Năm Dần vuốt râu hùm tìm hổ gặp cọp

Thứ hai - 07/02/2022 04:21 0

Hổ là con vật linh được con người tôn sùng với nhiều tên gọi khác nhau: Hùm, Cọp, Dần, Ông Ba Mươi. Hổ tượng trưng cho sự hùng dũng và oai vệ, thí dụ như Hổ bộ: Bước đi uy nghi như cọp; Hổ đầu: Đầu Cọp, tướng mạo tốt. Hổ cũng có nghĩa là hiểm yếu, nguy hiểm, hung dữ - Hổ cứ: Cọp ngồi, địa thế hiểm yếu; Hổ huyệt: Hang Cọp, chỗ nguy hiểm, dữ nhiều, lành ít; Hổ khẩu: Miệng Cọp, chỗ chết; Hổ lang: Cọp và Sói, loài hung dữ, có câu thành ngữ Hổ lui lang tới: Cọp vừa rút lui thì chó sói lại đến, do câu Tiền môn cự Hổ, hậu hổ tiễn lang - Nghĩa là, cửa trước chống cự với cọp, cửa sau lại tiến đưa chó sói, nghĩa bóng là tránh được nạn này, lại gặp phải họa kia. Trong Việt Nam quốc sử diễn ca có câu: Hổ lui lang tới khéo thay/Mạc kia vừa dẹp, Trịnh này lại lên; Hổ thị: Cái nhìn của Cọp, cái nhìn tham tàn như muốn ăn tươi nuốt sống người ta…


 Hổ là chúa Sơn Lâm mà bất cứ con vật nào ở trong rừng đều phải sợ và lánh xa. Nó không sợ người nhưng lại bị con người khuất phục bằng trí khôn. Dân gian đã xây dựng câu chuyện cổ tích Trí khôn của ta đây để nói rõ điều đó và còn lý giải lý do bộ lông Hổ có các khoanh xám, đen, đỏ rất đẹp là do anh nông dân mưu trí lừa trói hổ, rồi chất rơm đốt mà thành. Tên của Hổ trong Kinh dịch được con người lấy làm hình ảnh gắn với các thế đất tốt phát tướng Tả Thanh Long - Hữu Bạch Hổ (左青龍有白虎). Các dòng họ có nhân vật phát tướng giỏi còn lấy mô típ Mộ Hổ táng để lý giải và lấy làm biểu tượng thờ cúng linh thiêng như Họ Nguyễn Đình ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc đã sinh ra Cương Quốc công Nguyễn Xí. Hiện nhà thờ Cương Quốc Công có vật Tổ thờ là tượng Hổ, đặt ngay nơi thượng điện. Tổ của đức Nguyễn Xí là Nguyễn Hợp, tự Pháp Đăng vốn làm nghề nấu muổi ở vùng bãi biển Thượng Xá. Thân sinh Nguyễn Xí là Nguyễn Hội cũng kế tục làm muối, thường cùng con trai Nguyễn Biện, Nguyễn Xí đưa muối ra bán ở vùng Lương Giang, Thiệu Hóa, Thanh Hóa, thường vào ở nhà đức Lê Lợi. Hai người con thành con nuôi, là gia nhân và về sau được tin cậy cử làm tướng của nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược do Bình Định Vương Lê Lợi lãnh đạo. Nguyễn Hội bị Hổ vồ chết và tha đi vùi lấp ở cánh đồng Lẫm cạnh làng. Gia phả dòng họ còn lưu truyền thuyết rằng:

Ngày 20 tháng 3 năm Ất Dậu (1405), Nguyễn Hội đang nấu muối ở xứ Cồn Thông (có bản nói là đang ban đêm cất vó ở Đập Hang), bỗng đâu trời sai Hổ Tinh tới vồ chết và mang xác đến xứ Đồng Lẫm, bới huyệt chôn cất, bẻ củi rào mộ tử tế. Hôm sau người nhà tìm được, dời thi hài đến chôn một nơi khác tại dãy núi Voi. Nhưng Hổ đã đến gầm thét dữ dội và lại cõng thi hài về chôn chỗ cũ. Người nhà nghĩ đó là điềm trời cho để phát đạt nên vẫn giữ nguyên ngôi mộ Hổ táng đó.     

Con người lấy Hổ làm biểu tượng cho sự oai phong hùng dũng, được ví với những vị tướng dũng cảm, tài giỏi Hổ Tướng: Vị tướng có dáng điệu uy nghi, oai vệ, trông rất hùng dũng. Trong Truyện Kiều, Đại thi hào Nguyễn Du đã tả oai phong của Từ Hải: Râu hùm, hàm én, mày ngài/Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao. Trong Hán thư có câu: Mãng bái tướng quân cửu nhân, giai dĩ hổ vi hiệu, hiệu viết cửu hổ tướng - Nghĩa là Mãng đã trao chức quan cho chín viên tướng đều lấy chữ Hổ làm hiệu, gọi là 9 viên Hổ tướng và có câu: Ra oai Hổ tướng đoạt thành/Ngói tan trúc chẻ, tan tành thịt xương. Trên trang phục, áo giáp của các vị tướng võ đều có trang trí hình Hổ. Hổ phù: Phù hiệu, ấn tín trong quân đội ngày xưa để dùng làm tin; xưa có phù hiệu Hổ làm bằng tre, có câu: Hổ phù tướng ấn trao tay/Quân binh đội ngũ chờ ngày xuất chinh. Hổ trướng: Bản doanh của viên chủ tướng, thường có vẽ hình con Hổ, Có điển cố xưa nước Tàu, vua nước Lương là Từ Trí Ngạc trong các cuộc chinh phạt các nước khác thường dùng da Hổ vây chung quanh cái trướng để họp các thuộc hạ luận bàn quân sự, gọi là Hổ trướng, có câu: Họp trong Hổ trướng luận bàn quân cơ; rồi binh khí của quan võ như đốc kiếm, lưỡi đại đao, mũi qua… đều có trang trí mặt/mình Hổ. Binh thư soạn cho quân sự cũng được đặt tên từ Hổ, như Hổ trướng khu cơ do Đào Duy Từ (1572-1634) soạn. Ông người làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, nay thuộc Vân Trai, Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Ông vốn thông minh nhưng không được đi thi vì là con của nhà hát xướng, nên ôm hận mà đi vào Nam theo phò chúa Nguyễn. Ông được tin dùng, chúa phong đến Nha úy nội tán, Lộc Khê hầu, từng giúp chúa đắp các lũy Trường Dục, Nhật Lệ (Lũy Thầy) để ngăn đường quân Trịnh vào, định lại phép thu thuế, luyện tập quân sĩ… Sau khi mất, Đào Duy Từ được ban phong công thần, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu. Ông có công phát triển nghề hất Bội, được thờ là Tổ nghề, sáng tác vở tuồng Sơn Hậu nổi tiếng và một số công trình, tác phẩm khác…

Ngày xưa để đi thi Hương, thi Hội, thi Đình trúng Hương cống, Cử nhân, Tiến sĩ rất khắt khe, có khoa thi hàng nghìn sĩ tử chí lấy đậu rất ít, khoa ít chỉ 3 Tiến sĩ, khoa nhiểu chỉ vài ba chục, hiếm khi lấy trên dưới 50-70 vị Cử nhân, hay Tiến sĩ. Những người thi đậu trúng tuyển được ghi tên nêu danh trên bảng, gọi là bảng Hổ, bảng Rồng (Bảng Hổ, bảng Rồng đề danh). Đó là những người hiền, giỏi được lựa chọn Mong sao cho bảng Hổ đề tên, có câu thơ: Mai sau bảng Hổ đề tên/Trọn lời nguyện ước, vẹn niềm thủy chung. Những người học giỏi, có tài văn học, được dân tôn sùng xếp vào “Tứ hổ”, “Tứ Lân”… Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thưởng ở Trung Cần (Nam Trung, Nam Đàn), ở tuổi 19 ra đất Tràng An (Kinh đô Thăng Long) để học thi Hội, được tôn xưng 1 trong “Tứ Hổ Tràng An” cùng với Nguyễn Chương, Đậu Minh và Lê Đăng. Nam Đàn có “Tứ Hổ” là San, Đôn, Lương, Quý (hoặc San, Song, Lương, Sắc). Một lần “Tứ Hổ” rủ nhau đi hát phường vải ở Nam Kim, bị bên gái vặn hỏi:

Bốn chàng quê quán ở đâu?/Xin tường danh tính để sau khuyên mời.

Phan Văn San (tức Giải nguyên Phan Bội Châu) đã nhanh nhẹn thay mặt cho các bạn trả lời rằng:

Nam Đàn tứ Hổ là đây/San, Đôn, Lương, Quý, một bầy bốn anh. 

Nghi Lộc có Tứ Hổ là Hoàng Văn Thái, Hoàng Văn Bảo, Nguyễn Đình Yên, Hoàng Văn Cư. Huyện quỳnh Lưu có Tứ Lân là Hồ Tài Trí, Hồ Văn Minh, Hồ Diễn, Hồ Hiến. Trong Tứ Hổ của huyện Đông Thành có Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã… Họ Hồ có 4 nhà nổi tiếng học giỏi, đỗ đạt và có văn học: Hồ Sĩ Dương, Hồ Phi Tích, Hồ Sĩ Đống, Hồ Sĩ Tôn được tôn vinh, xếp vào “Tứ Hồ từ cổ chiếm văn minh” (4 nhà đều xứng là đại gia văn chương của họ Hồ). nhiều dòng họ, gia đình nối tiếp nhiều thế hệ có người đỗ đạt cao, làm quan trong triều đình giúp ích cho dân cho nước, được cho là Hổ phụ sinh Hổ tử (Cha nào con nấy). Tục ngữ tiếng Việt có câu Nòi nào giống ấy - Cha mà giỏi giang thì đứa con đẻ ra cũng giỏi giang Nó giống cha nó, Hổ phụ sinh Hổ tử.

Hổ tử lưu bì, nhơn tử lưu danh (Cọp chết để da, người chết để tiếng). Nghĩa bóng, con người chỉ hơn kém nhau là sau khi chết có lưu được danh thơm, tiếng tốt hay không. Con người ý thức được cái nghĩa lý sâu xa của câu nói đó sẽ tránh được tiếng xấu muôn thuở. Người Trung Quốc từ cổ xưa hay dùng thủ đoạn Tọa sơn quan Hổ đấu (Ngồi trên núi xem Hổ đánh nhau), là thái độ vô trách nhiệm và ý đồ cơ hội, thờ ơ trước việc hai người đánh nhau để kết cục kẻ thua, người yếu hòng kiếm lợi sau cuộc tranh giành ấy.

Chúng tôi có sưu tầm được chiếc đĩa sứ được sản xuất bên Nhật Bản có vẽ cuộc đấu của Hổ và Rồng, chắc cũng gần với ý Tọa sơn quan Hổ đấu.Đĩa có hình bánh sáp, uốn khum đều từ đế lên đến mép, cao 3cm, có đường kính miệng 16,5cm. Đĩa này có niên đại cuối triều Nguyễn, có thể thời Phát xít Nhật chiếm nước ta. Đĩa được quét nhiều lớp men, bên ngoài và trôn đều phủ men trắng. Mép đĩa có quét men nâu Sôcôla. Lòng đĩa có lớp men nền trắng màu gạo nếp, rồi mới vẽ các hoa văn và linh vật với 3 màu lam, xanh lá cây và trắng. Mép giữa lòng có 2 vành tròn men lam đồng tâm khép kín . Từ vành tròn ngoài lên đến mép đĩa rộng 3cm và có vẽ 4 cành lá cúc men lam to đậm, mỗi cành có 1 bông hoa cúc trắng ở giữa theo cách tròn đều, thường gọi là kiểu vẽ đường kỷ hà nối tiếp nhau theo vòng tròn khép kín và in trên nền men xanh lá cây. Lòng trung tâm đĩa có đường kính 11cm. Trên nền men trắng có vẽ hình tượng Hổ - Rồng quây tròn vờn nhau theo kiểu đoàn viên (quây tròn nối nhau). Hổ và Rồng là hai linh vật thể hiện sức mạnh, uy quyền của vua và các tướng. Hổ ở tư thế thân hình hùng dũng, vờn đuổi Rồng, mình gồng lên, chân sau trụ vững ở đà nhảy vồ, một chân trước vờn tới đuôi Rồng, mắt mặt trông dữ tợn, chân có 4 móng vuốt sắc nhọn, đuôi quật ra sau phía trên đầu Rồng. Rồng trông cũng dữ tợn, miệng nhe hàm nanh, bờm dựng, chân có 4 móng vuốt cong quặp, bụng có lằn vây như bụng rắn, thân uốn khúc cuồn cuộn, có vầng lửa tỏa ra từ thân về phía Hổ. Hình tượng Hổ - Rồng vẽ in trong đĩa này thật hùng dũng, tương xứng, ngang tài ngang sức và thể hiện được uy quyền sức mạnh vô song.

Liên quan đến Long - Hổ, còn có tích trong lịch sử vào thời Tây Sơn, vì Bằng quận công Nguyễn Hữu Chỉnh quá giỏi và uyên thâm đến mức vua Quang Trung cũng phải nể sợ. Chuyện rằng: Anh em nhà Tây Sơn sinh ra ở đất Thượng Đạo, Tây Sơn, nơi có núi non như tướng Hổ, nên phát tướng tài cho Nguyễn Huệ (vua Quang Trung). Nguyễn Hữu Chỉnh ở Đông Hải (Biển Đông), thuộc Cửa Hội, Cửa Lò (Nghệ An). Nguyên thân sinh Hữu Chỉnh được thầy Địa lý họ Đậu (là Tổ của Hương cống Đậu Công Luận - người ở huyện Thanh Chương, có công vẽ Thiên Nam tứ chí lộ đồ trong đó có bản đồ Hoàng Sa và Trường Sa từ thời vua Lê - chúa Trịnh) tìm cho một huyệt táng là Long mạch ở núi Sôn Bằng, Cửa Sót (nay là Thạch Hà, Hà Tĩnh), nên có thể là phát tướng Rồng cho Chỉnh. Khi Chỉnh bày mưu cho Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc và phong Chỉnh làm tướng tiên phong với cớ Phù Lê diệt Trịnh thì tiếng tăm của Chính rất lớn với cận thần nhà Lê. Đô đốc Vũ Văn Nhậm thua tài Chỉnh nên nói dèm với vua Quang Trung khi mượn đôi câu đối của chúa Nguyễn đề ở tháp chùa Thiên Mụ:

Hổ tự Tây Sơn xuất/Long tòng Đông Hải lai (Hổ từ Tây Sơn ra/ Rồng từ Biển Đông lại). Vì quan dân Bắc Hà hùa theo Hữu Chỉnh, thanh thế ngày càng lớn, nên khi rút quân từ Thăng Long về Nam vua quang Trung đã bí mật bỏ rơi Chỉnh, làm cho Chỉnh bị cô lập với số ít binh lính trong tay khi phải đối phó chống lại Tây Sơn. Hữu Chỉnh đã bị tiêu diệt thật oan khuất chỉ vì cớ đôi câu đối Long - Hổ.

Triều Nguyễn, cho xây đấu trường để Hổ và Voi đấu nhau và hàng năm đều tổ chức hội đấu Voi - Hổ. Vua quan thưởng ngoạn, vỗ tay, hò hét, khua chiêng trống om sòm nhằm kích thích hai con vật hung dữ nhất lao vào nhau, với nhiều cảnh quật vồ nhau đẫm máu, rất man rợ. Đây cũng là hình thức nhằm kích thích tinh thần thượng võ của tướng sĩ triều đình.

Trong Điển cố Trung Hoa cũng ghi nhiều điển tích liên quan đến Hổ: Hổ bì dương chất (Dê khoác áo Hổ) - Dê tuy khóac bộ da Hổ, nhưng bản chất yếu hèn không thể thay đổi. Thấy cỏ non nó vẫn thích, thấy lang sói thì run bần bật (xem Pháp ngôn -  Ngô Tử). Về sau dùng Hổ bì dương chất hoặc Dương chất Hổ bì để chỉ người bề ngoài thì mạnh mẽ nhưng bên trong yếu hèn, chỉ có mẽ ngoài mà không có thực chất. Hổ nhi quán (Hổ đội mũ) - Đầu thời Tây Hán, Thừa tướng Trần Bì, Thái úy Chu Bột giết phản loạn La Lộc, La Sản. Các đại thần đua nhau lên tiếng, muốn lập Tề Vương làm Hoàng đế, nhưng Lang tả Vương Lưu Thạch nói: Tứ Quân, cậu của Tể Vương là người tính tình hung bạo, như Hổ mặc áo, đội mũ người, Tề Vương không thể làm Hoàng đế (xem Sử ký - Tề điệu Huệ Vương thế gia). Về sau dùng Hổ nhi quán để chỉ kẻ hùng ác, tàn bạo. Hổ tự xuất háp (Hổ, Tê giác xuống chuồng) - Thời Xuân Thu, Nhiễm Hữu và Tử Lộ là học trò xuất sắc của Khổng Tử, giúp Quý Thị quản lý chính sự. Một lần họ nói với Khổng Tử, Quý Thị sắp đánh Chuyên Du, một nước đã quy thuận nước Lỗ. khổng Tử hết sức phản đối, rồi dùng cách nói ví von để phê phán họ. Hổ và Tê giác xổng chuồng, đó là tội của ai? Ý Khổng Tử cho là trách nhiệm của người coi giữ vậy (Luận Ngữ - Quý Thị).

Tích Võ Tòng đả Hổ (xem ảnh) làm thành ống bút bằng đất nung, cao 15cm, ngang 14cm dày 8,5cm. Hình tượng Hổ ở tư thế có mặt dữ tợn, hai hàm răng có nanh nhe ra, đầu hơi ngẩng như muốn quật lên, hai chân trước phục quỳ, thân và hai chân sau vồng lên, đuôi cụp lại. Tư thế Hổ muốn vùng lên nhưng phải khuất phục vì bị bị Võ tòng một tay trái túm gáy, đè xuống, chân trái đè lên mình thân trước của Hổ, tay phải dương nắm đấm tư thế từ trên sẽ dáng xuống đầu và thân Hổ những đòn đấm rất mạnh mẽ. Võ tòng mặc áo chéo thân, có lằn thắt lưng ngang bụng, mặt mũi bành ra, mắt xếch trông rất hùng dũng. Võ Tòng là một nhân vật có sức khỏe vô song trong tiểu thuyết Thủy hử truyện của Thi Nại Am, là một viên quan võ ở một huyện, do phạm tội đánh chết quan quân tham tàn, áp bức dân và bản thân người nhà bị hại, nên đã phải chạy trốn lên Sơn trại và trở thành 1 trong 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc thời Tống nước Trung Hoa. Hình tượng Hổ này có điều đặc biệt là trên thân mông hổ có lỗ khoét lỗ tròn sâu xuống thành cái ống cắm bút lông. Ống bút hình Võ Tòng đả hổ này có thể là của một võ sinh nhà nghèo, vì không đủ tiền sắm đồ sứ, nên tự nặn hoặc thuê thợ làm để dùng, như vậy sẽ thỏa được nguyện vọng có đồ dùng và dùng vật đó như một lời nhắc nhở phải luôn chuyên tâm gắng sức học tập, rèn luyện cả văn lẫn võ, mới hy vọng thi đậu được Hương cống, hoặc Tạo sĩ (Tiến sĩ võ), mới có cơ được cử đi làm quan, mới thỏa chí vẫy vùng giúp dân, giúp nước. Ống bút này có ten bóng lâu năm và có những vết xước theo thời gian, có thể đoán định là được làm từ thời Hậu Lê.

Hổ và  Đại bàng (xem ảnh) trong bức tranh điêu khắc từ sừng trâu đen, trâu bạc gắn trên đế gỗ sơn mài có hoa văn thiếp vàng. Đây là cảnh Hổ và Đại bàng gặp nhau đối địch tương xứng là anh hùng hơn mọi con vật khác khá sinh động theo tích cổ điển Anh hùng tương ngộ.(英雄相遇). Đại bàng đứng trên đỉnh núi cao nhất (điểm cao bức tranh 55cm, chiều ngang 30cm), giương đôi cánh lên cao, mắt dũ tợn, mỏ há rộng, móng vuốt chân dương ra ở tư thế lao xuống huyết chiến. Hổ đứng trước hai vách núi cao có khắc các cây tùng già và các cây hoa lá khác, hai chân sau chéo trụ nhau vững trãi, chân trái gác trên phiến đá, hai chân trước bốc lên, đầu ngảng cao, tai vểnh ngược, hàm mở to nhe cả hàm răng và nanh sắc nhọn, lưng gồ, đuôi quặt xuống, mắt đỏ chằm chằm đều ở tư thế cất mình bốc lên cao sẵn sàng nghênh chiến. Một bức tranh điêu khắc đẹp của dân chơi cây cảnh và đồ cổ để trang trí nhà vườn.























 




























   
















   

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây