Phục nguyên câu đối Văn miếu Nghệ An

Thứ tư - 26/01/2022 04:21 0


 Xứ Nghệ là mảnh đất có truyền thống hiếu học cũng như truyền thống tôn vinh đạo học. Ngay sau khi triều Nguyễn thành lập, nhận thấy Nghệ An là mảnh đất địa linh, trải các triều đều có rất nhiều hiền tài đóng góp lớn lao cho sự phát triển của đất nước, vì vậy đến năm Gia Long thứ 3 (1804) triều đình đã cho xây dựng Văn miếu Nghệ An tại phía Đông thành, còn ở phía Tây là miếu Khải Thánh. Việc Gia Long hoàng đế sớm cho xây dựng văn miếu Nghệ An đã cho thấy được ý thức tôn vinh các bậc hiền tài có đủ năng lực học vấn và phẩm chất đạo đức, cũng như cổ xúy và nâng tầm của việc học tại địa phương của vị vua đầu triều Nguyễn. Mới đây, chúng tôi thu thập được một thông tin cực kỳ quý giá về người xây dựng Văn miếu Nghệ An đó chính là Sở Tín hầu Phạm Xuân Kính. Theo Gia phả họ Phạm Xuân ở thôn Phúc Duệ xã Liên Thành, huyện Yên Thành, thì ông Phạm Xuân Kính, còn có tên là Nhậm, theo phù chúa Nguyễn Phúc Ánh, lập được nhiều công trạng, được phong chức Chánh vệ úy, tước Sở Tín hầu, trật tòng tam phẩm. Khi Gia Long lên ngôi, ông được ngồi cùng thuyền rồng với nhà vua. Sau đó nhà vua cử ông về quê để xây dựng Văn miếu và quản lý việc làm đường. Thông tin này chưa được kiểm chứng từ chính sử hay một nguồn nào khác ngoài gia phả dòng họ Phạm Xuân. Tuy nhiên, nó vẫn có cơ sở và độ xác tín bởi Sở Tín hầu Phạm Xuân Kính là “cán bộ cao cấp” của triều Nguyễn lúc bấy giờ.

Mới đây, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần đã sưu tầm được một bức ảnh của Nhiếp ảnh gia Trần Đình Quán chụp tam quan Văn miếu Nghệ An vào năm 1932 (chính xác là mặt sau có bức thư đề năm 1932).

Trong bức ảnh quý giá này, chúng ta có thể nhìn rõ được khung cảnh của Văn miếu Nghệ An đầu thế kỷ 20, mà đặc biệt là những đối liên khắc trên tam quan Văn miếu. Thông thường, những câu đối tại các công trình tín ngưỡng thờ tự thường thể hiện rõ về công năng cũng như ý nghĩa của chính công trình đó. Chính vì vậy chúng tôi rất muốn phục nguyên lại toàn bộ những đối liên này tại Văn miếu Nghệ An. Nhưng vì bức ảnh đã cũ, chụp khá xa, độ phân giải lại không cao, nên chúng tôi chỉ đọc được trọn vẹn 2 câu, 1 câu còn lại, hiện vẫn chưa thể hoàn nguyên được.

Tuy nhiên, có 1 điều thú vị là, những câu đối tại tam quan Văn miếu Nghệ An lại có nhiều nét giống với Văn miếu Quốc tử giám. Chúng tôi xin cụ thể như sau:

Câu đối phía trên nóc tam quan. Hai chữ thiên địa và “cổ kim” vẫn còn rất rõ, còn hai chữ phía trên đã không còn có thể nhận ra được, nhưng theo văn cảnh, thì khả năng cao sẽ là:

德配天地

道貫古今

Đức phối thiên địa

Đạo quán cổ kim

(Đức sánh trời đất

Đạo thấu xưa nay)

Ở Văn miếu Quốc tử giám, cũng có một câu đối dài hơn, nhưng nội dung cũng tương tự:

綱常棟榦存天地

道德宮墻自古今

Cương thường đống cán tồn

THIÊN ĐỊA ĐẠO ĐỨC cung tường tự CỔ KIM

(Rường cột cương thường còn mãi với trời đất

Móng nền đạo đức vốn có từ xưa nay)

Câu đối bên dưới, chính giữa:

天地生而天地主

帝王道有帝王師

Thiên địa sinh nhi thiên địa chủ

Đế vương đạo hữu đế vương sư

(Sinh ra bởi trời đất, mà lại làm chủ trời đất

Đạo của bậc đế vương, mà lại làm thầy đế vương)

Câu đối trên đây rất giống với 1 câu đối tại Văn miếu Quốc tử giám do 1 vị quan rất nổi tiếng bấy giờ giữ chức Binh bộ Thượng thư kiêm Hà Ninh Tổng đốc (tương đương chức Bộ trưởng bộ Quốc phòng kiêm Chủ tịch UBND Hà Nội - Ninh Bình) là Lê Đỉnh (1840 -1933) soạn văn, trải qua hơn trăm năm mà nay vẫn còn nguyên tươi nét chữ:

一源磅礡周流天地所生天地小

萬代褒封尊敬帝王而後帝王師

Nhất nguyên bàng bạc chu lưu, THIÊN ĐỊA sở SINH THIÊN ĐỊA tiểu

Vạn đại bao phong tôn kính, ĐẾ VƯƠNG nhi hậu ĐẾ VƯƠNG SƯ

(Một nguồn tuôn chảy bao la, sinh bởi trời đất nhưng chỉ nhỏ hơn trời đất

Muôn đời tặng phong tôn kính, sau bậc đế vương nhưng lại làm thầy đế vương)


Văn miếu Nghệ An     Ảnh: Trần Đình Quán; Sưu tầm: Phạm Xuân Cần

Câu đối phía dưới, 2 bên:

Câu này quá mờ để có thể nhận ra mặt chữ. Chúng tôi đã phải dùng đến kĩ thuật tăng độ phân giải và độ nét trên photoshop, nhưng cũng chỉ đọc được vài chữ:

東西南北 [?] [?] [?]

[?] [?] [?] [?]入有門

Đông Tây Nam Bắc ???

???? nhập hữu mô

Chữ thứ 5 vế trái là chữ 入 nhập (vào) thì có lẽ chữ thứ 5 vế phải là 開 khai (mở). Nhưng về tự dạng chỉ thấy giống chữ 門 môn (cửa) chứ ko thấy dc chữ Khai 开 nằm bên trong chữ Môn 門.

Vế phải là Đông Tây Nam Bắc là tứ hướng, thì ắt hẳn vế bên kia cũng phải là những chữ thuộc bộ tứ thời như: xuân hạ thu đông, hay tứ quý tùng trúc cúc mai, ... nhưng dù nhìn kĩ vẫn ko thấy giống. Nên chúng tôi chưa thể phục nguyên lại câu đối này.

Tại Văn miếu Quốc Tử Giám có câu đối với câu chữ tương tự, cụ thể:

東西南北由斯道

公卿夫士出此途

ĐÔNG TÂY NAM BẮC do tư đạo

Công khanh phu sĩ xuất thử đồ

(Khắp mọi nơi: Đông, Tây, Nam, Bắc đều theo đạo [Nho] này.

Các tầng lớp: công (hầu), khanh (tướng), sĩ phu, (kẻ) sĩ đều xuất thân từ con đường này).

Văn miếu Nghệ An nhìn từ mặt trước    Ảnh: Trần Đình Quán; Sưu tầm: Phạm Xuân Cần

Nghệ An là mảnh đất có truyền thống khoa bảng Nho học, chính vì vậy việc vua Gia Long sớm cho xây dựng văn miếu cũng là điều dễ hiểu. Dưới văn miếu Nghệ An, một loạt các văn miếu cấp huyện, và dưới huyện cũng đã được xây dựng (hoặc trùng tu) khắp nhiều nơi trên địa bàn toàn xứ, như: Văn miếu phủ Hưng Nguyên ở thôn Lãng, tổng Thông Lãng (trước ở thôn Chính Đích, tổng Đô Yên, năm Tự Đức thứ 6 dời tới Thông Lãng); Văn miếu phủ Anh Sơn ở xã Thanh Lưu, tổng Đô Lương; Văn miếu huyện Nam Đàn ở xã Diên Lãm tổng Xuân Liễu; Văn miếu huyện Thanh Chương ở xã Lương Trường tổng Bích Triều; Văn miếu  huyện Nghi Lộc ở 2 xã Kim Nguyên - Cẩm Trường; Văn miếu huyện Quỳnh Lưu ở thôn Quỳnh Đôi tổng Phú Hậu; đặc biệt là ở vùng miền núi sâu xa thì Văn miếu cũng được xây dựng từ sớm để đôn đốc việc học như Văn miếu phủ Quỳ Châu ở sách Nghĩa Liệt tổng Thạch Khê,...

Bên cạnh Văn miếu cấp phủ thì Văn chỉ, Văn hội tại các xã thôn trong địa bàn cũng rất nhiều, như: Văn hội thôn Lý Nhân (xã Tiên Lý, tổng Lý Trai, huyện Đông Thành), Văn hội xã Hoàng Xá (thôn Ngọc Biện, xã Hoàng Xá, tổng Quỳ Xá, huyện Đông Thành), Văn chỉ thôn Vân Tập (xã Quỳ Xá, tổng Quỳ Xá, huyện Đông Thành, Văn chỉ thôn Hội Tâm (xã Yên Lăng, tổng Vân Tụ, huyện Yên Thành), Văn chỉ xã Yên Lăng (tổng Vân Tụ, huyện Yên Thành)... Nghệ An là đất học, nên việc xây dựng văn miếu để tôn vinh đạo học là một điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, các văn thân, Nho sĩ, quan viên, chức mục của địa phương cũng đã không ngừng tạo dựng nên phong trào hiếu học, yêu văn chương, chuộng lễ nghĩa. Ngay cả tên địa danh tại đây như Nho Lâm, Linh Kiệt, Bút Điền, Bút Trận, Văn Hiếu, Xuân Nho, Văn Tập cũng cho chúng ta thấy được tinh thần đề cao học vấn và khoa bảng của bao thế hệ người dân xứ Nghệ.

Tuy nhiên, một biến cố lớn trong lịch sử dân tộc đã làm ảnh hưởng rất nặng nề tới tất cả mọi mặt trong đời sống xã hội nước ta cuối thế kỷ 19 đó là sự kiện kinh đô thất thủ năm Ất Dậu (1885), vua Hàm Nghi xuất bôn, thảo chiếu Cần vương kêu gọi văn thân sĩ phu đứng lên chống giặc. Việc này đã làm Thực dân Pháp điên cuồng đốt phá, bắn giết tùy ý, khắp nơi đâu đâu cũng có cảnh khói lửa hoang tàn. Sự việc này đều được một số Nho sĩ bấy giờ ghi lại rất rõ. Tiến sĩ khoa Giáp Thân là Dương Thúc Hạp trong văn bia Bản xã trùng tu thần miếu bi văn (xã Đông Tháp, tổng Lý Trai, huyện Đông Thành) cho biết: Mùa hè năm Ất Dậu niên hiệu Hàm Nghi, kinh thành biến động, khắp các nơi vì đó mà loạn lạc, không nơi nào là không thành chiến trường khói lửa. Văn bia Quỳnh Lưu huyện trùng tu từ vũ bi ký (xã Quỳnh Đôi) cho biết thêm: mùa đông năm Ất Dậu gặp cơn binh biến, đền chùa miếu mạo đều cháy tan tành... Trải qua thời gian cùng những thăng trầm lịch sử mà đặc biệt là cuộc xung đột quân sự Pháp Việt, cho tới giữa thế kỷ 20, nhiều văn miếu đã bị hủy hoại gần như hoàn toàn, trong đó có Văn miếu Nghệ An.

Văn miếu Nghệ An có từ thời Lê, được xây dựng gần với lị sở Nghệ An (khi đó là vùng Hưng Nguyên). Sang thời Nguyễn, lị sở chuyển về Vinh (ngày nay) thì Văn miếu được xây dựng ở phía Đông tỉnh thành, còn phía Tây tỉnh thành là miếu Khải thánh thờ bố mẹ của Khổng Tử được xây dựng vào niên hiệu Gia Long thứ 3 (1804). Như vậy, Văn miếu này khi xây dựng là Văn miếu chung của toàn bộ trấn Nghệ An, bao gồm 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sau này (Năm 1831 mới tách phần đất phía Nam sông Lam ra khỏi Nghệ An để đặt thành 1 tỉnh mới tên là tỉnh Hà Tĩnh). Như vậy, Văn miếu này phải gọi đúng là Văn miếu Nghệ An bởi thời điểm xây dựng năm 1804 chưa có tên gọi Vinh.

Những câu đối tại tam quan Văn miếu Nghệ An như trong bức ảnh chụp của Nhiếp ảnh gia Trần Đình Quán, có nhiều câu chữ giống với hệ thống câu đối tại Văn miếu Quốc tử giám. Tuy nhiên, khi đặt những câu đối đó tại Văn miếu Nghệ An thì chỉ có nội dung chung chung về Nho học, mà không có tính riêng để khu biệt vùng miền, khiến chúng ta không thể phân biệt được đây là văn miếu ở Nghệ An hay ở một địa phương nào khác (nếu như không có ghi chú cụ thể).

Nhìn bức ảnh tam quan này cũng như một số bức ảnh khác, chúng ta thấy Văn miếu Nghệ An có kiến trúc không đẹp cũng không hoành tráng, và cũng không đặc sắc nổi trội về thiết kế. Nếu đem so với một số kiến trúc khác tại Nghệ An và Hà Tĩnh như Cương Quốc công từ (Nghi Lộc), Đệ Nhất linh từ (Diễn Châu), Đền Nen (Thạch Hà), Liêm Quận công từ (Yên Thành), phủ Đăng Cao (Thanh Chương)... rõ ràng Văn miếu Nghệ An không thể bằng được.

Hiện nay, Văn Miếu Nghệ An hiện chỉ còn sót lại một ngôi Hậu cung cột gỗ nằm trong khuôn viên của Công ty cổ phần in Nghệ An có địa chỉ số 216 đường Trần Phú, phường Hồng Sơn, thành phố Vinh. Tháng 1/2004, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, tỷ lệ 1/500. Đến tháng 5/2004 UBND tỉnh có Quyết định số 2056 cho phép thành lập dự án đầu tư xây dựng công trình, tổng mức đầu tư 196 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, đã hơn 16 năm trôi qua, dự án vẫn chưa được triển khai. Theo báo cáo của UBND TP. Vinh, dự án bị đình trệ do vướng khâu giải phóng mặt bằng và bài toán kinh phí.

Vừa qua, có một số ý kiến đề xuất tái khởi động dự án, và nhận được sự tán đồng của lãnh đạo ngành văn hóa và lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề của đại dịch Covid, kéo theo khó khăn nhiều mặt trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Chính vì vậy mà nguồn lực kinh tế nên ưu tiên một số ngành mang tính chất cấp thiếp hơn. Hơn nữa, Văn miếu có nghĩa là Văn Tuyên vương miếu, tức miếu thờ Văn tuyên vương, mà Văn Tuyên vương chính là Khổng Tử. Chính vì vậy, sẽ không thể có chuyện xây dựng hay phục dựng Văn miếu mà lại không đưa Khổng Tử vào thờ phụng. Đã xây là phải thờ, không thờ thì không xây. Hiện nay, chùa vẫn được xây dựng thêm, vì Phật tử ngày càng đông; nhà thờ Công giáo cũng tương tự vì giáo dân ngày càng nhiều; nhưng đạo Nho đã cáo chung và tầng lớp Nho sĩ đã không còn, thì xây dựng hay phục hồi Văn miếu cũng chưa phải là điều cấp thiết.



Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây