Nguồn lực văn hóa trong phát triển miền Tây Nghệ An

Thứ bảy - 04/12/2021 04:21 0

Đặc trưng nguồn vốn văn hóa ở miền Tây hiện nay

Trước hết, nguồn lực văn hóa tộc người ở miền Tây Nghệ An rất đa dạng và phong phú. Ít có địa phương nào có được sự đa dạng và phong phú về văn hóa tộc người như miền núi phía Tây Nghệ An. Về số lượng dân tộc, có lẽ có nhiều địa phương còn có nhiều dân tộc cư trú hơn Nghệ An. Tuy nhiên, ở đây không chỉ đa dạng về văn hóa tộc người mà còn phong phú, phức tạp về sắc thái các cộng đồng riêng. Cũng là dân tộc Thái, nhưng ở Nghệ An có nhiều nét khác ở Tây Bắc. Người Thái ở Nghệ An phân chia thành các nhóm địa phương với những nét văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, còn nhiều nét văn hóa mang tính địa phương mà các nhóm địa phương khác nhau đã hình thành và phát triển riêng. Nó làm cho văn hóa Thái trở nên đa thanh đa sắc hơn. Rồi các tộc người khác cũng khá đa dạng. Dân tộc Thổ bao gồm nhiều nhóm địa phương khác nhau mang các sắc thái văn hóa khác biệt. Xem xét ở các cộng đồng dân tộc riêng biệt thì mỗi cộng đồng đều sở hữu một di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể đa dạng với nhiều giá trị độc đáo. Nhìn chung, xét theo chiều dọc hay chiều ngang, ở cấp độ mỗi một cộng đồng, một dân tộc hay nhiều dân tộc thì miền Tây Nghệ An cũng giống như một rừng hoa với nhiều chủng loại, sắc màu. Đó là sự đa dạng, phong phú về văn hóa tộc người, một nguồn lực quan trọng để phát triển nếu có chiến lược phát triển, phát huy nguồn lực này hợp lý. Và ngược lại, nếu không thì đây lại trở thành một sự phức tạp, khó giải quyết các mâu thuẫn, xung đột văn hóa tại đây.

Thứ hai, nguồn lực văn hóa tộc người ở miền Tây Nghệ An rất khó để vận dụng vào quá trình phát triển. Như đã phân tích ở trên, nguồn lực văn hóa tộc người ở miền Tây Nghệ An rất đa dạng và phong phú. Nhưng cũng vì vậy mà nó tạo thành sự phức tạp, hỗn độn, khó nhận thức và đặc biệt là khó vận dụng vào quá trình phát triển. Trước đến nay, chúng ta thường xây dựng những chính sách phát triển mang tính chung, của toàn quốc, hoặc của địa phương, gắn với các địa giới hành chính mà quên rằng văn hóa luôn đan xen vào nhau. Vậy nên, sự phức tạp về văn hóa trong bối cảnh bị quy định bởi các khung chính sách chung thì sẽ khó để vận dụng, phát huy vào quá trình phát triển. Trong khi đó, việc xây dựng các chính sách mang tính đặc thù cho từng cộng đồng, từng đối tượng tộc người ở địa phương lại gặp nhiều khó khăn. Vậy nên về cơ bản, yếu tố văn hóa tộc người ở đây vẫn ở dạng nguồn lực tiềm năng cho quá trình phát triển và đang chờ từng cơn gió mới để phất lên, góp phần vào quá trình phát triển của cộng đồng, của địa phương.

Thứ ba, nguồn lực văn hóa tộc người ở miền Tây Nghệ An đang bị mất đi nhanh chóng. Điều này không cần phải phân tích nhiều khi mà các lập luận phía trên đã chứng minh điều đó. Ở đây chỉ nhấn mạnh một điều, nếu không kịp thời điều chỉnh thì đến một lúc nào đó, nguồn lực văn hóa tộc người sẽ bị mất mát hết, và khi đó, không chỉ địa phương mất đi một nguồn lực phát triển, mà còn mang thêm một gánh nặng trong quá trình phát triển.

Phát huy nguồn lực văn hóa tộc người vào quá trình phát triển miền Tây Nghệ An

Trước hết, cần nhận thức rằng văn hóa tộc người là một nguồn vốn. Từ trước đến nay, khi nói đến các nguồn vốn thì người ta quan tâm đến vốn vật chất (cơ sở hạ tầng, máy móc, nhà xưởng), vốn tài chính… nói chung là tập trung vào các nguồn vốn kinh tế. Trong khi đó, người ta không quan tâm đến vốn văn hóa, thậm chí còn xem văn hóa như là một rào cản của sự phát triển kinh tế thị trường. Nhưng gần đây, quá trình phát triển ở nhiều địa phương đã chứng minh văn hóa tộc người, văn hóa cộng đồng là một nguồn vốn quan trọng và có nhiều giá trị trong phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, vốn văn hoá được hiểu là các nguồn lực vật thể và phi vật thể, biểu hiện cá nhân hoặc cộng đồng, có thể luân chuyển và tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các quá trình kinh tế để tạo ra lợi ích cho con người. Như vậy, vốn văn hoá theo nghĩa rộng của thể bao gồm 4 trạng thái cơ bản là vốn văn hoá cá nhân, vốn văn hoá cộng đồng, vốn văn hoá thể chế và mạng lưới xã hội. Và càng ngày, vốn văn hóa càng giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Thứ hai là phải đầu tư đồng bộ các nguồn vốn nhưng chú trọng đến vốn văn hóa. Theo khung sinh kế bền vững có 6 nguồn vốn quan trọng trong quá trình phát triển là vốn tự nhiên, vốn vật chất, vốn tài chính, vốn xã hội, vốn con người và vốn văn hóa. Đặc biệt, trong xã hội đa văn hóa, đa tộc người như Việt Nam thì vốn văn hóa càng giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của các cộng đồng nói riêng, của đất nước nói chung. Trong quá trình đầu tư, chúng ta khó có thể xem loại vốn nào quan trọng hay không quan trọng, vấn đề phụ thuộc vào tình hình cụ thể của từng khu vực, từng địa phương và từng cộng đồng. Để phát triển miền núi, vùng dân tộc thiểu số ở Nghệ An, ngoài việc đầu tư đồng bộ các loại vốn nhằm đảm bảo tính bền vững cho quá trình phát triển, còn cần phải chú trọng đến vốn văn hóa tộc người. Trên quan điểm phát triển để bảo tồn, phát triển để bảo vệ thì vốn văn hóa chính là đối tượng của sự phát triển thông qua các mối quan hệ khác nhau mà con người là trung tâm và bảo vệ bản sắc văn hóa cũng là bảo vệ con người. Muốn vậy, cần phải có chính sách, chiến lược bảo tồn các bản sắc văn hóa tộc người ở các cộng đồng, hạn chế sự mất mát, mai một về văn hóa. Tiếp đó là xây dựng các chính sách phát triển cụ thể nhằm phát huy nguồn vốn văn hóa vào quá trình phát triển. Như vậy, phát triển phải gắn với bảo tồn văn hóa tộc người và bảo tồn là để tạo nguồn lực cho quá trình phát triển.

Thứ ba, phát triển kinh tế di sản và công nghiệp văn hóa như là những hình thức để khai thác nguồn lực văn hóa ở miền Tây. Với kinh tế di sản, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản đó là lĩnh vực kinh tế phát triển dựa vào nguồn lực di sản văn hóa, tức là phát huy các giá trị văn hóa của các di sản làm động lực để phát triển kinh tế. Về thực tiễn, việc phát triển kinh tế từ các giá trị di sản đã được người ta quan tâm từ lâu, nhưng để hình thành một thuật ngữ, một lĩnh vực riêng thì đây vẫn còn là điều mới lạ ở Việt Nam. Như đã phân tích ở trên, vùng miền núi Nghệ An có một hệ thống di sản văn hóa tộc người đa dạng và phong phú. Phát triển kinh tế di sản có thể là một hướng đi khả dĩ và phù hợp để đạt được mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa bảo tồn văn hóa tộc người. Nhưng đó là lý thuyết. Trên thực tế, phát triển kinh tế là vấn đề phức tạp và khó khăn hơn nhiều. Nó cần nguồn vốn tài chính lớn và thu hồi lâu nên ít nhận được sự quan tâm. Dù kinh nghiệm từ nhiều nước phát triển kinh tế di sản mạnh mẽ cho rằng đầu tư vào lĩnh vực di sản văn hóa là cách đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận hơn người ta nghĩ và hơn nhiều việc đầu tư vào các ngành nghề khác. Mặt khác, để phát triển kinh tế di sản ở miền núi cũng cần quan tâm đến mục tiêu cuối cùng là bảo tồn văn hóa. Vì kinh tế di sản mang lại lợi nhuận khá cao nên dễ đưa người ta chạy theo lợi nhuận mà vứt bỏ mục tiêu quan trọng nhất của kinh tế di sản. Đó là một thách thức không nhỏ.

Công nghiệp văn hóa cũng là một thuật ngữ mới nổi lên gần đây và được nhà nước xây dựng thành chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa mang tầm quốc gia. Ở Nghệ An, tháng 4/2017, tỉnh đã ban hành kế hoạch “Triển khai chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Nghệ An”. Đây là sự khẳng định cho đường hướng phát triển kinh tế di sản cũng như sự đầu tư vào lĩnh vực văn hóa của tỉnh nhà. Tuy nhiên, trên thực tế, gần như chưa có nhiều biến đổi quan trọng so với trước đây về nhiều mặt. Nên vẫn chưa có ngành nào đáp ứng các tiêu chuẩn để trở thành ngành công nghiệp văn hóa theo đúng khái niệm của nó. Nhưng để công nghiệp hóa văn hóa các giá trị văn hóa tộc người ở Nghệ An vẫn là bài toán khó cho mọi cấp quản lý. Thứ nhất, không phải giá trị văn hóa nào cũng có thể công nghiệp hóa được. Thứ hai là có những yếu tố văn hóa có lợi thế về công nghiệp hóa nhưng khả năng biến đổi lại cao và ảnh hướng đến các giá trị văn hóa khác. Thứ ba là công nghiệp hóa văn hóa cần có tầm nhìn xa, nó là tổng tích hợp nhiều yếu tố khác nhau với tầm nhìn sâu rộng nên không dễ để làm ngay, làm nhanh được.

Tóm lại, trong quá trình hoạch định chiến lược phát triển miền Tây giai đoạn tới cần chuyển từ nguồn lực cứng sang nguồn lực mềm, trong đó lấy nguồn lực văn hóa làm mục tiêu và nền tảng. Cần phải gắn quá trình phát triển kinh tế xã hội với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người./.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây