Thần tích làng Xuân Am

Thứ bảy - 28/08/2021 05:21 0

THÁI HUY BÍCH

Trong di sản Hán Nôm ở Đền Hoàng Mười xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên có bản thần tích làng Xuân Am, về Ngài Nguyễn Duy Lạc. Kèm theo bản chữ Hán là bản phiên âm và dịch nghĩa của bà Vũ Lan Anh (Viện Nghiên cứu hán Nôm), đề ngày 06/6/1966, tại Hà Nội. Bản dịch này đã được nhiều người trích dẫn để viết sách, báo. Bản dịch đó có những sai sót trầm trọng. Chẳng hạn Ngài đi dẹp giặc ở Thuận Quảng (tức Quảng Trị- Thừa Thiên Huế) thì dịch là “đi dẹp giặc Bình Thuận và Quảng Ngãi”. Ngài được phong hàm Phi kỵ tướng quân, cai quản cơ Tả,  dịch nhầm là “Ngài có tài cưỡi ngựa như bay, bao giờ cũng tiến công địch từ cánh trái”. Sau khi Ngài mất được phong thần hiệu Tuấn  sảng Siêu loại Hiến đức Đại Vương thì dịch nhầm là “gia phong thêm vì có nhiều công trạng là: Tuấn sảng Siêu loại Hiến đức Đại Vương”, v.v..

Upload

 Để tỏ lòng tôn kính Ngài tôi xin dịch nghĩa và chú thích từ khó hiểu, để hậu thế khỏi hiểu sai.

1. In sao chữ Hán

春庵村神跡

俊爽超類顯德大王

大王姓阮字維樂志蘊韜畧才善武藝佐黎朝鄭主爲都指揮使欽命而勦除順廣狂冦隨統領官欽(1)差各道方能用力襲見賊徒奉陞一次都指揮使僉職飛騎將軍該左奇進討狂冦于香山縣循礼社备力破陣奉陞都指揮使僉明毅將君軍又進討于宜春縣天祿华園啟蒙芙畱等备力大破賊徒奉併加功左校點職爵受武勳將軍再奉侍日久累朝征伐功績頗多奉旨准推恩陞署衛(2)職爵爲特進輔國上将軍錦衣衛署衛安奉侍颇有忠勤奉准陞爲特進輔國神武衛軍務參督 失(3)祿加封豊功俊爽超類顯德大王該左勝軍营正前號爲本鎭守防禦邊陲  其元命生於戍午年壽八十二歲謝世於己卯年二月十二日發許本村錢一百貫田二畆人人皆喂威慕德仰尊爲后神奉事廟內故神主稱曰前左勝軍营正前號特進輔國上将軍錦衣衛署衛加封翊保中興靈扶尊神

 2.Phiên âm

          Xuân Am thôn thần tích

          Tuấn sảng Siêu loại Hiển đức Đại Vương.

Đại Vương tính Nguyễn, tự Duy Lạc, chí uẩn thao lược, tài thiện vũ nghệ, tá Lê triều - Trịnh Chúa, vi Đô chỉ huy sứ. Khâm mệnh nhi tiểu trừ Thuận - Quảng cuồng khấu, tùy Thống lĩnh quan Khâm  sai các đạo, phương năng dụng lực tập kiến tặc đồ, phụng thăng nhất thứ Đô chỉ huy sứ thiêm chức, Phi kỵ tướng quân, cai trung Tả cơ, tiến thảo cuồng khấu vu Hương Sơn huyện, Tuần Lễ xã, bị lực phá trận, phụng thăng Đô chỉ huy sứ thiêm, Minh nghị tướng quân. Hựu tiến thảo vu Nghi Xuân huyện, Thiên Lộc, Hoa Viên, Khải Mông, Phù Lưu đẳng trận, tiên đăng bị lực, đại phá tắc đồ, phụng tính gia công Tả hiệu điểm chức tước thụ Võ huân tướng quân, tái phụng thị nhật cửu lũy triều chinh phạt công tích phả đa, phụng chỉ chuẩn ân thăng Thự vệ chức tước vi  Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm Y vệ Thự vệ, an phụng thị phả hữu trung cần, phụng chuẩn thăng vi Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Thần Vũ vệ quân vụ sự Tham độc. Thất lộc, gia phong Phong công Tuấn Sảng Siêu Loại Hiển Đức Đại Vương, cai Tả  Thắng Quân doanh Chính Tiền hiệu vi bản Trấn thủ phòng ngự biên thùy.

Kỳ nguyên mệnh sinh ư Mậu Ngọ niên, thọ bát thập nhị tuế, tạ thế ư Kỷ Mão niên nhị nguyệt thập nhị nhật. Phát hứa bản thôn tiền nhất bách quán, điền nhị mẫu. Nhân nhân giai úy uy, mộ đức ngưỡng tôn vi Hậu thần, phụng sự miếu nội. Cố thần chủ xưng viết: “Tiền Tả Thắng Quân doanh Chính Tiền hiệu Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân Cẩm Y vệ Thự vệ gia phong Dực bảo Trung hưng Linh phù Tôn thần”

 3.Dịch nghĩa

Đại Vương họ Nguyễn, tự Duy Lạc. Chí mạnh thao lược, tài giỏi võ nghệ. Phò tá triều Vua Lê- Chúa Trịnh, giữ chức Đô chỉ huy sứ (1). Được lệnh đi dẹp loạn ở vùng Thuận- Quảng (2), Ngài lập được chiến công, được thăng Đô chỉ huy sứ, hàm Phi kỵ tướng quân (3); cai quản cơ Tả, tiến đánh giặc ở xã Tuần Lễ, huyện Hương Sơn, phá vỡ thế trận của địch, được thăng Đô chỉ huy sứ, hàm Minh nghị tướng quân (4). Với các trận đánh ở Nghi Xuân, Thiên Lộc, Hoa Viên, Khải Mông, Phù Lưu, Ngài chỉ huy quân nhanh chóng xông lên đánh tan quân giặc, được thăng chức Tả hiệu điểm (5), hàm  Võ huân tướng quân (6). Đánh giá công lao của Ngài trong thời gian dài đánh giặc và phụng sự nhiều triều Vua là rất to lớn, Triều đình thăng chức Thự vệ (7), hàm Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân (8). Nhờ đức trung thành và cần mẫn, Ngài được thăng chức Tham đốc (9) vệ Thần Vũ, hàm  Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân.

Sau khi tạ thế được gia phong Tuấn Sảng Siêu Loại Hiển Đức Đại Vương (10), cai quản doanh Tả Thắng Quân, chính tiền hiệu là trấn thủ biên thùy bản trấn (11). Ngài sinh năm Mậu Ngọ (1618)(12). Mất ngày 12 tháng 2 năm Kỷ Mão (1699). Trước khi mất, Ngài cúng cho làng 100 quan tiền và 2 mẫu ruộng. Nhân dân sợ uy, mến đức của Ngài tôn làm Hậu thần và phụng thờ quanh năm. Thần chủ của Ngài trong đền: “Tiền Tả Thắng Quân doanh Chánh tiền hiệu Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm Y vệ Thự vệ, gia phong Dực bảo Trung hưng Linh phù tôn thần”.

Upload

Toàn văn bản sao thần tích làng Xuân Am lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội

4. Chú thích:

I.Phần chữ Hán

1/ Bản gốc chép nhầm là phân sai (分差)

2/ Bản gốc chép nhầm là vệ thự (署)

3/ Bản gốc chép nhầm là thuần lộc (淳祿)

  1. Phần dịch nghĩa

1/ Đô chỉ huy sứ: Chỉ huy trưởng quân sự một trấn (tỉnh)

2/ Thuận- Quảng: nay là Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

3,4,6/ Phi kỵ tướng quân; Minh nghị tướng quân; Võ huân tướng quân đều là hàm quan võ. Trong đó Võ huân tướng quân trật Tòng nhị phẩm

5/ Tả hiệu điểm là chức vụ chỉ huy quân Cấm vệ, bảo vệ Vua Chúa

7/ Thự vệ là chức vụ quan đại thần hàng Nhất phẩm

8/ Hàm Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân: Chánh nhất phẩm.

9/ Tham đốc là chức vụ chỉ huy một vệ quân, cấp phó của Đề đốc.

10/ Dưới triều Lê và Nguyễn Quang Trung, tất cả các thần đều được phong Đại Vương, không kể sinh thời chức vụ gì. Chỉ đến triều Nguyễn mới phân cấp thần thành Thượng đẳng, Trung đẳng, hạ đẳng thần.

11/ Bản trấn ở đây chỉ trấn Nghệ An, gồm Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay.

12/ Cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài 45 năm, từ 1627-1672. Năm 1648, Trinh Tráng đêm quân đánh quân Chúa Nguyễn lần thứ 4, lúc này Trịnh Tạc đã được phong Khâm sai tiết chế. Có thể Ngài được tham gia trận này và các trận đánh ở huyện Hương Sơn và huyện Nghi Xuân vào các năm 1655-1660. Ngài sinh năm Mậu Ngọ, năm dương lịch là 1618, thời gian đó ở độ tuổi 38-44.                                                       

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây