Nhân lễ Vu lan nghĩ về lòng hiếu thảo của người Huế

Thứ tư - 16/03/2022 05:21 0

Trong lịch sử, lòng hiếu thảo luôn được coi trọng. Ở phương Tây, Thiên Chúa giáo răn dạy các con chiên của mình phải “thảo kính cha mẹ”. Ở Trung Hoa, Nhị thập tứ hiếu của Quách Cư Nghiệp đời Nguyên được xem là cuốn sách hay về 24 tấm gương hiếu thảo tiêu biểu để người đời noi theo.

Lễ Vu lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình khỏi địa ngục. Sau đó, Vu lan trở thành ngày lễ hằng năm đề cao chữ hiếu. Kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, kết hợp tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, ngày lễ Vu lan càng trở nên có ý nghĩa quan trọng.

Trong một lần lên viếng cảnh chùa Từ Hiếu cùng những người bạn thời trung học phổ thông, được bạn kể về câu chuyện hiếu đạo của sư Nhất Định, lòng tôi trào dâng sự cảm kích, khâm phục. Bạn kể, chuyện bắt đầu từ năm 1843, thời vua Thiệu Trị (1841-1847), khi sư Nhất Định từ chức Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự và trao quyền trụ trì chùa Bảo Quốc cho pháp đệ là sư Nhất Niệm. Nguyên do là, nhà sư không thể bỏ mẹ già trơ trọi một mình nên đã về nhà cõng mẹ, tìm đến vùng đất chùa Từ Hiếu tọa lạc ngày nay để lập Thảo Am An Dưỡng. Tại đây, vừa tu hành, nhà sư vừa nuôi dưỡng, chăm sóc mẹ già. Rồi một ngày nọ, dưới thời vua Tự Đức (1847-1883), mẹ của nhà sư bị bệnh rất nặng. Sáng tối, nhà sư chăm sóc, lo thuốc thang hết lòng nhưng bệnh vẫn không khỏi. Thầy thuốc khuyên nên mua thêm thịt cá để tẩm bổ bởi mẹ của nhà sư đã quá suy nhược cơ thể. Nghe xong, mặc thiên hạ đàm tiếu chê bai, nhà sư chống gậy băng rừng đi bộ xuống chợ cách đó hơn 5 km để mua cá mang về nấu cháo cho mẹ ăn. Nhờ thế, mẹ của nhà sư mới qua được cơn hiểm nghèo, lần hồi bệnh thuyên giảm. Trong Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng có thuật lại tấm gương hiếu thảo này. Thảo Am An Dưỡng chính là chùa Từ Hiếu ngày nay.

Chùa Từ Hiếu, nơi nhiều bạn trẻ ở Huế lên cầu sức khỏe cho ông bà, cha mẹ

Chuyện hiếu đạo của hoàng tộc nhà Nguyễn cũng được dân gian lưu truyền. Vua Tự Đức (1829-1883) tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Thì, ông là con của vua Thiệu Trị và Qúy phi Phạm Thị Hằng (Thái hậu Từ Dũ). Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã tỏ ra là người cực kỳ hiếu thảo. Thái hậu Từ Dũ truyền bảo điều gì đáng lưu tâm, vua Tự Đức liền ghi ngay vào sách tùy thân mà nghiền ngẫm, gọi là Từ huấn lục. Theo các tư liệu lịch sử, trong suốt 36 năm làm vua của mình, dù rất bận với công việc triều chính, nhưng cứ ngày lẻ vua Tự Đức thiết triều, còn ngày chẵn vào chầu cung thăm nom mẹ, không khi nào chểnh mảng. Một lần để thái hậu Từ Dũ lo lắng, vua Tự Đức đã dâng roi mây lên cho mẹ đánh đòn.

Chùa Từ Hiếu đã được vua Tự Đức cho sửa sang lại khang trang hơn

Do đó, vua Tự Đức rất cảm phục trước tấm lòng của nhà sư Nhất Định nên ban cho “Sắc tứ Từ Hiếu tự” và lệnh cho tiền của sửa sang lại. Thảo Am An Dưỡng do đó được mang tên chùa Từ Hiếu. Đặc biệt, vua Tự Đức rất thích đọc Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) của Nguyễn Du vì vua cảm động về lòng hiếu đạo của nàng Kiều. Bởi Vương Thúy Kiều đã dám bán thân cứu cha và Nguyễn Du thì khẳng định nàng đã đặt chữ hiếu lên cả sự trinh tiết. Những tháng ngày lưu lạc, nàng Kiều vẫn chạnh nhớ cha già mẹ yếu, lo thiếu người phụng dưỡng: “Sân hoè đôi chút thơ ngây/Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình”. Do đó, vua Tự Đức đã nhận xét tác phẩm này là “hàng hàng châu ngọc lời lời gấm thêu”. Có một điều ít ai biết là tác phẩm này đã được Nguyễn Du viết tại Phú Xuân – Huế, vùng đất ghi dấu ấn về lòng hiếu đạo, như nhà nghiên cứu Huế Lê Quang Thái nhận định.

Ở Huế còn có tấm hương hiếu thảo của An Thường công chúa. Công chúa là con vua Minh Mạng với bà Mỹ Nhân người họ Nguyễn Văn, quê Gio Linh, tỉnh Quảng Trị sinh hạ vào mùa hè năm 1817. Lúc đầu, công chúa có tên là Nguyễn Thị Tam Xuân, sau mới gọi là Nguyễn Thị Lương Đức. Năm công chúa lên chín tuổi, đúng dịp tiết Vạn Thọ thì thân mẫu bị bệnh, công chúa đành phải theo các hoàng nữ vào hầu cơm. Bấy giờ, có vị đại thần dâng tiến món đuôi dê và nầm dê (nầm dê là món nắm sữa của con dê cái), vua liền ban cho các hoàng nữ món này. Công chúa chỉ ngậm mà không nhai nuốt. Vua lấy làm lạ, liền hỏi nguyên do thì công chúa liền đứng dậy thưa: “Thân mẫu của thần đang bị bệnh, không được đội ơn đến dự mà thần thì trộm nghe món này rất bổ nên không nỡ ăn, muốn để phần cho thân mẫu”. Vua khen, cho riêng một đĩa, sai công chúa mang về cho thân mẫu. Tả hữu đều cảm động và khen ngợi, có người chảy cả nước mắt. Năm 1840, vua Minh Mạng không được khỏe. Công chúa đích thân sắc thuốc và nấu cháo để dâng tiến, sớm hôm hầu hạ không mỏi. Vua mất, công chúa thương xót đến ngất đi. Khi đem vua đi mai táng, công chúa theo hầu bàn thờ và sau lại chực hầu đền thờ ở lăng, trọn cả ba năm chưa từng cười đùa. Sau vua Thiệu Trị đem công chúa gả cho Phan Văn Oánh là con trai thứ tư của Chưởng Nghĩa Hầu Phan Văn Thúy, người ở Thuận Xương, Quảng Trị. Từ ngày vu quy, công chúa chẳng hề tỏ vẻ là con vua, biết kính thờ mẹ chồng, lo việc dạy con và giữ đức khuê môn.

Bánh Nậm ở Huế, đặc sản thể hiện lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ 

Ở Huế, có một loại bánh mà bậc làm con cháu làm ra dành cho các cha mẹ già yếu. Đó là bánh nậm. Bánh được làm bằng bột gạo tẻ, nhụy tôm và mỡ thái hạt lựu, ăn với nước mắm ngọt. Đây là món ăn này dễ tiêu hóa và rất bổ dưỡng. Người Huế còn có thêm một cách phụng dưỡng rất địa phương: “Tôm rằn lột vỏ, bỏ đuôi/ Gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già”. Loại gạo de An Cựu là loại gạo rất trắng, rất dẻo thơm, thường chỉ dành để tiến vua. Điều này có ý nghĩa: Để cha mẹ ăn được bữa cơm ngon, người Huế sẵn sàng lên rừng xuống biển để tìm kiếm những thứ của ngon vật lạ cho cha mẹ dùng.

Ở Huế, nhiều gia đình vẫn “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường”. Đối với bậc sinh thành, con cháu luôn hết lòng hiếu kính. Từ việc thưa gửi, chuyện trò, từ việc lo chuyện cơm nước đến chuyện tắm rửa, vệ sinh đều không nề hà.

Theo Phật giáo thì “Tột cùng của Thiện, không gì hơn Hiếu”. Dân gian cũng có câu “Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”. Là vùng đất của Phật giáo, lại là vùng đất Cố đô với Nho giáo đã thẩm thấu sâu đậm nhiều thế kỷ nên hiếu đạo được người Huế trân trọng giữ gìn. Có lẽ, những thành phố lấp lánh ánh kim tiền không thể nào trân quý bằng những thành phố có sự gắn kết bền chặt của gia đình – tế bào của xã hội.




                            

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây