liên quan trong các dự án phát triển hiểu và tôn trọng nhau hơn nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác. Môi giới văn hóa cần được phát triển để trở thành một dịch vụ nhằm giúp cho cộng đồng, doanh nghiệp và các bên liên quan  tìm thấy nhau trong tiến trình phát triển trong bối cảnh đa văn hóa./.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây