“Ngư tiều y thuật vấn đáp” của Nguyễn Đình Chiểu nhìn từ góc độ văn hóa sinh thái

Thứ ba - 09/08/2022 05:21 0


Lấy bối cảnh dã sử đời Đường về việc Đô hộ sứ Thạch Kính Đường cắt đất U, Yên dâng cho Khiết Đan để được quyền cao bổng hậu, khiến muôn dân rơi vào thảm cảnh đau thương, Nguyễn Đình Chiểu tạo ra cái nhìn qui chiếu về việc nhà Nguyễn cắt đất Lục tỉnh cho Pháp, dẫn tới sự thay đổi nhân tình thế thái, đạo đức gia phong, về sự đối đầu giữa Nho giáo và tư tưởng phương Tây, về việc phải bảo vệ các giá trị văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới. Đây cũng là cách lấy bản thân hiện thực để mô tả hiện thực, lấy bản thân lịch sử để tái hiện lịch sử của chủ nghĩa hiện thực trong văn học nhân loại, cho dù cái hiện thực, ở đây, chỉ là dã sử vay mượn. Cốt truyện được tạo ra trong tác phẩm này, do đó, chỉ là bối cảnh hình thức mà vì thế, Nguyễn Đình Chiểu không quan tâm tới việc mở rộng cốt truyện hay ly kỳ hóa các chi tiết theo cách tiểu thuyết hóa, bởi vì tự thân câu chuyện cắt đất cầu hòa liên quan tới Lục tỉnh Nam kỳ là câu chuyện đã kết thúc. Lục tỉnh Nam kỳ đã thành khu vực thuộc Pháp, chịu quyền quản lý và đô hộ của Pháp. Hơn nữa, đây cũng là cách thức “mượn xưa nói nay” quen thuộc với tính chất hai mặt được thể hiện rõ ràng, không giấu giếm trong văn học trung đại. Một mặt, tác phẩm mang tính chất “nêu gương”, “biểu dương”, ca ngợi cổ vũ tán dương cái tốt, đề cao trung quân ái quốc; mặt khác, nó “bêu gương” phê phán cái xấu, đả kích mọi đối tượng phản dân hại nước, không có vùng cấm, cho dù đó là vua chúa hay con cha cháu ông. Những câu chuyện truyền tụng theo dã sử văn hóa Trung Hoa, khá nhiều trong văn học trung đại ở Đàng ngoài, theo chân các nhà trí thức, các nhà nho vào lập nghiệp trên vùng đất mới, được sáng tạo lại theo cách nhìn của những con người bắt đầu lập nghiệp trên miền đất mới này. Tác phẩm văn học theo truyền thống này trở thành một kiểu luật dân sự quy định cách ăn lối ở; quy định cách sống, cách ứng xử, cách thức tổ chức xã hội, nói chung, mà vì thế, văn học được truyền tụng rộng rãi theo con đường truyền miệng; sau này phát triển thành hát bội, cải lương, đờn ca tài tử… với những đề tài về các trang hảo hán, về những anh hùng võ hiệp đánh rắn đuổi cọp giữ yên xóm làng, được phổ biến trong miền đất mênh mông sông nước, hoa trái ê hề này, nhưng để sống được nơi đây cũng không đơn giản như bản thân cuộc đời các nhân vật được kể trong các tác phẩm văn chương của miền đất này.


Khu di tích lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu tọa lạc tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre

Các nhân vật trong Ngư tiều y thuật vấn đáp cũng là những nhân vật biểu tượng. Trước hết, họ thuộc loại nhân vật “ngư tiều canh mục”, đối tượng truyền thống được phản ánh hay được bàn giải của văn học trung đại, mà từ đây sẽ xuất hiện các anh hùng dã sử, các trí thức khoác áo nông dân, những kẻ sĩ ẩn mình chờ thời, những tài năng ẩn danh xa trần lánh tục, kết tinh trước hết là nhân vật Kỳ Nhân Sư mà qua cái tên đó ta có thể hiểu là Ông thầy kỳ lạ của con người. Nhân vật này được xây dựng theo nguyên tắc cổ kỳ mỹ quái như trong văn học bác học Trung Hoa: kiểu cổ như nhân vật Bàng Thống trong Tam quốc diễn nghĩa mà khi mới gặp lần đầu Lưu Bị đã không dám nhìn lại lần thứ hai; kỳ như Quan Vân Trường với khuôn mặt đỏ bừng bừng khí nộ, như hai quả táo chắp lại; mỹ như Khổng Minh Gia Cát Lượng, luôn luôn phe phẩy cái quạt lông, ung dung thư thái tự tại; quái như Trương Phi, khi ngủ thì ngáy vang như sấm mà con mắt cứ trợn ngược… Cái kỳ ở Kỳ Nhân Sư là kỳ của bản lĩnh, của nhân cách, vị danh y này đã tự xông mắt cho mù để không hợp tác với giặc. Chi tiết này cũng cho thấy phần nào tính chất tự truyện của tác phẩm. Nhân vật này sống ở đất Đan Kỳ, xứ sở không dễ đến, tách rời với miền đất bị đô hộ. Tên của miền đất cũng mang ý nghĩa biểu trưng: miền đất kỳ lạ để luyện đan. Nhân vật này chỉ được các nhân vật khác kể tới, là đích lý tưởng hướng tới của các nhân vật khác, thành ra câu chuyện được kể ở đây là câu chuyện tầm sư học đạo, câu chuyện của những con người nghĩa khí đi tìm lẽ sống cuộc đời trong thời điểm lịch sử chuyển sang trang mới.

Các nhân vật Mộng Thê Triền, trong vai Tiều, với sự bất hạnh: “năm lần cưới vợ còn nay một người”, nhưng lại luôn đang ở trong trạng thái “nằm hoài biếng nói biếng cười,/ Rề rề  đau máu, da tươi bàu nhàu…”; và Bào Tử Phược, trong tư cách Ngư,  là kẻ “Hôm mai lận đận về mười đứa con” vì chúng đau bệnh đủ đường, mà “đến nay còn sót hai thằng”. Cả hai vốn là “hiền sĩ sinh không gặp thời”, lại càng không gặp minh chúa, cho nên “ôm mình giấu tiếng làm tiều làm ngư”, luôn trong tâm trạng “nghĩ lòng người với đạo đời thêm thương/ Nhà năm ba gánh cương thường/ Phận ai nấy giữ, trọng giường thời thôi”. Cả hai đều được đào tạo theo giáo lý Nho gia, đều chọn con đường ẩn dật “làm tiều làm phu” để giữ khí tiết, mà vì vậy, khi “tình cờ lại đặng một ngày gặp đây” thì họ quyết tâm đi tìm Kỳ Nhân Sư, là người: “vốn thật thầy nhu/ Lòng cưu gấm nhiễu, lại giàu lược thao/ Nói ra vàng đá chẳng xao/ Văn ra dấy phụng, rời giao tưng bừng/ Trong mình đủ chước kinh luân/ Thêm trau đạo đức, mười phân rõ mười/ Chẳng may gặp thuở nước loan/ Thương câu “dân mạc” về đàng Y Lâm”. Như vậy, trong con mắt của Ngư Tiều, Kỳ Nhân Sư là con người lý tưởng mà họ cần tới và thời đại đó cần tới; vì vào thời điểm ấy, ngoài nỗi đau tinh thần là mất nước, còn có nỗi đau bệnh hoạn thân tàn thể phế. Sự tàn phế này về thực chất mang tính lịch sử, gắn với cuộc chiến Đàng trong - Đàng ngoài, kéo dài cả thế kỷ; trực tiếp hơn là cuộc đụng độ giữa những người nông dân áo vải vốn chỉ biết “sớm trưa cày cuốc”, “đâu tới trường nhung” với bọn “mã tà ma ní”, được trang bị “tàu thiếc tàu đồng”, “súng to súng nhỏ”; họ lại sống trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ, thầy lang thì nhiều nhưng chủ yếu là loại “lang băm, lang chặt, lang chém”, là bầy “Lục Tặc” đang “khiến con người tục lần mòn hư thân”, chứ không phải là loại danh y hay thần y được sinh ra để cứu người. Nếu Lỗ Tấn phát hiện “phép thắng lợi tinh thần” là căn bệnh Trung Quốc tính nan y mà ông chữa bằng cách loại trừ chủ nghĩa AQ, thì Nguyễn Đình Chiểu gặp nhiều khó khăn hơn. Một mặt, ông đồ Chiểu phải chữa cho thể xác khỏe mạnh, mặt khác phải giữ cho phẩm giá con người không mất đi trong thời điểm: “Bờ cõi nay đà chia đất khác/ Nắng sương nay há đội trời chung”.

Cả hai Ngư Tiều có cùng lý tưởng, lại quyết tâm đi tới cùng trời cuối đất để tầm sư học đạo, mà vì thế nhân vật Châu Đạo Dẫn, xuất hiện, tình cờ nhưng phù hợp nguyên tắc tổ chức tự sự trong tác phẩm nghệ thuật. Nhân vật này cũng có tên biểu trưng: Đạo Dẫn - Người dẫn đường vào đạo; là người có hiểu biết về y đạo, lại cũng từng được thụ giáo Kỳ Nhân Sư ở đất Đan Kỳ, mà có như vậy, sự dẫn đường chỉ lối mới có ý nghĩa và việc định hướng tìm đường mới mang tính chất nhân - quả, theo kiểu dân gian “gặp thầy gặp thợ”, để “có chí thì nên”, để thành người có ích. Và cũng tuân thủ qui ước dân gian đầy nghĩa khí: “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư”, mà đây cũng là sự thống nhất ý chí bởi lẽ “ba cây chụm lại thành hòn núi cao”. Đây là nguyên tắc sống quan trọng nhìn từ bình diện sinh thái học nhân văn, thể hiện qua tinh thần khỏe mạnh trong thân thể khỏe mạnh, không phải theo kiểu “độc thiện kỳ thân” mà tạo ra các giá trị mang sức mạnh cộng đồng. Giá trị sinh thái nhân văn toát lên từ cuộc sống biết quí trọng bản thân mình, biết hòa đồng với người khác, biết yêu quí thiên nhiên bởi thiên nhiên vừa là “từ mẫu” vừa là “lương y”. Thiên nhiên cho con người mọi đồ ăn thức uống khi con người đói khát, đảm bảo cung cấp cho con người mọi thứ thuốc men khi con người ốm đau bệnh tật. Nhưng vì gặp lúc “xe ngựa lao xao giữa cõi trần/ Biết ai thiên tử biết ai thần” cho nên cần có Đạo Dẫn, người hướng dẫn đi vào con đường của đạo pháp Kỳ Nhân Sư.

Đó là con đường gian nan khổ ải: “Éo le khúc nẻo, đường đi chẳng gần/ Nhiều non, nhiều núi, nhiều rừng/ Nhiều đèo nhiều ải, nhiều chừng động hang” mà trước hết phải vượt qua ải Nhân Khu, một cách nói biểu tượng để chỉ bản thân con người, vì ngay hình thức bên ngoài đã là “lấy da bao thịt, làm bầu hồ lô”, tiếp đó là có “mười hai kinh lạc”, “sáu phủ (=lục phủ)”, “năm tạng (=ngũ tạng)”. Tại đó có “lắm nơi hiểm nghèo” như làng Lục Tặc trấn giữ “giữ đèo Tam Thi” chuyên “xui lòng nhân dục, nhiều khi lăng loàn”; như động Bì Nang chuyên “thắm trêu hoa mẫu, mơ màng gió xuân”; hay động Tôn Can chuyên “nhem thèm cho sãi về dân bỏ chùa”. Lục Tặc thống trị tất cả, theo đó: “Tai tham tiếng nhạc, mắt giành sắc xinh/ Mũi thời tham vị hương hinh/ Miệng thời tham béo, ngọt thanh, rượu trà/ Vóc thời muốn bận sô sa/ Bụng thời muốn ở cửa nhà thếp son”. Nếu so sánh với Tây Du ký(2) thì đây là sáu con yêu quái: Nhãn Khán Hỷ (Mắt thấy mừng), Nhĩ Thính Nộ (Tai nghe giận), Tỵ Khứu Ái (Mũi ngửi thích), Thiệt Thường Tư (Lưỡi nếm nghĩ), Thân Bổn Ưu (Thân vốn lo), Ý Kiến Dục (Ý thấy muốn) mà Tôn Ngộ Không phải diệt trừ ngay khi bước vào con đường đi thỉnh kinh chính đạo. Đây cũng chính là lục căn hay lục tặc có trong bản ngã con người mà chính con người phải vượt qua. Như vậy, để đi vào con đường chính đạo, trước hết mỗi người phải tự vượt qua chính mình, hay “Dục thành đại sự nghiệp/ Tinh thần cánh yếu đại”(3). Ngư Tiều đã được Đạo dẫn khai đường mở lối tại am Bảo dương, nơi đây họ được biết đến Thập nhị kinh lạc ca, Thập nhị kinh lạc khí huyết đa thiểu ca, biết rõ các tạng Can Tâm Tỳ Phế Thận trong quan hệ với Ngũ hành; Can thuộc Mộc, Tâm thuộc Hỏa, Tỳ thuộc Thổ, Phế thuộc Kim và Thận thuộc Thủy; được thuộc lòng Ngũ hành tương sinh - tương khắc, được hiểu về Dịch Kinh, về Thiên Can Địa Chi, về Chủ vận, Khách vận, biết cách tính theo năm theo mùa, theo qui luật vận hành Âm Dương… Tất cả, đều là những tri thức y lý cơ bản, để tạo thành y thuật khi chữa bệnh cứu người mà vị đông y chính thống nào cũng phải thuộc lòng. Vì thế những bài như Chủ khí thi, Khách khí thi đều đi liền với các tiết khí, theo đó hai mươi tư tiết khí trở thành cách thức tổng kết khí hậu thời tiết, đảm bảo chính xác và an toàn cho thời vụ gieo trồng. Đồng thời, cũng tái hiện các quan hệ trong các loại bệnh tật thời khí phát sinh theo mùa, trở thành những tri thức y học truyền đời trong dân gian.

Như vậy, các kiến thức về y học mà Ngư Tiều tiếp nhận được qua Đạo Dẫn không phải là những lý thuyết suông mà là những lý thuyết được đúc kết từ thực tiễn kinh nghiệm ngàn đời của các thế hệ danh y, trở thành tài sản tri thức vô giá mà con người bằng thực tế trải nghiệm đã đúc kết lại, và cũng chính là những kiến thức sinh thái nhân văn mà con người tổng kết được, cho thấy mối quan hệ cộng sinh khăng khít bền vững giữa con người và tự nhiên. Cho nên, khi “khí hậu bất tề/ Nhiều hơi độc ác, đổ về dân đau”, thì phải nhớ nguyên tắc: “Cho hay chủ khách sinh nhau/ Gọi rằng “tương đắc”, trước sau hòa lành/ Chỉn e khách khí khắc giành/ Rằng “không tương đắc”, mới sinh bệnh tà”. Đạo Dẫn cũng chỉ ra các sách Y học mà trước hết là Nội Kinh(4), cuốn sách dạy làm thuốc làm nghề y, sách gối đầu giường của các nhà Đông y danh giá, theo đó Ngư Tiều phải biết, phải đọc và nhập tâm các kiến thức này. Cuốn thứ hai là Bản thảo(5) chỉ ra danh mục các loại thảo dược có trong tự nhiên mà người thầy thuốc phải biết, phải hiểu. Ngoài thảo dược, người thầy thuốc còn phải biết các loại dược tính khác như kim thạch, thảo thượng, thảo trung, thảo hạ; rồi mộc thụ, tiếp đó là thú vật, cầm điểu, trùng ngư; sau cùng là các bộ mễ cốc, quả phẩm, sơ thái, được truyền tụng từ thời Thần Nông qua đời này đời khác, như là kết quả trải nghiệm thực tế: “Từ xưa có họ Thần Nông/ Thay trời trị vật, tấm lòng yêu dân/ Trải đi nếm vị khổ tân/ Một ngày hơn bảy mươi lần trúng thương,/ Thử rồi muôn vật âm dương/ Dọn làm Bản thảo để phương cứu đời”.

Đạo Dẫn cũng nói cho họ biết về Thập bát phản ca, Thập cửu úy ca để Ngư Tiều nắm vững y lý khi bào chế thuốc; đồng thời cũng chỉ ra cách ăn khi dùng thuốc, các thứ phải kiêng khem: “Thánh xưa cặn kẽ bảo răn/ Hễ bưng thuốc uống, vật ăn phải dè” được tổng kết lại trong Dựng dược tổng quyết, Chế dược yếu phương, Dược hữu cửu trần ca, để “Nội kinh từ ấy nên lời/ Văn trời lý đất, bệnh người đủ biên/ Nhớ câu y đạo đại biên/ Một pho Tố vấn lưu truyền xưa nay”. Đạo Dẫn cũng khẳng định: “Đời nào cũng có bậc thần thánh ra” như Biển Thước với Nạn kinh, Hoàng Phủ với Kinh Giáp Ất, Trương Trọng Cảnh với Kim quỹ ngọc hàm; rồi “Hà Gian Lưu tử nối ra/ Bệnh nguyên, Yếu chỉ, sách nhà hai pho”… Theo đó, để có được sự tinh thông cơ bản thì phải biết: “Xét nguồn tỏ gốc rộng tầm trong Kinh”, phải biết “chiết trung” hai chữ, mặc ta học đòi”, lại phải biết Lôi công bào chế để chế thuốc chữa bệnh cho nữ giới…; để nắm vững “Mạch kinh” thì phải “đọc sách họ Vương”. Còn “trong phép cứu châm” thì dứt khoát phải biết tương quan trời- đất -người: “Độ trời giáp một năm qua/ Ba trăm sáu chục lẻ ra năm ngày/ Mình người kể khắp chân tay/ Ba trăm sáu chục năm vài lóng xương/ Đếm theo kinh lạc âm dương/ Ba trăm sáu chục năm đường huyệt danh”. Vì vậy: “Tâm pháp nhà y/ Vọng văn vấn thiết chữ ghi bốn lầu”, gắn với Quan sát hình sắc, Thính thanh âm, Vấn chứng, Tạng phủ định vị; ghi nhớ Vương Thúc Hòa quan bệnh sinh tử ca, biết xem Chu mạch thể trạng, Chư mạch chủ bệnh, và Tổng khan tam bộ mạch pháp. Đạo dẫn cũng khiêm tốn thừa nhận: “Phần ta học hãy tầm thường/ Còn nhờ một bạn tên Đường Nhập Môn/ Nhập Môn học có tiếng đồn/ Rộng thông kinh sử trí khôn vượt bầy…” mà giới nho sinh theo học nghề y ở Đan Kỳ “đều nhường tên ấy ở đầu y sinh”. Đây là cách để nhân vật Đường Nhập Môn, một cái tên cũng mang ý nghĩa biểu trưng xuất hiện trong mạch kể của câu chuyện, đồng thời vai trò hướng đạo chỉ đường của Đạo Dẫn cũng kết thúc.

Nhập Môn vừa đi vừa ngâm bài Xúc cảnh hay “Ngọn gió đông” đã được đưa vào chương trình Ngữ Văn lớp 11, một mặt thể hiện niềm vui gặp lại các bạn cũ, mặt khác cũng cho thấy thời đại đổi thay, đất đổi chủ mà lòng người không đổi, với mong muốn “một trận mưa nhuần rửa núi sông”, để đất nước lại về chung một nhà, để thoát khỏi cảnh “trời đông mà gió tây qua” mà vì thế “hai hơi ấm mát chẳng hòa đau dân”. Và “Ngư Tiều Môn Dẫn, bốn người/ Cùng nhau ăn uống vui cười thỏa thuê” bởi họ có cùng niềm vui tái ngộ, có cùng lý tưởng để theo đuổi, có cùng bậc chân sư để thờ, có chung miền đất để mà trăn trở và tất cả đều ghi lòng qui luật: “Đạo đời có thịnh có suy/ Hết cơn bế bĩ, đến kỳ thái hanh”. Họ xướng họa với nhau. Các bài tứ tuyệt trong cuộc vui này cũng như các bài đã xuất hiện trước đó, đều mang tâm thế của “thi dĩ ngôn chí”, đều là cách thức “tỏ lòng nói chí” theo truyền thống thơ phú cổ điển.

Cuộc vui kết thúc với sự chia tay Đạo Dẫn, người sẽ trở lại Đan Kỳ để luyện đan, để tìm về cõi tiên như các ẩn sĩ ngày xưa, để xa lánh cõi tục, để đi tìm xứ sở bình yên, nơi đó tất cả sẽ lại gặp nhau. Việc giáo huấn được nhường lại cho Đường Nhập Môn, mà vấn đề y đạo y đức được đặt lên hàng đầu: “Thấy thuốc học thông/ Thể theo trời đất một lòng hiếu sinh/ Giúp đời chẳng vụ tiếng danh/ Chẳng màng của lợi/ chẳng ganh ghét tài”, “Thấy người đau giống mình đau/ Phương nào cứu đặng mau mau trị lành/ Ăn mày cũng đứa trời sinh/ Bệnh còn cứu đặng, thuốc đành cho không…”. Đây cũng chính là nguyên lý của sinh thái nhân văn mà các tôn giáo lớn đều truyền giảng, để kết nối con người với con người, để đặt con người trong mối quan hệ bền chặt với cái thế giới tự nhiên, xóa bỏ hận thù: “giàu thời bắt chước xưa hào/ Nợ lâu đốt khế, lúa vào đong ra/ Con ai cô quạnh mẹ cha/ Lớn khôn chọn gả, bé nhà gìn nuôi/ Thấy người  đói khó chớ nguôi/ Chỗ cho cơm áo, chỗ giồi tiền lương/ Chỗ thời thí dược, thí quan/ Chỗ thời giúp táng, trợ tang vuông tròn/ Bạn nghèo chôn bạn giùm con/ Nhà con vợ sẵn hầu non cho về/ Vàng quên, của gửi trả về/ Thế thường, thay nạp, người bia nhờ mình/ Sang thời bắt chước xưa minh/ Án từ rửa sạch tình hình dân oan/ Noi câu “xuất tội hoạt hàng”/ Cứu tai muôn họ, dấy đàng lợi sinh/ Nghèo thời bắt chước xưa thanh/ Gặp nàn trút đãy, cứu sinh mạng người/ Tập theo nghề thuốc cứu người/ Cứu đui, cứu ngọng, ai cười trối thây/ Phóng hư phóng hạc theo bầy/ Bắc cầu đưa kiến, làm thầy quạ đau/ Hèn thời bắt chước xưa tu/ Vá giày, vá dép, công phu lớp nhà/ Hoặc khi khâm liệm, khiêng ma/ Việc người khó nhọc, thảy ra sức giùm/ Ấy là âm chất cả dung/ Lấy câu “vi thiện” kể chung phẩm người…”.

Đường Nhập Môn chỉ ra “Đời lắm danh hư”, nên phải tránh xa con đường: “Cho vay một vốn, bốn năm mười lời”, hay “cậy thế lấn hơi/ tham lam của quấy, ăn chơi mấy ngày”, “gọi là làm phước, phước trồng vào đâu?”. Bởi vì: “Ở mình đã tối lẽ trời” thì “làm thầy cứu mạng giúp đời sao xong?”. Cho nên, người thầy thuốc phải biết tới “lời bàn Thiên chân”, để “coi vào thấy gốc, giữ thân nuôi lòng”. Từ đó, Đường Nhập Môn chỉ ra: “Ta nghe thánh trước bảo răn/ “Đau hay cầu thuốc, chi bằng ngừa đau”, trở thành nguyên tắc “phòng bệnh hơn trị bệnh”, là minh triết sinh thái nhân văn của người xưa để kéo dài tuổi thọ, bởi người xưa do “ăn ở thật thà/ Ít ai đắm rượu tham hoa quên mình/ Vốn không làm quấy nhọc hình/ Nào lo mắc bệnh thất tình, lục dâm/ “Thiên niên” hai chữ trọn cầm/ Vừa chừng trăm tuổi mới trầm về quê”. Đó chính là hạnh phúc cầu yên, là nguyện ước cuộc đời, theo đó, việc xem bệnh cho con gái dựa theo phép tính số bảy, cho con trai theo phép tính số tám. Đây chính là sự tổng kết qui luật theo số sinh số thành được đúc kết lại trong Dịch Kinh, trong Tiên thiên bát quái mà Bào Hy truyền lại và Hậu thiên bát quái do Văn vương bổ sung, là rường cột của y lý hay phép chữa bệnh phương Đông, dù chữa bệnh bằng thuốc hay chữa kết hợp với châm cứu. Những lời bàn của Đường Nhập Môn, vừa cụ thể hóa những gì mà Đạo Dẫn nhắc tới, vừa nhấn mạnh khía cạnh y đức của người thầy thuốc mà thời nào cũng cần tới, tương tự bảy lời thề y đức mà danh y Hypocrate thời cổ đại Hy Lạp, đưa ra. Câu chuyện tầm sư học đạo cứu đời cũng kết thúc tại đây theo hướng đi đã được xác lập.

Các thể thơ tứ tuyệt hay thất ngôn bát cú xuất hiện trong tác phẩm gắn với việc thể hiện chí khí của những người có tâm có đức có tài. Các khái quát về nguyên lý Âm Dương Ngũ hành hay cách dùng thuốc, chế thuốc… được dẫn lại dưới dạng văn xuôi hay được chuyển thành thơ, được đan cài trong mạch kể, sau những lời thuyết giải của Đạo Dẫn hay Nhập Môn. Tất cả được đặt trên nền của thể thơ lục bát, thể thơ truyền thống đặc thù của người Việt. Thể lục bát tạo ra tính chất diễn ca, dễ nhớ dễ thuộc, cũng là cách truyền lại cho người đời nói chung, những bài học đầu tiên về y lý, y thuật, y đạo, y đức. Những triết lý mà Nguyễn Đình Chiểu gửi gắm ở đây, có giá trị thực tiễn rất lớn, có thể là những thức ăn hay vị thuốc kỵ nhau, hay cách dùng thuốc không đúng lúc đúng chỗ, đến cách phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tác phẩm toát lên tính chất đặc thù của văn hóa chữa bệnh được rút ra từ thực tế trải nghiệm của cha ông. Đồng thời, đây cũng là tác phẩm giáo huấn sâu sắc, là lời tâm huyết cuối cùng mà danh nhân Nguyễn Đình Chiểu để lại cho các thế hệ con cháu trên mảnh đất này.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Đình Chiểu: Ngư Tiều y thuật vấn đáp, bản do Phan Văn Hùm hiệu đính và chú thích. Nhượng Tống tăng bình và bổ chú. NXB Tân Việt, Sài Gòn, 1952. Các dẫn chứng trong bài viết đều lấy từ tài liệu này.

2. Ngô Thừa Ân: Tây du ký, tập 2. NXB Thanh Hóa, 1988, trang 23.

3. Hồ Chí Minh: Nhật ký trong tù. NXB Thanh niên, Hà Nội, 2008, trang 3.

4. Hoàng Đế nội kinh là cuốn sách nổi tiếng của y học cổ truyền Trung Hoa, gồm hai phần, mỗi phần 81 chương hoặc các câu chuyện dưới dạng hỏi - đáp về y lý, giữa Hoàng đế và các đại thần Kỳ Bá, Lôi Công, Bá Cao, Du Phụ, Thiếu Sư, Quý Du Khu, Thiếu Du. Mở đầu là thiên Tố vấn, gồm các câu hỏi cơ bản về y lý và y thuật chẩn đoán chữa bệnh. Phần thứ hai là Linh khu, bàn về châm cứu.

5. Bản thảo cương mục, cuốn từ điển bách khoa về dược học hoàn chỉnh và chi tiết nhất của Đông y, do danh y Lý Thời Trân, triều Minh biên soạn. UNESCO ghi danh là di sản tư liệu thế giới của Trung Quốc, cùng Hoàng Đế nội kinh.



[*] PGS.TS - Khoa Ngữ Văn, ĐHSP Hà Nội

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây