Nhận diện xu hướng biến đổi lễ hội truyền thống ở Nghệ An

Thứ bảy - 12/03/2022 04:21 0

1.Mở đầu

Lễ hội là nơi lưu trữ nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống và được thực hành trong dịp diễn ra lễ hội, đó là các tín ngưỡng dân gian; trình diễn nghệ thuật; nghề thủ công;... Chính vì thế lễ hội được xem là một bảo tàng sống về văn hóa dân tộc ẩn chứa nhiều giá trị, truyền giao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lễ hội với tư cách là một di sản gồm 4 chức năng chính: Chức năng giáo dục; Phản ánh, bảo lưu và truyền bá các giá trị văn hóa dân tộc; Cân bằng đời sống tâm linh; Cố kết cộng đồng.

Tỉnh Nghệ An nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung bộ, với diện tích 16.490,25 km2, lớn nhất cả nước; dân số trên 3 triệu người, đứng thứ tư cả nước; là tỉnh đa vùng miền, đa dân tộc, trong đó mỗi vùng, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng biệt từ sinh hoạt văn hóa cho đến các hoạt động lễ hội. Hiện nay, ngoài những lễ hội chưa được công nhận, Nghệ An có 28 lễ hội đã được tỉnh cấp phép hoạt động hàng năm. Việc tổ chức các hoạt động lễ hội được thực hiện theo phân cấp (lễ hội Quốc gia được tổ chức trên địa bàn tỉnh do Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo, UBND tỉnh chủ trì, các sở, ban, ngành phối hợp thực hiện; lễ hội cấp huyện do UBND các huyện chủ trì thực hiện; lễ hội cấp xã do UBND các xã chủ trì).

 Trong quá trình phát triển, lễ hội ở Nghệ An chịu tác động của quá trình phát triển và xuất hiện xu hướng biến đổi mới. Xu hướng đó thể hiện qua không gian lễ hội, kịch bản lễ hội, chủ thể lễ hội, mục đích đến với lễ hội.

2. Một số biến đổi trong lễ hội truyền thống

2.1 Biến đổi không gian

Lễ hội vốn xuất phát từ văn hoá làng xã, lễ hội truyền thống chủ yếu diễn ra trong không gian xã hội làng, vì diễn ra trong không gian làng nên tính di động thấp. Không gian vật chất và không gian xã hội của một lễ hội truyền thống xưa là không gian làng.

Khi nền kinh tế phát triển, hội nhập, lễ hội được xem là tiềm năng để phát triển kinh tế, quảng bá văn hoá địa phương, mở rộng giao lưu văn hoá, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân. Lễ hội làng ở nhiều địa phương đã được nâng cấp với quy mô lớn hơn từ cấp làng lên cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, nhiều lễ hội được các địa phương định hướng lên cấp quốc gia.

Tuỳ theo mức độ linh thiêng của các vị thánh, thần trong cảm nhận của người dân, mà trước đây được lễ hội từ một cộng đồng làng tôn thờ thì nay trở thành biểu tượng cho người dân nhiều địa phương khác. Có thể kể đến như Lễ hội đền ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên), Lễ hội đền Cờn (Quỳnh Lưu), Lễ hội đền Vạn (Tương Dương), Lễ hội đền Chín Gian (huyện Quế Phong). Tuy nhiên, về thực chất không gian diễn ra lễ hội vẫn là không gian ở làng có lễ hội: Lực lượng tổ chức và tham gia vào các nghi lễ của lễ hội vẫn là người của làng, hành trình đám rước diễn ra ở trong phạm vi của làng… Sự mở rộng không gian lễ hội thể hiện qua việc người dự hội đông hơn, kèm theo đó là lễ vật và công đức nhiều hơn, các trò vui hoặc thi đấu được mở rộng cho cả khách thập phương… và có thể được tổ chức ở nhiều địa điểm chơi khác nhau.

 2.2. Biến đổi kịch bản tổ chức

Kịch bản trong lễ hội truyền thống ở Nghệ An bao gồm các nghi lễ yết cáo, lễ mộc dục, tế gia quan, lễ hèm, lễ tế, lễ rước. Lễ hội vốn xuất phát từ cư dân nông nghiệp lúa nước, từ xưa ở các làng có sự học hỏi lẫn nhau, nên các bước trong phần lễ cơ bản giống nhau.

Trong những năm gần đây, các địa phương có sự cải biên kịch bản lễ hội, sự cải biên này có sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và yếu tố mới vào lễ hội. Để làm rõ cho vấn đề này, để thấy được sự biến đổi trong tổ chức lễ hội chúng tôi có thể điểm qua 2 lễ hội (Mang tính đại diện cho 2 vùng khác nhau: cư dân vùng biển và lễ hội dân tộc Thái ở Tân Kỳ):

Lễ hội đền Mai Bảng (phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò), trong lễ rước truyền thống: Đoàn rước gồm có đoàn rước bộ và đoàn rước thủy; Đoàn rước bộ theo đường liên xóm đi quanh làng sau đó rước ra bờ biển đến tận Lạch Lò. Đoàn rước thủy gồm hàng chục chiếc thuyền đánh cá do những trai tráng khỏe mạnh vững tay chèo, xuất phát từ bến cá Mai Bảng (Nghi Thủy) tiến đến Lạch Lò. Thuyền được trang trí lộng lẫy cờ lọng, lễ vật. Sau lễ xuất thần, đoàn rước bộ dẫn đầu là đội múa lân, tiếp theo là đội cờ, đội bát âm, đội binh khí, kiệu thần, các chức sắc, bô lão và dân làng. Kiệu thần gồm có kiệu Thần Chiêu Trưng Lê Khôi đi trước, kiệu Chế thắng Phu nhân đi sau, tiếp theo là kiệu Thần Thủy Tinh phu nhân. Khoảng 9 giờ đoàn rước bộ và đoàn rước thủy hợp điểm tại Lạch Lò. Tại đây, đoàn rước thủy dừng trước cửa đền Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, lúc này chiếc thuyền chính (thuyền chính được ngư dân chọn là thuyền đánh bắt được nhiều hải sản trong năm), neo đậu phía trước đền Sát Hải, quay đầu mũi thuyền về phía đền thờ, tiếp theo là các thuyền khác neo đậu phía sau. Đoàn rước bộ thì dừng tại Lạch Lò đặt kiệu thần quay hướng vào đền Sát Hải. Tại đây các bô lão và thuyền viên tiến lên đền thờ Sát Hải Đại vương để lễ, lễ xong xuống thuyền. Tại vị trí đặt kiệu thần, ngư dân làm lễ bái vọng.

Trước nhu cầu của cộng đồng từ đầu năm 2017, lễ rước thần có sự thay đổi theo kịch bản truyền thống, đoàn rước bộ đi thẳng từ đền làng ra đền Cửa Lạch làm lễ bái vọng. Lý giải về nguyên nhân có sự xuất hiện thêm nghi thức này (Người đàn ông 55 tuổi - trong Ban quản lý đền làng) cho biết: Từ trước tới nay trong lễ rước truyền thống, đoàn rước đi bộ từ đền ra biển và dừng lại bên bờ biển bái vọng mà không sang được bên kia đền Cửa Lạch. Trong lúc đó, tàu của ngư dân thì rất nhiều, ai cũng mong muốn rước thần thành hoàng sang tận nơi đền Cửa Lạch. Vì vậy, từ năm ngoái Ban quản lý đền làng và người dân trong phường quyết định làm thêm một chặng rước thần trên biển bằng tàu.

Qua so sánh giữa 2 quy trình rước truyền thống và hiện nay cũng như qua tìm hiểu người dân địa phương cho thấy những biến đổi trong nghi thức truyền thống và sự xuất hiện nghi thức mới trong lễ rước xuất phát từ chính nhu cầu cộng đồng được sự đồng thuận của đông đảo người dân trong làng. Những người dân trực tiếp thực hiện các nghi thức lễ nên họ biết cách điều chỉnh các nghi lễ một cách phù hợp để không làm thay đổi bản chất trong văn hóa truyền thống.

Lễ hội thứ 2 là lễ hội Bươn Xao xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ. Lễ hội Bươn Xao tiếng Thái là trăng ngày 20) bắt nguồn từ truyền thống lễ giỗ Mẫu, là dịp để nhân dân xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ tưởng nhớ, tri ân người đã khai sinh ra đồng bào dân tộc Thái, đây cũng là dịp tưởng nhớ công đức của vua Lê Lợi và tướng sĩ cùng các bậc tiền nhân tham gia đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Trong nghi thức lễ truyền thống trước đây không có lễ rước, chỉ có nghi thức lễ cúng thần ở từng gia đình. Từ 2019, trước nhu cầu quảng bá, nâng cấp lễ hội để công nhận lễ hội, UBND huyện Tân Kỳ đã triển khai xây dựng lễ hội với quy mô và bài bản hơn. Ngoài nghi thức cúng lễ của người dân ở từng gia đình để đảm bảo với nghi lễ truyền thống, trong phần lễ bổ sung thêm phần rước từ sân vận động lên đền thờ nghĩa quân Lê Lợi, về điểm rước thần đang xây dựng theo cách riêng của địa phương và kịch bản mới của lễ hội. Theo chúng tôi quan sát trong quá trình thực hành nghi thức lễ mới tại Lễ hội Bươn Xao còn mang tính hành chính hóa, thiếu tính linh thiêng, được sáng tạo theo cách riêng. Đây cũng một trong những vấn đề cần được nghiên cứu thêm để xây dựng lễ hội đảm bảo đúng với bản sắc của người Thái ở Tiên Kỳ, Tân Kỳ.

Hiện tượng xuất hiện các nghi thức mới trong phần lễ, thể hiện tính biến đổi trong thực hành lễ hội văn hóa. Sự biến đổi này xuất phát từ chính nhu cầu của địa phương, từ các nhà quản lý văn hóa để có một lễ hội hoành tráng hơn, quy mô hơn. Dù có bổ sung thêm các nghi thức mới vẫn phải tôn trọng nguyên tắc truyền thống, các khâu hành lễ, rước lễ, tế lễ nên để người dân tự tham gia vào quá trình thực hành lễ hội, giảm các thủ tục mang tính hành chính hóa lễ hội.

Phần hội trong lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa vùng thể hiện qua các trò chơi dân gian của từng cộng đồng như đánh đu, đập niêu đất, đi cà kheo, đấu vật, chơi cờ người, kéo co, tung còn, chọi gà, đua thuyền... Các lễ hội hiện nay lồng thêm hoạt động văn hóa, văn nghệ, hát kịch vào trong lễ hội. Theo quan sát của chúng tôi tại một số điểm lễ hội như đền Cờn, đền Mai Bảng, đền Vua Mai... phần hội chủ yếu thu hút người dân địa phương tham gia, đa số du khách không mấy mặn mà với hoạt động này. Các hoạt động vui chơi giải trí thay đổi theo cách tổ chức riêng của từng địa phương, khó tìm thấy bản sắc văn hóa truyền thống trong đó.

2.3. Biến đổi về chủ thể tham gia lễ hội

Trước đây, trong các lễ hội làng cổ truyền, người dân thực sự là chủ thể của lễ hội. Các hội làng hầu hết do chủ làng và hội đồng quản lý của làng thực hiện. Mỗi khi có lễ hội người dân háo hức tập luyện hàng tháng trời để mong tham gia, gánh vác một nhiệm vụ nào đó hoặc sắm vai nào đó trong nhiệm vụ tổ chức lễ hội. Người được khiêng kiệu, rước kiệu là một sự tôn vinh cho cả gia đình, dòng họ.

Ngày nay, vai trò của nhà nước vào lễ hội xuyên suốt từ khâu tổ chức đến khâu nội dung thực hiện triển khai. Đi theo nguyên tắc quy định của Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, ngày 29/8/2018, quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Hành chính hóa trong các lễ hội xuất hiện rõ nét hơn.

Lãnh đạo UBND, phòng Văn hóa… xây dựng kế hoạch, lễ khai mạc, đón tiếp đoàn cấp trên… Các tổ chức đoàn thể Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Mặt trận, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh và một số người dân của địa phương được điều động tham gia đảm bảo trật tự an toàn cho lễ hội, lễ rước, trang trí… Một số người dân sẵn sàng tình nguyện tham gia vào việc chung, thực hiện các khâu sắm cổ lễ, nấu đồ lễ, văn nghệ…

Hiện nay ngoài sự tham gia của người dân trong làng nơi diễn ra lễ hội, còn có sự tham gia của nhiều cộng đồng làng ở nơi khác đến. Nguyên nhân này xuất phát từ chính nhu cầu, cách kiểm chứng của người dân về tính thiêng của nhân vật, vị thần được thờ.

Lễ hội ngày nay có sự vào cuộc từ chính quyền, đoàn thể đến người dân sở tại và như vậy yếu tố tự phát trong lễ hội sẽ giảm dần và xuất hiện hành chính hóa trong lễ hội, đưa lễ hội quy cũ bài bản hơn so với trước đây.

2.4. Biến đổi mục đích đi lễ hội

Mục đích tâm linh: Xu thế phát triển thị trường kéo theo những rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào, điều đó đã khiến con người có tâm lý bất an và mong muốn tìm đến với thần linh. Hiện tượng này được B.Malinowski đề cập trong thuyết chức năng. Malinowski nhấn mạnh đến các nghi lễ ma thuật của người dân đảo Trobriand ở Thái Bình Dương dù được xem là đỉnh cao của sự ngu dốt và phi lý, nhưng có thể hiểu được và có tính hiệu quả. Chẳng hạn như, khi cư dân quần đảo Trobriands đi đánh bắt ở các đầm phá, đó là một vấn đề dễ hiểu. Nhưng khi họ ra khỏi những rặng đá, ra khơi xa với những thay đổi thất thường và mối nguy hiểm, những ngọn sóng dữ, những cơn bão bất chợt, những mẻ lưới không đoán được và những khó khăn khác, họ thường dựa vào nghi lễ ma thuật để làm dịu bớt nỗi sợ và tiếp tục công việc. Khi ra biển đánh cá, độ rủi ro tăng cao và kết quả cũng bấp bênh hơn. Những ngư phủ Trobriand thường làm lễ và phù phép để trấn an chính mình về mặt tâm lí, mong được an toàn và được mẻ cá to [2; 202].

Nhu cầu của người dân khi đến với lễ hội xuất phát từ tâm lý bất an trong cuộc sống trong phát triển kinh tế cần sự cạnh tranh và một số nhu cầu khác mà họ đã tìm đến thần linh. Hiện tượng chuyển từ mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu trong lễ hội truyền thống của cư dân nông nghiệp xưa, giờ được chuyển sang cầu lộc, cầu tài, cầu làm ăn buôn bán…. Đứng từ quan điểm của trường phái chức năng có thể giải thích do mức độ rủi ro trong buôn bán, kinh doanh trước sự cạnh tranh của thị trường mà người dân đến với lễ hội để tìm kiếm cho mình chỗ dựa nơi thần linh. Trong tâm lý đó người ta tìm đến với thần linh để mong có sự may mắn, sự thành đạt sắp tới, điều này phù hợp với quy luật phát triển của xã hội.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế, thị trường của lễ hội, điều kiện thu nhập nâng cao, đồng tiền kiếm được trở nên dễ dàng hơn, thúc đẩy kinh tế gia đình ngày một phát triển. Thành công đó một phần là do sự nỗ lực không ngừng của người dân, mặt khác người ta cũng nghĩ đến việc do thần linh giúp đỡ. Với tâm lý như vậy nên khi đến lễ hội, nơi có những vị thần linh thiêng họ trở nên yên tâm hơn và giao niềm tin cho thần linh để cầu mong cuộc sống bình yên.

Mục đích giải trí, du lịch

Nghệ An là tỉnh có hệ thống lễ hội đa dạng phong phú, thể hiện nét riêng trong văn hóa của cư dân từng vùng. Có thể kể đến như lễ hội gắn với nghề nghiệp của cư dân vùng biển (Lễ hội đền Cờn, Lễ hội cầu ngư làng Hiếu, làng Mai Bảng Cửa Lò….); lễ hội của các dân tộc (Lễ hội đền Vạn Cửa Rào, Lễ hội Hang Bua (Qùy Châu); lễ hội có những trò chơi độc đáo (ví dụ Cướp cù ở Bạch Mã, Thanh Chương), lễ hội liên quan đến động vật (Đền Chín Gian,...).

Lễ hội thường được tổ chức vào dịp mùa xuân là lúc nông nhàn, rảnh rỗi của cư dân nông nghiệp, là dịp để người dân ở các làng vui chơi, giải trí. Trước đây, mục đích chính của họ  khi tìm đến lễ hội là để tìm kiểm thú vui, giải trí qua các trò chơi dân gian.

Ngày nay, ở những lễ hội có nét đặc sắc riêng về văn hóa, còn có sự tham gia của du khách từ các nơi khác đến. Du khách đến với lễ hội như một điểm đến tham quan du lịch và mua sắm các sản vật của địa phương, trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống giữa cuộc sống hiện đại. Mục đích này xuất hiện khi đời sống của con người được nâng cao ngoài tìm đến du lịch nghỉ dưỡng họ còn tìm đến du lịch văn hóa. Như vậy, lễ hội còn có vai trò là nơi kết nối, truyền tải các giá trị văn hóa truyền thống đến với người dân. Điều này góp phần tăng trưởng kinh tế cho địa phương. Vai trò này đặt ra thách thức là nếu giá trị văn hóa bị biến tướng do sự sắp đặt, hay của yếu tố chủ quan nào đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị văn hóa truyền thống. 

Bên cạnh đó một số lễ hội ngoài các trò chơi dân gian, xuất hiện thêm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí bằng các trò chơi hiện đại. Những điểm lễ hội như vậy dễ tạo nên sự nhàm chán với du khách. Du khách đi hội đến một lần và ít trở lại vào năm sau. Việc đưa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí vào trong lễ hội truyền thống cần được hạn chế  vì nó không phù hợp với bản sắc lễ hội truyền thống.

3.Những vấn đề đặt ra trước biến đổi của lễ hội

3.1. Những vấn đề trong quản lý lễ hội

Nếu như trước đây lễ hội chỉ ở phạm vi cộng đồng làng, các hoạt động lễ hội nếu vi phạm đến yếu tố về văn hoá thì dĩ nhiên sẽ phải chịu dư luận của chính cộng đồng làng. Ngày nay, chỉ cần những thực hành văn hoá trong lễ hội có những vấn đề vi phạm đến phong tục, nghi lễ truyền thống thì lập tức sẽ bị truyền thông lên tiếng phản ánh. Bàn về vấn đề này nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn cho rằng: Các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đã tạo ra cơn bão dư luận có cường độ cao, áp lực mạnh cùng với “tâm lý đám đông” dư luận của cộng đồng mạng càng trở thành siêu bão, tác động rất lớn đến nhà quản lý[7].

Như vậy, vô hình dung sự phát triển của truyền thông số đã tác động không nhỏ và tạo nên những thách thức đối với nhà quản lý lễ hội truyền thống. Việc xây dựng kịch bản lễ hội, nội dung triển khai lễ hội cần được vận dụng khoa học giữa lý thuyết và bản sắc riêng của văn hoá nơi diễn ra lễ hội. Cần có những nghiên cứu chuyên sâu về vận dụng lý thuyết nhân học trong quản lý, ví dụ thuyết về tương đối văn hoá, để tạo sự đồng nhất giữa nhà quản lý và chủ thể thực hành văn hoá.

Quá trình hành chính hóa lễ hội xuất hiện hiện tượng lễ hội ngoài bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống cần phải làm thật to, hoành tráng để hãnh diện với các địa phương khác và cấp trên khen ngợi. Điều này đã đưa lễ hội đi đến một hướng mới là không xuất phát từ nhu cầu của người dân và bản sắc văn hóa lễ hội.

Nhiều quan điểm cho rằng nên trả lại lễ hội về cho người dân. Quan điểm này chỉ phù hợp với những lễ hội với quy mô nhỏ. Lễ hội mang tính chất vùng, liên vùng cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đảm bảo an ninh, trật tự… Do đó, không thể để việc tổ chức lễ hội cho một gia đình, một cá nhân hoặc một doanh nghiệp nào.

Vậy làm thế nào vừa để đảm bảo được trật tự quy mô tổ chức lễ hội, vừa giữ được các giá trị văn hoá truyền thống. Điều đó cần có sự hài hoà giữa người dân và chính quyền. Chính quyền đảm bảo để lễ hội được tổ chức khoa học, quy củ, đảm bảo an ninh và không nên can thiệp sâu vào nghi thức lễ, người dân tham gia thực hành lễ hội đúng với bản sắc văn hoá vốn có.

Xây dựng một mô hình quản lý lễ hội khoa học do cộng đồng tự quản nhưng phải có sự giám sát của chính quyền địa phương. Chủ thể lễ hội nên là người dân, các tổ chức của dân, nhà nước chỉ quản lý và bảo đảm an ninh trật tự. Mọi cái gọi là “kịch bản” chỉ nên là sự hoàn thiện của diễn tiến lễ hội trong truyền thống. Nên phục hồi một số trò chơi trong lễ hội, như cờ người, đu tiên (Lễ hội đình Hoành Sơn), cướp cù (đền Bạch Mã, Thanh Chương)...

Phát huy quy ước, hương ước của làng trong quản lý để đảm bảo sự hài hoà giữa phong tục địa phương và các quy định của nhà nước đối với lễ hội. Theo dõi giám sát lễ hội để nắm bắt những thay đổi trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào nhằm  đảm bảo không có hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng để thực hiện mê tín dị đoan.

3.2. Vấn đề đặt ra trong xây dựng kịch bản lễ hội

Một bức tranh tổng thể mà chúng ta nhìn nhận khi đến với lễ hội là hầu hết các lễ hội tổ chức đều na ná giống nhau, theo một mô típ chung. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đặc trưng riêng của lễ hội truyền thống, áp đặt ý tưởng chủ quan của người xây dựng kịch bản, từ đó có sự biến tướng và hành chính hoá lễ hội. Các nhà quản lý văn hoá khi xây dựng kịch bản lễ hội phải căn cứ vào chính đặc trưng văn hoá của cộng đồng, phải có sự kết hợp giữa lý thuyết nghiên cứu và nguồn gốc, yếu tố bản địa của lễ hội để xây dựng kịch bản phù hợp. Mỗi hoạt động phải làm bật được cái cốt lõi của bản sắc, được cộng đồng chấp thuận.

Cần rà soát hệ thống hoá, nghiên cứu lại hệ thống kịch bản lễ hội hiện nay tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đối với những kịch bản lễ hội đã phù hợp tiếp tục phát huy và không ngừng tiếp thu để hoàn chỉnh. Đối với những lễ hội chưa phù hợp với bản sắc văn hoá địa phương cần phải nghiên cứu xây dựng lại kịch bản lễ hội, nguy cơ kéo dài sẽ làm lệch và mai một bản sắc văn hoá truyền thống. Trách nhiệm này đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp chính quyền và cộng đồng người dân địa phương.

3.3. Những vấn đề đặt ra khi đưa lễ hội vào phát triển du lịch

Trước nhu cầu phát triển kinh tế địa phương, lễ hội là tiềm năng để khai thác du lịch, điều đó đặt ra những thách thức để vừa thu hút khách du lịch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho địa phương, vừa đảm bảo bản sắc trong văn hoá truyền thống. Tuy nhiên thực tế trong nhiều năm qua Nghệ An là địa phương ít thu hút được khách du lịch.

Xây dựng, phát triển du lịch bền vững nhưng không làm ảnh hưởng đến di sản phi vật thể dễ bị biến tướng trước xu hướng phát triển cần phải dựa trên cơ sở nền tảng của lễ hội truyền thống nên chọn những lễ hội có nét đặc trưng riêng thu hút được du khách khi đến tham gia.

Khai thác tiềm năng của lễ hội phải dựa trên nguyên tắc đem lại sự tôn trọng với cuộc sống của người dân sở tại, văn hóa, tập quán xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng của họ, nhưng phải tạo được cho ngành du lịch một môi trường thân thiện hơn và phong phú hơn. Tuyệt đối không tô hồng, biến tướng lễ hội bằng mọi giá để quảng bá du lịch theo quan điểm chủ quan, duy ý chí. 

Ngành du lịch văn hoá gắn bó với di sản bởi sự kết hợp hài hòa giữa văn hoá, du khách và cộng đồng, được thể hiện ra bằng những đặc điểm văn hoá riêng biệt. Sự kết nối đó có thể coi là duy nhất và đặc biệt, nó tạo ra một nguồn tài nguyên không thể thay đổi. Tuy nhiên, mục đích đó phải đem lại sự tôn trọng với cuộc sống của người dân sở tại, văn hóa, tập quán xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng của họ, thêm vào đó nó cũng đem lại cho ngành du lịch một môi trường thân thiện hơn và phong phú hơn.

Kết luận

Biến đổi văn hóa trong lễ hội là hiện tượng phổ biến trong quá trình phát triển, hiện tượng này nhận được nhiều quan tâm của các nhà nghiên cứu với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Trong đó nhận diện biến đổi lễ hội ở Nghệ An góp phần làm rõ hơn những vấn đề trong văn hóa đương đại. Các nhà quản lý về văn hóa cần nắm rõ xu hướng biến đổi để thấy được cái biến đổi nào là khách quan, do nhu cầu phát triển; cái nào là áp đặt chủ quan do nhận thức sai; cái nào cần thay đổi để phù hợp với bản sắc trong văn hóa cộng đồng. Để những biến đổi lễ hội vừa phù hợp với truyền thống nhưng có sự dung hòa với văn hóa hiện đại. q

Tài liệu tham khảo

1.Lê Văn Định (2000), Xu hướng biến đổi của tâm lý cộng đồng làng ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ Triết học.
2.Bronislaw Malinowski (2004), Magic, Khoa học và Tôn giáo và các bài luận khác 1948; 202.
3.Lê Hồng Lý (2008), Sự tác động của kinh tế thị trường và lễ hội tín ngưỡng, NXB Văn hoá Thông tin, Viện Văn hoá, Hà Nội.
4.Lê Thị Hiếu (2018), Biến đổi văn hóa vùng ven biển Nghệ An qua nghiên cứu trường hợp thị xã Cửa Lò.
5.Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại, 1994, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Đây là công trình tuyển tập các bài viết của 25 nhà khoa học ở trong và ngoài nước tại Hội thảo “Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại” được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 8 đến 13 tháng 3 năm 1993.
6.Lễ hội - nhận thức, giá trị và giải pháp quản lý, 2012, Hội thảo do Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức. Hội thảo đã thu hút được nhiều nhà nghiên cứu tham gia, trong đó có 30 tham luận của các nhà khoa học danh tiếng.
7.Trần Hữu Sơn, Vấn đề quản lý lễ hội hiện nay (tài liệu tác giả cung cấp).




[*] TS-Trung tâm KHXH&NV Nghệ An

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây