Một số vấn đề cơ bản về phạm trù tất nhiên và ngẫu nhiên

Thứ ba - 06/12/2022 04:21 0

Tất nhiên là phạm trù triết học dùng để chỉ cái do những nguyên nhân cơ bản, bên trong của kết cấu vật chất quyết định và trong những điều kiện nhất định phải xảy ra đúng như thế chứ không thể khác. Ngẫu nhiên là phạm trù triết học dùng để chỉ cái không do bản thân kết cấu của sự vật, mà do nguyên nhân bên ngoài, do sự ngẫu hợp của hoàn cảnh bên ngoài quyết định; do đó, nó có thể xuất hiện, cũng có thể không xuất hiện, có thể xuất hiện như thế này, có thể xuất hiện như thế khác.
Ví dụ 1: Hàng ngày con người cần ăn, uống và nghỉ ngơi là điều tất nhiên, bởi vì đó là nguyên nhân cơ bản trong cơ thể người quyết định . Còn ăn uống, nghỉ ngơi như thế nào lại là cái ngẫu nhiên, vì nó phụ thuộc vào điều kiện sống của cá nhân con người
Ví dụ 2: Trồng hạt lạc ( tất nhiên) phải mọc lên cây lạc, không thể mọc lên cây khác. Còn cây lạc tốt hay xấu là ngẫu nhiên do điều kiện đất, thời tiết, độ ẩm…quy định
Từ cách hiểu phạm trù tất nhiên và ngẫu nhiên như trên, chúng ta có thể rút ra một số điểm khác nhau và giống nhau của cặp phạm trù này như sau:
- Giống nhau:
+ Cả 2 phạm trù đều phản ánh những mối liên hệ đặc biệt về vật chất của thế giới khách quan.
+ Cả tất nhiên và ngẫu nhiên đều do những nguyên nhân xác định quy định
- Khác nhau: 
+ Tất nhiên là do chính bản chất của quá trình quy định, còn ngẫu nhiên lại là cái không do bản chất của quá trình quy định một cách trực tiếp mà là một cái gì thứ yếu, không biểu hiện, phụ thêm, không bắt  buộc phải có đối với quá trình đó
Ví dụ: Trong xã hội tư bản chủ nghĩa đã là nhà tư bản thì tất yếu phải tổ chức hệ thống sản xuất, bóc lột sức lao động của công nhân. Điều đó do nguyên nhân cơ bản bên trong, do bản chất quan hệ sản xuất tư bản quyết định. Còn nhà tư bản tổ chức sản xuất gì ô tô, điện thoại, xe máy…và bóc lột công nhân như thế nào lại là cái ngẫu nhiên
+ Cái tất nhiên có tính phổ biến còn cái ngẫu nhiên nhiều khi được thể hiện ở cái đơn nhất. V.I Lênin viết “Cái tất nhiên không tách rời cải phổ biến” [2. tr72].Điều này có thể hiểu tất nhiên gắn với các hoạt động quy luật cơ bản của phép biện chứng, quyết định trật tự phát triển của các hiện tượng có liên quan với nhau và bao trùm mọi lĩnh vực của giới tự nhiên và đời sống xã hội.
Ví dụ: Trong tự nhiên thì sự trao đổi chất là đặc điểm tất nhiên của cơ thể sống
Trong xã hội có đối kháng giai cấp: Đấu tranh giai cấp tất nhiên (chỉ có điều sớm hay muộn) sẽ  dẫn đến cách mạng xã hội.
+ Cái ngẫu nhiên thể hiện cái đơn nhất: Tức là nó gắn với mối liên hệ không ổn định và không vạch ra khuynh hướng của sự phát triển mà chỉ là một biểu hiện cụ thể, riêng lẽ của quá trình đó. Nó thường xuất hiện do có sự giao nhau của các quá trình khác nhau về chất. Ngay trong điều kiện như nhau hoặc rất giống nhau thì mỗi hiện tượng ngẫu nhiên cũng có thể thể hiện cách này hay cách khác 
Ví dụ: Quá trình học tập trong môi trường thuận lợi thì sinh viên học tốt là điều tất nhiên và có tính quy luật. Cũng là sinh viên đó do nguyên nhân nào đó, nguyên nhân này không liên quan đến bản chất của sinh viên, sinh viên không thể học tốt thì đó chính là cái ngẫu nhiên
+ Cái tất nhiên và cái ngẫu nhiên đều có nguyên nhân, nhưng cái tất nhiên là do nguyên nhân bên trong cơ bản và chủ yếu gây nên. Những nguyên nhân này lúc nào cũng đề ra, trong những điều kiện thích hợp một kết quả nhất định, kết quả này do đó là tất nhiên. Còn hiện tượng ngẫu nhiên là do những nguyên nhân thứ yếu khác nhau gây nên
- Phạm trù tất nhiên có quan hệ với phạm trù cái chung hay không?
Phạm trù tất nhiên có mối quan hệ với phạm trù cái chung song nó không đồng nhất với phạm trù cái chung. Cái tất nhiên là cái chung song không phải mọi cái chung đều là cái tất nhiên, chỉ cái chung được ra đời từ nguyên nhân bên trong và được quyết định bởi bản chất nội tại của sự vật mới là cái chung tất yếu. Còn cái chung xuất hiện do nguyên nhân bên ngoài và không được quyết định bởi bản chất nội tại của sự vật mà chỉ là sự lặp lại một số thuộc tính nào đó của các sự vật thì là cái chung ngẫu nhiên. 
Ví dụ: Tất cả sinh viên đều có nhu cầu học tập là cái chung tất yếu, còn một số sinh viên có sở thích giống nhau về văn nghệ, thể dục, thể thao là cái chung ngẫu nhiên.
Cả cái tất nhiên và ngẫu nhiên đều có nguyên nhân. Vì vậy không nên cho rằng hiện tượng con người chưa biết được nguyên nhân là cái ngẫu nhiên, còn hiện tượng con người đã biết nguyên nhân là tất nhiên. Điều này rời vào chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Cả cái tất nhiên và ngẫu nhiên đều tuân theo quy luật,  tất nhiên tuân theo quy luật động lực, còn ngẫu nhiên tuôn theo quy luật thống kê. Vì vậykhông thể cho rằng cái tất nhiên gắn với quy luật còn cái ngẫu nhiên không gắn với quy luật.
- Quan điểm chỉ thừa nhận cái tất nhiên mà phủ nhận cái ngẫu nhiên diễn ra trong tự nhiên và trong xã hội sẽ dẫn tới những kết luận thực tiễn như thế nào?
Trong tự nhiên và xã hội chỉ thừa nhận cái tất nhiên, hoàn toàn phủ nhận sự tồn tại khách quan của cái ngẫu nhiên là sai lầm. Như thế thì giữa tự nhiên và xã hội sẽ phát triển đúng theo một kế hoạch đã định sẵn. Con người không thể thay thế bất kỳ chi tiết nào trong kế hoạch đã được xác định đó. Hoạt động lao động sáng tạo của con người sẽ không có giá trị gì nữa. Cho nên làm sao thể nói đến “cải tạo thế giới” vì lợi ích của con người. Lúc ấy con người trở thành trò chơi của định mệnh mà thôi. Số phận của họ đã được định đoạt từ khi họ ra đời, không nên nghĩ đến bất cứ sự thay đổi nào nữa
Quan điểm thừa nhận cái tất nhiên như thế không phải là tính ngẫu nhiên đã được nâng lên trình độ tính tất nhiên. Trái lại ở đây tính tất nhiên đã bị hạ xuống trình độ ngẫu nhiên. Sự vô lý nàyđược Ph. Ăng ghen châm biếng: “Theo quan điểm đó thì trong tự nhiên, chỉ ngự trịcó sự tất nhiên trực tiếp đơn giản thôi. Quả đậu Hà Lan này có 5 hạt chứ không phải 4 hay 6, đuôi con chó dài 5 tấc chứ không kém hay hơn; …một con bọ chét đã đốt tôi hôm qua vào lúc 4 giờ sáng, chứ không phải vào lúc 3 giờ hay 5 giờ và đốt vào vai phải chứ không phải vào bắp chân trái” [1.tr. 704]. Thừa nhận tính tất nhiên như vậy thì ta không thể nào thoát khỏi quan điểm thần học về giới tự nhiên được. Đồng thời khoa học không đáng quan tâm đến cái ngẫu nhiên nữa “Điều đó có nghĩa là: Cái mà người ta có thể quy vào những quy luật, tức là cái mà người ta biết, thì mới là cái đáng chú ý, còn mà người ta không quy được vào những quy luật, tức là cái mà người ta không biết, thì là cái không đáng chú ý và có thể gácqua  một bên. Nếu thế thì không còn gì là khoa học nữa, vì khoa học phải nghiên cứu chính cái mà chúng ta không biết” [1. tr. 703-704]
- Tuyệt đối hóa vai trò của ngẫu nhiên, phủ nhận mọi cái tất nhiên cũng là một sai lầm lịch sử.
Quan niệm này sẽ đi tới chỗ xuyên tạc nhiệm vụ chân chính của khoa học là nghiên cứu các quy luật khách quan, làm chokhoa học đi vào con đường thần bí, biến nó thành chỗ dựa cho chủ nghĩa duy tâm, tôn giáo
Nếu cả tự nhiên và xã hội chỉ là vô số sự kiện hỗn độn; không có bất kỳ mối liên hệ ổn định nào thì cái thống trị đó sẽ là cái phi lý và cuộc đời, con người cũng là một sự phi lý mà thôi. Vì vậy không phải tốn công nắm bắt, làm chủ nó. Theo đuổi một sự có lý ở đời này là vô nghĩa. Hãy sống cho ngày hôm nay thôi, không cần quan tâm đến tương lai…đó là trạng thái bi quan bất lực trong cuộc đời, có lợi cho sự thống trị của các giai cấp bóc lột
Mối quan hệ biện chứng giữa cái tất nhiên và ngẫu nhiên
+Tất nhiên và ngẫu nhiên tồn tại khách quan, độc lập với ý thức của con người đều  chúng đều có vị trí nhất định đối với sự phát triển của sự vật, nếu cái tất nhiên luôn tác động chi phối quá trình phát triển của sự vật thì cái ngẫu nhiên tác động làm ảnh hưởng đến nhịp điệu, tốc độ phát triển của sự vật, có thể làm cho sự vật  phát triển diễn ra nhanh hoặc chậm
Ví dụ: Cá tính của một lãnh tụ cách mạng là phẩm chất ngẫu nhiên nhưng nó tác động làm cho phong trào phát triển nhanh hay chậm với trình độ cao hay thấp…C. Mác nhận xét rằng, lịch sử sẽ là thần bí nếu cái ngẫu nhiên không có tác dụng nào cả. Những cái ngẫu nhiên này là một bộ phận hữu cơ không tách rời tiến trình phát triển chung và sự phát triển diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào cái ngẫu nhiên rất nhỏ như cá tính của người lãnh đạo phong trào.[ 4 .284 -285]
Có thể tồn tại tất nhiên “thuần túy” và ngẫu nhiên “thuần túy” hay không?
Trong tự nhiên, xã hội và con người không có cái tất nhiên “thuần túy” tách rời cái ngẫu nhiên cũng như không có cái ngẫu nhiên “thuần túy”tách rời cái tất nhiên. Bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng thống nhất trong nó cả cái tất nhiên và cả cái ngẫu nhiên. Không sự kiện không hoàn toàn là tất nhiên cũng không hoàn toàn là ngẫu nhiên, có khi tất nhiên là chủ yếu cũng có khi lại là ngẫu nhiên
Phạm trù tất nhiên và ngẫu nhiên không tồn tại dưới dạng biệt lập thuần túy chúng tồn tại như một chỉnh thể biện chứng. Trong đó cái tất nhiên bao giờ cũng thể hiện sự tồn tại của mình thông qua vô số cái ngẫu nhiên. Còn cái ngẫu nhiên là hình thức biểu hiện sinh động của cái tất nhiên. 
Ví dụ: Việc xuất hiện lãnh tụ của giai cấp vô sản giữa thế kỷ XIX là một nhu cầu tất yếu của thực tiễn xã hội – lịch sử. Những người đầu tiên xuất hiện đó là C. Mác và Ph. Ăng ghen lại là điều ngẫu nhiên và không có C. Mác và Ph. Ăng ghen sẽ có người khác thay thế, người thay thế này có thể tốt hơn hoặc không tốt bằng, nhưng cuối cùng nhất định phải xuất hiện. Lịch sử đã chứng tỏ  C. Mác tìm ra quan điểm duy vật lịch sử, thì Ghido, Minhê, Cheri …đến năm 1850 cũng tiếp cận theo hướng đó đã chứng tổ thời gian và nội dung khoa học xã hội đã phát triển chín muồi đã phát hiện đó là tất yếu được thực hiện [4. 789 -790]
Cái tất nhiên và ngẫu nhiên đều có vai trò, vị trí quan trọng đối với sự vật, hiện tượng. Nhưng cái tất nhiên thông thường đóng vai trò chi phối đối với sự vận động, phát triển của sự vật, cái ngẫu nhiên làm cho sự vật phát triển nhanh hơn hoặc chậm hơn.
Ví dụ: đất đai thời tiết không quyết định đến hạt lạc nẫy mầm lên cây lạc, nhưng đất đai, thời tiết có tác động làm cho cây Lạc nhanh hay chậm nãy mầm thành cây Lạc
+Tất nhiên và ngẫu nhiên tồn tại trong sự thống nhất trong mối quan hệ biện chứng với nhau, không có tất nhiên cũng như không có ngẫu nhiên thuần túy tách rời nhau
Cái tất nhiên bao giờ cũng vạch đường cho vô số cái ngẫu nhiên đồng thời cái tất nhiên bao giờ cũng thể hiện sự tồn tại của mình thông qua vô số cái ngẫu nhiên. Còn cái ngẫu nhiên lại là hình thức biểu hiện của cái tất nhiên, bổ sung cho tất nhiên. Bất cứ cái tất nhiên nào cũng thể hiện phần nào đấy của cái tất nhiên, là khuynh hướng chủ yếu của sự phát triển, nhưng khuynh hướng ấy mỗi khi được bộc lộ mình thì bao giờ cũng phải bộc lộ ra dưới dạng một hình thức ngẫu nhiên nào đó theo xu hướng chung chứ không phải cách bộ lộ nào khác. Với cái tất nhiên ấy chỉ có thể được tạo nên bởi nhiều cái ngẫu nhiên. Còn tất cả những gì ta thấy trong hiện thực cho là ngẫu nhiên thì đều không phải là ngẫu nhiên thuần túy mà có những ngẫu nhiên trong đó bao hàm tất nhiên, che dấu cái tất nhiên nào đó Ăng ghen viết: “cái mà người ta quả quyết cho là tất yếu lại hoàn toàn do những  ngẫu nhiên thuần túy cấu thành, và cái được coi là ngẫu nhiên, lại là hình thức, dưới đó ẩn nấp cái tất yếu”3[431]
Ví dụ: Hôm qua ở trên tuyến đường này xảy ra một vụ tại nạn xe máy. Đó là một chuyện ngẫu nhiên. Nhưng nếu xem lại cả quãng thời gian trước đó, người ta thấy trong nhiều năm qua, trên đoạn đường này, thường xuyên xảy ra tai nạn xe cộ. Nếu như vậy đằng sau những tai nạn ngẫu nhiên ấy chắc chắn có ẩn dấu một cái tất nhiên nào đó. Nhưng có thể do đây là một đoạn đường vòng quá hẹp, vướng nhiều nhà và nhiều cây cối che tầm nhìn nhưng lại không có biển báo từ xa. Chính địa thế đặc biệt đó đã khiến cho việc xảy ra tai nạn trên đoạn đường này trở nên tất nhiên. Nhưng cái tất này không thể tồn tại tự nó, mà chỉ có thể bộ lộ ra thông qua trường hợp tai nạn xe cụ thể, ngẫu nhiên, xảy ra thường xuyên trên đoạn đường này
Tất nhiên có thể đồng thời là ngẫu nhiên và ngẫu nhiên có thể đồng thời là tất nhiên được không?
- Tất nhiên và ngẫu nhiên trong quá trình vận động của sự vật và trong những điều kiện xác định có thể chuyển hóa cho nhau và cùng một sự kiện nào đó xét trong mối liên hệ này được coi là tất nhiên nhưng trong mối quan hệ khác lại là ngẫu nhiên
Ví dụ: Trong đổi hàng hóa là tất nhiên trong nền kinh tế thị trường nhưng lại là ngẫu nhiên trong xã hội nguyên thủy – khi sản xuất hàng hóa chưa phát triển.
Bản thân các hiện tượng mà ta cho là tất nhiên cũng đồng thời là cái ngẫu nhiên và ngược lại, chính vì vậy ranh giới giữa cái tất nhiên và ngẫu nhiên cũng chỉ là tương đối. ví dụ, ti vi sử dụng lâu ngày, “ tất nhiên” sẽ bị hỏng – tức là xét theo liên hệ  về độ dài thời gian sử dụng, nhưng xét theo liên hệ “hỏng vào khi nào và giờ nào” thì lại là “ ngẫu nhiên”
- Cái tất nhiên cũng có thể trở thành cái ngẫu nhiên và ngược lại, trong những điều kiện nhất định.
Ví dụ: Trong xã hội Cộng sản nguyên thủy, việc trao đổi vật này để lấy vật khác là hiện tượng ngẫu nhiên. Nhưng về sau nhờ phân công lao động và sản xuất phát triển việc trao đổi sản phẩm ngày càng trở thành nhu cầu và là hiện tượng tất nhiên.
Ví dụ: trên một thửa ruộng xuất hiện  một số hạt thóc có tính chất mới hoàn toàn, mỗi tác động tự nhiên hoặc xã hội từ một số hạt lúa mới đó phát triển thành cả một giống lúa mới gieo trồng rộng rãi. Khi đó cái ngẫu nhiên trở thành cái tất nhiên và trong thế giới không chỉ xẫy ra việc biến ngẫu nhiên thành cái tất nhiên mà còn xãy ra quá trình ngược lại, ví dụ người hiện đại đôi khi có tái hiện một vài dấu hiệu nói lên cái động vật của họ. Những dấu hiệu đó xưa kia tất nhiên thì người hiện đại còn là sự ngẫu nhiên mà thôi.
Khoa học có thoát khỏi ngẫu nhiên không? Làm rõ câu nói “ khoa học là kẻ thù của ngẫu nhiên? Bạn có đồng ý với ý kiến đó không?
Trước hết ta đi phân tích câu nói này như sau, có một sự kiện vốn là tất nhiên, có quy luật như thể hiện ra trước con người như là ngẫu nhiên do sự kém hiểu biết của con người hoặc người ta chưa biết đầy đủ nguyên nhân thực sự của nó – những nguyên nhân tất nhiên. Trường hợp này khoa học sẽ xóa cái ngẫu nhiên bề ngoài đó, do đó là kẻ thù của ngẫu nhiên.
Các sự kiện vốn là ngẫu nhiên, sẽ không bao giờ do nghiên cứu khoa học mà nó  không còn là ngẫu nhiên nữa. Khoa học có nhiệm vụ nghiên cứu các ngẫu nhiên thực sự, nắm vững nó, điều khiển nó vì lợi ích con người, nhưng không phải theo nghĩa sẽ thủ tiêu được tính ngẫu nhiên của nó. Tính ngẫu nhiên vẫn còn tồn tại cả khi con người đã hiểu và nắm vững nó. Bằng cách nghiên cứu đặc điểm cái ngẫu nhiên con người nắm được quy luật của ngẫu nhiên. Nhưng đây là quy luật đặc biệt, quy luật thống kê khác với quy luật động lực. Khi biết các quy luật thống kê chúng ta chỉ biết rằng sự kiện xảy ra với xác xuất nó nằm trong khoảng từ  0-1 mà thôi. Ví dụ, nếu bạn mua một vé Việt Lót phát hành hai vạn số với một giải đặc biệt là 1 tỷ đồng, thì về nguyên tắc bạn có hi vọng trúng giải đặc biệt đó với xác suất 1/20.000. Sẽ có một vé số trong 2 vạn số đó trúng giải đặc biệt. Chúng ta biết chắc như thế. Điều đó tất nhiên xảy ra. Nhưng vé số đó như thế nào? Có ai mua được vé đó không hay nó thuộc vào số còn “ ế” lại? Người nào may mắn là chủ nhân của chiếc vé số đó? Tất cả những sự kiện đó mãi mãi vẫn là ngẫu nhiên đối với người tổ chức và người tham gia. Mọi tính toán, cố phát hiện quy luật để biến nó thành cái tất nhiên là vô hiệu. Nếu không thí xổ số sẽ phá sản và chẳng còn là một sự kiện gây căng thẳng và hồi hộp nữa
Đối với khoa học cũng không thoát khỏi cái ngẫu nhiên, biết rằng bản thân khoa học đã nghiên cứu các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ.. đã tính toán kỹ lưỡng, nhà khoa học và các viện nghiên cứu cũng luôn gặp phải cái ngẫu nhiên, bất ngờ. Những cái ngẫu nhiên đó có thể đưa các nhà khoa học thành công sớm hơn, cũng có thể cản trở bước tiến của họ
Khoa học phải nắm lấy cái tất nhiên, loại trừ cái ngẫu nhiên do “ thiếu hiểu biết”, vô trách nhiệm, nhưng khoa học không bao giờ có thể làm cho thế giới này và nhân loại chỉ còn toàn là cái tất nhiên. Cái ngẫu nhiên vẫn tồn tại như một phần của thế giới mà khoa học phải chấp nhận nó, nắm lấy nó theo một cách khác, phải tìm cách sử dụng nó với tư cách là cái ngẫu nhiên chứ không phải là cái tất nhiên, chứ không phải bằng cách tuyên bố không thừa nhận nó, làm lơ nó hoặc cố gắng thủ tiêu nó. Biết rằng bệnh tật, tai nạn thường xảy ra một cách ngẫu nhiên nên ngành y tế đã đối phó với nó bằng cách tổ chức tốt công tác phòng bệnh và cấp cứu suốt 24 giờ.
C. Mác giải thích: nếu những sự “ngẫu nhiên” không có tác dụng gì cả thì lịch sử sẽ có tính chất rất thần bí. Đương nhiên những sự ngẫu nhiên này là một bộ phận trong quá trình phát triển chung và được những sự ngẫu nhiên khác bù trừ lại. Những phát triển nhanh hay chậm là phụ thuộc rất nhiều vào sự “ngẫu nhiên” như vậy, kể cả cái sự “ngẫu nhiên” như tính cách của những người lúc đầu lãnh đạo phong trào” [4. 567 ]
Một số kết luận về mặt phương pháp luận
Một là, trong quá trình nhận thức nhiệm vụ của nhận thức khoa học là phải nắm bắt được cái tất nhiên, cái tất nhiên không tồn tại dưới dạng thuần túy mà lúc nào cũng biểu lộ ra bên ngoài thông qua cái ngẫu nhiên. Vì vậy muốn nhận thức cái tất nhiên cần bắt đầu từ cái ngẫu nhiên
Hai là, trong hoạt động thực tiễn con người phải dựa vào cái tất nhiên cái tất nhiên để xây dựng chương trình, kế hoạch, phương án, cái tất nhiên bao giờ cũng vạch đường cho mình thông qua vô số cái ngẫu nhiên, cho nên chúng ta chỉ có thể phát hiện ra được cái tất nhiên bằng cách nghiên cứu qua rất nhiều cái ngẫu nhiên, cho nên không được bỏ qua cái ngẫu nhiên vì cái ngẫu nhiên có ảnh hưởng đến nhịp điệu phát triển của sự vật. Do đó, cần xây dựng phương án dự phòng để ứng phó với cái ngẫu nhiên, tránh rơi vào giải pháp tình thế, bị động đối phó với hoàn cảnh bên ngoài
Không phải cái chung nào đồng thời cũng là cái tất nhiên, cho nên phát hiện ra được cái chung chưa có nghĩa là đã phát hiện ra cái tất nhiên. Đó mới chỉ là một bước trên con đường vạch ra cái tất nhiên thôi
Ba là, trong thực tiễn, trước hết và chủ yếu cần dựa vào cái tất nhiên. Nhưng không phải vì thế mà bỏ qua cái ngẫu nhiên và cần có các phương án hành động dự phòng cho trường hợp, các sự biến ngẫu nhiên bắt đầu xuất hiện.
Bốn là, tất nhiên và ngẫu nhiên có thể chuyển hóa cho nhau trong những điều kiện thích hợp. Do đó trong hoạt động thực tiễn có thể tạo ra những điều kiện thích hợp để ngăn cản hoặc kích thích sự chuyển hóa phục vụ cho mục đích của con người
Năm là, trong điều kiện nhất định cái  tất nhiên và cái ngẫu nhiên có thể chuyển hóa lẫn nhau. Vì vậy, trong hoạch động ta cần hiểu rõ cả cái tất nhiên và ngẫu nhiên để tạo điều kiện “ biến” cái ngẫu nhiên tiến bộ thành cái tất nhiên và 
“ biến” cái tất nhiên lạc hậu thành cái ngẫu nhiên
Tài liệu tham khảo:
1. Ph. Ăng ghen: Biện chứng của tự nhiên. Nxb sự thật, H.1971, tr, 334, 335.
2.V. I Lênin. Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M 1981, t 29, tr 72.
3. Mác - Ăngghen Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1994, tập 20, 431.
4. C. Mác - Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1997, t33, tr 284 - 285,  567;  789 -790.
 5. Giáo trình những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin Nxb, Chính trị quốc gia, H. 2017.
6. Giáo trình triết học Mác - Lênin, tập 1. Nxb, Chính trị quốc gia, H. 2007.
7. PGS. TS Nguyễn Thế Nghĩa: Những chuyên đề triết học. Nxb Khoa học xã hội, H. 2007.
8. Trần văn Phòng ( Chủ biên ) Nguyễn Thế Kiệt:  Hỏi - Đáp môn triết học Mác - Lênin. Nxb Đại học quốc gia, H. 2007.
9. Từ điển triết học. Nhà xuất bản tiến bộ và nhà xuất bản sự thật, H.1986.


Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây