Những cam kết về Sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA - Cơ hội và thách thức đối với Nghệ An

Thứ bảy - 04/12/2021 04:21 0


  1. Tổng quan

Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Việt Nam đã và đang tham gia sâu sắc vào quá trình toàn cầu hóa, ngày càng chủ động hội nhập mạnh mẽ, tích cực và sâu rộng vào dòng chảy của nền kinh tế khu vực và thế giới. Sau giai đoạn mở cửa theo chiều rộng bằng việc gia nhập và thực thi các cam kết trong khuôn khổ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã tích cực, chủ động bước sang giai đoạn hội nhập theo chiều sâu với việc đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam thuộc nhóm các nền kinh tế tham gia nhiều FTA nhất trong khu vực và trên thế giới(1). Tính tới thời điểm 12/2020, Việt Nam đã ký kết tổng cộng 15 FTA và đang trong quá trình đàm phán 02 FTA(2).

Trong số các FTA mà Việt Nam đã ký kết, nổi bật là 03 FTA thế hệ mới(3) bao gồm Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)(4), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)(5) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP)(6).

Trong các FTA thế hệ mới, SHTT là một trụ cột quan trọng. Các FTA thế hệ mới đã nâng cao mức bảo hộ quyền SHTT vượt bậc so với chuẩn mực quốc tế phổ biến trước đó như Hiệp định về các Khía cạnh liên quan đến Thương mại của Quyền SHTT (TRIPs) của WTO. Đặc biệt, các cam kết về SHTT trong EVFTA và CPTPP đã đưa ra các tiêu chuẩn bảo hộ và thực thi quyền SHTT ở mức độ cao nhất, ràng buộc chặt chẽ hơn, nghiêm ngặt hơn; phạm vi các vấn đề được điều chỉnh đa dạng, bao trùm nhiều lĩnh vực hơn so với cam kết về SHTT trong các hiệp định khác.

Trong EVFTA, vấn đề SHTT, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý (GI), là một trong những vấn đề khó đàm phán nhất và chương về SHTT của hiệp định này cũng là một trong những chương có dung lượng lớn nhất(7). Điều này xuất phát từ việc Liên minh châu Âu (EU) là khu vực xuất khẩu các sản phẩm trí tuệ hàng đầu thế giới, có chế độ bảo hộ đặc thù đối với GI(8) nên rất chú trọng việc bảo hộ đối tượng quyền SHTT này(9). Do đó, EU đã yêu cầu áp dụng các tiêu chuẩn cao và nghiêm ngặt về bảo hộ và thực thi quyền SHTT để bảo vệ các doanh nghiệp, tổ chức và công dân của mình trước tình trạng bùng nổ các hành vi xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam đang có nguy cơ “vượt khỏi tầm kiểm soát”(10).

  1. Nội dung cơ bản về bảo hộ và thực thi quyền SHTT trong EVFTA

Các cam kết về quyền SHTT của EVFTA được quy đinh tại Chương 12, bao gồm 63 điều và 2 phụ lục (Danh mục các GI và Danh mục nhóm sản phẩm). Nội dung chính của chương này bao gồm các cam kết về các nguyên tắc bảo hộ quyền SHTT, phạm vi quyền SHTT, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp (KDCN), nhãn hiệu, GI, thông tin bí mật, giống cây trồng, vấn đề cạn quyền(11) và thực thi quyền SHTT. Về cơ bản, các cam kết này là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam về SHTT(12). Theo Nghị quyết số 102/2020/QH14 ngày 08/6/2020 của Quốc hội phê chuẩn EVFTA (Nghị quyết số 102), chỉ có 03 vấn đề trong Luật SHTT số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12 và Luật số 42/2019/QH14 (Luật SHTT) cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với EVFTA, đó là:

  • Bổ sung quy định về chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ nhãn hiệu trong trường hợp việc sử dụng nhãn hiệu làm cho công chúng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ.
  • Bổ sung quy định liên quan đến KDCN của sản phẩm là bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh.
  • Bổ sung quy định về việc bù đắp cho chủ bằng độc quyền sáng chế nếu thời hạn khai thác sáng chế bị rút ngắn do chậm trễ bất hợp lý trong thủ tục đăng ký lưu hành lần đầu tại Việt Nam cho dược phẩm được sản xuất theo bằng độc quyền sáng chế.

Cùng với CPTPP, các cam kết về SHTT trong EVFTA đã đưa ra các tiêu chuẩn bảo hộ và thực thi quyền SHTT ở mức độ cao và toàn diện hơn so với các FTA khác. Hai hiệp định này đều yêu cầu minh bạch hóa hơn nữa các chính sách, quy định liên quan đến SHTT, cụ thể như phải công bố trên Internet các quy định pháp luật, các thủ tục, quyết định liên quan đến việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT; minh bạch hơn trong quy trình xác lập cũng như thực thi quyền SHTT như công bố đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), đăng tải thông tin về nỗ lực thực thi quyền SHTT.

 Ở mức độ cam kết cụ thể, CPTPP có sự khác biệt với EVFTA ở những điểm chính sau: (i) Đối với nhãn hiệu, CPTPP bảo hộ cả nhãn hiệu âm thanh và khuyến khích bảo hộ nhãn hiệu mùi; (ii) Về sáng chế, cam kết về đền bù thời gian khai thác bằng sáng chế do chậm trễ trong khâu xử lý đơn xin cấp phép lưu hành dược phẩm đã được tạm hoãn thực thi; (ii) Về KDCN, thời hạn bảo hộ của CPTPP là 10 năm thay vì 15 năm như EVFTA; (iii) Về GI, CPTPP không yêu cầu các bên phải bảo hộ một danh sách các GI như EVFTA. Thay vào đó, các bên có thể bảo hộ GI qua hệ thống nhãn hiệu hoặc một hệ thống riêng; (iv) Về biện pháp thực thi, CPTPP có yêu cầu xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm quyền SHTT, trong khi EVFTA không yêu cầu chế tài hình sự.

  1. Cơ hội và thách thức trong việc thực thi cam kết về sở hữu trí tuệ theo EVFTA đối với Nghệ An

3.1. Cơ hội

Thứ nhất, các “xa lộ” FTA nói chung và EVFTA nói riêng hứa hẹn tạo thêm xung lực cải thiện quy mô thương mại và thu hút đầu tư vào Việt Nam, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp của Việt Nam nói chung và của Nghệ An nói riêng tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đa dạng cả về loại hình và giá cả (trong đó có các sản phẩm có hàm lượng SHTT cao) của các nước đối tác, giúp các doanh nghiệp gắn kết hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất toàn cầu cũng như giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận với nhiều cơ hội lựa chọn các sản phẩm chất lượng cao hơn với mức giá rẻ hơn mà Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh(13).

Thứ hai, cá nhân, tổ chức sở hữu các tài sản trí tuệ sẽ nhận được mức bảo hộ cao khi giao thương với tổ chức, cá nhân của EU. EVFTA đặt ra mức độ bảo hộ cao về SHTT, vì lẽ đó các tài sản SHTT của cá nhân, tổ chức Nghệ An sẽ có lợi ích lớn khi chuyển giao, sử dụng ở thị trường EU.

Thứ ba, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp đạt mức khá so với cả nước, tỷ lệ đổi mới công nghệ 35 - 38%(14), thông qua EVFTA, các doanh nghiệp tỉnh Nghệ An có thể tiếp cận với các sản phẩm SHTT phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, khoa học, xã hội với chi phí thấp nhất có thể; thúc đẩy đổi mới và tăng cường hoạt động nhận chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, công nghệ sinh học, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm số, chế tạo thiết bị máy móc… từ các đối tác có nền khoa học công nghệ tiên tiến. Quá trình này sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao được năng lực sản xuất và quản lý; có điều kiện tham gia vào các công đoạn sản xuất quan trọng hơn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao hơn, giúp doanh nghiệp cải thiện và nâng cao trình độ, năng lực cạnh tranh và tăng cường vị thế trong chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu(15), góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

3.2. Thách thức

EVFTA, với mức độ cam kết cao về quyền SHTT, đặt ra thách thức rất lớn đối với Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng trong quá trình thực thi cũng như khả năng tận dụng các lợi ích mà các FTA thế hệ mới này mang lại.

Thứ nhất, doanh nghiệp của Việt Nam nói chung và của tỉnh Nghệ An nói riêng còn chưa hiểu và vận dụng tốt về SHTT, văn hóa tôn trọng quyền SHTT vẫn còn thấp, có rất nhiều doanh nghiệp thậm chí không nắm rõ các quy định pháp luật về SHTT hiện hành(16). Đây có thể coi là rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong việc tận dụng các lợi thế và hạn chế các tác động tiêu cực của các cam kết mức độ cao về SHTT trong EVFTA. Điều này dẫn đến hai hệ quả cơ bản:

i) Tình trạng vi phạm quyền SHTT diễn ra rất nhiều và phổ biến đến mức báo động đỏ(17). Trong khi đó, các biện pháp bảo vệ công nghệ (TPMs) đối với quyền SHTT trong EVFTA được mở rộng áp dụng không chỉ trong các trường hợp vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, phân phối, lắp ráp, bán, chào bán và cho thuê, mà còn đối với việc tàng trữ nhằm mục đích thương mại, dịch vụ quảng cáo và các dịch vụ khác; các biện pháp thông tin quản lý quyền (RMI) không chỉ bảo vệ thông tin gốc mà còn cả các bản sao và ấn phẩm. Với những quy định bảo hộ SHTT nghiêm ngặt của EVFTA, doanh nghiệp sẽ dễ rơi vào vòng kiện tụng với chi phí bồi thường tốn kém, thậm chí có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

ii) Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó Nghệ An không phải là ngoại lệ, còn khá thờ ơ đối với việc bảo hộ quyền SHTT, KDCN, nhãn hiệu của chính mình, chưa ý thức được về quyền của mình và tìm cách “tận dụng” các quy định về SHTT có lợi trong EVFTA. Do không thực hiện bảo hộ SHTT, nhiều doanh nghiệp đã phải trả giá đắt vì mất nhãn hiệu vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều vụ việc đã cho thấy, do không quan tâm đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài, nhiều nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam nổi tiếng (như Kẹo dừa Bến Tre; Cà phê Trung Nguyên; Cà phê Buôn Ma Thuột; Nước mắm Phú Quốc; Sản phẩm Vifon…) đã bị các doanh nghiệp nước ngoài “đánh cắp” và tiến hành đăng ký bảo hộ trước để hàng hóa của họ lưu thông trên thương trường quốc tế. Khi các doanh nghiệp Việt Nam tiến hành các biện pháp đòi lại gặp rất nhiều trắc trở, gian nan, tốn nhiều tiền bạc, thời gian và công sức.

Thứ hai, các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung và của Nghệ An nói riêng muốn nhận chuyển giao và sử dụng các công nghệ từ doanh nghiệp các nước đối tác sẽ phải chi trả chi phí mua bản quyền, mua công nghệ. Trong khi đa số các doanh nghiệp tại Nghệ An và Việt Nam đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, do đó khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới và chuyển giao công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất hầu như không có; mặt khác, các DNNVV đang rất khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn để thực hiện điều này.

Thứ ba, để đáp ứng nghĩa vụ minh bạch hóa chính sách và thông tin thực thi quyền tại EVFTA, các cơ quan quản lý nhà nước phải minh bạch hơn trong thực hiện các thủ tục xác lập quyền (cho công chúng tiếp cận thông tin về đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ đối với quyền SHCN) cũng như thực thi quyền (công chúng có thể tiếp cận các bản án, các quyết định xử phạt trong lĩnh vực SHTT); duy trì hệ thống nộp đơn trực tuyến và cơ sở dữ liệu trực tuyến song song với hệ thống đơn và cơ sở dữ liệu giấy. Các nghĩa vụ này đặt ra gánh nặng đòi hỏi cải tiến không ngừng hệ thống chính sách cũng như hệ thống công nghệ thông tin của Việt Nam cũng như của tỉnh Nghệ An.

Thứ tư, do việc đào tạo về SHTT và nguồn nhân lực về lĩnh vực này trong hệ thống tư pháp còn chưa đáp ứng được yêu cầu nên kết quả giải quyết các vụ việc SHTT trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế. Sự non kém về năng lực chuyên môn của các thẩm phán trong lĩnh vực này, cùng với thời gian giải quyết quá lâu, khiến cho tòa án chưa thực sự trở thành kênh giải quyết thuyết phục, ưa chuộng đối với các tranh chấp về SHTT(18). Hiện nay, 95% các vụ việc xâm phạm quyền SHTT được xử lý bằng biện pháp vi phạm hành chính, thay vì các biện pháp tư pháp như nhiều nước trên thế giới. Thực trạng này khiến cho hiệu lực của cơ chế bảo hộ và thực thi SHTT bị suy giảm, niềm tin của doanh nghiệp vào hệ thống pháp luật và công lý bị xói mòn, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, tác động đến sự phát triển lành mạnh của đội ngũ doanh nghiệp.

  1. Một số khuyến nghị

4.1. Đối với doanh nghiệp

  1. i) Tìm hiểu danh mục GI được bảo hộ

EVFTA là FTA đầu tiên của Việt Nam tiếp cận phương thức bảo hộ GI trực tiếp thông qua một hiệp định. Nhờ phương thức bảo hộ trực tiếp này, các GI của doanh nghiệp Việt Nam được ghi nhận và bảo hộ tại một thị trường xuất khẩu quan trọng bậc nhất với 28 quốc gia thành viên mà không phải tốn chi phí và thời gian đăng ký, tạo cơ hội cho các sản phẩm nông sản nổi tiếng của Việt Nam và Nghệ An như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột, trà Mộc Châu, gạo Điện Biên, vải thiều Thanh Hà, bưởi Đoan Hùng, thanh long Bình Thuận, cam Vinh… tiếp cận được với thế giới.

 Bên cạnh đó, việc một số lượng lớn GI của EU được bảo hộ tại Việt Nam chủ yếu cho các sản phẩm rượu vang, pho-mát có thể sẽ trở thành rào cản cho việc nhập khẩu các sản phẩm tương tự từ thị trường ngoài EU như Mỹ, Úc, Canada có nhãn hiệu hoặc dấu hiệu tương tự với các GI này. Theo đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu rượu, pho-mát cần đặc biệt lưu tâm đến các GI của EU cho các sản phẩm này, nhất là các ngoại lệ được phép để tránh vướng vào các hành vi bị coi là xâm phạm quyền SHTT dù nhập khẩu đúng quy định.

  1. ii) Tận dụng điều kiện thuận lợi đối với sáng chế, nhãn hiệu, KDCN

 Các đối tượng SHCN được đề cập trong EVFTA như sáng chế, nhãn hiệu, KDCN, thông tin bí mật, giống cây trồng về cơ bản thụ hưởng tiêu chuẩn bảo hộ như đã được đề cập tại TRIPS và Công ước quốc tế về giống cây trồng (UPOV). Đáng chú ý là trong EVFTA, vấn đề tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong lĩnh vực SHCN được đặc biệt chú trọng.

 Như đã nêu ở trên, một điểm mới liên quan đến sáng chế ở EVFTA đó là việc các bên phải có cơ chế cho phép “bù đắp” cho các trường hợp mà thời gian bảo hộ sáng chế của dược phẩm bị rút ngắn do chậm trễ trong thủ tục cấp phép lưu hành thị trường. Theo đó, khi thực hiện thủ tục duy trì hiệu lực bằng độc quyền sáng chế, chủ bằng độc quyền sáng chế không phải nộp phí sử dụng văn bằng bảo hộ cho khoảng thời gian mà thủ tục đăng ký lưu hành lần đầu tại Việt Nam đối với dược phẩm được sản xuất theo bằng độc quyền sáng chế đó bị chậm.

Đối với nhãn hiệu, các quy định liên quan đến công khai cơ sở dữ liệu về đơn đăng ký và nhãn hiệu được bảo hộ cho công chúng dễ dàng tiếp cận cũng là những động thái tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong việc theo dõi tình trạng bảo hộ quyền của mình cũng như có những hành động kịp thời trong việc ngăn chặn các nhãn hiệu có tiềm năng xâm phạm nếu được cấp hoặc được sử dụng trên thị trường.

 Về KDCN, Thỏa ước La Hay về Đăng ký quốc tế KDCN sẽ giúp các doanh nghiệp của Việt Nam và của Nghệ An có thể đăng ký quốc tế KDCN qua một hệ thống đơn giản và nhanh chóng tương tự như hệ thống áp dụng cho nhãn hiệu (hệ thống Madrid) hay sáng chế (hệ thống PCT). Bên cạnh đó, EVFTA cũng xác định rõ về việc một sản phẩm có đủ khả năng được bảo hộ cả dưới dạng KDCN lẫn dưới dạng quyền tác giả đối với tác phẩm. Nói cách khác, một KDCN được bảo hộ theo cả hai hình thức sẽ không chỉ giới hạn ở thời hạn bảo hộ 15 năm (áp dụng đối với KDCN) mà có thể kéo dài tới hết cuộc đời tác giả cộng thêm 75 năm sau khi tác giả mất (áp dụng đối với KDCN là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng). Tuy nhiên, mức độ và phạm vi bảo hộ của hai hình thức sẽ có những điểm khác nhau theo pháp luật quốc gia.

iii) Tìm hiểu và tuân thủ các quy định về quyền SHTT

 Thực thi quyền SHTT hiệu quả luôn là vấn đề được cả EU và Việt Nam quan tâm. Chính vì thế, các biện pháp thực thi dân sự và kiểm soát biên giới trong EVFTA được quy định khá cụ thể theo hướng xử lý nghiêm khắc hơn, trao quyền nhiều hơn cho các cơ quan thực thi, đồng thời nâng mức trách nhiệm, biện pháp trừng phạt đối với các chủ thể có hành vi vi phạm các quyền SHTT. Do đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam và của Nghệ An cần nhanh chóng tìm hiểu và tuân thủ các quy định về SHTT trong EVFTA và các FTA thế hệ mới để tránh các rủi ro pháp lý cũng như để tận dụng các lợi thế từ các hiệp định này. Một trong những cách thức hữu hiệu để thực hiện điều này là thuê luật sư, chuyên gia pháp lý, công ty luật có năng lực và kinh nghiệm để tư vấn và đồng hành cùng doanh nghiệp khi “giong thuyền ra biển lớn”. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp đánh giá được các rủi ro và đỡ lâm vào các vấn đề pháp lý hao tiền tốn của, tiêu tốn nhiều thời gian và nguồn lực.

4.2. Đối với các hiệp hội

Các hiệp hội như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội SHTT Việt Nam (VIPA), Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO), Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) và các hiệp hội ngành, nghề (chẳng hạn như Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam) có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và của tỉnh Nghệ An trong việc thực thi, bảo vệ và quản lý hiệu quả quyền SHTT không chỉ ở thị trường Việt Nam mà cả ở trên thị trường EU và thế giới. Để nâng cao vai trò và chức năng của mình, các hiệp hội cần:

  • Tiếp tục triển khai các hoạt động cung cấp và tư vấn cho doanh nghiệp về pháp luật kinh doanh, kiến thức về SHTT và hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như kinh nghiệm đối phó với các vụ kiện quốc tế về SHTT.
  • Tiếp tục đẩy mạnh vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện kết nối giao lưu giữa các doanh nghiệp hội viên; tăng cường phổ biến thông tin hội nhập về pháp luật của các nước, SHTT, quản lý chất lượng, các quy tắc xuất xứ… cho các doanh nghiệp hội viên, hỗ trợ doanh nghiệp thành viên xây dựng thương hiệu.

4.3. Đối với các cơ quan nhà nước ở trung ương và Nghệ An

- Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để thực hiện đầy đủ các cam kết về SHTT trong EVFTA.

- Thứ hai, tăng cường chuyên môn, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT và các cơ quan thực thi SHTT, nhất là hải quan và tòa án. Trong kỷ nguyên của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các tài sản SHTT mới sẽ xuất hiện ngày càng đa dạng và phong phú. Trong bối cảnh này, việc xâm phạm quyền SHTT thông qua nền tảng số được dự báo sẽ trở thành hình thức phổ biến(19). Không chỉ vậy, các hành vi xâm phạm quyền SHTT sẽ chuyển biến nhanh so với trước đây, với những thủ đoạn tinh vi, khó lường và phức tạp(20). Do đó, cần sớm nghiên cứu và triển khai: (i) Thành lập tòa chuyên trách về SHTT ở cấp tỉnh và tiếp tục đẩy mạnh quá trình cải cách tư pháp nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách về việc giải quyết hiệu quả các vụ việc về quyền SHTT và nâng cao chất lượng giải quyết loại vụ việc này và (ii) Tăng mức phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quyền SHTT để đảm bảo tính răn đe.

- Thứ ba, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa) đổi mới, nhận chuyển giao công nghệ; khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn có các chương trình liên kết sản xuất, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước; tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, KDCN… trên thị trường quốc tế.

- Thứ tư, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về các EVFTA để cộng đồng doanh nghiệp và người lao động có kiến thức và hiểu rõ hơn về các cam kết, cũng như các cơ hội và thách thức mà các cam kết mang lại, chủ động tham gia sâu hơn vào quá trình hội nhập. Minh bạch hóa hơn nữa các chính sách, quy định liên quan đến SHTT, công bố rộng rãi và bài bản hơn nữa trên Internet quy định pháp luật, các thủ tục, quyết định liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền SHTT, minh bạch hơn trong quy trình xác lập cũng như thực thi quyền SHTT.

  1. Kết luận

Các FTA nói chung và EVFTA nói riêng là cơ hội “vàng” cho Nghệ An mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu, góp phần thúc đẩy sự phục hồi sau đại dịch COVID-19. Cùng với thuận lợi ấy, Nghệ An cũng phải đương đầu với nhiều “sóng to, gió cả” khi thực thi các tiêu chuẩn mới, cao về bảo hộ quyền SHTT trong EVFTA. Tuy thế, với truyền thống anh hùng trong chiến đấu, lao động và sản xuất, với sức mạnh văn hóa, tinh thần to lớn của con người xứ Nghệ, bằng việc sáng tạo và kiên trì áp dụng các biện pháp phù hợp, Nghệ An hoàn toàn có thể tận dụng triệt để các cơ hội, vượt qua thách thức từ các cam kết về SHTT của EVFTA để vừa góp phần cùng cả nước thực thi đúng cam kết của Việt Nam trong hiệp định này, vừa mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn cho tỉnh nhà.

Chú thích

  1. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2021), Một số vấn đề cơ bản về các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), https://trungtamwto.vn/chuyen-de/17510-hoi-dap-fta, truy cập ngày 25/10/2021.
  2. FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) bắt đầu khởi động đàm phán từ tháng 5/2012; FTA giữa Việt Nam và Israel bắt đầu khởi động đàm phán từ ngày 2/12/2015.
  3. https://trungtamwto.vn/an-pham/15709-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-the-he-moi-va-tac-dong-doi-voi-kinh-te-viet-nam,https://trungtamwto.vn/chuyen-de/12405-fta-thuong-co-nhung-noi-dung-gi, https://trungtamwto.vn/chuyen-de/12404-co-nhung-loai-fta-nao, truy cập ngày 25/10/2021.
  4. EVFTA được Việt Nam và Liên minh châu Âu ký kết vào ngày 30/6/2019 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.
  5. CPTPP đã được 11 nước, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chi Lê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, ký kết vào 8/3/2018. Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.
  6. RCEP đã được 15 nước, bao gồm: Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, ký kết vào ngày 15/11/2020. Hiệp định sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2022.
  7. Đinh Mạnh Tuấn, Vũ Thụy Trang (2020), Thực thi quy định về sở hữu trí tuệ trong EVFTA: Góc nhìn từ phía doanh nghiệp châu Âu và một số vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/819650/thuc-thi-quy-dinh-ve-so-huu-tri-tue-trong-evfta--goc-nhin-tu-phia-doanh-nghiep-chau-au-va-mot-so-van-de-dat-ra-doi-voi--doanh-nghiep-viet-nam.aspx, truy cập ngày 25/10/2021.

8.http://evfta.moit.gov.vn/?page=overview&category_id=2809fd0e-b509-41c4-aa5f-fc2257d628c2, truy cập ngày 25/10/2021.

  1. Đinh Mạnh Tuấn, Vũ Thụy Trang (2020), Thực thi quy định về sở hữu trí tuệ trong EVFTA: Góc nhìn từ phía doanh nghiệp châu Âu và một số vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/819650/thuc-thi-quy-dinh-ve-so-huu-tri-tue-trong-evfta--goc-nhin-tu-phia-doanh-nghiep-chau-au-va-mot-so-van-de-dat-ra-doi-voi--doanh-nghiep-viet-nam.aspx, truy cập ngày 25/10/2021.
  2. Sách Trắng 2020: Tình trạng xâm phạm quyền SHTT trực tuyến có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát, https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/sach-trang-2020-tinh-trang-xam-pham-quyen-shtt-truc-tuyen-co-nguy-co-vuot-khoi-tam-kiem-soat/20200729085822590p1c785.htm, truy cập ngày 25/10/2021.
  3. Nguyễn Như Quỳnh (2021), Cơ chế hết quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định Trips và một số gợi ý cho các quốc gia thành viên WTO, http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207920, truy cập ngày 25/10/2021.
  4. Bộ Công Thương, Giới thiệu chung về Hiệp định EVFTA và IPA, http://evfta.moit.gov.vn/?page=overview&category_id=fb203c7b-54d6-4af7-85ca-c51f227881dd, truy cập ngày 25/10/2021.
  5. Xem Trung tâm WTO và Hội nhập (2020), Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và tác động đối với kinh tế Việt Nam, Ưu đãi của các FTA thế hệ mới và vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam, https://trungtamwto.vn/an-pham/15709-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-the-he-moi-va-tac-dong-doi-voi-kinh-te-viet-nam, https://trungtamwto.vn/su-kien/14088-uu-dai-cua-cac-fta-the-he-moi-va-van-de-dat-ra-doi-voi-doanh-nghiep-viet-nam, truy cập ngày 25/10/2021; Nguyễn Sơn (2021), Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/821753/hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-the-he-moi-thuc-day-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-cua-viet-nam.aspx, truy cập ngày 25/10/2021; Trần Thị Hồng Minh, Nguyễn Anh Dương, Đỗ Thị Lê Mai, Nguyễn Thị Phương Loan, Phạm Thiên Hoàng (2021), Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam, NXB Dân Trí, tr.37 - 42.
  6. Xem Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, https://nghean.dcs.vn/vi-vn/tin/nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-tinh-nghe-an-lan-thu-xix--nhiem-ky-2020-2025/231047-698664-164154, truy cập ngày 25/10/2021.
  7. Tạp chí điện tử Tài chính (2019), Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh mới, https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/phat-trien-doanh-nghiep-nho-va-vua-trong-boi-canh-moi-302188.html, truy cập ngày 25/10/2021.
  8. Tố Uyên (2020), Mơ hồ về sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp khó tiến xa, https://thoibaotaichinhvietnam.vn/mo-ho-ve-so-huu-tri-tue-doanh-nghiep-kho-tien-xa-17921.html, truy cập ngày 25/10/2021.
  9. Minh Nhật (2021), Báo động đỏ tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, https://baovephapluat.vn/kinh-te/kinh-doanh-phap-luat/bao-dong-do-tinh-trang-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-114020.html, truy cập ngày 25/10/2021.
  10. Nguyễn Văn Luật (2020), Nhu cầu thành lập Tòa sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, http://www.lapphap.vn/Pages/TinTuc/210379/Nhu-cau-thanh-lap-Toa-so-huu-tri-tue-o-Viet-Nam.html, truy cập ngày 25/10/2021.

19, 20,. Minh Nhật (2021), Báo động đỏ tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, https://baovephapluat.vn/kinh-te/kinh-doanh-phap-luat/bao-dong-do-tinh-trang-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-114020.html, truy cập ngày 25/10/2021.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây